MỘT SỐ ĐỀ BÀI TỰ LUẬN THAM KHẢO
Đề số 1 (SGK trang 221)
Câu 1. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 2. Phân tích nghệ thuật lập luận trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
Xác định ba phần văn bản và nội dung của từng phần, trên cơ sở đó phân tích rõ tính logic chặt chẽ của lập luận.
Gợi ý trả lời:
(Học sinh xem lại phần hướng dẫn học bài Tuyên ngôn độc lập ở tuần 2, 3 để làm bài).
Đề số 2. (SGK trang 221)
Câu 1. Giới thiệu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Trả lời:
- Tây Tiến được Quang Dũng sáng tác khi rời xa đơn vị cũ - Phù Lưu Chanh năm 1948.
- Bài thơ là sự hồi tưởng của Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến, về cảnh vật và con người Tây Bắc trong khoảng thời gian gian khổ mà oai hùng. Tất cả đều được thể hiện qua một tâm hồn lãng mạn, nặng tình yêu quê hương, đất nước và bằng một bút pháp tài hoa, độc đáo.
- Tác phẩm là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, in trong tập Mây đầu ô.
- Bài thơ gồm bốn phần, với nội dung:
+ Khung cảnh chiến trường Tây Bắc qua trang thơ Quang Dũng vừa hùng vĩ dữ dội lại vừa mộng mơ, trữ tình. Bên cạnh núi rừng hiểm trở với độ cao rợn người là một mái nhà thấp thoáng ẩn hiện trong mưa lưng chừng núi, bên cạnh vùng đất hoang dại chưa đầy bí mật ghê gớm của rừng thiêng với thác gầm thét, với cọp trêu người là một bản làng có cơm lên khói, có mùi thơm nếp xôi và những cô gái xinh đẹp.
+ Tây Bắc duyên dáng mĩ lệ hiện lên qua thơ Quang Dũng thật tươi mát và thơ mộng với những đêm liên hoan văn nghệ rực rỡ với đồng bào nơi đây.
+ Trên nền thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, người lính Tây Tiến hiện ra mang vẻ đẹp lẫm liệt hào hùng và sang trọng. Sang trọng ở tư thế coi cái chết nhẹ như lông hồng, ở những giấc mơ lãng mạn của người thanh niên Hà Nội, vẻ đẹp bi tráng của người lính cả khi sống và khi đã hi sinh.
+ Bài thơ kết thúc với lời thề son sắt của người lính Tây Tiến quyết chiến đấu cùng đồng đội, sống trong đồng đội: “Hồn về sầm Nưa chẳng về xuôi".
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Cảm hứng lãng mạn, ngòi bút tài hoa.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh sáng tạo, linh hoạt.
Câu 2. Đồng cảm và chia sẻ trong xã hội ta ngày nay.
Trả lời:
Tham khảo dàn ý:
a) Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề “đồng cảm và chia sẻ" trong xã hội ngày nay.
- Trình bày khái quát suy nghĩ của bản thân.
b) Thân bài:
* Giải thích sự đồng cảm và sẻ chia:
+ Đồng cảm là sự cảm thông, rung cảm trước mọi việc, một người nào đó trong cuộc sống.
+ Sẻ chia là hành động quan tâm, san sẻ vật chất và tinh thần giữa người với người.
* Bàn luận vấn đề
- Trong cuộc sống không thể thiếu đi tình thương yêu, sự quan tâm giữa người với người.
+ Khi gặp người bị nạn, người sống cô đơn không nơi nương tựa, chúng ta sẽ giúp đỡ, an ủi, động viên.
+ Khi một người bạn, người thân có chuyện buồn... ta đã làm gì?
Ví dụ: Các cuộc động viên ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, cái Tết vì người nghèo, nối vòng tay lớn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiệt hại do cơn bão...
- Chia sẻ, đồng cảm chính là động lực hướng con người tới những điều tốt đẹp. Nó có vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay, là cơ sở để đất nước phát triển vững mạnh.
- Đồng cảm, sẻ chia sẽ làm cho chính bản thân mỗi người cảm thấy thanh thản, hạnh phúc.
=> Có thể khẳng định: đồng cảm, sẻ chia luôn luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh cuộc sống con người.
* Mở rộng vấn đề, liên hệ bản thân
- Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những kẻ sống ích kỉ, chỉ luôn lo nghĩ cho lợi ích cá nhân. Những người như vậy sẽ bị bạn bè và xã hội xa lánh, phải sống một cuộc đời cô độc.
* Liên hệ bản thân: Em đã đồng cảm, chia sẻ với mọi người thế nào? Những hành động như vậy mang lại cho em những gì?
c) Kết bài: Đồng cảm, sẻ chia là biểu hiện của lòng tốt, phù hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp này của dân tộc.