Trang chủ

Soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động

Xuất bản: 10/02/2020 - Cập nhật: 12/07/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động giúp em nắm vững kiến thức và trả lời các câu hỏi bài tập vận dụng trang 57, 58 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 2

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động cung cấp kiến thức cơ bản về khái niệm câu chủ động và câu bị động, gợi ý trả lời câu hỏi bài tập trang 57, 58 SGK Ngữ văn 7 tập 2.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

      Cùng tham khảo...

Kiến thức cần nắm vững

- Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người, vật khác (chỉ chủ thể hoạt động).

- Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của người, vật khác hướng vào (chỉ đối tượng của hoạt động).

- Việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động và ngược lại ở trong mỗi đoạn văn đều nhằm liên kết các câu trrong đoạn thành một mạch văn thống nhất.

Soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động chi tiết

I. Câu chủ động và câu bị động

1 - Trang 57 SGK

Xác định chủ ngữ của mỗi câu sau:

a) Mọi người yêu mến em.

b) Em được mọi người yêu mến.

Trả lời: 

a) Chủ ngữ: Mọi người

b) Chủ ngữ: Em

2 - Trang 57 SGK

Ý nghĩa của chủ ngữ trong các câu trên khác nhau như thế nào?

Trả lời:

Câu a) có chủ ngữ là Mọi người và là chủ thể của hành động yêu mến.

Câu b) có chủ ngữ là Em và là đối tượng của hành động yêu mến.

II. Mục đích của việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động

1 - Trang 57 SGK

Em sẽ chọn câu a) hay câu b) để điền vào chỗ có dấu ba chấm trong đoạn trích dưới đây?

   - Thủy phải xa lớp ta, theo mẹ về quê ngoại.

   Một tiếng "ồ" nổi lên kinh ngạc. Cả lớp sững sờ. Em tôi là chi đội trưởng, là "vua toán" của lớp từ mấy năm nay..., tin này chắc làm cho bạn bè xao xuyến.

(Theo Khánh Hoài)

a) Mọi người yêu mến em.

b) Em được mọi người yêu mến.

Trả lời: 

Chọn câu b) Em được mọi người yêu mến.

2 - Trang 57 SGK

Giải thích vì sao em chọn cách viết như trên.

Trả lời: 

Câu đứng trước câu cần lựa chọn, và cả đoạn văn đều đang nói về Thuỷ (em)Thuỷ (em) trong đoạn này là đối tượng mà hoạt động hướng vào (được nói đến) chứ không phải là chủ thể của hoạt động. Cho nên, điền vào vị trí dấu ba chấm phải là câu bị động "Em được mọi người yêu mến." thì mới đảm bảo mối liên kết giữa các câu trong mạch chung của đoạn.

Soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động phần Luyện tập

Yêu cầu: Tìm câu bị động trong các đoạn trích dưới đây. Giải thích vì sao tác giả chọn cách viết như vậy ?

- Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.

(Hồ Chí Minh)

- Người đầu tiên chịu ảnh hưởng thơ Pháp rất đậm là Thế Lữ. Những bài thơ có tiếng của Thế Lữ ra đời từ đầu năm 1933 đến 1934. Giữa lúc người thanh niên Việt Nam bấy giờ ngập trong quá khứ đến tận cổ thì Thế Lữ đưa về cho họ cái hương vị phương xa. Tác giả “Mấy vần thơ” liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ.

(Theo Hoài Thanh)

Trả lời: 

- Trong hai đoạn văn, câu bị động là:

  + Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. (1)

    + Người đầu tiên chịu ảnh hưởng của thơ Pháp rất đậm là Thế Lữ.; Tác giả "Mấy vần thơ" liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ. (2)

- Tác giả chọn cách dùng câu bị động như vậy vì:

+ Trong trường hợp câu (1), các câu bị động được lược bỏ thành phần chủ ngữ. Có thể khôi phục: Có khi tinh thần yêu nước được người ta trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi tinh thần yêu nước (được) người ta cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.

Việc lược bỏ chủ ngữ là nhằm tránh lặp thừa. Câu bị động trong đoạn văn này được sử dụng để đảm bảo sự liên kết. Đối tượng nói đến ở đây là tinh thần yêu nước chứ không phải chủ thể của tinh thần yêu nước. Câu đầu đoạn văn thể hiện rõ điều này.

+ Trong trường hợp câu (2), chủ đề của đoạn văn này là nói về Thế Lữ - "Người đầu tiên..." - "Tác giả "Mấy vần thơ"..." chứ không phải nói về thơ Pháp, hay những người tôn vinh ông. Hai câu bị động có chủ ngữ cùng hướng về một đối tượng và cùng thống nhất với chủ đề của đoạn.

>>>Xem thêmChuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (tiếp theo)

Trên đây là hướng dẫn chi tiết soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động được biên soạn theo nội dung câu hỏi bài tập trong SGK Ngữ văn 7 tập 2 trang 57, 58. Ngoài ra các em cũng có thể tham khảo thêm các bài soạn văn 7 trọn bộ biên soạn theo chương trình học hiện hành để chuẩn bị cho bài học mới thật tốt trước khi đến lớp!

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM