Trang chủ

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí

Xuất bản: 04/03/2024 - Tác giả:

Đoạn văn mẫu so sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với nội dung hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để thấy được sự xót thương sâu sắc của tác giả đến số phận những người đàn bà

Tham khảo những đoạn văn mẫu hay so sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với nội dung hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí và Truyện Kiều.

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với nội dung hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

- “Cổ kim hận sự”: mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp. Đó chính là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh.

- Thiên nan vấn: khó mà hỏi trời được.

=> Câu thơ mang tính khái quát cao. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh, của Nguyễn Du mà của tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến. Câu thơ thể hiện sự đau đớn phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc.

- Kì oan: nỗi oan lạ lùng

- Ngã: ta (từ chỉ bản thể cá nhân táo bạo so với thời đại Nguyễn Du sống). Nguyễn Du không đứng bên ngoài mà nhìn vào nữa mà giờ đây ông chủ động tìm sự tri âm với nàng, với những người tài hoa bạc mệnh.

=> Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời trong đó có bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỉ”.

Nội dung hai câu thơ trong Truyện Kiều

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

- Hai câu thơ là lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên, đó cũng là lời than thở của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng.

- "đau đớn thay": Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả.

- Bản thân Nguyễn Du đã có những năm tháng phiêu dạt giữa xã hội, phải chịu cảnh đói nghèo, vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ trong xã hội cũ.

=> Lời thương cảm, tấm lòng nhân đạo đầy cao cả của Nguyễn Du dành cho những người phụ nữ - thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội phong kiến đương thời.

TOP 5 đoạn văn mẫu hay so sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với hai câu thơ trong Truyện Kiều

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với Truyện Kiều mẫu 1

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

Câu thơ trên là lời cảm thán của Kiều hay cũng chính là Nguyễn Du về kiếp người bạc mệnh của Đạm Tiên - một người kỹ nữ trong Truyện Kiều. Đến hai câu luận trong Độc tiểu thanh kí:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”

Nỗi đau của Tiểu thanh vốn dĩ rất riêng nhưng Nguyễn Du đã tinh tế nhận ra nỗi đau rất bình thường, rất rộng lớn - đó là nỗi đau của cả một lớp người, một thế hệ. Bên cạnh nỗi hận là cái “án phong lưu”. Và đây lại là một nghịch cảnh chua xót; khách phong lưu mà phải khổ, phải mang cái án oan lạ lung vì nết phong nhã.

Điểm chung của hai câu thơ trích từ hai bài thơ đều là lời than thở, cảm thông, chua xót cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài hoa nhưng mệnh bạc trong xã hội cũ. Họ đều là những người tài hoa, xứng đáng có cuộc sống hạnh phúc nhưng dường như tạo hóa đang trêu đùa trên số phận của họ, luôn đẩy họ đến tận cùng của khổ đau, dù là kỹ nữ hay tài nữ, số phận của họ đều như vậy. Ông thương xót cho số phận của họ và cũng soi chiếu lên số phận của chính mình, phải chăng số phận của mình cũng như vậy, phải chịu cảnh đau đớn, bất hạnh và chết đi mà không một ai thương nhớ. Đó chính là nỗi niềm của những con người đồng bệnh tương liên, tài hoa nhưng gian truân.

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với Truyện Kiều mẫu 2

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Hai câu thơ này được Nguyễn Du viết - lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên - một người kĩ nữ. Hai câu thơ bật lên như một lời than thở của Kiều hay cũng chính là của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng. Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả, chính Nguyễn Du cũng đã có những năm tháng phiêu bạt phải chịu cảnh đói, cảnh nghèo, có lẽ vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ xưa. Đó là lời thương cảm của Nguyễn Du, là tấm lòng nhân đạo đầy cao cả của ông dành cho những người phụ nữ Việt Nam xưa - những thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội phong kiến đương thời. Hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí, nhà thơ muốn an ủi nàng Tiểu Thanh, tự nhủ với lòng mình rằng xưa nay những người tài hoa nhưng bạc mệnh cũng đã có nhiều, việc đó chỉ có trời mới hiểu. Nhưng dù trời có hiểu vẫn chẳng thể nào can thiệp được sự ganh ghét của người vợ cả, của người đời về lối sống phong lưu đài các, nhàn nhã của người có tài. Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời trong đó có bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỉ”.

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với Truyện Kiều mẫu 3

Với tấm lòng đồng cảm sâu sắc dành cho thân phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, Nguyễn Du đã viết nên Truyện Kiều và Độc Tiểu Thanh kí, mà ở đó, người đọc thấy được rất nhiều điểm chung, đặc biệt là hai câu “Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” trong Truyện Kiều và “Cổ kim hận sự thiên an vấn,/Phong vận kì oan ngã tự cư” trong Độc Tiểu Thanh kí. Trong Truyện Kiều, hai câu thơ trên là lời cảm thán của Kiều (cũng chính là Nguyễn Du) về kiếp người hồng nhan bạc mệnh của Đạm Tiên - một kỹ nữ trong tác phẩm. Còn ở Độc Tiểu Thanh kí, toàn bài là lời cảm than, thương xót của Nguyễn Du gửi đến nàng Tiểu Thanh - một cô gái tài sắc vẹn toàn nhưng cũng chịu chung số phận mệnh bạc. Điểm chung của hai câu thơ của hai bài đều là lời than thở, cảm thông, thương xót cho số phận bất hạnh như một định mệnh của những người phụ nữ tài hoa nhưng chung số phận của xã hội thời xưa. Họ đều đa tài, giỏi giang, xinh đẹp. Những người toàn vẹn như vậy xứng đáng có được cuộc sống hoàn hào, hạnh phúc. Nhưng dường như những điều bất hạnh luôn tìm đến họ, cướp mất hạnh phúc nhân gian của họ. Thánh thần hay ông Trời - những đấng tạo hóa luôn đẩy họ đến nghiệt ngã, khiến họ chỉ có thể than thân trách phận và chấp nhận số phận. Nguyễn Du tìm thấy ở họ những đau khổ chung, để cảm nhận và thương xót, và cũng để soi chiếu chính mình. Phải chăng số phận của mình cũng sẽ là như vậy? Chịu những khổ đau và ra đi, và bị quên lãng? Đó là nỗi niềm, trăn trở của Nguyễn Du về thời thế và cuộc đời, với những con người “tri âm tri kỉ”, đồng bệnh tương liên, dù chẳng bao giờ có thể gặp được nhau.

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với Truyện Kiều mẫu 4

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa khi nhắc tới đều khiến chúng ta cảm thấy chua xót, đau đớn thay cho họ. Thế nhưng, ít ai dám can đảm đứng lên để giãi bày lòng mình, để khóc than cho những mảnh đời hẩm hiu ấy. Nhưng trong thơ ca thì khác, ta bắt gặp vô số tấm lòng của những người nghệ sĩ khi bày tỏ sự đồng cảm với biết bao lớp người trong xã hội. Cũng như vậy, trong truyện thơ Nôm “Đoạn Trường tân thanh” - hay quen thuộc hơn với độc giả với tên gọi “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du có viết: “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Hai câu thơ trên đã thể hiện cho chúng ta thấy sự ai oán, đớn đau, chua xót cho số phận người phụ nữ - những con người tài hoa mà bạc mệnh. Tư tưởng ấy dường như không chỉ gói gọn trong thơ ca trong nước, mà ngay cả trong “Độc Tiểu Thanh kí” cũng có hai câu luận có cùng “tần sóng”: “Cổ kim hận sự thiên an vấn,/Phong vận kì oan ngã tự cư”. Hai câu luận như đã bày tỏ nỗi niềm tiếc nuối trước sự tàn phai của thời gian đối với cái đẹp. Một cuộc đời không trọn vẹn làm con người ta canh cánh, xót xa trong lòng. Số kiếp tài hoa bạc mệnh của Đàm Tiên, Thúy Kiều là tiếng kêu ai oán đầy đau thương dành cho người phụ nữ. Đây còn là lời tố cáo đanh thép về một chế độ xã hội vô nhân đạo. Tuy hai tác phẩm không ra đời cùng thời điểm, song ở họ đều có sự giao thoa về sự đồng điệu trong tâm hồn. Giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật của cả hai tác phẩm sẽ chẳng phai mờ đi trong tâm trí độc giả, cũng như khơi gợi trong tâm hồn con người những tâm tư, tình cảm sâu sắc về con người, về xã hội.

So sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với Truyện Kiều mẫu 5

Ai đó từng nói rằng “Tất cả chúng ta đều có sự đồng cảm và có lẽ không phải ai cũng đủ can đảm để thể hiện điều đó”. Tuy vậy, tìm hiểu về nghệ thuật văn chương, ta bắt gặp vô số tấm lòng của những người nghệ sĩ khi bày tỏ sự đồng cảm với những người trong xã hội. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hai câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” thể hiện sự ai oán, đớn đau, chua xót cho số phận người phụ nữ - những con người tài hoa mà bạc mệnh. Thông qua số mệnh của Đàm Tiên, của Thúy Kiều, tác giả Nguyễn Du đã khái quát thành số mệnh chung của người phụ nữ trong thời kì đó. Không chỉ ông mà thậm chí ngay trong tác phẩm “Độc Tiểu Thanh kí”, nền văn học Trung Hoa cũng có chung “tần số” ấy. Hai câu luận “Cổ kim hận sự thiên nan vấn,/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư” bày tỏ sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỉ” về những số phận cay đắng của những con người tài hoa trong xã hội xưa. Tài hoa nhưng bạc mệnh có lẽ đã trở thành “Cổ kim hận sự” , xưa thì có số phận của nàng Tiểu Thanh và những người cùng cảnh ngộ, nay thì là những người như ông. Nhưng rồi khi ngẩng đầu lên hỏi trời thì trời cũng chỉ biết lặng thinh không nói một lời khiến cái hận càng thêm hận, thấm thía lại càng thêm thấm thía,.. khi trời không đáp con người cũng chỉ biết bất lực, bế tắc, nó thể hiện một hiện thực bất công của xã hội phong kiến nhiều hủ tục. Lời thơ cứ âm ỉ mãi trong ta về một kiếp người hẩm hiu đến từ những bất công, định kiến xã hội. Từ đây, người nghệ sĩ khơi gợi trong trái tim người đọc những tâm tư, tình cảm, những bài học nhận thức sâu sắc về con người, về xã hội.

-/-

Các em vừa tham khảo mẫu dàn ý và một số đoạn văn so sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh kí với nội dung hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài viết của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện nâng cao kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM