Đọc tài liệu gửi đến các em bộ tài liệu sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái) với hệ thống luận điểm, sơ đồ tư duy chi tiết nhằm giúp các em hệ thống hóa lại kiến thức để dễ dàng tiếp thu cũng như vận dụng vào làm văn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả và đạt kết quả cao.
Sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí
Dưới đây là hệ thống sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn bao gồm đầy đủ các dạng đề như phân tích, cảm nhận... tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái.
Sơ đồ tư duy phân tích Hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí
Luận điểm 1: Hoàn cảnh giặc Thanh xâm lược và sự đối phó của nghĩa quân
Luận điểm 2: Thắng lợi của quân khởi nghĩa
Luận điểm 3: Nhận xét về nghệ thuật
Sơ đồ tư duy phân tích Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 1
Tác giả đã mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa diễn ra: "Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vảo mặt hắn. Thấy hắn trở tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét". Lời nhận xét đó không phải là không có căn cứ. Điều này được thể hiện rất rõ, rất chân thực, cụ thể trong cuộc điều binh khiển tướng trực tiếp của nhà vua.
Trong chiến trận, vua Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt, có tài thao lược hơn người. Có thể nói dưới bàn tay chỉ huy của nhà vua, quân đi đến đâu, giặc bị tiêu diệt tới đó. Lúc đi đến sống Gián và sông Thanh Quyết, toán quân Thanh vừa trông thấy bóng nhà vua đã "tan vỡ chạy trước"; tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc vua lặng lẽ cho vây kín làng rồi dùng mưu bắc loa truyền gọi khiến quân Thanh "ai nấy đều rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực, khí giới đều bị quân Nam lấy hết"; sáng mùng 5 tết tiến sát đồn Ngọc Hồi, đề phòng trước mũi súng của giặc, vua Quang Trung đã sai quân lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, cứ mười người một bức, lưng giắt dao ngắn, theo sau là hai mươi người cầm binh khí dàn thành chữ "nhất" tiến thẳng vào đồn.
Xem bài văn mẫu: Phân tích Hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí
Sơ đồ tư duy phân tích Hoàng Lê nhất thống chí - Mẫu 2
“Hoàng Lê nhất thống chí” thuộc hồi mười bốn với tên “Đánh Ngọc Hồi, quán Thanh bị thua trận, bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài” đã gợi lên khung cảnh lịch sử đầy sinh động về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tác phẩm vừa làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của một vị vua văn võ toàn tài, vừa nói lên tình cảnh thất bại ê chề, nhục nhã của bọn vua quan bán nước Lê Chiêu Thống cùng quân xâm lược nhà Thanh.
Sơ đồ tư duy phân tích Hoàng Lê nhất thống chí ngắn gọn nhất - Mẫu 3
Hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung với khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt, tài thao lược hơn người mãi mãi là hình ảnh đẹp trong những trang lịch sử chói ngời của dân tộc. Vẻ đẹp của Quang Trung trong khúc khải hoàn ca chiến thắng còn in dấu trong những câu thơ của Ngô Ngọc Du một nhà thơ đương thời:
“Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruổi dài xông thẳng tới
Như trên trời xuống ai dám đương…”
Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng nhân vật vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí
Luận điểm 1: Vua Quang Trung là một con người hành động mạnh mẽ quyết đoán
Luận điểm 2: Vua Quang Trung là một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén
Luận điểm 3: Vua Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng
Luận điểm 4: Quang Trung là vị tướng có tài thao lược hơn người
Luận điểm 5: Hình ảnh vị vua lẫm liệt trong chiến trận.
Sơ đồ tư duy hình tượng vua Quang Trung mẫu 1
Người anh hùng áo vải Quang Trung là người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén. Ngay khi nghe tin giặc đã chiếm một vùng đất lớn của ta, Quang Trung không hề sợ hãi, nao núng mà định cầm quân đi ngay. Với ý thức dân tộc và lòng tự tôn sâu sắc, ông không thể chần chừ chứng kiến cảnh nước nhà bị quân thù dày xéo. Nghe lời khuyên từ quần thần, ông quyết định lên ngôi vua, đây là quyết định hết sức sáng suốt, có ý nghĩa quan trọng: làm cho cương vị rõ ràng, danh chính ngôn thuận để cầm quân; không chỉ vậy còn giúp thống nhất nội bộ, tránh được sự hai lòng của binh lính.
Hành động của ông không chỉ hội tụ được người tài mà còn giúp lấy lòng dân. Ông rất sáng suốt, nhanh nhạy trong việc phân tích tình hình thời cuộc, tương quan giữa ta và địch, điều đó được thể hiện rõ trong bài dụ tướng sĩ ở Nghệ An. Trong bài dụ ông khẳng định chủ quyền của dân tộc ta với phương Bắc “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng”; nêu lên dã tâm xâm lược và hành động phi nghĩa của kẻ thù; đồng thời ông nêu lên lời kêu gọi binh sĩ đồng tâm hiệp lực đánh giặc.
Sơ đồ tư duy hình tượng vua Quang Trung mẫu 2
Qua đây, người đọc có thể hình dung được chân dung của người anh hùng áo vải Quang Trung không chỉ là nhà quân sự thiên tài “xuất quỷ, nhập thần" mà còn là một tướng quân giàu lòng yêu nước, có ý thức dân tộc hết sức sâu sắc. Ông là hình ảnh đối lập với những tên vua bán nước, hèn nhát. Quang Trung mãi mãi được mọi người kính phục, yêu mến.
Tham khảo thêm: Cảm nhận về Hoàng Lê nhất thống chí
Tìm hiểu về Ngô gia văn phái và tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí
I. Tác giả Ngô gia văn phái
- Ngô Gia Văn Phái: một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì quê làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
- Ngô gia văn phái do Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên, trong đó có hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du:
+ Ngô Thì Chí (1753 - 1788), tự là Học Tốn, hiệu là Uyên Mật, là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, là người khởi đầu viết bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Hoàng Lê nhất thống chí 17 hồi, mà 7 hồi đầu là do ông viết. Tác phẩm chính: Học Phi thi tập, Học Phi văn tập và Hào mân khoa sứ.
+ Ngô Thì Du (1772 - 1840), tự là Trưng Phủ, hiệu là Văn Bác, là con trai của Ngô Thì Đạo, làm Đốc học Hải Dương dưới triều Nguyễn. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông xin được từ chức, về ở quê nhà. Tác phẩm chính: Trưng Phủ công thi văn.
- Các thành viên khác của nhóm:
+ Ngô Thì Ức (1709 - 1736), hiệu là Tuyết Trai cư sĩ, là con trai của Ngô Trân, tác giả đầu tiên có tên trong Ngô gia văn phái. Tác phẩm chính: Nam trình liên vịnh tập và Nghi vịnh thi tập.
+ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), tự là Thế Lộc, hiệu là Ngọ Phong, là con trai trưởng của Ngô Thì Ức. Tác phẩm chính: Đại Việt sử ký tiền biên, Việt sử tiêu án, Khuê ai lục, Ngọ Phong văn tập...
+ Ngô Thì Đạo (1732 - 1802), hiệu là Ôn Nghị và Văn Túc, là con trai của Ngô Thì Ức. Tác phẩm chính: Hoành từ Hiến sát Văn Túc công di thảo.
+ Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, là con trai trưởng của Ngô Thì Sĩ, làm quan nhà Hậu Lê và là một danh sĩ nổi danh; người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược. Tác phẩm chính: Hàn các anh hoa, Doãn thi văn tập, Yên đài thu vịnh, Hoàng hoa đồ phả, Cúc đường bách vịnh...
+ Ngô Thì Trí (1766 - ?), hiệu là Dưỡng Hạo, là con trai thứ sáu của Ngô Thì Sĩ; là người khởi xướng việc sưu tập tác phẩm của các tác giả dòng họ Ngô Thì, nhờ vậy mà ngày nay văn học Việt Nam có được bộ sách Ngô gia văn phái đồ sộ.
+ Ngô Thì Điển (? - ?), tự là Kính Phủ, hiệu là Tĩnh Trai, là con trai trưởng của Ngô Thì Nhậm, là người đã ra sức biên tập và làm ra bộ sách Ngô gia văn phái theo đề xướng của chú là Ngô Thì Trí. Tác phẩm của ông chỉ có tập Dưỡng chuyết thi văn.
+ Ngô Thì Hoàng (1768 - 1814), còn có tên là Tịnh, hiệu là Huyền Trai, biệu hiệu là Thạch Ổ cư sĩ, là con trai của Ngô Thì Sĩ. Tác phẩm của ông chỉ có Thạch Ổ di chương.
+ Ngô Thì Hương (1774 - 1821) còn có tên là Vị, tự là Thành Phủ, hiệu là Ước Trai, là con trai của Ngô Thì Sĩ; lớn lên trong cảnh gia đình họ Ngô Thì đã sa sút, cha qua đời và anh cả là Ngô Thì Nhậm thì đang gặp chuyện phiền phức. Khi Gia Long lên ngôi (1802), ông làm quan triều Nguyễn, và hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc. Tác phẩm chính: Mai dịch thú dư (Cỗ xe sứ trạm), Thù phụng toàn tập (Toàn tập xướng họa)...
+ Ngô Thì Hiệu (1791 - 1830), tự là Tử Thị, hiệu là Dưỡng Hiên, biệt hiệu là Hoa Lâm tản nhân, là con trai của Ngô Thì Nhậm. Tuy ông chỉ là Giám sinh nhưng sáng tác khá nhiều thơ văn. Tác phẩm chính: Nam du thi tập, Lạng hành ký sự, Quan ngư ký, Khôn trinh ký lục, Dạ trạch phú ký...
+ Ngô Thì Giai (1818 - 1881), tự là Cường Phù, hiệu là Vân Lâm cư sĩ, biệt hiệu là Thanh Xuyên, là con trai của Ngô Thì Hiệu. Ông là danh sĩ đời vua Tự Đức, có nhiều thơ văn được chép trong bộ sách Ngô gia văn phái và cũng là người cuối cùng được biên chép trong bộ sách này.
+ Ngô Thì Thập (? - ?) tham gia viết Hoàng Lê nhất thống chí.
+ Ngô Thì Lữ là con của Ngô Thì Chí.
+ Ngô Giáp Đậu (1853 - 1929), là con trai của Ngô Thì Giai. Năm 1891, ông thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão tại trường thi Hà Nam (tức trường Hà Nội và Nam Định hợp thi), được bổ làm hành tẩu, sau chuyển sang ngạch học quan từ chức giáo thụ lên đến chức đốc học. Ông là người suốt đời tận tụy với nghề dạy học và biên soạn sách (đa phần là sách sử). Tác phẩm của ông gồm có: Hoàng Việt hưng long chí, Trung học Việt sử toát yếu,...
II. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí
A. Tìm hiểu chung
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở sự thống nhất của vương triều nhà Lê mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19. Cuốn tiểu thuyết bao gồm 17 hồi.
- Đoạn trích trong SGK là hồi thứ 14 của cuốn tiểu thuyết này, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
2. Bố cục
- Đoạn 1: (Từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp): Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế thân chinh cầm quân dẹp giặc.
- Đoạn 2: (“Vua Quang Trung tự mình dốc suất đại binh… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
- Đoạn 3: (Từ “Lại nói Tôn Sĩ Nghị và vua Lê… cũng lấy làm xấu hổ”): Sự đại bại của tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Xem thêm: Kể lại chuyện Hoàng Lê nhất thống chí
3. Giá trị nội dung
Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
4. Giá trị nghệ thuật
Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh.
B. Tìm hiểu chi tiết
1. Hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung
a. Một người hành động mạnh mẽ, quyết đoán
- Nghe tin giặc chiếm Thăng Long mà không hề nao núng, đích thân cầm quân đi ngay.
- Trong vòng hơn tháng, làm được rất nhiều việc lớn: “tế cáo trời đất”, lên ngôi và thân chinh cầm quân ra Bắc.
b. Một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén
- Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén trong việc nhận định tình hình địch và ta:
+ Quang Trung đã vạch rõ âm mưu và tội ác của kẻ thù xâm lược đối với nước ta: “mấy phen cướp bóc nước ta, giết dân ta, vơ vét của cải”...
+ Khích lệ tinh thần tướng sĩ dưới trướng bằng những tấm gương dũng cảm.
+ Dự kiến được một số người Phù Lê có thể thay lòng đổi dạ nên có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc.
- Trí tuệ sáng suốt và nhạy bén trong xét đoán bề tôi:
+ Trong dịp hội quân ở Tam Điệp ta thấy Quang Trung nhận định tình hình sáng suốt để đưa ra lời ngợi khen cho Sở và Lân.
+ Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao sự “đa mưu túc trí”.
=> Cách dùng người sáng suốt.
c. Một con người có tầm nhìn xa trông rộng và tài thao lược hơn người
- Tầm nhìn xa trông rộng:
+ Mới khởi binh những đã khẳng định “phương lược tiến đánh đã tính sẵn”.
+ Đang ngồi trên lưng ngựa mà đã nói với Nhậm về quyết sánh ngoại giao và kế hoạch 10 năm tới ta hòa bình.
- Tài thao lược hơn người thể hiện ở cuộc hành quân thần tốc mà đội quân vẫn chỉnh tề.
2. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh
- Hình ảnh Tôn Sĩ Nghị kiêu căng, tự mãn, chủ quan, kéo quân vào Thăng Long mà không đề phòng gì => Tướng bất tài.
- Khi quân Tây Sơn đánh vào, “tướng sợ mất mật”, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp... chuồn trước qua cầu phao”
- Quân sĩ xâm lược lúc lâm trận thì sợ hãi, xin ra hàng hoặc bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết...
=> Kể xen lẫn tả thực cụ thể, sống động, ngòi bút miêu tả khách quan.
3. Số phận thảm bại của bọn vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân
- Khi có biến, Lê Chiêu Thống vội vã “chạy bán sống bán chết”, cướp cả thuyền dân để qua sông, luôn mấy ngày không ăn, may có người thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn.
- Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt.
- Sang Trung Quốc, vua phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và cuối cùng gửi gắm xương tàn nơi đất khách.
=> Số phận tất yếu cho một người đứng đầu đất nước nhưng lại bán nước hại dân.
Tham khảo thêm:
Trên đây là sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái do Đọc tài liệu biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học và ôn tập môn Văn tốt hơn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 9 được cập nhật đầy đủ tại doctailieu.com. Chúc các em học tốt!