Trang chủ

Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 1 [ Soạn văn 6 Kết nối ]

Xuất bản: 21/06/2021 - Cập nhật: 12/07/2021 - Tác giả:

Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 1 Kết nối tri thức trang 33 SGK Ngữ văn 6 tập 1, hướng dẫn chi tiết tổng hợp kiến thức và ôn tập.

Soạn văn 6 Kết nối / Soạn Củng cố, mở rộng bài 1 ( Ngữ văn 6 tập 1 - Kết nối chi thức với cuộc sống)

Soạn văn 6 Củng cố, mở rộng bài 1 Kết nối tri thức trang 33 SGK Ngữ văn 6 tập 1, Đọc tài liệu hướng dẫn chi tiết viết bài văn kể lại  một trải nghiệm của em bằng cách trả lời chi tiết câu hỏi trong bài học.

Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 1 trang 33 - Kết nối tri thức

Câu 1.

Giới thiệu một truyện đồng thoại mà em yêu thích và thực hiện theo các yêu cầu sau:

a. Xác định người kể chuyện.

b. Chỉ ra một vài đặc điểm giúp em nhận biết được tác phẩm đó là truyện đồng thoại.

c. Chọn một nhân vật yêu thích. Liệt kê một số chi tiết tiêu biểu được tác giả miêu tả để khắc họa nhân vật đó (Kẻ bảng vào vở theo mẫu).

d. Từ bảng đã hoàn thành hãy nêu cảm nhận của em về nhân vật.

Gợi ý trả lời câu 1 trang 33 Ngữ văn 6 tập 1-Kết nối tri thức

Ví dụ 1: Tôi là Bê-tô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

a. Người kể chuyện: Bê-tô (ngôi thứ nhất - xưng tôi)

b. Đặc điểm: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã lấy loài vật (con chó) để làm nhân vật chính cho tác phẩm của mình. Nhân vật con chó trong tác phẩm đã được nhân cách hóa (có tên gọi là Bê-tô, kể lại câu chuyện về cuộc sống của chính mình, có những suy nghĩ, hành động giống như con người) nhưng vẫn không thoát khỏi những thói quen sinh hoạt của loài chó ở ngoài đời.

c.

* Ngoại hình: “Trong khi tôi thì quá thấp bé để có thể lôi chúng xuống”; Nhờ cái mũi thông tuệ đó, lịch sử của chúng tôi chưa bao giờ nhầm lẫn, nên chưa bao giờ phải bôi xóa hoặc viết lại”...

* Hành động và suy nghĩ: Những hành động của loài chó: “Ngày đầu tiên về thăm quê từ một nơi xa lăng lắc, chính bà nội của chị Ni vừa khóc vừa kể như vậy. Lúc đó tôi đang nằm gặm xương dưới gầm bàn chứ đâu”.
Những suy nghĩ gửi gắm bài học sâu sắc: “Tôi không thể cắt nghĩa được tại sao trò chơi ưa thích nhất của tôi là gặm tất cả những gì có thể gặm, xé những gì có thể xé. Hễ thấy bất cứ vật gì ngay mõm là răng tôi ngưa ngứa”, “Khúc xương tất nhiên hấp dẫn hơn quả bóng. Vì ăn được. Và vì giành nhau một thứ ăn được, tụi tôi choảng nhau quyết liệt hơn so với các cầu thủ gấp trăm lần. Nhiều khi nước mắt. Đôi khi máu. Và trên cái nền thường trực là những tiếng rên”...

* Lời nói: Cuộc trò chuyện với Bi-nô:

“Bi-nô gãi mõn vào tai tôi:

- Mày sao thế? Sợ à?

- Ừ - Tôi lắp bắp

- Sợ nhưng mà thích chứ gì?

Bi nô lại hỏi. Câu hỏi thật kì cục, nhưng tôi gật đầu ngay:

- Thích!”...

* Mối quan hệ với các nhân vật khác: Bê-tô sống cùng gia đình của chị Ni, mọi người trong gia đình đều yêu quý nó. Xung quanh còn có những “người bạn” khác như: Lai-ca, Bi-nô… cùng chơi đùa, nghịch ngợm.

d. 
Cảm nhận về nhân vật: Bê-tô là một chú chó nghịch ngợm, thông minh với những trò nghịch phá thường thấy của loài chó. Dưới cái nhìn của Bê-tô, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gửi gắm những bài học cuộc sống một cách hài hước, dí dỏm hơn. Nhân vật Bê-tô đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi độc giả.

Ví dụ 2: Câu chuyện đồng thoại mà em yêu thích là Cá Rô Ron không vâng lời mẹ.

Truyện: Cá Rô Ron không vâng lời mẹ

Trời mưa. Rô mẹ dặn Rô con:

- Mẹ đi kiếm mồi, con ở nhà, chỉ nên chơi ở gần nhà, chớ đi đâu xa kẻo lạc đường, con nhé!

Trời vừa tạnh, Rô Ron và Cá Cờ cùng lượn chơi trứơc cửa hang. Thấy một dòng nước róc rách chảy xuống hồ, Rô Ron bảo bạn:

- Chúng mình cùng vựơt dòng nước nhé!

Cá Cờ ngắm dòng nước lónh lánh như bạn đang lách qua những búi cỏ xanh chảy rì rào rồi vẫy đuôi nói:

- Nhưng mẹ tớ dặn không được rong chơi xa. Hay là chúng ta chơi quanh đây thôi.

- Thế thì cậu hãy xem tớ rạch lên bờ đây này!

Vừa nói Rô Ron vừa giương vây, nhún mình lấy đà phóng lên. Lên khỏi bờ, Rô Ron bơi theo dòng nước và say mê ngắm cảnh trời mây, đồng lúa...Rô Ron nhìn thấy một cô bướm có đôi cánh màu tím biếc. Rô Ron liền bơi theo và hỏi:

- Bướm ơi! Bạn có nhanh bằng tôi không?

Cứ thế, Rô ron mãi bơi theo bướm. Nào ngờ, dòng nước cạn dần rồi rút kiệt. Rô Ron bị mắc cạn. Chú cố hết sức mình lóc đi, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Mệt quá, Rô Ron đành phải nằm phơi mình trên mặt đất. Nghĩ đến mẹ, Rô Ron tuổi thân muốn khóc.

May thay, chị gió nhẹ lướt qua. Thấy Rô Ron bị mắc cạn, chị dừng lại và nói:

- Để chị giúp em!

Nói rồi, chị gió Nhẹ bay đi tìm chị Gió Mạnh báo tin. Hai chị Gió đập cánh gọi các cô Mây về. Những cô Mây đang bây lang thang bỗng ùn ùn kéo đến. Bầu trời đen kịt lại. Chị Gió Mạnh vẫn đập cánh liên hồi. Các cô mây biến thành những giọt mưa. Trời mưa to, nước tràn qua các bụi cờ tạo nên những dòng nước chảy xuống hồ. Rô Ron mừng rỡ, theo dòng nước bơi về

Khi Rô Ron về đến hồ thì gặp Cá Cờ đang dẫn Rô mẹ đi tìm. Lo cho con, Rô mẹ đã khóc đỏ cả mắt. Rô Ron hối hận dụi đầu vào lòng mẹ.

NXBGD - Văn Hồng

a. Người kể chuyện: ngôi thứ ba (người ở bên ngoài quan sát rồi kể lại câu chuyện)

b. Những đặc điểm giúp em nhận ra Chú cá rô không nghe lời mẹ là truyện đồng thoại:

Truyện được sáng tác dành cho trẻ em

Truyện có nhân vật chính là chú cá rô con được nhân cách hóa như con người (suy nghĩ, hành động, lời nói, xưng hô…) nhưng vẫn có những đặc tính riêng của loài cá (sống dưới nước, thích ăn mồi…)

c.

Ngoại hình: Rô Ron vừa giương vây, nhún mình lấy đà phóng lên

Hành động: "Rô Ron và Cá Cờ cùng lượn chơi trứơc cửa hang", "Vừa nói Rô Ron vừa giương vây, nhún mình lấy đà phóng lên. Lên khỏi bờ, Rô Ron bơi theo dòng nước và say mê ngắm cảnh trời mây, đồng lúa...", "Rô ron mãi bơi theo bướm. Nào ngờ, dòng nước cạn dần rồi rút kiệt. Rô Ron bị mắc cạn. Chú cố hết sức mình lóc đi, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Mệt quá, Rô Ron đành phải nằm phơi mình trên mặt đất. Nghĩ đến mẹ, Rô Ron tuổi thân muốn khóc".

Lời nói: "- Chúng mình cùng vựơt dòng nước nhé!", "- Thế thì cậu hãy xem tớ rạch lên bờ đây này!", "- Bướm ơi! Bạn có nhanh bằng tôi không?".

Mối quan hệ với nhân vât khác: Mẹ, bạn Cá Cờ, cô Bướm, chị Gió Nhẹ, chị Gió Mạnh.

d.

Cảm nhận về nhân vật: Cá Rô Ron là một chú cá con tinh nghịch, mải chơi, do không nghe lời mẹ mà Rô Ron đã gặp phải một tình huống nguy hiểm cho bản thân. Nhưng may mắn là Rô Ron gặp được chị Gió tốt bụng và đã hối hận vì không vâng lời mẹ.

Ví dụ 3: Cái tết của mèo con của tác giả Nguyễn Đình Thi.

Giới thiệu một truyện đồng thoại mà em yêu thích: Cái tết của mèo con của tác giả Nguyễn Đình Thi.

a. Người kể chuyện: Ngôi thứ ba

b. Một số đặc điểm nhận biết truyện Cái tết của mèo con là truyện đồng thoại: Đây là câu chuyện được viết cho thiếu nhi. Tác giả lấy loài vật (con mèo) làm nhân vật. Nhân vật con mèo trong câu chuyện được nhân cách hóa nhưng vẫn có những sinh hoạt phù hợp của con mèo ở ngoài đời thường, không xa rời cái nhìn thói quen của bạn thiếu nhi.

c. Một số chi tiết tiêu biểu được tác giả miêu tả để khắc họa nhân vật con mèo:

Ngoại hình: Mèo Con tìm được một chỗ nắng ấm, nằm sưởi. Nó giũ lông một hồi, cho hết bụi tro, rồi nằm liếm mình, liếm chân, tỉ mỉ, cho đến lúc trắng nõn hết cả. Xong nó nằm im lim dim mắt, gừ gừ, nghĩ lại chuyện đêm qua. Và chú Mèo Con ngủ một giấc lúc nào không biết.

Hành động: Mèo Con chạy giỡn hết góc này đến góc khác, hai tai dựng đứng lên, cái đuôi ngoe nguẩy. Chạy chán, Mèo Con lại nép vào một gốc cau, một sợi lông cũng không động – nó rình một con bướm đang chập chờn bay qua. Bỗng cái đuôi quất mạnh một cái, Mèo Con chồm ra. Hụt rồi!

Lời nói: Mèo Con vẫn không chịu ăn.- Ngheo ngheo, mẹ tôi đi đâu rồi? Ai bắt tôi về đây, buộc tôi lại thế này? Ngheo ngheo, tôi chẳng được bú tí mẹ nữa rồi.

Mối quan hệ với nhân vật khác: Mèo ở nhà bà và Bống.

d. Cảm nhận của em về nhân vật con mèo: kể về chú mèo đáng yêu với chiến công đầu tiên của mình, là bài học về lòng dũng cảm và sự đoàn kết trong cuộc sống dành cho các bạn nhỏ. Từ một chú Mèo Con còn non nớt, còn run sợ trước cái ác, nhưng chỉ qua một đêm, chú đã vươn mình trưởng thành như thế nào. Chúng ta hãy cùng theo dõi câu chuyện hấp dẫn này nhé!

Câu 2. 

Trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, nhờ Dế Choắt, Dế Mèn đã rút ra được bài học cho mình. Trong đoạn trích Nếu cậu muốn có một người bạn, cáo bày tỏ nếu cậu muốn kết bạn với hoàng tử bé, cuộc đời cáo sẽ như được chiếu sáng. Hãy kể về một thay đổi tích cực của bản thân mà em có được nhờ tình bạn.

Gợi ý trả lời câu 2 trang 34 Ngữ văn 6 tập 1-Kết nối tri thức

Thay đổi tích cực mà bản thân có được nhờ tình bạn: cố gắng học tập hơn, hòa động với mọi người hơn hoặc biết chia sẻ giúp đỡ với mọi người xung quanh…

Ví dụ 1

Bạn cùng lớp và cũng là bạn thân của em - Tuấn Anh là một tấm gương tốt trong học tập lại hay giúp đỡ bạn bè. Chúng em đã trở thành những người bạn của nhau từ khi nào có lẽ cả hai đều không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ rằng, ngày đầu tiên bước chân vào mái trường trung học cơ sở, Tuấn Anh là người bạn đầu tiên mà em quen biết. Em là một cậu bé có tính cách hướng nội nên ngại giao tiếp. Nhưng nhờ có Tuấn Anh mà em đã dần trở nên hòa đồng hơn. Không chỉ vậy, em và Tuấn Anh còn có chung sở thích với môn bóng rổ. Ước mơ của cả hai là trở thành những tuyển thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Bởi vậy, chúng em đã cùng nhau tập luyện để có thể tham gia vào đội tuyển bóng rổ của trường. Những khi em cảm thấy nản lòng, Tuấn Anh sẽ là người động viên, giúp em có thêm tinh thần cố gắng vì đam mê.

Ví dụ 2

Trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, nhờ Dế Choắt, Dế Mèn đã rút ra được bài học cho mình. Trong đoạn trích Nếu cậu muốn có một người bạn, cáo bày tỏ nếu cậu muốn kết bạn với hoàng tử bé, cuộc đời cáo sẽ như được chiếu sáng. Nhờ tình bạn, em cũng có được những thay đổi tích cực với bản thân mình. Em cố gắng chăm học, hòa đồng với mọi người, đoàn kết với bạn bè hơn, nhất là giúp đỡ các bạn yếu hơn mình để cùng nhau tiến bộ.

-/-

Với toàn bộ tài liệu hướng dẫn soạn bài Củng cố, mở rộng bài 1 trang 33 - Ngữ văn 6 tập 1 - Kết nối tri thức, hi vọng các em sẽ chuẩn bị bài học tốt nhất trước khi tới lớp. Chúc các em học tốt môn Ngữ văn 6.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM