Trang chủ

Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc lớp 5 tuần 12

Xuất bản: 17/07/2019 - Tác giả:

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc lớp 5 tuần 12 với đầy đủ những nội dung kiến thức cần lưu ý cùng hướng dẫn thực hành kể chuyện sao cho các em có tiết thực hành thật hay và bổ ích.

Soạn bài Kể chuyện đã nghe, đã đọc lớp 5 tuần 12 sẽ giúp các em nhớ lại trình tự cách trình bày một câu chuyện trước đám đông và ôn tập lại nhiều câu chuyện chủ đề bảo vệ môi trường hấp dẫn từ các lớp dưới.


Mục tiêu tài liệu

- Ôn tập lại những kiến thức về cách dẫn chuyện, kể chuyện.

- Nhắc lại nội dung các câu chuyện mà SGK gợi ý.

- Nắm được nội dung chính, ý nghĩa bảo vệ môi trường của các câu chuyện.

Kiến thức cần nhớ

Trình tự trình bày bài kể chuyện

- Giới thiệu câu chuyện em định sẽ kể cho thầy cô và các bạn.

- Kể lại diễn biến của câu chuyện: Kể rõ trình tự các sự kiện xảy ra, hành động của nhân vật trong truyện; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan tới việc bảo vệ môi trường.

- Rút ra bài học về bảo vệ môi trường từ câu chuyện đó.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

Câu 1: Hãy kể một câu chuyện em đã nghe, đã đọc có nội dung bảo vệ môi trường.

Gợi ý trả lời câu 1 trang 116 SGK Tiếng việt 5

Học sinh tự chọn chuyện để kể. Nếu không tìm được truyện mới ở sách hay người khác kể thì có thể kể các truyện sau trong nhưng sách giáo khoa mà các em đã học như:

- Câu chuyện: Chim sơn ca và bông cúc trắng:

Bên bờ rào của khu vườn nhỏ, có bông cúc trắng vừa nở giữa đám cỏ dại. Một chú sơn ca sà xuống, líu lo hót rằng: “Bạn cúc ơi! Bạn mới xinh xắn và dễ thương làm sao!". Bông cúc trắng nghiêng đầu lắng nghe, lòng vui khôn tả. Sơn ca véo von mãi rồi bay vút vào bầu trời xanh thẳm.

Sớm hôm sau, bông cúc trắng đang xoè cánh đón bình minh và háo hức chờ đợi sơn ca thì chợt nghe thấy tiếng hót buồn thảm văng vẳng đâu đây. Sơn ca đã bị bắt nhốt trong lồng. Bông cúc trắng muốn cứu bạn mà chẳng làm gì được.

Bỗng có hai cậu bé đi vào vườn, cắt đám cỏ lẫn bông cúc đem về bỏ vào lồng cho chim ăn. Sơn ca bị giam cầm, cổ họng khô bỏng vì khát nước. Nó rúc mỏ vặt đám cỏ ướt cho đỡ đói. Bông cúc trắng toả hương thơm ngào ngạt an ủi bạn. Sơn ca đói khát, ăn hết đám cỏ nhưng vẫn không đụng đến bông hoa. Màn đêm buông xuống tối đen. Hai cậu bé quên bẵng chú chim khốn khổ, không cho nó một giọt nước nào. Đêm ấy, sơn ca lìa đời. Bông cúc trắng thương xót bạn, khóc hết nước mắt, héo lả đi bên xác sơn ca.

Sáng ra, thấy chú chim đã chết, hai cậu bé tỏ vẻ ân hận và tiếc nuối. Hai cậu đặt xác sơn ca vào một chiếc hộp thật đẹp rồi chôn cất cẩn thận. Tội nghiệp con chim bé nhỏ! Khi nó còn sống, các cậu đã để mặc nó chết vì tù túng và đói khát. Còn bông cúc trắng, giá các cậu đừng vô tình thì hôm nay nó vẫn xinh tươi dưới ánh nắng mặt trời.

Kết thúc câu chuyện thật buồn, phải không các bạn? Chúng ta đừng vô tình và tàn nhẫn như hai cậu bé kia, các bạn nhé! Hãy gìn giữ thiên nhiên vì thiên nhiên là bạn tốt của con người!

- Câu chuyện: Chiếc rễ đa tròn:

Buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, sau khi tập thể dục, Bác Hồ đi dạo trong vườn. Đến gần cây đa, Bác chợt nhìn thấy một chiếc rễ đa nhỏ và dài ngoằn ngoèo nằm trên mặt đất. Chắc là trận gió mạnh đêm qua đã làm nó rơi xuống. Bác đứng tần ngần một lúc rồi quay sang bảo tôi: “Chú hãy cuốn chiếc rễ này lại, rồi trồng cho nó mọc tiếp nhé!". Hiểu ý Bác, tôi vội lấy chiếc cuốc nhỏ, xới đất cho tơi rồi vùi chiếc rễ đa xuống.

Nhưng Bác lại bảo: “Chú nên làm thế này này!”. Bác hướng dẫn tôi cuộn chiếc rễ đa thành hình tròn rồi cột chặt vào hai cái cọc, sau đó mới vùi hai đầu rễ xuống đất. Tôi thắc mắc: “Thưa Bác! Làm thế để làm gì ạ?”. Bác cười, vẻ bí mật: “Rồi chú sẽ biết!”.

Nhiều năm sau, chiếc rễ đã thành cây đa con có vòng lá tròn, cong cong như chiếc cổng chào. Vào thăm vườn Bác, các em thiếu nhi rất thích trò chơi chui qua chui lại vòng lá ấy. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao hồi trước Bác lại bảo tôi trồng chiếc rễ đa thành hình tròn như vậy. Quả là Bác rất yêu thương và luôn nghĩ đến các cháu nhi đồng. Cũng vì thế mà các cháu vô cùng quý mến và kính phục Bác Hồ.

- Truyện ngắn: Người đi săn và con vượn

Có một người rất tài săn bắn. Nếu thú ở rừng con nào không may gặp bác ta thì hôm ấy coi như xấu số.

Một hôm người đi săn xách nỏ vào rừng . Bác thấy một con vượn lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng tim con vượn mẹ.

Vượn mẹ giật mình , hết nhìn mũi tên lại nhìn về phía người đi săn bằng đôi mắt căm hận, tay không chịu rời đứa con. Máu không ngừng rỉ, ngấm cả vào tên tre.

Người đi săn đứng im chờ kết quả.…

Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con nằm  xuống, vơ vội nắm cỏ gối đầu cho con. Rồi hái cái lá to , nó vắt sữa vào cái lá ấy rồi đặt lên miệng con.

Sau đó nghiến rang, giật phắt mũi tên ra, rú lên một tiếng rồi từ từ gục xuống.

Người thợ săn đứng lặng đi, hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má.

Bác mắm môi bẻ gãy cung và lẳng lặng quay gót về. Từ đó trở đi bác không bao giờ đi săn nữa.

- Câu chuyện Cóc kiện trời:

Thủa xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.
Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.

Một hôm, các con vật họp bàn nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.

Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cửa có đặt cái trống rất to. Theo tục lệ nếu ai có điều gì oan ức thì đánh trống lên. Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược, nhìn xuôi mãi cũng không thấy ai, chỉ thấy con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng để kêu oan, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng.

- Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí khinh khủng, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên Ngọc Hoàng để kiện.

Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói như vậy thì lấy làm giận lắm, bèn sai bầy Gà ra mổ Cóc. Nhưng bầy Gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ bụi rậm xong ra vồ gà.

Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa “Gâu gâu gâu ” mấy tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không còn sót một người nào.

Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận thành làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:

- “Cậu” lên đây có việc gì?

Cóc thưa:

- Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

Ngọc Hoàng cho gọi thần mưa đến. Té ra thần Mưa mải rong chơi tối về đắp chiếu nằm ngủ, quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:

- Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.

Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về dưới đất. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông, suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:

“Con cóc là cậu ông trời

Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”.

***

Với nội dung soạn bài kể chuyện đã nghe, đã đọc lớp 5 tuần 12 được Đọc tài liệu biên soạn phía trên, hi vọng các em học sinh sẽ có một phần chuẩn bị bài trước khi tới lớp thật đầy đủ, tự tin khi lên lớp để kể lại những câu chuyện hay và ý nghĩa.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM