Trang chủ

Tập làm văn: Luyện tập miêu tả cây cối

Xuất bản: 16/08/2019

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả cây cối trang 83, 84 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu biên soạn lại đầy đủ các nội dung lý thuyết về miêu tả cây cối và gợi ý làm bài tập SGK.

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả cây cối trang 83, 84 SGK Tiếng Việt 4 tập 2, Đọc tài liệu biên soạn tài liệu bao gồm các nội dung: Nhắc lại cách làm bài văn miêu tả cây cối lớp 4, gợi ý trả lời các câu hỏi, đề bài trong SGK trang 83, 84.

Kiến thức cần nhớ

1.Trình tự miêu tả trong bài văn tả cây cối

- Tả từng bộ phận của cây
- Tả từng thời kì phát triển của cây

2. Dàn bài bài văn tả cây cối

Mở bài – Tả hoặc giới thiệu bao quát về  cây

Thân bài – Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây

Kết bài – Có thể nêu lợi ích của cây, ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây


Gợi ý trả lời câu hỏi SGK

Đề bài : Tả một cây có bóng mát (hoặc cây ăn quả, cây hoa) mà em yêu thích

Gợi ý trả lời

Đề bài 1: Tả cây phượng vĩ

Giữa sân trường tôi, sừng sững một cây phượng đang nở rộ những chùm hoa thắm tươi như báo hiệu cho chúng tôi một mùa hè nữa lại bắt đầu. Cây phượng đã nhiều tuổi lắm rồi. Thân cây to dễ đến mấy người ôm không xuể. Dưới gốc phượng có đến mấy cái rễ to, nhỏ khác nhau. Cái thì trồi lên trên mặt đất vài mét mới chui xuống dưới. Cái thì nửa trên mặt đất, nửa nằm sâu dưới đất. Cái thì ngoằn ngoèo, cái thì thẳng đuột. Tán phượng xòe rộng ra như cái dù phi công trùm lấy một khoảng sân rộng, che bóng mát cho tụi nhỏ chúng tôi. Trên những cành phượng cao tít, chim chóc thường đến đây ca hát líu lo, làm cho sân trường không chỉ rộn ràng tiếng trẻ thơ mà còn âm vang cả một bản hợp xướng yêu đời của người và chim.

Giữa khoảng trời mênh mông, những chùm phượng nổi lên một màu đỏ rực như có ai đó bắn lên một chùm pháo hoa trong đêm giao thừa đón mừng thiên niên kỉ mới: Đây là hình ảnh đọng lại trong tâm tưởng tôi mỗi khi tiếng ve sầu bắt đầu râm ran trên các cành phượng và phượng bắt đầu ra hoa rồi hè đến. Hè sắp về là y như phượng khoe sắc, là dấu ấn thời gian thúc giục tụi nhỏ chúng tôi mau mau luyện bài chuẩn bị cho kì thi sắp tới, và cũng là khoảng thời gian chuẩn bị tinh thần chia tay nhau trong mấv tháng hè đầy bịn rịn và nhớ nhung. Rồi đâv nữa, những trang lưu bút hồn nhiên, ngây thơ nhưng chứa đầy những cảm xúc tình bạn. Trong ấy, có thể là những chuyện buồn, vui với những cánh phượng hồng ép khô thành con bướm màu huyết dụ, gợi nhớ ngày học bên nhau dưới gốc phượng này. Rồi sau nữa, những cơn mưa mùa hạ sẽ đến, xác phượng trải khắp sân trường đỏ hồng như xác pháo. Và biết bao bạn học sinh cũng như tôi cảm thấy xót xa trước những cánh hoa tơi tả. Nhưng rồi sau đó, hè qua đi, năm học mới lại đến, phượng bắt đầu nhú chồi, đâm lộc... cứ thế, cứ thế phượng lại ra hoa, thắp đỏ cả một vùng trời, báo hiệu năm học sắp kết thúc. Và hè đến... Giã từ những cánh hoa phượng thắm, lòng tôi lại cảm thấy xao xuyến bâng khuâng khi phải chia tay với cây phượng thân yêu, chia tay với những người bạn cùng học với bao nhiêu lưu luyến nhớ nhung...

>>Xem thêm: Văn mẫu tả cây bàng lớp 4

Đề bài 2: Tả cây hoa sứ

Không giống như một số loài cây khác, đến mùa thay áo, cây hoa sứ chỉ còn những cành trơ trụi, y hệt như những cánh tay trần của bức tượng nghìn tay nghìn mắt. Thoạt nhìn tưởng như cây đã khô héo.

Nhưng kì thực đó là thời kì lột xác để chuẩn bị cho mùa đâm chồi, nẩy nụ. Sứ có một sức sống kì lạ, có khả năng chống chọi lại mọi thời tiết khắc nghiệt mà một số loài cây khác không có được. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, trên những cánh tay trần trụi tường như khô héo ấy vô vàn những chồi nhũ ra, lớn dần, lớn dần tạo thành những lá tròn xoe đều đặn. Người ta tưởng như có một bàn tay nào đó kết dính các cuống lá lại quanh một trục. Những chồi non mập mạp vươn cao rồi nó bung ra vô vàn cánh hoa màu tím sắc hồng. Những bông hoa năm cánh xếp lại như hình một cái phễu từ từ xòe ra khoe sắc, đẹp chẳng kém gì bông huệ, bông cúc. Ngắm bông sứ phải ngắm cả chùm bông thưởng thức vẻ đẹp của nó. Em yêu bông sứ không chỉ ở sức sống dẻo dai kì diệu cùa loài cây mà còn ở vẻ đẹp nở thành chùm như một lẵng hoa của thiên nhiên ban phát cho con người vậy.

>>Xem thêm:

Đề bài 3: Tả cây đu đủ

Ngay ở giữa vườn, ba em trồng một dãy năm cây đu đủ. Cây nọ cách cây kia độ hơn một mét.

Đó là giống đu đủ lùn, dễ sống và rất mau ra trái. Cây chỉ cao hơn đầu em một chút. Thân cây màu nâu mốc. Dấu vết của những cuống lá đã rụng in chi chít trên thân. Cuống lá là một ông rỗng và dài, mọc từ thân ra.

Chúng em thường lấy cuống lá, cắt ngắn độ gang tay, vát nhọn một đầu làm kèn thổi rất vui tai. Lá đu đủ lớn giống như một bàn tay khổng lồ. Từ nách các cuống lá, những bông đu đủ màu trắng ngà, lớn như ngón cái đá nhú ra. Trái non bé xíu, lọt thỏm giữa những cách hoa. Trái lớn rất nhanh, màu xanh thẫm. Hàng chục trái lớn nhỏ đeo chi chít, san sát bên nhau xung quanh ngọn trông thật thích mắt.

Lúc đu đủ chín cây, hái xuống để một vài ngày, trái sẽ có màu vàng thẫm vị ngọt và thơm, ăn rất bổ. Cây đu đủ là loại cây rất quen thuộc với mọi người.

Em rất thích hàng cây đu đủ của nhà em.

Tham khảo: Bài văn tả những cây ăn quả hay nhất lớp 4

***

Soạn bài Tập làm văn lớp 4: Luyện tập miêu tả cây cối trang 83, 84 SGK Tiếng Việt 4 tập 2 được Đọc tài liệu hướng dẫn chi tiết phía trên, hi vọng các em học sinh có tiết học luyện tập viết văn thật lý thú. Chúc các em học tốt môn Tập làm văn miêu tả cây cối lớp 4.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM