Trang chủ

Phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo

Xuất bản: 21/08/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm văn giới thiệu và phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo, một bài thơ hiện đại với cấu trúc phá cách hay một bài thơ cổ điển với những lớp ý nghĩa sâu sắc.

Cấu tứ là "bộ khung" của một bài thơ, quyết định sự thành công trong việc truyền tải cảm xúc và ý tưởng của tác giả. Việc nắm vững cách phân tích cấu tứ không chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn về tác phẩm mà còn rèn luyện khả năng tư duy logic và sáng tạo. Bài hướng dẫn phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo sau đây sẽ giúp các em từng bước khám phá những bí ẩn ẩn chứa trong cấu tứ của một bài thơ.

Tìm hiểu khái quát về cấu tứ trong thơ

1. Khái niệm về cấu tứ

- Cấu tứ là cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ.

- Nói đơn giản hơn, cấu tứ là cách thức mà nhà thơ sắp xếp, tổ chức các ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ để tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh. Nó giống như một bản thiết kế, một khung xương, định hình nên toàn bộ cấu trúc của bài thơ.

2. Vai trò của cấu tứ trong thơ

- Cấu tứ giúp các câu thơ, đoạn thơ liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một mạch cảm xúc xuyên suốt.

- Nhờ cấu tứ, nhà thơ có thể tạo ra những điểm nhấn, những bất ngờ, làm cho bài thơ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

- Cấu tứ phản ánh ý đồ sáng tạo của nhà thơ, cách mà họ muốn truyền đạt thông điệp của mình đến người đọc.

- Một cấu tứ độc đáo, sáng tạo sẽ giúp bài thơ đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.

- Cấu tứ tác động trực tiếp đến cảm xúc của người đọc, khiến họ đồng cảm, rung động.

- Mỗi nhà thơ có một cách cấu tứ riêng, tạo nên dấu ấn cá nhân trong tác phẩm.

3. Các yếu tố cấu thành cấu tứ

- Cách sắp xếp các câu thơ theo một trật tự nhất định sẽ tạo nên những hiệu quả nghệ thuật khác nhau.

- Việc lặp lại các từ ngữ, hình ảnh hoặc tạo ra những đối lập sẽ tạo nên những điểm nhấn và làm sâu sắc thêm ý nghĩa của bài thơ.

- Sự chuyển đổi từ hình ảnh này sang hình ảnh khác, từ cảm xúc này sang cảm xúc khác sẽ tạo ra sự biến hóa và hấp dẫn cho bài thơ.

- Bố cục, cách chia bài thơ thành các đoạn, các khổ thơ cũng ảnh hưởng đến cấu tứ của bài thơ.

4. Các kiểu cấu tứ thường gặp

- Cấu tứ tuyến tính: Các ý tưởng, hình ảnh được trình bày theo một trình tự thời gian hoặc không gian.

- Cấu tứ vòng tròn: Ý tưởng chính được trình bày ở đầu và cuối bài thơ, các ý tưởng khác được sắp xếp xen kẽ.

- Cấu tứ đối lập: Các ý tưởng, hình ảnh đối lập nhau được đặt cạnh nhau để tạo nên sự tương phản và nhấn mạnh.

- Cấu tứ song hành: Các ý tưởng, hình ảnh được trình bày song song với nhau để tạo nên sự cân đối và hài hòa.

- Cấu tứ so sánh: Ý thơ được so sánh với những hình ảnh, sự vật khác.

5. Tại sao cần phân tích cấu tứ?

- Qua việc phân tích cấu tứ, chúng ta có thể khám phá ra những ý tưởng sâu xa mà nhà thơ muốn gửi gắm.

- Khi hiểu được cấu tứ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự tinh tế trong cách sáng tác của nhà thơ và thưởng thức bài thơ một cách trọn vẹn hơn.

- Phân tích cấu tứ của các bài thơ hay sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào việc viết văn của mình.

6. Các bước phân tích, đánh giá cấu tứ trong tác phẩm thơ

- Đọc bao quát bài thơ và tập trung vào mạch tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo, các hình tượng tiêu biểu của bài thơ.

- Nhận xét về cách thức tổ chức mạch tình cảm, cảm xúc; cách thức sắp xếp tổ chức hình tượng trong bài thơ; nhận xét về mối tương quan giữa hai yếu tố này.

- Nhận xét, đánh giá về cách cấu tứ thể hiện tư tưởng chủ đề, thông điệp của bài thơ.

Ví dụ: Cấu tứ trong bài thơ “Thu điếu

- Cách triển khai mạch cảm xúc: Mượn cớ đi câu để bày tỏ tình cảm của chủ thể trữ tình trước mùa thu và trước thời cuộc.

- Thể hiện qua cách triển khai hình tượng: đi từ hình tượng mùa thu trong và tĩnh (điển hình cho mùa thu đồng bằng Bắc Bộ) đến hình tượng ngư ông ngồi bất động giữa không gian và thời gian; tâm sự của chủ thể trữ tình từ ẩn vào cảnh thu đến thể hiện kín đáo qua dáng ngồi câu.

- Thể hiện tư tưởng, chủ đề của bài thơ: tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên; tâm trạng ưu thời mẫn thế của một nhà nho yêu nước trước tình cảnh mất nước.

Dàn ý phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo

Mẫu dàn ý chung

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm sẽ lựa chọn để phân tích..

- Đánh giá khái quát về cấu tứ của bài thơ và nhấn mạnh sự độc đáo của nó.

Ví dụ: Một số bài thơ có cấu tứ độc đáo như Từ ấy (Tố Hữu), Mộ (Hồ Chí Minh), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Đất nước (Nguyễn Đình Thi)...

2. Thân bài

a) Phân tích các yếu tố cấu thành cấu tứ của bài thơ

- Ý tưởng chủ đạo:

+ Bài thơ thể hiện ý tưởng gì?

+ Ý tưởng đó được thể hiện qua hình thức nào?

- Hình ảnh:

+ Những hình ảnh nào được sử dụng?

+ Các hình ảnh đó có mối quan hệ gì với nhau?

+ Ý nghĩa biểu tượng của các hình ảnh.

- Ngôn ngữ:

+ Ngôn ngữ thơ có đặc điểm gì? (giàu hình ảnh, giàu cảm xúc,...)

+ Các biện pháp tu từ được sử dụng (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ,...) và tác dụng của chúng.

- Bố cục:

+ Bài thơ được chia thành mấy phần?

+ Mỗi phần có chức năng gì?

+ Sự chuyển đổi giữa các phần diễn ra như thế nào?

- Âm điệu:

+ Âm điệu của bài thơ như thế nào? (nhịp nhàng, trầm buồn, sôi động,...)

+ Âm điệu có vai trò gì trong việc thể hiện ý tưởng?

b) Phân tích sự độc đáo của cấu tứ

- Cấu tứ của bài thơ này khác với các bài thơ cùng chủ đề hoặc cùng thời kỳ ở điểm nào?

- Tác giả đã sử dụng những cách thức sáng tạo nào để xây dựng cấu tứ?

- Cấu tứ độc đáo này đã mang lại hiệu quả nghệ thuật gì? (tạo ấn tượng mạnh, gây bất ngờ,...)

3. Kết bài

- Tóm tắt những nét độc đáo trong cấu tứ của bài thơ.

- Đánh giá về hiệu quả nghệ thuật của cấu tứ đó.

Dàn ý phân tích cấu tứ độc đáo của bài Chiều tối

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhấn mạnh cấu tứ độc đáo của bài thơ, thể hiện một bức tranh hoàng hôn đầy cảm xúc và triết lý.

2. Thân bài

- Phân tích ý tưởng chủ đạo: Nỗi nhớ quê hương, tình yêu thiên nhiên, sự giao hòa giữa con người và vũ trụ.

- Phân tích hình ảnh: Hình ảnh hoàng hôn, con thuyền, dòng sông, cánh chim,... và ý nghĩa biểu tượng của chúng.

- Phân tích ngôn ngữ: Ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh, sử dụng nhiều động từ mạnh.

- Phân tích bố cục: Bài thơ được chia làm 3 phần, mỗi phần thể hiện một giai đoạn của hoàng hôn và một trạng thái cảm xúc khác nhau.

- Phân tích âm điệu: Âm điệu trầm buồn, sâu lắng, gợi cảm.

3. Kết bài

- Khái quát lại cấu tứ độc đáo của bài thơ, nhấn mạnh sự tài hoa của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để tạo nên một bức tranh hoàng hôn vừa đẹp vừa buồn, gợi nhiều suy tư.

Văn mẫu giới thiệu và phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo

Phân tích một bài thơ có cấu tứ độc đáo bài số 1

- Cấu tứ của bài thơ Tức cảnh Pác Bó: xuyên suốt bài thơ khắc họa lại cuộc sống sinh hoạt của Bác ở núi rừng Pác Pó và tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, tự tại của người chiến sĩ cách mạng.

- Cấu tứ thể hiện qua hình ảnh:

+ Thời gian: sáng - tối, không gian: suối - hang, hành động: ra - vào

→ Qua đó ta thấy, hình ảnh lối sống giản dị, đều đặn, quy củ của Bác, sự hòa hợp với thiên nhiên, với cuộc sống núi rừng.

+ Cảnh làm việc của Bác: thức ăn: cháo bẹ, rau măng → thức ăn giản dị mộc mạc, đơn sơ, điều kiện làm việc: bàn đá chông chênh → Khó khăn, thiếu thốn, công việc: dịch sử Đảng → công việc vĩ đại, quan trọng.

→ Cuộc sống và công việc đầy khó khăn của Bác.

=> Nhận xét: Tình yêu thiên nhiên, yêu công việc Cách mạng, luôn làm chủ được cuộc sống dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

Phân tích một bài thơ có cấu tứ độc đáo bài số 2

Thanh Hải một trong những cây bút lớn, có vai trò quan trọng gây dựng văn hóa cách mạng miền Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông thường mang phong cách nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình với tình yêu quê hương tha thiết. Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ là kết tinh nghệ thuật trong đời thơ của ông. Bài thơ thể hiện tình yêu cuộc sống, gắn bó với đất nước, với cuộc đời và nguyện ước chân thành của tác giả muốn được cống hiến cho đời, góp một mùa xuân nho nhỏ vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Ngay từ nhan đề tác phẩm đã thể hiện tài năng sáng tạo độc đáo của Thanh Hải đồng thời cũng bộc lộ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Danh từ mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian vô hình, không đong đếm, đo lường được nhưng dưới con mắt của thi nhân với trường liên tưởng độc đáo kết hợp với từ nho nhỏ đã khiến cho một khái niệm vốn trừu tượng trở nên hữu hình.

Đồng thời hình ảnh ẩn dụ này còn tượng trưng cho những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua đó tác giả bộc lộ quan điểm, sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân với cộng đồng. Ngoài ra, nhan đề còn thể hiện ước muốn chân thành, tha thiết của tác giả: muốn làm một mùa xuân nho nhỏ, nghĩa là muốn sống một cuộc đời tươi đẹp, có ý nghĩa và giúp ích cho đời, cho đất nước.

Cách đặt nhan đề đã làm sâu sắc thêm chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Khổ thơ đầu mở ra khung cảnh mùa xuân vô cùng đẹp đẽ, đặc trưng nhất của không gian xứ Huế mơ mộng:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

Không gian mùa xuân cao rộng, bao la của dòng sông – mặt đất – bầu trời gợi ra trước mắt người đọc, không gian ấy cho thấy sự thanh bình, yên ả. Cùng với đó là sự phối hợp hài hòa của sắc màu thiên nhiên: màu xanh mênh mông của dòng sông làm nền cho màu hoa tím biếc thơ mộng -một sắc màu tươi sáng, dịu dàng rất đặc trưng của xứ Huế.

Thanh Hải cũng thật tinh tế và tài tình khi đảo động từ “mọc” lên đầu câu, việc đảo trật tự như vậy càng nhấn mạnh vào sự xuất hiện của những bông hoa trên nền xanh biếc của dòng sông và bầu trời, khiến bông hoa trở nên đẹp đẽ hơn. Hòa trong không gian ấy là tiếng chim chiền chiện náo nức, vui tươi hót vang trời. Cả không gian ngập tràn sức sống.

Đứng trước vẻ đẹp mùa xuân tác giả không thể kìm nén cảm xúc của bản thân mà cất lên tiếng gọi đầy tha thiết: “Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời”. Chỉ một chữ “ơi” thôi đã cho thấy niềm xúc động, vui sướng mãnh liệt của nhà thơ trước thiên nhiên vạn vật, bởi vậy, ngay lúc đó đã diễn ra một cuộc trò chuyện thật gần gũi và thân mật giữa con người và thiên nhiên.

Cảm xúc của nhà thơ không chỉ dừng lại ở đó, sự say sưa, yêu mến còn được thể hiện trong động tác đầy trân trọng, nâng niu:

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”.

Hình ảnh “giọt” là hình ảnh đa nghĩa, ta có thể hiểu đó là giọt mưa xuân, cũng có thể hiểu là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Câu thơ mang đến những hình ảnh mới lạ, đầy tính tạo hình. Có thể thấy rằng chỉ bằng vài nét phác họa rất đơn sơ nhưng Thanh Hải đã vẽ ra bức tranh xứ Huế đầy mơ mộng, tươi đẹp và tràn đầy nhựa sống.

Từ mùa xuân của thiên nhiên tác giả dâng trào của xúc trước của xuân của đất nước. Hai câu thơ đầu tạo ra những hình ảnh sóng đôi đặc sắc: “người cầm súng” “người ra đồng” tượng trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng đất nước. Cùng với đó là hình ảnh “lộc”, mỗi chữ “lộc” lại mang những ý nghĩa khác nhau. “Lộc giắt đầy trên lưng” trước hết mang ý nghĩa tả thực là chồi non, ngoài ra còn biểu tượng cho sức sống mùa xuân, cho những thành quả tốt đẹp.

Cũng bởi vậy, khi những người chiến sĩ khi ra trận khoác trên mình chiếc lá ngụy trang như mang sức sống của toàn dân tộc trên vai với một niềm tin, niềm lạc quan vào tương lai chiến thắng của toàn dân tộc. Hình ảnh “lộc” phía sau lại tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc, được mùa dưới bàn tay của những người nông dân. Tất cả những yếu tố đó đã cho thấy khí thế, nghị lực của con người trên mặt trận bảo vệ tổ quốc và xây dựng của cuộc sống mới. Hai câu thơ cuối diễn tả cái náo nức, xôn xao của con người. Ấy là không khí lên đường nhộn nhịp, khẩn trương, liên tục không ngừng cùng với đó là tâm trạng háo hức, hăng say. Cả khổ thơ dạt dào niềm vui, như lời cổ vũ, động viên con người lên đường, hòa vào nhịp chung của dân tộc.

Sang đến khổ thơ thứ ba, ta không còn thấy niềm vui trước mùa xuân dân tộc mà thay vào đó là những cảm nhận, suy tư của tác giả về lịch sử đất nước mình. “Đất nước bốn nghìn năm / Vất vả và gian lao” cho thấy những thử thách, khó khăn mà dân tộc ta phải trải qua trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thế nhưng trước những khó khăn chồng chất ấy ta vẫn “đi lên” một cách bản lĩnh, kiên cường. “Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước” là hình ảnh so sánh đẹp đẽ đem đến cho người đọc những ý nghĩa khác nhau. Câu thơ là lời khẳng định về sự trường tồn mãi mãi của dân tộc ta trước mọi khó khăn, thử thách. Ở câu thơ tiếp, ba chữ “cứ đi lên” như một lời khẳng định chắc nịch về tương lai tươi sáng của toàn dân tộc. Khổ thơ bộc lộ niềm tự hào, tin tưởng vào sự bền bỉ của đất nước và khí thế đi lên của dân tộc.

Những khổ thơ cuối cùng của bài là nguyện ước chân thành, tha thiết của nhà thơ cho cuộc đời. Tác phẩm ra đời trước lúc tác giả mất không lâu, khiến ta càng thêm trân trọng những nguyện ước giản dị mà đẹp đẽ của ông. Tác giả ước làm con chim để đem niềm vui cho cuộc đời, làm cành hoa đem hương sắc cho cuộc sống. Đáng quý hơn, ông nguyện làm một nốt trầm trong bản hòa ca. Nốt trầm xao xuyến ấy làm xúc động, gây ám ảnh trong lòng người. Trong khổ thơ có sự chuyển đổi từ “tôi” sang “ta” – đại từ vừa diễn tả số ít, vừa diễn tả số nhiều giúp tác giả vừa thể hiện cái riêng nhưng đồng thời cũng thể hiện cái chung. Qua sự biến đổi đại từ ấy cho thấy đây không chỉ là khát vọng riêng của tác giả mà còn là nguyện ước chung của tất cả mọi người.

Ước nguyện cống hiến tha thiết, chân thành càng được thể hiện rõ hơn qua hình ảnh: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời” cho thấy thái độ sống, cống hiến lặng lẽ, khiêm nhường nhưng lại vô cùng mãnh liệt, bền bỉ. Đây là cách sống cao đẹp, chân thành mà vô cùng dung dị. Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi, tóc bạc” nói lên sự thống nhất trong quá trình cống hiến của nhà thơ: dù là khi còn trẻ, tràn đầy nhựa sống hay khi tóc đã bạc thì trách nhiệm ấy vẫn không hề thay đổi.

Khổ thơ cuối cùng bộc lộ niềm tự hào, yêu mến đất nước của tác giả qua làn điệu dân ca xứ Huế. Bài thơ kết lại bằng làn điệu dân ca xứ Huế thiết tha cho thấy tấm lòng của tác giả trước quê hương, đất nước. Để tạo nên thành công của tác phẩm, Thanh Hải đã vận dụng tài tình thể thơ năm chữ, giàu nhạc điệu. Kết hợp với cách gieo vần linh hoạt, gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo nên sự liền mạch cảm xúc cho tác phẩm. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, tự nhiên, giản dị, trong sáng mà cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Cảm xúc, giọng điệu nhà thơ chân thành, tha thiết.

Bài thơ đã tái hiện thành công vẻ đẹp của mùa xuân đất nước tươi sáng, tràn đầy nhựa sống bằng giọng văn tha thiết, đầy tự hào. Nhưng đằng sau những câu thơ ấy còn cho thấy lẽ sống đẹp đẽ, cao cả của nhà thơ: nguyện cống hiến tất cả cuộc đời mình cho đất nước, quê hương. Tấm lòng, tình cảm ấy thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

Phân tích một bài thơ có cấu tứ độc đáo bài số 3

“Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh là tập thơ ghi lại cảm xúc trong chuỗi ngày bị giam hãm ở nhà lao Trung Quốc. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, người đọc nhận ra những dòng cảm xúc rất bình dị, đời thường. “Mộ” là một bài thơ như vậy, tái diễn lại một khoảnh khắc khi sắp kết thúc một ngày, là chiều tối.

Bài thơ “Mộ” ghi lại khoảnh khắc mà Hồ Chí Minh đi từ nhà lao Thiên Bảo đến Long Tuyền vào năm 1942. Cảm hứng chủ đạo chính là bức tranh và phông nền của thiên nhiên lúc về chiều, khi hoàng hôn sắp buông xuống. Phải thật tinh tế, sâu sắc, Hồ Chí Minh mới có thể diễn tả một cách đắc điệu nhịp sống nhẹ nhàng nơi núi rừng như vậy.

Nguyên tác của bài thơ như sau:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Hai câu thơ đầu như một nét vẽ chấm phá khiến cho cảnh bầu trời về chiều hiện lên rõ nét và mang một nỗi buồn man mác:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không

Nỗi buồn như loang nhẹ, lan ra cả hai câu thơ khiến cho giọng thơ trở nên chùng xuống và tâm sự của tác giả dường như đẩy lên cao. Cánh chim khi chiều tà cũng trở nên “mỏi” đi tìm chốn ngủ. Một cánh chim đơn lẻ, đi lạc giữa rộng dài của bầu trời khiến người đọc có cảm giác như Hồ CHí Minh đang liên tưởng đến cuộc sống của người hiện tại. Cảnh tù đày bí bách, kìm hãm khiến Hồ Chí Minh khát khao có được một nơi chốn bình yên và ấm áp nhất để tìm về.

Hình ảnh “tầng mây trôi nhẹ” diễn tả sự vận động nhẹ nhàng, tinh tế của thiên nhiên đất trời. Nhịp thơ trở nên chậm, rất chậm và có lẽ lòng người cũng đang chậm. Chỉ với hai câu thơ cũng đủ để cho người đọc nhận ra được khát khao muốn được như tầng mây đó, cứ trôi đi, không phụ thuộc, không phải chịu cảnh gông tù. Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh luôn hiện lên nhẹ nhàng nhưng chất chứa nỗi niềm như vậy.

Đến hai câu thơ sau dường như bừng lên một tia sáng và thấy thấp thoáng bóng dáng con người:

Cô em xóm núi xây ngôi tối

Xay hết lò than đã rực hồng

Mặc dù phần dịch thơ không thực sự bám sát và lột tả hết được tâm trạng cũng như con người trong bức tranh mang màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại này.

Chỉ bằng một nét vẽ tinh tế tác giả đã vẽ lên bức tranh bình dị của cuộc sống người dân nơi chân núi. Hành động “xay ngô” dường như là việc làm thường ngày của con người ở đây. Tuy bình dị nhưng ấm áp và tràn đầy tin yêu. Có thể nói trong cảnh gông cùm như thế này, Hồ Chí Minh rất khao khát có được một nơi để trở về bình dị như thế này.

Đến câu thơ cuối, người đọc nhận ra một sự chuyển động rất nhẹ và một nét sáng bừng lên cả bài thơ. Khi cô gái vùng sơn cước xây hết ngô thì lò than đã rực hồng. Một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, đều đặn hằng ngày. Giữa vùng núi hoang lạnh, khi mặt trời tắt, hoàng hôn loang xuống hình ảnh “lò than” hiện lên dường như làm sáng cả không gian và ấm áp trái tim Người. Có thể nói việc xây dựng hình ảnh cô em xóm núi và lò than dường như là một nỗi niềm thầm kín của tác giá. Đó là hiện thân của một mái ấm gia đình hạnh phúc, chứa chan yêu thương, và đó cũng chính là lòng mong mỏi của Hồ Chí Minh.

Bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh là bài thơ vừa mang màu sắc cổ điển vừa mang màu sắc hiện đại đã mang đến dấu ấn riêng, đặc trưng. Bài thơ chính là tâm sự, là ước muốn nhỏ nhoi có thể thoát khỏi chốn gông cùm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phân tích một bài thơ có cấu tứ độc đáo bài số 4

Bài thơ “Từ ấy” là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người cộng sản Tố Hữu khi gặp lí tưởng Đảng. “Từ ấy” được cấu tứ dựa trên một sự kiện quan trọng, có tính chất bước ngoặt trong con đường đời, đường thơ của thi sĩ. Sự kiện ấy làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư tưởng tình cảm và con đường đấu tranh của người thanh niên cách mạng. Đó là sự kiện Tố Hữu được kết nạp Đảng năm 1938.

Toàn bộ bài thơ từ nhan đề đến các câu thơ, khổ thơ, hình ảnh, tình cảm của nhân vật trữ tình đều được triển khai từ sự kiện đó nên người đọc sẽ thấy: Từ ấy - niềm vui lớn “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý”, “hồn tôi - vườn hoa lá”; từ ấy - lẽ sống lớn “tôi buộc lòng tôi với mọi người”; Từ ấy - tình cảm lớn “tôi đã là con của vạn nhà”…

“Từ ấy” được đặt ở nhan đề và ngay dòng đầu bài thơ như bản lề vạch chia ranh giới rõ ràng giữa hai khoảng thời gian. Đó là bản lề cánh cửa khép lại quãng thời gian trước “Từ ấy” và mở ra khoảng thời gian sau “Từ ấy” trong cuộc đời nhà thơ. Trước “Từ ấy” là cuộc sống bế tắc, tối tăm, cô đơn tuyệt vọng chán chường đã từng được Tố Hữu ghi lại qua những dòng thơ hồi tưởng.

“Năm 20 của thế kỉ 20

Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người

Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ

Ôi những ngày xưa mưa xứ Huế

Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!

Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời

Đất lai láng những là nước mắt.”

(Một nhành xuân)

“Từ ấy” đã khai quang con đường rộng mở, tươi sáng cho người thanh niên Nguyễn Kim Thành; mở ra những điều mới mẻ, thiêng liêng. “Từ ấy” là thời điểm Tố Hữu được ánh sáng lí tưởng soi chiếu, thời điểm hình thành nên chiến sĩ cách mạng Tố Hữu và cũng là thời điểm “khai sinh” hồn thơ Tố Hữu - hồn thơ trữ tình chính trị, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Vì thế, “Từ ấy” trở thành tứ của bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của nhận thức, tình cảm của nhà thơ; là điểm liên kết các khổ trong bài thơ.

“Từ ấy” là thời điểm khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống mới đầy hứa hẹn với niềm vui sướng, say mê toát lên từ sự thức tỉnh kì diệu. Tố Hữu ghi lại giây phút đổi thay ấy bằng những hình ảnh tươi sáng, giàu tính hình tượng: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

“Nắng hạ” là thứ ánh nắng chói chang, rực rỡ của mùa hè; khác hẳn ánh nắng dịu nhẹ của mùa thu hay ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Ánh nắng hạ chiếu sáng những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức của chàng thanh niên trẻ. “Mặt trời chân lí” là hình ảnh ẩn dụ cho lí tưởng Đảng. Mặt trời đem đến ánh sáng, sự sống cho muôn loài. Đối với Tố Hữu, lí tưởng của Đảng cũng như thế, soi rọi tâm hồn, đem lại sự sống giúp nhà thơ nhận ra con đường đi đến chân lí, lẽ phải, niềm vui và hạnh phúc. Để diễn tả tác động mạnh mẽ, sức ảnh hưởng lớn lao của lí tưởng cộng sản, Tố Hữu đã khéo léo sử dụng các động từ mạnh “bừng”, “chói”. Ánh sáng lí tưởng cộng sản không chỉ tác động về mặt lí trí mà còn “chói qua tim”, thức tỉnh cả về mặt tình cảm trong tâm hồn nhà thơ. Từ đó, mở ra một chân trời mới, nhà thơ như sống một cuộc đời mới đầy vui tươi, lạc quan như “vườn hoa lá”.

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Hình ảnh so sánh hồn thơ - vườn hoa lá diễn tả một cách đầy đủ sức sống dào dạt, sinh sôi và niềm vui sướng hứng khởi trong tâm hồn nhà thơ trong những buổi đầu đến với lí tưởng cách mạng. Đó là cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị, có màu xanh yên bình của lá, của hoa, có hương thơm của hoa và âm thanh rộn ràng của tiếng chim. Việc sử dụng các tính từ chỉ mức độ như “đậm”, “rộn” nhấn mạnh hơn nữa niềm vui, sức sống kì diệu trong tâm hồn thi nhân khi bước theo ánh sáng lí tưởng đời mình.

Thời điểm “Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt hồi sinh cuộc đời nhà thơ, đem đến một cuộc sống mới đầy niềm vui, lạc quan mà còn là bước ngoặt hồi sinh tâm hồn, đem đến nguồn cảm hứng nghệ thuật dạt dào cho thơ ca của Tố Hữu. Vì vậy, có thể nói, “Từ ấy” chính là thời điểm khai sinh hồn thơ Tố Hữu, đem đến cho thơ ca của ông sức sống mới, nguồn cảm hứng mới – thơ trữ tình chính trị.

Sau những phút giây sung sướng đón nhận lí tưởng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức. Đó trước hết là ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, là nhận thức mới về lẽ sống.

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Nhân vật trữ tình tự “buộc” lòng mình với mọi người. Đó là ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của nhà thơ vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống gắn bó với mọi người với thái độ dứt khoát, mạnh mẽ xác định bởi lí trí sáng suốt thể hiện. Con người cá nhân đã thoát dần cái tôi vị kỉ, nhỏ bé để vươn đến cái tôi rộng lớn - cái tôi hướng đến cuộc đời và mọi người. Để từ đó thiết lập tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ trước nỗi đau, vui buồn của bao kiếp người, đặc biệt là “bao hồn khổ”.

Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ; ở đó, nhà thơ tìm thấy niềm vui, tìm thấy sức mạnh mới của “khối đời”. Đó là sức mạnh đoàn kết gắn bó rộng lớn và đông đảo của nhân dân. Lẽ sống cao đẹp khi giác ngộ lập trường giai cấp, tự nguyện gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung trong ý thức đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho người thanh niên cộng sản Tố Hữu.

“Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt đem đến niềm vui lớn, lẽ sống lớn mà còn mở ra những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu. Trước khi giác ngộ cách mạng, Tố Hữu là thanh niên trí thức tiểu tư sản; lí tưởng cộng sản đã giúp nhà thơ vượt ra rào cản hẹp hòi của cá nhân để có được tình hữu ái giai cấp, tình thân ruột thịt với quần chúng lao khổ.

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ

Ba từ “là” xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ như lời khẳng định chắc nịch, rắn rỏi, dứt khoát cho sự hòa nhập tuyệt đối. Người chiến sĩ đã ở giữa đời, là con của gia đình, là em của kiếp đời phôi pha, là anh của các em thơ nghèo khổ, đói cơm rách áo. Số từ được nhà thơ sử dụng tăng dần từ một, mọi, trăm, khối, vạn như mở rộng khối đời đồng thời kết nối tình cảm yêu thương gắn bó giữa quần chúng nhân dân lao khổ.

Qua các cụm từ “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” ta không chỉ thấy ý thức trách nhiệm mà còn là tấm lòng chan chứa yêu thương, sự đồng cảm xót xa của nhà thơ dành cho những kiếp người bất hạnh, vất vả, đắng cay trong xã hội cũ. Ta như nhìn thấy hình ảnh của những chú bé đi ở (“Đi đi em”, “Hai đứa bé”), những cô gái giang hồ (“Tiếng hát sông Hương),… Càng yêu thương đồng cảm với những số phận phôi pha bao nhiêu, nhà thơ càng căm hận trước bao bất công, ngang trái trong xã hội cũ bấy nhiêu. Đó cũng là động lực để người chiến sĩ hăng say hoạt động cách mạng để đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, cho mọi người, cho quần chúng nhân dân còn bao cơ cực, lầm than.

“Từ ấy” là tuyên ngôn về lẽ sống của người cộng sản khi gặp lí tưởng của Đảng; là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Đó là thời điểm hồi sinh tâm hồn, bước ngoặt trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ. Còn nếu không có “Từ ấy”? Nhà thơ Tố Hữu đã từng tự trả lời: “Không biết tôi sẽ trở thành thế nào, may lắm là một người vô tội” (Câu chuyện về thơ). Chính vì thế “Từ ấy” được Tố Hữu lựa chọn trở thành tứ xuyên suốt, là mạch ngầm liên kết hình ảnh, câu từ, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ.

Phân tích một bài thơ có cấu tứ độc đáo bài số 5

Với giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, tha thiết, những áng thơ văn Tố Hữu để để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm lắng sâu. “Việt Bắc” là một bài thơ nổi tiếng tác giả viết năm 1954. Cảm xúc, hình ảnh, nghĩ suy trong tác phẩm mà nhà thơ gửi tới người đọc khiến cho ta càng thêm yêu mến và trân quý tâm hồn, tài năng Tố Hữu. Bức tranh tứ bình trong bài cũng là một nét đặc sắc đã lưu lại trong tâm trí người đọc nhiều ấn tượng.

Nỗi thơ thiết tha bồi hồi ấy đọng lại trong bức tranh tứ bình về con người và cảnh vật thiên nhiên Tây Bắc, trước hết đó là sự phác họa những nét cảnh mùa đông:

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Một mùa đông rực rỡ và ấm nồng nơi núi rừng Tây Bắc đã được nhà thơ phác họa một cách sinh động. Đó là mùa đất trời nơi đây tràn ngập sắc “đỏ”, “tươi” rực rỡ của hoa chuối rừng trên nền xanh trầm tĩnh của cỏ cây rừng lá, của ánh nắng ấm áp lửng lơ, tràn ngập khắp không gian khoáng đạt. Trên cái nền thơ mộng ấy, con người Việt Bắc xuất hiện với vẻ đẹp khỏe khoắn trong tư thế lao động: “dao gài thắt lưng”. Hai từ “nắng ánh” khiến lời thơ Tố Hữu như bừng sáng, góp phần làm nổi bật hơn vẻ đẹp của con người trong lao động, những con người đang trong tư thế vươn lên đỉnh đèo. Mùa đông trong thơ xưa thường diễn tả cái tiêu điều, hiu quạnh, những cơn gió lạnh và một bầu không khí man mác buồn. Đông Hồ từng viết:

“Em nhớ: một sáng ngày mùa đông
Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng
Theo khe cửa sổ gió thổi rú
Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng”

Hay như nhà thơ Ngô Chi Lan từng bày tỏ:

“Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy mùa băng giải mặt sông”

Cái buồn, cái sầu ấy ta lại không bắt gặp ở mùa đông trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ viết về mùa đông Tây Bắc lại thắm tươi và nồng ấm sắc màu, sức sống. Con người trong cảnh sắc ấy khỏe khoắn và chủ động.

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

Đó là cặp câu thơ lục bát tiếp theo nhà thơ miêu tả về thiên nhiên và con người Việt Bắc khi xuân về. Sự dịu dàng, trong trẻo, tinh khôi của sắc trắng hoa mơ “nở trắng rừng” đã làm lòng người đọc biết bao xao xuyến. Trên nền cảnh ấy, con người hiện ra trong công việc của cuộc sống giản dị đời thường. Động từ “chuốt” đã tinh tế làm toát lên vẻ tài hoa, cần mẫn, khéo léo của con người lao động nơi đây. Sự thanh tao thơ mộng của đất trời, sự giản dị, khéo léo của con người cùng hòa điệu làm ý thơ Tố Hữu càng thêm nổi bật và ấn tượng.

Nhà thơ Bàng Bá Lân từng bày tỏ cảm nghĩ của mình qua những dòng thơ trong “Trưa hè”:

“Trời lơ lửng cao vút không buông gió
Đồng cỏ cào khô cánh lượt hồng
Êm đềm sóng lụa trên trên lúa
Nhạc ngựa đường xa lắc tiếng đồng
Quán cũ nằm lười trên sóng nắng
Bà hàng thừa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm
Đứng lặng trong mây một cánh diều”

Mùa hè với Bàng Bá Lân là vậy, bình yêu mà và cùng đáng nhớ. Còn với Tố Hữu, mùa hè Việt Bắc là:

“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Sắc màu tươi sáng của rừng phách và âm thanh rộn rã của tiếng ve được nhà thơ tái hiện chân thực. Từ “đổ” trong câu thơ được xem như nhãn tự bộc lộ trọn vẹn ý nghĩ của nhà thơ. Phải chăng, nhà thơ đang muốn nói đến sự tương quan kỳ diệu của thanh âm và màu sắc đã khiến cho cảnh vật nơi đây như có linh hồn, có sự giao cảm mạnh mẽ. Người Việt Bắc hiện ra trong một vẻ gì đó thật lặng lẽ nhưng vẫn rất hiền hòa như một điểm nhấn lắng sâu giữa không khí sôi động của thiên nhiên đất trời mùa hạ.

Được nhắc đến cuối cùng, nhưng cách thể hiện của nhà thơ về mùa thu vẫn khiến người đọc không khỏi ấn tượng và lưu luyến. Một Việt Bắc trong trẻo. Một Việt Bắc thanh tịnh dưới ánh trăng. Đó là những gì ta cảm nhận được qua hai câu thơ:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Trên cái nền hiền hòa của thiên nhiên ấy con người hiện ra với vẻ thắm thiết ân tình trong tiếng hát thân thương cũng là tiếng lòng thủy chung Cách mạng đượm tình sâu nghĩa thẳm.

Để có thể phác họa nên bức tranh tứ bình của cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Bắc sống động như vậy, nhà thơ đã vận dụng khéo léo đồng thời bút pháp cổ điển và hiện đại. Sự tinh tế và tài hoa ấy đã góp phần giúp cho bức tranh tứ bình trong “Việt Bắc” có một vị trí đặc biệt trong lòng người đọc bao thế hệ, góp phần làm đa dạng hơn những bài thơ, áng văn viết về “bức tranh tứ bình”.

-/-

Trên đây là những gợi ý chi tiết về cách làm và một số bài văn mẫu phân tích một bài thơ mà bạn cho là có cấu tứ độc đáo. Mong rằng những gợi ý trên sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em hoàn thành bài văn phân tích của mình một cách tốt nhất. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM