Trang chủ

Soạn Lịch sử 6 bài 19 : Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X (Kết nối tri thức)

Xuất bản: 29/07/2021 - Cập nhật: 23/09/2021 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn sử 6 bài 19 trang 86, gợi ý trả lời các câu hỏi kiến thức trong bài tìm hiểu về quá trình thành lập, phát triển, tổ chức xã hội, thành tựu văn hóa của vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X.

Hướng dẫn soạn bài 19 trang 86 sgk Lịch sử và địa lí 6 theo chương trình SGK mới bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em hiểu rõ hơn về quá trình thành lập, phát triển của vương quốc Chăm-pa cũng như tổ chức xã hội và thành tựu văn hóa của nhà nước Chăm-pa.

Mục tiêu cần đạt:

  • Hiểu được quá trình thành lập và phát triển của vương quốc Chăm-pa
  • Nắm được những nét chính về tổ chức xã hội và kinh tế của Chăm-pa
  • Nêu được một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của vương quốc Chăm-pa

Chi tiết nội dung soạn sử 6 sách Kết nối tri thức bài 19:

I. Trả lời câu hỏi phần kiến thức mới bài 19 sách Kết nối tri thức

1. Câu hỏi trang 88 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Vương quốc Chăm-pa được hình thành ở đâu và từ khi nào?
  • Hãy giới thiệu khái quát các giai đoạn phát triển của Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X.

Gợi ý trả lời:

  • Vương quốc Champa được thành lập năm 192, kéo dài từ Mũi Hoành Sơn - sông Đinh cho đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Các giai đoạn phát triển của Vương quốc Chăm-pa từ thế kỉ II đến thế kỉ X:

- Trước thế kỉ VIII, người Chăm đã xây dựng một vương quốc khá hùng mạnh ở ven sông Thu Bồn, với kinh đô là Sin-ha-pu-ra (ở Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay)

- Thế kỉ VIII, kinh đô của Chăm-pa dịch chuyển về phía nam với tên gọi Vi-ra-pu-ra (ở vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận ngày nay).

- Thế kỉ IX, người Chăm lại chuyển kinh đô về Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay), có tên là In-đra-pu-ra.

2. Câu hỏi trang 89 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Nêu những hoạt động kinh tế chính của cư dân Chăm-pa.
  • Hãy vẽ sơ đồ mô tả các thành phần trong xã hội Chăm-pa và nêu nhận xét

Gợi ý trả lời:

  • Những hoạt động kinh tế chính của cư dân Chăm-pa:

- Về nông nghiệp, trồng lúa nước được tiến hành mỗi năm hai vụ, sử dụng công cụ bằng sắt, dùng trâu bò kéo cày, làm ruộng bậc thang, sáng tạo xe guồng nước. Ngoài ra họ còn trồng cây ăn quả (cau, dừa, mít...), chăn nuôi gia súc gia cầm

- Về thủ công nghiệp: sản xuất các mặt hàng thủ công như đồ gốm, trang sức, dụng cụ sản xuất,...

- Về lâm nghiệp: khai thác các nguồn lợi tự nhiên trên rừng, khai thác lâm thổ sản (trầm hương, ngà voi, sừng tê,...)

- Về hoạt động giao thương: Người Chăm-pa cũng buôn bán với nhân dân các quận ở Giao Châu, Trung Quốc và Ấn Độ.

- Đi biển: đánh cá, khai thác tôm, ngọc trai...

  • Sơ đồ mô tả các thành phần trong xã hội Chăm-pa

* Nhận xét:

- Trong hệ thống các thành phần xã hội thì vua là người có quyền tuyệt đối với ruộng đất và thần dân. Các vua luôn đồng nhất mình với thần thánh, luôn tự cho mình là “Đấng thiêng liêng” hoặc “Đấng tối cao”… Giúp việc cho nhà vua có bộ máy quan lại ở trung ương và địa phương.

- Bộ máy quan lại đã được tổ chức tương đối hoàn chỉnh ngay từ thời Gangaragia.

3. Câu hỏi trang 90 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Kể tên một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của người Chăm trong 10 thế kỉ đầu Công nguyên
  • Dựa vào hình 6, em có nhận xét gi về những công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa?

Gợi ý trả lời:

  • Một số thành tựu văn hoá tiêu biểu của người Chăm trong 10 thế kỉ đầu Công nguyên:

- Về chữ viết: Người Chăm đã sáng tạo ra chữ viết riêng cho dân tộc mình. Sau một thời gian mượn chữ Phạn để ghi chép, từ thế kỉ thứ IV, người Chăm đã cải biên chữ viết của người Ấn Độ để tạo thành hệ thống chữ Chăm cổ.

- Về tín ngưỡng và tôn giáo: Người Chăm xưa theo nhiều tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, thần Núi, thần Nước, thần Lúa,..) và du nhập một số tôn giáo lớn từ bên ngoài (Phật giáo và Ấn Độ giáo,...)

- Về kiến trúc và điêu khắc: Sự đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo góp phần tạo ra những thành tựu đặc sắc, nhiều di sản tiêu biểu còn tồn tại đến ngày nay như Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) và nhiều đền tháp Chăm khác ở ven biển miền Trung nước ta.

- Về lễ hội: đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm xưa rất phong phú với nhiều lễ hội được tổ chức trong năm. Các lễ hội thường mang ý nghĩa nguyện cầu cho cuộc sống tốt đẹp, mùa màng bội thu, xã hội yên bình và hưng thịnh... tiêu biểu nhất là lễ hội Ka-tê.

  • Nhận xét về những công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa:

- Kiến trúc Chăm có từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên, là sự phát triển nghệ thuật sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng tư tưởng đạo giáo Ấn Độ.

- Nghệ thuật Chăm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trên văn bia, kiến trúc và điêu khắc.

- Những tháp Chàm đậm vẻ uy nghiêm, thần bí đã hàm chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật.

- Tháp chùa có một dáng vẻ kiến trúc độc đáo, xây dựng bằng gạch đất nung, phản ánh trình độ một dân tộc có nền văn hóa cao.

II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Luyện tập và vận dụng

1. Câu hỏi 1 luyện tập trang 90 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Lập bảng tóm tắt những nét chính về hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội và thành tựu văn hóa của Chăm-pa.

Gợi ý trả lời:

Sau đây là bảng tóm tắt những nét chính về hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội và thành tựu văn hóa của Chăm-pa:

Hoạt động kinh tế

- Nông nghiệp trồng lúa nước, sản xuất các mặt hàng thủ công

- Khai thác các nguồn lợi tự nhiên trên rừng, khai thác lâm thổ sản

- Giao thương buôn bán với nhân dân các quận ở Giao Châu, Trung Quốc và Ấn Độ

- Người Chăm giỏi nghề đi biển

Tổ chức xã hội

- Vua thường được đồng nhất với một vị thần, có quyền lực tối cao

- Dưới vua là tể tướng và hai quan đại thần: một văn, một võ.

- Dưới đại thần là các quan đứng đầu ba cấp: châu - huyện - làng.

- Các tầng lớp: tăng lữ, quý tộc, dân tự do và một bộ phận nhỏ nô lệ.

Thành tựu văn hóa

- Người Chăm đã sáng tạo ra chữ Chăm cổ,

- Tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, thần Núi, thần Nước, thần Lúa,..

- Về tôn giáo: Phật giáo và Ấn Độ giáo

- Kiến trúc: Thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) và nhiều đền tháp Chăm khác ở ven biển miền Trung nước ta.

2. Câu hỏi 2 luyện tập trang 90 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Liên hệ với kiến thức đã học ở những bài trước, em hãy so sánh những điểm giống và khác nhau trong hoạt động kinh tế của cư dân Chăm-pa và cư dân Văn Lang - Âu Lạc.

Gợi ý trả lời:

Những điểm giống và khác nhau trong hoạt động kinh tế của cư dân Chăm-pa và cư dân Văn Lang - Âu Lạc:

Giống nhauKhác nhau

- Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước, sử dụng sức kéo của trâu bò.

- Ngoài ra, cư dân còn chăn nuôi, làm các mặt hàng thủ công, đánh cá.

- Có tập quán ở nhà sàn, có đời sống văn hóa phong phú gắn với sản xuất nông nghiệp.

- Ở Văn Lang - Âu Lạc, nghề đúc đồng, làm gốm phát triển mạnh, trong khi đó cư dân Chăm-pa lại phát triển nghề khai thác lâm thổ sản, xây dựng đền tháp ...

- Ở Văn Lang - Âu Lạc có tín ngưỡng phổ biến là sùng bái, thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc và những người có công với làng, nước. Trong khi đó ở quốc gia Chăm-pa do ra đời muộn hơn nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Bà-la-môn và Phật giáo.

3. Câu hỏi 3 vận dụng trang 90 Sử 6 sgk Kết nối tri thức

  • Hãy sưu tầm tư liệu và viết một đoạn giới thiệu về một di tích văn hoá Chăm ở nước ta. Theo em, cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích?

Gợi ý trả lời: Giới thiệu về một di tích văn hóa Chăm ở nước ta:

Phật viện Đồng Dương

Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chăm-pa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II (Vương quốc Chăm-pa) xây dựng vào năm 875. Do lòng tin vào Phật giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada.

Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m. Nhận định chung bức tượng này được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, xung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói lợp các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.

Mặc dù đã trở thành phế tích do ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh, Phật viện Đồng Dương vẫn còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa lịch sử.

-/-

Trên đây Đọc tài liệu đã vừa cùng các em nghiên cứu xong nội dung hướng dẫn soạn sử 6 bài 19: Bước ngoặt đầu thế kỉ X thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em có thể hiểu và nắm chắc nội dung bài học hơn thông qua những lời giải chi tiết cụ thể. Chúc các em học tốt !

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM