Tài liệu hướng dẫn soạn bài Hầu trời (Tản Đà) được biên soạn với nội dung chủ yếu là tìm hiểu tác giả Tản Đà, tác phẩm Hầu trời thông qua việc trả lời các câu hỏi đọc hiểu SGK trang 17.
Hi vọng, sau khi tham khảo bài soạn, các em sẽ cảm nhận được tâm hồn lãng mạn, độc đáo của thi sĩ Tản Đà và những dấu hiệu đổi mới cả về nội dung và nghệ thuật theo hướng hiện đại của thơ ca Việt Nam vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Hầu trời ngắn nhất
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn văn bài Hầu trời ngắn nhất trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Đọc - hiểu văn bản
Câu 1 (trang 17 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)
* Phân tích khổ thơ đầu:
- Kể chuyện một giấc mơ kì thú: được lên tiên.
- Nhấn mạnh cảm giác chân thật, sảng khoái, thích thú, vui sướng: Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! / Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.
- Nhà thơ cũng không khẳng định được là mơ hay là thật: chẳng biết có hay không.
- Nghệ thuật: điệp từ “thật” (4 lần), lời thơ dẫn dắt tự nhiên, giàu cảm xúc.
=> Cách vào đề của bài thơ gợi màu sắc nửa hư nửa thực về câu chuyện tác giả sắp kể khiến người đọc cảm thấy tò mò và bị lôi cuốn.
Câu 2 (trang 17 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)
Câu chuyện đọc thơ cho Trời và chư tiên:
* Tác giả kể lại chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe:
- Thái độ và tâm trạng của thi sĩ:
+ Thi sĩ đọc thơ một cách cao hứng, say sưa, nhiệt tình: Đọc hết văn vần…/…/Văn dài hơi tốt ran cung mây.
+ Tâm trạng, cảm xúc: vui sướng, tự hào, hãnh diện.
+ Đường hoàng, dõng dạc tự xưng tên tuổi trước Trời và chư tiên.
- Thái độ của Trời và chư tiên khi nghe thơ văn Tản Đà:
+ Xúc động, tán thưởng, hâm mộ.
+ Ham thích, trân trọng.
+ Trời ghi nhận tài năng của Tản Đà qua lời khen ngợi.
=> Cá tính nhà thơ: ngông, bản lĩnh, tài năng. Cốt lõi của cá tính Tản Đà là cái tôi tự biểu hiện, tự ý thức cao về tài năng và giá trị đích thực của mình.
=> Giọng kể của tác giả: vừa uyển chuyển, phong phú, đa dạng vừa hóm hỉnh, ngông nghênh, tự đắc.
Câu 3 (trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2)
Tản Đã đã phản ánh rất chân thực và cảm động về cuộc sống của mình cũng như tầng lớp văn nghệ sĩ đương thời:
- Tản Đà không chỉ muốn thoát li cuộc đời bằng những cuộc mơ ước lên trăng, lên tiên. Ông đã vẽ bức tranh hiện thực về chính cuộc đời tác giả, cũng như bao nhà văn khác.
- Trong mắt Tản Đà, văn chương lúc này là một nghề kiếm sống mới, có người bán, kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều
- Tản Đà cũng chớm nhận ra: đa dạng về thể loại là một đòi hỏi thiết yếu của hoạt động sáng tác và với những sáng tác mới thì tiêu chí đánh giá tất nhiên là phải khác xưa
Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
Đặc sắc về nghệ thuật
- Thể loại: thể thơ thất ngôn trường thiên tự do.
- Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế, rất gần với đời thường.
- Cách kể chuyện hóm hỉnh, lôi cuốn người đọc.
- Cảm xúc bộc lộ tự nhiên, phóng túng, tự do.
Soạn bài Hầu trời ngắn nhất phần Luyện tập
Câu 1 (trang 17 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
Cảm nhận về câu thơ mà mình thích nhất để thấy được phong cách thơ của Tản Đà.
Câu thơ hay trong bài gây ấn tượng: “Con không nói Trời đã biết/ Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết/ Thôi con cứ về mà làm ăn/ Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết!”
Đây cũng chính là ước nguyện của tác giả Tản Đà, được thấu hiểu, cảm thông. Lòng khi đã thông tường, mọi chuyện sương gió không còn ngại ngùng.
Câu 2 (trang 17 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
“Ngông” trong văn chương chỉ sự khác thường. Đó là phản ứng của những người nghệ sĩ tài hoa, cá tính, không chịu trói mình trong khuôn khổ chật hẹp, sống phóng túng, tự do, khẳng định cá tính và bản lĩnh của mình.
Cái “ngông” của thi sĩ Tản đà trong bài thơ được biểu hiện qua:
- Nhà thơ ý thức sâu sắc về tài tài năng của mình: tự cho mình văn hay đến mức trời và chư tiên cũng phải tán thưởng...
- Xem mình là một trích tiên bị đày xuống vì tội ngông.
- Nhận mình là người nhà trời, được sai xuống để thực hiện sứ mệnh cao cả...
Hướng dẫn soạn bài Hầu trời chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn văn 11 Hầu trời chi tiết trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2.
Hướng dẫn học bài Hầu trời chi tiết
Bài 1 trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Anh (chị) hãy phân tích khổ thơ đầu. Cách vào đề của bài thơ gợi cho người đọc cảm giác như thế nào về câu chuyện mà tác giả sắp kể?
Trả lời:
Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ thể hiện tài hư cấu nghệ thuật độc đáo và có duyên của Tản Đà:
Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng.
Chuyện kể về một giấc mơ, chính tác giả lúc tỉnh mộng cũng hãy còn bàng hoàng "chẳng biết có hay không". Đó là một cách "nhập đề" lạ, một sự "hư cấu" nghệ thuật. Nó là cái cớ "hoàn hảo" để nhân vật trữ tình bộc bạch tự nhiên cảm xúc trong "cõi mộng" của mình. Cách vào đề như thế đã gây được một mối nghi vấn, gợi trí tò mò của người đọc, vừa độc đáo, lại rất có duyên.
Tản Đà sử dụng hình thức câu khẳng định trong ba câu cuối khổ thơ đầu nhằm mục đích khẳng định việc lên tiên là sự thực, không phải là giấc mơ. Bằng cách vào đầu như thế tác giả đã gợi trí tò mò của người đọc bằng việc đan xen giữa hư và thực, giữa mộng và tỉnh. Nhờ đó, câu chuyện trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt, không ai có thể bỏ qua.
Bài 2 - Trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Tác giả đã kể lại chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe như thế nào? (Thái độ của tác giả, của chư tiên và những lời khen của Trời.) Qua đoạn thơ đó, anh (chị) cảm nhận được những điều gì về cá tính nhà thơ và niềm khao khát chân thành của thi sĩ? Nhận xét về giọng kể của tác giả.
Trả lời:
Câu chuyện chính trong "giấc mơ" của Tản Đà là việc nhà thơ được đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe. Thi sĩ tỏ ra rất cao hứng và có phần tự đắc (Đương cơn đắc ý đọc đã thích... - Văn dài hơi tốt ran cung mây!- Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay... - Chửa biết con in ra mấy mươi? - Văn đã giàu thay, lại lắm lối...).
Chư Tiên nghe thơ cũng rất xúc động, tán thưởng và hâm mộ tài thơ của Tản Đà (Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi - Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày - Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng - Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay).
Ông Trời thì khen rất nhiệt thành:
Trời lại phê cho: "Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tình như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Để rồi tác giả còn được mời để xưng tên tuổi nữa. Đoạn thơ này thể hiện khá rõ cá tính và niềm khao khát chân thành của thi sĩ. Tản Đà đã rất ý thức về tài năng của mình và cũng là người táo bạo, dám đường hoàng bộc lộ bản ngã "cái tôi" đó. Tản Đà rất ngông khi tìm đến tận trời để khẳng định tài năng của mình trước Ngọc Hoàng thượng đế và chư tiên. Đó là niềm khao khát chân thành trong tâm hồn thi sĩ. Giữa chốn hạ giới văn chương rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, ông không tìm được tri kỉ tri âm, phải lên tận cõi tiên này mới có thể thỏa nguyện. Vào đầu những năm 20, khi thơ phú nhà nho tàn cuộc mà thơ mới chưa ra đời, Tản Đà là nhà thơ đầu tiên trong văn học Việt Nam đã dám mạnh dạn hiện diện bản ngã "cái tôi" đó. Giọng kể của Tản Đà rất phong phú, hóm hỉnh và có phần ngông nghênh, tự đắc.
Bài 3 trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực. Đó là đoạn thơ nào? Tìm hiểu ý nghĩa đoạn thơ đó. Theo anh (chị), hai nguồn cảm hứng này ở thi sĩ Tản Đà có mối liên hệ với nhau như thế nào?
Trả lời:
Khi soạn bài Hầu trời, em thấy cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài lại có một đoạn rất hiện thực, đó là đoạn:
"Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
[...]
Sức trong non yếu ngoài chen rấp
Một cây che chống bốn năm chiều".
Tản Đà là một nhà thơ giàu cảm hứng lãng mạn. Thế nhưng trong đoạn thơ này, nhà thơ lại nói đến nhiệm vụ truyền bá "thiên lương" mà Trời trao cho ông như là một thiên chức vậy. Điều đó đã chứng tỏ, Tản Đà lãng mạn, nhưng không hoàn toàn thoát li cuộc đời, ông vẫn ý thức về trách nhiệm với đời và khát khao được gánh vác việc đời. Đó cũng là một cách khẳng định mình. Xúc động nhất trong đoạn thơ có lẽ chính là những câu thơ vẽ lên một bức tranh chân thực về chính cuộc đời nhà thơ và cuộc đời của nhiều văn sĩ khác lúc đó. Đó là cuộc sống hết sức cơ cực, tủi hổ (không tấc đất cắm dùi, thân phận bị rẻ rúng, làm chẳng đủ ăn, bị o ép nhiều chiều,...). Những câu thơ không hề cường điệu. Đó thậm chí chính là cuộc sống đầy xót xa của thi sĩ Tản Đà. Là một thi sĩ nổi tiếng tài hoa, thế nhưng gần như suốt đời, Tản Đà sống trong nghèo khổ, túng quẫn. Ông đã từng rơi vào cảnh:
Hôm qua chửa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ
Về cuối đời, Tản Đà thậm chí phải mở cửa hàng xem tướng số để kiếm ăn nhưng không có khách, mở lớp dạy Hán văn và quốc văn nhưng không có học trò. Cuối cùng, ông chết trong cảnh nghèo đói, nhà cửa, đồ đạc bị chủ nợ tịch biên, chỉ còn một cái giường mọt, cái ghế ba chân, chồng sách nát và một be rượu.
Bức tranh hiện thực miêu tả trong bài thơ đã giúp chúng ta thêm hiểu vì sao Tản Đà thấy đời đáng chán (Trần thế nay em chán nửa rồi), vì sao ông phải tìm cõi tri âm tận trời cao (Tri kỉ trông lên đứng tận trời), phải tìm đến Hằng Nga, Ngọc Hoàng Thượng đế, chư tiên,... để thỏa niềm khao khát. Hai nguồn cảm hứng lãng mạn và hiện thực thường đan cài khăng khít trong thơ ông như thế.
Bài 4 trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Về mặt nghệ thuật, bài thơ này có gì mới và hay? (Chú ý các mặt: thể loại, ngôn từ, cách biểu hiện cảm xúc, hư cấu nghệ thuật,...)
Trả lời:
Bài thơ có nhiều sáng tạo trong hình thức nghệ thuật, với những dấu hiệu đổi mới theo hướng hiện đại.
- Tản Đà không dùng các thể thơ cũ như thất ngôn bát cú, tứ tuyệt lục bát, song thất lục bát... mà dùng thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu kết cấu nào, nguồn cảm xúc được bộc lộ thoải mái, tự nhiên, phóng túng.
- Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm và rất gần với đời, không cách điệu, ước lệ như thơ trung đại.
- Giọng thơ khá linh hoạt giọng kể mang tính tự sự phối hợp với giọng trữ tình nhiều sắc điệu, khi hóm hỉnh hài hước, lúc sôi nổi phóng khoáng, khi lại ngậm ngùi chua chát. Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn được người đọc.
- Tác giả tự hiện diện trong bài thơ với tư cách người kể chuyện, đồng thời là nhân vật chính. Cảm xúc biểu hiện phóng túng, tự do, không hề gò ép.
Những tìm tòi nghệ thuật trên đây là hướng đi đúng đắn của Tản Đà để tự khẳng định mình giữa lúc thơ phú nhà nho đang đi dần tới dấu chấm hết.
Soạn bài Hầu trời chi tiết phần Luyện tập
Bài 1 luyện tập trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Bài Hầu trời có ý tưởng gì hoặc câu thơ nào làm cho anh (chị) thích thú nhất? Hãy viết một đoạn văn trình bày cảm xúc của mình.
Trả lời:
Tùy theo cảm nhận và tình cảm cá nhân mà học sinh có thể lựa chọn những câu thơ, ý tưởng thơ thú vị. Có thể tham khảo một số câu thơ, ý tưởng sau: "Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu/ Đày xuống hạ giới vì tội ngông". "Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:/ "Anh gánh lên đây bán chợ Trời" ...
Bài 2* luyện tập trang 17 SGK Ngữ văn 11 tập 2
Anh (chị) hiểu thế nào là "ngông"? Cái "ngông" trong văn chương thường bộc lộ một thái độ sống như thế nào? (Có thể dẫn chứng qua những tác phẩm đã học). Cái "ngông" của thi sĩ Tản Đà trong bài thơ này biểu hiện ở những điểm nào và có thể giải thích ra sao?
Trả lời:
- "Ngông" chỉ sự khác thường. "Ngông" trong văn chương dùng để chỉ một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thói thường có ở nhà văn, nhà thơ có ý thức cá nhân cao độ.
- Trong văn chương người ta hay nhắc đến cái "ngông" của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tuân, Tản Đà,...
- Cái "ngông" của Tản Đà trong bài thơ này biểu hiện ở những điểm:
+ Tự cho mình văn hay đến mức Trời cũng phải tán thưởng.
+ Không thấy ai đáng là tri âm với mình ngoài Trời và Chư tiên.
+ Xem mình là một "trích tiên" bị "đày xuống hạ giới vì tội ngông".
+ Nhận mình là người nhà Trời xuống hạ giới thực hành "thiên lương", một sứ mệnh cao cả.
+ Xem các đấng siêu nhiên là tri âm, bình dân,...
Soạn bài Hầu trời nâng cao
Câu 1 - Trang 12 SGK Ngữ văn 11 tập 2 nâng cao
Thuật lại câu chuyện “hầu Trời” của Tản Đà trong bài thơ và làm rõ tài hư cấu của tác giả (chú ý phân tích cách tạo tình huống, chọn chi tiết, dựng đối thoại, bố trí các cảnh, miêu tả tâm lí đa dạng của nhân vật,…)
Trả lời:
* Thuật lại câu chuyện “hầu Trời”
Câu chuyện kể về cuộc đọc thơ đầy đắc ý cho trời và chư tiên nghe giữa chốn “thiên môn đế khuyết”, thể hiện ý thức rất cao về tài, tâm và biểu hiện cái ngông đầy bản lĩnh của Tản Đà.
Vào lúc canh ba, giữa đêm trăng sáng, trời nghe hạ giới ai ngâm nga khiến Trời mất ngủ, cho hai nàng tiên xuống trần mời người ngâm thơ lên đọc thơ. Vào chốn “thiên môn đế khuyết”, được các chư tiên tiếp đón nồng nhiệt, văn sĩ bắt đầu đọc thơ một cách sảng khoái. Ông "đọc hết văn vần sang văn xuôi - hết văn lí thuyết lại văn chơi" và được nhà Trời ngợi khen hết lời. Con người nghệ sĩ cõi trần này bộc bạch tuổi tên, gia đình, quê hương lẫn nỗi chua xót của kẻ cầm bút giữa thời buổi nhiễu nhương. Cuộc đọc thơ hầu Trời khép lại. Người thơ về lại hạ giới trong tiếng gà xao xác và niềm nuối tiếc ngẩn ngơ.
* Tài hư cấu của tác giả:
- Tình huống được dựng lên đầy khéo léo: bắt nguồn từ tiếng ngâm thơ vang cả sông Ngân Hà khiến Trời mất ngủ. Tình huống đó ngầm thể hiện cái cơ duyên được lên “Hầu Trời” gắn liền với nỗi niềm văn chương hạ giới, với những phút cao hứng thoát khỏi trần ai.
- Bài thơ có rất nhiều chi tiết cụ thể được xếp đặt chặt chẽ - một kiểu lô-gíc của mộng mơ: nằm một mình - buồn - đun nước uống - ngâm văn; rồi tiên xuống - nêu lí do đưa lên trời; được đón tiếp trọng vọng - mời đọc thơ - chư tiên khen ngợi, tán thưởng - Trời truyền hỏi danh tính - kể lể tình cảnh, bày tỏ nổi lòng - Trời “đả thông” tư tưởng - lạy tạ ra về...
- Sự kết nối từ bối cảnh nhỏ bé, quạnh vắng của phòng văn nơi hạ giới đến khung cảnh rực rỡ, oai nghiêm của thượng giới.
- Tâm lí nhân vật trữ tình lẫn lâm lí các nhân vật còn lại trong Hầu Trời được Tản Đà khắc hoạ qua các đoạn đối thoại của câu chuyện trong bài thơ. Việc khắc hoạ tâm lí nhân vật trong bài thơ tuy không được cụ thể như trong văn xuôi nhưng cũng đủ dựng lên hình tượng một người nghệ sĩ có tài mà cứ lận đận giữa cõi trần vì sự rẻ rúng của người đời đối với người làm văn và sản phẩm văn chương do những con người này làm ra.
- Cách đối thoại giữa tác giả với Trời, Chư tiên rất tự nhiên, không có gì đạo mạo, mà rất ngộ ngĩnh, bình dân: lè lưỡi, chau mày, tranh nhau dặn,…
Câu 2 - Trang 12 SGK Ngữ văn 11 tập 2 nâng cao
Chuyến “hầu Trời” bằng tưởng tượng đã giúp nhà thơ nói được gì về bản thân cùng quan niệm mới của ông về văn và nghề văn?
Trả lời:
Chuyến “hầu Trời” bằng tưởng tượng đã cho nhà thơ một cơ hội tuyệt vời để “quảng cáo” tài năng văn chương trác tuyệt của mình: nhìn bao quát thì thấy văn “dài”, “giàu”, “lắm lối”; đi vào cụ thể thì thấy “nhời văn chuốt đẹp”, “khí văn hùng mạnh”, “êm”, “tinh”,… Dường như theo tác giả, chỉ có Trời và chư tiên mới đánh giá được đúng giá trị văn Tản Đà mà thôi ! Trong bài thơ, Tản Đà còn cho biết: văn chương lúc này là một nghề kiếm sống mới, có người bán, kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều (bản thân nhà thơ phải sống cảnh khốn khó vì “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, “Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”,…). Tản Đà cũng không quên nói về cái mộng cải cách xã hội của mình gắn liền với việc thực hiện thuyết “thiên lương” – một công việc nặng nhọc không dễ được mấy người cảm thông, san sẻ.
Câu 3 - Trang 12 SGK Ngữ văn 11 tập 2 nâng cao
Tìm các chi tiết thể hiện ý thức các nhân của tác giả.
Trả lời:
Soạn bài Hầu trời em thấy: ý thức cá nhân, ý thức dân tộc của nhà thơ thể hiện rõ ở lời “tâu trình” cho Trời nghe về danh tính, gốc gác bản thân. Một cái tên mà được nói ra trịnh trọng đến vậy hẳn nhà thơ phải thấy có một giả trị không thể phủ nhận gắn liền với nó. Hơn nữa, ông còn muốn Trời thấy được Nguyễn Khắc Hiếu chính là con người của Á châu, của xứ sở có một nền “văn minh tinh thần” cao quý, đáng tự hào. Cụ thể thêm một mức nữa, ông kiêu hãnh khai mình là đứa con đích thực của “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Đặt trong bối cảnh đất nước đã mất chủ quyền, ta dễ nhận ra ở cách “khoe” ấy một “tình cảm non nước” đáng quý.
Câu 4 - Trang 12 SGK SGK Ngữ văn 11 tập 2 nâng cao
Chỉ ra nét cách tân của bài thơ ở giọng điệu và cách dùng các yếu tố thuộc khẩu ngữ.
Trả lời:
Nét cách tân của bài thơ:
- Giọng điệu hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc
- Thể thơ: thất ngôn trường thiên tự do, không bị trói buộc bởi khuôn mẫu nào.
- Lối kể chuyện mang tính chất bình dân kết hợp với giọng văn khôi hài thể hiện ở cách dùng từ và đặc tả cảm xúc của nhân vật.
– Sự pha trộn các chất liệu không cùng đẳng cấp của văn học hiện đại:
+ Thái độ hào hứng của người kể chuyện trước đối tượng đồng đẳng chân tình, cách gọi “Chư tiên” đầy thân mật.
+ Những từ ngữ nôm na lấy từ cuộc sống hàng ngày
+ Ngữ điệu nói, hình ảnh Chư tiên rất con người với những điệu bộ thật ngộ nghĩnh.
Câu 5 trang 12 SGK Ngữ văn 11 tập 2 nâng cao
Nhận xét chung về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ.
Trả lời:
* Giá trị tư tưởng:
- Thể hiện cái tôi cá nhân ngông nghênh, kiêu bạc, hào hoa và cái tôi cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.
- Có thể thấy nhà thơ đã tìm được hướng đi đúng đắn để khẳng định mình giữc lúc thơ phú nhà nho đang đi dần đến dấu chấm hết.
- Thể hiện ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ của tác giả.
* Giá trị nghệ thuật:
- Cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên, lôi cuốn người đọc.
- Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế, gợi cảm, không cách điệu, ước lệ.
- Tác giả vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật chính.
- Cảm xúc bộc lộ thoải mái, tự nhiên, phóng túng.
- Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do…
Soạn bài Hầu trời Tác giả, tác phẩm
I. Tác giả Tản Đà
1. Cuộc đời
- Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở Bất Bạt, Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Tây).
- Xuất thân trong một gia đình quan lại phong kiến nhưng lại sống theo lối sống của tầng lớp tư sản thành thị.
- Ông học chữ Hán hồi nhỏ, nhưng sớm chuyển sang học chữ quốc ngữ và sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ.
- Tản Đà theo đuổi nghiệp khoa cử nhưng không thành. Ông sống với nghề viết văn. Cả cuộc đời ông là một bài thơ tuyệt đẹp vì con người ngoài đời dường như trùng lặp hoàn toàn với con người nghệ sĩ trong văn chương.
2. Sự nghiệp sáng tác
- Sự nghiệp thơ văn của Tản Đà rất phong phú và đạt nhiều thành tựu, đáng kể nhất là các tác phẩm: Khối tình con I, II (1916,1918), Còn chơi (1921), Thơ Tản Đà (1925), Giấc mộng lớn (1928),...
3. Phong cách nghệ thuật
- Thơ văn Tản Đà thể hiện một cái tôi bay bổng, lãng mạn, thoát li rất tài hoa nhưng cũng rất ngông nghênh, ngạo nghễ.
- Thơ ông còn thấm đẫm tinh thần thơ ca dân tộc, đậm đà và ý nhị, tinh tế.
- Có thể xem thơ Tản Đà là cái gạch nối giữa thơ trung đại và hiện đại.
II. Tác phẩm: Bài thơ Hầu trời
1. Hoàn cảnh xuất xứ
- Bài thơ Hầu trời in trong tập Còn chơi xuất bản năm 1921.
- Bài thơ ra đời vào thời điểm khuynh hướng lãng mạn đã khá đậm nét trong văn chương thời đại. Xã hội thực dân nửa phong kiến tù hãm, u uất, đầy rẫy những cảnh ngang trái, xót đau…
2. Nội dung chính
- “Hầu trời” của Tản Đà kể về chuyện ông được lên tiên để đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe.
- Bài thơ thể hiện cái tôi ngông của tác giả cũng như nỗi ngậm ngùi cho cảnh ngộ bản thân nói riêng và văn nghệ sĩ đương thời nói chung.
3. Bố cục
Bố cục bài thơ Hầu trời có thể chia làm 3 phần như sau:
- Phần 1 (khổ thơ đầu): giới thiệu về câu chuyện lên hầu trời.
- Phần 2 (tiếp... chợ Trời): thi nhân ngâm thơ cho Trời và chư tiên trên thiên đình nghe.
- Phần 3 (còn lại): Cuộc trò chuyện của thi nhân với trời.
4. Một số ý kiến nhận định về Tản Đà và bài Hầu trời
- ...Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo. Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kì đang sắp sửa."...
(Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam - NXB Văn học, Hà Nội, 1986)
- Bài Hầu trời, tôi phục nhất đoạn mở:
Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng!
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng!
Vào đột ngột câu đầu cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta"...
(Xuân Diệu - Lời giới thiệu - Tuyển tập Tản Đà - NXB Văn học, Hà Nội 1986)
Tổng kết Hầu trời - Tản Đà
- Qua bài Hầu Trời, Tản Đà đã mạnh dạn tự biểu hiện “cái tôi” cá nhân - một "cái tôi” ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời.
- Bài thơ có nhiều sáng tạo trong hình thức nghệ thuật: thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu thoải mái, tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, sống động, hóm hỉnh.
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Hầu trời của Tản Đà được biên soạn theo cả chương trình cơ bản và nâng cao. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Hầu trời này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Hầu trời một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.