Phân tích và làm sáng tỏ một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo thể hiện hiểu biết sâu sắc của em về tác phẩm kinh điển này. Từ cách mở đầu truyện, không gian và thời gian, sử dụng chi tiết, nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình đến bút pháp miêu tả tâm lý bậc thầy của Nam Cao, cùng khám phá những thủ pháp nghệ thuật độc đáo đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho Chí Phèo.
Gợi ý một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo
1. Cách mở đầu truyện
Truyện mở đầu với hình ảnh đầy ấn tượng đó là Chí Phèo vừa đi vừa chửi.
- Việc chửi bới của Chí chính là phản ứng của hắn với toàn bộ cuộc đời, bộc lộ tâm trạng bất mãn của một người ít nhiều ý thức được mình đã bị xã hội phi nhân tính gạt ra khỏi thế giới loài người.
- Chi tiết này tuy đơn giản nhưng đã nói lên nhiều điều về kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, không còn được làm người.
2. Tạo dựng không gian và thời gian
- Không gian: Toàn bộ truyện diễn ra ở làng Vũ Đại - không gian nghệ thuật của tác phẩm.
+ Làng Vũ Đại có số dân “không quá hai nghìn”, lại “xa phủ, xa tỉnh”; có tôn ti trật tự nghiêm ngặt; đám cường hào ở làng kết bè kéo cánh như một đàn cá tranh mồi; những người dân thấp cổ bé họng, hiền lành suốt đời bị ức hiếp, đè nén, chỉ è cổ làm để nuôi bọn lí hào;...
+ Là một không gian sống động, ngột ngạt, đen tối.
=> Mối xung đột giai cấp âm thầm mà quyết liệt ở nông thôn, hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Thời gian:
+ Truyện không kết cấu theo trình tự thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch của nhân vật rồi lại quay lại hiện tại.
+ Thời gian trần thuật gói gọn trong khoảng thời gian sáu ngày từ lúc Chí Phèo vừa đi vừa chửi và năm ngày ở bên thị Nở đến buổi sáng giết Bá Kiến rồi tự sát.
=> Qua đó, nhà văn đã cho thấy sự hồi sinh và nhấn mạnh bi kịch của Chí Phèo. Sử dụng chi tiết: tiếng chửi, bát cháo hành, các chi tiết về ngoại hình, hành động, cử chỉ, lời nói, suy nghĩ / tâm trạng của Chí Phèo,...
3. Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật
- Nhân vật sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cái nhìn của người kể chuyện dẫn dắt
+ Trong truyện, ngôn ngữ kể chuyện là toàn bộ lời giới thiệu, miêu tả đối với người đọc đi vào thế giới của tác phẩm; mách bảo, chỉ dẫn cho người đọc về cách hiểu nhân vật, tình huống và khơi gợi những phản ứng tình cảm của họ. Do vậy, nó gắn liền với toàn bộ công việc bố cục, kết cấu của tác phẩm.
+ Trong truyện, nhà văn còn sử dụng ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp: lời người kể chuyện (lời gián tiếp) có hàm chứa những yếu tố lời trực tiếp như ý nghĩ, cảm xúc, từ ngữ,... của nhân vật. Nam Cao tạo được giọng văn trần thuật độc đáo, kết hợp thật hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời gián tiếp với lời nửa trực tiếp. Do đặc điểm này, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật nhiều khi được lồng ghép vào nhau. Ngôn ngữ truyện vì thế vừa rất linh hoạt, uyển chuyển vừa có tác dụng thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật.
+ Ngôn ngữ nhân vật là lời nói trực tiếp của các nhân vật như Chí Phèo, bá Kiến, thị Nở,... Nhưng đôi khi ngôn ngữ của nhân vật cũng được lồng vào ngôn ngữ nửa trực tiếp như trên. Ngôn ngữ của các nhân vật là một phương diện quan trọng thể hiện tính cách, tâm lí của họ, nhất là ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Chí Phèo. Qua đó, nhà văn đã phân tích được một cách sâu sắc tâm lí của nhân vật.
4. Ngôi kể và sự thay đổi điểm nhìn
- Ngôi kể thứ ba.
- Điểm nhìn: điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, bá Kiến, thị Nở).
- Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn: giúp cho nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên đồng thời, tạo cho tác phẩm nhiều giọng điệu đan xen lẫn nhau, phong phú và biến hóa, làm nên sức hấp dẫn đối với người đọc.
5. Điển hình hóa nhân vật
- Chí Phèo, Bá Kiến là những điển hình đặc sắc vừa sinh động, độc đáo, không lặp lại và mang sức khái quát cao cho mối xung đột diễn ra khốc liệt ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng, đặc biệt là nhân vật Chí Phèo - điển hình sinh động cho những người nông dân cố cùng bị hủy hoại, tha hóa đến tận cùng bởi thế lực tàn bạo.
6. Kết cấu vòng tròn
- Kết cấu vòng tròn, khép kín tạo nên chiều sâu cho truyện:
+ Truyện mở đầu bằng hình ảnh Chí say rượu chửi bới om sòm
+ Truyện kết thúc bằng hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng mình và thoáng nghĩ đến một cái lò gạch xa xôi vắng người qua lại....
-> Số phận bế tắc, quẩn quanh không lối thoát của kiếp người trong xã hội bóc lột.
7. Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình
- Số phận và bi kịch của Chí Phèo được đào sâu cực độ qua những đoạn văn hay như đoạn Chí Phèo thức tỉnh sau đêm say rượu gặp Thị Nở; đoạn Chí Phèo bị cự tuyệt tình yêu...
8. Ngôn ngữ, giọng điệu sinh động, đa dạng
- Ngòi bút hiện thực vừa tỉnh táo, khách quan, sắc lạnh lại vừa đằm thắm, trữ tình như hòa quyện, xuyên thấm vào nhau.
- Giọng điệu trần thuật cũng thay đổi phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật, khi thì dùng lời kể trực tiếp, khi thì nửa trực tiếp, khi lại có sự đan xen giữa hai giọng kể trên một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn (đoạn văn mở đầu tác phẩm, đoạn miêu tả tâm trạng khi ăn bát cháo hành, đoạn độc thoại nội tâm của Bá Kiến).
Một số đoạn văn mẫu phân tích và làm sáng tỏ một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo
Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo mẫu số 1
Truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả bởi những nét đặc sắc nghệ thuật độc đáo. Đầu tiên, phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình. Chí Phèo, từ một người nông dân lương thiện, bị tha hóa thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, là hiện thân của bi kịch người nông dân bị bần cùng hóa, tha hóa trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Bên cạnh đó, nhân vật Bá Kiến, kẻ đại diện cho giai cấp thống trị tàn ác, cũng được khắc họa rõ nét qua những mưu mô, thủ đoạn thâm độc.
Thứ hai, Nam Cao thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại đặc sắc. Ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện mang đậm tính khẩu ngữ, phản ánh chân thực tính cách và địa vị xã hội của từng người. Lời lẽ của Chí Phèo khi say, khi tỉnh, khi đối thoại với Bá Kiến hay Thị Nở đều mang những sắc thái khác nhau, góp phần khắc họa chiều sâu tâm lý phức tạp của nhân vật.
Cuối cùng, kết cấu truyện cũng là một điểm sáng nghệ thuật đáng chú ý. Câu chuyện được mở đầu bằng tiếng chửi của Chí Phèo, tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ những dòng đầu tiên. Tiếp đó, mạch truyện được dẫn dắt khéo léo, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, hé lộ dần quá trình tha hóa của Chí Phèo và những xung đột gay gắt trong xã hội đương thời. Kết thúc truyện với cái chết bi thảm của Chí Phèo để lại nhiều day dứt, ám ảnh trong lòng người đọc.
Tóm lại, bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy, Nam Cao đã xây dựng nên một "Chí Phèo" vừa chân thực, vừa thấm đẫm giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm không chỉ là bức tranh hiện thực về xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, mà còn là lời tố cáo mạnh mẽ cái ác, cái xấu xa, đồng thời khẳng định khát vọng lương thiện và giá trị nhân văn của con người.
Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo mẫu số 2
Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo mẫu số 3
Truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao là một kiệt tác văn học hiện thực phê phán, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả bởi những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên, phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình. Chí Phèo là hiện thân của người nông dân lương thiện bị tha hóa bởi xã hội phong kiến mục nát. Sự biến đổi tâm lý của Chí, từ một con người lương thiện thành quỷ dữ của làng Vũ Đại, được miêu tả tinh tế qua từng suy nghĩ, hành động và lời nói. Bên cạnh đó, hình tượng Bá Kiến, đại diện cho tầng lớp thống trị tàn ác, cũng được khắc họa rõ nét với những thủ đoạn thâm độc và sự tàn nhẫn.
Thứ hai, Nam Cao đã sử dụng ngôn ngữ đặc sắc để khắc họa tính cách nhân vật và bối cảnh xã hội. Ngôn ngữ của Chí Phèo vừa thô tục, vừa chứa đựng nỗi đau đớn, tuyệt vọng của một kiếp người bị tha hóa. Ngôn ngữ của Bá Kiến lại thể hiện sự gian xảo, nham hiểm của một kẻ thống trị. Bên cạnh đó, những câu văn miêu tả cảnh vật làng quê Việt Nam cũng rất giàu chất thơ và đậm chất hiện thực.
Cuối cùng, kết cấu truyện chặt chẽ, logic với những tình tiết bất ngờ, gay cấn, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Câu chuyện mở đầu bằng tiếng chửi của Chí Phèo, kết thúc bằng cái chết đầy bi kịch của hắn, tạo nên một vòng tròn khép kín, ám ảnh người đọc về số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
Tóm lại, bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy, Nam Cao đã xây dựng thành công bức tranh hiện thực về xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với những con người bị tha hóa, cùng những số phận bi thảm. Tác phẩm không chỉ là một áng văn chương xuất sắc mà còn là một lời tố cáo mạnh mẽ chế độ xã hội đương thời.
Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo mẫu số 4
Qua Chí Phèo, Nam Cao rất thành công trong việc tổ chức tác phẩm. Nhà văn tạo nên một cốt truyện có tính kịch tính cai: Cốt truyện đc dẫn dắt bằng các nút thắt kịch tính để dẫn tới một kết thúc hợp lí mà về hình thức tưởng chừng đó là 1 kết thúc ngẫu nhiên. Cốt truyện của Nam Cao được đặt trong khung thời gian hiện tại trong đó có sự đảo chiều, có quay ngược thời gian kể. Phần mở đầu và kết thúc thuộc thời gian hiện tại, tức là gắn với những gì đang diễn ra trước mắt người kể chuyện, tương ứng với những gì người kể chuyện đang quan sát được. Phần giữa có sự đảo chiều thời gian, nhân vật người kể chuyện đảo ngược về quá khứ đẻ chỉ ra gốc gác của Chí Phèo rồi quay lại kể theo trình tự qúa khứ-hiện tại để nối liền mạch kể. Sự thay đổi thời gian kể gắn liền với thay đôi điểm nhìn trần thuật, tạo nên tiếng nói đa âm trong câu chuyện, cụ thể là câu chuyện về cuộc đời chí Phèo không chỉ được tái hiện đơn giản qua cách kể, lời kể của nhân vật người kể chuyện mà còn qua điểm nhìn của chính Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến,.... các điểm nhìn này tạo sự đa dạng trong nghệ thuật trần thuật, tạo ra sự phối âm, hoà điệu trong tác phẩm.
Phân tích một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo mẫu số 5
Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thành công khắc họa cuộc đời và chua xót của Chí Phèo điển hình cho số phận người nông dân bị chèn ép, chà đạp nhẫn tâm dưới xã hội phong kiến xưa. Mở đầu truyện với hình cảnh cái lò gạch bỏ hoang thì kết truyện cũng lại là hình ảnh đó. Đó là khi Chí Phèo tự sát, Thị Nở nhìn ngay xuống bunjgm ình và nghĩ ngay tới hình ảnh cái lò gạch, suy tư về cuộc đời mình liệu sẽ bắt đầu như thế nào. Ngôn ngữ trong tác phẩm đặc sắc với lời trần thuật đầy xáo trộn, lắp ghép nhưng hợp lí đến lạ thường, tạo nên sự kịch tính của cốt truyện. Tác giả thật tài tình khi đưa lời của nhân vật xen kẽ với lời người kể truyện: đoạn kể về tiếng chửi của Chí Phèo, những lời van xin khẩn cầu của Chí khi bị Thị nở từ chối, những câu oán trách của Chí khi hỏi Bá kiến đòi quyền lương thiện,… Bằng nghệ thuật trần thuật linh hoạt, hài hòa, từng câu văn như đi sâu vào nội tâm nhân vật, khiến chân dung nhân vật hiện ra hết sức chân thực, sống động và hấp dẫn.
-/-
Trên đây là những gợi ý của Đọc tài liệu cho cách viết đoạn văn phân tích và làm sáng tỏ một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo có kèm theo một số bài văn mẫu tham khảo. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.