Trang chủ

Soạn bài Truyện Kiều (phần 1 : Tác giả)

Xuất bản: 16/07/2019 - Cập nhật: 19/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Truyện Kiều phần 1 - Tác giả Nguyễn Du, gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 92 SGK Ngữ Văn lớp 10 tập 2.

Tài liệu hướng dẫn soạn bài soạn Truyện Kiều (phần Tác giả) của Học Tốt biên soạn giúp em tìm hiểu những nét cơ bản nhất về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du và những nét đặc trưng cơ bản về nội dung, nghệ thuật của thơ văn ông.

Cùng tham khảo...

Kết quả cần đạt

  • Hiểu được ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội và các nhân tố thuộc cuộc đời riêng đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du
  • Nắm vững những điểm chính trong sự nghiệp sáng tác và những đặc trưng cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn ông.

Tìm hiểu chung về tác giả Nguyễn Du

1. Cuộc đời

- Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc - Bắc Ninh. Nguyễn Du ra đời trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời.

- Những biến cố trong gia đình:

+ 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản.

+ Nguyễn Khản làm quan tới chức Tham tụng nổi tiếng phong lưu một thời, thân với chúa Trịnh Sâm và là người rất mê hát xướng → Có điều kiện tiếp xúc, cảm nhận vẻ đẹp cũng như nỗi đau thân phận của những người làm nghề hát xướng.

- Quê hương:

+ Quê cha: Hà Tĩnh - vùng đất thuộc khúc ruột miền Trung khổ nghèo, nơi có sông Lam, núi Hồng, sơn thủy hữu tình. Đây là nơi giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.

+ Quê mẹ: xứ Kinh Bắc hào hoa, cái nôi của dân ca quan họ ngọt ngào, say đắm lòng người mà Nguyễn Du ít nhiều được hưởng qua những lời ru của mẹ.

+ Nơi sinh ra và lớn lên: kinh thành Thăng Long nghìn năm văn hiến, lộng lẫy, hào hoa.

- Thời đại và xã hội:

+ Cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX, xã hội phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng đầy bóng tối, khổ đau: loạn lạc, khởi nghĩa nông dân, kiêu binh nổi loạn (tính chất bi kịch).

+ Diễn ra nhiều biến cố lớn: Nhà Thanh xâm lược; Tây Sơn thay đổi sơn hà diệt Lê, Trịnh, diệt Xiêm, đuổi Thanh, huy hoàng một thuở; Nhà Nguyễn lập lại chính quyền chuyên chế và thống nhất đất nước, thiết lập chế độ cai trị hà khắc (1802).

=> Nguyễn Du có điều kiện trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời và con người.

- Cuộc đời Nguyễn Du:

+ Thời thơ ấu và niên thiếu: sống trong không khí một gia đình phong kiến quý tộc bậc nhất ở kinh thành Thăng Long → có điều kiện thuận lợi để dùi mài kinh sử, tích lũy vốn văn hóa, văn học, làm nền tảng cho sáng tác văn chương sau này.

+ Hiểu rõ bản chất của hàng quan lại đương thời cùng với cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến → để lại dấu ấn đậm nét trong các sáng tác của Nguyễn Du.

+ Đỗ Tam trường năm 18 tuổi (1783).

+ Từ 1789 - trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, trải qua thời kì hơn 10 năm gió bụi lưu lạc ở quê vợ (Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam - nay thuộc tỉnh Thái Bình), ông rơi vào cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, cực khổ.

→ Đem lại cho ông những hiểu biết và niềm cảm thông sâu sắc với cuộc sống cực khổ của nhân dân lao động, giúp ông suy ngẫm về xã hội, về thân phận con người trong sự biến động dữ dội của lịch sử.

⇒ Thúc đẩy sự hình thành tài năng và bản lĩnh sáng tạo văn chương. Ông đã học được tiếng nói hàng ngày của người trồng dâu, trồng gai và nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian, tạo tiền đề hình thành phong cách ngôn ngữ trong những sáng tác văn học bằng chữ Nôm, đặc biệt là ngôn ngữ của Truyện Kiều.

+ Từng có mưu đồ chống Tây Sơn nhưng thất bại, bị bắt rồi được tha → về quê cha (Hà Tĩnh) sống ẩn dật.

+ Năm 1802, bất đắc dĩ phải ra làm quan dưới triều Nguyễn. Con đường hoạn lộ của ông rất hanh thông. Làm quan lần lượt qua nhiều địa phương, từ Hưng Yên đến Thường Tín, Hà Tây, vào Quảng Bình, Huế,... -> Ông có dịp hiểu rõ hơn cuộc sống của nhân dân trên một địa bàn rộng lớn.

+ Từng được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, ông có dịp nâng cao tầm khái quát của những tư tưởng xã hội và thân phận con người trong các sáng tác văn học của mình.

+ Ông bị ốm và mất ở Huế ngày 18/9/1820.

2. Sự nghiệp thơ văn

* Các sáng tác chính

- Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông.

- Về thể thơ chữ Hán: có 3 tập thơ, tổng cộng gồm 249 bài

+ Thanh Hiên tiền hậu tập: gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn.

+ Nam trung tạp ngâm: gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh.

+ Bắc hành tạp lục: gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

- Về thơ chữ Nôm:

+ Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh): gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thuý Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái có tài sắc.

+ Văn tế thập loại chúng sinh: gồm 184 câu, chia ra làm ba phần chính với giọng văn thê thiết, vạch hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ai của kiếp nhân quả luân hồi.

+ Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu (98 câu) về những cô gái phường vải

+ Thác lời trai phường nón (48 câuvề những chàng trai phường nón

* Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật

- Nội dung:

+ Khuynh hướng hiện thực sâu sắc

  • Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du dù rất đa dạng vẫn có một đặc điểm bao trùm là khuynh hướng hiện thực.
  • Về thơ chữ Hán của Nguyễn Du, không chỉ là những trang nhật kí ghi lại trung thực số phận và tâm trạng nhà thơ trong cơn bão táp của lịch sử mà còn thể hiện những suy nghĩ sâu sắc của ông về thời đại
  • Phản ánh một cuộc đời đầy những buồn đau và chán nản, tủi nhục qua hình ảnh cá nhân hiện ra là một người ốm đau, đói rét, già yếu, nghèo khổ, tóc bạc, cô đơn....
  • Không nhắm mắt buông xuôi mà bày tỏ thái độ mỉa mai và lên án xã hội bất công, đen tối: vạch ra sự đối lập gay gắt giữa người giàu, kẻ nghèo.
  • Lên án sự tàn nhẫn, bạc ác của các thế lực đen tối mà ông gọi chung là định mệnh.

+ Tiếng nói nhân đạo sâu sắc

  • Quan tâm sâu sắc tới thân phận con người. Tình thương và lòng thông cảm của Nguyễn Du đã bao trùm hết mọi kiếp người
  • Truyện Kiều là khúc ca về tình yêu trong sáng, là giấc mơ tự do làm chủ cuộc đời, là tiếng khóc xe ruột cho thân phận và nhân phẩm con người bị chà đạp, đặc biệt là người phụ nữ.
  • Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du lấy sự khẳng định cuộc sống, hạnh phúc trần gian làm nền tảng. Nguyễn Du đã vượt qua những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định những giá trị tự thân của con người

- Nghệ thuật

+ Với học vấn uyên bác, ông thành công ở nhiều thể loại thơ ca cổ Trung Quốc: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành.

+ Sử dụng thơ lục bát, thơ song thất lục bát chữ Nôm đạt tới tuyệt đỉnh, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo ngôn ngữ bình dân và bác học

+ Về thơ Nôm: Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc đã có là lục bát và song thất lục bát mà ở thể nào cũng đạt tới trình độ mẫu mực cổ điển.

Để hiểu rõ và sâu hơn về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Thuyết minh về sự nghiệp văn học Nguyễn Du do Học Tốt tổng hợp và biên soạn.

Hướng dẫn soạn bài Truyện Kiều (phần 1 - Tác giả)

  Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập luyện tập bài Truyện Kiều phần 1 tác giả trang 96 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

1 - Trang 96 SGK

Anh (chị) có nhận xét gì về cuộc đời của Nguyễn Du? Những đặc điểm về cuộc đời của Nguyễn Du góp phần lí giải những thành công trong sáng tác của nhà thơ như thế nào?

Trả lời: 

Những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều:

- Thời đại và gia đình:

+ Nguyễn Du (1765 - 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

+ Ông sinh trường trong một gia đình đại quý tộc nhiều đời làm quan to và có truyền thống về văn học. Cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm.

+ Nguyễn Du sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến động, chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn tranh giành quyền lực, phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.

- Cuộc đời:

+ Sống phiêu bạt nhiều nơi trên đất Bắc, ở ẩn ở Hà Tĩnh.

+ Làm quan dưới triều Nguyễn, đi sứ Trung Quốc, ...

- Đánh giá: Nguyễn Du là người có vốn hiểu biết sâu rộng, phong phú về cuộc sống của Nguyễn Du có phần do chính cuộc đời phiêu bạt, trải nghiệm nhiều tạo thành.

2 - Trang 96 SGK

Cho biết các sáng tác chính của Nguyễn Du và đặc điểm chủ yếu của chúng.

Trả lời:

* Các sáng tác chính của Nguyễn Du:

- Chữ Hán

+ Thanh Hiên thi tập

+ Nam Trung tạp ngâm

+ Bắc Hành tạp lục

- Chữ Nôm

+ Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)

+ Văn chiêu hồn

* Đặc điểm chủ yếu của các tác phẩm do ông sáng tác:

- Thể hiện tư tưởng nhân đạo: đề cao giá trị nhân văn con người. Các tác phẩm đó đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống của con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh,... đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả.

- Lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người. Với Truyện Kiều, đó không chỉ là sự lên án xã hội, mà còn là sự ngợi ca, trân trọng con người và vẻ đẹp kì diệu của tình yêu đôi lứa.

>>> Tham khảo hướng dẫn soạn bài Nỗi thương mình (Truyện Kiều)

Ghi nhớ

  • Nguyễn Du là nhà thơ sống hết mình, tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật của ông xuyên suốt các tác phẩm của ông, xuyên suốt cuộc đời ông.
  • Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại. Ông có đóng góp to lớn đối với văn học dân tộc về nhiều phương diện nội dung và nghệ thuật, xứng đáng được gọi là thiên tài văn học.

Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn soạn văn 10 bài Truyện Kiều phần 1: Tác giả đã được Học Tốt biên soạn giúp các em tham khảo và chuẩn bị bài tốt hơn trước khi đến lớp. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Truyện Kiều phần 1 một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM