Trang chủ

Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều)

Xuất bản: 23/09/2020 - Tác giả:

Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều của Đọc Tài Liệu giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Tài liệu soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều được Đọc Tài Liệu biên soạn sẽ giúp các bạn nắm vững lại các kiến thức quan trọng và hướng dẫn chi tiết trả lời các câu hỏi tại trang 99 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1.


Cùng tham khảo...

I. Hướng dẫn soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều chi tiết

Hướng dẫn trả lời 3 câu hỏi phần Đọc - Hiểu văn bản trang 99 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1.

1 - Trang 99 SGK

Phân tích những nét về ngoại hình và tính cách để làm nổi bật bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh.

Trả lời

Mã Giám Sinh là điển hình của loại con buôn lưu manh với tính chất giả dối, bất nhân và vì tiền.

- Giả dối từ lai lịch xuất thân mù mờ: Giới thiệu là khách phương xa (viễn khách) mà lại xưng quê cũng gần. Đến tướng mạo, tính danh cũng giả dối, tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tô vẽ cho trẻ (mày râu nhẵn nhụi), ra vẻ thư sinh phong lưu lịch sự (áo quần bảnh bao) mà trước thầy, sau tớ lao xao, láo nháo, ô hợp.

- Từ bộ mặt đến cách ăn mặc thiếu tự nhiên, trơ trẽn, trai lơ, phong tình.

- Cử chỉ, hành động cộc cằn, thô lỗ, cách nói năng nhát gừng, cộc lốc, vô học

+ Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.

+ Đắn đo cân sắc cân tài.

+ Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.

- Bản chất bất nhân, vì tiền của Mã Giám Sinh bộc lộ qua cảnh mua bán Thúy Kiều. Bất nhân trong hành động, trong thái độ đối xử với Kiều: xem nàng như một đồ vật đem bán, cân đong, đo đếm cả nhan sắc và tài năng: “Đắn đo cân sắc, cân tài". Bất nhân trong tâm lí lạnh lùng, vô cảm trước gia cảnh của Kiều và tâm lý mãn nguyện, hợm hĩnh: “Tiền lưng đã sắn việc gì chẳng xong”.

Bản chất vì tiền trong hành động mặc cả keo kiệt, đê tiện: “Cò kè bớt một thêm hai". Nếu trước đó, khi giành “ghế trên", Mã vội vàng “ngồi tót” thì lúc mua Kiều, hắn lại hết sức chậm rãi, tính toán chi li, hết “đắn đo”, hết “thử tài” lại “cò kè”, “thêm”, “bớt”. Câu thơ: “Cò kè bớt một thêm hai” gợi cảnh kẻ mua người bán đưa đẩy món hàng, túi tiền được cởi ra, thắt vào, nâng lên, đặt xuống.

=> Mã Giám Sinh hiện lên qua ngôn ngữ miêu tả trực diện của tác giả, được miêu tả bằng nét bút hiện thực, hoàn chỉnh cả về diện mạo và tính cách. Nhân vật Mã Giám Sinh được khắc hoạ thật cụ thể, sinh động, đồng thời lại mang ý nghĩa khái quát về một loại người giả dối, vô học, bất nhân.

Tham khảo thêm một số bài văn Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh

2 - Trang 99 SGK

Cảm nhận của em về hình ảnh Thuý Kiều ?

Trả lời 

Kiều thật đáng thương vì đã âm thầm tự nguyện hi sinh chữ tình cho chữ hiếu: “liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”. Nàng gạt bao nước mắt khi đã cắt đứt với Kim Trọng, rồi rời bỏ gia đình ấm êm, chịu những cảnh thương tâm.

Thúy Kiều tội nghiệp vì nàng là một món hàng đem bán và càng tội nghiệp hơn khi nàng ý thức được nhân phẩm. Là một món hàng, Kiều buồn rầu, tủi hổ, sượng sùng trong bước đi “ngại ngùng”, ê chề trong cảm giác “thẹn” trước hoa và “mặt dày" trước gương.

Là một người ý thức được nhân phẩm, Kiều đau uất trước cảnh đời ngang trái, đau đớn khi nghĩ tới “nỗi mình" tình duyên dang dở, uất ức bởi “nỗi nhà” bị vu oan giá họa. Bao trùm tâm trạng Kiều là sự đau đớn, tái tê: “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”.

Xem thêm các bài văn hay phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong Mã Giám Sinh mua Kiều

3 - Trang 99 SGK

Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn trích.

Trả lời

- Tác giả tỏ thái độ khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người của Nguyễn Du thể hiện qua cách tác giả miêu tả Mã Giám Sinh với cái nhìn mỉa mai, châm biếm.

+ Áo quần bảnh bao là áo quần trưng diện, cũng thiếu tự nhiên. “Hai chữ “bảnh bao” thường dùng để khen áo quần trẻ em chứ ít dùng cho người lớn” - (Trần Đình Sử), Sự đả kích ngầm càng sâu cay hơn khi một người đã “trạc ngoại tứ tuần” lại tỉa tót công phu, cố tô vẽ cho mình ra dáng trẻ. Hành động của Mã Giám Sinh khi gật gù tán thưởng món hàng: “Mặn nồng một vẻ một ưa” chẳng khác gì cử chỉ đê tiện “lẩm nhẩm gật đầu” của Sở Khanh sau này.

Thái độ của Nguyễn Du tố cáo thế lực đồng tiền chà đạp lên con người thể hiện qua lời nhận xét: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Lời nhận xét có vẻ khách quan nhưng chứa đựng trong đó cả sự chua xót, căm phẫn. Đồng tiền biến nhan sắc thành món hàng, tủi nhục, biến kẻ táng tận lương tâm thành kẻ mãn nguyện, tự đắc. Thế lực đồng tiền cùng với thế lực lưu manh, thế lực quan lại đã vào hùa với nhau tàn phá gia đình Kiều, tàn phá cuộc đời Kiều.

- Nguyễn Du còn thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trạng con người bị hạ thấp, bị chà đạp. Nhà thơ như hoá thân vào nhân vật để nói lên nỗi đau đớn, tủi hổ của Thúy Kiều.

Để giúp các em tối ưu bài soạn, các em có thể tham khảo bài soạn ngắn gọn dưới đây

II.Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều ngắn nhất

Bài 1 trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh :

- Ngoại hình: Lai lịch mập mờ, không rõ ràng. Diện mạo chải chuốt, thái quá đến lố bịch Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao không phù hợp với độ tuổi ngoài 40.

- Hành động : nói năng cộc lốc, nhát gừng ; hành động thô lỗ ngồi tót sỗ sàng, đắn đo trả giá, vô học, coi con người như món hàng, cò kè trả giá.

- Tính cách : bản chất con buôn, bất nhân, keo kiệt, lọc lõi lão luyện, giả dối.

Bài 2 trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Hình ảnh Thúy Kiều :

- Tình cảnh tội nghiệp : gia đình bị vu oan, Kiều hi sinh mối tình đầu, nàng phải bán mình cứu cha.

- Nỗi đau đớn, tái tê : Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng / Nét buồn như cúc điệu gầy như mai → nỗi đau đến tột cùng ; Trong lòng ngổn ngang, tình duyên đứt đoạn, chưa yên lòng với gia đình, lo lắng về số phận sắp tới.

Bài 3 trang 99 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du :

- Cảm thương, xót xa trước những thân phận nhỏ nhoi, giá trị con người bị chà đạp.

- Vạch trần và lên án xã hội đen tối, thế lực và đồng tiền lộng hành đẩy con người vào dòng đời đau khổ. Căm phẫn, khinh bỉ trước bọn buôn người giả dối, bất nhân.

III. Kiến thức cơ bản

- Gia đình Kiều bị vu oan, Vương Ông và Vương Quan bị bọn sai nha bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn. Thúy Kiều vì hiếu phải phụ tình, quyết định bán mình chuộc cha. Mã Giám Sinh đánh tiếng cưới Thúy Kiều về làm thiếp, kì thực là mua nàng về thanh lâu. Đoạn thơ này tả cảnh Mã Giám Sinh đến mua Kiều, gồm 34 câu thơ.

- Đoạn trích này thuộc phần hai của Truyện Kiều, là đoạn mở đầu cho kiếp đoạn trường của người con gái tài sắc Thúy Kiều.

Tham khảo: Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Tống kết

Qua bài soạn Mã Giám Sinh mua Kiều ở trên, các em cần ghi nhớ:

Bằng việc miêu tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc hoạ tính cách nhân vật, tác giả đã bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên sắc tài và nhân phẩm của người phụ nữ.

------------

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài Mã Giám Sinh mua Kiều này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM