Trang chủ

Phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng

Xuất bản: 05/07/2024 - Tác giả:

Phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng trong đoạn trích Thề nguyền: Nàng rằng khoảng vắng đêm trường, / Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa. / Bây giờ rõ mặt đôi ta, / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng trong đoạn thơ "Nàng rằng khoảng vắng đêm trường,..." khắc họa tâm trạng của Thúy Kiều trong đêm hẹn ước định mệnh. Hãy cùng khám phá những gợi ý và hướng dẫn chi tiết của Đọc tài liệu để viết được một đoạn văn phân tích ấn tượng, bóc tách từng lớp ý nghĩa ẩn sau lời thoại của Kiều.

Khái quát tâm trạng của Kiều trong đoạn thơ

Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

- "Khoảng vắng đêm trường" là khoảng thời gian tất cả mọi vật đều chìm trong giấc ngủ. Nhưng Kiều không để thời gian chi phối tình cảm của mình mà đã "xăm xăm" đến nhà Kim trọng.

- "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa": tình yêu hồn nhiên, trong sáng, tự do và tha thiết. Hoa tượng trưng cho cái đẹp nhưng dễ phai tàn, dự báo Kiều sẽ có một cuộc đời bão táp, định mệnh tương lai mong manh đầy mơ hồ.

- "Chẳng là chiêm bao": băn khoăn về một sự tan vỡ.

=> Khát vọng tự do yêu đương, tự do hôn nhân trong bối cảnh xã hội phong kiến đầy rẫy những chuẩn mực khắt khe, Thúy Kiều đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu và chính vì thế mà đã hành động mà không cần biết đến thứ lễ giáo phong kiến kia.

5 đoạn văn mẫu phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng

Tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng bài số 1

“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường;

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

Lời nói của Thuý Kiều hàm chứa nhiều nét nghĩa. Thứ nhất, nhà nàng ở liền với nhà Kim Trọng trọ học, vậy mà nàng lại nói là "Khoảng vắng đêm trường", đó là biểu hiện của không gian và thời gian tâm lí. Khi yêu nhau, người ta cảm thấy gần nhau bao nhiêu vẫn là chưa đủ, cứ muốn gần thêm nữa. Bởi thế, việc Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng trong đêm cũng có thể coi là nàng đã tự vượt qua sự ngăn cách của thời gian và không gian tâm lí để vươn tới làm chủ tình yêu, tự sắp xếp số phận của mình.

Thứ hai, Thúy Kiều nói "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa" là có ý nói vì tình yêu mãnh liệt mà mình phải chủ động sang nhà Kim Trọng. Chữ hoa thông thường để chỉ người con gái, nhưng ở đây, Kiểu dùng chữ hoa như một hàm ý tốt đẹp chỉ tình yêu nồng nàn, tha thiết của mình dành cho Kim Trọng. Tiếp đó, Kiều nói: "Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?". Trong lời vừa là thanh minh vừa là bày tỏ của Kiều đã ẩn chứa dự cảm chẳng lành về sự dang dở của tình yêu đôi lứa. Nàng như đang cố chạy đua với thời gian, muốn vượt qua định mệnh khắc nghiệt của đời minh. Nguyễn Du đã nhập thân vào nhân vật Thúy Kiều để hiểu và thông cảm với thái độ, hành động trái với lẽ thường của nàng.

Tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng bài số 2

Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, chủ động:

Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Câu nói đó chứa hàm thông tin quan trọng. Thứ nhất, nhà Kiều ngay gần nhà Kim Trọng mà nàng nói “khoảng vắng đêm trường”, đó là cảm giác về không gian và thời gian tâm lí. Thứ hai, Kiều bộc lộ “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” ý chỉ vì tình yêu mãnh liệt mà Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng. Ngoài ra, chữ hoa thông thường để chỉ người con gái, ở đây, Kiều dùng chữ hoa như một hàm ý tốt đẹp chỉ tình yêu sâu sắc mãnh liệt của mình dành cho Kim Trọng. Tiếp đó Kiều nói:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?

Câu nói trên chứng tỏ Kiều là một phụ nữ rất nhạy cảm, biết quý giá và trân trọng từng giây, từng phút được ở bên người mà mình yêu dấu. Với người phụ nữ nhạy cảm thì tâm lí lo âu, sợ hãi, dự cảm về sự xa cách luôn luôn thường trực.

Tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng bài số 3

Sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc nàng Kiều hành động, nàng đã sống thực với những cảm xúc và mong muốn của mình. Tuy có hành động táo bạo nhưng Thúy Kiều không đi quá xa giới hạn, nàng cũng có những biện minh cho hành động có vẻ nông nổi của mình:

“Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa

Bây giờ rõ mặt đôi ta

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”

“Khoảng vắng đêm trường” gợi một khoảng không gian thời gian trong tâm trí rợn ngợp mà nàng phải vượt qua để tới gặp Kim Trọng. “Vì hoa” ở đây tức chỉ Kim Trọng, một con người tài hoa, phong nhã khiến nàng yêu say đắm sau lần gặp đầu tiên, chính tình yêu ấy đã thôi thúc nàng vượt bao nhiêu định kiến để đến gặp mặt, giãi bày. Thúy Kiều ngay từ khi còn sống trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che đã luôn có những sự cảm không lành về một tương lai nhiều biến cố, đau khổ. Dù tình yêu đang ở lúc nồng nàn, say đắm nhất thì nàng luôn lo lắng liệu đó có phải giấc chiêm bao, mọi thứ phải chăng rồi sẽ tan biến. Hành động vội vã của nàng như muốn tranh thủ từng phút giây hạnh phúc được ở bên người mình yêu.

Tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng bài số 4

Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?"

Đoạn trích là một lời trần tình về quan niệm sống của Kiều: Chủ động trong tình yêu và trân trọng nó trong hiện thực. Kiều có một quan niệm tình yêu khác hoàn toàn những người con gái sống cùng thời với nàng. Người xưa quan niệm: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Quan niệm và hành động của Kiều đã vượt thời đại. Sở dĩ Kiều phá vỡ sự áp đặt của luân lí Nho giáo dành cho nữ giới có lẽ do Kiều đã cảm nhận được tình yêu chân thực của Kim Trọng, và đặt niềm tin vào con người hào hoa phong nhã này mới chủ động để “rõ mặt đôi ta”.

Tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng bài số 5

Mong ước được thề nguyền, sánh đôi và trọn nghĩa thủy chung với Kim Trọng nên Thúy Kiều đã có hành động đầy táo bạo:

"Nàng rằng: Khoảng vắng đêm trường

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa

Bây giờ rõ mặt đôi ta

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?"

Lý do ấy thật chính đáng và thuyết phục. Vì tình yêu mà nàng chủ động "trổ đường tìm hoa", vì tình yêu chân chính, tự do mà nàng vượt khỏi những quy định của Nho giáo. "Khoảng vắng đêm trường" không phải thời gian, không gian thực mà là thời gian, không gian tâm lí. Tâm trạng của những người đang yêu luôn ngập tràn nỗi nhớ nhung, vừa mới gặp nhau mà Thúy Kiều đã cảm thấy như xa Kim Trọng một thời gian rất dài. Hơn nữa, Kim Trọng thuê trọ ở gần nhà Thúy Kiều nhưng như thế vẫn còn chưa đủ. Nàng muốn gần chàng Kim hơn nữa để tình yêu lứa đôi thêm phần gắn kết. Trong lĩnh vực văn chương, từ "hoa" thường để chỉ người con gái tài sắc nhưng trong câu thơ "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa" từ "hoa" ngầm chỉ tình yêu son sắt, tha thiết với chàng Kim. Từ khi gặp mộ nàng Đạm Tiên, Thúy Kiều luôn có dự cảm chẳng lành về cuộc đời của mình và mối tình của mình với Kim Trọng. Dự cảm về sự chia lìa, dang dở luôn thường trực trong tâm trí của người thiếu nữ có vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" ấy. Nhân lúc còn "rõ mặt đôi ta", Thúy Kiều muốn hẹn ước cùng Kim Trọng bởi nàng lo sợ sau này sẽ không còn cơ hội nữa.

-/-

Trên đây là những gợi ý cơ bản cho nội dung phân tích tâm trạng Thúy Kiều qua lời nói của nàng trong đoạn trích Thề nguyền của Truyện Kiều do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Truy cập mục tài liệu Văn mẫu 11 để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu hay và đặc sắc giúp em học tốt môn Văn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM