Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn gồm những nội dung hướng dẫn phân tích đề, lập dàn ý chi tiết và một số mẫu bài văn hay giúp em tham khảo mở rộng vốn từ.
Hướng dẫn phân tích nét cổ điển và hiện đại trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
Phân tích nét cổ điển và hiện đại trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một đề bài hay được các thầy cô sử dụng cho việc ôn luyện với học sinh giỏi. Trong chuyên mục Văn mẫu 11, Đọc Tài Liệu đã sưu tầm và biên soạn những hướng dẫn chi tiết cũng như những bài văn mẫu hay và hấp dẫn nhất cho các em học sinh tham khảo.
1. Phân tích đề
- Yêu cầu: phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Đây thôn Vĩ Dạ.
- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
- Phương pháp lập luận chính: phân tích, chứng minh.
2. Hệ thống luận điểm phân tích nét cổ điển và hiện đại trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
- Luận điểm 1: Nét cổ điển thể hiện ở thể thơ, thi liệu và nhịp điệu thơ
- Luận điểm 2: Nét hiện đại ở cách bộc lộ tâm trạng, thời gian nghệ thuật, hình ảnh, xu hướng thơ siêu thực, tượng trưng.
3. Lập dàn ý chi tiết nét cổ điển và hiện đại trong Đây thôn Vĩ Dạ
a) Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
+ Hàn Mặc Tử là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam.
+ Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử và cũng là một trong những thi phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam hiện đại.
- Dẫn dắt vấn đề: Nét cổ điển và hiện đại trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
b) Thân bài
* Khái quát về bài thơ:
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ sáng tác năm 1938 in trong tập Thơ điên về sau đổi thành Đau thương, được gợi cảm hứng từ tấm ảnh về phong cảnh Huế và lời hỏi thăm của Hoàng Cúc - người mà Hàn Mặc Tử ôm ấp mối tình đơn phương khi còn làm ở sở Đạc Điền.
- Giá trị nội dung: Bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
* Phân tích nét cổ điển
- Thể thơ 7 tiếng tuân thủ chặt chẽ hiệp vần, đối, điệp.
- Thi liệu lấy tứ từ thơ cổ:
+ Gió, trăng, thuyền, trúc, bến sông, thuyền,…
+ Hình ảnh hàng cau, lá trúc, vườn cây quen thuộc của thôn quê Việt Nam, là tình tự dân tộc trong ca dao và tâm hồn Việt Nam trong thơ cổ điển.
- Gợi tả, chấm phá "nắng hàng cau", "vườn ai mướt quá xanh như ngọc", khắc họa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tinh khôi của xứ Huế chỉ bằng hai câu thơ.
- Nhịp điệu thơ nhẹ nhàng tạo nên bởi nhịp điệu đều đều chậm rãi của thể thơ thất ngôn : 2/2/3 hoặc 4/3 với rất nhiều thanh bằng nằm ở vần thơ.
* Phân tích nét hiện đại
- Tác giả bộc lộ tâm trạng trực tiếp
- Yếu tố tâm lí phức tạp, "điên loạn" thể hiện rõ qua sự thay đổi tâm trạng giữa các khổ thơ, các yếu tố không gian thời gian bị đảo lộn, không theo quy luật khách quan từ gần đến xa từ xa đến gần, không theo dòng chảy của thời gian mà theo dòng chảy của tâm trạng.
- Bài thơ liên kết với nhau không tuân theo tính liên tục của thời gian và tính duy nhất của không gian, mang tính chủ quan gắn với tâm lí và cảm quan của nhà thơ.
+ Thời gian mở đầu là buổi sớm tinh khôi nhưng đột ngột chuyển sang đêm trăng đầy mong ngóng, lo âu, buồn đến nao lòng và kết thúc trong thời gian mộng ảo, không xác định.
+ Không gian trong bài thơ là không gian xứ Huế, cách trở, huyền hồ "mờ nhân ảnh”. Không gian xa xôi, ngăn cách ấy không phải vì không gian địa lí mà đó là sự cách trở của hai tâm hồn, là nỗi niềm thổn thức của Hàn thi sĩ. Không gian ở đây được soi chiếu qua lăng kính cảm xúc chủ quan của nhà thơ.
- Những hình ảnh vừa quen thuộc dân dã đã được Hàn Mặc Tử biến trở thành mới lạ hiện đại.
+ Không chỉ hàng cau, mà nắng mới trên hàng cau
+ Không chỉ khám phá ra những lá non xanh mướt của vườn cây mà còn nhận ra cái màu xanh ngọc sang trọng
+ Không nhắc lại ngõ trúc, cành trúc hiu quạnh tĩnh mịch của ngày xưa mà là “lá trúc che ngang mặt chữ điền“
- Xu hướng thơ siêu thực, tượng trưng
+ Hình ảnh "trăng" không còn là ánh trăng của thi ca cổ điển nữa, nó đã được làm mới qua hình ảnh “sông trăng” toát lên thứ ánh vàng kì lạ, như sáng bừng một góc xứ Huế, sáng dậy một góc trong tâm thức thi sĩ
+ Xưa nay mây đi theo gió, gió thổi mây bay, giờ thì gió theo lối gió, mây đường mây, một hình ảnh siêu thực, hình ảnh của chia li.
- Nhạc điệu thơ là nhạc điệu của tâm hồn có nhiều trạng thái đặc biệt, kết hợp các từ láy hay chú công trong thanh điệu
- Bài thơ có cấu trúc rất lạ: sự việc, con người được kể lại không theo bút pháp kể chuyện, sự vận động của hình tượng thơ cũng không phải là nhịp điệu chuyển hoá tâm trạng của nhân vật trữ tình.
- Mạch phát triển thống nhất nhưng có một bước “nhảy vọt nghệ thuật" giữa các khổ thơ: mỗi khổ thơ tồn tại độc lập, không quan hệ với nhau.
c) Kết bài
- Khái quát lại nét cổ điển và hiện đại của bài thơ.
- Nêu cảm nhận của em cảm nhận bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Bài văn mẫu phân tích nét cổ điển và hiện đại trong Đây thôn Vĩ Dạ
Nếu Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong tất cả những nhà thơ mới thì Hàn Mặc Tử là nhà thơ lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Đọc thơ Hàn thi sĩ ta bắt gặp một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người đến khát khao, cháy bỏng; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Trong thơ Hàn, nhiều bài thơ mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo… nhưng đó là hình chiếu ngược của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời.
"Đây thôn Vĩ Dạ" là bài thơ hay và tiêu biểu nhất cho phong cách tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử, bài thơ đã được nhà phê bình Hoài Thanh chọn in trong tập "Thi nhân Việt Nam" (1941). Đây có thể xem là một chủ âm trong cây đàn thơ muôn điệu của Hàn Mặc Tử, là một thi phẩm xuất sắc của thi đàn Thơ mới. Hàn Mặc Tử quan niệm “Ta không nên quên thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần Việt Nam của ta. Hơn nữa cái tinh thần phương Đông mà rung cảm tâm hồn người ta là nhờ ở cái đẹp kín đáo, cái tình sâu sắc, cái buồn thấm thía”. "Đây thôn Vĩ Dạ" cũng theo tinh thần ấy, bài thơ là sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại.
>>> Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua Đây thôn Vĩ Dạ
Buổi đầu, để khẳng định cái mới, đề cao Thơ mới, người ta cho rằng Thơ mới đã đoạn tuyệt với thơ cổ. Thực ra, trong quá trình vận động, Thơ mới luôn tiếp nối văn mạch của thơ cổ, tiếp thu tinh hoa thơ cổ. Chịu ảnh hưởng thi ca Pháp nhưng Thơ mới có liên hệ sâu sắc với Đường thi. Trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ", yếu tố truyền thống trước hết thể hiện ở thể thơ 7 tiếng tuân thủ chặt chẽ hiệp vần, đối, điệp. Thi liệu lấy tứ từ thơ cổ: gió, trăng, thuyền, trúc, bến sông, thuyền,…
Hình ảnh hàng cau, lá trúc, vườn cây là hình ảnh của thôn quê Việt Nam. Hình ảnh ấy đã trở thành tình tự dân tộc trong ca dao, và tâm hồn Việt Nam trong thơ cổ điển.
“Gió đưa cành trúc la đà"
(Ca dao)
“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo“
(Thơ Nguyễn Khuyến)
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
Tứ thơ có cái cao rộng trí tuệ của dòng Trường Giang chảy bên trời trong thơ cổ điển (vì sông trăng cũng chảy ngang bầu trời, như sông Ngân Hà), vừa có cái ấn tượng thân phận mơ hồ sâu xa của “thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa“ trong thơ Nguyễn Du, lại có cái cảm thức đời thực của những con đò chở khách hay con thuyền đánh cá trở về vào buổi tối.
Nét truyền thống trong thơ trung đại được Hàn Mặc Tử vận dụng trong việc gợi tả, chấm phá "nắng hàng cau", "vườn ai mướt quá xanh như ngọc", khắc họa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tinh khôi của xứ Huế chỉ bằng hai câu thơ. Cần chi phải tả nhiều, viết nhiều, ngần ấy thôi cũng đủ cho bạn đọc cảm nhận về thôn Vĩ tươi đẹp trong kí ức nhà thơ.
Nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, toàn bài thơ luôn duy trì một âm điệu trầm buồn, sâu lắng, rất thích hợp để diễn tả tâm trạng của nhà thơ. Âm điệu này được tạo nên bởi nhịp điệu đều đều chậm rãi của thể thơ thất ngôn: 2/2/3 hoặc 4/3 với rất nhiều thanh bằng nằm ở vần thơ. Câu thơ của Hàn Mặc Tử về bến sông trăng và thuyền ai gợi nhớ đến vần ca dao thuyền nhớ bến… bến đợi thuyền.
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
(Ca dao)
Và vì thế nó gợi lên một mối tình thương nhớ, đợi chờ man mác, mơ hồ, bâng khuâng. Toàn bài thơ có 4 từ “ai” đại từ phiếm chỉ cùng xuất hiện trong các câu hỏi tu từ, không chỉ góp phần tạo nên âm điệu lâng lâng, ngỡ ngàng mà còn dẫn hồn người đọc nhớ về một miền dân ca Huế man mác sâu lắng, bồi hồi, thiết tha:
“Núi Truối ai đắp mà cao,
Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?
Nong tằm ao cá nương dâu
Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò…”
Phân tích nét cổ điển và hiện đại trong Đây thôn Vĩ Dạ
Nét hiện đại trong thơ Mới thể hiện rõ ràng nhất ở cách bộc lộ tâm trạng trực tiếp của tác giả. Yếu tố tâm lí phức tạp, "điên loạn" thể hiện rõ qua sự thay đổi tâm trạng giữa các khổ thơ, các yếu tố không gian thời gian bị đảo lộn, không theo quy luật khách quan từ gần đến xa từ xa đến gần, không theo dòng chảy của thời gian mà theo dòng chảy của tâm trạng. Tâm trạng buồn của nhà thơ lại in đậm nỗi buồn, cô đơn của thời đại, khát khao yêu đương chân thành, đằm thắm, sự gắn bó với xứ Huế, một miền đất quê hương... Từ ao ước, đắm say đến hoài vọng, đợi chờ và mơ tưởng, hoài nghi để cuối cùng sầu muộn và bi quan, yếm thế. Tất cả chỉ là những cung bậc khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là một nỗi niềm thiết tha giao cảm với đời, với con người.
Từ góc độ không gian - thời gian nghệ thuật, bài thơ liên kết với nhau không tuân theo tính liên tục của thời gian và tính duy nhất của không gian: cảnh vườn thôn Vĩ tươi sáng trong ánh nắng mai với cảnh sắc bình dị mà tinh khôi, đơn sơ mà thanh tú, nghiêng về cảnh thực; cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo, thực hư xen lẫn vào nhau chập chờn chuyển hóa và hình bóng “khách đường xa” nơi chốn sương khói mông lung, cảnh chìm trong mộng ảo. Không - thời gian nghệ thuật của bài thơ được sáng tạo mang tính chủ quan gắn với tâm lí và cảm quan của nhà thơ.
Thời gian trong bài thơ tồn tại không có tính liên tục, bị đứt nối, ngắt quãng: cảnh thôn Vĩ vào buổi sớm tinh mơ - cảnh sông nước đêm trăng và cuối bài thơ chỉ còn là thời gian vô thức, không xác định. Thời gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” như một dòng chảy trôi những đứt nối của một nỗi niềm thiết tha gắn bó với đời, khát vọng sống đến khắc khoải.
Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng thể hiện một quan niệm thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Thời gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” đã thể hiện quan niệm của Hàn Mặc Tử về thế thái nhân sinh. Cuộc đời là một chuỗi thời gian đứt gãy, chắp nối và cuối cùng tan vào hư vô. Mở đầu bài thơ, thời gian bắt đầu một ngày mới “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”, cảnh vật tràn đầy sức sống. Thời gian thường vận động theo dòng vận động tuyến tính, một chiều.
Thế nhưng, nét mới, nét hiện đại ở đây là thời gian trong bài thơ không liên tục mà ngắt quãng. Thời gian mở đầu là buổi sớm tinh khôi nhưng đột ngột chuyển sang đêm trăng đầy mong ngóng, lo âu, buồn đến nao lòng và kết thúc trong thời gian mộng ảo, không xác định. Sự đứt nối thời gian trong bài thơ như một nỗi niềm tâm sự của nhà thơ về cuộc đời và kiếp sống mong manh, đứt đoạn của con người, của Hàn Mặc Tử - một kiếp người dang dở tình duyên và sự nghiệp văn chương.
Thời gian của bài thơ không mang tính liên tục còn không gian lại không tuân theo tính duy nhất. Không gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” là không gian của sự chia lìa. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học là mô hình thế giới độc lập, có tính chủ ý và mang ý nghĩa tượng trưng của tác giả, là không gian tinh thần của con người, là không gian sống mà con người cảm thấy trong tâm tưởng. Không gian nghệ thuật là loại không gian topos, là không gian cảm giác được, là không gian nội cảm chứ không phải như không gian mặt phẳng kiểu Euclid. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó không thể quy không gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” về không gian địa lí hay không gian vật lí, vật chất.
Không gian trong bài thơ là không gian xứ Huế, cách trở, huyền hồ ”mờ nhân ảnh”. Không gian xa xôi, ngăn cách ấy không phải vì không gian địa lí mà đó là sự cách trở của hai tâm hồn, là nỗi niềm thổn thức của Hàn thi sĩ. Không gian ở đây được soi chiếu qua lăng kính cảm xúc chủ quan của nhà thơ.
Những hình ảnh vừa quen thuộc dân dã đã được Hàn Mặc Tử biến trở thành mới lạ hiện đại. Hàn Mặc Tử đã truyền vào những chất liệu ấy một màu sắc thẩm mỹ mới. Không chỉ hàng cau, mà nắng mới trên hàng cau; không chỉ khám phá ra những lá non xanh mướt của vườn cây mà còn nhận ra cái màu xanh ngọc sang trọng; không nhắc lại ngõ trúc, cành trúc hiu quạnh tĩnh mịch của ngày xưa mà là “lá trúc che ngang mặt chữ điền“. Câu thơ bao hàm được cả khung cảnh làng quê, ngõ trúc và cuộc sống đang diễn ra, gần gũi thân thương…
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
Khổ thơ vẽ nên cảnh sắc vừa thực vừa hư ảo, vừa là Quy Nhơn (ở đây), vừa là ấn tượng xứ Huế trong linh hồn đau thương của Hàn Mặc Tử, cảnh vừa trong thực tại hôm nay trong cõi đời này, lại vừa như ở nơi xa mờ ngoài cõi nhân gian. Trong không gian của thế giới đa chiều ấy, linh hồn Hàn Mặc Tử vừa hy vọng vừa tuyệt vọng, vừa hướng ra xa tìm kiếm mong đợi, vừa nhìn vào trong thương cho số phận mình. Điều lay động sâu xa nơi người đọc vẫn là tấm lòng thiết tha của Hàn Mặc Tử với cuộc đời, với đất nước, con người quê hương.
Điều kỳ diệu là, trong nỗi bi thương và tuyệt vọng không cùng ấy, hình ảnh quê hương, con người xứ Huế hiện lên thật trong trẻo khôi nguyên. Nắng mới trên hàng cau, vườn cây xanh ngọc, con thuyền đậu bến sông trăng, áo em trắng quá… Đó cũng là linh hồn tinh khôi của Hàn Mặc Tử, người đã vượt lên trên cái bi thương tuyệt vọng, vượt lên trên sự nhạt nhòa cõi chết, để sống mãi với đời trong niềm khát khao vô hạn cõi nhân sinh tuyệt diệu này.
“Trăng” là hình ảnh khá quen thuộc trong thơ ca trung đại để tỏ chí, tỏ lòng nhưng trong bài thơ này không còn là ánh trăng của thi ca cổ điển nữa, nó đã được tác giả làm mới qua hình ảnh “sông trăng”. Không còn là ánh trăng cô đơn trên cao, không phải là ánh trăng để người thi sĩ giài bày, "sông trăng" toát lên thứ ánh vàng kì lạ, như sáng bừng một góc xứ Huế, sáng dậy một góc trong tâm thức thi sĩ. Hình ảnh "trăng" xuất hiện rất nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử, nó gần như trở thành một nỗi ám ảnh trong thơ ông. Nhà phê bình Đặng Tiến có nhận xét minh xác về trăng Hàn thế này: “Trăng là nguồn sống để đối diện, giãi bày nỗi lòng của thi sĩ. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là ánh sáng huyền ảo và hắt hiu mà nó như một vật cụ thể khả xúc”.
Cảnh mây gió, sông nước, đêm trăng xứ Huế êm đềm thơ mộng. Xứ Huế có dòng sông Hương nuớc lững lờ trôi. Thuyền của du khách xuôi êm như ru qua các cù lao, hai bên bờ đậm nhạt hoa cỏ. Ở cù lao Hến người xứ Huế trồng bắp, hoa bắp lay theo gió. Khách tham quan có thể ghé vào thưởng thức những trái bắp ngọt… Đêm trăng sông Hương là một không gian tuyệt vời, bầu trời rất trong và thoáng đãng, không gian tràn ngập ánh trăng. Trăng tuôn chảy thành dòng, Hàn Mặc Tử gọi đó là sông trăng. Con thuyền đậu bến sông trăng, như trong một thế giới trong veo của sự thanh khiết bình an và lãng mạn.
Những nét vẽ cảnh vật của Hàn Mặc Tử sắc xảo, tinh tế và có thần. Ai đã từng thả thuyền trên sông Hương ban ngày hoặc xuôi theo dòng trong đêm trăng đều nhận ra cái tài hoa rất mực của Hàn Mặc Tử trong tứ thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Khổ 2 là bức tranh siêu thực về cảnh sắc xứ Huế qua tâm trạng của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử nhìn đâu cũng thấy sự chia ly. Nỗi buồn thương bao trùm lên tất cả.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Xưa nay mây đi theo gió, gió thổi mây bay. Giờ thì gió theo lối gió, mây đường mây, một hình ảnh siêu thực, hình ảnh của chia li. Mây, gió trở thành ẩn dụ cho sự chia xa không sao hàn gắn được trong tâm thức Hàn Mặc Tử. Dòng sông Hương giờ chỉ còn là “dòng nước buồn thiu“, vắng lặng, thê thiết. Hoa bắp lay và dòng nước buồn thiu hình như chẳng có liên quan gì với nhau. Đó là hai thực tại vô duyên, nhạt nhẽo.
Gọi là vô duyên bởi vì so với các loài hoa, thì hoa bắp là loại hoa không hương không sắc, chẳng ai để ý. Người nông dân nhìn hoa bắp để biết trái bắp non hay già. Khi hoa bắp khô, ấy là lúc trái bắp đã cứng hạt, có thể thu hoạch. Hoa bắp trên thân cây khô chẳng gợi ra được bất cứ cảm xúc thẩm mĩ nào. Khác với “hoa trôi man mác biết là về đâu“ (Truyện Kiều) gợi ra số phận buồn thương. Trong mắt nhìn của Hàn Mặc Tử, thực tại bây giờ là thực tại vô duyên, lạnh nhạt, thê thiết. Hàn Mặc Tử đã xa lạ với thực tại ấy, đang mất dần những mối quan hệ với thực tại ấy, chẳng thể giữ được điều gì.
Hàn Mặc Tử đã đem đến cho thơ ca Việt Nam những điều mới mẻ của nghệ thuật siêu thực. Cảnh sắc mây gió, sông nước, đêm trăng xứ Huế đã thăng hoa thành cái đẹp, cái đẹp vượt trên thực tại, để cùng với cái đẹp hiện thực của xứ Huế làm nên tứ thơ lạ lùng, như chưa từng có. Quả thật khó có nhà thơ nào viết được những tứ thơ hay hơn, độc đáo hơn về trăng như dòng sông trăng của Hàn Mặc Tử. Bức tranh thiên nhiên siêu thực đã làm thay đổi phẩm chất thơ trữ tình: Thơ trữ tình Hàn Mặc Tử trở thành thơ trữ tình hướng nội.
Thử so sánh với các nhà thơ khác. Xuân Diệu chiêm ngắm mùa thu ở ngoài tâm hồn mình, từ đó cảm nhận cái đẹp khách thể của thiên nhiên trong Đây mùa thu tới, Huy Cận trải lòng mình trên “sông dài, trời rộng bến cô liêu“ mà nghe “lòng quê dợn dợn vời con nước" (Tràng giang). Còn Hàn Mặc Tử lại tự hỏi, con thuyền đậu bến sông trăng kia “có chở trăng về kịp tối nay“.
Nhạc điệu thơ Hàn Mặc Tử là nhạc điệu của tâm hồn có nhiều trạng thái đặc biệt. Hàn Mặc Tử hay dùng cách kết hợp các từ láy hay chú công trong thanh điệu để diễn tả những khúc nhạc lòng buồn miên man hoặc trầm lắng du dương. Một chữ “mơ” đầy tình tứ trong câu thơ có nhạc điệu chơi vơi: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Du khách hay thôn nữ Vĩ Dạ? Chắc lại là giai nhân mà thi nhân từng mơ ước: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Vừa thực vừa mộng. Con người của thực tại hay con người trong hoài niệm? Sương khói của bến sông trăng hay miệt vườn Vĩ Dạ đã làm mờ nhân ảnh của giai nhân? Trong cảnh có tình, trong tình có màn sương khói, một thứ tình yêu kín đáo, e dè, thiết tha.
Cùng với việc đổi mới câu thơ, đổi mới từ ngữ, Thơ mới có sự vận động tăng cường tầng nghĩa sâu theo "Nguyên lí tảng băng trôi" (Hemingway) bằng các biện pháp ẩn dụ, chuyển đổi cảm giác, tạo nghĩa gợi ý, ẩn ý, hàm ý. Theo Chế Lan Viên, trong thơ có "bề mặt" ,"bề sâu" và cả "bề xa" nữa. Câu thơ mở đầu bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ" là một câu hỏi phản ánh nội tâm phong phú và tuyệt vời tế nhị. Từ "sao" là từ để hỏi, đặt ở đầu câu như nỗi niềm da diết, bức xúc bị dồn nén quá lâu nay mới được bật ra.
Câu thơ có 6 thanh bằng ở đầu, thanh trắc ở cuối vút lên tạo âm điệu đặc biệt: nửa như trách cứ day dứt mà nhẹ nhàng, nửa như mời gọi giục giã mà thiết tha. Người hỏi là ai ? Một cô gái hay chính thi sĩ ? Có lẽ cả hai! Hay đúng hơn, chính Hàn Mặc Tử phân thân để tự đối thoại. Từ tấm lòng thi sĩ vút lên câu hỏi khắc khoải vừa thương nhớ Huế, vừa thương nhớ Người. Tình yêu đồng vọng với tình quê khiến hình ảnh thôn Vĩ hiện về tràn ngập tâm hồn thi sĩ. Ở đây, sự giao tiếp của thơ thực hiện vừa bằng cảm xúc, vừa bằng trí tuệ, vừa bằng cả thẩm mĩ các giác quan hòa quyện.
Bài thơ có cấu trúc rất lạ. Sự việc, con người được kể lại không theo bút pháp kể chuyện, sự vận động của hình tượng thơ cũng không phải là nhịp điệu chuyển hoá tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tuy vậy, ba khổ thơ vẫn liền một mạch. Trước hết có sự liền mạch là do các câu hỏi được lặp lại trong mỗi khổ thơ. Phép lặp cấu trúc tạo nên sự kết nối. Nhưng cái mạch chính của bài thơ là ấn tượng của Hàn Mặc Tử về cảnh sắc, con người xứ Huế đẹp, thơ mộng, êm đềm.
Mỗi khổ thơ là một bức tranh xứ Huế trong những thời gian khoảnh khắc khác nhau. Vườn cây, hàng cau, con thuyền đậu bến sông trăng, thiếu nữ xứ Huế trắng lóa trong sương. Ba bức tranh tuy là riêng biệt nhưng vẫn là những nét đẹp đặc thù trong tổng thể đất nước con người xứ Huế. Mạch phát triển tình cảm xuyên suốt bài thơ cũng là mạch thống nhất, đó là tình cảm đằm thắm sâu nặng của Hàn Mặc Tử với quê hương xứ Huế, dù cung bậc và sắc thái tình cảm có khác nhau, song tình cảm ấy của Hàn Mặc Tử vẫn là một khối tinh ròng và lấp lánh những sắc màu của tình quê hương, tình tự dân tộc, vì thế bài thơ có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn người đọc.
Mạch phát triển thống nhất nhưng có một bước “nhảy vọt nghệ thuật“ giữa các khổ thơ. Nghĩa là mỗi khổ thơ tồn tại độc lập, không quan hệ với nhau, dường như còn có vẻ xa lạ với nhau. Chẳng hạn khổ đầu có nhân vật “anh", khổ thứ hai có nhân vật “ai” và khổ ba có nhân vật “em“. Không thể có một nhân vật trữ tình vừa là em đối thoại với anh, vừa là mình đối thoại với ai, lại vừa là anh đối thoại với em trong cùng một bài thơ. Cũng xa lạ như vậy về bút pháp, khổ một được viết bằng bút pháp hiện thực. Cảnh và người là cảnh thực, thực đến từng chi tiết, chẳng hạn chi tiết lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Khổ thơ hai, cảnh không còn là cảnh hiện thực nữa. Hiện thực thăng hoa thành siêu thực. Người đọc chỉ còn thấy một vài dấu tích của hiện thực: dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay, con thuyền, dòng sông. Và ngay cả những dấu tích ấy, cũng nhòa đi trong tâm tưởng Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử đang đâu đó khuất trong bóng tối, nhìn ra ngoài kia, thấy rất rõ đường nét, linh hồn của mây, gió, sông nước, và dòng sông trăng soi sáng con thuyền chở trăng đang đậu bến. Đến khổ thơ ba, Hàn Mặc Tử đã ở nơi xa lắm, ngoài cõi nhân gian, nhìn thấy mình đã “mờ nhân ảnh“ trong cõi người. Đó không còn là cái nhìn siêu thực, mà là cái nhìn bằng tâm linh. Chỉ khi linh hồn thoát ra khỏi thân xác, bước vào cõi ánh sáng chói lóa nhìn không ra, thì khi ấy mới nhìn thấy con người trần gian mờ mờ nhân ảnh.
Hàn Mặc Tử đã đem đến một bút pháp mới lạ cho thơ Việt Nam. Từ bút pháp hiện thực, tượng trưng quen thuộc, thơ ca đã đã bước hẳn sang thế giới siêu thực. Hơn thế, Hàn Mặc Tử còn dẫn thơ ca vào cõi tâm linh nhưng lại rất dân dã và hiện thực. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ tiêu biểu cho Thơ mới, có sự kết hợp giữa tinh hoa thơ trung đại và nét mới mẻ của thơ hiện đại phương Tây. Từ đó thấy rằng thơ mới là một bước tiếp nối, phát triển của thơ ca dân tộc chứ không phải là bước đoạn tuyệt với thơ trung đại.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Đây thôn Vĩ Dạ
-/-
Tuy gợi ý trên đây chưa phải là một bài văn hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu cuối cùng của đề bài phân tích nét cổ điển và hiện đại trong Đây thôn Vĩ Dạ, nhưng các em học sinh có thể dựa vào đó kết hợp với những câu nối, đoạn văn nối để tạo sự liên kết giữa các ý. Chúc các em học tốt Ngữ văn 11.