Trang chủ

Soạn bài Tấm Cám

Xuất bản: 26/08/2020 - Cập nhật: 20/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Tấm Cám ngữ văn lớp 1 và trả lời câu hỏi bài tập trang 65 sách giáo khoa Ngữ Văn 10 tập 1 về truyện cổ tích Tấm Cám.

     Soạn bài Tấm Cám lớp 10 - Đọc Tài Liệu hướng dẫn tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của truyện Tấm Cám qua phân tích và trả lời các câu hỏi đọc hiểu SGK trang 72.

---KẾT QUẢ CẦN ĐẠT---

  • Học sinh cần hiểu được ý nghĩa của những mâu thuẫn, xung đột và sự biến hóa của Tấm trong truyện Tấm Cám.
  • Nắm được giá trị nghệ thuật của truyện Tấm Cám.

Soạn bài Tấm Cám siêu ngắn nhất

I. Đọc - hiểu truyện Tấm Cám

Câu 1 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Phân tích diễn biến truyện để thấy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã diễn ra như thế nào (lưu ý các đoạn kể về cái yếm đỏ, con cá bống, thử giày, cái chết của Tấm, chim vàng anh, chiếc khung cửi).

Trả lời

Mẹ con Cám hết lần này lượt khác hãm hại Tấm, hòng cướp đoạt hạnh phúc của Tấm:

– Cám lừa Tấm, trút hết tôm tép Tấm bắt được vào giỏ của mình và tranh lấy yếm đào.

– Mẹ con Cám bàn mưu, nhân lúc Tấm đi chăn trâu, bắt và giết bống.

– Mẹ con Cám không cho Tấm đi dự hội, lấy gạo trộn với thóc, bắt Tấm nhặt xong mới được phép đi dự hội.

– Tỏ ra khinh thường Tấm khi thấy có người giống nàng đi ướm thử chiếc giày.

– Dùng dao chặt thân cây cau khiến Tấm ngã chết.

– Tấm hóa thành chim vàng anh → Cám giết chim vàng anh.

– Tấm hóa thành cây xoan đào → Mẹ con Cám sai người chặt cây xoan đào làm khung cửi.

– Tấm hóa thân vào khung cửi → Mẹ con Cám đốt khung cửi, đem tro đổ đi xa.

Câu 2 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Phân tích từng hình thức biến hóa của Tấm. Quá trình biến hóa của Tấm nói lên ý nghĩa gì?

Trả lời

– Tấm hóa thân bốn lần theo thứ tự: con chim vàng anh → cây xoan đào → khung cửi → quả thị. Tấm sau mỗi lần hóa thân đều trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

– Quá trình biến hóa của Tấm thể hiện khao khát của nhân dân về công lý, về lẽ phải trong cuộc sống: người tốt, người lương thiện sẽ có được cuộc sống hạnh phúc.

– Quá trình biến hóa này còn thể hiện quan niệm tâm linh của nhân dân ta về kiếp sau của con người.

Câu 3 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về hành động trả thù của Tấm đối với Cám?

Trả lời

Đối với tác giả dân gian hành động trả thù của Tấm đối với mẹ con Cám như vậy là thích đáng, là phù hợp với những gì mà mẹ con Cám đã gây ra.

=>Phản ánh đạo lí nhân dân: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Câu 4 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện (Tấm và mẹ con Cám đại diện cho các lực lượng đối lập nào, trong gia đình hay ngoài xã hội)?

Trả lời

Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong tuyện là mâu thuẫn và xung đột trong gia đình, cụ thể là gia đình phụ quyền (quyền lực tập trung ở người cha). Đây là xung đột con chung – con riêng (mâu thuẫn dì ghẻ – con chồng).

II. Luyện tập

Câu hỏi luyện tập trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Căn cứ vào định nghĩa truyện cổ tích ở bài “Khái quát văn học dân gian Việt Nam” và mục Tiểu dẫn của bài này, hãy tìm trong Tấm Cám những dẫn chứng để phân tích, làm rõ các đặc trưng của truyện cổ tích thần kì.

Trả lời

– Yếu tố thần kì: sự xuất hiện và giúp đỡ của Bụt đối với Tấm chính là một trong những nguyên nhân giúp Tấm có được cuộc sống hạnh phúc.

– Truyện thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người: Tấm dù trải qua nhiều cay đắng, hiểm nguy nhưng đến cuối cùng vẫn có được cuộc sống hạnh phúc, còn mẹ con Cám thì phải chịu trừng phạt. Tấm là đại diện cho cái thiện, cái tốt, ngược lại, mẹ con Cám là đại diện cho cái ác, cái xấu.

Soạn bài Tấm Cám hay nhất

I. Đọc - hiểu truyện Tấm Cám

Bài 1 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Phân tích diễn biến truyện để thấy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã diễn ra như thế nào (lưu ý các đoạn kể về cái yếm đỏ, con cá bống, thử giày, cái chết của Tấm, chim vàng anh, chiếc khung cửi).

Trả lời:

- Câu chuyện được diễn biến qua 2 chặng chính:

+ Chặng 1: Tấm ở với dì ghẻ.

+ Chặng 2: Tấm trở thành Hoàng hậu đến hết truyện.

- Chặng 1: Tấm ở với dì ghẻ.

+  Cái yếm đỏ - mâu thuẫn quyền lợi vật chất.

Tấm chăm chỉ, còn Cám lười biếng, lừa chị để lấy giỏ tép về lĩnh dải yếm đỏ. Hành động của Cám chứng tỏ mâu thuẫn về quyền lợi vật chất giữa những người con trong gia đình – con của dì ghẻ luôn được chiều chuộng, thiên vị, được mẹ dành cho những của ngon, đồ tốt còn con riêng lại chịu cảnh làm lụng, vất vả nhưng không được hưởng quyền lợi.

+ Con cá bống - mâu thuẫn quyền lợi tinh thần.

Là người bạn duy nhất chia sẻ buồn vui với Tấm trong gia đình, nhưng lại bị mẹ con Cám giết thịt. Họ không muốn cho Tấm có một người bạn nào, không cho cô được hưởng một chút hạnh phúc, thú vui tinh thần nào.

+ Đi xem hội – mâu thuẫn quyền lợi tinh thần.

Nhà vua mở hội, đáng ra Tấm cũng được đi xem nhưng mụ dì ghẻ lại bày kế hành hạ, không cho Tấm đi. Những người dì ghẻ cay độc không bao giờ muốn cho con riêng của chồng được thảnh thơi, vui vẻ dù là một giây phút nhỏ nhoi.

+ Thử giày - mâu thuẫn cả về vật chất và tinh thần.

“Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre”.

-> Câu nói cho thấy sự khinh bỉ của dì ghẻ, vừa coi thường nhân phẩm của Tấm vừa nhằm chê bai sự không xứng đáng của cô.

⟹ Chặng 1 đã phản ánh mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình thường ngày.

- Chặng 2: Tấm trở thành Hoàng hậu đến hết truyện.

+ Cái chết của Tấm:

Tấm về giỗ cha, bị dì ghẻ âm mưu chặt cây ngã xuống ao mà chết với mục đích đưa Cám vào làm Hoàng hậu. Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào khi nguy hại đến tính mạng của Tấm, mẹ con Cám quyết tranh giành quyền lực đến cùng.

+ Chim vàng anh:

Là con vật nhà vua quý mến nhưng bị Cám giết thịt. Họ quyết tâm không để lại mầm mống liên quan đến Tấm.

+ Cây xoan:

Là nơi vua yêu thích để hóng mát nhưng cũng bị chặt làm khung cửi.

+ Khung cửi:

Cất lên tiếng nói của Tấm về nỗi uất ức nhưng cũng bị Cám đem đốt ra tro.

⟹ Chặng 2 phản ánh mâu thuẫn cao hơn, đó là về quyền lợi xã hội.

Nhìn chung, ở tác phẩm này mâu thuẫn bao trùm là mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác trong xã hội.

Bài 2 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Phân tích từng hình thức biến hóa của Tấm. Quá trình biến hóa của Tấm nói lên ý nghĩa gì?

Trả lời

- Tấm có 4 lần biến hóa:

+ Lần 1: Chim Vàng Anh

Chim vàng anh là loài chim cao quý, có giọng hót hay có lẽ vậy mà Tấm đã hóa kiếp thành con chim để được quấn quýt bên vua. Cũng chính vàng anh đã hót mắng Cám để trút nỗi hận.

+ Lần 2: Hai cây xoan

Một lần nữa bị hãm hại, nhưng Tấm không từ bỏ, nàng hóa thân vào hai cây xoan xanh mát và lại chiều được ý vua.

+ Lần 3: Khung cửi

Lần biến hóa này là do Cám làm nên, chặt cây làm khung cửi nhưng Cám lại bị Tấm dọa cho một phen hú vía.

+ Lần 4: Quả thị

Đây là lần hóa thân cuối cùng, mang lại cái kết có hậu cho cuộc đời Tấm. Đây cũng là chi tiết mang tính thẩm mĩ cao. Quả thị rất gần gũi với mỗi người dân Việt, hơn thế nó mang trong mình hương thơm dịu ngọt, mang lại cảm giác vô cùng dễ chịu. Tấm bước ra từ quả thị như một lời tuyên bố về sự trường tồn vĩnh cửu của cái thiện.

Bốn vật mà Tấm hóa thân đều là những vật bình dị, gần gũi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Ở đây có sự hóa thân từ xa tiến đến gần, từ bên ngoài vào bên trong, từ xa đến gần gũi với con người.

- Ý nghĩa của quá trình biến hóa:

+ Thể hiện sức sống, sự trỗi dậy mãnh liệt của Tấm cũng như của cái thiện trước cái ác.

+ Đó là sức mạnh, sự trường tồn vĩnh cửu của cái thiện trước cái ác.

Bài 3 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về hành động trả thù của Tấm đối với Cám?

Trả lời:

- Xét về góc độ đạo đức: Hành động của Tấm có phần trái với bản chất hiền lành, lương thiện. Tuy nhiên, đây là hành động trả thù xứng đáng cho những con người độc ác, vô nhân trong xã hội.

- Xét về vấn đề thể loại: Hành động trả thù của Tấm đã thể hiện đúng yêu cầu thể loại về truyện cổ tích.

Bài 4 trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện (Tấm và mẹ con Cám đại diện cho các lực lượng đối lập nào, trong gia đình hay ngoài xã hội)?

Trả lời:

- Bản chất của mâu thuẫn và xung đột:

+ Mâu thuẫn gia đình: nguyên nhân là do vấn đề thừa kế gia sản, những quyền lợi vật chất của các thành viên gia đình.

+ Mâu thuẫn xã hội thiện đối lập ác: nguyên nhân do xung đột giữa các lực lượng đối lập trong xã hội nhằm khẳng định quyền lợi và địa vị mới.

Tham khảo văn mẫu haySuy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong truyện Tấm Cám

II. Luyện tập

Câu hỏi luyện tập trang 72 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Căn cứ vào định nghĩa truyện cổ tích ở bài “Khái quát văn học dân gian Việt Nam” và mục Tiểu dẫn của bài này, hãy tìm trong Tấm Cám những dẫn chứng để phân tích, làm rõ các đặc trưng của truyện cổ tích thần kì.

Trả lời

* Các đặc trưng của truyện cổ tích thần kì:

- Có các yếu tố thần kì (tiên, Bụt, sự biến hóa thần kì, những vật có phép màu,...).

- Kết cấu: nạn nhân phải trải qua nhiều hoạn nạn nhưng cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc, sự công bằng.

* Phân tích:

- Các yếu tố thần kì trong truyện “Tấm Cám”:

+ Các nhân vật thần kì:

  • Bụt – chính là Phật, có phép lực vô biên, hiền từ.
  • Tấm – sự biến hóa thần kì thông qua những lần bị giết

+ Các vật thần kì:

  • Con gà: biết nói, biết bới xương cho Tấm.
  • Chim sẻ: biết nhặt riêng thóc và gạo.
  • Xương bống: biến thành quần áo đẹp, đôi giày và con ngựa đẹp.
  • Chim vàng anh: do Tấm hóa thân, biết hót lời đe dọa Cám, biết làm vui lòng vua.
  • Hai cây xoan: biết vươn mình che mát cho vua.
  • Khung cửi: biết chửi rủa Cám.
  • Quả thị: bên trong là một cô Tấm, hằng ngày chui ra chui vào.

⟹ Các yếu tố thần kì trên thường được xuất hiện trong truyện cổ tích, mang những phép lạ; ẩn chứa bên trong sức mạnh phi thường có thể giúp đỡ những người nghèo khổ, đồng thời làm cho câu chuyện cổ tích trở nên li kì, hấp dẫn người đọc hơn.

- Kết cấu:

+ Tấm phải trải quan hoạn nạn từ khi ở chung với dì ghẻ đến khi trở thành Hoàng hậu.

+ Khi ở với dì ghẻ thì bị bắt làm lụng vất vả, chịu lời cay nghiệt, thua thiệt so với Cám.

+ Khi trở thành Hoàng hậu lại bị giết hại vô cùng tàn độc, phải trải qua 4 lần biến hóa để có thể tồn tại.

+ Nhưng đến cuối cùng lẽ phải, cái tốt cũng chiến thắng. Cái kết thể hiện được ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội.

Soạn bài Tấm Cám nâng cao

Câu 1: Truyện Tấm Cám có thể chia làm mấy phần? Tóm tắt nội dung của mỗi phần.

Trả lời

Đoạn 1: (Từ đầu đến “không phải làm việc nặng”): Giới thiệu hoàn cảnh, các nhân vật chính trong truyện.

Đoạn 2: (“Một hôm người dì ghẻ … rước Tấm về cung”): những thử thách mà Tấm phải trải qua để giành hạnh phúc.

Đoạn 3 (Còn lại): Tấm trở lại làm người, sống hạnh phúc và trừng trị mẹ con Cám.

Câu 2: Mẫu thuần giữa mẹ con Tấm Cám với mẹ con dì ghẻ phản ánh mối xung đột gì trong xã hội? Xung đột ấy thường được truyện cổ tích giải quyết theo hướng nào?

Trả lời

Mâu thuẫn xã hội: mâu thuẫn về quyền lợi, địa vị, đẳng cấp xã hội.

Mẫu thuẫn này thường được truyện cổ tích giải quyết theo hướng: người hiền lành sẽ được sống trong sung sướng, hạnh phúc, còn kẻ độc ác sẽ bị trừng trị.

Câu 3: Từ mở đầu đến kết truyện, thái độ của Tấm đối với hành vi tàn ác của mẹ con Cám có sự chuyển biến ra sao? Trong quá trình chuyển biến ấy, các yếu tố kì ảo đóng những vai trò khác nhau như thế nào?

Trả lời

Thái độ phản kháng của Tấm ngày càng cao trước cuộc đấu tranh ngày càng gay go ác liệt. Từ chỗ chỉ biết ôm mặt khóc, và mỗi lần như vậy Bụt lại hiện ra an ủi, giúp đỡ … đến chỗ Tấm đã vùng lên đấu tranh quyết liệt, không hề khóc và Bụt cũng không xuất hiện những lúc Tấm bị hại.

Các yếu tố kì ảo cũng có vai trò khác nhau: ở phần 1 từ con cá bống đến vật báu trả ơn cũng do Bụt mang đến cho Tấm, nhưng sang phần hai ta thấy từ con chim vàng anh, xoan đào, khung cửi, quả thị không còn Bụt thay Tấm đấu tranh mà chỉ là những vật Tấm gửi linh hồn để trở về đấu tranh quyết liệt với kẻ thù giành lại hạnh phúc.

Câu 4: Sự trở về với cuộc đời của Tấm ở cuối truyện nói lên quan niệm của nhân dân ngày xưa về hạnh phúc là như thế nào?

Trả lời

Sự trở về của Tấm cho ta thấy ước mơ, tinh thần lạc quan của nhân dân khi tin vào thuyết luân hồi của đạo Phật. Cô Tấm chết đi sống lại, không phải tìm hạnh phúc ở cõi niết bàn mà quyết giành và giữ hạnh phúc ở ngay cõi đời này.

Câu 5: Truyện Tấm Cám phản ánh những ước mơ gì của nhân dân? Tìm những chi tiết trong truyện thể hiện ước mơ đó?

- Ước mơ được đổi đời: chi tiết Tấm được làm Hoàng hậu.

- Ước mơ cái thiện thắng cái ác: chi tiết Tấm được hồi sinh còn mẹ con Cám phải chết.

Tóm tắt truyện Tấm Cám

Có nhiều cách tóm tắt truyện Tấm Cám khác nhau, dưới đây là nôi dung tóm tắt truyện Tấm Cám nổi bật nhất, đầy đủ ý trong truyện nhất cho các em học sinh tham khảo.

Tấm là một người con gái hiền lành, tốt bụng lại rất chăm chỉ. Mẹ mất sớm, rồi bố cũng ra đi, Tấm sống cùng với dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ là Cám. Cuộc sống của nàng ở đây là một chuỗi những ngày bị đối xử bất công, cực nhọc, không tìm cho mình được một niềm vui sống.

Một lần, hai chị em Tấm được dì ghẻ giao cho nhiệm vụ đi bắt tép. Người bắt được nhiều hơn sẽ là chủ nhân của chiếc yếm thắm - niềm ao ước của biết bao cô gái bấy giờ. Chiếc giỏ của Tấm, bằng sự chăm chỉ vốn có của nàng, chẳng mấy chốc mà đã đầy ắp. Còn Cám, rong chơi, bắt bướm cùng với chiếc giỏ rỗng không của mình. Nhưng khi trở về, vì nghe lời Cám xuống sông tắm gội, khi lên bờ, Tấm chỉ còn thấy chiếc giỏ không.

Tiếng khóc nức nở của Tấm đã gọi Bụt hiện lên. Bụt chỉ cho Tấm con vật còn lại trong giỏ - một con cá bống. Bống từ đó là người bạn của Tấm, được Tấm xẻ phần cơm của mình và được gọi lên bằng lời rất âu yếm. Phát hiện ra con cá, mẹ con Cám bày mưu lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để giết cá Bống.

Về đến nhà, khi gọi chỉ còn thấy cục máu nổi lên, Tấm lại òa khóc nức nở. Bụt lại hiện lên. Nhờ có chú gà mà Tấm đã tìm được xương cá Bống. Nghe lời Bụt, Tấm đem cho vào bốn lọ chôn ở bốn chân giường. Ngày hội - ngày vui của trai gái đã đến, nhờ có Bụt, Tấm có quần áo mới, có giày mới đi trẩy hội. Chiếc giày nàng đánh rơi được vua nhặt được. Vua tuyên bố, chủ nhân đôi giày ấy sẽ là hoàng hậu.

Sau rất nhiều cuộc thử giày, chỉ có Tấm đi vừa và nàng thành hoàng hậu. Dù sống trong nhung lụa, nhưng Tấm vẫn luôn hướng về quê nhà, muốn về thăm quê nhân ngày giỗ cha. Mẹ con Cám lừa Tấm chèo lên cây cau rồi đốn cây khiến Tấm chết. Còn Cám thay chị tiến cung. Tấm đã nhiều lần hóa thân, bị sát hại bởi mẹ con Cám rồi lại được hồi sinh thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi.

Cuối cùng, dưới hình dáng cô con gái nuôi của bà bán nước, nhờ miếng trầu têm mà vua nhận ra Tấm. Nàng trở lại làm hoàng hậu. Mẹ con dì ghẻ bị trừng trị thích đáng với những hành động mình đã làm. Còn Tấm lại trở về với cuộc sống hạnh phúc mà mình đáng được hưởng.

>> Đọc chi tiết Truyện Tấm Cám bản gốc

-/-

Tổng kết

  • Sự biến hoá của Tấm đã thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác. Mâu thuẫn và xung đột trong truyện phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ.
  • Đặc sắc nghệ thuật của truyện thể hiện ở sự chuyển biến của hình tượng nhân vật Tấm: từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình.

    Với nội dung soạn bài Tấm Cám lớp 10 với đầy đủ nội dung hướng dẫn soạn bài, trả lời câu hỏi luyện tập trong chuyên mục soạn văn 10 của Đọc tài liệu chia sẻ trên hi vọng các em học sinh sẽ chuẩn bị bài tốt nhất trước khi tới lớp.

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM