Tài liệu hướng dẫn soạn bài Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong chương trình Ngữ văn lớp 7 được Đọc Tài Liệu biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh nắm chắc kiến thức trong bài và hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 95, 96 SGK Ngữ văn 7 tập 1.
Ý nghĩa bài thơ Bánh trôi nước cho thấy Hồ Xuân Hương rất trân trọng vẻ đẹp cũng như phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, vừa cảm thương sâu sắc cho thân phận chìm nổi của họ.
Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
- Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), quê ở Nghệ An, là nhà thơ tài hoa, độc đáo nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam
- Được mệnh danh là bà chúa thơ Nôm
2. Tác phẩm
- Bánh trôi nước là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương
- Nội dung chính: Thông qua hình ảnh bánh trôi nước để phản ánh thân phận và phẩm chất người phụ nữ trong xã hội cũ, trân trọng vẻ đẹp của họ, cảm thông cho số phận của họ.
- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
- Bố cục: Chia làm 2 phần
+ Hai câu đầu: Hình ảnh bánh trôi nước
+ Hai câu cuối: Nhan sắc, thân phận và phẩm chất của người phụ nữ qua hình ảnh bánh trôi nước.
Soạn bài Bánh trôi nước chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Bánh trôi nước trang 95, 96 SGK Ngữ văn 7 tập 1.
Đọc - hiểu
1 - Trang 95 SGK
Bài thơ Bánh trôi nước thuộc thể thơ gì? Vì sao lại xác định như vậy?
Trả lời
Bài Bánh trôi nước thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Vì bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ, hiệp vần ở chữ cuối câu 1, câu 2 và câu 4.
2 - Trang 95 SGK
Nghĩa thứ nhất của bài thơ thuộc về nội dung miêu tả bánh trôi nước khi đang được luộc chín. Nghĩa thứ 2 thuộc về nội dung phản ánh vẻ đẹp, phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Từ sự gợi ý trên em hãy trả lời các câu hỏi sau:
a. Với nghĩa thứ nhất, bánh trôi nước được miêu tả như thế nào?
b. Với nghĩa thứ hai vẻ đẹp phẩm chất cao quý và thân phận chìm nổi của người phụ nữ được gợi lên như thế nào?
c. Trong hai nghĩa, nghĩa nào quyết định giá trị bài thơ? Vì sao?
Trả lời
a) Với nghĩa thứ nhất, bánh trôi nước đã được miêu tả như một vật thể có màu trắng của bột, hình dạng viên tròn, nếu nhào bột mà nhiều nước quá thì nát (nhão), ít nuớc quá thì rắn (cứng). Khi luộc trong nước sôi, bánh chín thì nổi lên, bánh chưa chín thì còn chìm xuống.
b) Với nghĩa thứ hai, người phụ nữ được gợi lên qua một số nét:
- Hình thể: trắng, đẹp
- Phẩm chất: không bị cảnh ngộ chi phối, luôn giữ lòng son sắt, thủy chung
- Thân phận: chìm nổi bấp bênh giữa cuộc đời.
c. Trong hai nghĩa này, nghĩa thứ hai là nghĩa chính. Nghĩa trước là phương tiện để nhà thơ chuyển tải nghĩa thứ hai. Nhờ có nghĩa thứ hai mà bài thơ mới có giá trị tư tưởng.
Xem ngay bài văn mẫu: Phân tích vẻ đẹp của người phụ nữ qua bài Bánh trôi nước
Soạn bài Bánh trôi nước phần Luyện tập
Câu hỏi: Hãy ghi lại những câu hát than thân đã được học ở bài 4 bắt đầu bằng hai chữ Thân em. Từ đó, tìm mối liên quan trong cảm xúc giữa hai bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với các câu hát than thân thuộc ca dao, dân ca.
Trả lời
Câu ca dao "Thân em ...":
- "Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu"
- "Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"
Mối liên hệ: tác phẩm Bánh trôi nước và các bài ca dao bắt đầu bằng thân em, đều cho thấy số phận bấp bênh, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ không có quyền tự quyết định số phận của mình.
Tổng kết
- Với ngôn ngữ bình dị, bài thơ Bánh trôi nước cho thấy Hồ Xuân Hương vừa rất trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, vừa cảm thương sâu sắc cho thân phận chìm nổi của họ.
-/-
Trên đây là hướng dẫn soạn bài Bánh trôi nước lớp 7 chi tiết theo phần đọc - hiểu và luyện tập của sách giáo khoa. Các em cũng đừng bỏ qua nội dung tuyển chọn soạn văn 7 cả năm học để chuẩn bị và ôn tập kiến thức tốt nhất nhé!
Xem thêm: