Trang chủ

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể

Xuất bản: 21/08/2022 - Cập nhật: 23/08/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể trang 23 SGK Ngữ văn 10 tập 1 Chân trời sáng tạo, trả lời các câu hỏi trong bài và thực hành cuối bài học.

Cùng Đọc Tài Liệu soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể thông qua việc thực hiện các yêu cầu trong phần đọc ngữ liệu tham khảo và thực hành viết theo quy trình, từ trang 23 - 29 SGK Ngữ văn 10 tập 1 Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể

Tóm tắt tri thức về kiểu bài

- Kiểu bài Phân tích, đánh giá một truyện kể là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ đặc điểm, giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện kể như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười,...

- Các yêu cầu đối với kiểu bài Phân tích, đánh giá một truyện kể:

+ Về nội dung: Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề; phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn,...) và tác dụng của chúng.

+ Về kĩ năng nghị luận: Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể; lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể; sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận; có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.

  • Mở bài: giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, tác giả,...). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.
  • Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
  • Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

Trả lời câu hỏi Đọc ngữ liệu tham khảo

Đọc bài viết Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con (La Phông-ten) trang 24, 25, 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 Chân trời sáng tạo, đối chiếu với tri thức kiểu bài và cho biết:

Câu 1 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể chưa? Vì sao?

Trả lời:

Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được đúng yêu cầu của kiểu bài phân tích, đánh giá một truyện kể. Vì:

- Mở bài: đã giới thiệu được truyện kể sẽ phân tích (nội dung khái quát, tác giả, thời gian sáng tác...) và hướng làm của bài viết.

- Thân bài: trình bày được đầy đủ luận điểm (các đặc điểm nổi bật về chủ đề và ý nghĩa của chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật...), có lý lẽ dẫn chứng rõ ràng.

- Kết bài: đưa ra nhận xét về chủ đề và hình thức nghệ thuật và khẳng định lại được ý nghĩa của tác phẩm.

Câu 2 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự nào, có hợp lí không?

Trả lời:

Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự từ chủ đề trước, sau đó đến đặc sắc hình thức nghệ thuật. Trình tự này hợp lí bởi cần làm rõ chủ đề trước để người đọc hiểu vấn đề cốt yếu trong truyện mà chúng ta đang phân tích. Từ đó mới nói tiếp đến những nét đặc sắc về nghệ thuật góp phần tạo nên thành công cho văn bản.

Câu 3 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng như thế nào? Nêu ví dụ?

Trả lời:

Sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng trong mỗi luận điểm của ngữ liệu: Lí lẽ được nêu trước và bằng chứng được trích ra sau để chứng minh lý lẽ; ngữ liệu đã chia nhỏ các hình thức nghệ thuật ra để phân tích, giúp người đọc dễ nhìn hơn.

- Cùng với cách tạo tình huống nói trên là cách xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng. Sói biểu trưng cho những ''kẻ mạnh'', tàn bạo trong xã hội, Chiên biểu trưng cho những kẻ yếu...

- Ở luận điểm 3a (Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống):

+ “Thông thường, khi muốn thể hiện lối ứng xử, tính cách của nhân vật nào đó, tác giả truyện ngụ ngôn sẽ đặt các nhân vật trước những tình huống thách thức khó khăn, nguy hiểm” => lí lẽ.

+ “Trong truyện Chó sói và chiên con, tình huống nguy hiểm ấy là chiên con đang uống nước thì gặp sói, sói kiếm cớ bắt tội để có lí do “trừng phạt” chú chiên tội nghiệp và hợp thức hóa hành động tàn bạo của mình” => bằng chứng đứng ngay sau lí lẽ để làm rõ.

+ “Tình huống và diễn biến ấy khiến cho điều mà người kể chuyện đúc rút, khát quát công khai ở đầu truyện – cái lí luôn thuộc về kẻ mạnh – mỗi lúc một sáng tỏ thêm qua từng chi tiết, từng dòng thơ” => đưa ra tác dụng của hình thức nghệ thuật đó.

Câu 4 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Bạn có nhận xét gì về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề?

Trả lời:

Nhận xét về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị chủ đề: Người viết phân tích về ý nghĩa, giá trị chủ đề của văn bản có sự mạch lạc, liên kết với nhau, tuy nhiên còn khá bao quát và chưa chi tiết. Bằng chứng được đưa ra bổ trợ cho việc phân tích còn khá ít.

Câu 5 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Người viết đã phân tích và đưa ra những nét đặc sắc nghệ thuật nào của truyện kể? Chúng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể?

Trả lời:

Những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện kể mà người viết đã phân tích và đưa ra là:

- Tình huống truyện độc đáo

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng

- Kết cấu tương phản

- Lối kể truyện bằng thơ hàm súc, hấp dẫn

=> Những nghệ thuật này làm nổi bật tính cách nhân vật, giúp dễ thể hiện rõ ràng chủ đề của truyện theo hướng tác giả mong muốn, để lại những bài học sâu sắc cho người đọc.

Câu 6 trang 26 SGK Ngữ văn 10 tập 1 CTST

Từ ngữ liệu trên, bạn rút ra được những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể?

Trả lời:

Những lưu ý khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể em rút ra được từ ngữ liệu trên:

- Cần lập dàn ý trước khi viết bài.

- Xác định rõ luận điểm, lý lẽ, dẫn chứng và cách sắp xếp sao cho phù hợp.

- Phân tích, đánh giá theo một trình tự nhất định.

- Cần có sự liên kết mạch lạc, rõ ràng giữa các đoạn văn trong bài, giữa các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng.

- Cần đưa ngay dẫn chứng để chứng minh, làm sáng rõ luận điểm, lí lẽ.

Thực hành viết theo quy trình

Đề bài: Hãy viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể ( Thần thoại, truyền thuyết, ngụ ngôn, tryện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích

Gợi ý:

Tham khảo bài văn nghị luận hay phân tích đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện Thần trụ trời và Sơn Tinh Thủy Tinh dưới đây:

Mẫu 1

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh là một trong những truyền thuyết lâu đời nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam và đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người. Câu chuyện thể hiện niềm khao khát chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta trước nỗi lo thiên tai bão lụt vẫn thường hoành hành hằng năm.

Đầu tiên, truyền thuyết này như muốn nói về hiện tượng thiên tai, bão lũ hàng năm cũng như lòng quyết tâm chống lại thiên tai của nhân dân ta. Sơn Tinh Thuỷ Tinh kể về đời vua Hùng thứ 18, vua có một người con gái vô cùng xinh đẹp, lại nết na, hiền dịu tên là Mị Nương. Nay nàng đến tuổi thành thân, nên vua cha muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Trong số đó có hai chàng trai kiệt xuất là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Một người là ''chúa vùng non cao''. Một người là ''vua vùng nước thẳm''. Vì đưa được sính lễ tới trước là ''voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao'' nên Sơn tinh đã cưới được Mị Nương về làm vợ. Tức tối, ghen ghét vì thua cuộc, Thủy Tinh đã hô mưa gọi gió, tạo ra lũ lụt để đánh bại Sơn Tinh. Thủy Tinh dâng nước thì Sơn Tinh dời núi non. Thủy Tinh đại diện cho thiên nhiên giông bão, lũ lụt; còn Sơn Tinh là nhân vật biểu trưng cho nhân dân ta với tinh thần kiên cường bất khuất, sự mưu trí và anh dũng không chịu đầu hàng trước thiên tai, số phận.

Tiếp đó, tác giả dân gian đã lựa chọn được hình ảnh, nghệ thuật đặc sắc để diễn tả được hình ảnh thiên tai bão lũ và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trước thiên tai. Đây là câu chuyện được viết theo kiểu thần thoại Việt Nam nên có thể thấy được truyện chưa nhiều yếu tố kỳ ảo để nói về những hiện tượng thiên nhiên. Từ tình huống vua Hùng kén rể, ta có thể thấy đươc là núi non, nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Vua Hùng đặt ra sính lễ là ''voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao''. Những lễ vật này có thể thấy được là dễ dàng tìm ở vùng núi rừng chứ không phải biển cả. Sơn Tinh đã có một lợi thế rõ ràng trước Thủy Tinh. Sau đó, một loạt những chi tiết kỳ ảo như ''Thủy Tinh hô mưa, gọi gió'', ''Nước dâng lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi, núi mọc cao lên bấy nhiêu" như vẽ nên bức tranh thiên tai ngày xưa. Lũ lụt càng lên cao, dân ta càng gắng sức chiến đấu, chống lại thiên tai. Cùng với đó là hình ảnh người dân Văn Lang cùng Sơn Tinh chống lại cuộc tấn công của Thủy Tinh càng tô đậm vẻ kiên cường của nhân dân Việt Nam trước bão lũ.

Câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh được khắc họa qua các chi tiết kỳ ảo, sinh động về hai vị thần rất thành công trong việc đưa người đọc đến với hình ảnh của người dân thời xưa đối mặt với sự tức giận từ thiên nhiên như thế nào. Truyện gắn mãi với bao thế hệ, luôn nhắc nhở chúng ta về tình đoàn kết của nhân dân trước mọi khó khăn, thử thách.

Mẫu 2:

"Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng văn bản trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.

Cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình. Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.

Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới, như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời.

Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt.

Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,… vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.

Xem thêm bài soạn liên quan:

Các bạn vừa tham khảo xong chi tiết nội dung soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể. Hi vọng thông qua việc giải đáp các câu hỏi trong bài các em sẽ nắm được kiến thức về cách làm một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể một cách dễ dàng hơn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM