Trang chủ

Tập làm văn: Tả cây cối (kiểm tra viết)

Xuất bản: 06/08/2018 - Cập nhật: 22/07/2019 - Tác giả:

Xem ngay hướng dẫn soạn bài Tập làm văn: Tả cây cối (kiểm tra viết) trang 99 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 Tuần 27

Chọn một trong các đề bài sau:

1. Tả một loài hoa mà em thích.

2. Tả một loại trái cây mà em thích.

3. Tả một giàn cây leo.

4. Tả một cây non mới trồng.

5. Tả một cây cổ thụ.

Gợi ý làm bài:

Đề 1. Tả một loài hoa mà em thích (hoa cúc).

Dàn ý chi tiết:

a) Mở bài

- Vườn nhà ông nội em có rất nhiều loại hoa: hoa lan, hoa hồng, thược dược…

- Nhưng có một khóm hoa cúc vàng nội trồng ngay trước cửa vườn mà em rất thích. Em sẽ tả lại khóm hoa cúc ấy.

b) Thân bài

* Tả khóm hoa

- Cúc là một loài hoa không mọc riêng lẻ từng cây mà mọc thành từng chùm, từng khóm. Khóm cúc của ông rất xanh tốt, từng cây mọc bên nhau như quây quần thành một gia đình vậy.

- Khóm hoa không cao lắm, mỗi cây chắc chỉ độ ba mươi xăng-ti-mét, còn có rất nhiều cây nhỏ xung quanh.

- Cành của hoa cúc cũng nhỏ nhưng dày và chắc khỏe. Mỗi lá cúc như một bàn tay nhỏ xíu xanh tốt mọc chen chúc trong những thân cây mảnh khảnh.

* Tả vẻ đẹp của hoa cúc

- Mỗi cây hoa cúc vươn lên cao, chắt chiu những giọt nắng ngày hè để đến mùa thu nở bung thành những đám nắng vàng tươi.

- Đầu tiên là những nụ hoa cúc vàng nhạt, chúm chím e ấp trong nắng mai buổi sớm. Rồi khi đủ nắng gió, những nụ hoa bung nở thành từng bông cúc tuyệt đẹp.

- Hoa cúc tròn, cuống hoa dài, đài hoa xanh và cứng cáp đỡ lấy những cánh hoa vừa dày vừa dài xếp thành từng lớp ở trên. Mỗi đóa cúc là một mặt trời nhỏ nổi bật trên nền xanh của khu vườn.

- Hương hoa cúc nồng nàn, sực nức. Hoa cúc đặc biệt đậm mùi vào lúc sương xuống.

* Tác dụng của hoa cúc

- Hoa cúc dùng để cắm vào lọ, trang trí nhà cửa rất đẹp.

- Khóm hoa cúc như tô điểm cho khu vườn của ông em thêm đẹp hơn.

- Ngắm nhìn những bông hoa cúc vàng tươi, sực nức mùi thơm khiến cho tâm tình con người thêm thư thái, dễ chịu.

- Hoa cúc còn là một vị thuốc trị ho và giải độc rất tốt.

c) Kết bài

- Những lúc không phải học bài, em thường ra vườn giúp ông chăm sóc những khóm hoa cúc ấy.

- Em sẽ học ông cách trồng hoa cúc, em muốn trồng nhiều thật nhiều hoa cúc ở vườn nhà minh.

Đề 2. Tả một loại trái cây mà em thích (quả xoài).

Bài văn mẫu:

Trái cây rất tốt cho sức khỏe của bạn và chúng được rất nhiều người ưa thích. Trong tất cả các loại hoa quả, em thích nhất là quả xoài.

Ở vườn nhà em trồng một cây xoài rất lớn. Cây cao khoảng năm mét với lớp vỏ màu nâu xám, xù xì. Trên thân cây có rất nhiều cành nhỏ tỏa ra tứ phía trông giống như cánh tay của những người khổng lồ. Lá xoài hình lưỡi mác, mọc xum xuê khắp các cành cây. Từ xa nhìn lại, cây xoài không khác gì một chiếc ô xanh khổng lồ che rợp cả một khoảng vườn rộng. Mùa hè đến, em rất thích được ngồi dưới bóng cây xoài mà hưởng thụ những làn gió nồm nam mát rượi hay lơ đãng đếm từng quả xoài đang chín vàng trên vòm lá xanh um.

Xoài khi còn non sẽ có màu ngọc lục bảo, bổ ra bên trong là thịt quả màu xanh nhạt, vị chua và giòn. Xoài xanh cắt miếng chấm với muối ớt là món ăn ưa thích của tụi học sinh chúng em. Cái vị chua chua của xoài kết hợp với vị mặn của muối, vị cay của ớt tạo ra món ăn vặt mà không đứa trẻ nào không mê. Còn xoài khi chín có màu vàng tươi như ánh nắng, hương thơm ngọt ngào mà thanh khiết.

Xoài không có mùi thơm ngọt ngào như nhãn hay vải, cũng không có hương thơm chua chua ngọt ngọt giống ổi hay đào. Hương thơm của xoài nhẹ nhàng hấp dẫn khứu giác những người xung quanh. Xoài khi chín bổ ra bên trong là thịt quả màu vàng đậm, mọng nước trông rất ngon mắt. Hột xoài khá lớn, chiếm một phần ba diện tích một quả xoài. Vị của xoài ngọt lịm, thanh mát, rất thích hợp thưởng thức vào ngày hè.

Chao ôi! Mùa hè đến mà được thưởng thức một cốc nước ép hay sinh tố xoài thì bao nhiêu cái nóng, cái mệt mỏi như bay đi đâu hết. Để trồng được một cây xoài, lại là một cây xoài cho ra quả ngon, trái ngọt không phải là một điều đơn giản. Trước tiên, chúng ta phải tìm mua hạt giống của những giống xoài ngon ví dụ như xoài cát. Sau đó, chúng ta phải gieo hạt ở nơi đất thịt hay đất phù sa màu mỡ thì cây mới có thể sống tốt. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là chúng ta phải thường xuyên bón phân, bắt sâu, tưới nước cho cây để cây mau lớn, cho quả. Xoài cũng là một loại quả có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của nước ta ra thế giới. Chính vì vậy mà một số địa phương sử dụng việc trồng xoài làm nguồn thu nhập chính. Ngoài ra, xoài còn làm được rất nhiều món tráng miệng hay món ăn vặt ngon như kem xoài, sinh tố xoài, bánh flan xoài…

Em rất thích ăn xoài vì nó vừa ngon, vừa bổ, giá cả lại phải chăng. Em sẽ cố gắng chăm sóc cho cây xoài trong vườn để nó có thể lớn nhanh và cho ra thật nhiều những quả xoài vàng óng.

Đề 3. Tả một giàn cây leo (cây mướp).

Bài văn mẫu:

Quê em nằm ở vùng nông thôn, cách khá xa vùng đô thị nhộn nhịp, huyên náo. Quê em tuy nghèo nhưng cuộc sống lại vô cùng yên bình, êm ả, người dân quê em ai cũng rất hòa đồng, thân thiện. Tuy không có những thứ đồ vật đắt tiền, những loại đồ ăn sang trọng nhưng những đồ ăn dân giã quê hương em thì không hề thua kém bất cứ món đặc sản nào. Một trong những đặc trưng của quê em, đó là các loại nông sản, các loại rau quả sạch, tươi, ngon. Nhắc đến các loại quả phục vụ cho bữa ăn của con người thì không thể không kể đến quả mướp hương.

Mướp hương là một loại cây leo, rất dễ trồng và cho rất nhiều quả. Ở quê em, bố mẹ em cũng như các bác hàng xóm đều trồng ở vườn nhà mình từ một đến hai giàn mướp. Để cho cây mướp phát triển tươi tốt và cho nhiều trái quả thơm thì mọi người đều phải chuẩn bị những giàn bằng tre, gỗ để cho cây mướp leo lên và phát triển, vì thân mướp rất mềm, không vững chắc được như các cây xoài, cây cam…, nếu không có những giàn chống đỡ thì cây mướp không thể phát triển và không cho những trái mướp tươi ngon được. Ngoài trồng mướp ở các giàn thì mọi người quê em còn trồng mướp gần các cây cao, như cây nhãn, cây vải, hay gần những bờ rào, những bức tường. Ở những nơi này thì cây mướp vẫn có thể leo lên và phát triển được, lại không mất nhiều công sức cho việc mắc giàn. Tuy nhiên, việc thu hoạch mướp sẽ khó khăn hơn so với trồng ở giàn.

Mướp có thân mềm và rất nhỏ, thân mướp chỉ to khoảng một chiếc đũa ăn cơm, nhưng nó lại có khả năng phát triển rất dài và leo bám vào giàn, lá của cây mướp có hình tim, đường vân lá nổi lên rất rõ. Lá mọc dọc khắp thân của cây mướp, lá mướp còn được mọi người quê em dùng để lau đi nhựa mít, vì nhựa mít nhiều và dính, lá mướp lại có khả năng lấy đi những thứ nhựa dính đó, giúp cho múi mít thơm, ngon và sạch nhựa hơn. Một bộ phận nữa không thể thiếu của cây mướp đó chính là hoa mướp, hoa mướp rất thơm, đặc biệt là của loại mướp hương, ngoài quả thì hoa mướp cũng được nhiều người hái để nấu canh. Và phần quan trọng nhất, có giá trị nhất của cây mướp đó chính là quả mướp. Quả mướp được mọc ra từ những bông hoa, sau khi trưởng thành thì quả mướp to chừng bằng cổ tay.

Những quả mướp này dùng để nấu canh rất ngon, đặc biệt là món canh cua. Món ăn này em và mọi người trong gia đình đều rất yêu thích, đặc biệt là vào ngày hè, món ăn này càng trở nên ngon lành hơn. Quả mướp tuy là một loài quả dân dã nhưng nó lại có thể chế biến ra những món ăn vô cùng ngon miệng. Cây mướp là một loại cây được trồng phổ biến ở tất cả các vùng quê trên lãnh thổ Việt Nam, tuy không có giá trị cao về kinh tế nhưng lại rất có giá trị trong đời sống sinh hoạt, trong bữa ăn hàng ngày của mọi người.

Đề 4. Tả một cây non mới trồng (cây bạch đàn).

Bài làm mẫu:

Hưởng ứng phong trào trồng cây, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, học sinh các khối lớp bốn, lớp năm của trường em trồng cây dọc theo đoạn đường 1A đi ngang qua huyện lị. Loại cây chúng em trồng là cây bạch đàn mới ươm.

Cây giống được hạt kiểm lâm chở tới trường và mỗi lớp lần lượt nhận số cây quy định của lớp mình. Mỗi học sinh trồng hai cây, mỗi cây trồng cách nhau ba mét. Chúng em đem cây trồng theo bờ lề. Cây con mới ươm hạt nhưng đã lên cao độ hai mươi lăm xăng-ti-mét.

Rễ cây ủ kín trong túi đất, thân cây mảnh dẻ bằng nửa ngón tay út của em. Cây có hai lá mầm màu xanh non, thuôn dài. Chúng em đào lỗ đúng chiều sâu quy định rồi đặt cây xuống, lấp đất vừa phủ bầu đất. Cây bạch đàn con trông yếu ớt làm sao. Để cây vững hơn, chúng em cắm que tre, cột nhẹ thân cây vào que cho nó tựa vào để vững vàng bám đất. Một tuần sau, chúng em đi thăm cây. Tất cả cây đều bám đất, xanh tốt, không có cây nào bị chết. Chúng em tưới nước cho cây rồi vui vẻ ra về. Cây bạch đàn đã bám đất, bén rễ, tươi tắn. Hai lá mầm của cây lớn lên một chút, tươi giòn chứ không ẻo lả.

Chúng em trồng, chăm sóc cho cây được sống và phát triển tốt. Tiền công trồng cây mà Hạt Kiểm lâm trả cho nhà trường được hiến tặng cho Quỹ Ủng hộ trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Em rất vui vì đã góp một phần bé nhỏ của mình vào công tác từ thiện, chia sẻ nỗi đau, kém may mắn của các bạn nhỏ phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh.

Đề 5. Tả một cây cổ thụ.

Dàn ý chi tiết:

a) Mở bài: Giới thiệu về cây cổ thụ

+ Em thấy nó ở đâu?

+ Nó là cây gì? (phượng vĩ, đa,... )

b) Thân bài: Tả bao quát đến chi tiết

+ Nhìn xa, trông cây như thế nào? (to, cao, lớn,... )

+ Cây khoảng bao nhiêu tuổi?

+ Thân, lá, hoa có màu gì?

+ Rễ như thế nào? (uốn lượn, ngoằn nghèo,... )

+ Cành cây như thế nào? (vươn lên, tỏa nhiều cành)

+ Hoa như thế nào? (màu đỏ, vàng, đẹp, 5, 6 cánh)

+ Cây được dùng để làm gì? (làm cảnh, tạo bóng mát,... )

+ Kỉ niệm của em với cây?

c) Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về cây cổ thụ đó.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM