Trang chủ

Soạn lịch sử 7 bài 19 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 14/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn lịch sử 7 bài 19 Chân trời sáng tạo : Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 81 - 85 SGK Lịch sử 7 CTST

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn sử 7 Chân trời sáng tạo Bài 19: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), giúp các em chuẩn bị bài học trước khi đến lớp một cách đầy đủ nhất.

Soạn lịch sử lớp 7 bài 19 Chân trời sáng tạo

Tài liệu giải bài tập lịch sử 7 bài 19 Chân trời sáng tạo chi tiết:

Mở đầu bài học

Ta đây:

Núi Lam Sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình

Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống

Những câu thơ trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đưa chúng ta về vùng rừng núi Lam Sơn hiểm trở, phía tây tỉnh Thanh Hoá ngày nay, bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng của dân tộc vào thế kỉ XV.

1. Một số sự kiện tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Câu hỏi 1 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Vì sao anh hùng hào kiệt khắp nơi tụ về Lam Sơn? Mục đích của họ là gì? Đọc thêm tư liệu 19.2 cho câu trả lời của em.

Trả lời:

Hào kiệt khắp nơi tìm về Lam Sơn hội tụ dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi là vì:

- Sau khi chiếm được nước ta, nhà Minh thiết lập bộ máy cai trị, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của ta. Lê Lợi, một hào trưởng vùng Lam Sơn đã tích trữ lương thực, vũ khí chờ đợi thời cơ khởi nghĩa và bí mật tập hợp những người cùng chí hướng. Đông đảo anh hùng hào kiệt đã tụ nghĩa về Lam Sơn.

- Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, không chịu khuất phục, lầm than nô lệ

- Lê Lợi là người yêu nước, giàu lòng nhân nghĩa, có chí khí,...

Mục đích của họ là “nguyện một lòng cứu nước, chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước để trong cõi được sống yên lành”, khởi nghĩa chống lại quân Minh, giành lại độc lập cho đất nước.

Câu hỏi 2 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Trình bày những khó khăn của khởi nghĩa Lam Sơn trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa.

Trả lời:

Những khó khăn của khởi nghĩa Lam Sơn trong những năm đầu của cuộc khởi nghĩa:

- Chịu nhiều tổn thất nặng nề. Ba lần Lê Lợi phải rút quân lên vùng núi Chí Linh (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa).

- Có lúc, lực lượng nghĩa quân chỉ còn 100 người

- Giữa năm 1418, quân Minh vây ráp, tình thế nguy khốn, Lê Lai đã giả trang thành Lê Lợi để nhử địch, hi sinh thân mình cứu chủ khỏi việc bị truy sát, giải vây cho cuộc khởi nghĩa.

- Nghĩa quân phải tạm hòa với quân Minh.

Câu hỏi 3 trang 82 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Khai thác tư liệu 19.3 và cho biết tại sao Nguyễn Chích đề xuất kế hoạch chuyển địa bàn hoạt động chính của nghĩa quân vào Nghệ An? Kế hoạch đó đem lại kết quả như thế nào?

Trả lời:

* Nguyễn Chích đề xuất kế hoạch chuyển địa bàn hoạt động chính của nghĩa quân vào Nghệ An vì:

- Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông…

- Dùng Nghệ An làm đất dừng chân, dựa vào sức người, của cải ấy để đánh Đông Đô thì có thể giành thắng lợi, dẹp yên thiên hạ.

* Kế hoạch đó đem lại kết quả:

- Chỉ trong vòng 10 tháng, nghĩa quân đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến đèo Hải Vân.

Câu hỏi 4 trang 83 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

Dựa vào lược đồ 19.4, 19.5 và thông tin trong bài, em hãy trình bày tóm tắt diễn biến trận Tốt Động - Chúc Động và trận Chi Lăng - Xương Giang.

Trả lời:

* Diễn biến trận Tốt Động - Chúc Động:

- Tháng 11 - 1426, Vương Thông chỉ huy viện binh kéo đến Đông Quan, mở cuộc tấn công đánh vào Cao Bộ (Chương Mỹ, Hà Nội), nơi quân chủ lực Lam Sơn đóng giữ.

- Nghĩa quân bố trí mai phục ở Tốt Động và Chúc Động.

- Quân Minh rơi vào trận địa, bị phục kích, tổn thất nặng nề.

- Nghĩa quân thừa thắng vây hãm Đông Quan và giải phóng nhiều châu, huyện.

* Diễn biến trận Chi Lăng - Xương Giang

- Tháng 10 - 1427, vua Minh lệnh cho Liễu Thăng và Mộc Thạnh dẫn 15 vạn quân chia thành 2 ngả, tiến vào nước ta cứu viện cho Vương Thông.

- Tại Chi Lăng, quân Minh rơi vào trận địa phục kích của nghĩa quân.

- Liễu Thăng bị chém đầu.

- Số quân còn lại rút chạy về Xương Giang, cũng bị truy đuổi và tiêu diệt.

- Nghe tin Liễu Thăng tử trận, Mộc Thạnh vội vã cho quân rút về nước.

2. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

Câu hỏi trang 85 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST

- Giải thích nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

- Hãy trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trả lời:

* Nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

- Nhân dân ta có tinh thần yêu nước, đoàn kết, đoàn kết một lòng cùng tướng sĩ hăng hái tham gia, ủng hộ khởi nghĩa.

- Đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn của những người lãnh đạo khởi nghĩa như Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã biết dựa vào dân, đưa cuộc khởi nghĩa phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

* Ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

- Đã lật đổ được ách thống trị tàn bạo của nhà Minh.

- Mở ra thời kì phát triển mới của quốc gia Đại Việt - thời Lê sơ.

Luyện tập - vận dụng

Câu hỏi 1 trang 85 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: Em hãy xác định thời gian, ý nghĩa của những sự kiện tiêu biểu trong khởi nghĩa Lam Sơn theo bảng sau:

Sự kiệnThời gianÝ nghĩa
Hội thề Lũng Nhai??
Giải phóng Nghệ An??
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động??
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang??
Hội thề Đông Quan??

Trả lời:

Sự kiệnThời gianÝ nghĩa
Hội thề Lũng Nhai1416Đánh dấu mốc khởi đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Giải phóng Nghệ An1424Giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào đèo Hải Vân, làm bàn đạp để tiến đánh Đông Đô.
Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động11/1426Làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, giải phóng nhiều châu, huyện
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang10/1427Đập tan mưu đồ cứu viện Đông Quan của quân Minh, đồng thời khiến quân Minh phải đầu hàng và rút lui về nước.
Hội thề Đông Quan10/12/1427Chấm dứt chiến tranh giữa quân Minh và quân khởi nghĩa Lam Sơn.

Câu hỏi 2 trang 85 SGK Lịch sử và Địa lí 7 CTST: 

Kể tên các vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sưu tầm tài liệu và viết 1 đoạn văn ngắn kể về người anh hùng mà em có ấn tượng nhất.

Trả lời:

Các vị anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Lê Lai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Biểu, Lê Thạch, Lê Lý, Lê Thận, Trịnh Khả, Lê Sát, Phạm Lôi, Lê Lãng, Lê Ngân....

Đoạn văn kể về một người anh hùng mà em thấy ấn tượng nhất:

* Lê Sát

Lê Sát người làng Bỉ Ngũ (Lam Sơn), là bậc trí dũng song toàn. ông theo vua (Lê) Thái Tổ khởi binh, từng trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, lập được nhiều công lao. Lê Sát là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân Minh do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Nhờ có võ nghệ rất cao cường lại dũng cảm và giàu mưu lược, ngay từ đầu, Lê Sát đã được Lê Lợi tin cậy mà trao quyền chỉ huy một trong những đơn vị nghĩa sĩ của Lam Sơn. Cuộc đời của Lê Sát là cuộc đời của một võ tướng, một lòng một dạ chiến đấu vì nghĩa cứu nước, cứu dân và tuyệt đối trung thành với Lê Lợi. ông đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại đầu thế kỷ thứ XV.

* Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Li bị bắt, Nguyễn Phi Khanh cũng bị bắt. Nguyễn Trãi định đi theo cha để tỏ lòng trung nước, hiếu phụ nhưng Nguyễn Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Sau đó, Nguyễn Trãi tìm đường giúp Lê Lợi khởi nghĩa. Trong quá trình kháng chiến chống quân Minh, Nguyễn Trãi trở thành người quân mưu cho Lê Lợi, thay mặt Lê Lợi giao dịch, trở thành vị quân sư xuất sắc. Năm 1427, cuộc chiến đấu chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo”. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Trãi giữ trọng trách quan trọng của đất nước. Những năm sau đó, ông giúp Lê Lợi trị vì đất nước. Nhưng dần dần, triều đình bắt đầu phân chia bè phái, dèm pha, nghi kị lẫn nhau, đặc biệt là một số công thần đã bị hãm hại. Năm 1442, Nguyễn Trãi mắc phải án oan Lệ Chi viên bị khép vào tội mưu sát vua. Cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc. Ông là bậc đại anh hùng dân tộc, là nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nguyễn Trãi vừa là nhà chính trị, quân sự, vừa là nhà ngoại giao, vừa là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Năm 1962, nước ta đã tổ chức 520 năm ngày mất của Nguyễn Trãi. Năm 1980, Việt Nam cùng hiệp hội UNESCO kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông. Nguyễn Trãi là người Việt Nam đầu tiên được ghi vào danh sách những danh nhân thế giới.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn sử 7 bài 19 Chân trời sáng tạo: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM