Trang chủ

Phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo

Xuất bản: 20/08/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo, gợi ý xây dựng mẫu dàn ý và một số bài văn mẫu phân tích một tác phẩm truyện có điểm nhìn độc đáo

Để tạo nên thành công của một tác phẩm truyện, việc tác giả chọn được điểm nhìn độc đáo về đối tượng miêu tả, thể hiện giữ vai trò rất quan trọng. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em cách phân tích một truyện mà em cho là có điểm nhìn độc đáo để có những khám phá thú vị về chiều sâu của tác phẩm.

Dàn ý phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả và nêu vấn đề cần phân tích (điểm nhìn độc đáo).

2. Thân bài

a) Giới thiệu chung về tác phẩm: Tóm tắt nội dung, bối cảnh, nhân vật.

b) Phân tích điểm nhìn độc đáo của truyện

- Xác định rõ người kể chuyện là ai (nhân vật trong truyện, người kể chuyện ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba toàn tri,...)

- Đặc điểm của điểm nhìn:

+ Người kể chuyện biết được những gì, không biết những gì?

+ Người kể chuyện có những suy nghĩ, cảm xúc, đánh giá như thế nào về các nhân vật và sự kiện?

+ Điểm nhìn được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật nào?

- Tác dụng của điểm nhìn đó:

+ Giúp người đọc hiểu sâu hơn về nhân vật, sự việc.

+ Tạo ra những bất ngờ, thú vị, không khí hồi hộp, căng thẳng...

+ Làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về chủ đề của tác phẩm.

+ Giúp người đọc hiểu rõ quan điểm, thái độ của tác giả đối với vấn đề được đặt ra.

- Có thể so sánh điểm nhìn trong tác phẩm này với điểm nhìn trong các tác phẩm khác để làm nổi bật sự độc đáo.

3. Kết bài

- Đánh giá chung về tác dụng của điểm nhìn độc đáo đối với việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Gợi ý một số tác phẩm truyện có điểm nhìn độc đáo

- Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam:

- Truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của O. Henry: Truyện được kể từ góc nhìn của một nhân vật phụ, giúp ta hiểu rõ hơn về sự hy sinh thầm lặng và tác động của nó đến người khác.

- Truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu: tạo dựng cốt truyện xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Điều này giúp ta nhìn thấy sự phức tạp của các mối quan hệ và những mâu thuẫn sâu xa trong xã hội, phản ánh hiện thực một cách khách quan và phong phú.

- "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng:

- “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh: điểm nhìn linh hoạt và đa dạng hóa, giúp người đọc có thể nhìn thấy cuộc sống và con người của các nhân vật từ những góc nhìn khác nhau, từ đó làm cho câu chuyện trở nên khách quan hơn.

- Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân: Truyện sử dụng ngôi kể thứ ba, người kể chuyện ẩn mình để câu chuyện được kể đạt mức độ khách quan cao nhất, thâu tóm các sự kiện tình tiết, thúc đẩy diễn biến các tình tiết của truyện phát triển.

- ....

Mẫu bài văn phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo

Phân tích một truyện có điểm nhìn độc đáo mẫu số 1

Trong kho tàng văn học Việt Nam, tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một trong số những truyện có điểm nhìn vô cùng độc đáo khiến câu truyện để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Câu chuyện nói về chiến tranh, lên án chiến tranh phi nghĩa nhưng những phân cảnh thuốc súng pháo đạn lại không phải nội dung của câu chuyện mà đó là tình cha con cảm động của ông Sáu và bé Thu.

Ông Sáu là một người chiến sĩ từ chiến trường trở về thăm nhà sau một thời gian dài vắng bóng. Ông hào hứng mong muốn gặp lại bé Thu-đứa con gái mà ông đã không được thấy mặt từ khi nó còn rất nhỏ. Nhưng mọi chuyện không như mong muốn khi mà bé Thu không chịu nhận ba mình chỉ vì ông có vết thẹo trên mặt do chiến tranh gây ra. Suốt ba ngày nghỉ ông luôn cố gắng kết nối mối quan hệ giữa hai cha con nhưng càng gần gũi bé Thu lại càng đẩy ông ra xa, thậm chí còn nói trống không, lạnh nhạt và bướng bỉnh với ba mình. Đỉnh điểm, trong bữa ăn, khi ông Sáu gắp cho con cái trứng cá, bé Thu đã hất văng ra, khiến ông Sáu giận dữ và đánh con. Cho đến khi được nghe bà kể về vết thẹo trên mặt ba mình bé Thu mới biết mình sai. Khi ông Sáu tạm biệt gia đình để quay lại chiến trường, bé Thu đã chạy ra gọi “Ba”, nhờ khoảnh khắc ngắn ngủi ấy mà tình cha con lại được hàn gắn. Sau này ông Sáu hi sinh, lúc hấp hối ông  đã nhờ anh Ba gửi cho bé Thu chiếc lược ngà mà ông làm tặng bé. Chiếc lược đến được tay bé Thu khi cô đã trở thành một cô giao liên xinh đẹp, dũng cảm.

Truyện được viết theo ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện là anh Ba- bạn thân của ông Sáu. Bởi điểm nhìn không phải từ tác giả cũng không phải từ nhân vật chính mà là từ một nhân vật phụ chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối nên tác phẩm được xây dựng vô cùng gần gũi lại có nét chân thực và chi tiết. Tình cảm cha con giữa ông Sáu cũng được miêu tả vô cùng cảm động và nghẹn ngào từ những phút giây gặp gỡ đến khoảnh khắc chia ly.

Từ góc quan sát của anh Ba, chúng ta có thể cảm nhận rõ hình tượng nhân vật ông Sáu và cả bé Thu qua những chi tiết giọng nói, biểu cảm, thái độ. Cốt truyện được xây dựng với những tình tiết bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lý. Qua giọng kể lôi cuốn đan xen những cảm xúc, suy nghĩ của anh Ba càng khiến câu chuyện được xác thực và hấp dẫn.

Thông qua góc nhìn của nhân vật, tác giả đã thành công xây dựng một câu chuyện vô cùng xuất sắc. Tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu cũng được miêu tả rất cảm động .Bằng những câu từ địa phương vô cùng gần gũi, giản dị và cách thể hiện tâm lý nhân vật khéo léo, nhà văn đã khiến người đọc có những xúc động, những ấn tượng khó quên với tác phẩm “ Chiếc lược ngà”.

Phân tích một truyện có điểm nhìn độc đáo mẫu số 2

Nguyễn Minh Châu, một trong những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả qua những tác phẩm giàu tính hiện thực và nhân văn. Trong số đó, truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" nổi bật với một điểm nhìn độc đáo, góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết điểm nhìn trong truyện ngắn này và làm rõ tác dụng của nó đối với việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Truyện được kể theo phương thức trần thuật thứ hai và cũng là tác phẩm có nghệ thuật kể chuyện đặc sắc trong chương trình văn học ở nhà trường. Người kể chuyện cũng là nhân vật chính trong tác phẩm, xưng tôi và kể lại những chuyện mà mình đã chứng kiến và đã tham gia, hơn nữa còn bày tỏ cả những suy nghĩ, đánh giá và cảm xúc.

Điểm nhìn nghệ thuật là điểm nhìn của nhân vật, của nhà nhiếp ảnh Phùng, người nghệ sĩ say mê cái đẹp cũng là một người lính từ chiến trường trở về làm cho câu chuyện trở nên tự nhiên, chân thật. Điều này có tác dụng rút ngắn khoảng cách giữa người đọc và tác phẩm.

Điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm chủ yếu là điểm nhìn của nhân vật Phùng = tôi = người kể chuyện. Điểm nhìn ấy trước hết là điểm nhìn của người nghệ sĩ say mê và tìm kiếm cái đẹp nên khi tìm thấy cái đẹp, Phùng hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh vật thiên nhiên mà anh cho là cảnh trời cho, cả đời bấm máy anh mới gặp một lần. Điểm nhìn tiếp theo là điểm nhìn của người ngoài cuộc chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài. Điểm nhìn của một người lính từ chiến trường trở về, đã từng phải vào sinh ra tử để bảo vệ đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của con người khiến Phùng không thể chấp nhận cảnh tượng đó. Anh đã xông vào can thiệp để từ đây điểm nhìn của người kể chuyện = nhân vật là điểm nhìn của người trong cuộc có những ảnh hưởng nhất định đến diễn biến của câu chuyện.

Từ điểm nhìn nghệ thuật của nhân vật đồng thời là người kể chuyện, thời gian trần thuật được kể theo trật tự tuyến tính, tức là theo trình tự thời gian thông thường làm cho mạch truyện diễn ra tự nhiên, các chi tiết truyện kết nối với nhau một cách hợp lý và chặt chẽ. Bắt đầu từ chuyện Phùng được giao nhiệm vụ đến vùng biển để chụp một bức ảnh về cảnh biển trong một buổi sáng có sương mù. Anh đã đến vùng biển cũng là chiến trường cũ nơi anh từng chiến đấu để chụp ảnh, ở đó anh còn có một người bạn chiến đấu nay làm chánh án tòa án huyện. Tại đây anh có hai phát hiện bất ngờ. Phát hiện thứ nhất là một bức tranh nghệ thuật toàn bích và lãng mạn về cảnh vật thiên nhiên buổi sáng hôm ấy. Phát hiện thứ hai là bức tranh hiện thực đời sống đầy nghiệt ngã về cuộc sống của gia đình hàng chài. Anh đã tham gia vào câu chuyện của gia đình hàng chài và từ trái tim của người nghệ sĩ mang nặng tình đời, tình người anh rút ra những chiêm nghiệm về đời sống và nghệ thuật.

Xét về góc độ điểm nhìn thì truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đều không tạo dựng cốt truyện theo một điểm nhìn đơn nhất mà xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhưng điểm khác nhau là ở chỗ, trong truyện ngắn này người kể chuyện còn đồng thời là nhân vật.

Trong “Chiếc thuyền ngoài xa” ta còn thấy có điểm nhìn của người đàn bà, của Đẩu khi họ nói về nhân vật người đàn ông ở tòa án huyện. Điểm nhìn của Đẩu là điểm nhìn của một vị chánh án, người bảo vệ công lý, trừng trị cái xấu và cái ác. Trong mắt anh người đàn ông là kẻ độc ác không thể chấp nhận được. Nhưng từ điểm nhìn của người đàn bà xấu xí, thất học và cam chịu thì ông ta là người ơn vì đã lấy chị, vì đã giúp chị nuôi đàn con. Theo người đàn bà ông ta là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, thậm chí chị còn cho rằng về bản chất ông ta là người “cục tính nhưng hiền lành lắm”…

Chính vì xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau mà sự phản ánh hiện thực được thể hiện một cách khách quan và phong phú. Để rồi từ chỗ nhìn nhận về sự việc, nhân vật ở nhiều góc độ xa và gần, bên ngoài và bên trong và từ nhiều phía nhà văn Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ nhìn nhận của mình về cuộc đời và con người. Cuộc đời hóa ra không hề đơn giản, xuôi chiều mà nhiều khi rất phức tạp, bản chất của cuộc đời là đa sự và con người thì đa đoan. Vì vậy con người cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để nhận ra bản chất bên trong của đời sống và con người. Điều đó làm tăng giá trị nhận thức cho tác phẩm.

Truyện được kể từ điểm nhìn của nhân vật nên diễn biến sự kiện mang đậm tính chủ quan. Ở đây, nhân vật phải có cái nhìn của một nghệ sĩ thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên một cách trực tiếp “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.

Những tình cảm, cảm xúc và thế giới nội tâm của nhân vật Phùng cũng xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm như “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy cảnh “đắt” như trời cho như vậy”, “Trong giây phút bối rối tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”, “Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng…”. Khi nhân vật là người kể chuyện thì thái độ, tình cảm của anh ta thường được bộc lộ qua động từ phán đoán hay khắng định:“Có lẽ”, “chắc chắn”, “ chắc mẩm”, “tưởng”… Những động từ này có tác dụng truyền đến cho người đọc những xúc cảm, đánh giá của người kể chuyện.

Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chọn điểm nhìn người kể chuyện là điểm nhìn của một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường và chọn không gian chuyện ở một vùng biển vốn là chiến trường cũ vẫn còn dấu tích chiến tranh với những chiếc xe tăng hỏng. Điểm nhìn nghệ thuật cũng như không gian nghệ thuật này đã gợi mở thêm giá trị cho tác phẩm, giúp người đọc nhận ra rằng cái nghèo đói, thất học là hậu quả của chiến tranh tàn khốc và cuộc chiến chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cái đẹp, cái thiện trong đời thường có khi còn cam go hơn việc chiến đấu chống lại kẻ thù trong chiến tranh. Hơn nữa, cũng không phải ngẫu nhiên Nguyễn Minh Châu chọn điểm nhìn của một nghệ sỹ đam mê nghệ thuật, bởi chỉ có như vậy nhà văn mới thể hiện những phát hiện và phát ngôn những triết lý về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Con thuyền nghệ thuật lung linh, huyền ảo và đầy lãng mạn thì ở rất xa còn hiện thực đời sống nhiều khi nghiệt ngã lại ở rất gần. Hãy đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời vì nghệ thuật chân chính phải là cuộc đời và vì cuộc đời. Người nghệ sĩ tài năng cần biết nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phải là người nhận ra sự thật ẩn khuất sau màn sương huyền ảo, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa của cuộc sống và nghệ thuật chân chính.

Nguyễn Minh Châu là các nhà văn xuất sắc, có nhiều đóng góp cho Văn học Việt Nam hiện đại. Chiếc thuyền ngoài xa là những truyện ngắn tiêu biểu, có nội dung và tư tưởng sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Điểm nhìn nghệ thuật không chỉ giúp người đọc thâm nhập sâu vào tác phẩm trên bình diện nghệ thuật mà từ đó còn khám phá một cách sâu sắc giá trị nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm ở đứa con tinh thần của mình. Từ việc phân tích điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm người đọc còn có thể tìm ra được nét riêng độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, cao hơn nữa là nhận thức tác phẩm ở góc độ phong cách học và thi pháp học.

Phân tích một truyện có điểm nhìn độc đáo mẫu số 3

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn mãi. Vì thế, đề tài hậu chiến không còn xa lạ trong nền văn học Việt Nam. Là một nhà văn quân đội, tác giả Sương Nguyệt Minh đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực, sắc nét về đề tài này qua truyện ngắn “Người ở bến sông Châu”. Đọc tác phẩm, ta có thể thấy được sự tìm tòi và sáng tạo của nhà văn về hình thức tổ chức điểm nhìn, người kể chuyện độc đáo.

Trước hết, tác giả đã đa dạng hóa, di chuyển điểm nhìn linh hoạt. Sương Nguyệt Minh mượn quan điểm, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Tuy nhiên, đôi lúc, ông lại dịch chuyển điểm nhìn bên ngoài sang điểm nhìn bên trong (nhân vật Mai) và ngược lại. Nhờ đó, độc giả dễ dàng nhìn rõ cuộc đời và con người các nhân vật từ những góc độ, cự li khác nhau.

Lựa chọn nhiều điểm nhìn để kể đã giúp cho câu chuyện trở nên khách quan hơn. Qua lời kể của Mai, cuộc đời của dì Mây được tái hiện sâu sắc. Dì Mây là nữ y tá Trường Sơn. Ngày mà dì trở về cũng là ngày người yêu cô - chú San đi lấy vợ. Mặc dù vẫn còn yêu chú San nhưng dì Mây nhất quyết cự tuyệt đoạn tình cảm này. Hành động “bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân” bỏ mặc chú San ở lại đã thể hiện sự dứt khoát của dì Mây. Dì Mây nhận thiệt thòi về mình để chú San được hạnh phúc. Đêm đến “dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. [...] Dì ngồi như tượng”. Thật ra, dì Mây đang cố gắng buông tay để vun vén cho đôi vợ chồng mới. Những ngày sau đó, dì Mây vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm cũ với chú San. Mai cảm nhận rất rõ tâm trạng của dì Mây trong khoảng thời gian ấy “dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi cắm cơm”.

Qua lời kể của Mai, người đọc còn cảm nhận được những phẩm chất tốt đẹp của dì Mây. Trước tiên, dì Mây là người phụ nữ có tấm lòng chung thủy. Suốt một thời gian dài ở chiến trường, dì luôn nhớ mong chú San “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào cũng viết tên anh”. Có lẽ, trong trái tim dì Mây chỉ có một người đó là chú San. Từ chiến trường trở về, dì Mây bị mất một chân do mảnh đạt phạt vào. Nhưng vượt lên trên khó khăn, dì luôn giúp đỡ mọi người. Những đêm mưa, dì Mây không quản khó khăn, tận tình đến nhà khám bệnh cho mọi người. Hơn nữa, dì còn sẵn sàng giúp vợ chú San vượt cạn. Ở trong hoàn cảnh đó, thật khó cho dì nhưng dì vẫn ân cần giúp đỡ. Đặc biệt, khi thím Ba mất, dì đã dành tất cả yêu thương để nhận nuôi thằng Cún như con đẻ của mình.

Bằng những điểm nhìn linh hoạt, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận chân thực cuộc đời của dì Mây. Qua đó, khơi gợi cho người đọc sự cảm thông, trân trọng với số phận con người thời hậu chiến. Trong tác phẩm, đôi khi, tác giả sẽ trực tiếp là người dẫn chuyện chứ không phải là nhân vật Mai. Điều này giúp cho câu chuyện được kể rất linh hoạt, tự nhiên. Bước ra khỏi chiến tranh, hậu quả để lại cho con người không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tác phẩm giúp người đọc cảm nhận rõ nỗi đau khổ, bất hạnh của con người. Từ ấy, gửi gắm bài học về lòng biết ơn đến các thế hệ đi trước đã dũng cảm hi sinh bảo vệ Tổ quốc.

Phân tích một truyện có điểm nhìn độc đáo mẫu số 4

Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.

Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.

Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.

Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.

Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.

Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.

Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.

Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.

Phân tích một truyện có điểm nhìn độc đáo mẫu số 5

Thạch Lam (1910 - 1942) là thành viên của “Tự lực văn đoàn”. Ông thành công về truyện ngắn và bút kí qua các tác phẩm như: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Hà Nội 36 phố phường... Tác phẩm của Thạch Lam có “cốt cách và phẩm chất văn học”, để lại “cái dư vị và cái nhã thú” cho người đọc. Đó là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân trong Lời bạt cho Tuyển tập Thạch Lam. Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Tuyển tập Thạch Lam. Truyện ngắn này có những nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam.

Có thể nói rằng những truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻDưới bóng hoàng lan là những truyện ngắn không có cốt truyện, mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Gió lạnh đầu mùa nói về chuyện cho áo và trả áo, cho vay tiền để mua áo ấm giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ. Dưới bóng hoàng lan có bốn nhân vật: hai bà cháu, cô thôn nữ Nga và cây hoàng lan. Mái nhà xưa và bóng bà che mát tâm hồn đứa cháu; hương thơm và bóng hoàng lan ướp hương và ủ ấp cho một mối tình êm đẹp dịu ngọt chăng tơ… Còn truyện Hai đứa trẻ nói về một phố huyện nghèo và tâm trạng thao thức của hai chị em Liên và An khắc khoải đợi chờ một chuyến tàu đêm đi qua. Hình ảnh đoàn tàu và tiếng còi tàu đã trở thành một thói quen của cảm xúc và ước vọng. Tuy không có cốt truyện, nhưng Hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác. Đó là chất thơ.

Hai đứa trẻ có bao chi tiết nghệ thuật giàu sức gợi sâu xa, Thạch Lam và bâng khuâng. Cảnh phố huyện tối dần, ngoài đồng thì ếch nhái kêu ran; trong nhà thì tiếng muỗi vo ve. Liên ngồi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần, tâm hồn thơ ngây thấm thía cái buồn của buổi chiều quê. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, tiếng cười khanh khách. Tiếng đàn bầu của bác Xẩm thì bần bật. Mẹ con chị Tí bán nước chè. Thằng cu khiên hai cái ghế trên lưng; mẹ nó đội cái chõng tre trên đầu… Thật là vất vả, cực nhọc và nghèo khổ. Những chi tiết ấy rất sống, rất hiện thực. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn, nhưng truyện của Thạch Lam, đặc biệt là truyện Hai đứa trẻ thì nội dung hiện thực - nhân đạo hòa quyện đầy ám ảnh và lay động.

Một nét đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam là tinh tế và sâu sắc trong phân tích thế giới nội tâm nhân vật, gợi tả xúc động những biến thái mơ hồ, mong manh trong lòng người. Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao chị thấy lòng buồn man mác. Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ không hiểu.

Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần rồi khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Liên nhớ lại tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giấc ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya tịch mịch và đầy bóng tối.

Truyện Hai đứa trẻ có một giọng điệu rất riêng, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Đó là tiếng nói của một con người, như Nguyễn Tuân nhận xét là “tính tình nhẹ nhàng tinh tế”, “vừa sống vừa lắng nghe chung quanh” với bao chuyện buồn vui đang xảy ra. Cái dây xà tích bằng bạc của Liên, Thạch Lam đã phát hiện ra thứ vật dụng mà chị quý mến và hãnh diện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang. Gánh phở bác Siêu là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền mà hai chị em Liên không bao giờ mua được, vì thế hai chị em Liên chỉ biết ngửi thấy mùi phở thơm. Liên nhớ về Hà Nội là nhớ những kỉ niệm tuổi thơ, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền, hai chị em được đi chơi Bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Phải chăng đó là những kí ức tuổi thơ êm đềm của Thạch Lam?

Thạch Lam sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyên tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khói bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng. Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít lên. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua, ánh sáng và bóng tôi, ồn ào náo động và tịch mịch; tương phản ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh.

Một nét đặc sắc nữa về nghệ thuật của Thạch Lam là câu văn dưới ngòi bút của ông thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phố huyện lúc chiều tà: Phương Tây, đỏ rực như lửa cháy (…). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo giỏ nhẹ đưa vào… Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: Trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các con ngõ dần dần chứa đầy bóng tối… Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân nhận xét: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn”.

Sự đào thải và thanh lọc là vô cùng nghiêm khắc và nghiệt ngã đối với bất kì ai, sự vật nào, nhất là đối với văn chương nghệ thuật. Nhiều cây bút trong Tự lực văn đoàn đã bị độc giả ngày nay hờ hững! Riêng tác phẩm của Thạch Lam, hơn 60 năm sau vẫn được chúng ta yêu thích.

Cái đẹp trong văn chương Thạch Lam, trước hết là cái đẹp của tình người, cái đẹp của một trái tim nhân hậu. Là cái đẹp của chất thơ đậm hương đời và vị đời, là một cái đẹp của ngòi bút giàu bản sắc, là tính thần nhân đạo sáng bừng trang văn… Con người và văn chương của Thạch Lam đáng để ta trân trọng và mến mộ.

-/-

Trên đây là những gợi ý chi tiết về cách làm và một số bài văn mẫu phân tích một truyện mà bạn cho là có điểm nhìn độc đáo. Mong rằng những gợi ý trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em hoàn thành bài văn phân tích của mình một cách tốt nhất. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM