Trang chủ

Phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng

Xuất bản: 29/08/2024 - Tác giả:

Chọn phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng đã tạo cho bạn những ấn tượng sâu đậm, chứa đựng những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, con người và xã hội.

Yếu tố tượng trưng là một trong những "gia vị" đặc biệt làm nên sự độc đáo và sâu sắc của thơ ca. Thông qua phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng đã tạo cho bạn những ấn tượng sâu đậm, chúng ta sẽ khám phá ra một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng, đầy màu sắc và bí ẩn.

Tìm hiểu khái quát về yếu tố tượng trưng trong thơ

1. Yếu tố tượng trưng là gì?

- Tượng trưng là loại hình ảnh mang tính trực quan, sinh động nhưng hàm nghĩa biểu đạt những tư tưởng, quan niệm, khái niệm trừu tượng.

- Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể, gợi lên những ý niệm trừu tượng và giàu tính triết lí, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới, có thể kết hợp cùng việc sử dụng những phép tu từ để truyền tải nội dung một cách ẩn ý, không trực tiếp.

- Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình còn có thể gắn với sự đề cao nhạc tính của thơ (sức gợi cảm của nhịp thơ, vần, thanh điệu...) và sự tương giao giữa các giác quan (sự hòa hợp của các ấn tượng thính giác, thị giác, xúc giác...).

=> Yếu tố tượng trưng là một trong những công cụ nghệ thuật quan trọng trong văn học, giúp tác giả truyền tải những ý nghĩa sâu xa, những cảm xúc phức tạp vượt ra ngoài nghĩa đen của từ ngữ. Thay vì miêu tả trực tiếp, tác giả sử dụng hình ảnh, sự vật, hiện tượng có thật để biểu đạt những khái niệm trừu tượng, những ý tưởng khó diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường.

Ví dụ: Hình ảnh tháp Bayon trong bài thơ Tháp Bayon bốn mặt (Chế Lan Viên) tượng trưng cho thế giới tâm hồn đa diện, phức tạp của con người:

Anh là tháp Bayon bốn mặt

Giấu đi ba, còn lại đấy là anh

Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.

2. Vai trò của yếu tố tượng trưng

- Tăng tính nghệ thuật: Yếu tố tượng trưng làm cho tác phẩm trở nên giàu hình ảnh, sinh động và hấp dẫn hơn.

- Làm sâu sắc ý nghĩa: Yếu tố tượng trưng giúp tác giả truyền tải những ý tưởng phức tạp một cách tinh tế và hiệu quả.

- Tạo ra sự tương tác với người đọc: Yếu tố tượng trưng khuyến khích người đọc tham gia vào quá trình sáng tạo, tìm kiếm ý nghĩa riêng cho tác phẩm.

- Phản ánh thế giới quan của tác giả: Qua việc sử dụng yếu tố tượng trưng, tác giả thể hiện cái nhìn của mình về cuộc sống, con người và xã hội.

3. Đặc điểm của yếu tố tượng trưng trong thơ

- Tính đa nghĩa: Một hình tượng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách hiểu của người đọc.

- Tính gợi mở: Tượng trưng khơi gợi trí tưởng tượng, kích thích người đọc suy ngẫm và tìm kiếm ý nghĩa sâu xa.

- Tính khái quát: Hình tượng tượng trưng thường đại diện cho những khái niệm trừu tượng như tình yêu, nỗi buồn, cuộc sống, thời gian...

- Tính cá nhân: Mỗi tác giả có cách sử dụng yếu tố tượng trưng riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân.

4. Nhận diện yếu tố tượng trưng trong thơ

Để nhận diện yếu tố tượng trưng trong thơ ta có thể căn cứ vào những biểu hiện sau:

- Những hình ảnh được sử dụng trong bài thơ.

- Chú ý vào nhịp điệu của bài thơ.

- Tâm tư, tình cảm tác giả muốn gửi gắm.

- ...

5. Cách phân tích yếu tố tượng trưng

Để phân tích một yếu tố tượng trưng, ta cần:

- Xác định hình ảnh tượng trưng: Nhận biết hình ảnh nào đang được sử dụng để biểu đạt ý nghĩa.

- Tìm hiểu ý nghĩa cụ thể: Dựa vào văn cảnh, kiến thức về văn hóa, xã hội để giải mã ý nghĩa của hình ảnh đó.

- Liên hệ với toàn bộ tác phẩm: Xem xét vai trò của hình ảnh tượng trưng trong việc thể hiện chủ đề, ý tưởng chính của tác phẩm.

Văn mẫu phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng

Các em có thể tham khảo một số đoạn văn mẫu phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng do Đọc tài liệu biên soạn sau đây để học hỏi thêm về cách trình bày.

Phân tích một số câu thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 1

Xuân Diệu được xem là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới". Dành cả đời mình để viết về của mùa xuân, về tình yêu và cả tuổi trẻ, thơ ca của Xuân Diệu như một làn gió mới thổi vào nền văn học Việt Nam. Bài thơ Huyền diệu là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông được trích từ tập Thơ Thơ với chủ đề viết về sự đầm thấm, âm điệu.

Này lắng nghe em khúc nhạc thơm

Say người như rượu tối tân hôn,

Như hương thấm tận qua xương tủy,

Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn.

Hãy tự buông cho khúc nhạc hưởng

Dẫn vào thế giới của Du Dương

Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy

Hiển hiện hoa và phảng phất hương.

(Xuân Diệu, Huyền diệu)

Đoạn thơ trên được sử dụng để tả cảm xúc tình yêu đang vô cùng sâu nặng và ám ảnh tác giả. Đoạn thơ có yếu tố tượng trưng, dấu hiệu của nó là sử dụng các từ ngữ tượng trưng để miêu tả tình cảm. Tác giả sử dụng hình ảnh “khúc nhạc” để tượng trưng cho cảm xúc tình yêu, khi đó "khúc nhạc" là một hình ảnh trừu tượng được sử dụng để truyền tải những cảm xúc sâu sắc về tình yêu. "Âm điệu, thần tiên" cũng là một hình thức tượng trưng để diễn tả tình cảm. Bên cạnh đó, việc nhắc đến "hương thấm tận qua xương tủy" và "phảng phất hương" cũng là một hình thức sử dụng tượng trưng để miêu tả tình cảm một cách tinh tế và ẩn ý.

Phân tích một số câu thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 2

Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có phong cách thơ rất riêng biệt, độc đáo. Ông để lại cho đời nhiều tập thơ nổi tiếng như Gái Quê, Thơ Điên hay Chơi Giữa Mùa Trăng. Bài thơ "Mùa xuân chín" là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ. Tựa đề bài thơ đầy ấn tượng" Mùa xuân chín", ta nghe như có sự mềm mại, hương thoang thoảng của vị xuân rạo rực mà không kém phần đằm thắm, ý tứ chất chồng những tầng sâu ý nghĩa khiến ta tò mò muốn khám phá, thôi thúc ta đi sâu vào nội dung tác phẩm để khám phá nét "chín" của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử ra sao.

"Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang"

Bức tranh mùa xuân chốn thôn quê thật thanh bình, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Trong làn nắng nhẹ của của bầu trời, làn khói xa như tan đi, tạo nên vẻ đẹp như mơ như thực, không quá chi tiết, chỉ đôi nét chấm phá nhưng khiến ta không khỏi xuyến xao trước khung trời đầy yên bình lúc này. Trên những mái nhà tranh nơi quê nghèo lấm tấm màu hoa thiên lý điểm tô, cơn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá xanh biếc tạo nên thứ âm thanh lạ lùng" sột soạt", tất cả đều quá đỗi nhẹ nhàng mà thân thương. Mùa xuân đang len lỏi vào cảnh vật, trên giàn thiên lý báo xuân về, mùa xuân đến, cây cỏ, thiên nhiên, đất trời, và lòng người như hoà quyện lấy nhau.

Phân tích một số câu thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 3

Thanh Hải là một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông đã để lại cho đời nhiều áng thơ có giá trị, góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc đời.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Trong hai câu thơ trên, hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" là một biểu tượng nghệ thuật tinh tế và sâu sắc. Nhà thơ Thanh Hải không chỉ muốn miêu tả một mùa xuân cụ thể mà còn muốn gửi gắm vào đó những ý nghĩa rộng lớn hơn. "Mùa xuân nho nhỏ" tượng trưng cho những đóng góp nhỏ bé, khiêm tốn của mỗi cá nhân vào cuộc sống chung. Cụm từ "lặng lẽ dâng cho đời" càng tô đậm thêm ý nghĩa ấy. Nhà thơ như muốn khẳng định rằng, dù nhỏ bé nhưng mỗi người đều có thể cống hiến một phần sức lực của mình cho cộng đồng, cho đất nước. Hình ảnh "mùa xuân" còn gợi lên sự tươi mới, sức sống, và sự hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Phân tích một số câu thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 4

Đoạn thơ trích trong bài “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ:

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngắt

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Thời gian trong bài thơ là tượng trưng. Nó không phải thời gian vật lí mà là thời gian tâm trạng, thời gian của sự trầm tư. Màu tím tượng trưng cho tình yêu, cho sự thủy chung của tác giả. Màu thời gian và hương thời gian gợi liên tưởng đến màu tình yêu và hương tình yêu: vừa cụ thể, vừa nhiều mộng mơ; vừa trần tục, vừa thanh cao thoát tục.

Phân tích một số câu thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 5

Đoạn thơ dưới đây trích trong bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

Em không nghe mùa thu

dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

hình ảnh kẻ chinh phu

trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu.

lá thu kêu xào xạc,

con nai vàng ngơ ngác

đạp trên lá vàng khô?

Tiếng thu trong bài thơ là tượng trưng. Nó không phải là một âm thanh riêng rẽ nào, cũng không phải là một tập hợp giản đơn nôm na của nỗi thổn thức trong đất trời, nỗi rạo rực trong lòng người và tiếng xào xạc của lá rừng. Tiếng thu là một điệu huyền… Có lẽ bởi sự cộng hưởng ấy mà “bản hòa âm mùa thu” đã tìm thấy cho mình một “bảng hòa âm ngôn từ”. Tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân.

Phân tích một bài thơ có yếu tố tượng trưng bài mẫu số 6

Khi được gọi tên cho phong trào Thơ mới, Đỗ Lai Thúy đã gọi đó là một "Cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc". Cái "lạ" của thơ mới, có người biết, có người chưa biết, nhưng cái "lạ" mà người thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ.

Những vần thơ điên loạn với ngập tràn ý tưởng của hồn, trăng và máu đã không thôi ám ảnh những ai yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn. Nhưng chẳng ai có thể tưởng đến giữa một rừng thơ ma quái và kì dị ấy, lại mọc lên một bông hoa trong sáng tinh khôi, còn vương bao hương sắc ở đời. Bông hoa ấy Hàn đặt tên "Đây thôn Vĩ Dạ", trong nó chứa chở bao cảm xúc và hoài nhớ về một miền quê từng gắn bó biết bao...

Thi phẩm chỉ vỏn vẹn ba khổ, nhưng là sự kết đọng của bao nhiêu nỗi nhớ, bao nhiêu khát khao, có cả bao nhiêu hoài nghi và tuyệt vọng. Bài thơ gắn với chuyện tình giữa thi sĩ và người con gái Huế tên Hoàng Cúc. Giữa những ngày đau đớn nhất cuộc đời, chàng lại nhận được bức ảnh sông nước xứ Huế đêm trăng, nhận thêm mấy dòng thư tín từ người con gái chàng từng thầm thương. Bao cảm xúc ùa về, cuộc hành hương trong tâm tưởng cũng từ đó và những vần thơ hay nhất được gợi hứng từ xứ Huế mộng mơ đã bật trào trong nỗi nhớ...

Thi phẩm bắt đầu bằng một câu hỏi mang đầy ý vị của Huế mộng và Huế thơ. Không phải là hàng loạt câu hỏi tự vấn đầy quằn quại và đau đớn như ta từng gặp:

Tôi vẫn ở đây hay ở đâu

Ai đem bỏ tôi xuống trời sâu

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

Câu hỏi cất lên ở đây vừa như một lời mời, một lời hỏi, lại như một lời trách móc, lời thở than: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?". Là người con gái Huế hỏi chăng? Hay là Hàn tự phân thân ra hỏi mình? Dù là gì thì cái điều cốt nhất ta thấy được ở đây cũng chỉ là một niềm tha thiết, một nỗi xúc động của người thi sĩ khi được trở về với mảnh đất nhiều kỉ niệm, dù chỉ là trong tâm tưởng.

Câu thơ chơi vơi trong sáu thanh bằng và vút lên ở thanh cuối đủ gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó mờ. Là "không về" chứ không phải "chưa về", là "về chơi" chứ không phải "về thăm". Nếu đọc cho kĩ, ngẫm cho sâu, ta sẽ thấy một câu thơ mà hàm ẩn bao ý niệm. "Chưa về" nghĩa rằng sẽ còn về được nữa, "về thăm" nghe thật xa lạ biết bao. Đứng ở tâm thế của một người con từng rất gắn bó với xứ Huế, Hàn đã dùng chính tâm thức của mình để viết những câu thơ tiếp theo. Cảnh vườn thôn Vĩ hiện ra, ngời ngời sắc xanh, long lanh ánh sáng:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Ấn tượng sâu nhất vương lại từ câu thơ chính là không gian ngập tràn sắc nắng. Không phải "nắng ửng" trong làn khói mơ tan, không phải "nắng chang chang" dọc theo bờ sông trắng, nắng ở đây, là thứ "nắng mới", không huyền hồ ảo diệu, không đậm màu đậm hương, nó tinh khôi và trong trẻo đến lạ.

Nắng đổ xuống hàng cau, cau hướng lên hứng nắng nhẹ nhàng, một khu vườn mướt xanh được gội sạch bởi sương đêm, sáng sớm nay được đắm mình trong nắng mới. Cái "mướt" mà Hàn gọi dậy ở khu vườn, cái "ngọc" mà Hàn ví với màu xanh, chúng gợi ra bao nhiêu là sắc điệu. Vừa gợi màu mà vừa gợi ánh, vừa óng chuốt lại thật tinh khôi. Người ta ngỡ ngàng về một cảnh vườn thôn từng quen nay trong trẻo đến lạ.

Nhớ về thôn Vĩ còn là nhớ về những nét dáng thân thương của con người nơi đây. Không tả mà chỉ gợi, bằng bút pháp cách điệu hóa, thi sĩ đủ cho ta cảm nhận về con người Huế chân thật, dịu dàng, về con gái Huế đằm thắm, nữ tính, thấp thoáng sau một mảnh trúc che ngang là gương mặt chữ điền rất Huế. Ta từng gặp hình dáng ấy trong câu thơ của Bích Khê:

Vĩ Dạ thôn, Vĩ Dạ thôn

Biếc che cần trúc không buồn mà say.

Những nét vẽ thanh tao, những cảm nhận tinh tế, chúng gọi dậy một hồn thơ thánh thiện, nặng tình nặng nỗi với một mảnh đất thân thương. Tìm đâu xa tình yêu quê hương xứ sở, đôi khi niềm thương bắt đầu từ những ấn tượng ngọt ngào quá đỗi bình thường như thế. Hóa ra, không chỉ Hoàng Phủ, không chỉ Trịnh Công Sơn mới viết hay về Huế. Hàn cũng góp cho Huế mấy vần thơ thật chân tình đượm nồng những yêu thương...

Nhưng liệu có phải sẽ thật thiếu sót khi nhắc về Huế mà bỏ quên cảnh sông nước đêm trăng vốn đã thành mảnh hồn riêng nơi đây? Bắt trọn được cái hồn riêng ấy, thi sĩ đã kéo cái nhìn của người đọc sang một miền không gian khác, chơi vơi giữa gió mây, lặng mình theo dòng nước:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Một bức tranh gợi buồn, gợi sầu. Gió nhẹ thổi, mây nhẹ trôi, hoa bắp nhẹ lay, dòng Hương giang trầm mặc. Cái dáng Huế qua mấy mươi thế kỉ cơ hồ cũng chỉ có thế. Không khí trầm tịch của đất cố đô được gợi lại chỉ qua mấy nét chấm phá. Nhưng hãy thử đọc kĩ, và nhìn đằng sau câu thơ xem còn bao nhiêu nét nghĩa nữa.

Quả vậy, đây không chỉ là một bức tranh ngoại cảnh, nó là tranh tâm cảnh, là điệu tâm hồn. Cứ nghe cái điều ngang trái trong câu thơ là rõ. Lẽ thường gió thổi mây bay, ở đây gió mây đôi ngả, xa cách như chẳng thể chung đường. Cảnh đã được nội tâm hóa, thấm đượm sự chia li. Đến nỗi mà, cái buồn đã được gọi thành tên: "buồn thiu". Hai chữ "buồn thiu" đã gói trọn nỗi buồn đau của con người, của mối trần duyên tê tái. Thấp thoáng nơi ấy câu dân ca thuở nào:

Ai về Giồng Dứa qua truông

Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em?

Nhưng không biết vì nỗi buồn đã choán ngập tâm hồn, hay vì nhớ mong không thể làm chủ, mà ngay hai câu thơ sau, cảnh trở nên thật hư ảo huyền hồ:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Thuyền, trăng, bờ bãi vốn không phải lần đầu đồng hiện. Thơ xưa từng có ai viết:

Nước biếc non xanh thành gối bãi

Đêm thanh nguyệt bạch khách lên lầu.

Nhưng cái khác biệt ở đây là, thi sĩ không đứng đó mà ngắm trăng hay ngắm sông, người đang chìm dần trong cảm giác ảo hóa. Trăng xuất hiện trở lại, nhưng không phải "trăng vàng trăng ngọc", "trăng nằm sóng soãi", mà là trăng huyền hồ tan trên mặt nước. Trong cảm giác mông lung của thi nhân, sông trở thành sông trăng, thuyền trở thành thuyền trăng, bóng người cũng trở thành hình ai thấp thoáng, mờ nhòa trong trăng. Tất cả ngập một màu trăng. Trăng ở đây mang chở nỗi niềm khắc khoải, lo âu, nuối tiếc trước nỗi đau sắp phải xa lìa thực tại.Sự phấp phỏm âu lo và những mong được níu giữ thời gian ấy hiện lên rõ nhất ở chữ "kịp" và câu hỏi đầy tội nghiệp kia.

Ta nhìn thấy ở đây một cuộc chạy đua với thời gian, thời gian đang dồn đuổi từng bước, nhưng chạy đua không phải để tận hưởng tối đa thanh sắc cuộc đời như mong muốn của Xuân Diệu, mà chỉ mong tận hưởng cái tối thiểu - đó là được sống. Được sống không thôi đã thỏa nguyện rồi. Trong câu thơ là bao nhiêu sự âu lo, cũng là bấy nhiêu niềm khao khát. Nhân văn của thi phẩm cũng là ở đó: Hãy luôn sống trọn từng ngày khi còn đang được sống.

Niềm khao khát tình đời, tình người của thi nhân cất lên rõ nhất ở khổ thơ thứ ba, khi mà thế giới đã về với thực tại, ngập chìm hoàn toàn ở cõi mơ:

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Chữ "mơ" đặt ở đầu, chơi vơi sau đó là tiếng gọi "khách đường xa" đầy khắc khoải, mang theo sự chơ vơ hụt hẫng, bỏ lại bao ngẩn ngơ buồn tiếc. Hình ảnh khách thể xuất hiện trở lại, ngỡ như cứ bước xa dần khỏi vòng tay Hàn, đi về một cõi xa xăm không thể chạm đến. Người con gái mang sắc áo trắng tuyệt đối, trinh nguyên vô ngần, suốt đời Hàn tôn sùng nay lại trở nên mờ nhòa, khó giữ. Tất cả như mờ ảo hơn: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.

Không gian mông lung, lạnh lẽo, mịt mùng trong sương khói, huyền hồ trong ảo ảnh. Nó choán trùm lên cả ý thức và tiềm thức, thắt buộc lòng người đến tê dại. Nghe câu hỏi khắc khoải cuối cùng: "Ai biết tình ai có đậm đà?", ta thảng thốt nhận ra, hóa ra bấy lâu người thi sĩ cũng chỉ mong chờ điều ấy, khao khát điều ấy, đó là tình người, tình đời.

Đời thi sĩ sống đã vốn chẳng được vui, đến cuối đời cũng chỉ mong tìm được mảnh hồn tri ngộ. Hàn Mặc Tử của chúng ta, không "kì dị" như bao người nói. Chàng có trái tim rất người, có những tình cảm rất người, mà có lẽ đến nhiều năm sau này vẫn có không ít người ghi nhận điều ấy.

Bài thơ như một khúc đoản ca về tình yêu và niềm khao khát, hướng về một mảnh vườn, cũng là hướng về một mảnh đời. Đặc sắc của thi phẩm còn được tạo nên ở những nghệ thuật mang phong cách riêng của Hàn Mặc Tử. Với những hình ảnh tượng trưng đầy hàm nghĩa, với nhưng câu hỏi tu từ trải đều trên các khổ thơ mang theo ý niệm riêng, cùng lối viết cách điệu hóa, pha lồng ảo thực, "Đây thôn Vĩ Dạ" xứng là một thi phẩm có những thi từ đẹp nhất, trong sáng nhất.

"Mai sau, những thứ tầm thường mực thước sẽ biến mất đi, và còn lại của thời kì này một chút gì đáng kể, thì đó là Hàn Mặc Tử". Lời trân trọng mà người bạn thơ Chế Lan Viên gửi cho Hàn đã nói thay về những gì Hàn để lại cho đời. Mãi mãi là như thế...

-/-

Trên đây là một số gợi ý và mẫu đoạn văn tham khảo phân tích một bài thơ hoặc một số câu thơ có yếu tố tượng trưng đã tạo cho bạn những ấn tượng sâu đậm do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Hi vọng đã phần nào giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo sử dụng cho bài văn nghị luận của mình. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn, các em hãy tìm đọc thêm các bài Văn mẫu 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM