Xem ngay hướng dẫn soạn bài Ôn giữa học kì II Tiết 2 trang 100 tuần 28 SGK Tiếng Việt 5 tập 2 do Đọc tài liệu biên soạn, qua đó ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng, đồng thời ôn luyện bài tập về câu ghép.
I. Mục tiêu tiết học
- Ôn tập các bài tập đọc và học thuộc lòng
- Thực hành bài tập về câu ghép
II. Ôn lại kiến thức về câu ghép
1. Câu ghép là gì?
Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại.
Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.
2. Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ
2. 1. Trong mối quan hệ điều kiện – kết quả, giả thiết – kết quả
Để thể hiện quan hệ điều kiện – kết quả; giả thiết – kết quả giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:
- Một quan hệ từ: nếu, hễ, giá, thì,…
- Hoặc một cặp quan hệ từ: nếu… thì….; nếu như … thì…; hễ… thì….; hễ mà… thì…; giá… thì…
VD:
- Em sẽ được bố đưa đi chơi nếu năm học này em đạt học sinh giỏi.
- Hễ Lan cất giọng thì cả hội trường đều im lặng và trật tự lắng nghe.
2.2. Trong mối quan hệ tương phản
Để thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:
- Một quan hệ từ: tuy, dù, mặc dù, nhưng..
- Hoặc một cặp quan hệ từ; tuy… nhưng…; mặc dù… nhưng…; dù… nhưng…
VD:
- Mặc dù không phục nhưng anh ấy vẫn cúi đầu nhận lỗi.
- Tuy nhà xa nhưng Lan chưa bao giờ đi học muộn.
2.3. Trong quan hệ tăng tiến
Để thể hiện quan hệ tăng tiến giữa các vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng một trong các cặp quan hệ từ: không những… mà…; chẳng những… mà….; không chỉ… mà…
VD:
- Hoa không những chăm học mà cô bé còn rất chăm làm việc nhà.
- Trung chẳng những đánh nhau mà anh ta còn hút thuốc và uống rượu bia
3. Nối các vế câu ghép bằng cặp từ hô ứng
Để thể hiện quan hệ về nghĩa giữa các vế câu, ngoài quan hệ từ, ta còn có thể nối các vế câu ghép bằng một số cặp từ hô ứng như:
- vừa…đã…;chưa…đã…;mới….đã…;vừa…vừa…; càng…càng…
- đâu…đấy; nào… ấy; sao… vậy; bao nhiêu …bấy nhiêu
VD:
- Cô giáo vừa ra ngoài lớp đã ồn ào như cái chợ
- Mưa càng lớn bao nhiêu lòng mẹ Lan càng lo lắng bấy nhiêu
III. Hướng dẫn làm bài tập SGK
Câu 1 (tr. 100 sgk Tiếng Việt 5 tập 2). Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.
(Học sinh tự ôn tập theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo)
Câu 2 (tr. 100 sgk Tiếng Việt 5 tập 2).Dựa theo câu chuyện Chiếc đồng hồ, em hãy viết tiếp một vế câu vào chỗ trống để tạo câu ghép:
a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng ...
b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muốn làm theo ý thích của riêng mình thì ...
c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là: "Mỗi người vì mọi người và ..."
Trả lời:
a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng chúng điều khiển kim đồng hồ chạy.
b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muốn làm theo ý thích của riêng mình thì chiếc đồng hồ sẽ không hoạt động được.
c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là “Mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người”.
*********
Trên đây là nội dung bài Ôn giữa học kì II tiết 2 trang 100 SGK Tiếng Việt 5 tập 2. Hy vọng với bài hướng dẫn chi tiết của Đọc tài liệu, em sẽ củng cố lại được những kiến thức đã học để hoàn thành tốt các bài thi trước mắt. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!