Trang chủ

Soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo

Xuất bản: 05/08/2022 - Tác giả:

Soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo với hướng dẫn các phần Chuẩn bị đọc, Trải nghiệm cùng văn bản, Suy ngẫm và phản hồi trang 15, 16 SGK Ngữ văn 7 tập 1.

Cùng Đọc tài liệu xem chi tiết phần soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo (Bài 1: Tiếng nói của vạn vật) với đầy đủ các lời giải đáp cho các câu hỏi trong sách giáo khoa mà em cần chuẩn bị trước tại nhà.

Chuẩn bị đọc: soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo

Câu hỏi: Em hãy chia sẻ cảm nhận của mình về thiên nhiên vào thời khắc giao mùa

Trả lời

Trong khoảnh khắc giao mùa ấy thiên nhiên cho em cảm nhận rằng như nó đang nói hộ tâm trạng của con người. Đó là thứ cảm xúc chờ đợi nhưng xen chút tiếc nuối. Biết bao những chờ mong về một mùa mới đang dâng trào trong trái tim, những kỉ niệm tươi đẹp về mùa cũ vẫn còn tồn đọng. Trong khoảnh khắc giao, đất trời thiên nhiên như đang “trở mình” một cách duyên dáng. Tâm hồn con người như cũng “lột xác” nhẹ nhàng

Trải nghiệm cùng văn bản: soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 15 SGK Ngữ Văn 7 tập 1: Em hình dung thế nào về Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu?

Trả lời

Hai câu thơ sau mới là bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu, một sáng tạo của tác giả.

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

+ Thu đang ở nơi cửa ngõ của mùa vì thế đám mây mùa hạ mới chỉ vắt nửa mình. Cách sử dụng từ “mình” khiến câu thơ thêm ý vị, nhẹ nhàng, duyên dáng. Đám mây như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang trời thu. Đây có thể xem là hình ảnh liên tưởng sáng tạo, độc đáo nhất trong bài thơ

+ Thật sáng tạo khi Hữu Thỉnh dùng một hình ảnh của không gian để diễn tả sự vận động của thời gian. Mây là thực, còn gianh giới mùa là ảo. Cách diễn đạt này khiến bầu trời như nhuộm nửa sắc thu để đến một lúc nào đó nó sẽ là bầu trời thu

Câu 2 trang 15 SGK Ngữ Văn 7 tập 1: Điểm chung của chùng chình, dềnh dàng, vắt nửa mình, vơi dần là gì?

Trả lời

- Chùng chình: Cố ý nấn ná, làm chậm chạp để kéo dài thời gian. Từ láy chùng chình trong bài Sang thu gợi ra hình ảnh làn sương đang cố ý đi chậm lại như để chờ đợi mùa thu và như đang lưu luyến mùa hạ.

- Dềnh dàng: chậm chạp, không khẩn trương, để mất nhiều thì giờ vào việc không cần thiết. Trong bài Sang thu thì từ dềnh dàng được hiểu là tốc độ chậm chạp, thong thả gợi tả dòng nước mùa thu nhẹ nhàng, êm ả, lững lờ trôi

- Vắt nửa mình: trạng thái lơ lửng của đám mây như một cây cầu bắc ngang mùa hạ để bước đến cánh cửa của mùa thu. Nửa mình như vẫn giữ lại chút hương vị của mùa hạ nhưng nửa còn lại đã rướn mình hòa vào trời thu.

- Vơi dần: chỉ mức độ, không còn mạnh mẽ như trước mà đã vơi dần đi, nhưng lại chữ biến mất, mưa đã bớt xối xả đi

=> Giống nhau: cùng sử dụng nghệ thuật nhân hóa, cùng diễn tả được sự thong thả, chậm rãi của sự vật. Và đặc biệt, những từ đó đều diễn tả được trạng thái của các sự vật như chờ mùa thu và lưu luyến mùa hạ.

Suy ngẫm và phản hồi: soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo

Câu 1 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm nào? Dựa vào đâu em biết được điều đó?

Trả lời

Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào khoảnh khắc giao mùa giữa mùa hạ sang mùa thu.

Dấu hiệu nhận biết:

- Nhan đề: Sang thu nói được thời điểm và khung cảnh nhà thơ khắc họa trong bài thơ. Sang thu là sự chuyển giao của đất trời từ hạ sang thu và cũng là sự biến chuyển của lòng người.

- Những tín hiệu qua các từ ngữ, hình ảnh thiên nhiên:

+ sương chùng chình qua ngõ

+ chim bắt đầu vội vã

+ vẫn còn bao nhiêu nắng

+ đã vơi dần cơn mưa

Câu 2 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Tìm các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ. Qua cách miêu tả đó, em cảm nhận như thế nào về tâm hồn của nhà thơ?

Trả lời

Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ: hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình, cơn mưa vơi dần.

Qua cách miêu tả đó, em cảm nhận được sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn nhà thơ khi kết hợp nhiều giác quan như xúc giác, thính giác, thị giác,... để cảm nhận thiên nhiên.

Câu 3 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ Sang thu có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện nội dung văn bản?

Trả lời

- Ngắt nhịp: Nhịp thơ linh hoạt 3/2, 2/3

- Gieo vần: Gieo vần chủ yếu là vần chân (se-về, vã-hạ) trong mỗi khổ tạo sự liền mạch của cảm xúc.

=> Tác dụng:  tạo sự liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ và tạo nhạc điệu cho bài thơ.

Câu 4 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Theo em, chủ đề của bài thơ Sang thu là gì? Qua bài thơ này, tác giả muốn gửi thông điệp gì đến cho người đọc?

Trả lời

- Chủ đề: Qua việc miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu, bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả thiên nhiên, những suy ngẫm về bước đi của thời gian

- Thông điệp của tác giả muốn gửi gắm: Cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá thiên nhiên

Câu 5 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Nếu nhan đề Sang thu được sửa thành Thu hay Mùa Thu thì có phù hợp với nội dung của bài thơ hay không? Vì sao?

Trả lời

- Sang thu: nhan đề thể hiện được khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Nhan đề này còn bộc lộ những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển mình của đất trời trong khoảnh sang thu.

- Thu/Mùa Thu: nhan đề thể hiện được không khí và thiên nhiên đất trời của mùa thu

=> Ta không thể thay nhan đề Sang thu được đổi thành Thu hay Mùa thu bởi toàn bộ bài thơ này tập trung miêu tả khoảnh khắc đất trời chuyển mình từ hè sang thu.

Câu 6 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Đọc bài thơ Sang thu em học được gì về cách quan sát cảm nhận thiên nhiên của tác giả?

Trả lời

- Cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên của tác giả Hữu Thỉnh

+ Nhà thơ đã mở rộng tầm quan sát lên chiều cao (chim), chiều rộng (mây) và chiều dài (dòng sông). Tác giả đã quan sát vạn vật bằng cả thính giác, thị giác, xúc giác và khứu giác.

+ Nhà thơ có những cảm nhận tinh tế nhất về sự thay đổi của đất trời. Phải chăng có sợi tơ duyên đồng cảm giữa con người với thiên nhiên đang vào thu. Qua cách cảm nhận ấy, ta thấy Hữu Thỉnh có một hồn thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết, một trí tưởng tượng bay bổng.

- Qua bài thơ chúng ta học được từ nhà thơ Hữu Thỉnh rất nhiều bài học bổ ích khi quan sát, cảm nhận thiên nhiên. Đầu tiên, chúng ta phải có tấm lòng say mê với vạn vật, một tình yêu thiên nhiên tha thiết và sâu sắc. Chúng ta hãy quan sát từng sự vật, hiện tượng thiên nhiên bằng nhiều giác quan và góc độ khác nhau, không nên bó hẹp vào những góc nhất định mà hãy mở rộng tầm mắt để cảm nhận được nhiều vẻ đẹp hơn

Câu 7 trang 16 Ngữ Văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo: Chọn một từ ngữ trong bài thơ Sang thu mà em cho là hay nhất. Viết ít nhất một câu để giải thích cho sự lựa chọn của em.

Trả lời

Em có thể chọn từ ngữ theo cảm nhận của em mà em yêu thích nhất.

Ví dụ: vắt, phả, hình như

-/-

Trên đây là gợi ý soạn bài Sang thu Chân trời sáng tạo đầy đủ nhất, đừng quên tham khảo trọn bộ Soạn văn 7 Chân trời sáng tạo để học tốt hơn mỗi ngày.

- Tổng hợp các tài liệu và bài học soạn văn 7-

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM