Trang chủ

Phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Xuất bản: 23/01/2024 - Tác giả:

TOP 3+ bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng ngắn nhất, hướng dẫn phân tích nội dung tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng kể về người anh hùng Trần Quốc Toản với lòng yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm quyết liệt.

Hướng dẫn lập dàn ý và gợi ý TOP 3+ bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có thể tự viết được một bài văn phân tích hay và sâu sắc.

Dàn ý phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng.

- Khái quát nội dung tác phẩm: kể về cuộc đời của Trần Quốc Toản từ khi còn là một thiếu niên cho đến khi lập được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược.

2. Thân bài

a) Nhân vật Trần Quốc Toản

- Hoàn cảnh xuất thân: sinh ra trong một gia đình hào phú, có truyền thống yêu nước.

- Tính cách, phẩm chất:

+ Yêu nước, căm thù giặc: Trần Quốc Toản đã có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc ngay từ khi còn nhỏ, luôn mong được cầm gươm ra trận đánh giặc, bảo vệ quê hương, đất nước.

+ Có ý chí quyết tâm cao: không chịu khuất phục trước khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình dù cho có phải chịu sự ngăn cản của vua quan.

+ Trọng tình nghĩa: luôn biết ơn và kính trọng những người đã giúp đỡ mình, biết ơn người thầy dạy võ đã truyền dạy cho mình võ nghệ, biết ơn mẹ đã thêu lá cờ thêu sáu chữ vàng.

+ Ước mơ: được cầm gươm ra trận đánh giặc.

b) Sự nghiệp của Trần Quốc Toản

- Trần Quốc Toản xin vua cho ra trận đánh giặc nhưng bị từ chối.

- Trần Quốc Toản tự ý bỏ kinh thành về quê chiêu mộ nghĩa quân.

- Trần Quốc Toản gặp một người thầy dạy võ, được thầy truyền dạy võ nghệ.

- Trần Quốc Toản chiêu mộ được nhiều nghĩa quân, lập ra đội quân Lam Sơn.

- Trần Quốc Toản cùng nghĩa quân Lam Sơn lên đường đánh giặc.

- Trần Quốc Toản và nghĩa quân Lam Sơn lập được nhiều chiến công, đánh tan quân Nguyên.

- Trần Quốc Toản trở thành một danh tướng của nhà Trần.

=> Chiến công của Trần Quốc Toản và nghĩa quân Lam Sơn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược.

c) Đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật để xây dựng nhân vật Trần Quốc Toản như: so sánh, nhân hóa,...

- Vận dụng kiến thức lịch sử, nắm bắt tâm lý nhân vật để khắc họa hình tượng Trần Quốc Toản một cách chân thực, sinh động.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.

TOP 3+ bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng ngắn gọn

Bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng mẫu 1

Trần Quốc Toản là một tông nhất nhà Trần với công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Ông đã sống và cống hiến hết mình vì sứ mệnh của dân tộc, ông ra đi để lại một tấm gương sáng về tấm lòng yêu nước cho ngàn đời sau nói theo. Câu chuyện cuộc đời ông cứ thế được lưu truyền qua bao đời nay và được ca tụng dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng với hình ảnh “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

Ngay từ đầu tác phẩm cho ta biết về ý nghĩa nhan đề “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” viết về người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản. Có lẽ bởi vì Trần Quốc Toản chính là tấm bia chói lóa lý tưởng cách mạng, tấm lòng nồng nàn yêu nước, đó chính là thứ cần đó giúp lớp lớp thế hệ mầm non tương lai dựa vào. Tác giả còn khẳng định tác phẩm như một thiên truyện giáo dục, nâng cao ý thức của trẻ thơ về lịch sử nước nhà, tạo sự gắn kết, bồi đắp thêm tấm lòng biết ơn ông cha, yêu thương đất nước cho các em nhỏ.

Chí lớn của Trần Quốc Toản, tác giả kể về giấc mơ khi Trần Quốc Toản còn bé, ông mơ bắt sống được tên sứ nhà Nguyên hống hách. Tuy còn nhỏ nhưng ông đã ý thức được bổn phận của đấng nam nhi, còn nhỏ nhưng ấp ủ hoài bão lớn, chính là hoài bão của dân tộc. Tuy chỉ nhỏ hơn các anh trai “dăm sáu tuổi” mà được tham gia bàn việc nước, điều đó càng làm tâm can Trần Quốc Toản nóng như lửa đốt. Thậm chí chàng còn có suy nghĩ xô ngã lính để chạy xuống nơi quan quân bàn bạc thế sự”, chi tiết đó đủ để ta hiểu được tấm lòng thương nước, lo cho dân của chàng. Đường đường là một bậc nam nhi khí phách oai hùng, sao có thế dửng dửng trước cảnh nước nhà đang khốn khó.

Càng nghĩ chàng càng thêm nôn nóng, chàng quyết định xô ngã lính để vào tâu với nhà vua. Thế nhưng tài của chàng khó mà được nhà vua công nhận bởi trong mắt vua “chàng như một đứa trẻ”. Không được vua trọng dụng nhưng sao mà tránh được lệnh vua, chàng chỉ biết “bóp nát quả cam trong tay từ lúc nào”. Phải chăng bóp nát quả cam không phải vì giận hờn vua? Phải chăng bóp nát quả cam đó chính là nỗi căm hờn giặc ngoại xâm đến nỗi muốn nghiền chúng thành chăm mảnh? Đó quả thực là vì lòng khát khao yêu nước, thương dân. Ngày ngày chàng chăm chỉ luyện tập, chàng hạ quyết tâm trên bến Bình Than rằng: “Rồi xem ai giết được giặc, ai báo được ơn vua, xem ai hơn, ai kém. Rồi triều đình sẽ biết tay ta”.

Người anh hùng Trần Quốc Toản xuất hiện dưới ngòi bút miêu tả tinh thế chính là thành công của tác phẩm. Bằng sức tưởng tượng phong phú, ca từ giàu chất biểu cảm, lập luận chặt chẽ, tác phẩm chinh phục tấm lòng người đọc biết ơn, ghi công người anh hùng dân tộc với tinh thần yêu nước quật cường. Đặc biệt, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” chắc chắn rằng sẽ là một tác phẩm không bao giờ cũ dành cho thế hệ mầm non của đất nước, là tấm gương sáng cho các em noi theo.

Bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng mẫu 2

Trong kho tàng văn học Việt Nam, khi nhắc tới truyện lịch sử hay và đặc sắc, không thể không kể đến sáng tác “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm đã giúp độc giả hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước, đồng thời khơi dậy biết bao cảm xúc bồi hồi, rạo rực pha lẫn tự hào trong tâm hồn.

Tác phẩm được sáng tác trong bối cảnh diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai năm 1285. Tuy là một tác phẩm lịch sử, nhưng văn bản này đa phần được sáng tác dựa trên sự tưởng tượng và cách sáng tạo độc đáo của tác giả. Chính điều ấy đã gây ấn tượng cho người đọc làm nên sự thành công cho tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khai thác về những gương mặt tiêu biểu như Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… Nhưng nổi bật nhất phải kể đến hình tượng Trần Quốc Toản là người thiếu niên tuổi còn nhỏ nhưng đã nuôi chí lớn.

Câu chuyện mở đầu bằng “một giấc mơ thú vị” của Trần Quốc Toản. Trong mơ, chàng mơ thấy mình bắt sống được tên sứ thần hống hách Sài Thung của nhà Nguyên. Giấc mơ đó dường như là sự mở đầu cũng là báo hiệu cho một người có ý chí phi thường, dù tuổi còn nhỏ, nhưng đã nhận thức được sứ mệnh của mình, ngay cả trong mơ cũng muốn giết giặc để mang hòa bình về cho đất nước. Khi biết tin vua Trần Nhân Tông sẽ tới bến Bình Than để cùng các vương hầu họp bàn việc nước, chàng quyết định xuất phát. Một người một ngựa đi suốt một đêm với mong muốn được gặp nhà vua. Khi tới nơi, chàng thấy đám quân Thánh Dực đang canh gác ngoài bến tàu, chàng mới to gan mà chạy đến, xô ngã mấy người lính, liều mình chạy lại quỳ xuống trước mặt nhà vua mà nói hai tiếng: “Xin đánh”.

Tuy vua rất vừa ý, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên chàng chỉ được vua ban cho cam quý, còn về việc nước thì vẫn không được vua cho dự. Trong lòng Trần Quốc Toản cảm thấy rất ấm ức, thất vọng, vừa hờn vừa tủi, nhưng lệnh vua đã ban, chàng nào dám cãi, vậy nên chỉ đành trở ra. Chàng vừa đi vừa nghiến chặt răng, quả cam trong tay đã bị bót nát từ bao giờ. Kể từ ngày ấy, Nguyễn Quốc Toản luôn nung nấu ý trí “Làm thế nào để được ra trận giết giặc, lập công, báo được ơn vua”. Chàng quyết tâm học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ với tinh thần sục sôi tràn đầy nhiệt huyết.

Không lâu sau, chỉ với lá cờ mang sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” được đích thân mẹ chàng tự tay thêu đã chiêu mộ rất nhiều tráng sĩ gần xa. Họ cùng nhau tập hợp để rèn luyện binh thư, võ nghệ, họ sống với nhau như những người anh em ruột thịt. Khiến cho ai nấy đều cảm phục trước sự tài trí của những người thiếu niên anh hùng.

Và rồi, khi nghe tin quân giặc kéo đến nước nhà, không chần chừ gì, Trần Quốc Toản và quân sĩ đã cùng nhau anh dũng lên đường đánh giặc. Khi ấy chàng đã gặp và kết nghĩa anh em cùng Nguyễn Thế Lộc - người anh hùng rừng núi. Không bao lâu sau, hai anh em đã phải chia tay nhau để Quốc Toản trở về Vạn Kiếp, đây là một trong những cảnh khiến người đọc cảm động nhất về tình cảm thân thiết gắn bó nghĩa tình của hai người hùng đều mang trong mình khí thế sục sôi giết giặc bảo vệ nước nhà.

Trần Quốc Toản đã được cử cùng Chiêu Văn Vương và Trần Nhật Duật đi đánh chặn Toa Đô. Trên cửa Hàm Tử, một cuộc chiến ác liệt, cam go đã nổ ra. Trần Quốc Toản anh dũng mà hiên ngang xông thẳng về phía các thuyền chiến của giặc. Tất cả quân sĩ đồng thanh hô vang “Sát thát”, ai nấy ráo riết, đánh đuổi đám tàn quân hỗn loạn ấy. Toa Đô liều chết nhảy xuống nước bơi vào bờ, tưởng đâu sẽ thoát nhưng đã bị tướng quân Nguyễn Khoái bắn tên đâm trúng lưng. Giờ đây quân Nguyên như “rắn mất đầu”, rối rít buông bỏ vũ khí đầu hàng. Tin vui về tới, nhân dân bản làng ai nấy đều reo rò ăn mừng chiến thắng. Đặc biệt mẹ của Trần Quốc Toản cũng có mặt trong giây phút đó. Ngước mắt lên nhìn, bà nghẹn ngào xúc động khi thấy lá cờ thêu sáu chữ đỏ chói đang phấp phới bay.

Sau khi thưởng thức tác phẩm, nhà phê bình văn học Thiều Quang đã bộc bạch rằng: “Đọc mê mải cuốn truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, tôi có cảm khoái say sưa như lâu ngày được hưởng một “món ăn lạ miệng”. Thật vậy, cuốn sách ấy đã để lại cho độc giả rất nhiều những khung bậc cảm xúc khác nhau. Đó vừa là sự khâm phục, ngưỡng mộ người anh hùng Trần Quốc Toản với lòng yêu nước tha thiết, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm. Vừa là sự cảm động trước sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng cùng nhau chiến đấu anh dũng quân dân nhà Trần. Một lòng căm hận, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược Mông Nguyên mang hòa bình về cho nước nhà.

Bài văn phân tích Lá cờ thêu sáu chữ vàng mẫu 3

Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một tác phẩm lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kể về cuộc đời của Trần Quốc Toản, một vị tướng tài ba của nhà Trần. Tác phẩm là kết quả của biết bao chiêm nghiệm về đời Trần, một thời đại mà Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt sùng kính, được lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử diễn ra ở thời nhà Trần với cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). Tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã tái hiện lại hình ảnh người thiếu niên anh hùng (Hoài Văn Hầu, tức Trần Quốc Toản), tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại có tinh thần yêu nước to lớn và lòng căm thù giặc sâu sắc, sau này sẽ trở thành danh tướng đời nhà Trần.

Từ nhỏ, ông sống trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên Hoài Văn đã mang trong mình một tình yêu nước to lớn. Qua tác phẩm, ta có thể thấy rõ tinh thần yêu nước đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn của Hoài Văn từ rất nhỏ “Cháu còn ít tuổi thật. Nhưng ví bằng quân Nguyên sang cướp nước ta, thì cháu cũng xin theo các chú, các bác đi đánh giặc”. Chính vì lòng yêu nước nồng nàn đó, chàng đã không màng đến tất cả ngay cả mạng sống của mình, kiên quyết xông vào để gặp vua “Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước”. Tuy còn nhỏ nhưng Hoài Văn đã biết suy nghĩ cho nước nhà, mong muốn được góp sức mình bảo vệ nước “Cháu biết là mang tội lớn. Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được” nhưng mong muốn đó không được chấp nhận. Chàng đã tức giận, không thể ngồi yên nhìn đất nước lâm nguy chàng đã chợt nghĩ sẽ chiêu binh, mãi mã mà cầm quân đi đánh giặc “Được rồi! Ta sẽ chiêu binh mãi mã, cầm quân đi đánh giặc. Xem cái thằng phải đứng ngoài rìa này có phải là kẻ toi cơm không”.

Chính từ tình yêu nước mãnh liệt đó đã gợi lên bên trong Hoài Văn sức mạnh và ý chí đánh giặc. Ý chí quyết tâm đạt đến đỉnh điểm được thể hiện qua chi tiết Hoài Văn suy nghĩ dựng lên lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng "PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN" làm cho quân sĩ phấn khởi, kẻ địch kinh hồn: “Suốt từ chập tối đến canh hai, Hoài Văn tự hỏi “Ta sẽ viết chữ gì trên lá cờ của ta? Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. Chữ đề phải là một lời thề quyết liệt. Chữ đề phải làm cho quân sĩ phấn khởi, cho kẻ địch kinh hồn”. Trống đã điểm canh ba. Mắt Hoài Văn bỗng rực sáng, toàn thân như bừng bừng cháy. Tay Hoài Văn giơ lên như đang phất một lá cờ. Hoài Văn thét lớn: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN”. Dòng chữ dù ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa sâu bên trong một lời thề son sắt, một tinh thần trung quân ái quốc sâu đậm.

Vì quá yêu nước nên Hoài Văn luôn muốn mau chóng đánh tan bọn giặc để bảo vệ đất nước, để có thể góp phần sớm mang lại cuộc sống an bình cho nhân dân: “Phải tập cho nhanh. Giặc sang đến nơi rồi. Ta sẽ học tập cả ngày lẫn đêm. Chí ta đã quyết. Dù cho khó nhọc đến đâu, ta cũng chẳng sờn lòng”. Không những thế, chàng còn ngày đêm kêu gọi, đi từng thôn xóm vận động bà con cùng đứng lên chống giặc. Khi ra chiến trường, Hoài Văn mạnh mẽ, quyết đoán lao vào đánh giặc để bảo vệ nước nhà, để nhân dân sống một cuộc sống yên bình, chàng không hề chùn bước trước khí thế của bọn giặc, bởi lẽ một lòng yêu nước đầy to lớn đã vượt lên tất cả làm cho Hoài Văn thêm can đảm đánh bại kẻ thù. Qua tác phẩm, hình ảnh một anh hùng trẻ tuổi với lòng yêu nước đầy bất diệt, đầy kiên cường mạnh mẽ, quyết tâm chống giặc để bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước ngày càng được dâng cao, giặc càng mạnh, càng bạo thì lòng yêu nước của Hoài Văn càng lớn.

Hoài Văn căm thù giặc đến mức mà cả mơ chàng cũng thấy mình bắt được tướng giặc và đánh cho chúng một trận nhớ đời. Lòng căm thù được Hoài Văn ấp ủ cả ngày lẫn đêm ẩn chứa sâu trong tâm trí của mình, lòng căm ghét giặc đến tận xương tủy đã biến thành mong ước của Hoài Văn được thể hiện qua giấc mơ đó là đánh bọn giặc để chúng biết nước ta không dễ dàng bị khuất phục “Chàng mơ thấy chính tay mình bắt sống được Sài Thung, tên sứ hống hách của nhà Nguyên, khinh nước Nam bằng nửa con mắt. - Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước. Bởi do lòng câm thù giặc trong Hoài Văn quá lớn nên đã không màng đến tính mạng, chỉ cần đánh đuổi được giặc bảo vệ đất nước là chàng mãn nguyện”. Chi tiết khi các quân sĩ thích hai chữ “Sát Thát” vào tay thì Hoài Văn cũng thích hai chữ “Sát Thát” vào tay “Chàng không thấy đau chỉ thấy say sưa rạo rực như đang hăng máu trên chiến trường”.

Qua đó ta thấy được sự giản dị và đối nhân xử thế của Hoài Văn qua việc chàng làm giống quân sĩ, không phân biệt gia thế. Không những thế việc chủ tướng và quân sĩ cùng thích hai chữ “Sát Thát” còn thể hiện được sự đồng lòng, đoàn kết đánh đuổi quân thù, khí thế oanh liệt của đội quân nhà Trần. Đây cũng là một yếu tố dẫn tới chiến thắng của quân nhân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai. Hoài Văn là một người anh hùng dũng cảm, gan dạ, muốn thể hiện bản lĩnh của mình, ý chí kiên cường, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm “Xin Tiết chế cho cháu đi đánh trận này. Trận nào cháu cũng xin đi, huống chi là trận đầu”, “Cháu sẽ cùng tướng quân Nguyễn Khoái đánh cho Toa Đô mảnh giáp không còn. Cháu cũng xin làm một tờ giấy cam đoan. Không đánh được Toa Đô, cháu xin nộp đầu dưới trướng”. Chính những lời khẳng định như sắt của Hoài Văn đã cho ta thấy ý chí mãnh liệt và lòng căm thù giặc sâu sắc của Hoài Văn như một ngọn lửa không bao giờ dập tắt được.

Tác phẩm còn thể hiện lòng hiểu thảo của Hoài Văn đối với mẹ của mình. Trước hoàn cảnh đất nước như thế Hoài Văn không thể đứng nhìn nhưng còn người mẹ già luôn yêu thương cậu thì sao, chàng cảm thấy bối rối giữa việc lựa chọn nước nhà hay người mẹ thân yêu của mình, chàng đã đấu tranh với chính bản thân rất nhiều nhưng vì bảo vệ đất nước chàng đành phải chia xa mẹ mình. Khi chia tay mẹ Hoài Văn thấy thương mẹ nhiều vì đạo hiếu mình chưa làm tròn, nhưng việc nước đang rất lâm nguy nên chàng đành ngậm ngùi ra đi để lại mẹ già nơi quê nhà “Con để mẹ phải lo nghĩ, con thật mang tội bất hiếu. Nhưng giặc sắp kéo sang, con muốn ở yên cũng không được”, “Xin mẹ ở nhà giữ ngọc gìn vàng để cho con được yên lòng xông pha trận mạc”, “Lòng Hoài Văn bỗng thấy nao nao thương mẹ”.

Trước khi lên đường đi đánh giặc, cảnh tượng Hoài Văn quỳ lạy trước người mẹ thưa khiến ta không khỏi xúc động: “Con đi phen này thề sống chết với giặc, bao giờ Đất Nước, bờ cõi Đại Việt yên bình con sẽ trở về phụng dưỡng mẹ già suốt cuộc đời”. Qua lời nói của Hoài Văn với mẹ của mình có thể thấy được chàng là một người con hiếu thảo và rất yêu thương đấng sinh thành của mình. Mọi lúc mọi nơi dù có ở đâu Hoài Văn vẫn luôn nghĩ về người mẹ đang ở quê nhà. Khi nghe tin làng Võ Ninh bị quân giặc tàn phá, Hoài Văn cảm thấy lo lắng vô cùng, lòng như lửa đốt không biết mẹ mình như thế nào “Không biết mẹ già nay lưu lạc ở đâu. Lòng Hoài Văn như lửa cháy”. Với những hình ảnh về người mẹ và Hoài Văn đã thể hiện một tấm lòng hiếu thảo vô bờ bến, một tình cảm mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Hoài Văn là một người trọng tình nghĩa, chàng luôn tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ anh em, chú của mình và người tướng già. Hoài Văn luôn sống hết mình vì anh em, không phân biệt sang hèn và luôn chung chí hướng với những người anh em của mình: “Hoài Văn mỗi ngày đều cùng các binh sĩ say mê luyện tập võ và học cách bày binh bố trận. Ngoài động, các tráng sĩ áo chàm tấp nập đặt thêm những bẫy đá. Họ reo hò lăn thử những tảng đá cực kì to lớn xuống chân núi. Đá lăn ầm ầm như sấm động gió gào. Thế Lộc chỉ những cây cối gãy ngổn ngang và nói: "Giặc có khoẻ bằng mấy cây kia không? Hoài Văn ngắm nghía từng cái bẫy, luôn miệng khen ngợi người tráng sĩ của nơi rừng xanh núi đỏ. Họ coi nhau như anh em một nhà, không phân biệt sang hèn tình nghĩa ngày càng thắm thiết”. Hoài Văn không những không phân biệt giai cấp mà còn không ngại khó khăn, gian khổ, cùng sống với những binh sĩ như những người anh em ruột thịt trong nhà. Bởi lẽ họ có chung một lý tưởng và có tấm lòng yêu nước bất tận “Quốc Toản đi khắp các cơ, các đội, ăn với họ một mâm, nằm với họ một chiếu, ngày thì cùng nhau tập luyện, đêm thì cùng học binh thư”.

Hoài Văn là một người rất xem trọng tình nghĩa, quý mến bạn bè. Khi chia tay hai anh em người Mán chàng lưu luyến, không muốn rời xa những người anh em của mình. Khoảnh khắc Hoài Văn chia tay Thế Lộc khiến ta có thể cảm nhận tâm trạng buồn bã, ủ rũ bên trong Hoài Văn: “Hoài Văn bặm môi lại. Vẻ ngây thơ hiện rõ trên khuôn mặt dã nhuộm màu sương gió. Hoài Văn nói: Bao giờ gặp lại Thế Lộc nhỉ?”. Dù chỉ là một câu hỏi đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao cảm xúc, tình cảm dành cho người mà mình luôn coi là anh em. Hoài Văn đã chia sẻ mong muốn của mình với Thế Lộc một cách bàng hoàng, không muốn rời xa người anh em của mình “Anh Thế Lộc ơi, Toản cũng không muốn về đâu”, “lòng Hoài Văn thổn thức, nhịp theo vó ngựa đuổi trên đường núi”. Có thể đó chỉ là một cuộc chia tay bình thường nhưng đối với Hoài Văn, một người luôn xem trọng tình nghĩa, hết lòng với những người anh em của mình thì mới quyến luyến, xót xa khi lìa xa họ như thế.

Không những đối xử tốt với những người anh em chiến sĩ của mình mà Hoài Văn còn rất coi trọng người tướng già, chàng luôn coi ông ấy là một người thầy mà mình rất kính trọng. Khi người tướng già đỡ cho Hoài Văn một nhát kiếm, chàng đã rất đau đớn khi chứng kiến người luôn dạy dỗ, chỉ bảo mình vì cứu mình mà phải chịu nỗi đau như vậy “Hoài Văn ôm lấy người tướng già, lòng Hoài Văn đau như cắt”. Dù có thế nào thì chàng cũng quyết không bỏ lại người tướng già: “Ta nhờ ông dạy dỗ nên mới có ngày hôm nay, lại chính nhờ có ông mà hôm nay ta thoát chết, ta bỏ ông đây sao được!”. Một câu nói chất chứa biết bao tình cảm, cảm xúc. Chắc có lẽ Hoài Văn có rất nhiều tình cảm đối với người tướng già thì mới đau xót đến thế. Bên ngoài ta luôn thấy một hình ảnh người anh hùng Hoài Văn đầy gan dạ, hùng mạnh nhưng bên trong người anh hùng ấy lại là một người giàu tình yêu, luôn trọng tình nghĩa. Chàng luôn mở rộng lòng mình với những người xung quanh, không phân sang hèn.

-/-

Trên đây là mẫu dàn ý và 3+ bài văn mẫu phân tích tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Hi vọng, bài viết đã giúp các em đã có những ý tưởng hay cho nội dung bài phân tích của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 8 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn phân tích. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM