Trang chủ

Tập làm văn: Kể chuyện (kiểm tra viết)

Xuất bản: 22/07/2019 - Cập nhật: 23/07/2019 - Tác giả:

Soạn bài Tập làm văn: Kể chuyện lớp 5 trang 45 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 tuần 22, Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn các em học sinh cách làm các đề bài mẫu được đưa ra trong SGK.

Soạn bài Tập làm văn: Kể chuyện lớp 5 trang 45 SGK Tiếng Việt 5 tập 2, tuần 22 được Đọc tài liệu biên soạn cả nội dung lý thuyết nhắc lại và gợi ý làm bài phần luyện tập, thực hành.


Kiến thức cần nhớ

Một số kiến thức cơ bản về văn kể chuyện lớp 5 các em học sinh cần hồi tưởng lại của lớp 4 và nắm chắc để vận dụng, mở rộng trong lớp 5.

- Văn kể chuyện là viết một bài văn kể một chuỗi sự việc có đầu có cuối liên quan đến một hay một số nhân vật, mỗi câu chuyện nói một điều có ý nghĩa trong cuộc sống.

- Cấu tạo bài văn kể chuyệnBài văn kể chuyện có cấu tạo 3 phần:

  • Mở bài (trực tiếp hoặc gián tiếp).
  • Thân bài: Diễn biến câu chuyện.
  • Kết bài: Kết thúc câu chuyện (không mở rộng hoặc mở rộng).

- Tính cách của nhân vật được thể hiện qua

  • Hành động của nhân vật
  • Lời nói, ý nghĩ của nhân vật
  • Những đặc điểm ngoại hình tiêu biểu.

Gợi ý trả lời câu hỏi SGK

Đề bài:

Chọn một trong các đề bài sau:

1. Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.

2. Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học.

3. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó.

Gợi ý làm bài:

Đề 1. Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.

Dàn ý tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu một kỉ niệm đáng nhớ

- Ấn tượng của bạn về kỉ niệm đó

2. Thân bài

a) Miêu tả sơ nét về người mà làm nên kỉ niệm với bạn

- Hình dạng

- Tuổi tác

- Đặc điểm mà bạn ấn tượng

- Tính cách và cách cư xử của người đó

b) Giới thiệu kỉ niệm

- Đây là kỉ niệm buồn hay vui

- Xảy ra trong hoàn cảnh nào, thời gian nào

c) Kể lại tình huống, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

- Kỉ niệm đó liên quan đến ai

- Người đó như thế nào?

d) Diễn biến của câu chuyện

- Nêu mở đầu câu chuyện và diễn biến như thế nào

- Trình bày đỉnh điểm của câu chuyện

- Thái độ, tình cảm của nhân vật trong chuyện

e) Kết thúc câu chuyện

- Câu chuyện kết thúc như thế nào

- Nêu suy nghĩ và cảm nhận của bạn qua câu chuyện.

3. Kết bài

Câu chuyện là một kỉ niệm đẹp thời cắp sách đến trường. Nó đã cho em một bài học qui giá và em sẽ không bao giờ quên kỉ niệm này.

>>Xem thêm: Những bài văn hay lớp 5 kể về tình bạn đáng nhớ

Đề 2. Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học.

 Tham khảo bài văn mẫu sau:

Cuộc sống của con người gắn liền với những ước mơ. Có những ước mơ ngọt ngào làm cho ta hạnh phúc, lại có những ước muốn tham lam đem tới cho ta nhiều phiền toái. Câu chuyện sau nói lên điều đó:

Điều ước của vua Mi – đát

Tại đất nước Hi Lạp xa xưa, có ông vua nổi tiếng tham lam tên là Mi – đát.

Một ngày nọ, khi Mi – đát đang dạo chơi trong vườn thượng uyển thì gặp thần Đi – ô – ni – dốt và được thần ban cho một điều ước. Sẵn tính tham lam, Mi – đát ước ngay:

– Xin thần cho mọi vật tôi chạm vào đều biến thành vàng!

Thần ban cho Mi – đát cái ước muồn tham lam ấy rồi biến mất. Mi – đát sung sướng bẻ thử cành sồi, cành cây lập tức biến thành vàng. Ông ta lượm một quả táo, quả táo biến thành vàng nốt. Mi – đát hí hửng tưởng rằng lão là người hạnh phúc nhất mà không mảy may ngờ đến rắc rối đang chờ mình ở phía trước …

Bữa ăn được người hầu dọn ra. Giờ thì ông ta hiểu rằng mình vừa ước một điều khủng khiếp : mọi thức ăn đều biến thành vàng khi ông ta chạm tới. Bụng đói cồn cào, Mi – đát hối hận, miệng không ngừng van nãi thần Đi – ô – ni – dốt. Bỗng, thần hiện ra, với vẻ mặt nghiêm nghị, phán:

– Nhà người hãy tới sông Pác – tôn, nhúng mình vào dòng nước, phép màu sẽ biến mất.

Mi – đát làm như vậy và quả nhiên phép màu biến mất.

Bạn thấy đấy, hạnh phúc không đến từ ước muốn tham lam mà làm nên từ bàn tay và trí óc.

>> Tham khảo: Kể lại câu chuyện về vị anh hùng, danh nhân nước ta mà em được đọc

Đề 3: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó.

Tham khảo dàn ý kể lại câu chuyện "Cây khế" theo lời của chim Phượng Hoàng sau đây:

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (theo giọng điệu của chim Phượng Hoàng)

2. Thân bài:

- Câu chuyện xảy ra ở đâu ? Có những ai ? Hoàn cảnh sống của họ như thế nào ?

- Tính cách của người anh ra sao ? Người em tính tình như thế nào ?

- Sau khi cha mất đi người anh đã đối xử với em mình ra sao ? (Chia cho em cây khế ở góc vườn.)

- Chuyện gì đã xảy ra với cây khế của người em ? (Chim Phượng Hoàng đến ăn khế - chở đi lấy vàng).

- Cuối cùng người em nhận được những gì ? (Cuộc sống thay đổi, đỡ vất vả, được sung sướng)

- Biết chuyện người anh đã hành động ra sao ? (đến gạ đổi cây khế với em. Chim Phượng Hoàng lại đến ăn khế, hắn đuổi chim đi. Chim hứa trả vàng, hắn tham lam mang túi mười hai gang đem đi đựng vàng).

- Kết cục của người anh như thế nào ? (Vì quá tham lam, chim không chở nổi, hắn rơi xuống biển sâu mà chết).

3. Kết bài: Câu chuyện có ý nghĩa như thế nào ?

Bài văn mẫu:

Ta là chim Phượng Hoàng. Ta luôn giúp đỡ những người khốn khó và thay trời trừng trị những kẻ tham lam bất nhân.

Ta thường bay ngang một ngôi làng, ta thấy ở đó có một gia đình nhà kia có hai anh em trai và một người cha già.

Chẳng bao lâu, người cha mất đi. Nhà còn hai anh em. Người anh không những không bao bọc, thương yêu em mà lại rất tham lam, đối xử với em rất tệ. Hắn lấy vợ. Viện cớ đã có gia đình riêng hắn đứng ra chia gia tài. Bởi tham lam nên hắn giành hết gia sản, chỉ cho người em một cây khế ngọt ở góc vườn. Người em vốn ngoan ngoãn lại hiền lành nên anh chia sao người em nhận vậy. Anh ta nhận cây khế, dựng một túp lều con dưới gốc, rồi làm thuê cuốc mướn sống qua ngày.

Cây khế của người em rất sai quả. Mùa khế chín, ta thấy người em thường hái trái đem ra chợ bán, lấy tiền mua gạo. Nhìn thấy người em tội nghiệp, làm lụng vất vả trong khi người anh rất sung sướng ta bèn thử lòng người em. Ta đến cây khế, thản nhiên ăn hết trái khế này đến trái khế khác. Người em thấy vậy bèn buồn bã nói với ta: "Chim ơi, thương tôi với! Chim ăn hết khế của tôi thì tôi lấy gì đổi gạo?". Ta bèn nói: "Ăn một quả khế, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng".

Đêm sau, ta quay lại khu vườn và bảo người em trèo lên lưng, ta chở anh ta vượt qua núi cao, sông dài, biển rộng đến đảo vàng rồi thả anh ta xuống. Một lúc sau, ta thấy người em quay ra với một túi ba gang đầy vàng. Ta lại cõng anh ta vượt trùng khơi về nhà. Từ đấy, cuộc sống của người em thay đổi hẳn. Anh ta không còn khổ cực nữa. Không những vậy, anh ta còn chia bớt của cải cho những người nghèo xung quanh mình. Tuy giàu có nhưng anh ta không hề kiêu căng, vẫn sống lối sống hết sức đạm bạc.

Người anh thấy cuộc sống của người em thay đổi thì nổi máu tham lam. Anh ta đến nhà, hỏi chuyện rồi gạ người em đổi cây khế cho mình. Người em vui vẻ đổi cây khế cho anh trai và dọn về căn nhà mà cha mẹ để lại, nhường túp lều nhỏ dưới gốc khế của mình cho anh.

Mùa khế lại đến, ta lại đến ăn khế chín. Người anh thấy ta ăn khế thì tiếc của, bèn đuổi ta đi. Ta nói "Ăn một quả khế, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng".

Đúng hẹn, ta quay trở lại khu vườn, chở người anh đến đảo vàng. Thấy vàng hắn tối mắt tối mũi lấy đầy một túi to đến mười hai gang mà hắn may sẵn, không những vậy, hắn còn dắt theo trên người rất nhiều. Hắn đã quên mất lời ta dặn rằng chỉ được đầy túi ba gang mà thôi. Ta chở hắn về nhưng vì hắn quá nặng nên khi bay đến giữa biển khơi ta chao cánh, gió lại thổi mạnh nên hắn rơi tõm xuống biển.

Thế đấy, những kẻ bất nhân, lại tham lam, ăn ở không chút nghĩa tình như hắn thì sớm muộn cũng sẽ nhận được kết cục như vậy. Còn người em, anh ta ăn ở hiền lành, lại sống có nhân nghĩa, người tốt thì bao giờ cũng sẽ nhận được điều tốt.

>>Xem thêm: Văn mẫu lớp 5 - Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của một nhân vật trong truyện

***

Soạn bài Tập làm văn: Kể chuyện lớp 5 trang 45 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 đã được Đọc tài liệu chia sẻ phía trên, hi vọng các em sẽ chuẩn bị bài đầy đủ trước khi tới lớp để có một tiết viết văn kể chuyện lớp 5 thật tốt và đạt điểm cao.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM