Trang chủ

Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự

Xuất bản: 26/08/2020 - Tác giả: Hiền Phạm

Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự trang 37 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 1, hướng dẫn giải bài tập chi tiết để giúp các em soạn văn 6 bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự

Để hoàn thành tốt bài soạn trước khi tới lớp, các em có thể tham khảo Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự mà Đọc tài liệu đã biên tập.

    Hướng dẫn soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự - Ngữ văn 6 tập 1

    I. Đặc điểm của sự việc và nhân vật trong văn tự sự

    1 - Trang 37 SGK

    a) Xem xét các sự việc trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh;

    (1) Vua Hùng kén rể.

    (2) Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn.

    (3) Vua Hùng ra điều kiện chọn rể.

    (4) Sơn Tinh đến trước, được vợ.

    (5) Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh.

    (6) Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua, rút về.

    (7) Hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua.

    Em hãy chỉ ra sự việc khởi đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào và sự việc kết thúc trong các sự việc trên và cho biết mối quan hệ nhân quả của chúng.

    b) Sự việc trong văn bản tự sự phải được kể cụ thể: do ai làm, việc xảy ra ở đâu, lúc nào, nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Có sáu yếu tố đó thì truyện mới cụ thể, sáng tỏ. Em hãy chỉ ra sáu yếu tố trên trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh . Theo em, có thể xóa bỏ yếu tố thời gian và địa điểm trong truyện này được không, vì sao? Việc giới thiệu Sơn Tinh có tài có cần thiết không? Nếu bỏ qua sự việc vua Hùng ra điều kiện kén rể đi có được không? Việc Thủy Tinh nổi giận có lí hay không? Lí ấy ở những sự việc nào?

    c) Sự việc và chi tiết trong văn tự sự được lựa chọn cho phù hợp với chủ đề, tư tưởng muốn biểu đạt. Em hãy cho biết sự việc nào thể hiện mối thiện cảm của người kể đối với Sơn Tinh và vua Hùng? Việc Sơn Tinh thắng Thủy Tinh nhiều lần (em hãy tính cụ thể mấy lần) có ý nghĩa gì? Có thể để cho Thủy Tinh thắng Sơn Tinh được không? Vì sao? Có thể xóa bỏ việc “Hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước…” được không? Vì sao?

    Trả lời

    a) Các sự việc trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

    – Sự việc khởi đầu là (1).

    – Sự việc phát triển là (2) (3) (4) (5)

    – Sự việc cao trào là (6)

    – Sự việc kết thúc là (7)

    Trật tự sắp xếp các sự việc là không thể đảo lộn được, và không thể bỏ đi bất cứ sự việc nào. Chẳng hạn nếu bỏ sự việc (3) vua Hùng ra điều kiện kén rể thì không biểu hiện được sự “thiên vị” của vua giành cho Sơn Tinh. Bởi mọi sản vật vua yêu cầu, Sơn Tinh có khả năng thực hiện dễ hơn Thủy Tinh.

    b) Sự việc trong văn tự sự phải đảm bảo đi liền với các yếu tố như nhân vật, không gian, thời gian, nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Có như vậy thì sự việc mới sinh động, cụ thể, không sơ lược, khô khan và thể hiện được chủ đề của toàn bộ bài văn. Có thể thấy sự biểu hiện của các yếu tố này trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

    – Nhân vật: Vua Hùng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mị Nương, Lạc Hầu

    – Không gian: Thành Phong Châu, núi Tản Viên, miền biển

    – Thời gian: đời Hùng Vương thứ mười tám

    – Diễn biến: (3), (4), (5), (6) ở câu a.

    – Nguyên nhân: Thủy Tinh tức giận vì không lấy được Mị Nương.

    – Kết thúc: (7)

    Các yếu tố này nhất thiết phải có thì truyện mới hấp dẫn, thú vị. Thiếu đi một trong các yếu tố đó thì sự việc trong truyện sẽ trở nên không hoàn chỉnh, thiếu sức thuyết phục và chủ đề của truyện cũng sẽ khác đi. Không có thời gian và không gian cụ thể, sự việc sẽ trở nên không chân thực, thiếu sức sống. Không có sự việc vua Hùng ra điều kiện kén rể thì sẽ không nảy sinh sự ganh đua giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.

    Nếu vua Hùng không tỏ ra ưu ái với Sơn Tinh khi đưa ra các sản vật toàn là thuộc miền núi thì Thủy Tinh không tức giận, hận thù đến thế. Thủy Tinh thua là tất yếu cũng như Sơn Tinh thắng theo sự ưu ái của vua Hùng cũng là tất yếu. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các sự việc trong truyện tạo nên sự thống nhất, hợp lí, thể hiện được chủ đề của truyện.

    c) Sự việc và chi tiết trong văn tự sự phải được lựa chọn cho phù hợp với chủ đề, nội dung tư tưởng muốn biểu đạt.

    Các sự việc, chi tiết được lựa chọn như Sơn Tinh có tài xây lũy đất chống lụt, đồ sính lễ là sản vật của núi rừng dễ cho Sơn Tinh mà khó cho Thủy Tinh, Sơn Tinh thắng khi lấy được vợ, lại thắng trong trận giao đấu tiếp theo và mãi về sau khi nào cũng thắng,… cho thấy thái độ của người kể chuyện (ở đây là nhân dân): đứng về phía Sơn Tinh, vua Hùng.

    Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh hàng năm vẫn dâng nước báo thù, những chi tiết này giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai.

    2 - Trang 38 SGK

    a) Nhân vật trong văn tự sự vừa là kẻ thực hiện các sự việc, vừa là kẻ được nói tới, được biểu dương hay bị lên án. Em hãy kể tên các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và cho biết:

    – Ai là nhân vật chính, có vai trò quan trọng nhất?

    – Ai là kẻ được nói tới nhiều nhất?

    – Ai là nhân vật phụ? Nhân vật phụ có cần thiết không? Có thể bỏ được không?

    b) Nhân vật trong văn tự sự được kể như thế nào?

    – Được gọi tên, đặt tên;

    – Được giới thiệu lai lịch, tính tình, tài năng;

    – Được kể các việc làm, hành động, ý nghĩ, lời nói;

    – Được miêu tả chân dung, trang phục, trang bị, dáng điệu,…

    Hãy cho biết các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh được kể như thế nào?

    Trả lời

    a) Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, các nhân vật là: Vua Hùng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mị Nương, Lạc hầu.

    – Nhân vật chính là: Sơn Tinh, Thủy Tinh (nhân vật được nói tới nhiều nhất, có vai trò chủ yếu trong việc thể hiện chủ đề của văn bản)

    – Nhân vật phụ là: Vua Hùng, Mị Nương (thường chỉ được nhắc tên hoặc nói qua, nhưng không thể bỏ qua nhân vật phụ vì nhân vật phụ nhằm bổ trợ để cho nhân vật chính thể hiện)

    b) Trong văn bản tự sự, có khi ngay từ tên gọi của nhân vật đã mang ngụ ý nào đó.

    Ví dụ: Sơn Tinh – thần núi (sơn: núi; tinh: thần linh), Thủy Tinh – thần nước (Thủy : nước; tinh: thần linh). Nhân vật thường được giới thiệu lai lịch, ví dụ: Vua Hùng – thứ mười tám; Sơn Tinh – ở vùng núi Tản Viên,…; Lạc Long Quân – ở miền đất Lạc Việt, nòi rồng, con trai thần Long Nữ; Âu Cơ – ở vùng núi cao phương bắc, thuộc dòng họ Thần Nông,…

    Có khi, nhân vật được miêu tả hình dáng, ví dụ: Lạc Long Quân – mình rồng, Thánh Gióng – “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt.”. Tính tình, tài năng của nhân vật có khi được giới thiệu trực tiếp (Mị Nương: “tính nết hiền dịu”), hoặc là thể hiện qua hành động, việc làm, ví dụ: Lang Liêu, Sơn Tinh, Thủy Tinh,…

    Hành động, việc làm của nhân vật là mặt quan trọng để thể hiện nhân vật trong văn tự sự, bộc lộ rõ nét chủ đề, tư tưởng của bài văn, chẳng hạn: hành động đòi gặp sứ giả của Thánh Gióng, hành động thách cưới của Vua Hùng, hành động trả thù của Thủy Tinh,… Nói chung, tùy theo từng văn bản, với những chủ đề khác nhau, mà các mặt thể hiện nhân vật được tập trung bộc lộ, hoặc kết hợp với nhau cho linh hoạt, hài hòa.

    II. Soạn bài sự việc và nhân vật trong văn tự sự phần Luyện tập

    1 - Trang 38 SGK

    Chỉ ra những việc làm mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã làm:

    – Vua Hùng: …

    – Mị Nương: …

    – Sơn Tinh: …

    – Thủy Tinh: …

    a) Nhận xét vai trò, ý nghĩa của các nhân vật.

    b) Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo sự việc gắn với các nhân vật chính.

    c) Tại sao truyện lại gọi là Sơn Tinh, Thủy Tinh? Nếu đổi bằng các tên sau có được không?

    – Vua Hùng kén rể

    – Truyện Vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh và Thủy Tinh

    – Bài ca chiến công của Sơn Tinh.

    Trả lời

    – Những việc của nhân vật.

    + Vua Hùng kén rể, chọn các Lạc hầu bàn bạc và ra lời phán.

    + Mị Nương theo Sơn Tinh về núi.

    + Sơn Tinh vẫy tay làm đất nổi cồn núi, dùng phép lạ bốc đồi, dời núi.

    + Thủy Tinh gọi gió, hô mưa, dâng nước sông cuồn cuộn lên đánh Sơn Tinh.

    a) Vai trò, ý nghĩa của nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh.

    – Quyết định phần chính yếu của câu truyện.

    – Nói lên thái độ người kể.

    – Giải thích hiện tượng lũ lụt.

    Sơn Tinh như vị phúc thần chống lại thế lực của Thủy Tinh thần nước – một tai họa mà mọi người rất muốn diệt trừ.

    Hai nhân vật còn lại chỉ tạo nguyên nhân cho câu chuyện phát triển, tạo nên sự đối đầu của Sơn Tinh và Thủy Tinh.

    b) Ở đây, Sơn Tinh, Thủy Tinh là hai nhân vật chính, được nói đến nhiều nhất, nên tóm tắt cần chú trọng các sự kiện xoay quanh hai nhân vật này.

    c) Nhan đề cũng là một bộ phận quan trọng, thể hiện khái quát chủ đề của tác phẩm. Nhan đề hay là nhan đề vừa phản ánh được chủ đề trung tâm của văn bản, vừa phải ngắn gọn, súc tích. Gọi tên văn bản theo tên nhân vật chính là cách thường gặp, nhất là trong các truyện kể dân gian.

    Do đó truyện có tên là Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nếu đổi bằng các tên như SGK thì sẽ không thể hiện được nội dung mà truyện hướng tới.

    2 - Trang 39 SGK

    Cho nhan đề truyện: Một lần không vâng lời. Em hãy tưởng tượng để kể một câu chuyện theo nhan đề ấy. Em dự định sẽ kể về việc gì, diễn biến ra sao, nhân vật của em là ai?

    Trả lời

    Các em cần xác định.

    – Không vâng lời là hiện tượng phổ biến của trẻ em vì các em chưa hiểu hết ý nghĩa của lời dạy bảo.

    – Một lần không vâng lời là nhấn mạnh tới việc không vâng lời gây hậu quả như trèo cây ngã gẫy tay, đua xe đẹp bị công an tạm giữ, quay cóp bị điểm kém, hút thuốc lá, ham chơi để em ngã, tắm sông suýt chết, ….

    – Phải xác định chọn nhân vật, sự việc phù hợp, hiểu sự tương quan chặt chẽ giữa sự việc và ý nghĩa.

    Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự ngắn nhất

    Bài 1 trang 37 SGK Ngữ văn 6 tập 1

    - Sự việc khởi đầu (1)

    - Sự việc phát triển ( 3)

    - Sự việc cao trào ( 4- 5)

    - Sự việc kết thúc (7)

    b, Sáu yếu tố trong văn tự sự:

    - Sự việc do: Sơn Tinh Thủy Tinh làm

    - Sự việc diễn ra ở đời Hùng Vương thứ mười tám

    - Sự việc diễn ra: khi vua Hùng muốn kén chồng cho con.

    - Nguyên nhân: Do hai chàng cùng cầu hôn nhưng vua chỉ có một người con gái

    - Diễn biến: Sơn Tinh đến trước được vợ, Thủy Tinh đến sau tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều bị thua

    - Kết quả: hằng năm Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua

    - Không thể xóa thời gian và địa điểm vì truyện nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt và ước mơ chiến thắng tự nhiên của nhân dân

    - Việc Thủy Tinh nổi giận là có lý: Thủy Tinh đến sau và sính lễ nhà vua đưa ra chỉ có trên mặt đất

    c, Sự việc thể hiện thiện cảm của người kể đối với Sơn Tinh và vua Hùng

    - Sơn Tinh được kể về “tài lạ” trước rồi mới tới Thủy Tinh

    - Không để nhân vật Thủy Tinh thắng

    - Không thể xóa bỏ sự việc Thủy Tinh.

    Bài 2 trang 38 SGK Ngữ văn 6 tập 1

    a, Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

    - Sơn Tinh và Thủy Tinh là nhân vật chính có vai trò quan trọng nhất

    - Sơn Tinh và Thủy Tinh được nói tới nhiều nhất

    - Vua, Mị Nương, các Lạc hầu là nhân vật phụ nhưng không cần thiết, không thể bỏ được

    b, Nhân vật trong truyện được kể:

    Nhân vậtTên gọiLai lịchTài năngChân dungViệc làm
    Vua HùngVua HùngVua đời thứ 18Kén rể
    Sơn TinhSơn TinhỞ vùng núi Tản ViênVẫy tay… nổi cồn bãi, mọc lên núi đồi, đem sính lễ đến trướcCầu hôn, dời núi dựng thành, ngăn lũ
    Thủy TinhThủy TinhGọi gió, gió đến, hô mưa mưa vềCầu hôn, dâng nước cuồn cuộn
    Mị NươngMị NươngCon gái vua Hùng thứ mười támTính tình hiền dịuNgười đẹp như hoaTheo Sơn Tinh về núi
    Lạc HầuLạc Hầuđời vua Hùng thứ 18bàn bạc việc với vua

    Bài 1 trang 38 SGK Ngữ văn 6 tập 1

    Những việc mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã làm:

    - Vua Hùng: kén rể, đưa ra yêu cầu về sính lễ

    - Mị Nương: người đẹp như hoa, tính tình hiền dịu, nết na

    - Sơn Tinh: vẫy tay, nổi cồn bãi, lên núi đồi

    - Thủy Tinh: cầu hôn, dâng nước đánh Sơn Tinh

    a, Vai trò của các nhân vật: cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh lý giải cho hiện tượng thiên tai bão lũ diễn ra hằng năm

    b, Tóm tắt truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:

    Xưa vua Hùng muốn kén rể cho công chúa Mị Nương, trong số những người tới xin cầu hôn có Sơn Tinh, Thủy Tinh là những có tài lạ ngang nhau. Không biết chọn ai vua Hùng nói sáng sớm hôm sau ai mang sính lễ (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao) tới trước sẽ được cưới công chúa. Sáng sớm hôm sau, Sơn Tinh tới trước, cưới được Mị Nương, Thủy Tinh tới sau mang lòng uất hận đem quân đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh và Thủy Tinh giao chiến. Cuối cùng Thủy Tinh thua trận, hằng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh.

    c, Truyện có nhan đề là Sơn Tinh, Thủy Tinh vì:

    • Theo cách đặt tên theo nhân vật chính của truyện dân gian
    • Truyện diễn tả mối mâu thuẫn trực tiếp giữa con người với thiên tai
    • Nếu đổi tên thành: “ Vua Hùng kén rể, Truyện Mị Nương, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Bài ca chiến công của Sơn Tinh thì không bao hàm hết ý nghĩa nội dung của truyện

    Bài 2 trang 39 SGK Ngữ văn 6 tập 1

    Nhân vật:

    • Nhân vật chính: Em
    • Nhân vật phụ: Mẹ em, cô giáo, bạn cùng lớp…

    Các sự việc:

    • Mẹ cho tiền đóng học
    • Gặp bạn , bạn rủ đi đánh điện tử
    • Cô giáo điện thoại thông báo em chưa đóng tiền lại bỏ học
    • Mẹ hỏi em không biết giải thích hợp lý khiến mẹ buồn.
    • Em ân hận về những việc làm của mình

    Kiến thức cần ghi nhớ

    • Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,... Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tư, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt.
    • Nhân vật trong văn tự sự là kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản. Nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động, Nhân vật được thể hiện qua các mưatj: Tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,...

    -/-

    Vậy là Đọc tài liệu đã hướng dẫn các em soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự đầy đủ với việc gợi ý trả lời tất cả các câu hỏi trang 37, 38 SGK Ngữ văn 6 rồi nhé!

    Xem thêm:

    Bài trước: Soạn bài Nghĩa của từ

    Bài sau: Soạn bài Sự tích Hồ Gươm

    --------------------------------------------------------------------

    Tham khảo hướng dẫn Soạn văn 6 - Đọc hiểu và trả lời câu hỏi trong các bài học thuộc SGK Ngữ Văn 6

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM