Trang chủ

So sánh quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu

Xuất bản: 21/08/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Nêu cảm nhận về đoạn thơ để so sánh quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu: Trích Cuộc đời tuy dài thế và Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, theo Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.156)

Từ đoạn thơ trên, anh/chị hãy chỉ ra nét tương đồng và khác biệt trong quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh và quan niệm về thời gian của Xuân Diệu qua những dòng thơ:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, theo Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.22)

-/-

Như vậy, trên cơ sở hiểu biết về tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm Sóng, thí sinh có thể cảm nhận về đoạn thơ, từ đó so sánh quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh với quan niệm về thời gian của Xuân Diệu theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

Dàn ý so sánh quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu

Dàn ý tham khảo

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ trẻ chống Mĩ. Xuân Quỳnh viết nhiều và rất hay về đề tài tình yêu.

– Sóng là một trong những bài thơ tình hay nhất của đời thơ Xuân Quỳnh.

– Giới thiệu đoạn trích.

* Cảm nhận về đoạn thơ

– Về nghệ thuật: thể thơ năm chữ với những câu thơ không ngắt nhịp, hình ảnh hoán dụ giàu sức liên tưởng (cuộc đời, năm tháng, biển, mây); ẩn dụ (sóng, biển lớn tình yêu…), số từ (trăm, ngàn); giọng điệu thiết tha, chân thành…

– Về nội dung: Nhân vật trữ tình em với những trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời, của tình yêu và khát vọng được dâng hiến hết mình cho tình yêu.

Đoạn 1:

+ Cuộc đời – năm tháng là hoán dụ chỉ thời gian (thời gian của đời người và thời gian của vũ trụ); biển – mây là hoán dụ chỉ không gian (không gian mênh mông và không gian nhỏ bé). Cuộc đời con người dẫu có dài đến một trăm năm hoặc lâu hơn nữa thì so với thời gian vô cũng vô tận của vũ trụ cũng chỉ là khoảnh khắc hữu hạn. Biển tưởng như rộng lớn vô cùng nhưng vẫn bị giới hạn bởi bờ cõi trong khi đó, áng mây nhỏ bé lại có thể bay từ bầu trời này qua bầu trời khác, có thể bay trên khắp mặt biển, đại dương.

+ Năm tháng là dòng thời gian vô thủy vô chung, con đường bay của mây gợi đến không gian vô cùng vô tận; còn cuộc đời là quĩ thời gian hữu hạn, ngắn ngủi, biển gợi đến cái nhỏ bé.

Khổ thơ là suy tư, chiêm nghiệm của Xuân Quỳnh về nỗi âu lo của con người muôn kiếp: sự hữu hạn của cuộc đời và sự mong manh, nhỏ bé của kiếp người, của thân phận tình yêu.

Liên hệ:

– Gấp đi em anh rất sợ ngày mai

Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn

(Xuân Diệu)

– Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

(Xuân Diệu)

Đoạn 2

+ Cấu trúc nghi vấn cầu khiến (Làm sao được tan ra) diễn tả nỗi trăn trở và ước muốn chân thành, tha thiết, mãnh liệt của em.

+ Tan ra: khát vọng hi sinh, dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, là sống hết mình, yêu hết mình, dâng hiến hết mình cho tình yêu. Giải pháp thể hiện trái tim nhân hậu, vị tha, giàu đức hi sinh, bao dung vô cùng của người phụ nữ trong tình yêu khi không thể kéo dài năm tháng, khi bối rối, lo âu trước cái ngắn ngủi của tình yêu.

(Liên hệ với bài thơ Sóng của Xuân Diệu để thấy khát vọng tình yêu trong Sóng dâng trào mãnh liệt, cuồng nhiệt còn khát vọng hi sinh, dâng hiến hết mình cho tình yêu của Xuân Quỳnh vẫn mang vẻ đẹp nữ tính.)

+ Khi tan ra, khi dâng hiến tận độ cho tình yêu, em dường như đã chiến thắng cái hữu hạn của cả thời gian (ngàn năm – vĩnh hằng) và không gian (biển lớn – vô cùng). Do đó, tình yêu của em được vĩnh hằng cùng vô biên năm tháng.

Liên hệ:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

(Xuân Quỳnh)

Xuân Quỳnh đã bất tử hóa, vĩnh viễn hóa tình yêu của mình ngay trong cái hữu hạn rất khắc nghiệt của cuộc đời.

* So sánh với quan niệm về thời gian trong hai câu thơ của Xuân Diệu

– Tương đồng: Cả hai nhà thơ cùng thể hiện nhận thức về thời gian của đời người. (Trong hai câu thơ của Xuân Diệu, xuân vừa là hoán dụ chỉ mùa đầu tiên trong năm vừa là ẩn dụ cho tuổi trẻ, thời gian đẹp nhất của đời người)

– Khác biệt:

+ Cảm thức về thời gian trong thơ Xuân Quỳnh gắn liền với sự ngắn ngủi, hữu hạn (các hoán dụ cuộc đời, năm tháng đã phân tích bên trên).

+ Cảm thức về thời gian trong thơ Xuân Diệu gắn liền với sự trôi chảy rất nhanh, một đi không trở lại (ẩn dụ xuân; cách định nghĩa đương tới nghĩa là đương qua, còn non nghĩa là sẽ già).

– Ý nghĩa/giá trị của quan niệm thời gian trong thơ Xuân Diệu và Xuân Quỳnh:

+ Quan niệm về thời gian của hai nhà thơ hết sức đúng đắn, biện chứng; thể hiện sự trân quí của mỗi thi nhân đối với cuộc đời con người.

+ Nhận thức về thời gian của mỗi nhà thơ là cội nguồn/ động lực của lối sống/cách ứng xử đầy nhân văn: Xuân Diệu lựa chọn lối sống vội vàng, gấp gáp để dâng hiến và tận hưởng cuộc sống ngay khi nó còn xanh non, biếc rờn (Nguyễn Đăng Mạnh); còn Xuân Quỳnh muốn được hi sinh, dâng hiến hết mình cho tình yêu (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ).

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã hướng dẫn cơ bản cho các em cách so sánh quan niệm về thời gian của Xuân Quỳnh và Xuân Diệu qua hai đoạn thơ ngắn trên, mong rằng các em sẽ hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất nhé!

Xem thêm: 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM