Phân tích nhân vật Vũ Nương - người con gái đẹp người đẹp nết với tấm lòng son sắt thủy chung, một trong những nhân vật điển hình cho số phận bi thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Câu chuyện về nàng với cái kết bi thảm đã gây xúc động mạnh mẽ cho bao thế hệ bạn đọc. Khi phân tích nhân vật Vũ Nương, chúng ta cần đi sâu vào vẻ đẹp tâm hồn, cuộc sống, số phận của nàng, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết và ý nghĩa của sự ra đi ấy.
Bài viết này của Đọc tài liệu sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nhân vật Vũ Nương, từ đó viết được bài văn phân tích nhân vật thật ấn tượng.
I. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Nguyễn Dữ
a) Tiểu sử cuộc đời
- Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh năm mất) sống vào khoảng thế kỉ 16, là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.
- Từ nhỏ ông đã rất chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà.
- Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa và mất tại đó.
- Ông có quan điểm chính trị và thái độ nhân sinh rõ ràng: luôn khát khao về một xã hội yên bình, công bằng, con người được sống trong tình yêu thương và sự đủ đầy.
b) Sự nghiệp văn học
- Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền) là sáng tác duy nhất của ông. Theo lời Tựa của Hà Thiện Hán viết năm 1547 thì ông viết ra tập lục này để ngụ ý trong thời gian ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh.
- Cuốn Truyền kỳ mạn lục gồm có 20 truyện, được viết bằng chữ Hán theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 Kim hoa thi thoại ký) đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm với tác giả. Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời Tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm; và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút".
(Nguồn tham khảo: Wikipedia)
2. Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
a) Nguồn gốc, xuất xứ
- Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện nằm trong tác phẩm Truyền kì mạn lục nổi tiếng của Nguyễn Dữ.
b) Nội dung và chủ đề của tác phẩm
- Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm thương cảm của Nguyễn Dữ với số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy oan nghiệt và ca ngợi vẻ đẹp đức hạnh của họ.
- Tác phẩm được Nguyễn Dữ sáng tác dựa trên truyện cổ tích Vợ chàng Trương, có thay đổi, thêm bớt một cách công phu và đầy dụng ý với ý đồ riêng trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
+ Ở truyện cổ tích Vợ chàng Trương, nhân vật Trương Sinh được giới thiệu có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ. Nhưng ở Chuyện người con gái Nam Xương, nhân vật Trương Sinh xuất hiện đầy đủ các mặt ưu và nhược điểm.
+ Khác với Vợ chàng Trương, trong Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã để nhân vật Vũ Nương tìm đến cái chết trong trạng thái tâm lí hoàn toàn bình tĩnh, một sự lựa chọn đầy chủ động, để chứng minh sự hoàn hảo của mình và trừng phạt chồng theo cách của người đàn bà.
+ Ở tác phẩm Vợ chàng Trương, chiếc bóng xuất hiện hai lần theo thứ tự thời gian. Nhưng với Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã cắt bỏ chi tiết chiếc bóng xuất hiện lần thứ nhất, nên tạo cho người đọc hồi hộp khi dõi theo câu chuyện để xem mấu chốt bi kịch như thế nào.
+ Tìm hiểu cách xây dựng Chuyện người con gái Nam Xương, đặt trong sự so sánh với Vợ chàng Trương, ta thấy cùng chung một cốt truyện nhưng mỗi tác phẩm lại có một cách lí giải khác nhau.
=> Vợ chàng Trương có kết cấu truyện đơn giản, còn Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã thêm vào chi tiết li kì, tạo nên kết cấu hoàn toàn.
(Nguồn giaoduc.edu.vn)
c) Ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm
- Thể hiện niềm thương cảm với số phận oan nghiệt của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
- Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: hiếu thảo, son sắt, nhân hậu...
- Lên án, tố cáo chiến tranh phi nghĩa, phê phán nhiều thói xấu trong xã hội như thói gia trưởng, thô bạo, bất bình đẳng giới... luôn chà đạp, vùi dập người phụ nữ
3. Một số đánh giá, nhận xét về tác giả và tác phẩm
“Nguyễn Dữ, bằng tài năng kì lạ, đã thổi vào nhân vật sức sống lạ kì, mỗi nhân vật một số phận, một tư cách riêng với tư cách là một con người cá nhân chịu trách nhiệm trước việc mình làm. Thông qua những số phận cụ thể đó, Nguyễn Dữ đã khái quát cuộc sống ở trình độ bậc thầy về nghệ thuật mà khó có tác giả văn học trung đại nào ở Việt Nam đạt được. Qua số phận các nhân vật của mình, Nguyễn Dữ gửi tới đời sau thông điệp: Ở thời đại ông, không một người phụ nữ nào có hạnh phúc cả cho dù họ sống theo kiểu nào. Ngoan ngoãn, thủy chung, làm trọn phận người vợ, người mẹ hoặc phá phách,... thì cái chết cả về vật chất lẫn tinh thần đều là chung cục cho mọi kiếp đàn bà...”
(Theo Nguyễn Đăng Na, Đặc điểm văn học trung đại Việt Nam -
Những vấn đề văn xuôi tự sự, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001)
“Truyền kì mạn lục” tuy có vẻ ngoài là những chuyện kì lạ xảy ra hàng nghìn năm về trước nhưng thực chất lại phản ánh được những phần sâu sắc của hiện thực đương thời.”
(GS Đinh Gia Khánh)
“Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở tối tàn”.
(Đồng Thị Sáo)
"Truyền kỳ mạn lục còn là tập truyện có nhiều thành tựu nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật. Nó vượt xa những truyện ký lịch sử vốn ít chú trọng đến tính cách và cuộc sống riêng của nhân vật, và cũng vượt xa truyện cổ dân gian thường ít đi sâu vào nội tâm nhân vật. Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là "thiên cổ kỳ bút", là "áng văn hay của bậc đại gia", tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian."
(GS. Bùi Duy Tân)
"Trong 20 truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người... Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục chính là ở những nội dung nhân văn đó."
(Tạ Ngọc Liễn)
"Có thể nói, hiện thực trong “Chuyện người con gái Nam Xương” là một thứ hiện thực lung linh sương khói mờ ảo của cõi âm. Đó cũng là việc sử dụng các yếu tố truyền kì như một thủ pháp nghệ thuật để vươn tới bản chất hiện thực của cuộc sống. Chính yếu tố truyền kì này đã làm cho cõi âm gần gũi với cõi dương hơn, hay nói cách khác, cả cõi âm lẫn cõi dương đều là những khía cạnh khác nhau của cùng một cõi người. Trên phương diện ngôn ngữ, lối văn biền ngẫu và việc sử dụng nhiều điển tích đã làm cho không khí câu chuyện trở nên cổ kính hơn. Kết cấu xây dựng truyện từ thấp đến cao, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, đợt sau mạnh hơn đợt trước làm cho câu chuyện ngày càng trở nên hấp dẫn và cuối cùng, tuy kết thúc không đột ngột nhưng lại tạo ra được một sự đồng cảm sâu sắc nơi người đọc."
(Theo Đồng Thị Sáo, trong “Tiếng nói tri âm”)
II. Tìm hiểu bối cảnh xã hội của tác phẩm
1. Xã hội phong kiến Việt Nam thời trung đại
- Xã hội phân chia giai cấp rõ rệt: vua quan, địa chủ, nông dân, thợ thủ công,...
- Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, đề cao vai trò của người đàn ông và coi thường phụ nữ.
- Xã hội phong kiến đề cao những giá trị đạo đức như trung, hiếu, tiết, nghĩa. Người phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết, danh dự cho gia đình và dòng họ. Nếu bị nghi ngờ về phẩm hạnh, họ sẽ bị xã hội lên án, khinh miệt.
- Chế độ "tam tòng": phụ nữ phải tuân theo cha, chồng, con trai. Người phụ nữ sau khi lấy chồng phải sống phụ thuộc vào nhà chồng, phải lo toan mọi việc trong gia đình và phục tùng chồng.
- Chế độ "tứ đức": phụ nữ phải giữ gìn công, dung, ngôn, hạnh.
2. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
- Phụ nữ không có quyền tự chủ, phụ thuộc vào đàn ông.
- Phụ nữ bị coi là "phận đàn bà", không được học hành, không được tham gia vào các hoạt động xã hội.
- Hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, không có tình yêu, không có sự lựa chọn của người trong cuộc.
- Phụ nữ phải chịu đựng nhiều bất công, áp bức trong gia đình và xã hội.
3. Những quan niệm, định kiến xã hội đối với người phụ nữ thời xưa
- Phụ nữ được coi là "gái ngoan" khi tuân thủ "tam tòng, tứ đức".
- Phụ nữ bị coi là "hồng nhan họa thủy", gây ra tai họa, chiến tranh.
- Phụ nữ bị đổ lỗi khi chồng ngoại tình, không sinh được con trai.
- Phụ nữ góa chồng bị coi là "điềm gở", phải chịu nhiều kỳ thị.
4. Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến cuộc đời và số phận của Vũ Nương
- Chiến tranh loạn lạc khiến Trương Sinh phải đi lính, Vũ Nương phải ở nhà một mình nuôi con, chăm sóc mẹ chồng.
- Xã hội trọng nam khinh nữ khiến Vũ Nương bị nghi oan ngoại tình, không được tin tưởng và bảo vệ.
- Quan niệm hà khắc về trinh tiết khiến Vũ Nương phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình.
Gợi ý phân tích nhân vật Vũ Nương theo các bước
Những điều cần lưu ý trước khi vào phân tích:
1. Phân tích yêu cầu đề
- Yêu cầu về nội dung: phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.
- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: các câu văn, từ ngữ, chi tiết, hình ảnh,... có trong văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
- Phương pháp lập luận chính: phân tích.
2. Xác định luận điểm phân tích nhân vật Vũ Nương
Các em có thể làm bài văn phân tích thông qua 3 luận điểm chính sau đây:
- Luận điểm 1: Thân phận, hoàn cảnh sống của Vũ Nương
- Luận điểm 2: Vũ Nương là người phụ nữ lý tưởng với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, công - dung - ngôn - hạnh.
- Luận điểm 3: Bi kịch, số phận bất hạnh, hẩm hiu của Vũ Nương
>> Xem thêm bài văn phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
3. Sơ đồ tư duy phân tích Vũ Nương
>>> Xem đầy đủ và chi tiết hơn sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương (các dạng đề phân tích khác nhau)
4. Xây dựng dàn ý chi tiết
Dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương
Dựa trên mẫu dàn ý phân tích nhân vật Vũ Nương chi tiết do Đọc Tài Liệu biên soạn dưới đây, các em có thể tham khảo và tự xây dựng một dàn ý riêng theo ý mình hoặc trực tiếp triển khai bài phân tích.
Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:
+ Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.
+ "Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.
- Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.
Thân bài phân tích nhân vật Vũ Nương
* Khái quát về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
- Hoàn cảnh ra đời: Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền) của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỉ XVI. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”.
- Cốt truyện: Truyện kể về người con gái tên Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.
* Đi vào phân tích nhân vật Vũ Nương
- Luận điểm 1: Thân phận và hoàn cảnh sống của Vũ Nương
+ Thân phận: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương”, tác phẩm không đề cập rõ ràng về gia đình và dòng họ của Vũ Nương nhưng thông qua cách cư xử, lời nói và phẩm hạnh của nàng, có thể thấy Vũ Nương được giáo dục, dạy dỗ trong một gia đình nề nếp, có truyền thống văn hóa. Việc Vũ Nương được gả vào một gia đình khá giả như nhà Trương Sinh cho thấy nàng có nhan sắc và phẩm hạnh nổi bật, được nhiều người ngưỡng mộ.
+ Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ
+ Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.
- Luận điểm 2: Vũ Nương là người phụ nữ lý tưởng với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp
+ Là người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp.
+ Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng.
- Biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
- Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.
=> Chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con.
+ Người con dâu hiếu thảo:
- Thay chồng chăm lo phụng dưỡng mẹ chồng
Khi mẹ chồng ốm thì thuốc thang chạy chữa, lễ bái thần phật và lấy những lời khôn khéo để khuyên lơn cho mẹ có thể vơi bớt đi nỗi nhớ thương và mong ngóng con.
- Lo ma chay, tế lễ chu đáo khi mẹ chồng mất.
+ Người mẹ thương con hết mực:
- Khi chồng đi lính chưa được bao lâu thì Vũ Nương sinh bé Đản và một mình gánh vác hết việc nhà chồng nhưng nàng chứ bao giờ chểnh mảng chuyện con cái.
- Để con trai bớt đi cảm giác thiếu vắng tình cảm của người cha, nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản.
-> Vũ Nương là một người phụ nữ lý tưởng đầy đủ phẩm chất công - dung - ngôn - hạnh.
=> Nguyễn Dữ đã dành thái độ yêu mến, trân trọng đối với nhân vật qua từng trang truyện, khắc họa hình tượng người phụ nữ với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.
- Luận điểm 3: Số phận bất hạnh, hẩm hiu, bị đẩy đến bước đường cùng
+ Nàng là nạn nhân của chế độ nam quyền, một xã hội mà hôn nhân không có tình yêu và tự do: Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương. Vũ Nương xuất thân từ gia đình nghèo khó, lấy Trương Sinh - con nhà hào phú nhưng thô lỗ, ít học. Điều này tạo nên khoảng cách về nhận thức, lối sống và cách ứng xử giữa hai vợ chồng.
+ Là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa:
- Cuộc sống hôn nhân với Trương Sinh chưa được bao lâu thì chàng phải đi lính, để lại mình Vũ Nương với mẹ già và đứa con còn chưa ra đời.
- Trong ba năm chồng đi lính, nàng phải thay chồng cáng đáng việc gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng mẹ già
- Sự xa cách về không gian và thời gian do chiến tranh khiến tình cảm vợ chồng phai nhạt, tạo điều kiện cho những hiểu lầm nảy sinh.
+ Nỗi đau, oan khuất:
- Người chồng đa nghi vì nghe lời con trẻ ngây thơ nên nghi oan, cho rằng nàng đã thất tiết, mắng nhiếc, đánh và đuổi nàng đi mặc nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan.
Xã hội phong kiến đòi hỏi người phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết, danh dự nên khi bị nghi ngờ về phẩm hạnh, Vũ Nương không có cách nào để bảo vệ mình, phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch.
+ Dù ở thủy cung luôn nhớ về nhân gian nhưng không thể trở về được.
-> Vũ Nương có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt.
=> Tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời rẻ rúng, chà đạp lên hạnh phúc của con người nhất là người phụ nữ.
* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
- Tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật
- Khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại... kết hợp với yếu tố kì ảo có thực
- Bút pháp miêu tả nhân vật sinh động.
Kết bài
- Khái quát và khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương.
- Liên hệ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Trước khi tham khảo văn mẫu, nếu các em chưa xác định được dàn ý cũng như luận điểm muốn phân tích thì có thể tham khảo lại nội dung phần soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương.
TOP 10 bài văn mẫu hay phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Phân tích nhân vật Vũ Nương ngắn gọn nhất bài mẫu số 1
Phân tích nhân vật Vũ Nương phần mở bài:
Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện oan nghiệt về số phận của nàng Vũ Nương, đẹp người đẹp nết. Chỉ vì sống trong một xã hội phong kiến đầy áp bức bất công mà nàng đã phải chịu nhiều bất hạnh. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Dữ muốn bày tỏ nỗi lòng thương xót cho nàng Vũ Nương nói riêng cũng như số phận của những người phụ nữ sống trong xã hội cũ nói chung.
Phân tích nhân vật Vũ Nương phần thân bài:
Trong tác phẩm, hình ảnh nàng Vũ Nương được tác giả xây dựng là một người phụ nữ tốt đẹp với đầy đủ những phẩm hạnh. Vũ Nương “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Nết hạnh của Vũ Nương được nhấn mạnh qua nhiều chi tiết trong tác phẩm. Vì hạnh nên nàng mới được Trương Sinh “mến vì dung hạnh, xin đem trăm lạng vàng cưới về”. Cô luôn nói năng ngọt ngào, thiết tha. Trong truyện, có 10 lượt thoại của Vũ Nương, lượt thoại nào nàng cũng đằm thắm, dịu hiền. Chẳng hạn: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót…”. Xa chồng, Vũ Nương “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” sắt son, chung thủy! Dung, ngôn, hạnh của Vũ Nương đã chứng tỏ nàng thực là một người đàn bà theo đúng chuẩn mực của Nho gia.
Từ điểm nhìn dân gian soi chiếu, nàng cũng là lí tưởng. Nguyễn Dữ đã đặt Vũ Nương vào mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu để làm nổi bật phẩm giá của nàng. Thời phong kiến, mẹ chồng với nàng dâu thường như nước với lửa. Ca dao có nhiều câu nói về chuyện này:
Đói lòng ăn nắm lá sung,
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.
Thương chồng nên khóc tỉ ti,
Chứ tôi với mụ, bà con gì với nhau!
Ấy vậy mà Vũ Nương: khi mẹ chồng ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ bái và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”, mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ sinh ra”. Cư xử với mẹ chồng như vậy, hẳn có một không hai trong thiên hạ? Vì thế, lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, mẹ chồng của Vũ Nương đã vừa ghi nhận nhân cách, đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng vừa bày tỏ mong muốn của một bà mẹ chồng yêu con dâu hết mực: “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ”. Được mẹ chồng yêu quý như Vũ Nương hẳn cũng là rất hiếm. Với quan hệ mẹ chồng - nàng dâu như vậy, Vũ Nương thực là một nàng dâu hiền thảo. Thêm nữa, Vũ Nương cũng không phải là loại đàn bà tham vọng. Ước mong của nàng rất đỗi giản dị: “Chàng ra đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo ấn công hầu, chỉ xin ngày về được hai chữ bình yên”. Thế chẳng đáng quý lắm sao giữa rừng người đời tham danh, hám lợi? Đặt Vũ Nương từ cả hai điểm nhìn: chuẩn mực Nho giáo và so với dân gian, Nguyễn Dữ đã xây dựng một Vũ Nương thực sự lí tưởng về chữ “hiền”. Nàng là “con người của gia đình. Đức hạnh của Vũ Nương là đức hạnh của một người vợ hiền, dâu thảo, một người yêu mến cảnh gia đình và làm tất cả để giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc gia đình”.
Vũ Nương đúng là một người phụ nữ xinh đẹp nết na thùy mị, hiền thục, lại đảm đang tháo vát, thờ kính mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một lòng một dạ chung thủy với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Một con người như thế đáng ra phải được hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới kết quả đáng buồn ấy. Có phải chăng vì cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương không bình đẳng chính sự cách bức về thân phận nghèo khó của Vũ Nương đã cộng thêm cái thế cho Trương Sinh bên cạnh cái thế của một người chồng, người đàn ông gia trưởng trong chế độ phong kiến. Hay đó là những lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chứa đầy những dữ kiện nghi ngờ làm cho Trương Sinh một người chồng hay có tính đa nghi ghen tuông, hồ đồ và độc đoán kia trở thành kẻ thô bạo, vũ phu là kẻ bức tử vợ mình trong sự mù quáng, kẻ giết người lại hoàn toàn vô can trong vụ án.
Phân tích nhân vật Vũ Nương phần kết bài:
Bi kịch của Vũ Nương là lời tố cáo cái xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm thương cảm của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ bất hạnh ở đây không những không được bênh vực, che trở mà còn bị đối sử một cách bất công, vô lí, chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ miệng còn hơi sữa và vì sự hồ đồ, vũ phu của anh chồng ghen tuông mà phải kết liễu đời mình.
Phân tích nhân vật Vũ Nương học sinh giỏi bài mẫu số 2
Nguyễn Dữ là một trong số những tác giả xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam và tác phẩm “Truyền kì mạn lục” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Mỗi câu chuyện trong “Truyền kì mạn lục” đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc và “Chuyện người con gái Nam Xương” - truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của tác phẩm chính là một trong số những truyện đặc sắc nhất. Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” người đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh của Vũ Nương - một người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng lại chịu số phận bất hạnh.
Trước hết trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, Vũ Nương hiện lên trong mối quan hệ với Trương Sinh - chồng của mình và qua đó nàng được khắc họa là một người phụ nữ thủy chung, hết lòng yêu thương, quan tâm chồng con. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả Nguyễn Dữ đã giới thiệu Vũ Nương là một người phụ nữ vừa đẹp người, vừa đẹp nết, “tính tình thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” và có lẽ cũng chính vì vậy, Trương Sinh đã xin mẹ “đem 100 lạng vàng cưới về”. Và đúng như những gì Trương Sinh mong ước, chờ đợi, trong cuộc sống ngày thường của hai vợ chồng, Vũ Nương luôn khéo léo ứng xử, nhường nhịn và giữ gìn khuôn phép để cuộc sống gia đình được ấm êm, hạnh phúc bởi hơn ai hết, nàng biết chồng mình là người “có tính đa nghi”, “đối với vợ phòng ngừa quá mức”.
Cuộc sống vợ chồng êm ấm, hạnh phúc chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Lắng nghe những lời dặn dò chồng thiết tha, nghĩa tình của Vũ Nương trước lúc chồng lên đường người ta mới có thể cảm nhận hết được sự dịu dàng và tình yêu thương chồng vô bờ bến của nàng. Nàng đã đặt hạnh phúc của tổ ấm, của gia đình lên trên hết mà coi thường mọi thứ vinh hoa, danh vọng bên ngoài “Thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Và trong lời bộc bạch của mình nàng như thấy và cảm thông hết bao nỗi gian lao, vất vả mà chồng sẽ phải chịu đựng, phải vượt qua trên hành trình phía trước “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao”. Đặc biệt, nàng cũng gửi gắm nỗi lòng, sự khắc khoải, xa nhớ chồng của mình trước lúc Trương Sinh đi qua những hình ảnh, những câu chữ thật cảm động lòng người “Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoan, lại thổn thức tâm tình”.
Không dừng lại ở đó, trong suốt những ngày sống xa chồng, sự thủy chung, son sắt và tình yêu thương, nỗi nhớ chồng của Vũ Nương lại càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ chồng như chiếm trọn hết mọi khoảng không gian, thời gian và tâm trí nàng, nỗi nhớ ấy cứ lặp đi lặp lại không nguôi không dứt “mỗi khi thấy bươm bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại “thổn thức tâm tình, buồn thương da diết”. Và trong những ngày tháng ấy, nàng luôn mơ về một tương lai được sống cạnh chồng, như hình với bóng.
Thế nhưng, sau những tháng ngày đằng đẵng xa chồng, một mình nuôi con, chăm mẹ già, những tưởng ngày trở về hai vợ chồng sẽ có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Nhưng chỉ vì một câu nói của con mà Trương Sinh nghi oan nàng không còn thủy chung, Vũ Nương đã dùng mọi lời lẽ, phân trần với mong muốn chồng có thể hiểu, có thể cảm nhận được sự trinh bạch và nỗi lòng của mình. Trong lời phân trần của bản thân, nàng đã nhắc đến thân phận của mình và khẳng định tấm lòng thủy chung, trong trắng đối với chồng “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”. Nàng còn hết mực cầu xin chồng đừng nghi oan cho mình nhưng tất cả mọi thứ đều vô nghĩa, vẫn không thể làm thay đổi được suy nghĩ của Trương Sinh. Bất lực và tuyệt vọng, nàng đã mượn bến Hoàng Giang để bày tỏ nỗi lòng của mình “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho tôm cá, trên xin làm cơm cho diều quạ” và lựa chọn cái chết như một sự minh oan cho chính mình.
Suốt những năm tháng sống nơi Thủy cung, nàng vẫn luôn một lòng hướng về chồng, về con, về quê hương và khao khát một ngày được trở về đoàn tụ. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc nàng nhận ra Phan Lang là người cùng làng và khi nghe Phan Lang kể chuyện gia đình thì ứa nước mắt. Và hơn ai hết, nàng luôn khao khát được trả lại sự trong sạch cho bản thân, nàng gửi chiếc thoa vàng, nhờ Phan Lang nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Đồng thời, dù nhớ thương chồng con, khao khát được đoàn tụ nhưng nàng vẫn quyết giữ lời hứa sống chết bên Linh Phi, điều đó cho thấy nàng là một người trọng nghĩa tình.
Như vậy, với vai trò là một người vợ, Vũ Nương hiện lên là một người thủy chung, mẫu mực, hết lòng yêu thương chồng. Còn trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hiện lên là một người con dâu hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng. Trong những ngày Trương Sinh xa nhà đi lính, Vũ Nương đã thay chồng chăm sóc mẹ chồng khi đau ốm “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng lo liệu ma chay chu đáo như đối với cha mẹ mình. Và tấm lòng của chàng đối với mẹ chồng được khắc họa rõ nét qua lời nói của mẹ chồng trước khi mất “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Cuối cùng, trong mối quan hệ với con, Vũ Nương hiện lên là một người mẹ hết lòng yêu thương con. Thiếu vắng chồng nhưng nàng đã một mình sinh con và nuôi dạy con khôn lớn. Nàng hết lòng yêu thương con, không muốn con thiếu thốn tình cảm nên tối nào nàng cũng chỉ lên cái bóng của mình trên vách nhà mà nói “Kìa, cha Đản lại đến thăm Đản kia kìa.”
Tóm lại, với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, đẩy nhân vật vào những tình huống giàu kịch tính cùng cách kể chuyện đặc sắc, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Nương – một người phụ nữ với vẻ đẹp toàn diện trong xã hội phong kiến.
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong văn bản Chuyện Người con gái Nam Xương bài mẫu số 3
Người phụ nữ là đề tài quen thuộc mà nhiều nhà văn, nhà thơ lấy đó làm chủ đề cho mạch cảm xúc của mình, dặc biệt là trong văn học thời trung đại. Hồ Xuân Hương đã thành công với bài thơ “Bánh trôi nước”, còn với Nguyễn Dữ thành công đó là tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Qua nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm ông đã tố cáo, lên án xã hội phong kiến đầy bất công nhất là với những người phụ nữ phẩm hạnh nhưng khổ đau, oan trái.
Chuyện người con gái Nam Xương được trích trong Truyền kì mạn lục, ghi chép tản mạn những câu chuyện có thật và đưa yếu tố kì ảo vào tác phẩm. Văn bản này có nguồn gốc từ câu chuyện “Vợ chàng Trương” cả hai tác phẩm đều nói về người phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến. Mở đầu tác phẩm đã giới thiệu rất rõ về ngoại hình cũng như phẩm chất của nhân vật Vũ Nương, “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” đây là câu giới thiệu hàm ẩn mọi tố chất của người phu nữ, công - dung - ngôn - hạnh. Nhưng phẩm chất tốt đẹp bao nhiêu thì lại oan nghiệt bấy nhiêu. Ngay ở đoạn đầu tác giả đã cho ta thấy rất rõ một cuộc hôn nhân bất bình đẳng của nàng. Nàng xuất thân con nhà nghèo nhưng vì Trương Sinh mến dung hạnh nên xin mẹ trăm lạng vàng cưới về.
Nhân vật Trương Sinh được tác giả giới thiệu hoàn toàn trái ngược với Vũ Nương. Trương Sinh xuất thân con nhà hào phúng nhưng ít học, tính hay đa nghi và đề phòng vợ quá mức. Chứng tỏ một điều rằng sự bất công về con người trong xã hội càng hiện lên rõ nét. Xét về góc độ khách quan thì một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi như Vũ Nương xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn nhưng ở câu chuyện này thì hoàn toàn khác, nàng không được tự do yêu thương, không được quyền chọn lựa. Trương Sinh lấy nàng về như một hình thức mua bán mà chính Trương Sinh cũng không yêu thương gì nàng mà chỉ lấy nàng vì “mến”. Mặc dù vậy nhưng Vũ Nương vẫn hết lòng yêu thương chồng, biết chồng đa nghi nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để gia đình phải thất hòa. Cuộc sống bên chồng chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Nàng bịn rịn tiễn dặn chồng và không mong muốn gì ngoài sự “bình yên” của chồng. Bên cạnh đó nàng còn thấu hiểu nỗi vất vả của chồng sắp phải chịu. Những chi tiết đó đã chứng tỏ nàng là người phụ nữ vì gia đình “nghi gia nghi thất”, phẩm hạnh ấy càng được bộc lộ rõ hơn khi ở với mẹ chồng.
Sau khi chàng đi được một tuần thì nàng sinh con, đặt tên là bé Đản. Vì nhớ con trai nên mẹ chồng đã sinh ốm. Lúc này, nàng vừa làm con, vừa làm mẹ, vừa làm cha, một mình nàng gánh vác mọi công việc của gia đình chồng. Đối với mẹ chồng, Vũ Nương là người con hiếu thảo, ngoan hiền. Trong lúc chồng đi xa, nàng vừa chăm sóc mẹ già đau ốm vừa nuôi con nhỏ. “Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật mà lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Phẩm chất ấy của nàng đã được chính người mẹ chồng đánh giá cao khi bà ở phút lâm chung. Đó là sự đánh giá xác đáng và khách quan. Khi mẹ chồng mất, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Nàng làm tất cả những việc đó không chỉ vì trách nhiệm của một nàng dâu mà còn thể hiện tình yêu thương hết lòng đối với chồng ngoài mặt trận.
Nguyễn Dữ đã dành cho nhân vật sự yêu mến, trân trọng qua từng hành động, cử chỉ qua đó khắc họa rõ nét phẩm chất người phụ nữ. Đối với đứa con bé bỏng của mình thì nàng hết mực yêu thương và tìm cách lấp đi cái thiếu thốn phải xa cha mà con mình đã chịu thiệt thòi. Nàng đã lấy “cái bóng” của mình để dỗ dành con, nói với con đó là cha để làm vơi bớt nỗi nhớ chồng và xoa dịu sự thiếu thốn khi vắng cha của bé Đản. Và rồi “cái bóng” đã trở thành người cha trong tâm trí của một đứa trẻ ngây thơ mới 3 tuổi. Sau ba năm xa cách, khi trở về cứ nghĩ rằng Trương Sinh sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình thì cũng lại là lúc tai họa ập đến cuộc đời Vũ Nương. Chỉ vì lời nói ngây ngô của trẻ con: “Ô hay! Ông cũng là cha tôi ư? Cha tôi đêm nào cũng đến..., làm cho Trương Sinh ngờ vực, hiểu lầm vợ thất tiết. Dù Vũ Nương có hết lời phân trần, có tha thiết giãi bày để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Dù họ hàng làng xóm có hết lòng khuyên can, biện hộ cho nàng thì Trương Sinh cũng không hề đếm xỉa mà chỉ một mực nghi oan cho vợ.
Chính chi tiết và phân đoạn này càng cho chúng ta thất rõ sự vô học của Trương Sinh. Nếu Trương Sinh có học thức thì sẽ không xử lý như vậy. Rồi từ chỗ “la um lên cho hả giận”, Trương Sinh đã mắng nhiếc, đuổi vợ đi. Phải chăng, xã hội phong kiến với chế độ nam quyền độc đoán, với thói “trọng nam khinh nữ” bám chặt vào tế bào mỗi cá nhân đã dung túng, cho phép người đàn ông được quyền coi thường, rẻ rúng và đối xử thô bạo với người phụ nữ? Thương nhớ chồng là thế, lại bị chồng ruồng rẫy, gạt bỏ. Giữ gìn khuôn phép, rất mực thủy chung lại bị coi là thất tiết, chịu tiếng nhuốc nhơ... Nàng không hiểu vì sao bị đối xử bất công, bị mắng nhiếc và đuổi đi, không có quyền được tự bảo vệ ngay cả khi có họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho. Như vậy một lần nữa cái quyền tự bảo vệ mình và được người khác bảo vệ cũng không có.
Hạnh phúc gia đình, niềm khao khát của cả đời nàng đã tan vỡ tình yêu không còn “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rủ trong ao, liễu tàn trước gió”, cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hóa đá trước đây, cũng không còn có thể có lại được nữa. Thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân đã không có cách nào hàn gắn nổi, Vũ Nương đành mượn sông Hoàng Giang rửa sạch nỗi oan nhục, giãi bày tấm lòng trong trắng của mình. Một hành động tưởng chừng như ngu xuẩn nhưng đặt ở vị trí ngày đó, xã hội đó, người chồng đó thì không có cách nào khác là phải tìm đến cái chết.
Chúng ta đặt ra một giả thiết: Nếu Vũ Nương không chết thì biết đâu đó chính Trương Sinh cũng hành hạ nàng đến chết, khi này nàng sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần mà nỗi oan ức không được giãi bày? Lời than của nàng như lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và đức hạnh của nàng: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Và rồi, một hôm bé Đản gọi bóng Trương Sinh là cha, lúc này Trương Sinh mới biết mình nghi oan cho vơ. Chàng đã lập đàn giải oan nhưng Vũ Nương chỉ hiện về trong chốc lát rồi biến mất.
Qua tác phẩm ta thấy Vũ Nương đã nhiều lần phải trải qua khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống nhưng vẫn vượt lên số phận nhưng càng cố gắng thì sự oan nghiệt càng đến gần, nàng vẫn là nạn nhân của chế độ nam quyền đầy bất công và thối nát. Nàng chính là nạn nhân của xã hội phong kiến cũng là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa.
Qua phân tích nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã ca ngợi người phụ nữ dung hạnh nhưng đầy bất hạnh. Đồng thời cũng tố cáo, lên án xã hội phong kiến đầy bất công, một xã hội bất bình đẳng, chà đạp lên tinh thần và thể xác người phụ nữ. Đọc tác phẩm ta càng thấy ngòi bút sắc bén của tác giả và những giá trị nhân văn sâu sắc mà ông muốn gửi gắm tới bạn đọc.
Bài văn phân tích Vũ Nương ngắn gọn mẫu số 4:
Nhắc tới Nguyễn Dữ là chúng ta lại nhớ tới "Truyền kì mạn lục". Đây là tập truyện viết theo thể loại truyền kì, được đánh giá là "thiên cổ tùy bút", "áng văn hay của bậc đại gia", đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của văn xuôi tự sự chữ Hán trong nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ XVI. Trong tập truyện có văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương", là một trong các truyện độc đáo, tiêu biểu viết về số phận bất hạnh của người phụ nữ đương thời. Qua câu chuyện, nhà văn nói lên một cách sâu sắc những bi kịch cùng vẻ đẹp và những khát vọng chân chính về hạnh phúc gia đình của họ. Điều này đã được Nguyễn Dữ gửi gắm qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương.
"Chuyện người con gái Nam Xương" có nguồn gốc từ chuyện kể dân gian "Vợ chàng Trương", là thiên thứ 16 trong tổng số 20 truyện của "Truyền kì mạn lục". Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Nương, một người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, đẹp người, đẹp nết nhưng lại bị chồng nghi oan thất tiết. Do không có cơ hội để minh oan, giãi bày, Vũ Nương đành phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình.
Kết thúc truyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa lòng sông nói lời tạ từ rồi biến mất. Đó là bi kịch của rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh khi mà hạnh phúc gia đình chính là chỗ dựa vững chắc cho họ, giờ đây đã tan thành mây khói, mất đi chỗ dựa cuộc sống, họ lâm vào bi kịch và cái chết là con đường giải thoát duy nhất để họ kết thúc bi kịch của chính mình. Vì thế, truyện không đơn thuần dừng lại ở sự phản ánh hiện thực mà còn tố cáo hiện thực, dóng lên niềm khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong một xã hội công bằng, văn minh.
Trước hết, Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh ấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản.
Đầu tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với người chồng - Trương Sinh. Nàng hiện lên là một người vợ nhất mực thủy chung, yêu thương chồng tha thiết. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, khi mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi, thường đề phòng vợ quá mức nên đã cư xử rất khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình. Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Khi người chồng chuẩn bị đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ "bình yên".
Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết. Mỗi lần thấy "bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi" nàng lại cảm thấy "thổn thức tâm tình", nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi. Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định khi nàng bị chồng nghi oan: "cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót...". Khi Trương Sinh đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng. Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng "đừng nghi oan cho thiếp". Có nghĩa là Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khao hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của Vũ Nương.
Tiếp đến, Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và bé Đản. Nàng hiện lên là một người con hiếu thảo, một người mẹ rất mực tâm lí, yêu thương con cái. Chồng đi lính, ở nhà, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một nguời mẹ, lại vừà đóng vai trò là một nguời cha. Nàng sợ con mình thiếu thốn tình cảm của người cha nên đêm đêm thường mượn bóng mình, chỉ vào tường mà bảo là cha Đản. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con hiền, dâu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình vậy. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Điều đó đã cho thấy nhân cách và công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng.
Như vậy, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, nhất mực thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, tìm được một người chồng tâm lí, cảm thông và sẻ chia những nỗi lo toan cho vợ, nhưng thật éo le và nghịch lí thay nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa, đầy nước mắt. Đó là khi Trương Sinh sau ba năm đi lính trở về, bé Đản không chịu nhận cha, nghe lời nói của con "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, những chẳng bao giờ bế Đản cả", Trương Sinh nhất nhất cho rằng "vợ hư".
Mặc dù Vũ Nương đã tìm cách để giải thích lại thêm họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng nhưng mối nghi ngờ vợ của Trương Sinh ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được. Cuối cùng "cái thú vui nghi gia nghi thất" đã không còn "bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió", cả nỗi đau chờ chồng đến hóa đá cũng không còn có thể được nữa "đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa". Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng cùng cực, đau đớn.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Đó trước hết là do chi tiết cái bóng và những lời nói ngây thơ của bé Đản. Nhưng nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là từ người chồng đa nghi, thô bạo. Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã giới thiệu Trương Sinh là "con nhà hào phú nhưng không có học", lại có tính đa nghi, đối với vợ thì hay phòng ngừa quá mức, thiếu cả lòng tin và tình thương với người tay ấp má kề với mình.
Đó chính là mầm mống của bi kịch để rồi trong hoàn cảnh đi lính ba năm xa nhà, xa vợ, thói ghen tuông, ích kỉ của bản thân chàng nổi lên và giết chết người vợ của mình. Đồng thời, chế độ phong kiến hà khắc, nam quyền độc đoán đã dung túng cho thói gia trưởng của người đàn ông, cho phép người đàn ông có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình. Và người phụ nữ không có quyền được lên tiếng, không có quyền tự bảo vệ ngay cả khi có "họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho"... Tất cả đã đẩy Vũ Nương - người phụ nữ đương thời vào con đường bi kịch, phá tan đi những hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, dồn đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát.
Cuối truyện, Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ. Kết thúc truyện như thế, không chỉ giúp hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách của nhân vật mà còn chứng tỏ Vũ Nương vô tội. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Bằng nghệ thuật kể truyện độc đáo, xen lẫn giữa hiện thực và kì ảo, giữa tình tiết đời thường với sự sáng tạo của nhà văn, Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương - người đại diện cho bi kịch bất hạnh của người phụ nữ. Thông qua số phận cuộc đời đầy nước mắt của nàng, nhà văn đã mạnh dạn lên án, tố cáo một xã hội bạo tàn, phi nhân, tồn tại với rất nhiều những bất công ngang trái, dồn đẩy người phụ nữ vào đường cùng không lối thoát. Đồng thời qua câu chuyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho những người phụ nữ đương thời, khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ.
Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc giàu tình yêu thương con người của nhà văn Nguyễn Dữ. Mặc dù, truyện đã cách xa chúng ta hàng thế kỉ nhưng những thông điệp, ý nghĩa, giá trị của truyện và hình tượng Vũ Nương mãi mãi còn vang vọng đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.
Để hiểu rõ hơn về nhân vật này, các em có thể tham khảo thêm văn mẫu cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương.
Phân tích nhân vật Vũ Nương mẫu số 5: Vũ Nương hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống
Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những tác phẩm hay và đặc sắc nhất của tác giả Nguyễn Dữ. Tác phẩm được lấy cốt từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương” kết hợp với những sáng tạo của tác giả tạo nên một áng văn tuyệt bút. Trong truyện nổi bật lên là vẻ đẹp và số phận bất hạnh của nhân vật chính - Vũ Nương. Vũ Nương là người hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống “tính đã thùy mị nết na lại được tư dung tốt đẹp” nhưng số phận của nàng lại hết sức bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết.
Trước hết về vẻ đẹp của nàng, Vũ Nương là người vợ hiền thục, thủy chung, trong trắng, một lòng một dạ với chồng. Khi mới về nhà chồng, biết chồng mình có tính hay ghen nên Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, bảo vệ hạnh phúc gia đình để gia đình luôn yên ấm. Chiến tranh xảy ra, chồng nằm trong danh sách đi lính, ngày tiễn Trương Sinh, nàng chỉ tha thiết mong mang hai chữ “bình yên” trở về. Nàng không ham giàu sang, danh vọng mà chỉ mong một cuộc sống yên ổn, êm đềm bên gia đình bé nhỏ.
Giây phút ngậm ngùi tiễn chồng ra trận càng cho thấy rõ hơn tình yêu thương, tấm lòng Vũ Nương dành cho Trương Sinh. Bởi vậy trong những năm tháng xa chồng, nàng luôn nhớ Trương Sinh tha thiết, thậm chí nàng còn trỏ bóng mình trên tường vừa để dỗ con vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng. Ngay cả khi bị Trương Sinh nghi oan thất tiết thì tình yêu, sự thủy chung của nàng vẫn được thể hiện qua những lời phân trần hết sức tha thiết, mong tìm cách hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Nhưng mọi cố gắng của nàng đều đã không được đền đáp, dù phải tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng của mình nàng vẫn không hề oán hận, ở thủy cung nàng vẫn mong ngóng ngày về để đoàn tụ với gia đình.
Nàng còn là một người con dâu hết sức hiếu thảo. Chồng đi lính nàng ở nhà chăm mẹ chồng, bà vì thương nhớ con bệnh ngày một nặng, nàng thuốc thang cầu khấn trời phật mong cho mẹ nhanh khỏi bệnh, nàng hết lòng chăm sóc. Tấm lòng ấy được thể hiện rõ nhất qua lời cuối cùng bà nói trước khi mất: “Sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Lời nói ấy chính là lời ghi nhận nhân cách và công lao to lớn của Vũ Nương với mẹ chồng. Khi mẹ chồng chết nàng thương xót làm ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình. Với đứa con nhỏ, nàng là người hết mực yêu thương con. Nàng chăm sóc bé Đản chu đáo, hiểu được những thiếu thốn của con, nàng đã chỉ bóng mình trên vách để con luôn được sống trong tình yêu thương của cha.
Không chỉ vậy, nàng còn là người phụ nữ trọng nhân phẩm, tình nghĩa và lòng bao dung, vị tha. Bi kịch lớn nhất của đời nàng là bị chồng nghi ngờ và không làm cách nào để minh oan được. Thất vọng, đau đớn nàng phải tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương chỉ trở về nói lời đa tạ rồi từ biệt. Nàng không hề trách móc, oán hận Trương Sinh, điều đó đã giúp chồng vơi bớt nỗi lòng, nỗi ân hận. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được hưởng cuộc sống hạnh phúc từ hơi ấm gia đình, Vũ Nương cũng không phải trường hợp ngoại lệ, nhưng nàng không trở về là bởi đã giữ lời hứa với Linh Phi “thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ”. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp phẩm chất rất đáng trân trọng, ngợi ca.
Mặc dù vậy, số phận của nàng lại hết sức bất hạnh. Mầm mống bi kịch của Vũ Nương bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không bình đẳng. Chồng là kẻ độc đoán, hay ghen. Hưởng gia thất chưa lâu, chiến tranh xảy ra, nàng và Trương Sinh phải li tán, sống cô đơn, mòn mỏi chờ chồng. Ngày gặp chồng lại là giây phút oan nghiệt, bi kịch. Không những không được minh oan mà nàng còn bị đối xử thô bạo, vũ phu, tàn nhẫn. Nàng bị đẩy đến bước đường cùng phải tự tử mà thực ra là bị bức tử. Dù sống bất tử dưới thủy cung nàng vẫn không hạnh phúc, luôn nhớ chồng con. Cho dù được minh oan, nàng vẫn không trở về, hạnh phúc tan vỡ không thể lành, bi kịch vẫn là bi kịch.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Đầu tiên phải kể đến Trương Sinh - người chồng vũ phu, hay ghen, trước lời cầu xin của vợ, hắn đã không cho Vũ Nương cơ hội giải thích chỉ đánh đập, rồi đuổi nàng đi. Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa, nếu không có chiến tranh, gia đình Vũ Nương không phải chịu cảnh li tán thì đâu đến nỗi Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất lạ lùng như vậy.
Nguyên nhân sâu xa do xã hội phong kiến nam quyền độc đoán, gia trưởng đã đẩy Vũ Nương vào con đường tuyệt vọng, phải nhảy sông tự vẫn. Bi kịch, cái chết của Vũ Nương là số phận tiêu biểu của nhiều phụ nữ khác trong xã hội đó. Nó là lời tố cáo mạnh mẽ và đanh thép chế độ phong kiến đương thời. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật được khắc họa tâm lý, tính cách thông qua đối thoại, lời tự bạch đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau. Đặc sắc trong việc sử dụng yếu tố kì ảo đã làm hoàn chỉnh, tô đậm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: Nặng tình nghĩa, coi trọng nhân phẩm, vị tha mặc dù ở thế giới khác vẫn quan tâm đến chồng con, vẫn luôn muốn khôi phục danh dự.
Với nghệ thuật xây dựng truyện độc đáo, hấp dẫn tác phẩm đã vẽ nên chân dung đẹp đẽ đức hạnh toàn tài của người phụ nữ phong kiến xưa mà đại diện tiêu biểu là nàng Vũ Nương. Nhưng những người phụ nữ ấy phải chịu nỗi oan khuất lạ thường, bị tước đoạt hạnh phúc. Qua đó, tác phẩm đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ, đồng thời cảm thương cho số phận bất hạnh của họ. Và lên án, tố cáo xã hội nam quyền phi nghĩa đẩy con người đến bước đường cùng.
Phân tích nhân vật Vũ Nương mẫu số 6: Số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời
Trong văn học dân gian và văn học viết của nước ta, người phụ nữ bình dân đã nêu cao những giá trị cao đẹp về đạo đức, phẩm chất. Nhưng sống trong xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, oan trái, họ phải chịu nhiều đau khổ và bất hạnh. Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ ta thương Vũ Thị Thiết phải chịu nỗi oan khuất và để giải nỗi oan, nàng đã tìm đến cái chết thật thương tâm.
Nguyễn Dữ giới thiệu với ta nhân vật Vũ Nương - một phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Nàng có tư dung đẹp, tính tình lại hiền dịu, nết na. Khi làm vợ Trương Sinh, một người chồng có tính đa nghi, nàng vẫn giữ gìn khuôn phép để không xảy ra cảnh bất hòa. Hạnh phúc chồng vợ sum vầy chưa được bao lâu, chiến tranh xảy ra, chồng phải ra trận, nàng tiễn chồng lên đường với tâm trạng đau khổ. Lời nói với chồng trong giờ phút chia tay thật chân tình, cảm động làm cho “mọi người đều ứa hai hàng lệ”. “Nàng chẳng cầu mong chồng đeo ấn phong hầu mà chỉ cầu xin chồng trở về bình yên vô sự”. Nguyện vọng của nàng thật giản dị mà sâu sắc.
Mấy năm chồng đi xa, ở nhà một tay nàng lo toan mọi công việc gia đình, nuôi con từ trứng nước đến khi lớn khôn. Nàng còn là người con dâu hiếu thảo rất mực, khi mẹ chồng đau ốm nàng “hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi bà cụ qua đời, nàng hết lòng thương xót, lo ma chay tế lễ chu toàn. Sự ăn ở đối xử hết lòng với mẹ chồng chẳng khác nào đối với cha mẹ mình vậy. Tóm lại, Vũ Nương là một phụ nữ vẹn toàn, thể hiện được những phẩm chất đạo đức cao quý của người vợ, người mẹ, người con. Con người như vậy đáng ra phải được hưởng hạnh phúc đầm ấm của gia đình.
Chiến tranh chấm dứt, chồng trở về, niềm vui chưa trọn vẹn thì bi kịch xảy ra. Trương Sinh - một kẻ vô học, thô lỗ, đa nghi, hay ghen đã nghe lời đứa con ngây thơ, không dò hỏi ngọn ngành, nghi ngờ vợ mình không chung thủy. Nàng đau khổ, khóc lóc bày tỏ nỗi oan với chồng nhưng Trương Sinh một mực vẫn buộc tội vợ, thậm chí còn mắng nhiếc, đánh, đuổi nàng đi. Họ hàng, làng xóm đều biện minh cho nàng nhưng cũng không thay đổi được thái độ của Trường Sinh. Không còn cách nào để minh oan được nữa, nàng chọn cái chết để giãi bày tấm lòng chung thủy, trong trắng của mình. Thật tội nghiệp cho Vũ Nương, ba năm trời cách biệt vẫn giữ gìn một tiết, ấy mà khi chồng trở về lại bị nghi oan, một con người phẩm hạnh như thế, lại mang tiếng nhuốc nhơ. Bi kịch bị dồn nén đến cao độ, trong cảnh ngộ đó, Vũ Nương chỉ có một con đường tìm đến cái chết. Thương Vũ Nương, người đời càng trách giận Trương Sinh phũ phàng:
Khá trách chàng Trương Sinh khéo phũ phàng
("Lại bài Viếng Vũ Thị” của Lê Thánh Tông)
Và ngay cả khi chết rồi, ở dưới thủy cung, nàng vẫn ôm mối hận bị chồng ruồng rẫy, nàng nghĩ: “Thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa”. Nhưng có lúc nàng lại băn khoăn: “Không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa”. Nàng mong muốn thiết tha trở về quê hương đoàn tụ với chồng và để giải được nỗi oan. Nhưng âm dương cách biệt nàng “chẳng thể trở về nhân gian được nữa”.
Trong xã hội phong kiến, những người phụ nữ đức hạnh, hiền thục như Vũ Nương đều chịu chung số phận bi đát. Câu chuyện về cái chết thương tâm của Vũ Nương càng làm cho ta thông cảm với những nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội cũ. Tác phẩm còn là tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến đã làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều lứa đôi, gia đình. Trong một xã hội mà quyền sống con người được tôn trọng như xã hội ta ngày nay, những người phụ nữ có nhan sắc, phẩm hạnh như nàng Vũ Thị Thiết chắc chắn sẽ sống cuộc đời hạnh phúc.
Từ một câu chuyện lưu truyền trong dân gian, Nguyễn Dữ đã sáng tác nên một tác phẩm đặc sắc. Mặc dù có ít nhiều yếu tố hoang đường nhưng “Chuyện người con gái Nam Xương” đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không phai mờ.
Phân tích nhân vật Vũ Nương ngắn gọn mẫu số 7
"Chuyện người con gái Nam Xương" rút trong tác phẩm “Truyền kì mạn lục", áng văn xuôi viết bằng chữ Hán của Nguyễn Dữ trong thế kỉ 16. Một kiệt tác văn chương cổ được ca ngợi là “thiên cổ kì bút".Truyện kể lại một câu chuyện truyền kì có nhiều yếu tố hoang đường lưu truyền trong dân gian về bi kịch gia đình ở Nam Xương có dòng sông Hoàng Giang vào cuối thế kỉ 14, đầu thế kỉ 15, một thời loạn lạc, đầy biến động. Nhân vật Vũ Nương là người con gái bạc mệnh đáng thương có bao phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho đức hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Tên của nàng là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, thuộc phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay. Xuất thân trong một gia đình "kẻ khó", nhưng Vũ Nương vừa có nhan sắc vừa có đức hạnh: "tính đã thùy mị, nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp". Nàng là một cô gái danh giá nên Trương Sinh, con nhà hào phú "mến vì dung hạnh" đã xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Trong đạo vợ chồng, Vũ Nương là một người phụ nữ thông minh, đôn hậu, biết chồng có tính "đa nghi", nàng đã "giữ gìn khuôn phép" không để xảy ra cảnh vợ chồng phải "thất hòa", sống giũa thời loạn lạc Trương Sinh phải tòng quân đi chinh chiến ở biên ải xa xôi.
Buổi tiễn chồng ra trận, Vũ Nương đã rót chén rượu đầy chúc chồng "được hai chữ bình yên": nàng chẳng mong được đeo ấn phong hầu mặc áo gấm trở về quê cũ... Ước mong của nàng thật bình dị, vì nàng đã coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm ở đời. Những năm tháng xa cách, Vũ Nương thương nhớ chồng khôn xiết kể: "... mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được".
Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ trong mọi thời loạn lạc xưa nay:
..."Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong..."
(Chinh phụ ngâm)
Thể hiện tâm trạng ấy, Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau khổ của Vũ Nương, vừa ca ngợi tấm lòng thủy chung thương nhớ đợi chờ chồng của nàng.
Vũ Nương là một phụ nữ đảm đang, giàu tình thương. Chồng ra trận mới được một tuần thì nàng sinh ra một đứa cọn trai đặt tên là Đản. Mẹ chồng già yếu, ốm đau, nàng "hết sức thuốc thang", "ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn". Vừa phụng dưỡng mẹ già, vừa chăm sóc nuôi dạy con thơ. Lúc mẹ chồng qua đời, nàng đã "hết lời thương xót", việc ma chay tế lễ được lo liệu, tổ chức rất chu đáo "như đối với cha mẹ đẻ mình". Qua đó, ta thấy trong Vũ Nương cùng xuất hiện 3 con người tốt đẹp: nàng dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang thủy chung, người mẹ hiền đôn hậu. Đó là hình ảnh người phụ nữ lí tưởng trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Qua năm sau, "việc quân kết thúc, Trương Sinh từ miền xa chinh chiến trở về. Thế nhưng, Vũ Nương không được hưởng hạnh phúc trong cảnh vợ chồng sum họp. Chỉ vì chuyện chiếc bóng qua miệng đứa con thơ mới tập nói, mà Trượng Sinh đinh ninh là vợ hư, đã "mắng nhiếc" và "đánh đuổi đi". Vốn là một kẻ vô học lại hồ đồ vũ phu, Trương Sinh đã bỏ ngoài tai mọi lời "bày tỏ" của vợ, mọi sự "biện bạch" của họ hàng làng xóm. Vũ Nương đã bị chồng đẩy vào bi kịch, bị vu oan là người vợ "mất nết hư thân”. Vũ Nương phải nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để tỏ rõ là người phụ nữ "đoan trang giữ tiết, minh bạch gìn lòng", mãi mãi soi tỏ với dời "vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin là cỏ Ngu Mĩ". Bi kịch Vũ Nương là bi kịch gia đình từ chuyện chồng con, nhưng nguyên nhân sâu xa là do chiến tranh loạn lạc đã gây nên. Chỉ một thời gian ngắn, sau khi Vũ Nương tự tử, một đêm khuya dưới ngọn đèn, chợt đứa con nói rằng: "Cha Đản lại đến kia kìa !". Lúc bấy giờ Trương Sinh "mới tỉnh ngộ thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã rồi . Người đọc xưa nay cũng chỉ biết thở dài, cùng Nguyễn Dữ xót thương cho người con gái Nam Xương và bao phụ nữ bạc mệnh khác trong cõi đời. Vũ Nương tự tử, nàng cũng chẳng oán chồng con "rày xin chén nước cho người thác oan" (Truyện Kiều).
Phần cuối truyện đậm đặc tính chất hoang đường. Nào là Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Phan Lang được biếu một con rùa mai xanh nhưng không giết thịt mà đem thả con rùa xuống sông. Nào là Phan Lang bị chết đuối, xác dạt vào động rùa ở hải đảo. Linh Phi vợ vua biển Nam Hải lấy khăn dấu mà lau, thuốc thần mà đổ. Phan Lang sống lại. Linh Phi mở tiệc ở gác Triều Dương để thết đãi Phan Lang, ân nhân cứu sống mình ngày xưa. Tình tiết Phan Lang gặp Vũ Nương tại bữa tiệc của Linh Phi. Vũ Nương khóc khi nghe Phan Lang nhắc lại nhà cửa, phần mộ của tiền nhân. Tình tiết Vũ Nương gửi Phan Lang chiếc hoa tai vàng và dặn chồng lập đàn tràng ở bến Hoàng Giang.
Hình ảnh Vũ Nương ngồi kiệu hoa, phía sau có năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện... là những chi tiết hoang đường, nhưng đã tô đậm nỗi đau của người phụ nữ bạc mệnh... yên phận hẩm hiu, và có giá trị tố cáo lễ giáo phong kiến vô nhân đạo. Câu nói của ma Vũ Nương giữa dòng sông vọng vào: "Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa" đã làm cho giá trị nhân đạo của truyện thêm phần bi thiết. Nỗi ân tình của Vũ Nương đã được minh oan và giải tỏa nhưng âm - dương đã đôi đường cách trở, nàng chẳng thể trở lại dương gian, chẳng bao giờ còn được làm vợ, làm mẹ nữa. Bé Đản mãi mãi là đứa con mồ côi mẹ.
Tóm lại, Vũ Nương là một người con gái dung hạnh mà bạc mệnh. Nguyễn Dữ đã kể lại cuộc đời oan khổ của nàng với bao tình xót thương sâu sắc. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhưng áng văn "Chuyện người con gái Nam Xương" giàu giá trị nhân đạo. Nhân vật Vũ Nương là một điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người đọc càng thêm xúc động khi nhớ lại vần thơ của vua Lê Thánh Tông trong bài "Lại bài viếng Vũ Thị”:
..."Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng..."
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích sau qua năm sau... xuống sông mà chết mẫu số 8
Nguyễn Dữ là một đại thi hào nổi tiếng với tập truyện Truyền kỳ mạn lục, ghi lại hết những truyện huyền ảo trên đời. Không ai xác minh thật thật giả giả, nhưng không thể phủ nhận những câu chuyện của ông đều được nhiều thế hệ biết đến. Trong đó, Chuyện người con gái Nam Xương nhận được nhiều sự yêu mến và bàn luận về câu chuyện. Đoạn trích đặc sắc nhất, thể hiện rõ nhất tính cách của người phụ nữ chính là từ Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói… gieo mình xuống sông mà chết.
Trong đoạn trích này, nhân vật Vũ Nương được tác giả tạo dựng với những đặc điểm và tình huống đầy bi kịch. Vũ Nương bị chồng nghi ngờ về thất tiết của mình và phải chịu đựng sự oan trái. Câu nói của bé Đản về chiếc bóng đã tạo ra hiểu lầm và đánh đổ hạnh phúc của Vũ Nương. Điều này thể hiện sự đa nghi, ghen tuông và thiếu suy xét của chồng Trương Sinh hay chính là những người đàn ông gia trưởng trong thế hệ cũ. Vũ Nương đau khổ và không ngừng thanh minh để cố gắng níu kéo hạnh phúc. Bằng lời thanh minh của mình, nàng khẳng định lòng chung thủy và đức hạnh của mình, nhưng không thể được thấu hiểu và chấp nhận bởi Trương Sinh. Sự bế tắc và cô đơn khi không thể trông dựa vào ai đã khiến Vũ Nương tìm đến con sông Hoàng Giang và tự vẫn. Cuối cùng, nàng đã chọn cái chết trong sạch để thoát khỏi những oan trái và hy vọng được thấu hiểu.
Hành động này là sự kết thúc bi kịch của cuộc đời nàng, khi tình yêu, hạnh phúc và lòng trong sạch của Vũ Nương không thể cứu vãn và trở thành cái chết đau thương. Điều này cũng thể hiện sự tự chủ và quyết đoán của Vũ Nương, khi nàng chọn cái chết làm lối thoát cuối cùng khỏi những khổ đau và oan trái trong cuộc sống. Nàng tự nhận mình là kẻ bạc mệnh bị chồng con ruồng rẫy, đó không chỉ là bi kịch của riêng nàng mà còn đại diện cho rất nhiều số phận khác trong xã hội cũ. Nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích này được tạo hình sắc nét bằng cách sử dụng ngôn ngữ giàu tính ước lệ, miêu tả hành động và sử dụng các điển tích và điển cố. Tác giả Nguyễn Dữ đã thể hiện tài năng và tâm huyết của mình thông qua việc phác họa một nhân vật phụ nữ với nhiều khía cạnh, tạo nên sự chân thực và độc đáo cho câu chuyện.
Đồng thời, nhân vật Vũ Nương cũng trở thành biểu tượng cho sự bất công và thiệt thòi mà phụ nữ phải đối mặt trong xã hội. Từ cuộc sống của Vũ Nương, chúng ta rút ra bài học về sự cần cù, độc lập và tự chủ của người phụ nữ để đạt đến sự bình đẳng và hạnh phúc. Việc tôn trọng và tôn vinh phụ nữ cũng được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng trong xã hội hiện nay. Tôn trọng và tôn vinh phụ nữ là biểu hiện quan trọng và rõ ràng của sự tiến bộ trong xã hội và hạnh phúc gia đình. Chúng ta cần nhìn nhận giá trị của phụ nữ, công nhận sự cống hiến và đóng góp của họ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ngoài ra, câu chuyện của Vũ Nương cũng khẳng định sự quyết tâm và sự đấu tranh của người phụ nữ để đạt đến hạnh phúc và tự do khi xã hội không đứng về phía mình.
Nhân vật Vũ Nương trong truyện "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ là một bài học về sự kiên trì, đấu tranh và quyết định của người phụ nữ trong cuộc sống. Dù số phận của Vũ Nương là bi kịch nhưng lại có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự bình đẳng và tôn trọng đối với phụ nữ, đồng thời khuyến khích con người hướng về xã hội văn minh hơn.
Phân tích nhân vật Vũ Nương khi bị chồng nghi oan bài văn mẫu số 9
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
(“Truyện Kiều” - Nguyễn Du )
Xuyên suốt chiều dài của triền đê mang tên “Văn học”, ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ dẫu có “quốc sắc thiên hương” đến đâu, có phẩm hạnh hoàn mỹ và tài năng hơn người đi chăng nữa thì số kiếp và hạnh phúc của họ vẫn bị vùi dập tả tơi bởi những định kiến của một xã hội hoen ố và mục ruỗng, những tục lệ “trọng nam khinh nữ”. Bằng ngòi bút mang cái “hồn” của riêng mình, Nguyễn Dữ đã khiến trái tim người đọc muôn đời không khỏi tiếc thương khi nhớ về số phận bi ai của Vũ Nương.
Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam đã bắt đầu có những biểu hiện suy thoái, Nguyễn Dữ bất mãn và bất lực trước thời cuộc, chán ghét cảnh quan trường điên đảo nên lui về ở ẩn. Theo Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Ông là cha đẻ của loại hình truyền kì Việt Nam”, là người “phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo văn chương nghệ thuật”. “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện thứ 16 của “Truyền Kì Mạn Lục”. Từ một sự tình có thật trong dân gian, Nguyễn Dữ đã thể hiện thật tài tình, trọn vẹn vẻ đẹp của Vũ Nương. Nàng thật sự là một người phụ nữ hoàn mỹ, đẹp người đẹp nết, làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ và nàng dâu thảo. Vũ Nương là khuôn vàng, thước ngọc của người phụ nữ, nàng xứng đáng sống trong hạnh phúc và vui vẻ. Thế nhưng "Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở, tối tàn” (Đồng Thị Sáo).
Vũ Nương phải gánh chịu nỗi dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước cảnh đất nước binh đao loạn lạc, phu quân phải đi đến nơi biên ải xa xôi, cả giang sơn nhà chồng đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của người thiếu phụ. Nàng thầm lặng mà sinh con ra, rồi lại một mình tần tảo nuôi nấng, dạy dỗ con thơ. Biết mẹ chồng đau ốm vì nhớ thương con, nàng tận tâm tận tụy chăm sóc, “hết sức thuốc thang, lễ bái và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn“. Khi mẹ chồng vĩnh biệt thế gian nàng cũng hết lòng xót thương, lo liệu ma chay tế lễ như đối với cha mẹ ruột. Một mình Vũ Nương đảm đương tất cả, nàng vừa là mẹ, là dâu con. Nàng lo toan mọi việc lớn nhỏ như “một đấng nam nhi” duy nhất trong gia đình.
Những ngày sống trong cảnh “chăn đơn gối chiếc”, sự cô đơn, lẻ loi cùng nỗi nhớ kéo dài theo năm tháng cứ cứa từng vết khiến trái tim nàng rỉ máu. Nàng khắc khoải nhớ nhung Trương Sinh “thổn thức tâm tình thương người đất thú”. Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức. Hình ảnh “bướm lượn đầy vườn” vốn gợi cho ta một khung cảnh đẹp, cũng rất mơ hồ hay “mây che kín núi” thơ mộng nhưng cũng man mác. Giống như tâm trạng của nàng bấy giờ, lệ sầu phủ kín tâm can, nỗi buồn “không thể nào ngăn được”. Quả là lấy cảnh mà lột tả được cái tình của con người. Nỗi nhớ triền miên của người thiếu phụ cũng được nhắc đến trong thi phẩm “Chinh Phụ Ngâm” - Đoàn Thị Điểm:
“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”
Vũ Nương phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo khắt khe, ngặt nghèo, chấp nhận cuộc hôn nhân với Trương Sinh. Nàng có quyền lựa chọn đâu khi xã hội phong kiến vẫn còn đó tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chàng xin mẹ trăm lạng vàng để cưới nàng bởi thế đồng tiền đã phát huy uy lực của nó khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”. Còn Vũ Nương, nàng nương tựa vào Trương Sinh cũng vì cái thú vui “nghi gia nghi thất”. Đây là một cuộc hôn nhân không chứa chan ái tình và cũng chẳng có âm hưởng của sự rung động cất lên từ hai trái tim chân thành. Chính bức tường vô hình mang tên “giàu - nghèo” đã đàn áp quyền lợi của người phụ nữ và là cái thế để Trương Sinh mặc nhiên đối xử vũ phu, tàn bạo với nàng.
Trở về sau ba năm cách biệt, ngỡ đâu vị thần hạnh phúc sẽ gõ cửa gia đình nàng. Thế nhưng, chính vì thói đa nghi và ghen tuông che mờ lí trí, Trương Sinh mù quáng tin vào những lời nói ngây thơ của bé Đản mà đinh ninh phán cho Vũ Nương cái danh “vợ hư”. Trương Sinh bỏ ngoài tai những lời khuyên can của mọi người và cũng chẳng thèm đếm xỉa tới lời biện bạch của nàng. Rồi từ chỗ “la um lên cho hả giận”, chàng đã nhẫn tâm mắng nhiếc và đánh đuổi vợ đi. Phải chăng xã hội phong kiến với chế độ nam quyền độc đoán, bất công và tàn bạo, với thói “trọng nam khinh nữ” bám chặt vào huyết quản đã dung túng cho phép người người đàn ông được quyền coi thường, rẻ rúng, mặc nhiên định đoạt thậm chí giẫm đạp lên quyền sinh, quyền tử và phẩm giá cao quý của người vợ. Vũ Nương đức hạnh, ngoan hiền vậy mà lại phải mang bản án ô nhục, nhuốc nhơ “hư thân mất nết”. Thuở xưa, nàng Thị Kính còn biết ngọn nguồn nỗi oan khuất của mình. Còn Vũ Nương, đến khi gieo mình xuống đáy sông nàng vẫn chẳng hiểu vì sao lại bị người từng đầu ấp tay gối với mình mắng nhiếc và đánh đuổi đi. Nỗi oan của nàng thấu tận trời xanh vậy mà nàng cũng chẳng được quyền phản kháng, bảo vệ chính mình.
Với Vũ Nương, “cái thú vui nghi gia nghi thất” chính là lí tưởng, mục đích sống và tồn tại của nàng. Để rồi khi điểm tựa ấy bị vùi dập tả tơi bởi nỗi oan thất tiết “Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Với hàng loạt những hình ảnh ước lệ ngụ ý chỉ sự lụi tàn, thê lương của mối nhân duyên đổ vỡ đã lột tả thành công nỗi thất vọng, ê chề, đau đáu xâm chiếm cõi lòng của nàng. Vũ Nương quyết định trẫm mình xuống sông Hoàng Giang để rửa sạch nỗi oan khuất, giãi bày tấm lòng ngay thẳng, tấm thân trinh bạch của mình. Cái chết của Vũ Nương thực chất là do bị chồng bức tử vậy mà Trương Sinh cũng chẳng một chút động lòng hay ân hận, day dứt. Hãn hữu lắm trong cái xã hội ấy, một hành lang đạo lí hay một ai đó đứng ra bảo vệ, chở che cho thân phận bèo dạt mây trôi của Vũ Nương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Rõ ràng chính xã hội cũ đã sinh ra bao Trương Sinh với thói độc đoán là nguyên nhân của những khổ đau mà người phụ nữ phải gánh chịu.
Vũ Nương còn là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa, “sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh”. Chiến tranh loạn lạc đã đẩy gia đình nàng vào cảnh li tán, vợ chồng xa cách đôi người hai ngả. Ngày qua ngày, niềm tin dành cho nhau cứ thế mà kiệt quệ, dẫn đến hiểu lầm. Có lẽ, trận chiến chính là cửa ải thử thách tình yêu và niềm tin của Trương Sinh dành cho vợ. Và chàng đã thất bại, mù quáng nghĩ oan và vu khống cho Vũ Nương. Rõ ràng, chiến tranh phong kiến chính là ngòi nổ tiếp tay cho những bi kịch, giông bão trong cuộc đời người phụ nữ bất hạnh ấy.
Ở chốn “làng mây cung nước” nàng được sống một cuộc đời bất tử và sung mãn, một cuộc đời mà biết bao người trần mắt thịt mong ước. Thế nhưng, Vũ Nương chẳng hề tận hưởng kiếp sống ấy và nàng cũng chẳng thể chạm tay đến thứ hạnh phúc thật sự. Bởi nàng “bất tử” nên nỗi nhớ gia đình cứ đeo đẳng nàng mãi. Nỗi đau đáu ấy trở thành một vết sẹo trong tim nàng mà chẳng có một hào nhoáng xa hoa nào có thể chữa khỏi. Bên cạnh đó, sự trở về của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang rất lộng lẫy nhưng lại ở rất xa, rất mơ hồ “lúc ẩn lúc hiện” và “chỉ trong phút chốc”. Cảnh đoàn tụ chỉ là ảo ảnh nhanh chóng tan biến. Còn việc Vũ Nương “chẳng thể trở về nhân gian được nữa”, nỗi khổ đau li biệt cho cả gia đình nàng, lứa đôi chia lìa hai cõi âm - dương là sự thật, là mãi mãi. Với kết thúc không trọn vẹn, Nguyễn Dữ đã cho thấy một quan niệm rằng hạnh phúc khó có, khó giữ mà đã đổ vỡ rồi thì sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được, như bát nước đã đổ đi thì chẳng thể vớt lại cho đầy.
Khép lại những trang viết thăng trầm của “Chuyện người con gái Nam Xương”, ta không khỏi thán phục trước những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Tác giả xây dựng tình huống truyện bất ngờ là lời nói ngây thơ của bé Đản, hình ảnh “chiếc bóng” vô tri vô giác đã đẩy đưa số kiếp của Vũ Nương rơi vào vực sâu bi kịch, gia đình chịu cảnh chia lìa tang thương. Tác phẩm không kể lại chuyện đời một cách khô khan và cứng nhắc mà là sự chung hòa giữa tự sự và trữ tình kết hợp với những yếu tố kì ảo hoang đường. Đây là cách thức kể chuyện độc đáo, dẫn lối người đọc dấn thân vào các tình tiết.
“Chuyện người con gái Nam Xương” thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Qua số phận và cuộc đời của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh kiếp sống bi thương của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, tác phẩm còn là tiếng kêu đanh thép lên án chế độ phong kiến với thói trọng nam khinh nữ, chồng chúa vợ tôi đầy bất công. Truyện còn tố cáo chiến tranh loạn lạc, phi nghĩa gây ra bao đau thương, tan vỡ cho những mái ấm gia đình. Trang truyện đã cho ta thấy cái tài cái tâm của người nghệ sĩ, niềm cảm thương sâu sắc của tác giả trước những phận đời “hồng nhan đa truân”, quẩn quanh trong bi kịch nối tiếp bi kịch.
(Tác giả: Gia Mẫn)
Phân tích nhân vật Vũ Nương siêu ngắn bài mẫu số 10
Nguyễn Dữ là một người học rộng tài cao sống ở thế kỉ XVI. “Truyền kì mạn lục” là truyện đặc sắc của ông, trong đó “Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong tác phẩm là truyện vô cùng hay và đặc sắc. Truyện đã xây dựng nhân vật Vũ Nương với vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trước tiên, vẻ đẹp của Vũ Nương được thể hiện qua lời giới thiệu ngay từ đầu của Nguyễn Dữ. Vũ Nương là người con gái thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp. Có thể nói, Nguyễn Dữ đã giới thiệu Vũ Nương là người con gái có vẻ đẹp một cách toàn diện, không chỉ vẻ đẹp bên ngoài mà cả phẩm chất bên trong. Về vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương thể hiện qua mỗi mốc thời gian cụ thể. Khi lấy chồng, nàng là một người con gái khéo léo, tế nhị. Trương Sinh trưởng giả hay ghen, Vũ Nương lại xinh đẹp nhưng nàng biết tính chồng luôn nhẫn nhịn để cuộc sống gia đình luôn hòa thuận.
Khi chồng đi lính, nàng là một người vợ chu đáo, giàu đức tính hy sinh, yêu thương chồng, chung thủy. Trước khi chồng đi lính nàng ân cần, dặn dò kĩ lưỡng, không mong vinh hiển, chỉ cầu chồng bình an, cảm thông nỗi vất vả, gian lao của chồng, không hề nghĩ tới bản thân, thể hiện nỗi khắc khoải nhớ mong. Khi chồng vắng nhà, buồn nhớ chồng: “Mỗi khi bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Kể cả khi bị chồng ruồng rẫy, nghi oan, chết vì bực tức vậy mà vẫn nghĩ đến chồng: gửi Phan Lang thoa vàng làm tin.
Là người phụ nữ đảm đang, lo toan gia đình với gánh nặng mẹ già, con nhỏ. Khi chồng vắng nhà, nàng đã một mình sinh con, chăm sóc con và yêu thương hết mực. Hằng đêm, chỉ cái bóng mình trên tường để dỗ dành con nói đấy là cha của nó. Nàng còn là người con hiếu thảo. Khi chồng đi vắng, tận tình chăm sóc mẹ chồng già yếu, ốm đau. Nàng lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ qua khỏi, thành tâm lễ bái thần phật. Khi mẹ mất thì ma tang, thương xót như bố mẹ đẻ. Cuối cùng Vũ Nương là người phụ nữ nhẫn nhịn, biết vươn tới lẽ công bằng. Khi chồng nghi oan, lời phân bua vẫn thấu tình đạt lý, thân phận vợ chồng tình nghĩa, khẳng định sự chung thủy. Lời nguyền trước khi chết để chứng minh sự thủy chung của mình. Lời nhắn gửi lập đàn giải oan.Có thể nói Vũ Nương là người phụ nữ hoàn hảo, lý tưởng của mọi gia đình, là khuôn vàng thước ngọc của mọi người phụ nữ nhưng Vũ Nương trong tác phẩm lại mang một số phận bất hạnh.
Ngay khi mở đầu, nàng đã mang số phận cô đơn, buồn tủi khi chồng đi lính. Vừa mới lấy nhau chưa được bao lâu thì Trương Sinh đi lính. Người phụ nữ ấy phải xa chồng một quãng thời gian dài ba năm. Trong khoảng thời gian ấy, Vũ Nương đã chu toàn hết mọi việc trong gia đình. Nhưng trong nàng vẫn mang sự cô đơn, thiếu bóng hình chồng. Chi tiết cái bóng trong truyện không chỉ để nói về sự quan tâm của Vũ Nương với bé Đản để mong con có một người cha. Mà chi tiết này nói đến nỗi nhớ chồng của nàng. Vũ Nương còn mang số phận bất hạnh khi nàng bị chồng nghi oan có người khác. Khi Trương Sinh trở về, nghe lời con thơ, chàng ta đã nghi ngờ vợ thất tiết. Vũ Nương mặc dù đã giải thích bằng tình nghĩa vợ chồng nhưng Trương Sinh không nghe. Nàng đã chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Nhưng chính sự trong sạch của nàng, mà nàng đã không chết mà ở lại dưới thủy cung. Và chi tiết cuối, nàng đã được trở về gặp lại chồng con lần cuối và được minh oan cho chính bản thân mình.
Vũ Nương mang vẻ đẹp và phẩm chất đáng quý của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhưng nàng lại chịu một số phận vô cùng bất hạnh. Số phận của nàng thật đáng thương. Qua nhân vật Vũ Nương, tác giả đã tố cáo xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công với người phụ nữ và bày tỏ niềm cảm thương với số phận của họ.
-/-
Ngoài văn mẫu phân tích nhân vật Vũ Nương, các em cũng có thể tham khảo thêm một số bài văn hay khác về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương:
- Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương
- Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Trên đây là những gợi ý quan trọng và cơ bản nhất cho bài văn phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đừng quên tham khảo trọn bộ văn mẫu lớp 9 hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để ôn luyện cho kì thi tuyển sinh vào 10 sắp tới!