Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn nội dung hướng dẫn Định hướng, Thực hành lập dàn ý và viết một bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng giúp học sinh hoàn thành tốt bài học này.
Soạn bài Viết bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng sách Cánh Diều
Định hướng
a) Bản nội quy và hướng dẫn nơi công cộng là văn bản do cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân xây dựng. Trong đó, nội quy nêu ra các quy định, yêu cầu còn bản hướng dẫn đưa ra các chỉ dẫn về phương hướng, cách thức thực hiện các hoạt động nơi có sự tham gia của nhiều người.
Ví dụ: Văn bản Những điều cần chú ý khi tham gia Lễ hội Đền Hùng 2019 (phần Đọc) hoặc bản “Nội quy tham quan Di sản Hoàng Thành Thăng Long”
b) Để viết nội quy hay bản hướng dẫn nơi công cộng, các em cần:
- Xác định mục đích, đối tượng cần hướng tới.
- Xác định nội dung hướng dẫn gồm các quy định, chỉ dẫn cụ thể.
- Xác định trật tự sắp xếp của các quy định, hướng dẫn.
- Xác định cách trình bày văn bản.
Thực hành
Bài tập: Hãy viết một văn bản hướng dẫn du khách khi tham gia một lễ hội hoặc tham quan một di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương nơi em sinh sống.
a) Chuẩn bị
Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề:
- Mục đích: Giúp du khách hiểu rõ các quy định của Ban Tổ chức lễ hội hoặc Ban Quản lí di tích lịch sử, văn hóa, từ đó, có thái độ, hành vi đúng mực, văn mình, lịch sự khi tham gia.
- Đối tượng: Du khách tham gia lễ hội hoặc tham quan một di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương.
- Nội dung: Các yêu cầu, chỉ dẫn cụ thể cho du khách khi tham gia lễ hội hoặc tham quan di tích lịch sử, văn hóa.
- Hình thức: Văn bản viết (kênh chữ; có thể có hình ảnh, kí hiệu đi kèm).
b) Tìm ý và lập dàn ý
Gợi ý trả lời các câu hỏi trang 107 SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Cánh Diều giúp các em xác định và sắp xếp được các ý chính của bài viết.
- Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn: Cần có quy định nào đối với người tham gia:
+ Về trang phục, ngôn ngữ, hành vi?
→ Trang phục phải gọn gàng, không quá phô trương, lòe loẹt; ngôn ngữ lịch thiệp, không phát ngôn những lời “không đẹp” trong lễ hội; hành vi chuẩn mực, chung tay bảo vệ môi trường chung.
+ Về đồ lễ và việc thắp hương?
→ Người dâng lễ có thể đặt lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm. Lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè. Lễ mặn gồm: gà, giò, trầu cau, rượu…
+ Về các vật dụng được mang theo và việc sử dụng đồ dùng cá nhân?
→ Được mang theo những vật dụng thật sự cần thiết, tránh những vật dụng có hại dễ gây sát thương; đồ cá nhân phải tự giác bảo toàn.
+ Về ý thức, thái độ của khách đối với việc bảo vệ các giá trị vật chất của di tích?
→ Cần có ý thức và trách nhiệm cao với các sản vật – giá trị vật chất của đền. Không phá bỏ, không làm hư hại, …
+ Về việc liên hệ Ban Tổ chức khi xảy ra các sự cố?
→ Du khách khi gặp một số sự cố không may tại đền có thể liên hệ với Ban tổ chức, Ban tổ chức sẽ phối kết hợp cùng trung tâm phát thanh của đền để giải quyết các sự cố không may.
- Lập dàn ý cho bài viết:
- Phần đầu văn bản: Nêu tiêu đề của văn bản.
- Phần nội dung văn bản: Lần lượt trình bày các yêu cầu và chỉ dẫn cụ thể. Có thể sắp xếp theo trật tự khác nhau tùy vào mục đích, tính chất lễ hội hoặc đặc điểm của di tích và mức độ vi phạm phổ biến của người tham gia. Cũng có thể sắp xếp theo hai nhóm: i) Những quy định, yêu cầu bắt buộc, ii) Những chỉ dẫn, gợi ý.
- Phần kết thúc văn bản: Ban Tổ chức lễ hội… / Ban Quản lí di tích
c) Viết
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI THAM GIA LỄ HỘI ĐỀN A SÀO
Đền A Sào được xây dựng tại khu vị trí ven sông Hóa, nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vùng đất này nổi tiếng gắn liền với sự thắng lợi của cuộc chiến đánh giặc Nguyên – Mông và huyền tích “Con voi của Trần Hưng Đạo”.
Khu di tích A Sào bao gồm: di tích Đền A Sào, di tích Bến Tượng; di tích Gò Đống Yên được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 2011. Ngôi đền này nằm trên vùng đất gắn liền với sự tích Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc Nguyên – Mông. Sau này, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào) để tưởng nhớ công ơn Ngài.
Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào và phá hủy nhiều đồ thờ cúng trong đền. Chúng dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng và bắn gẫy vòi tượng voi đá. Qua nhiều thăng trầm, đền A Sào xưa đã bị phá hủy, chỉ còn là bãi đất hoang và tượng voi đá nằm trên nền đất cũ giữa cánh đồng A Sào. Qua nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, năm 2005, nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm đã quyên góp phục dựng đền mới khang trang như ngày nay.
Sau đây là một số lưu ý khi vào đền:
Thứ nhất, về trang phục, ngôn ngữ, hành vi: Trang phục phải gọn gàng, không quá phô trương, lòe loẹt; ngôn ngữ lịch thiệp, không phát ngôn những lời “không đẹp” trong lễ hội; hành vi chuẩn mực, chung tay bảo vệ môi trường chung.
Thứ hai, về đồ lễ: Người dâng lễ có thể đặt lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm. Lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè. Lễ mặn gồm: gà, giò, trầu cau, rượu…
Thứ ba, về các vật dụng được mang theo và sử dụng đồ cá nhân: mang theo những vật dụng thật sự cần thiết, tránh những vật dụng có hại dễ gây sát thương; đồ cá nhân phải tự giác bảo toàn.
Thứ tư, về ý thức thái độ của khách trong việc bảo vệ các giá trị vật chất của đền: Cần có ý thức và trách nhiệm cao với các sản vật – giá trị vật chất của đền. Không phá bỏ, không làm hư hại, …
Thứ năm, về giải quyết sự cố: Du khách khi gặp một số sự cố không may tại đền có thể liên hệ với Ban tổ chức, Ban tổ chức sẽ phối kết hợp cùng trung tâm phát thanh của đền để giải quyết các sự cố không may.
Ban quản lí di tích tỉnh Thái Bình
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với mục 1. Định hướng và dàn ý trên đây để tự phát hiện và sửa lỗi.
- Tổng hợp các tài liệu và bài học Soạn văn 10 Cánh diều -