Trang chủ

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - Ngô Sĩ Liên

Xuất bản: 15/07/2019 - Cập nhật: 19/07/2022 - Tác giả:

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (trích Đại Việt sử kí toàn thư - Ngô Sĩ Liên), trả lời câu hỏi đọc hiểu trang 41 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

Nội dung soạn bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được Đọc Tài Liệu biên soạn chi tiết nhằm hỗ trợ các em trong quá trình tìm hiểu nội dung, nghệ thuật và những giá trị của tác phẩm thông qua việc gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu trong SGK.

Hi vọng bài soạn sẽ là một trong những nguồn tư liệu hữu ích cho các em cùng với kiến thức trên lớp được thầy cô giảng dạy.

Kết quả cần đạt

  • Thấy được cái hay, sức hấp dẫn của một tác phẩm lịch sử nhưng đậm chất vấn học qua nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ chân dung nhân vật lịch sử.
  • Cảm phục và tự hào về tài năng, đức độ của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đồng thời hiếu được những bài học đạo lí quý báu mà ông để lại cho đời sau.

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ngắn nhất

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ngắn nhất trang 44, 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

Câu 1

Lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước cho thấy :

- Vận dụng linh hoạt sách lược, binh pháp phù hợp với thời thế.

- Sức mạnh đoàn kết là mấu chốt quan trọng nhất để chiến thắng.

- Thượng sách giữ nước chính là khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc.

Câu 2

Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn hỏi ý kiến hai gia nô và hai người con : cảm phục khi nghe câu trả lời hai gia nô, đồng tình với Hưng Vũ Vương, và giận dữ với câu trả lời có ý bất trung của Hưng Nhượng Vương. Điều này cho thấy tấm lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi của Trần Quốc Tuấn, ông là người thận trọng và quyết đoán và cũng chân thành, nghiêm khắc trong giáo dục con cái.

Câu 3

- Những đặc điểm nổi bật của Trần Quốc Tuấn : tấm lòng trung quân ái quốc ; vị tướng anh hùng có tài năng, đức độ.

- Sự khéo léo trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật :

+ Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ : quan hệ với nước, với vua (thà chết xin nhà vua không đầu hàng giặc), với dân (nhắc nhở vua khoan sức dân, phò trợ dân), với tướng sĩ dưới quyền (tận tâm dạy bảo) và quan hệ với con cái (nghiêm khắc giáo dục), với bản thân (giữ đạo trung nghĩa)…

+ Nhân vật với tình huống có tính thử thách : mâu thuẫn giữa “hiếu” và “trung”, Trần Quốc Tuấn đặt trung lên hiếu, nợ nước trên tình nhà.

Câu 4

Nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích :

- Lời kể không đơn điệu theo trình tự thời gian : Hưng Đạo Vương ốm nặng trước, sau đó nhắc lại những công lao, đức độ…

- Lồng vào câu chuyện những nhận xét sâu sắc tạo định hướng cho người đọc.

- Cách kể ngắn gọn, tự nhiên, mạch lạc và hấp dẫn, giải quyết được những vấn đề lịch sử : nhân vật với đặc điểm, đóng góp… lối sử kí “văn sử bất phân”.

Câu 5

Đáp án đúng là : b + c

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chi tiết

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trang 44, 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2.

Đọc - hiểu văn bản

Bài 1 trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Anh (chị) rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước?

Trả lời:

- Nội dung lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua:

+ Nên tuỳ thời thế mà có sách lược phù hợp, binh pháp cần vận dụng linh hoạt, không có khuôn mẫu nhất định.

+ Điều kiện quan trọng nhất để thắng giặc là toàn dân đoàn kết một lòng.

+ Do đó phải giảm thuế khoá, bớt hình phạt, không phiền nhiễu dân, chăm lo cho dân có đời sống sung túc,... đó chính là "thượng sách giữ nước".

- Qua nội dung lời trình bày, người đọc nhận thấy Trần Quốc Tuấn không những là vị tướng tài năng, mưu lược, có lòng trung quân mà còn biết thương dân, trọng dân và biết lo cho dân.

Bài 2 trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Chi tiết Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ra hỏi ý hai người gia nô cùng hai người con và những phản ứng của ông khi nghe câu trả lời của họ có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Trần Quốc Tuấn đã có suy nghĩ của riêng mình đối với lời cha dặn: "Để điều đó trong lòng nhưng không cho là phải". Nhưng ông vẫn hỏi ý kiến hai người gia nô và hai người con để thử lòng.

- Trước lời nói của Yết Kiêu và Dã Tượng, ông "cảm phục đến phát khóc, khen ngợi hai người”.

- Trước lời nói của Hưng Vũ Vương, ông "ngầm cho là phải”.

- Trước lời nói của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, ông nổi giận rút gươm định trị tội và thậm chí sau này không muốn Quốc Tảng nhìn mặt ông lần cuối.

Qua những biểu hiện trên đây, ta có thể thấy Trần Quốc Tuấn là một người hết lòng trung nghĩa với vua, với nước, không mảy may tự tư tự lợi. Ông cũng là một người có tình cảm chân thành, nồng nhiệt, thẳng thắn, rất nghiêm trong việc giáo dục con cái.

Bài 3 trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Đoạn trích đã làm nổi bật những đặc điểm gì về nhân cách của Trần Quốc Tuấn? Chỉ ra sự khéo léo của tác giả trong nghệ thuật khắc hoạ chân dung nhân vật (nhân vật được đặt trong những mối quan hệ và những tình huống như thế nào?)

Trả lời:

Để thấy được toàn bộ chân dung Trần Quốc Tuấn, ngoài các chi tiết trên, cần chú ý tới nhiều chi tiết khác như: lời phân tích của ông với nhà vua về cách đánh giặc, cách giữ nước khi ông lâm bệnh; mối hiềm khích giữa cha ông và Trần Thái Tông và lời dặn dò của cha...

Phẩm chất nổi bật ở Trần Quốc Tuấn được khắc hoạ là trung quân ái quốc. Lòng trung thành với vua của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm công dân đối với nước. Ông hết lòng lo tính kế sách giúp vua giữ nước an dân. Lòng trung thành của ông được đặt trong hoàn cảnh có thử thách, bản thân ông cũng bị đặt trong mối mâu thuẫn giữa "hiếu" và "trung". Trần Quốc Tuấn đã đặt "trung" lên trên "hiếu", nợ nước trên tình nhà.

Bên cạnh phẩm chất trung quân ái quốc, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng anh hùng đầy tài năng, mưu lược đồng thời là con người có đức độ lớn lao.

Những phẩm chất trên đây của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tác giả sử kí khéo léo khắc hoạ trong nhiều mối quan hệ và đặt vào những tình huống có tính chất thử thách. Từ quan hệ với nước (câu nói nổi tiếng "Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng"), với vua đến quan hệ với dân (khi sống nhắc nhở vua "khoan sức dân", khi chết hiển linh phò trợ dân), với tướng sĩ dưới quyền (tận tâm dạy bảo, cử người tài), từ quan hệ đối với con cái (nghiêm khắc giáo dục) đến quan hệ đối với bản thân (khiêm tốn giữ đạo trung nghĩa)...Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, bất kì quan hệ nào, Trần Quốc Tuấn vẫn là một mẫu mực của một vị tướng toàn đức, toàn tài. Ông không những được nhân dân ngưỡng mộ mà cả quân giặc cũng phải kính phục.

Bài 4 trang 44 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích?

Trả lời:

Ghi chép lịch sử là ghi chép theo trình tự thời gian nhưng cần chú ý là trong Đại Việt sử kí toàn thư, cách kể chuyện về các nhân vật lịch sử không đơn điệu theo trình tự thời gian.

Mở đầu đoạn trích là sự xuất hiện một sự kiện tạo nên một mốc đáng chú ý: "Tháng 6, ngày 24 sao sa". Theo quan niệm của người xưa, sao sa là điềm xấu. Điềm báo này báo hiệu Hưng Đạo Vương ốm nặng và sẽ qua đời.

Từ sự việc trên, nhà viết sử ngược dòng thời gian kể chuyện về Trần Quốc Tuấn. Tiếp đó, tác giả lại trở về với đòng sự kiện đang xảy ra: "Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất...". Sau thông tin này, tác giả nhắc cho những danh hiệu tôn quý mà Trần Quốc Tuấn được vua phong tặng. Đây không hoàn toàn là việc ôn lại một cách khô khan mà tất cả những công lao, đức độ của người quá cố được thể hiện trong những câu chuyện sinh động.

Nhà viết sử không chỉ kể chuyện một cách phức hợp, với nhiều chiều thời gian, mà còn khéo léo lồng vào câu chuyện những nhận xét sâu sắc nhằm định hướng cho người đọc có những nhận xét, đánh giá thỏa đáng.

Cách kể chuyện trong đoạn trích vừa mạch lạc, khúc chiết vừa giải quyết được những vấn đề then chốt về nhân vật đồng thời vẫn giữ được mạch truyện tiếp nối lôgic. Chuyện vì thế trở nên sinh động, hấp dẫn. Nhân vật lịch sử cũng vì thế mà được nổi bật chân dung.

Bài 5 trang 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là hình ảnh ”tráp đựng kiếm có tiếng kêu” có ý nghĩa gì?

a) Cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xưa.

b) Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hóa ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giữ nước.

c) Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân yêu nước và khí phách anh hùng của ông – những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người.

d) Ý kiến khác.

Gợi ý:

Học sinh đặt trên cơ sở thực tiễn và nội dung của đoạn trích để phân tích từng tình huống:

- Ý (a): "cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xa" là không đúng.

- Cả hai ý (b), (c): "Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hoá ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giúp nước" và "Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân, yêu nước và khí phách anh hùng của ông - những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người" đều đúng.

- Vì vậy, cần chọn ý (d): “ý kiến khác" để đưa ra nhận xét tổng hợp và những ý kiến mang tính sáng tạo của bản thân, có thể liên hệ tới việc nhiều nơi hiện nay có đền thờ Hưng Đạo Vương, nhân dân tôn kính gọi Trần Quốc Tuấn là "Đức Thánh Trần".

>>> Đọc thêm văn mẫuPhân tích hình ảnh Trần Quốc Tuấn trong Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn phần Luyện tập

Bài 1 trang 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh (chị) hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn (không quá 20 dòng).

Trả lời:

* Đoạn văn mẫu tóm tắt câu chuyện về Trần Quốc Tuấn:

Khi Hưng Đạo Vương ốm, vua ngự tới thăm và hỏi về kế sách chống giặc. Đại Vương kể khắp xưa nay rồi nói: muốn thắng trận phải tùy thời mà tạo thế. Điều cốt yếu là có một đội quân một lòng như cha con. Vả lại phải lấy dân làm gốc, đó là thượng sách giữ nước của đấng quân vương. Quốc Tuấn có tư chất từ nhỏ. Lớn lên dung mạo khôi ngô, tuấn tú, tài trí hơn người. Trước khi mất, cha ông dặn phải lấy cho được thiên hạ. Ông ghi nhớ lời cha nhưng không cho là phải. Sau ông đem chuyện ấy kể cho gia nô và hai người con trai nghe để phân định người hiền tài, kẻ bạc nhược nhỏ nhen. Tất thảy đều rõ ràng hết cả. Quốc Tuấn có công lớn, vua ban thưởng, gia phong là Thượng Quốc Công. Vua còn cho phép ông được quyền phong tước cho người khác. Nhưng ông chưa bao giờ phong tước cho ai. Quốc Tuấn từng soạn sách để kêu gọi, khích lệ binh tướng xả thân cứu nước giúp vua. Ông lại khéo tiến cử rất nhiều người hiền tài cho đất nước. Bản thân Đại Vương cũng từng ra quân hàng trăm trận, lập nên công nghiệp hiếm có, tiếng vang còn truyền đến tận mai sau.

* Tóm tắt câu chuyện về Trần Quốc Tuấn bằng cách liệt kê ý chính

- An Sinh Vương hiềm khích với Trần Thái Tông, trước lúc mất dặn con phải lấy được thiên hạ; Quốc Tuấn ghi nhớ lời dặn của cha nhưng không cho là phải, một lòng kính cẩn giữ tiết làm tôi. Ông đi hỏi ý kiến hai người gia nô và hai người con.

- Quốc Tuấn soạn sách Binh gia diệu lí yếu lược để dạy các tướng, sưu tập binh pháp các nhà làm thành Bát quái cưu cung đồ.

- Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, liên tiếp đánh bại hai lần người Nguyên vào cướp.

- Quốc Tuấn được Thánh Tông cho phép được phong quyền phong tước cho người khác, từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước Hầu thì phong trước rồi râu sau; nhưng ông chưa bao giờ phong tước cho một người nào.

- Ngày 24, tháng 6, năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương ốm, vua ngự tới thăm và hỏi về kế sách giữ nước.

- Ngày 20 tháng 8, năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.

Bài 2 trang 45 SGK Ngữ văn 10 tập 2

Sưu tầm những câu chuyên có liên quan đến Trần Quốc Tuấn hoặc những bài thơ viết về ông (từ các tư liệu lịch sử, các tài liệu văn học, các giai thoại trong dân gian).

Trả lời:

* Câu chuyện thần tướng hiển linh cho danh tướng mượn thuyền:

Một hôm, khi đêm đã về khuya, vị Quốc công Tiết chế vẫn thức để suy nghĩ về phương kế đánh giặc, rồi sau mệt quá thiếp đi trên bàn làm việc lúc nào không hay. Trong giấc mơ, ông thấy có một vị thần tướng mạo khác thường, mắt sáng như sao, mặc áo bào đỏ tiến tới và nói:

- Tôi là Phi Bồng đại tướng quân, biết tướng quân hiện nay không có đủ thuyền cho đội thủy quân bày trận chống giặc nên đến giúp. Sáng mai tướng quân cho người đến bến Lục Đầu, tôi sẽ cấp đủ số thuyền mà tướng quân cần.

Nói xong vị thần biến mất. Trần Hưng Đạo giật mình tỉnh giấc mới hay đó là một giấc mơ nhưng hình dáng và lời nói của vị thần đó vẫn còn nhớ rõ. Ông liền ra sân vái thiên địa và cầu xin thần linh hộ quốc, phù giúp việc chống giặc, sau đó vào trướng nằm nghỉ.

Sáng sớm hôm sau, khi mới thức dậy Trần Hưng Đạo thấy một viên tùy tướng vào báo:

- Bẩm Quốc công, quân lính đi tuần thấy chuyện vô cùng kỳ lạ. Đêm qua không rõ thuyền ở đâu kéo về đậu kín cả bến sông.

Hưng Đạo Vương vội đến xem xét, ông tin rằng vị thần trong giấc mộng đã giúp mình số thuyền này nên thầm cảm tạ rồi giao cho binh tướng dưới quyền phân chia, sắp xếp thuyền cho đội thủy quân để bày trận chống giặc.

Câu chuyện thực hư thế nào chúng ta đều biết rõ nhưng có một sự thực rằng vào tháng 5 năm đó (1285) quân ta đã đánh tan đạo quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tại đây.

* Giai thoại về chiến công đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược

Phạm Nhan tên chữ là Bá Linh, cha người Quảng Đông, sang buôn bán bên nước Nam, lấy vợ làng An Bài, huyện Đông Triều, sinh được Bá Linh. Lớn lên Bá Linh theo cha về Tàu học hành, đỗ tiến sĩ triều nhà Nguyên, lại cao tay ấn phù thủy có phép tàng hình biến hoá, thường vào cung trị bệnh cho cung nữ. Do tính dâm đãng, rồi thường biến thành con gái vào cung tư thân với cung nhân. Về sau lộ chuyện, chúa Nguyên dùng phép bắt được định án trảm quyết. Để chuộc tội, Bá Linh tình nguyện xin đi làm hướng đạo (chỉ đường) sang đánh Nam quốc.

Vì có tà phép, nên Phạm Nhan điều khiển âm binh, hô mưa gọi gió khiến nhiều lần quân ta thất thủ. Để diệt Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương nói: “Ta thủa xưa có học được dị thuật, ta lập thành đồ trận gọi là Cửu cung bát quái, lại may có một thanh thần kiếm, vậy để ngày mai ta dẫn quân vào thành dàn trận, đánh nhau với quân Nguyên, kỳ bắt được yêu nhân mới thôi.

Hưng Đạo Vương bày thành đồ thế. Khi Phạm Nhan dẫn 500 quân đánh vào, Hưng Đạo vương cầm thanh kiếm thần, niệm chú mấy câu rồi cầm là cờ vàng phất lên. Phạm Nhan thất trận phải dùng đến phép độn giáp để biến mất, còn 500 quân thì bị chết và bị bắt sống, quân Nguyên phải rút lui. Sau đó Hưng Đạo vương sai Yết Kiêu đi đục thuyền bắt Phạm Nhan, nhưng cứ bắt được thì nó lại biến mất. Ngài bèn dặn: "Định bắt Phạm Nhan phải trữ sẵn chỉ ngũ sắc, chờ khi bắt được, dùng dây ấy quấn quanh mình nó thì nó không biến hình được” Yết Kiêu làm theo, quả nhiên như vậy.

Khi  bị dẫn ra pháp trường hành hình, cứ chém đầu này thì Phạm Nhan lại mọc ra đầu khác, Hưng Đạo Vương nổi giận rút thanh kiếm thần chém một nhát chết tươi tên tướng giặc.

Bá Linh bị chém đầu, chết đi uất hận hoá làm tà thần, quỷ quái. Nó đi khắp nước hễ gặp đâu có phụ sản là theo quấy nhiễu làm cho đau ốm, gầy mòn không thuốc nào chữa khỏi. Dân gian gọi nó là ma Phạm Nhan và đến cầu cứu Trần Hưng Đạo. Ngài viết cho hai câu “Sinh kiếp dĩ ô Trần nhuệ kiếm. Từ hồn do xuyết phụ nhân quần?” (nghĩa là: sống đã làm nhơ gươm báu nhà Trần. Nay chết lại còn bám đàn bà làm chi?). Người bị bệnh đem về dán ở nhà là khỏi.

Xem thêmPhân tích đoạn trích Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn lớp 10 nâng cao

Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn Ngữ văn 10 nâng cao tập 2.

Câu 1: Để nắm được chủ đề ca ngợi công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cần đọc kĩ văn bản tìm hiểu các sự kiện, nhận xét sau:

a. Hưng Đạo Đại Vương trả lời vua Anh Tông về "kế sách" giữ nước.

b. "Ông kính cẩn giữ tiết làm tôi vậy đấy".

c. "Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy".

d. "Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước".

e. "Ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy".

Tương ứng với các sự kiện, nhận xét trên, nhà làm sử đã nêu ra các lời nói, việc làm của nhân vật lịch sử để chứng minh. Hãy kể lại các lời nói, việc làm của Hưng Đạo Đại Vương để làm sáng tỏ tài năng, đức dộ của ông và nhận xét về tính chất tiêu biểu của các chi tiết ấy.

Gợi ý:

​a. Hưng Đạo Đại Vương trả lời vua Anh Tông về "kế sách" giữ nước: Ngày xưa Triueej Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế "thanh dã", đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánhúp phía sau....

b. "Ông kính cẩn giữ tiết làm tôi vậy đấy": Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào.

c. "Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy": Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lạ phải làm sao cho mau mục.

d. "Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước": Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu....

e. "Ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy": Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi"...

Câu 2: Đây là đoạn văn trích từ Đại Việt sử kí toàn thư, một cuốn sử biên niên, ghi lại sự kiện theo ngày tháng năm của lịch sử. Song đối với mỗi nhân vật lịch sử, sau khi chết, nhà viết sử lại khẳng định nhân cách, lẽ sống của nhân vật đó qua hàng loạt chi tiết, sự việc, hành động đã được chọn lọc theo tinh thần "cái quan định luận". Cần lưu ý, Trần Hưng Đạo là bậc danh tướng, từng hai lần đánh quân Mông - Nguyên, thắng trận Bạch Đằng. Tuy vậy, ở đoạn trích này, sử gia không nhắc lại các chiến công đó. Theo anh (chị), cách viết đó của nhà sử học có dụng ý gì?

Gợi ý:

Các em có thể trả lời theo cách hiểu riêng của bản thân.

Câu 3: Phân tích hình tượng Trần Hưng Đạo (cách cư xử với vua, với nước, với cha, với con). Sử gia hình dung uy lực của Hưng Đạo Đại Vương sau khi chết ra sao?

Gợi ý:

Qua bài viết, tác giả Ngô Sĩ Liên đã xây dựng thành công một hình tượng đẹp đẽ về người anh hùng văn võ song toàn. Những câu chuyện phản ánh cách ứng xử của Trần Hưng Đạo đối với nhà vua, với các tướng lĩnh, với người thân và những mẩu chuyện nhỏ về đời riêng đã thể hiện tính cách và phẩm chất quý báu của ông.

Nhân vật Trần Quốc Tuấn được tác giả miêu tả trong nhiều mối quan hệ và trong những tình huống thử thách, qua đó làm nổi bật phẩm chất của ông ở nhiều phương diện. Nhà viết sử đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật lịch sử sống động bằng những chi tiết chọn lọc đặc sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

Phẩm chất nổi bật nhất của Trần Quốc Tuấn là lòng trung quân ái quốc. Lòng trung quân của ông thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm cao đối với sơn hà xã tắc. Khi được nhà vua hỏi về việc chống giặc: Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc sang xâm lược thì kế sách như thế nào? Thì Hưng Đạo Đại Vương đã hiến những kế sách đúng đắn và sáng suốt.

Bị đặt vào tình thế mâu thuẫn gay gắt giữa hiếu và trung, nhưng Trần Quốc Tuấn đã dặt chữ trung lên trên chữ hiếu, nợ nước lên trên tình nhà. Hay nói khác đi, ông đã không thực hiện đạo hiếu một cách cứng nhắc. Trung cũng như hiếu ở Trần Quốc Tuấn đều được chi phối bởi nghĩa lớn là trách nhiệm đối với đất nước.

Vì thiết tha với vận mệnh đất nước nên Hưng Đạo Đại Vương luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi của bản thân và gia đình.

Kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

1. Tác giả

- Ngô Sĩ Liên (chưa rõ năm sinh và năm mất) là người làng Chúc Lí, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Chúc Sơn, huyện Chương Mĩ, Hà Nội.

- Ông đỗ tiến sĩ năm 1442 dưới triều Lê Thái Tông, được cử vào Viện Hàn lâm.

- Đến đời Lê Thánh Tông ông giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, Triều Liệt đại phu kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tu soạn Quốc sử quán

- Ông vâng lệnh Lê Thánh Tông biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư.

2. Tác phẩm và đoạn trích

- Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại đo Ngô Sĩ Liên biên soạn, hoàn tất năm 1979, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428).

- Đại Việt sử kí toàn thư được biên soạn dựa trên cơ sở sách Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu ở thời Trần và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên ở đầu thời Hậu Lê.

- Tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.

- Bố cục tác phẩm:

+ Phần Ngoại kỉ: viết về lịch sử nước ta thời Hồng Bàng đến thế kỉ X.

+ Phần Bản kỉ: viết tiếp từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời hậu Lê.

- Đoạn trích "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" được trích từ quyển 5, phần Bản kỉ - Kỉ nhà Trần. Nội dung kể về chân dung Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1226 - 1300), danh tướng Việt Nam, anh hùng dân tộc, con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu của vua Trần Thái Tông.

    Tổng kết

    Qua đọc hiểu đoạn trích Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, ta có thể thấy được: Bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, với những chi tiết chọn lọc và xúc động, đoạn trích đã khắc hoạ đậm nét hình ảnh Trần Quốc Tuấn, một nhân cách vĩ đại, bất tử trong lòng dân tộc.

    // Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn của Ngô Sĩ Liên do Đọc Tài Liệu biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 10 bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

    [ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

    TẢI VỀ

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM