Trang chủ

Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Xuất bản: 08/04/2024 - Cập nhật: 10/05/2024 - Tác giả: - Tham vấn bởi:

Bài viết này hướng dẫn bạn cách phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa để đạt điểm cao trong các bài thi của mình

Thông qua những hướng dẫn chi tiết, dàn ý mẫu và các bài văn mẫu được chia sẻ, bạn sẽ có được những công cụ hữu ích để phân tích tác phẩm một cách sâu sắc và toàn diện.

Hướng dẫn phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

Các luận điểm phân tích

Luận điểm 1: Hai phát hiện của Phùng

1. “Cảnh đắt trời cho”: Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương

– Buổi sáng trong sương mai

– Khung cảnh rộng lớn của biển với chiếc thuyền ngoài xa

Cảm nhận của Phùng:

+ Bối rối, trong trái tim như có cái gì đó bóp thắt vào. Phát hiện ra bản thân của cái đẹp chính là đạo đức.

+ Tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.

Hạnh phúc được tìm thấy trong niềm vui khám phá và sáng tạo, trong sự cảm nhận vẻ đẹp tuyệt diệu. Khi nhận ra chân lý của sự hoàn hảo, đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa và lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ được thanh lọc, trở nên trong trẻo và tinh khôi.

2. Ảnh bạo lực trong gia đình hàng chài

– Người đàn bà xấu xí, mệt mỏi bước ra

– Người đàn ông hung dữ, độc ác đang đánh vợ

Cảm nhận của Phùng:

Vẻ đẹp toàn bích và hoàn thiện đôi khi chỉ là lớp vỏ bọc che giấu những góc khuất đầy ngang trái và đau khổ. Người nghệ sĩ chân chính không chỉ đơn thuần quan sát cuộc sống từ xa như ngắm nhìn một chiếc thuyền ngoài biển. Họ cần dấn thân, thấu hiểu và khám phá sâu sắc những khía cạnh phức tạp của đời sống con người.


Luận điểm 2: Nhân vật người đàn bà hàng chài

Nỗi đau thống khổ

– Hoàn cảnh và xuất thân

  • Không có bất cứ tên riêng nào
  • Ngoại hình xấu xí, thô kệch
  • Làm nghề chài lưới vất vả quanh năm
  • Sinh nhiều con, cuộc sống túng quẫn
  • Bị chống đánh đập hung bạo

Người đàn bà hàng chài đại diện cho thân phận những người phụ nữ lao động nghèo, đông con.

– Tính cách và phẩm chất

  • Nhẫn nhục chịu đựng: Bị chồng đánh nhưng không không khóc than van xin. Thà bị phạt tù chứ không bỏ chồng
  • Giàu tình yêu thương: Mong con được ăn no, ngủ ngon và có một gia đình đầy đủ. Không muốn con chứng kiến cảnh bạo hành. Thấy có tội khi vì thương mình mà đứa con hận bố nó.
  • Vị tha và bao dung: Cam chịu bao nhiêu cay đắng vì con. Không hề giận, oán trách chồng mà còn biết ơn chồng đã cùng chèo chống nuôi con. Nhận mọi lỗi lầm về mình.
  • Thấu hiểu lẽ đời : Ý thức được thiên chức của người phụ nữ và quy luật ngàn đời của tạo hóa.


Luận điểm 3: Nhân vật Phùng và tấm ảnh được chọn

Nhân vật Phùng

– Một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, say mê với cái đẹp

  • Sẵn sàng bỏ cả vài tuần để đi săn lùng một bức ảnh đẹp, loay hoay suốt mấy ngày vẫn chưa tìm được bức ảnh ưng ý
  • Trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra “cảnh đắt trời cho” để chớp lấy.

– Một tấm lòng luôn trăn trở và thân phận con người

  • Chứng kiến cảnh bạo hình: Kinh ngạc tột độ, vứt máy ảnh xuốn nhào tới can ngăn rồi bị thương phải vào viện
  • Chứng kiến người đàn bà ở tòa án: Bức xúc khi người đàn bà không bỏ chồng. Vén màn bước ra ngoài như muốn đòi lại công lý cho chị ta. Trăn trở, ám ảnh day dứt cho số phận những gia đình hàng chài như chị

– Là nhân vật tự ý thức

  • Ban đầu: Thái độ dễ bằng lòng và nhìn đời bằng con mắt đơn giản một chiều. Không sẵn sáng đối mặt với nghịch lí cuộc đời.
  • Sau khi nghe chuyện của người đàn bà: Cảm thông cho số phận của người đàn bà. Biết chấp nhận những điều nghịch lí ở đời.

Tấm ảnh được chọn

Đó là bức ảnh hoàn mĩ, là kết tinh của vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên, tài năng và sự may mắn của người nghệ sĩ.

Trong cảm nhận của Phùng, bức tranh không còn chất thơ mộng, lãng mạn nghệ thuật nữa mà thấm đượm hơi thở của cuộc đời.

Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật chân chính nếu như phản chiếu được hiện thực cuộc sống của con người.

Sơ đồ phân tích bài Chiếc thuyền ngoài xa


Dàn ý bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa

Phần mở bài

Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại với nhiều cống hiến, luôn trăn trở về cuộc đời con người cũng như về sứ mệnh người nghệ sĩ.

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa chứa đựng những giá trị nhân văn, những triết lý sâu sắc về đời người bằng ánh nhìn đa diện, nhiều chiều của tác giả, về mối liên quan chỉ cách nhau một ranh giới thật mỏng manh là hiện thực cuộc đời và nghệ thuật.

Tham khảo: Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa hay và sáng tạo

Phần thân bài

Khái quát về truyện

Chiếc thuyền ngoài xa (1983) rút ra từ tập truyện ngắn cùng tên in năm 1987.

Là một trong những truyện ngắn mang đậm phong cách tự sự – triết lí của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Truyện với ngôn từ rất dung dị và đời thường, kể về chuyến đi công tác của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc của người nghệ sĩ ấy về nghệ thuật và cuộc đời.

Phân tích hai phát hiện của Phùng

Phát hiện cảnh đắt trời cho

– Cảnh chiếc thuyền lưới vó cập bến dưới ánh nắng hồng hồng mờ ảo

– Vẻ đẹp toàn bích toàn diện khiến Phùng bối rối, ngỡ ngàng và hạnh phúc.

– Vẻ đẹp của nghệ thuật là vẻ đẹp của đạo đức.

Phát hiện thứ hai : Nghịch lý cuộc sống, vẻ xấu xí sau cái hoàn mỹ, toàn bích

– Người đàn bà xấu xí bước ra

– Cảnh người chồng bạo lực người vợ, cảnh con đánh bố, cảnh bố đánh con.

– Phùng vỡ lẽ hóa ra ranh giới giữa cái vẻ đẹp toàn mỹ, toàn bích và sự thật nghiệt ngã xấu xa của cuộc sống chỉ cách nhau một bức màn mỏng manh, chúng chẳng thể chịu được sự tàn phá của hiện thực cuộc đời đầy xấu xí.

Nhân vật người đàn bà làng chài

– Hiện thân chung cho sự khốn khổ của những người phụ nữ miền biển, chị mang trên mình ba nỗi đau lớn:

  • Ngoại hình xấu xí: Cao to, thô kệch, mặt rỗ,… vì thế nên cơ hội hạnh phúc ít hơn những người khác mặc dù gia đình khá giả, có nhà ở trên phố.
  • Lai lịch: là người đàn bà không tên, nghèo túng, đông con, thuyền chật.
  • Số phận: bị bạo hành gia đình, phải nhẫn nhục chịu đựng, tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần dai dẳng.

– Vẻ đẹp của người phụ nữ đằng sau lớp vỏ xấu xí, khốn khổ:

Lòng bao dung, thông cảm, biết ơn với người chồng vũ phu, luôn nhận hết lỗi về mình. Chị đã từ chối lời đề nghị giải thoát ra khỏi lão chồng vũ phu với lí lẽ:

“Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như trên đất được”.

Tình mẫu tử thiêng liêng, đức hi sinh cao cả, chỉ sống vì con cái, luôn nghĩ về những lúc gia đình hòa thuận ấm êm, luôn chắt chiu, trận trọng những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, đời thường. Hành động thương con: gọi con, ôm chầm lấy con, đau đớn khi con đã chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.

Sự thâm trầm, thấu tình đạt lý, chỉ ra sự ngây thơ và đơn giản trong cách nhìn cuộc sống của Phùng và Đẩu, khiến họ thông suốt về hiện thực cuộc sống.

Cách nhìn của người đàn bà về người chồng của mình, trong khi mọi người nhìn người đàn ông như một ác nhân thì người phụ nữ nhìn anh ta như một nạn nhân của cái đói cái nghèo, gánh nặng mưu sinh.

=> Sự cam chịu, nhẫn nhục đầy vô lí ấy lại chứa đựng cái lý của sự hi sinh.

Nhân vật Phùng và tấm ảnh được chọn.

– Đặc điểm tính cách

  • Phùng là một nghệ sĩ chân chính xuất thân từ một người lính bước ra từ chiến tranh, nhạy cảm và có tình yêu cái đẹp mãnh liệt
  • Tâm hồn tinh tế với những rung cảm rất mãnh liệt, luôn khao khát tìm kiếm cái đẹp hoàn mỹ, say mê công việc và có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp.
  • Có cách cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người.
  • Là một người lính với tấm lòng nhân hậu, cao đẹp.

– Nghệ sĩ Phùng vẫn mang tấm ảnh đó về tòa soạn, quả nhiên tấm ảnh đã được chọn, được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật:

– Phùng vẫn luôn nhận thấy trong bức ảnh của mình

+ “cái màu hồng hồng của sương mai” (biểu tượng cho nghệ thuật) và người đàn bà nghèo khổ bước ra từ bức tranh (hiện thân cho đời thực).

Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li khỏi cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.

– Nhận ra rằng không thể giải phóng con người khỏi đói nghèo, khỏi bạo lực gia đình chỉ bằng lòng tốt và pháp luật.

– Hiểu rằng không thể chỉ dùng cái nhìn phiến diện một chiều để đánh giá toàn thể sự việc, mà phải dùng đôi mắt trực quan nhiều chiều để suy xét và tìm hiểu.

Các nhân vật khác

Chánh án Đẩu:

– Là người đại diện cho công lý, luật pháp; có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lý.

– Nhìn cuộc đời của người đàn bà vùng biển ở một phía, chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhân dân.

Nhân vật người chồng

– Vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm”

– Một gã đàn ông vũ phu, tàn nhẫn, ích kỉ.

– Một nạn nhân của hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

Thằng bé Phác

– Một cậu bé giàu tình cảm yêu thương đối với mẹ

– Nhưng cũng giống như Đẩu, Phùng, nó mới chỉ nhìn thấy ở cha nó ở khía cạnh độc ác, tàn nhẫn mà chưa hiểu được “lẽ đời” bên trong.

– Phác là nạn nhân của bạo hành gia đình, là hình ảnh tiêu biểu của những đứa trẻ trong những gia đình có nạn bạo hành. Mai đây, Phác cũng có thể trở thành người đàn ông thứ hai và tương lai của nó cũng sẽ giống như cha nó. Đó chính là vấn đề cần giải quyết cho tương lai của đứa trẻ đang có nguy cơ bị hủy hoại.

“Hãy cứu lấy nhân tính của những con người, đặc biệt là những đứa trẻ đáng thương và tội nghiệp!”

Giá trị nội dung và nghệ thuật Chiếc thuyền ngoài xa

Giá trị nội dung

– Nguyễn Minh Châu sâu sắc nhận ra rằng “Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan”, làm chi đâu có cảnh toàn bích, toàn mỹ, chẳng qua ấy chỉ là bề nổi, ẩn sâu sau đó là những hiện thực phũ phàng.

– Người nghệ sĩ phải dùng một đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, chớ nên chạy theo những vẻ đẹp dẫu hào nhoáng mà trống rỗng, vô hồn.

Giá trị nghệ thuật

  • Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo.
  • Nghệ thuật trần thuật: Kết hợp tự sự, miêu tả, biểu cảm.
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Tính cách, tâm lý phức tạp.
  • Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh, giàu sức gợi.

Phần kết bài

– Khái quát lại giá trị của tác phẩm

– Cảm nhận của em về tác phẩm

Tham khảo thêm: Những mẫu dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa


Văn mẫu phân tích chiếc thuyền ngoài xa

Là cây bút tiên phong trong thời kì đổi mới với nhiều tác phẩm truyện ngắn xuất sắc, các tác phẩm văn học của Nguyễn Minh Châu luôn chứa đựng những triết lý, những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Trong số đó phải kể đến các tác phẩm như Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa,…

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất mang đậm phong cách tự sự – triết lý của Nguyễn Minh Châu.

Tác phẩm được viết vào năm 1983 với nội dung kể về nhân vật Phùng – một người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh được giao nhiệm vụ chụp một bộ ảnh về cảnh biển để in lên bộ lịch mới nên đã thực hiện chuyến đi thực tế ở một vùng biển – nơi từng là chiến trường cũ của mình để kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật.

Tại đây, anh đã có được hai phát hiện lớn lao, một là một bức ảnh tuyệt đẹp mà anh cho là cảnh “đắt giá trời cho” khiến anh phải say mê, ngây ngất, hai là phát hiện về một sự thật trần trụi đến đau lòng ngay đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ anh vừa tìm ra.

Sau vài ngày phục kích săn ảnh mà vẫn chưa ưng ý, cuối cùng Phùng cũng bắt gặp được một khung cảnh “trời cho”, đó là bức ảnh với những nét đẹp hoàn mỹ nhất:

“Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”.

Khung cảnh ấy thật quá đẹp và với Phùng, đó là một “bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”, nó vừa đẹp đẽ lại vừa quý giá vô cùng. Bức tranh ấy “đơn giản và toàn bích”, một vẻ đẹp, một khung cảnh hoàn hảo đến diệu kì.

Phùng nghĩ rằng “có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy”. Trước khung cảnh hoàn mỹ ấy, anh cảm thấy sự bồi hồi và có chút bối rối bởi cái đẹp ấy dường như chỉ có trong những bức họa xa xưa, nó khiến anh cảm thấy “trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Và chính khoảnh khắc ấy, Phùng cảm thấy dường như “chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, và anh còn cho rằng phải chăng “cái đẹp chính là đạo đức”. Bởi cái đẹp nó không chỉ mang đến cho con người ta những rung động mà còn thanh lọc tâm hồn và mang đến “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình”.

Phải nói rằng, Phùng là một người nghệ sĩ tâm huyết có đam mê, trách nhiệm với nghề, bởi để có được một bức ảnh ưng ý nhất, anh đã sẵn sàng “phục kích” hàng tuần liền trên biển, dù đã chụp được rất nhiều ảnh về cảnh biển nhưng anh đều không ưng ý mà tiếp tục tác nghiệp. Hơn thế, anh cũng là một người nghệ sĩ nhạy cảm với cái đẹp để có thể khám phá, phát hiện ra một bức tranh hoàn mỹ để mà thu lấy, mà cái đẹp ấy chỉ diễn ra trong tích tắc.

Thế nhưng, lại ít ai để ý rằng, nơi mà Phùng gác chiếc máy ảnh của mình để thu trọn cái cảnh đẹp toàn mỹ kia chẳng phải là một nơi có thể bao quát được toàn cảnh mà lại chỉ là bên một “bánh xích của chiếc xe tăng” – tàn tích của chiến tranh xưa để lại. Có lẽ chính vì thế mà lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đẹp ấy, Phùng mới chỉ nhìn thấy vẻ ngoài của khung cảnh mà không phải là toàn bộ bức ảnh. Và những phát hiện, những sự thật phía sau bức ảnh “toàn bích” kia đã khiến anh bất ngờ và hụt hẫng vô cùng. Đó là khi Phùng phải chứng kiến một cảnh đời vô cùng tàn nhẫn, ngang trái và bi kịch. Từ trong những con thuyền ấy bước ra một người đàn ông cao to thô lỗ và một người đàn bà tội nghiệp. Lão đàn ông ấy “hùng hổ, mặt đỏ gay”, rút chiếc thắt lưng của mình ra và “quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, lão vừa đánh lại vừa nói ra những lời nguyền rủa độc ác “chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Và thật kì lạ làm sao, người đàn bà ấy vẫn ngồi đó chẳng chút phản kháng, cũng chẳng kêu thân một tiếng nào mà vẫn “cam chịu đầy nhẫn nhục” hứng chịu từng trận đòn roi.

Chứng kiến cảnh đó, Phùng đã vô cùng kinh ngạc, anh chỉ biết “đứng há mồm ra mà nhìn”. Bởi anh không thể hiểu được cái điều nghịch lý đang diễn ra trước mắt mình. Anh từng là một người lính ở chiến trường đầy khói lửa, những sự dã man, tàn bạo nhất anh đều đã từng chứng kiến, thế nhưng cảnh tượng vô lí trước mắt vẫn khiến anh khó lòng mà chấp nhận.

Càng kinh ngạc hơn khi hình ảnh của một đứa bé lao vút qua người anh, rồi giằng lấy chiếc thắt lưng và quật vào ngực người đàn ông kia. Đứa bé đó là Phác, là đứa con trai của hai vợ chồng người đàn bà đáng thương đó. Và đáp lại hành động đó là hai cái tát nảy lửa giáng xuống mặt thằng bé khiến nó ngã nhào. Khi thấy cảnh này, người đàn bà hàng chài mới bật khóc, ôm lấy đứa con nhỏ tội nghiệp và rồi lại buông ra vội vã “đuổi theo lão đàn ông” và trở lại con thuyền.

Tất cả những sự việc diễn ra trước mắt khiến Phùng ngơ ngác và khó hiểu, sự việc quái đản diễn ra quá bất ngờ khiến anh chẳng thể nào hiểu nổi. Chiếc thuyền kia đã biến mất “như trong câu chuyện cổ quái đản”, nhưng lại để lại trong Phùng những cảm xúc khó diễn tra, để lại cho anh nhiều điều băn khoăn, nhiều điều bối rối.

Cái hình ảnh trần trụi đến đau lòng mà anh vừa chứng kiến đã thay đổi cảm quan bên trong con người anh. Anh phát hiện ra rằng dường như ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, cái hoàn mỹ về đạo đức và cái dã man tàn độc chỉ cách nhau một tấm màn mỏng. Một bức tranh tuyệt mỹ như vậy nhưng ẩn chứa trong nó là bao nhiêu cái dã man, tàn nhẫn và xấu xa vô cùng. Nó cũng là những điều cần chiêm nghiệm mà nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm, ông cho rằng nghệ thuật tuy hướng về cái đẹp thế nhưng nó cũng phải gắn liền với hiện thực dù nó có trần trụi đến mức nào. Không thể lấy cái đẹp mà che giấu đi những điều xấu xa, tàn ác bên trong được. Và một người nghệ sĩ chân chính phải là người có cái nhìn đa chiều, đa diện nhìn thấu cả cái đẹp bên ngoài và cả nội dung phía trong nữa.

Sau khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình vô cùng dã man và vô lí ấy, Phùng đã ở lại bãi biển vài ngày để giúp đỡ người đàn bà ấy. Anh cùng Đẩu muốn khuyên giải người đàn bà ly hôn để thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”. Thế nhưng người đàn bà ấy đến tòa án huyện với một vẻ sợ sệt, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt, dù rằng đây là lần thứ hai bà ta đến đây để giải quyết công chuyện gia đình.

Phải sống trong địa ngục trần gian đầy đau đớn với những trận đòn roi liên tục “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” từ người chồng, thế nhưng chị ta lại nhẫn nhịn cam chịu những tổn thương về cả thể xác và tinh thần chứ một mực không chịu bỏ chồng, thậm chí chị ta còn quỳ lạy van xin Đẩu và Phùng không bắt mình bỏ chồng “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”.

Ban đầu, Phùng và Đẩu vô cùng bất bình và cũng thấy ngạc nhiên trước thái độ và hành động không sao hiểu nổi của người đàn bà, thế nhưng khi lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của chị và về người đàn ông kia, hai người bỗng hiểu ra tất cả.

Khi kể về câu chuyện cuộc đời mình, người đàn bà ấy đã đổi cách xưng hô từ con với quý tòa sang chị với các chú, điều này thể hiện rằng chị ta muốn tâm sự với họ như những người em thân thiết, cũng muốn trải lòng với sự chân thành của mình. Chị ta chấp nhận sống cùng người chồng vũ phu, độc ác và cam chịu những trận đòn roi vô lí ấy là bởi chị ta biết ơn và cũng hiểu được tâm tính cũng như nỗi khổ của người chồng. Người đàn ông vũ phu ấy trước kia cũng đã từng là “một anh con trai cục tính nhưng hiền lành”, ông ta cũng là người duy nhất đã chấp nhận cưu mang người phụ nữ xấu xí, quá lứa lỡ thì là chị ta. Bởi vậy với người chồng bạo tàn, hung dữ hiện tại, người đàn bà không chỉ có sự thấu hiểu, tình nghĩa mà còn ở đó còn là sự biết ơn sâu sắc.

Những lời kể chân thật của người đàn bà đã khiến cho cả hai người họ sững sờ. Lúc này họ mới chợt hiểu ra tấm lòng của một người phụ nữ, nó bao dung khoan nhường và hi sinh đến dường nào! Người đàn bà ấy thấu hiểu bản chất thật và sự thay đổi của người chồng, nó cũng chỉ vì cái đói cái khổ mà ra, chị lại còn đẻ nhiều con nên người chồng mới trở nên cục cằn, bạo lực như thế. Chị cũng hiểu về cuộc sống vất vả, cực khổ trên biển, một con thuyền lênh đênh trên biển không thể thiếu đi bàn tay chèo lái của người đàn ông, nhất là khi biển động, bão bùng, sóng gió. Và sự cam chịu của chị ta càng trở nên có ý nghĩa hơn khi sự cam chịu hy sinh ấy sẽ giúp cho những đứa con của mình có một gia đình hoàn chỉnh, có đủ bố mẹ.

Câu chuyện của người đàn bà cùng khổ ấy đã giúp Phùng và Đẩu hiểu rõ rằng cái nguồn gốc, căn nguyên của bạo lực gia đình đó chính là cái nghèo, cái đói. Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất xù xì, thô nhám của hiện thực, đó có thể là những nghịch lí, những sự thật trái ngang vẫn tồn tại trong cuộc sống mà nếu chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài, quan sát bằng đôi mắt hời hợt, khách quan, phiến diện thì không thể nhận ra. Hiện thực ấy cũng giúp Phùng chiêm nghiệm ra một chân lý rằng: nghệ thuật không thể chỉ có lãng mạn, đẹp đẽ và thi vị hóa, mà nó đôi khi còn lại sự thật đầy ngang trái, nghịch lý.

Sau khi trở về tòa soạn và bức ảnh kia đã được chọn thì trong lòng Phùng lại luôn canh cánh, ẩn chứa những điều mà ít ai có thể thấu hiểu. Bức ảnh ấy đã diễn tả một cảnh đẹp tinh khôi, hoàn mỹ và trở thành bức ảnh nghệ thuật sáng giá “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Thế nhưng, chỉ riêng Phùng mới có thể nhìn thấy từ đằng sau bức tranh đẹp đẽ ấy bước ra “một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch”. Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã cố ý lồng ghép vào đó những hình ảnh mang tính biểu tượng. Một là “màu hồng hồng của ánh sương mai”, đó chính là biểu tượng cho cái đẹp, cho cái thơ mộng, cho vẻ đẹp toàn bích, hoàn mỹ mà con người ta luôn tìm kiếm. Hai là hình ảnh người đàn bà hàng chài với dáng vẻ mệt mỏi, tiều tụy, đau khổ đó là hiện thực, đó là cái nhìn có chiều sâu, khám phá vào tận sâu bên trong bản chất của sự vật, hiện tượng, để thấy được những điều ẩn chứa phía sâu bên trong cái đẹp và có đôi khi, cái nằm ở phía sâu bên trong ấy lại trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp bên ngoài.

Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một giá trị nhân văn sâu sắc thông qua nội dung truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” đó là nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, không được tách rời với hiện thực. Và người nghệ sĩ chân chính phải là người có cái nhìn đa chiều, đa diện để phát hiện ra cái bản chất thật bên trong về đẹp bề ngoài rực rỡ, hào nhoáng.

Ngoài bài văn trên, các em có thể xem thêm tuyển chọn 15 bài văn mẫu phân tích Chiếc thuyền ngoài xa tại đây

Phân tích các nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa

Phân tích nhân vật Phùng

Tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và say mê với cái đẹp

Say mê nghệ thuật

  • Sẵn sàng bỏ cả vài tuần để đi săn lùng một bức ảnh đẹp
  • Loay hoay suốt mấy ngày vẫn chưa tìm được bức ảnh ưng ý

Nhạy cảm với cái đẹp

  • Trong một thoáng nhìn anh đã phát hiện ra “cảnh đắt trời cho” để chớp lấy
  • Bối rối trước cái đẹp: “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”
  • Nhận ra rằng “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”

Nhận xét

Phùng không chỉ sở hữu sự nhạy bén đối với cái đẹp mà còn có những suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thiện. Anh tin rằng cái đẹp đích thực phải có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp và nâng cao phẩm chất tinh thần.

Tấm lòng luôn trăn trở về thân phận con người

Chứng kiến cảnh bạo hành

  • Lúc đầu Phùng kinh ngạc tột độ: “chỉ biết há mồm ra mà nhìn”, nhưng sau đó đã vứt máy ảnh xuống chạy nhào tới.
  • Khi chứng kiến thêm một lần nữa, Phùng đã can ngăn, rồi bị thương phải vào viện điều trị.

Sau câu nói của người đàn bà ở tòa án

  • Bức xúc khi người đàn bà xin không bỏ chồng
  • Vén màn bước ra ngoài như muốn đòi lại công lý cho chị ta
  • Trăn trờ, ám ảnh day dứt cho số phận những gia đình hàng chài như chị

Nhận xét

Dù cuộc đời đầy rẫy những nghịch lý mà anh chưa từng trải qua, nhưng phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ vẫn luôn hiện hữu trong anh. Anh căm ghét sự bất công và luôn sẵn sàng hành động để bảo vệ lẽ phải, thể hiện tinh thần dũng cảm và chính nghĩa.

Phùng là nhân vật tự ý thức

Ban đầu

  • Thái độ dễ bằng lòng
  • Nhìn đời bằng con mắt đơn giản một chiều
  • Không sẵn sàng đối mặt với nghịch lý cuộc đời

Sau khi nghe câu chuyện của người đàn bà

  • Cảm thông cho số phận của người đàn bà
  • Biết chấp nhận những điều nghịch lý ở đời

Nhận xét

Thông qua những cảm nhận tinh tế của nhân vật Phùng, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống và nghệ thuật. Cần phải có cái nhìn đa chiều, đa diện để có thể khám phá bản chất thực sự ẩn sau vẻ đẹp bên ngoài của mỗi hiện tượng.

Vai trò nhân vật Phùng trong tác phẩm

Đại diện cho tiếng nói của tác giả, đặt ra những câu hỏi về nghệ thuật và cuộc sống, về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thật.

Tham khảo thêm:


Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài

Bi kịch cuộc đời

Hoàn cảnh xuất thân

  • Không có tên gọi
  • Trạc ngoài 40 tuổi
  • Nghèo túng và đông con
  • Sống trên con thuyền chật hẹp

Ngoại hình

  • Cao lớn, thông kệch
  • Mặt rỗ, tái mét
  • Dáng đi chậm chạp
  • Lưng áo bạc phếch

Sự nghèo khổ, nhọc nhằn, sự vất vả, lam lũ thể hiện rõ thông qua ngoại hình, trang phục.

Sự bất hạnh, đau khổ

  • Bị chồng hành hạ đánh đập
  • Con trai phải chứng kiến cảnh bạo hành gia đình

Người đàn bà là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường, nỗi đau chồng lên nỗi đau.

Vẻ đẹp tiềm tàng

Bao dung, độ lượng và vị tha

  • Một mực bênh chồng
  • Đổ lỗi cho hoàn cảnh
  • Nhận mọi lỗi về mình
  • Nâng niu, trân trọng hạnh phúc

Giàu đức hi sinh và thương con

  • Chịu đời khổ vì hạnh phúc con cái
  • Chịu đựng hành hạ để ở cùng các con
  • Muốn con có đủ cha mẹ để không thiệt thòi

Sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời

  • Nhận ra sự ngây thơ của Phùng và Đẩu
  • Chị cần phải có chồng
  • Trên thuyền phải có người đàn ông mạnh khỏe
  • Các con Chị cần có bố để nuôi dậy

Người đàn bà không chỉ là hiện thân cho nỗi thống khổ mà còn là hiện thân cho vẻ đẹp tâm hồn cao cả của người phụ nữ.

Vai trò của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm

Làm nổi bật sự đối lập giữa vẻ đẹp lý tưởng của chiếc thuyền ngoài xa và thực tế khắc nghiệt của người dân miền biển.

Tham khảo thêm:

Các tài liệu tham khảo và mở rộng

Tác giả Nguyễn Minh Châu


Tiểu sử:

– Sinh năm 1930 và mất năm 1989

– Quê quán: Quỳnh Lưu, Nghệ An

– Quá trình hoạt động:

  • Năm 1945: Tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế
  • Năm 1950 : học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh
  • Nhập quân đội học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn
  • Năm 1962: Công tác tại phòng Văn nghệ quân đội
  • Năm 1972: Kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam

Sự nghiệp văn chương:

– Trước năm 1975

  • Viết về đề tài chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, mang thiên hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
  • Các tác phẩm nổi bật: Cửa sông (tiểu thuyết, 1967), Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972)

– Sau năm 1975

  • Cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức, mang tính triết lí sâu sắc; ngôn ngữ đời thường, bình dị, gần gũi.
  • Các tác phẩm tiêu biểu: Miền cháy (tiểu thuyết, 1977), Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977) Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983), Bến quê (truyện ngắn, 1985), Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987), Cỏ lau (truyện vừa, 1989)…

Thành tựu và giải thưởng:

  • Năm 2000: Được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của Đổi mới. Ông là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học Việt Nam 1954 – 1975.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa


Hoàn cảnh sáng tác

Đầu những năm 80 của thế kỉ XX, nước ta lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề. Thực tế đòi hỏi phải có những cơ chế mới thích hợp để thay thế cơ chế quan liêu bao cấp đã lỗi thời, kể cả phải thay đổi lối bao cấp về tư tưởng.

Truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” được viết vào tháng 8 năm 1983, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã kết thúc. Tác phẩm là một trong số những sáng tác tiêu biểu của văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đến cuối thế kỉ XX.

Nội dung chính

Truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của Nguyễn Minh Châu về nghệ thuật và cuộc đời.

Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo

Tác phẩm mở đầu bằng vẻ đẹp lãng mạn của chiếc thuyền ngoài xa, sau đó bất ngờ đẩy nhân vật vào tình huống chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, tạo nên sự đối lập gây ấn tượng mạnh.

– Nghệ thuật trần thuật đa dạng

Tác giả sử dụng linh hoạt các điểm nhìn trần thuật, từ điểm nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, đến điểm nhìn của người đàn bà hàng chài, và cả điểm nhìn của chánh án Đẩu. Điều này giúp phản ánh hiện thực cuộc sống một cách đa chiều, khách quan và chân thực.

– Khắc họa nhân vật thành công

Các nhân vật trong truyện đều được xây dựng với tính cách, tâm lý và số phận riêng, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

  • Người đàn bà hàng chài: Mạnh mẽ, cam chịu, hy sinh nhưng cũng đầy mâu thuẫn, giằng xé nội tâm.
  • Người đàn ông hàng chài: Thô lỗ, vũ phu nhưng cũng đáng thương với số phận bất hạnh.
  • Phùng: Nhân vật trí thức, nghệ sĩ nhạy cảm, trăn trở với những vấn đề của cuộc sống và nghệ thuật.
  • Chánh án Đẩu: Đại diện cho pháp luật, lý trí, nhưng cũng thấu hiểu và cảm thông với những bi kịch của con người.

– Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu chất thơ

Nguyễn Minh Châu sử dụng ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và biểu cảm, kết hợp với các biện pháp tu từ, tạo nên những đoạn văn giàu chất thơ, lay động lòng người.

Giá trị tư tưởng

– Vẻ đẹp và sự thật

Tác phẩm đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa cái đẹp và sự thật, giữa nghệ thuật và cuộc sống. Cái đẹp không chỉ là những gì hoàn mỹ, lý tưởng mà còn chứa đựng cả những mảng tối, những góc khuất của cuộc đời.

– Sự phức tạp của con người và cuộc sống

Cho thấy cuộc sống không đơn giản, con người không chỉ có trắng và đen, mà luôn tồn tại những mâu thuẫn, những bi kịch ẩn chứa bên trong.

– Lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu

Tác phẩm đề cao lòng trắc ẩn, sự cảm thông và thấu hiểu với những mảnh đời bất hạnh, những số phận éo le.

– Vai trò của nghệ thuật

Nghệ thuật không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn phải góp phần thay đổi cuộc sống, hướng con người tới những giá trị chân thiện mỹ.

Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc. Tác phẩm không chỉ mang đến cho người đọc những trải nghiệm thẩm mỹ mà còn khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, con người và nghệ thuật.


Nhận định về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Truyện mang lại nhiều dư âm trong lòng độc giả, khắc khoải về số phận một người đàn bà như thế, thật mỏng manh, xa vời, chấp chới như “chiếc thuyền ngoài xa” không biết đâu là bến bờ hạnh phúc.

Ngọc Huy

Nhân quyền “giống như món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi bàn tay lam lũ không thể chạm vào”

Trích bài viết Chiếc thuyền ngoài xa: sự xa xỉ quyền của con người

Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời

Lê Ngọc Chương – “Chiếc thuyền ngoài xa, một ẩn dụ của Nguyễn Minh Châu

Các nguồn tham khảo thêm

- https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFc_thuy%E1%BB%81n_ngo%C3%A0i_xa

- https://lenamlinh.violet.vn/document/cau-truc-van-ban-truyen-ngan-chiec-thuyen-ngoai-xa-cua-nguyen-minh-chau-565465.html

- http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/truyen-vua-nhin-tu-sang-tac-cua-nguyen-minh-chau-8929_4187.html

- https://youtu.be/jPPpdGbbIjc?si=VMu0Ia0czab8u0ig

Xin chân thành cám ơn ! Chúc các em luôn học tốt và đạt điểm cao.

Xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề:

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM