Trang chủ

Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn

Xuất bản: 24/09/2020 - Tác giả:

Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn của Đọc Tài Liệu giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1.

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn lớp 9 của Đọc Tài liệu gồm 2 phần:

- Hướng dẫn trả lời câu hỏi sách giáo khoa

- Kiến thức cơ bản

Sẽ giúp các bạn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.


Cùng tham khảo...

I.Hướng dẫn soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn chi tiết

Hướng dẫn trả lời câu hỏi tại trang 121 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1:

Đọc - Hiểu văn bản

1 - Trang 121 SGK

Tìm chủ đề của đoạn trích.

Trả lời

Chủ đề ở đoạn thơ này là sự đối nghịch giữa thiện và ác, tác giả thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.

- Cái ác: Do ganh ghét, đố kỵ tài năng của Lục Vân Tiên nên khi Vân Tiên đang bơ vơ nơi đất khách quê người lại tàn tật, Trịnh Hâm đã trở thành một kẻ độc ác, nhẫn tâm hãm hại Lục Vân Tiên ngay cả khi Vân Tiên đã không còn có thé đe dọa đến bước đường công danh của hắn.

- Cái thiện: Vân Tiên được ông Ngư cứu. Đó là việc làm nhân đức cùng cuộc sống trong sạch, nhân cách cao cả của ông Ngư.

2 - Trang 121 SGK

Hãy phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên. Em có nhận xét gì về giá trị nghệ thuật của đoạn thơ tự sự này ?

Trả lời

Chỉ qua bốn câu thơ lục bát, tác giả đã nêu được tâm địa độc ác của Trịnh Hâm:

Trịnh Hâm khi ấy ra tay,

Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.

Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,

Cho người thức dậy lấy lời phôi pha.

- Trịnh Hâm quyết tâm hãm hại Vân Tiên là do tính đố kị. Hắn thấy Vân Tiên là người có tài nên sinh lòng ganh ghét. Dù Vân Tiên đã mù, hắn vẫn cố tìm cách hãm hại. Chừng như cái ác đã ngấm sâu vào người hắn, đã tạo thành bản chất của hắn.

- Hành động của Trịnh Hâm thật bất nhân, bất nghĩa, tàn ác.

+ Bất nhân, tàn ác vì hắn đang tâm hãm hại một con người đang cơn hoạn nạn, bị mù mắt, không nơi nương tựa, không có gì để chống đỡ.

+ Bất nghĩa vì Vân Tiên là bạn của hắn, đã từng xướng họa thơ ca, rồi được hắn hứa hẹn: Tình trước nghĩa sau, Người lành nỡ bỏ người đau sao đành. Thế mà cuối cùng Trịnh Hâm rũ sạch nghĩa nhân, ra tay xô người bạn mù lòa, khốn khổ xuống sông sâu.

+ Giả nhân, giả nghĩa: đến lúc biết không còn ai có thể cứu được Vân Tiên, Trịnh Hâm mới giả tiếng kêu trời, rồi lấy lời phôi pha để phủi sạch tội ác của mình.

- Đoạn thơ tự sự gồm 8 câu thơ kể về một tội ác tày trời của một con người táng tận lương tâm, được tác giả diễn đạt thành công qua các tình tiết sắp xếp hợp lí, hành động diễn biến nhanh gọn, lời thơ vẫn giữ vẻ mộc mạc, giản dị chung của toàn tác phẩm.

3 - Trang 121 SGK

Đối lập với cái ác, cái thiện được biểu hiện như thế nào qua đoạn trích ? Đoạn thơ nói lên thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân dân lao động như thế nào ?

Trả lời 

Trong đoạn trích này, nếu như Trịnh Hâm là kẻ điển hình cho cái ác thì ông ngư lại tiêu biểu cho cái thiện. Hành động của Trịnh Hâm càng tàn ác bao nhiêu thì cách ông Ngư cứu giúp Lục Vân Tiên càng đáng ca ngợi bấy nhiêu.

- Thấy người bị nạn, ông Ngư lập tức "vớt ngay lên bờ", sau đó vội vàng tìm cách cấp cứu "ông hơ bụng da, mụ hơ mặt mày".

- Sau khi biết chuyện, ông ngư mời Vân Tiên ở lại mà không sợ tốn kém.

- Vân Tiên ngỏ lời biết ơn nhưng ông không nhận, chỉ coi đó là một việc hết sức bình thường. Quan điểm của ông là "Dốc lòng nhân nghĩa, há chờ trả ơn".

Điều này gợi chúng ta nhớ đến chi tiết khi Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, chàng cũng không đòi hỏi sự trả ơn. Rõ ràng là giữa ông Ngư và Vân Tiên có sự nhất quán trong tính cách: họ đều là những con người tốt bụng, nghĩa hiệp, làm ơn mà không bao giờ đòi hỏi được trả ơn.

- Qua cách ông ngư nói về công việc, ta còn thấy ông là người yêu công việc, yêu cuộc sống. Đối với ông, lao động là một niềm vui, niềm hạnh phúc:

Kinh luân đã sẵn trong tay

Thung dung dưới thế, vui say trong đời. 

* Đoạn thơ gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường. Nhà thơ rất trân trọng họ bởi họ là biểu tượng cho cái đẹp, những con người nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài. Nhà thơ Xuân Diệu đã nói rất đúng "Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm của tâm hồn Đồ Chiểu".

4 - Trang 121 SGK

Hãy chọn những câu mà em cho là hay nhất trong đoạn thơ rồi trình bày những cảm nhận của em về cảm xúc của tác giả và ngôn ngữ miêu tả, biểu cảm trong những câu thơ ấy.

Trả lời

"Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ,

....

Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang”

(Nguyễn Đình Chiểu, Truyện Lục Vân Tiên,

Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, sđd)

Tám câu thơ cuối đoạn có thể coi là những câu thơ hay nhất. Đó là lời của ông ngư nói về cuộc sống của mình. Ý tứ phóng khoáng mà sâu xa, lời lẽ thanh thoát mà uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm.

Một khoảng thiên nhiên cao rộng, khoáng đạt được mở ra với những doi, vịnh, chích, đầm, bầu trời, đất, gió trăng... Con người hoà nhập trong cái thế giới thiên nhiên ấy không chút cách biệt: hứng gió, chơi trăng, tắm mưa... và niềm vui sống cũng dường như đầy ắp cái "cõi thế" của con người ấy (tác giả dùng rất nhiều từ chỉ trạng thái tâm hồn thanh thản, vui sống: vui vầy, thong thả, nghêu ngao, vui thầm, thung dung...). Người đọc có cảm giác như chính Nguyễn Đình Chiểu đang nhập thân vào nhân vật để nói lên khát vọng sống và niềm tin yêu cuộc đời của mình.

Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn phần Luyện tập

Trong Truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật nào có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư ở đoạn trích này? Họ có những đặc điểm chung gì ? Tác giả muốn gửi gắm ý tưởng nào thông qua các nhân vật đó ?

Trả lời

Trong truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật cao thượng như ông Ngư là ông Quán, ông Tiều, lão Bà, tiểu đồng... họ vừa là những người lao động chất phát, thật thà, vừa là những người trí thức ẩn dật, biết giữ gìn nhân cách, giàu lòng nhân nghĩa yêu tự do và cuộc sống yêu thanh cao.

Ông Ngư trong đoạn thơ này và ông Tiều trong đoạn thơ sau cùng có một cách nói giống nhau về cuộc sống của mình.

"Tiều rằng: Vốn lão tinh không.

...

Lộc rùng gánh vác hai vai tháng ngày".

Để giúp các em tối ưu bài soạn nhằm tiện hơn trong quá trình chuẩn bị bài, Đọc tài liệu đã biên tập bài soạn ngắn gọn nhất để các em tham khảo

II. Soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn ngắn nhất

Bài 1 trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Chủ đề của tác phẩm: quan niệm về thiện và ác, niềm tin của tác giả cái thiện luôn thắng ác

Bài 2 trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn : Đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang cơn hoạn nạn, tin tưởng mình. Phản bội bạn bè, phản bội lời hứa của chính mình. Chỉ vì ganh ghét, đố kị mà thực hiện tội ác có chủ đích : Chọn lúc đêm khuya vắng lặng để đẩy Vân Tiên xuống sông, xong còn giả tiếng kêu trời, ra bộ không liên quan.

- Nghệ thuật của đoạn thơ : rất ngắn gọn (6 câu) nhưng rất mạch lạc, kết cấu hoàn chỉnh. Đoạn thơ ngắn cũng diễn tả tính chất nhanh gọn của hành động.

Bài 3 trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Cải thiện được biểu hiện thông qua tấm lòng nhân ái, hào sảng của ông Ngư.

+ Sau khi cứu sống Vân Tiên, ông cưu mang chàng

+ Thương cho tình cảnh khốn khổ của Vân Tiên

+ Chia sẻ cuộc sống đói nghèo, nhưng đầm ấm tình người

+ Ông không hề tính toán đến ơn cứu mạng mà Vân Tiên chẳng thể báo đáp

- Cuộc sống lao động chân chất, đẹp đẽ của ông Ngư:

+ Cuộc sống của người dân chào bình thường trên sông nước được thi vị hóa, trở nên thơ mộng

+ Cuộc sống trong sạch, ngoài vòng danh lợi, ô trọc, cuộc sống tự do phóng khoáng giữa đất trời cao rộng

+ Thảnh thơi giữa sông nước, đầy ắp niềm vui con người tự do, làm chủ, ứng phó với mọi tình thế

+ Cuộc sống xa lạ với những toan tính nhỏ nhe, ích kỉ mưu danh, trục lợi, sẵn sàng chà đạp lên đạo đức nhân nghĩa

Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người động bình thường, qua việc làm nhân đức, nhân đạo cao cả Ngư ông.

Bài 4 trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”, ta thấy có rất nhiều câu thơ thể hiện thái độ trân trọng cuộc sống bình dị, tự do, thanh thản của Nguyễn Đình Chiểu:

“Thuyền nan một chiếc ở đời 

Tắm mưa trải gió trong vời Hoàng Giang”.

Đó là một cuộc sống phóng khoáng giữa đất trời cao rộng, hòa hợp với thiên nhiên, thảnh thơi giữa sông nước gió trăng.

Đó cũng là một cuộc sống tự do, tự tại, nhờ cậy vào đôi tay của chính mình.

Bài luyện tập trang 121 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Trong Truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư trong đoạn trích này là ông Tiều, ông Quán, bà lão dệt vải trong rừng. Họ có điểm chung là những người lao động bình dị, chất phác, giàu tình thương. Tác giả muốn ngợi ca phẩm chất cao đẹp của những người lao động.

III. Kiến thức cơ bản

1. Tác giả

  • Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)
  • Quê quán: Làng Tân Thới, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
  • Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của đất nước ta trong những nửa sau thế kỉ XIX.

2. Tác phẩm

- Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần thứ 2 của truyện, lúc Vân Tiên đang bơ vơ đất khách. Lục Vân Tiên gặp lại Trịnh Hâm là bạn học đi thi về, vốn có lòng đố kị, ganh ghét về tài, đức, Trịnh Hâm nhân cơ hội này hãm hại Vân Tiên. Hắn lừa tiểu đồng của Vân Tiên vào rừng, trói lại rồi tìm kế đưa Vân Tiên xuống thuyền, chờ đêm tối ra tay.

- Giá trị nội dung: Qua sự đối lập giữa thiện và ác, tác giả thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp và những con người nhân nghĩa, đức độ. Trong văn chương thời trung đại, hình tượng Ngư - Tiều dường như đã được định hình để chỉ những người ẩn sĩ muốn trốn lánh cuộc đời, tìm về nơi thiên nhiên, nhất là trong những thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, nhiều người trí thức có lương tri thường cam phận "Ôm tài giấu tiếng làm Tiều, làm Ngư" (Ngư Tiều y thuật vấn đáp). Nguyễn Đình Chiểu vốn quen thuộc với bút pháp ước lệ cổ điển đó, cho nên qua những lời nói của ông Ngư, ông Tiều, ta vẫn thấy bóng dáng của một ẩn sĩ hơn là một người lao động bình thường ("Kinh luân đã sẵn trong tay"). Tuy nhiên, cảm xúc của người đọc, nguời nghe đối với những hình tượng này không hoàn toàn là thế.

Họ hiện diện giữa đời, sống trong sạch, thanh thản, khinh ghét sự đen bạc, tráo trở, sự bạo ngược hung tàn và bao giờ cũng có mặt đúng lúc để cứu giúp người hoạn nạn với tấm lòng trọng nghĩa khinh tài: "Xin tròn nhân nghĩa còn hơn bạc vàng". Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Với Đồ Chiểu, những người lao động ấy cũng là những người có tài, ghét đời ô trọc, mai danh ẩn tích".

- Giá trị nghệ thuật:

  • Cách sắp xếp các tình tiết hợp lí, diễn biến hành động nhanh gọn.
  • Lời thơ mộc mạc, giản dị.
  • Hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm, giàu cảm xúc.

Tham khảo thêm: Phân tích Lục Vân Tiên gặp nạn

Tổng kết

Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động. Đây cũng là đoạn thơ giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã.

Xem thêm: Soạn bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

---------------

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài Lục Vân Tiên gặp nạn này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Lục Vân Tiên gặp nạn một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM