Trang chủ

Soạn Địa 7 bài 8 Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 19/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn địa 7 bài 8 Chân trời sáng tạo : Thực hành tìm hiểu các nền kinh tế lớn và kinh tế mới nổi ở châu Á, gợi ý viết nội dung báo cáo theo các yêu cầu của bài thực hành trang 127 SGK Địa lí 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn địa 7 Chân trời sáng tạo Bài 8: Thực hành tìm hiểu các nền kinh tế lớn và kinh tế mới nổi ở châu Á, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài thực hành tìm hiểu khái quát về các nền kinh tế lớn, kinh tế mới nổi ở châu Á.

Soạn địa 7 bài 8 Chân trời sáng tạo

Đề bài: Lựa chọn và tìm hiểu một trong các nền kinh tế lớn và nền kinh tế mới nổi của châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po để viết báo cáo.

Gợi ý nội dung báo cáo kết quả thực hành địa lí 7 bài 8 Chân trời sáng tạo:

TÊN QUỐC GIA

1. Khái quát về nền kinh tế của quốc gia

2. Đặc điểm nền kinh tế

a. Lịch sử phát triển nền kinh tế

b. Cơ cấu nền kinh tế

c. Một số ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ)

Mẫu báo cáo chi tiết Thực hành tìm hiểu các nền kinh tế lớn và kinh tế mới nổi ở châu Á

+) Tìm hiểu về nền kinh tế Nhật Bản

NHẬT BẢN

1. Khái quát về nền kinh tế của Nhật Bản

- Nhật Bản là một trong các quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế, tài chính.

- GDP Nhật Bản đạt 4975,42 tỉ USD (2020), chiếm 4,4% trong tổng GDP thế giới (Nguồn: World Bank).

- GDP/người đạt 39,5 nghìn USD/người.

2. Đặc điểm nền kinh tế Nhật Bản

a. Lịch sử phát triển nền kinh tế

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Nhật Bản bị suy sụp nghiêm trọng, nhưng đến năm 1952 kinh tế đã khôi phục ngang mức trước chiến tranh và phát triển với tốc độ cao trong giai đoạn 1955 - 1973.

- Những năm 1973 - 1974 và 1979 - 1980, do khủng hoảng dầu mỏ, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế giảm xuống (còn 2,6% năm 1980).

- Nhờ điều chỉnh chiến lược phát triển nên đến những năm 1986 - 1990, tốc độ tăng GDP trung bình đã đạt 5,3%.

- Từ năm 1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã chậm lại.

b. Cơ cấu nền kinh tế (Số liệu năm 2012)

- Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (73,2%).

- Tiếp đến là ngành công nghiệp (25,6%).

- Ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 1,2%.

c. Một số ngành kinh tế

- Công nghiệp:

+ Giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kì.

+ Nhật Bản chiếm vị trí cao trên thế giới về sản xuất máy công nghiệp và thiết bị điện tử, người máy, tàu biển, thép, ô tô, vô tuyến truyền hình, máy ảnh, sản phẩm tơ tằm và sợi tổng hợp, giấy in báo,...

- Dịch vụ:

+ Thương mại và tài chính là 2 ngành có vai trò hết sức to lớn.

+ Nhật Bản đứng hàng thứ 4 thế giới về thương mại.

+ Ngành giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt quan trọng, đứng thứ 3 thế giới.

+ Ngành tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng phát triển.

- Nông nghiệp:

+ Nông nghiệp có vai trò thứ yếu trong nền kinh tế Nhật Bản, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP rất thấp.

+ Nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học - kĩ thuật và công nghệ hiện đại để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng chất lượng nông sản.

+ Cây trồng chính (lúa gạo), cây trồng phổ biến (chè, thuốc lá, dâu tằm), các vật nuôi chính (bò, lợn, gà), nghề nuôi trồng hải sản phát triển.

+) Tìm hiểu về nền kinh tế Singapore

SINGAPORE

1. Khái quát về nền kinh tế của Singapore

- Singapore được xếp hạng là nền kinh tế mở nhất trên thế giới với mức độ tham nhũng thấp thứ ba. Nền kinh tế Singapore lớn thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á, lần lượt xếp hạng 14 châu Á và 34 toàn cầu theo GDP danh nghĩa.

- GDP Singapore đạt 340 tỉ USD (2020), chiếm 0,4% trong tổng GDP thế giới (Nguồn: World Bank).

- GDP/người đạt 63,987 USD/người (2019)

2. Đặc điểm nền kinh tế Singapore

a. Lịch sử phát triển nền kinh tế

- Nền kinh tế Singapore được hưởng lợi nhiều từ các chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân Anh trong việc thiết lập lên các trung tâm tài chính và thương mại tại thuộc địa.

- Chính sách thực dân hóa đã biến Singapore trở thành "nơi giàu có đứng thứ hai ở khu vực châu Á chỉ sau Nhật Bản"

- Năm 1869, kênh đào Suez được mở ra nhằm nối liền Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ, khối lượng giao dịch giữa các quốc gia trên thế giới tăng lên trong đó có Singapore tăng tới 32 triệu Đô la chỉ trong vòng một năm kể từ khi kênh đào được mở ra.

- Năm 1965, sau khi độc lập khỏi Malaysia, Singapore đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao, GDP bình quân đầu người là 516 Đô la Mỹ và một nửa dân số không biết chữ.

- Giai đoạn 1965 - 1973, tăng trưởng GDP thực tế hàng năm đạt 12,7%.

- Giai đoạn 1973 - 1979, Ủy ban phát triển kinh tế được thành lập, dòng vốn FDI đổ vào Singapore tăng lên rất nhiều và duy trì cho mãi đến năm 2001.

- Dưới thời ông Lý Quang Diệu, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Singapore đều được duy trì ở mức thấp.

- Năm 2015 và 2016 chứng kiến ​​cuộc suy thoái của nền kinh tế khi tăng trưởng GDP giảm xuống chỉ còn 2%.

b. Cơ cấu nền kinh tế

- Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (75.2%).

- Tiếp đến là ngành công nghiệp (24.8%).

- Ngành nông nghiệp không phát triển.

c. Một số ngành kinh tế

- Dịch vụ: Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân).

- Công nghiệp:

+ Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới

+ Singapore có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Jurong.

+ Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn, là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á.

- Ngân hàng: Singapore được coi là trung tâm tài chính toàn cầu với các ngân hàng có khả năng cung cấp cho doanh nghiệp các dịch vụ tài chính mang tầm đẳng cấp thế giới.

- Bất động sản: Chính phủ Singapore sở hữu 90% diện tích đất đai cũng như nhà ở nơi mà có 80% công dân Singapore sinh sống.

- Năng lượng và cơ sở vật chất: Singapore hiện là trung tâm định giá và giao dịch buôn dầu hàng đầu châu Á.

+) Tìm hiểu về nền kinh tế Trung Quốc

TRUNG QUỐC

1. Khái quát về nền kinh tế của Trung Quốc

- Những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế quan trọng nhất nhì thế giới.

- GDP Trung Quốc đạt 15.660 tỉ USD (2020), chiếm 18,5% trong tổng GDP thế giới.

- GDP/người đạt 10,5 nghìn USD/người (2020)

2. Đặc điểm nền kinh tế Trung Quốc

a. Lịch sử phát triển nền kinh tế

- Trung Quốc từng là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong gần hai thiên niên kỷ từ thế kỷ I đến thế kỷ XIX.

- GDP của Trung Quốc chiếm tới khoảng một phần tư GDP toàn cầu cho đến cuối những năm 1700 và khoảng một phần ba vào năm 1820 khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu ở Anh.

- Năm 1820, GDP của Trung Quốc lớn gấp sáu lần của Anh và gần hai mươi lần của Hoa Kỳ.

- Bắt đầu cải cách nền kinh tế vào năm 1978 dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc trở thành cường quốc có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình là 10% trong vòng 30 năm.

b. Cơ cấu nền kinh tế (Số liệu năm 2017)

- Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP (51,6%).

- Tiếp đến là ngành công nghiệp (40,5%).

- Ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ khoảng 7,9%

c. Một số ngành kinh tế

- Nền nông nghiệp phát triển nhanh và tương đối toàn diện, giải quyết vấn đề lương thực cho hơn 1,4 tỉ người.

- Nền công nghiệp phát triển nhanh chóng và hoàn chỉnh, trong đó có một số ngành công nghiệp hiện đại như điện tử, cơ khí chính xác, nguyên tử, hàng không vũ trụ.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, sản lượng của nhiều ngành như lương thực, than, điện đứng đầu thế giới.

-/-

Trên đây là toàn bộ nội dung soạn địa 7 bài 8 Chân trời sáng tạo: Thực hành tìm hiểu các nền kinh tế lớn và kinh tế mới nổi ở châu Á do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM