Trang chủ

Tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối

Xuất bản: 13/08/2019

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối trang 50 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn nhắc lại các nội dung lý thuyết bài văn tả cây cối cùng hướng dẫn làm bài tập SGK

Soạn bài Tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối trang 50 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn với nội dung lý thuyết cần lưu ý khi làm bài văn tả cây cối lớp 4. Cùng với đó là phần gợi ý cho các em học sinh làm bài tập trang 50, 51 SGK Tiếng Việt 4 tập 2.


Kiến thức cần nhớ

Lưu ý khi miêu tả các bộ phận của cây cối lớp 4

- Lựa chọn bộ phận cây muốn miêu tả.
- Quan sát, lựa chọn những chi tiết tiêu biểu.
- Viết thành đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.

Gợi ý làm bài tập SGK

Câu 1 (trang 50 sgk Tiếng Việt 4): Đọc một số đoạn văn: "Hoa sầu đâu", "Quả cà chua" và nêu nhận xét về cách miêu tả của tác giả.

a)

HOA SẦU ĐÂU

Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bè, lấm tấm mấy chấm đen nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu là tôi cảm thấy thoang thoảng đâu đây một mũi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc. Mùi thơm huyền diệu dó hòa với mùi của đất ruộng cày vỡ ra, mùi đậu đã già mà người nông phu hái về phơi nắng, mùi mạ đã lên sớm xanh màu hoa lí, mùi khoai sắn, mùi rau cần ở các ruộng xâm xấp nước đưa lên... Bao nhiêu thứ đó, bấy nhiêu thương yêu, khiến người ta cảm thấy như ngây ngất như say say một thứ men gì.

Theo Vũ Bằng

Đọc thêm: 

HOA MAI VÀNG

Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phô hồng mà ngời xanh màu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh hoa mai xòe ra mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc vàng muốt, mượt mà. Một mùi thơm lựng như nếp hương phảng phất bay ra. Hoa mai trổ từng chùm thưa thớt, không đơm đặc như hoa đào. Nhưng cành mai uyển chuyển hơn cành đào. Vì thế, khi cành mai rung rinh cười với gió xuân, ta liên tưởng đến hình ảnh một đàn bướm vàng rập rờn bay lượn.

Theo “Mùa xuân và phong tục Việt Nam”

b)

QUẢ CÀ CHUA

Đêm huyền diệu đã rủ hoa cà chua lặn theo vòng thời gian chuyển vần. Hoa biến đi để cây tạo ra những chùm quả nõn chung màu với cây với lá.

Cà chua ra quả, sum sê, chi chít, quả lớn quả bé vui mắt như đàn gà mẹ đông con. Quả một, quả chùm, quả sinh đôi, quả chùm ba, chùm bốn. Quả ở thân, quả leo nghịch ngợm lên ngọn và làm ỏe cả những nhánh to nhất.

Nắng đến tạo vị thơm vị mát tụ dần trong quả. Mỗi quả cà chua chín là một mặt trờ nhỏ hiển dịu. Cà chua thắp đèn lồng trong lùm cây nhỏ bé, gọi người đến hái. Màu đỏ là màu nhận ra sớm nhất. Những quả cà chua đầu mùa gieo sự náo nức cho mọi người.

Theo Ngô Văn Phú

Đọc thêm:

TRÁI VẢI TIẾN VUA

Trái vải tiến vua chỉ nhỉnh hơn cái chén hạt mít dùng để pha trà tàu một chút. Vỏ của nó không đỏ mà ong óng một màu nâu, nhẵn lì chứ không có gai gồ ghề. Khi bóc vỏ ra rồi thì không có nước tèm lem, mà hột thì chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út. Cùi vải dày như cùi dừa nhưng không trắng bạch mà trắng ngà. Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt.

Theo Vũ Bằng

Gợi ý trả lời:

a/ Đoạn tả hoa sầu đâu: Tả cả chùm không tả từng bông riêng lẻ. Tả mùi thơm đặc biệt của hoa bằng hình thức so sánh với hương cau, hương hoa mộc. Dùng từ ngữ hình ảnh để bộc lộ cảm xúc.

Đọc thêm - Hoa mai vàng: Tác giả so sánh hoa mai với hoa đào. Sau đó tác giả tả nụ mai và hoa mai khi bung sắc. Tác giả dùng biện pháp so sánh là chủ yếu để người đọc hình dung ra hoa mai.

b/ Đoạn tả quả cà chua: Chọn thời điểm từ khi hoa rụng, kết trái cho đến lúc trưởng thành rồi quả chín. Khi tả, tác giả sử dụng cách so sánh và nhân hóa làm cho lời văn vừa cụ thể vừa sinh động.

Đọc thêm - Trái vải tiến vua: Tác giả miêu tả trái vải từ hình dáng bên ngoài tới bên trong. Sau đó là quá trình thưởng thức, hương vị của trái vải tiến vua làm kích thích vị giác người đọc.

Câu 2 (trang 51 sgk Tiếng Việt 4): Viết một đoạn văn tả một loài hoa hoặc một thứ quả mà em yêu thích.

Gợi ý trả lời

Lưu ý khi tả một loài hoa hoặc một thứ quả:

- Con quan sát cây muốn tả và chọn ra những chi tiết tiêu biểu.

- Sắp xếp các chi tiết ấy theo một trình tự hợp lí.

- Viết thành bài văn trong đó có sử dụng các từ ngữ sinh động, các hình ảnh so sánh gợi hình gợi cảm hoặc.

Bài làm tham khảo

Đề bài: Tả cây hoa cúc trắng.

Ai cũng nghĩ bông cúc thì phải có màu vàng. Đúng như thế. Song chỉ có vậy, hóa ra loài cúc đơn điệu về màu sắc thế ư. Không! Vườn nhà tôi có loài cúc trắng. Nó không chỉ nở về mùa thu không thôi mà suốt quanh năm, cúc trắng vườn tôi cứ đơm bông khoe sắc với trời đất, vẫn nở nụ cười chúm chím lúc rạng đông, rồi cười tươi một cách hồn nhiên đón nắng mai vàng khi ông mặt trời lên cao rực rỡ. Cũng giông hệt như hoa cúc vàng, vẻ đẹp của cúc trắng chẳng kém phần lộng lẫy, lại còn thêm vẻ trinh trắng kiêu sa hơn cúc vàng một bậc. Cũng những cánh hoa nhỏ li ti, cũng hương thơm thoang thoảng dịu dàng, vậy mà tôi thích nó nhiều hơn cúc vàng đấy. Cúc mọc thành từng khóm, thân cây chi chít chen chúc nhau như muốn đứng tựa vào nhau bởi thân mềm, mảnh mai như cành liễu. Lá mọc thành từng chùm xòe ra như những bàn tay. Hình lá nhỏ cong cong, mềm mại mọc so le nhưng rất dày. Lá cúc xanh quanh năm một màu xanh dìu dịu. Còn bông thì nở theo từng tháng, mỗi đợt dễ đến nửa tháng hoa mới tàn. Vài ngày sau đó lại bắt đầu thấy lứa khác điểm nụ. Quanh năm dường như lúc nào cũng thấy có bông ở đầu cành.

>>Xem thêm:

***

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối trang 50 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết để chia sẻ phía trên, hi vọng các em học sinh tham khảo và vận dụng vào những bài văn miêu tả cây cối của mình để có những bài văn hay, đạt điểm cao.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM