Trang chủ

Soạn bài Ôn tập cuối học kì II (Tiết 8)

Xuất bản: 07/07/2019 - Cập nhật: 30/07/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài trang 168 SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 2 bài Ôn tập cuối học kì 2 (Tiết 8) - Tuần 35.

Mục lục nội dung

Luyện tập phần Tập làm văn

Đề bài: Em hãy miêu tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất.

Gợi ý làm bài:

Dàn ý chi tiết:

I. Mở bài

Hôm nay là tiết học tập đọc, cô giáo em là người giảng bài rất say sưa.

II. Thân bài

– Cô đang giảng bài tập đọc: Hạt gạo làng ta.

– Tả ngoại hình cô giáo: cô mặc chiếc áo dài trắng, mái tóc dài, đôi mắt to, thân hình tròn.

– Giọng cô ấm áp khi đọc bài thơ, khi cô đọc bài cả lớp im lặng lắng nghe.

– Cô cẩn thận giảng cho chúng em từng li từng tý những điều chưa hiểu.

Lời cô giảng bài truyền cảm, dễ hiểu đã nói lên nội dung bài thơ: hình ảnh của làng quê Việt Nam, những người nông dân lao động chăm chỉ.

– Cô giúp chúng em hiểu được giá trị khi làm ra hạt gạo, công sức của người nông dân khi tạo ra hạt gạo.

– Cô giúp các em học sinh hiểu bài nhờ cách dạy hay, truyền cảm.

III. Kết bài

– Mỗi bài giảng của cô đều được chúng em tiếp thu.

– Cô luôn được chúng em yêu quý.

Bài làm mẫu tham khảo

Cô giáo của em là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền. Cô thường dạy minh hoạ cho các giáo viên trường bạn dự giờ. Cô dạy các môn đều rất hay nhưng với em, tiết học cô dạy mà em nhớ nhất là tiết Lịch sử hồi đầu năm học, bài đầu tiên của chương trình Lịch sử lớp Năm, bài “Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định”.

Cô giáo của em hơi đứng tuổi, áng chừng cô đã ba mươi tư, ba mươi lăm tuổi. Dáng cô dong dỏng cao và hơi gầy. Cô có bờ vai tròn nhỏ nhắn xinh xinh và cái eo “thắt đáy lưng ong” nên cô mặc áo dài rất đẹp. Khuôn mặt trái xoan của cô tươi tắn nhờ bờ môi hồng thắm tự nhiên. Với đôi mắt bồ câu to và sáng, long lanh tia nhìn ấm áp, trông cô thật dịu hiền.

Hôm ấy là thứ hai. Cô mặc áo dài màu thiên thanh vẽ hoa hồng trắng rất đẹp. Tóc cô kẹp gọn gàng trong cái kẹp nơ màu xám bạc.

Sau giờ ra chơi là tiết Lịch sử. Cô ghi tên môn học lên bảng rồi hỏi chúng em: “Các em đã đọc bài nào trong sách Lịch sử chưa?”. Chúng em đồng thanh đáp: “Thưa cô chưa ạ”. Cô cười nhẹ:

- Vậy thì hôm nay cô dạy các em tiết đầu tiên của chương trình Lịch sử lớp Năm, Bài học về một vị quan triều Nguyễn trở thành người chỉ huy cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp: Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định.

Cô kể câu chuyện lịch sử về tướng quân Trương Định. Giọng cô to, dõng dạc rõ ràng đưa chúng em đến thăm ba tỉnh miền Đông Nam kì lúc các tỉnh này bị thực dân Pháp chiếm. Bằng lời kể truyền cảm, sôi nổi, cô giáo em vẽ lại bối cảnh đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân các tỉnh Nam kì do tướng quân Trương Định làm chỉ huy lực lượng khởi nghĩa. Chúng em như trông thấy quang cảnh hào hùng, hừng hực ý chí chiến đấu của nghĩa quân khi suy tôn tướng quân Trương Định lên làm nguyên soái. Chúng em cảm nhận được trái tim và ý chí của tướng quân trước lệnh vua và ý dân. Lớp học im phăng phắc. Dường như cả thảy chúng em đều nín thở để theo dõi lời kể của cô giáo. Cô giáo em đưa mắt nhìn khắp lớp, đôi má hồng lên vì xúc động. Mắt cô sáng long lanh như say sưa, để hết tâm hồn vào lời giảng. Cô vẽ lại buổi lễ nghĩa quân tôn tướng quân Trương Định là Bình Tây Đại Nguyên Soái bằng lời giảng nhiệt huyết, rành mạch, dễ hiểu. Kết thúc chuyện kể cô đặt câu hỏi cho chúng em kể lại. Khuôn mặt cô giáo em trở nên dí dỏm, khích lệ. Đôi mắt cô lấp lánh vẻ hóm hỉnh của nụ cười động viên học sinh. Cô gọi chúng em đọc ghi nhớ của bài rồi hỏi: “Em nào có thể kể lại câu chuyện và thuộc phần ghi nhớ ngay tại lớp?”. Một vài cánh tay học sinh đưa lên. Cô mời bạn Sang kể lại câu chuyện, sau đó cho chúng em ghi bài. Tiết học đầy xúc cảm của môn Lịch sử kết thúc trong không khí vui vẻ, sôi nổi của lớp học.

Lịch sử là một trong những môn học mà em yêu thích. Cô em vẫn dạy chúng em: “Là người Việt, chúng ta phải nắm vững lịch sử nước Việt Nam. Không thể tha thứ cho một học sinh Việt Nam không biết gì về lịch sử hiển hách của dân tộc”. Cô giáo đã dạy cho em không chỉ bằng chuyên môn sư phạm mà còn bằng tình yêu đất nước nồng nàn, bằng lòng tự hào của một công dân nước Việt.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM