Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 29 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn đầy đủ phần nội dung dàn ý kể chuyện và gợi ý trả lời đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng nhân hậu trang 29 SGK.
Kiến thức cần nhớ
Kể chuyện đã nghe, đã đọc theo dàn ý sau:
- Giới thiệu câu chuyện:
+ Nêu tên câu chuyện
+ Cho biết em đã được được hoặc đã được nghe câu chuyện này ở đâu vào dịp nào
- Kể thành lời:
+ Mở đầu câu chuyện
+ Diễn biến của câu chuyện
+ Kết thúc câu chuyện
- Em rút ra ý nghĩa gì từ câu chuyện
Với phần dàn ý chung khi kể chuyện này, các em sẽ áp dụng vào đề bài Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng nhân hậu một cách linh hoạt, hoặc tham khảo sự gợi ý của Đọc tài liệu đưa ra dưới đây nhé.
Gợi ý trả lời câu hỏi SGK
Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng nhân hậu
Gợi ý
Câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn nghe sau đây có tựa đề là "Một tấm lòng vàng" được mẹ tôi kể cho tôi nghe vào tối chủ nhật tuần trước. Câu chuyện thật cảm động về một cô gái mồ côi mẹ, có một tấm lòng yêu thương người già cả, neo đơn, thật đáng trân trọng. Tên chị ấy là Quỳnh Hương, một học sinh lớp mười hai trường chuyên. Còn bà Năm Hợi, một bà lão láng giềng với chị Quỳnh Hương. Bà có ba người con, tất cả đều hy sinh trong kháng chiến chống Mĩ. Vừa qua bà được chính phủ phong tặng danh hiệu " Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Năm nay, bà đã ngoài bảy mươi tuổi. Bà không có cháu chắt gì cả sống thui thủi một mình nên chị Quỳnh Hương thương bà lắm. Thường ngày chị sang giúp bà quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, đấm lưng bóp chân… cho bà những lúc trở trời hơi gió. Không ruột rà máu mủ, không họ hàng thân thích, vậy mà chị yêu quý bà Năm như bà ruột của mình. Có một lần do bận ôn thi học kì, cả hai ngày chị không sang thăm bà được. Sáng hôm đó, chị tranh thủ chạy qua với bà một tí. Đứng ngoài sân chị gọi hai ba tiếng, không thấy bà trả lời. Chị đẩy cửa bước vào, căn nhà lạnh lẽo không một tiếng động. Thấy bà nằm co ro trên giường, chị la to: "Bà! Bà ơi ! Bà làm sao thế, hở bà ? Chị vội giở chiếc khăn bông lên, lay gọi bà. Mãi sau mới thấy bà mở mắt nhìn chị Hương thều thào nói trong hơi thở: " Cháu đến với bà đó à! Bà thấy mệt, chóng mặt từ tối hôm qua, sáng nay muốn dạy mà không cựa được mình"
- Suốt hai ngày nay, bà chưa ăn gì hở bà ? Cháu tệ quá, không biết sang giúp bà!
Rồi chị đỡ bà dậy, lấy đầu xoa bóp cho bà. Một lúc sau, bà Năm tỉnh hẳn. Chị để bà ngồi tựa vào thành giường rồi vội vã chạy ra tiệm mua cho bà tô cháo hành.
Đời chị Hương cũng quá ư vất vả, bất hạnh. Mồ côi mẹ từ lúc ba tuổi, chị thiếu đi tình thương bao la của người mẹ. Bố chị ở vậy, nuôi chị cho đến bây giờ. Phải chăng sống trong hoàn cảnh ấy, chị đã thấm thía cảnh cô đơn bóng chiếc của người đời mà chị đem tình thương của mình sưởi ấm cho bà Năm và cho bao nhiêu người khác cùng cảnh ngộ.
Đặt tô cháo lên bàn, chị đến bên giường nhỏ nhẹ:
- Bà ăn chút cháo cho khỏe, bà nhé!
Rồi chị đút từng muỗng cháo cho bà, chăm bà như trước đây mẹ tôi đã chăm sóc cho ngoại tôi như thế.
Chao ôi! Chị Hương thật tuyệt. Chị là tấm gương là biểu tượng đẹp về lòng nhân ái, về tình yêu thương và đức hạnh mà chúng ta cần noi theo.
Câu chuyện về chị Quỳnh Hương. Một tấm lòng vàng là thế đấy.
***
Với nội dung soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 29 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 chi tiết nhất phía trên, hi vọng các em học sinh sẽ chuẩn bị bài kể chuyện thật tốt, thật tự tin trước khi tới lớp.