Từ việc tham khảo Sách giáo viên Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức, Đọc tài liệu sẽ giúp các em Soạn văn 11 thời gian (Văn Cao) lớp 11 KNTT chính xác nhất.
Gợi ý trả lời các câu hỏi Soạn bài Thời gian - Văn Cao lớp 11 trang 74 sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức chi tiết, đầy đủ.
Thực hành đọc: Thời gian
Câu 1 trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức
Đặc điểm thể loại và cấu tứ của bài thơ
Trả lời
- Đặc điểm thể loại: Thơ tự do
- Cấu tứ: Vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát.
Bài thơ là cảm nhận về triết lý nhân sinh sâu sắc để lại trong lòng người đọc sự suy ngẫm về con người và cuộc sống mặc cho dòng thời gian trôi chảy không ngừng. Tác giả nhận thấy sự nghiệt ngã của thời gian nằm ở chỗ nó mang theo sự lụi tàn của sự vật, cảnh vật và thậm chí cả con người. Nhưng ẩn sâu sau sự nghiệt ngã đó là sự khắc ghi về sự trường tồn của thời gian, tình yêu và cái đẹp.
Câu 2 trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức
Tính chất tượng trưng của các hình ảnh thơ
Trả lời
Thời gian không vô hình mà là một khối vật chất có thể cân đo đong đếm, có thể cầm được trên tay.
- “Thời gian qua kẽ tay” → gợi liên tưởng đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô hình, cái hữu hạn và vô hạn.
- “Khô những chiếc lá”, “Rơi những kỷ niệm” → gợi lên liên tưởng về sự lụi tàn, mờ nhạt của sự vật theo thời gian như lá rơi vào mùa thu, kỷ niệm quá lâu dần bị con người lãng quên.
- “câu thơ còn xanh”, “bài hát còn xanh” → liên tưởng về sự trường tồn của những giá trị nghệ thuật theo thời gian
- “đôi mắt em như hai giếng nước” → hình ảnh đẹp tượng trưng cho người con gái mà tác giả yêu thương, nó cũng luôn tồn tại cùng với thời gian đó là sự đẹp đẽ và tình yêu của con người.
=> Qua những hình ảnh đó giúp ta hiểu ra một triết lý nhân sinh sâu sắc: thời gian có thể làm lụi tàn, phai mờ đi một số sự vật, kỷ niệm nhưng đứng trước cái đẹp, tình yêu của con người thì nó luôn trường tồn theo thời gian và năm tháng.
- Phép so sánh kỉ niệm như tiếng sỏi: Những viên sỏi kỷ niệm đã hiện về nhưng không để lại âm thanh gì vì lòng giếng đời người đã cạn. Khi lòng giếng bị lấp đầy cũng là lúc kỷ niệm biến mất cùng khói sương.
- Thời gian làm khô chiếc lá đời người nhưng lại làm tươi xanh chiếc lá thơ chiếc lá nhạc.
=> Mỗi người tự nghiệm lại đời mình, tự cảm đời mình cũng là một cách hiểu thời gian của Văn Cao.
Câu 3 trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Kết nối tri thức
Suy ngẫm của tác giả về bản chất của thời gian, nghệ thuật, tình yêu và mối tương quan giữa chúng
Trả lời
- Thời gian qua đi là miên viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được thời gian. Bài thơ cho chúng ta thấy cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như bình thường mà không phải ai cũng nhận biết được khi con người luôn đắm chìm trong quá nhiều tham vọng của cuộc sống…Ý niệm về thời gian trong bài thơ của Văn Cao, vì thế mang tư tưởng hiện sinh tích cực.
- Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng có những giá trị không thể mất mà mãi mãi “còn xanh”, đó là những giá trị thuộc về nghệ thuật và cái đẹp được kết tinh từ những câu thơ, những bài hát và đặc biệt là từ đôi mắt em.
=> Thời gian xóa nhòa tất cả, thời gian tàn phá cuộc đời con người. Duy chỉ có văn học nghệ thuật và kỉ niệm về tình yêu là có sức sống lâu dài, không bị thời gian hủy hoại.
Nội dung văn bản
Văn bản khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát. Thể hiện niềm tin của tác giả về sự trường tồn của những giá trị tinh thần của cuộc đời.
-/-
Hi vọng với phần nội dung hướng dẫn Soạn bài Thời gian (Văn Cao) lớp 11 KNTT mà Đọc tài liệu cung cấp, các em sẽ chuẩn bị bài thật tốt trước khi tới lớp. Xem thêm các bài soạn khác của lớp 11 tại: Soạn văn 11 Kết nối tri thức cùng Đọc nhé.