Trang chủ

Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

Xuất bản: 26/04/2024 - Tác giả: - Tham vấn bởi:

Hướng dẫn phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt, lập dàn ý, sơ đồ tư duy và một số bài văn mẫu chọn lọc phân tích nội dung trích đoạn kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

Tài liệu hướng dẫn phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ do Đọc Tài Liệu biên soạn gồm những gợi ý chi tiết giúp em làm tốt các bước phân tích đề, lập dàn ý và sơ đồ tư duy kèm theo những bài văn mẫu hay.

Cùng tham khảo ngay...

Hướng dẫn phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

Đề bài: Em hãy phân tích nội dung chính vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà văn Lưu Quang Vũ.

1. Phân tích đề

- Yêu cầu về nội dung: phân tích nội dung và nghệ thuật của vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt.

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: từ ngữ, chi tiết,... tiêu biểu trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Hệ thống luận điểm phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

- Luận điểm 1: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.

- Luận điểm 2: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình.

- Luận điểm 3: Cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích và quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba.

3. Sơ đồ tư duy phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

Xem chi tiết: Sơ đồ tư duy Hồn Trương Ba, da hàng thịt

4. Kiến thức cơ bản về vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

a) Hoàn cảnh ra đời và xuất xứ

Hồn Trương Ba, da hàng thịt viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, là một trong số những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.

- Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

b) Tóm tắt nội dung vở kịch

Trương Ba - người làm vườn chất phác, hiền lành, rất mực yêu quý vợ con và cháu gái. Ông nổi tiếng là người chơi cờ giỏi và có lối sống thanh cao. Vì sự tắc trách của Nam Tào, Trương Ba đang khỏe mạnh bỗng chết một cách đột ngột. Tiên Đế Thích vì muốn có người đánh cờ với mình và muốn sửa sai cho Nam Tào nên hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đau khổ đấu tranh với những ham muốn bản năng của thân xác hàng thịt. Sau một thời gian, chính hồn Trương Ba cũng phần nào bị tha hóa, gia đình Trương Ba trở nên ly tán, đau buồn. Trương Ba quyết định thắp nhang gọi Đế Thích lên để quyết định rời khỏi thân xác anh hàng thịt. Đế Thích tìm mọi cách khuyên ngăn và đưa ra giải pháp khác hấp dẫn hơn như cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị đang hấp hối. Trương Ba xin cho cu Tị được sống và kiên quyết chọn cái chết và không nhập vào xác ai nữa bởi ông không muốn “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”.

c) Giá trị nội dung và nghệ thuật của vở kịch

- Giá trị nội dung: Qua đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, của chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống, xung đột kịch độc đáo, hấp dẫn.

+ Đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính, tạo nên chiều sâu ý nghĩa cho vở kịch.

+ Hành động kịch của nhân vật phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, góp phần thúc đẩy tình huống, xung đột kịch phát triển.

+ Nghệ thuật độc thoại nội tâm giúp nhân vật bộc lộ tính cách và quan niệm về lẽ sống đúng đắn.

- Hai xung đột trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

+ Xung đột xã hội: giữa lối sống, lối làm ăn mới (đại diện là nhân vật Cả - con Trương Ba) và lối làm ăn, cách sống truyền thống (đại diện là Trương Ba - một người làm vườn). Đây cũng là xung đột thế hệ, xung đột thời đại.
+ Xung đột siêu hình: cuộc tranh chấp giữa tâm hồn (trí tuệ, tình cảm) và thể xác (sức lực, vật chất). Đây là xung đột chính của vở kịch.

- Ý nghĩa của màn kết vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt

+ Thể hiện tinh thần lạc quan của vở kịch. Trương Ba chết nhưng hình ảnh của Trương Ba bất tử, bởi ông đã có chỗ để phục sinh. Đó chính là sự phục sinh trong trái tim của những người thân yêu.

+ Gửi gắm thông điệp của tác giả về cuộc sống: Sự sống thật sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục, hoàn thiện được nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Các em có thể tham khảo dàn ý phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt với các đề văn thường gặp để tự ôn luyện kiến thức về tác phẩm.

Mẫu dàn ý phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) sinh ra ở Phú Thọ, là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ông là một con người tài năng đa dạng nhưng gặp nhiều bất hạnh. Ông đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi sự nghiệp đang nở rộ.

+ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, đã đưa tên tuổi của ông nổi tiếng hơn.

2. Thân bài: Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

a) Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt

- Hồn Trương Ba:

+ Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

+ Xem xác chỉ là cái vỏ bên ngoài, âm u, đui mù, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém. Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.

+ Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.

- Xác anh hàng thịt:

+ Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt.

+ Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.

- Kết quả: phần thắng thuộc về xác anh hàng thịt.

=> Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.

b) Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình

- Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn.

- Những người thân trong gia đình:

+ Vợ Trương Ba: đau đớn, khóc lóc, nhận ra Trương Ba không còn là Trương Ba của ngày xưa, “ông đâu còn là ông”.

+ Cháu gái: giận dữ, quyết liệt, phản đối nhất mực, cho rằng ông mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ, phũ phàng.

+ Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với ông nhưng vẫn thấy không còn nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.

-> Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

=> Mâu thuẫn kịch lên đến đỉnh điểm.

c) Cuộc đối thoại giữa Trương Ba với Đế Thích, quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba

- Sự giác ngộ về ý thức:

+ Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.

+ Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

+ “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

+ “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

- Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba:

+ Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.

+ Phép thử của Đế Thích (Trương Ba nhập vào xác cu Tị): Trương Ba đã để cho cu Tị sống còn mình thì chết.

=> Một quyết định đầy khó khăn nhưng hết sức đúng đắn.

Đọc thêmPhân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích

=> Đoạn kết có ý nghĩa rất to lớn nó có tác dụng thúc đẩy ý chí nhận thức của con người về cách sống để tránh làm cho tâm hồn của mình bị tổn thương, không hoán đổi thân xác và sống nhờ vào thân xác của người khác. Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.

d) Đặc sắc nghệ thuật

- Sáng tạo cốt truyện dân gian.

- Nghệ thuật tạo tình huống, tạo xung đột kịch

- Nghệ thuật diễn tả hành động nhân vật, dựng lời thoại

- Đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính

- Độc thoại nội tâm

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của vở kịch

- Nêu cảm nhận hoặc ý kiến của mình về tác phẩm.

TOP 9+ bài văn hay phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu số 1

Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh… nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người. Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Qua các cuộc đối thoại của Trương Ba, tác giả dần tạo nên một mạch truyện dẫn dắt người xem hiểu sâu hơn về Trương Ba.

Có thể nói Trương Ba đã chết một cách vô lí, ai cũng biết cái chết của Trương Ba là do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào. Nhưng sự sửa sai của Nam Tào và Bắc Đẩu theo lời khuyên của Đế Thích nhằm trả lại công bằng cho Trương Ba lại đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh vô lí hơn là linh hồn mình phải trú nhờ trong thể xác của kẻ khác. Do phải sống nhờ thể xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu hiển nhiên của xác thịt. Linh hồn nhân hậu, trong sạch, bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì phải sống mượn, vá lắp, tạm bợ và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác thịt thô phàm của anh hàng thịt mà trái lại còn bị cái xác thịt ấy điều khiển. Đáng sợ hơn, linh hồn Trương Ba dần dần bị nhiễm độc bởi cái tầm thường của xác thịt anh đồ tể.

Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ (Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải). Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng.Ý thức được điều đó linh hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thể xác. Xác hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích, đã cười nhạo hồn Trương Ba, tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù ghê gớm của mình, ranh mãnh dồn hồn Trương Ba vào thế đuối lí và hơn nữa, ve vãn hồn Trương Ba thỏa hiệp vì theo lí lẽ của xác thịt là “chẳng còn cách nào khác đâu”, vì cả hai “đã hòa vào nhau làm một rồi”.

Trước những “lí lẽ ti tiện” của xác thịt, Trương Ba đã nổi giận, đã khinh bỉ, đã mắng mỏ xác thịt hèn hạ nhưng đồng thời cũng ngậm ngùi thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, đành nhập trở lại vào xác thịt trong tuyệt vọng. Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ. Một bên đại điện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân.

Màn đối thoại này cho thấy: Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hóa. Không chỉ đừng lại ở đó, tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người.

Không phải ngẫu nhiên, tác giả không đưa anh con trai thực dụng của Trương Ba vào cuộc đối thoại của Trương Ba với những người thân. Các cuộc đối thoại với vợ, con dâu và cháu gái càng làm cho Trương Ba đau khổ hơn. Ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ gây ra cho người thân là rất tệ hại mặc dù ông không hề muốn điều đó. Thái độ của vợ trương Ba, con dâu và cháu gái trước sự biến đổi và tha hóa của Trương Ba: Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ nhưng vốn bàn tính vị tha nên định nhường Trương Ba cho cô vợ anh hàng thịt. Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, “khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.

Trái lại, cái Gái, cháu Trương Ba thì phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân (tôi không phải là cháu ông… Ông nội tôi chết rồi). Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, “Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Tuy nhiên, họ chỉ là những người dân thường, họ không giúp gì được cho tình trạng hiện tại của Trương Ba. Tình huống kịch thúc đẩy Trương Ba phải lựa chọn và sau màn độc thoại nội tâm (hồn Trương Ba thách thức xác anh hàng thịt: “có thật là không còn cách nào khác?” và phản kháng quyết liệt: “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”)”. Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái cảnh phải sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo nữa và muốn được là mình một cách toàn vẹn “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Qua lời thoại này của nhân vật Trương Ba, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đỗ lỗi cho thân xác và tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên Trương Ba nên chấp nhận vì thế giới vốn không toàn vẹn, dưới đất, trên trời đều thế cả. Nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết”.

Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chấp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Lòng tốt hời hợt thì chẳng đem lại điều gì thực sự có ý nghĩa cho ai mà sự vô tâm còn tệ hại hơn, nó đẩy người khác vào nghịch cảnh, vào bi kịch! Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và của Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác, tệ hại ít hơn là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã kiên quyết từ chối, không chấp nhận cái cảnh sống giả tạo, mà theo ông là chỉ có lợi cho đám chức sắc tức lão lí trưởng và đám trương tuần, không chấp nhận cái cuộc sống mà theo ông là còn khổ hơn là cái chết. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hay sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là trả lại linh hồn cho bé Tị. Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba với lời nhận xét: “Con người hạ giới các ông thật kì lạ”. Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này.

Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời chúng ta đang sống. Tuy vậy, chỉ cần nhấn mạnh ở đây vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng được bộc lộ ở đây. Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật của muôn đời. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan đồng thời truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của cái Thiện, cái Đẹp và của sự sống đích thực.

Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ: Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán. Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi. Với tất cả những ý nghĩa đó, đoạn trích rất tiêu biểu cho phong cách viết kịch của Lưu Quang Vũ.

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt học sinh giỏi mẫu số 2

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được đánh giá một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Sau năm 1975, Lưu Quang Vũ nổi lên như một nhà soạn kịch có sức sáng tạo vô cùng dổi dào. Các tác phẩm của ông có sức phê phán mạnh mẽ, đầy quyết liệt và đậm chất trữ tình. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất và mang chủ đề phức tạp nhất của Lưu Quang Vũ. Nằm ở phần kết của vở kịch, đoạn trích thể hiện rõ nhất tài năng của nhà viết kịch hàng đầu Việt Nam.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ viết vào năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984 và nhiều lần trên sân khấu cả trong và ngoài nước.Vở kịch được gợi dẫn từ một cốt truyện dân gian, thực chất là sự cải biên một truyện cười dân gian. Trong khi tác giả dân gian chỉ tạo ra một tình huống oái oăm nhằm gây tiếng cười phê phán thì Lưu Quang Vũ đã biến nó thành một tấn bi kịch - bi kịch tâm lí. Đoạn trích phân tích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Đến cảnh VII của vở kịch thì xung đột giữa hồn và xác đã được đẩy lên đỉnh điểm, nút thắt được siết chặt đến cao độ và cũng là lúc ta thấu hiểu tấn bi kịch mang tên: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đầu tiên là bi kịch sống nhờ, sống gửi, tồn tại trái với lẽ tự nhiên của hồn Trương Ba. Bi kịch ấy được thể hiện rõ qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba đã tách khỏi xác anh hàng thịt, còn “thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ còn là thân xác”. Hồn Trương Ba nhân hậu, trong sáng và thanh cao lại đặt trong thân xác của một anh hàng thịt phàm tục, thô lỗ, đầy sức mạnh bản năng tục tằn. Lúc nào hắn cũng chỉ nghĩ đến mấy “cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi…”. “Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi”…

Cuộc tranh luận giữa hồn và xác diễn ra quyết liệt. Dường như có những lúc tiếng nói của xác thịt lấn át cả tiếng nói của linh hồn, đẩy linh hồn vào thế bị động và một mực phủ nhận lí lẽ của xác anh hàng thịt “lí lẽ của anh thật ti tiện”. Chỉ còn biết ngao ngán thở dài một tiếng “Trời!”. Qua đó, ta thấy rằng hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ tột cùng. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải của linh hồn đã nói nói lên điều đó. Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt chính là ẩn dụ về cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thân xác trong một con người. Đó là tiếng nói của bản năng và những tác động ghê gớm của nó vào linh hồn. Mặc dầu cho linh hồn luôn đấu tranh để vượt lên những đòi hỏi không chính đáng của thể xác nhưng khó mà tránh khỏi những tác động đó. Hồn Trương Ba có những dấu hiệu của sự tha hóa: trở nên thô lỗ tát con đến chảy máu mồm, thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…

Tiếp đó là bi kịch bị chối bỏ bởi những người xung quanh được thể hiện tập trung qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với những người thân. Tình trạng tồn tại bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo của Hồn Trương Ba khiến cho vợ ông đau khổ tới mức định bỏ nhà ra đi dù bà là người hiền lành, cam chịu. Cái Gái quyết liệt không chịu nhận ông nội “Tôi không phải là cháu ông…Ông nội tôi chết rồi”, “Ông nội đời nào thô lỗ và phũ phàng như vậy”, “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi”. Nó tố cáo Hồn Trương Ba làm gãy cây trong vườn, dẫm nát cây sâm quý của ông nội đã mất và còn làm hỏng mất cái diều của thằng cu Tị… Mặc dù cái Gái là đứa cháu rất yêu thương ông nội, đêm nào nó cũng khóc thương ông, nâng niu cất giữ từng chút kỷ niệm của ông. Nhưng nó vẫn chỉ là một đứa trẻ nhỏ, tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thánh thiện không thể chấp nhận sự thô lỗ, tầm thường của linh hồn ông nội trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt. Có lẽ người thấu hiểu và thương Trương Ba nhất nhà lại là chị con dâu, nhưng trước tình cảnh đó chị cũng phải nói rằng: “mỗi ngày thầy một đổi khác đi, mất mát dần”. Càng thương bố chồng, người con dâu ấy càng đau khổ, tuyệt vọng trong câu hỏi “làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”. Than ôi! Còn gì đau đớn và hổ thẹn hơn khi mà bị chính những người thân của ta ruồng bỏ… Có lẽ đó là bi kịch dằn vặt nhất đối với Trương Ba của hiện tại.

Bi kịch lại nối tiếp những bi kịch khi Đế Thích khuyên Trương Ba chấp nhận vì thế giới không toàn vẹn, thể hiện cái nhìn quan liêu, hời hợt về cuộc sống con người. Và đó chính là bi kịch sửa sai càng thêm sai. Trương Ba bị chết oan uổng vì “một lầm lẫn của quan thiên đình”. Để sửa sai thì Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống trong thân xác của anh hàng thịt. Tồn tại ở tình trạng trái với tự nhiên một thời đã khiến hồn Trương Ba nhận ra rằng “có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”. Chỉ có cách là cố gắng đừng sai mà thôi. Nếu lỡ sai rồi thì hãy làm một việc đúng khác để bù lại. Khi Trương Ba kiên quyết đòi trả xác cho anh hàng thịt, Đế Thích định cho hồn ông nhập vào cu Tị. Bằng sự quyết liệt của mình, Hồn Trương Ba đã không chấp nhận mà chỉ xin tiên Đế Thích trả lại cuộc sống cho cu Tị - một cậu bé ngoan ngoãn, đáng yêu, rất thân thiết với ông và cái Gái hồi ông còn sống. Có lẽ chính sự lựa chọn đó mới làm cho linh hồn của Trương Ba thanh thản. Ông nhận ra rằng con người là một thể thống nhất, hồn xác phải hài hòa đồng thuận. Sống phải là chính mình. Sự bất tử của con người nằm trong ý nghĩa sự sống và sự hóa thân vào cuộc sống xung quanh.

Khép lại vở kịch, Trương Ba đã chấp nhận cái chết để không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba da hàng thịt” nữa. Đây là một kết cục đầy bi kịch chứ không phải kết thúc có hậu như trong cốt truyện dân gian trước đó. Nhưng đó lại là cái kết của sự chiến thắng cái ác, cái xấu và của những điều tốt đẹp, bản lĩnh. Vở kịch được đánh giá là một vở “bi kịch lạc quan” bởi tuy rằng Trương Ba không còn tiếp tục được sống nhưng những giá trị đích thực của cuộc sống được bảo toàn. Không còn trên cõi trần nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè và với tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Dưới ngòi bút của nhà viết kịch điêu luyện Lưu Quang Vũ những bi kịch của hồn Trương Ba trong đoạn trích được thể hiện một cách sinh động, đầy kịch tính thông qua những màn đối thoại, xung đột. Sự hấp dẫn của kịch bản cùng với nghệ thuật tạo dựng tình huống độc đáo, xây dựng và dẫn dắt xung đột kịch hợp lí và nghệ thuật dựng hành động kịch sinh động góp phần đem đến sự thành công cho tác phẩm. Đặc biệt, vở kịch được tạo nên bởi yếu tố huyền thoại, nghĩa là không có thực. Qua đó nhà văn đã làm sáng tỏ một hiện thực: Trong xã hội cũ, tình trạng con người không làm chủ được bản thân mình, không được sống như mình mong muốn không phải là hiếm. Hàng loạt nhân vật của Nam Cao cũng rơi vào tình trạng bi kịch như thế như: Chí Phèo, Bà cái Tí, anh cu Lộ…

Nằm ở phần kết của vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, đoạn trích thể hiện rõ tài năng của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Thấy được kịch Lưu Quang Vũ đặc sắc trên rất nhiều phương diện như: sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, hay tiếng nói phê phán gay gắt, quyết liệt những hiện thực trong xã hội cũ… Vở kịch nói chung và đoạn trích nói riêng đã đem đến cho ta những bài học quý giá: Được sinh ra trên đời là một hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn khi ta được sống là chính mình, sống một cách trọn vẹn với những giá trị vốn có và sẽ mãi theo đuổi nó đến cùng.

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt cơ bản kèm liên hệ mở rộng mẫu số 2

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nổi tiếng với những tác phẩm có nội dung giàu tính hiện thực, có tính đả kích sâu sắc và mang đậm giá trị nhân văn. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của ông phải nhắc đến đó chính là tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt. Trong tác phẩm này những vấn đề mấu chốt và tình huống truyện đều tập trung xoay quanh nhân vật Trương Ba, một con người phải sống nhờ ở đậu trong thân xác của người khác.

Trước khi đột ngột qua đời, Trương Ba là một người đàn ông hiền lành đức độ trong gia đình, ông là một hình mẫu mực thước cho tất cả các thành viên noi theo. Chính vì vậy ông rất được vợ con yêu thương, con cháu kính trọng. Ông là người không những nho nhã, thanh lịch lại rất thông minh và hiểu biết, nước cờ ông đánh họa chăng chỉ có Đế Thích mới giải vây được. Có thể thấy được đây là con người tri thức, nền nã vừa đẹp ở tâm hồn nhân cách lại có những hành vi ứng xử văn minh.

Tuy nhiên, chỉ vì một sai sót của Nam Tào, Bắc Đẩu khi vội đi chơi mà khiến cho Trương Ba phải chết oan. Cái chết của Trương Ba đột ngột và vô lý đến nỗi khi vợ Trương Ba gặp Đế Thích để đòi lại sự công bằng Đế Thích cũng phải bối rối. Công bằng ấy được sửa chữa, vá víu bằng cách cho hồn Trương Ba nhập vào trong thân xác của hàng thịt. Thế nhưng đây cũng là lúc bắt đầu bi kịch của Trương Ba.

Trương Ba dần trở nên thô thiển hơn, có những hành động lỗ mãng, không còn giống với con người của ông trước kia. Ông trở nên tham ăn tục uống, ăn uống phàm phu tục tử, nói năng thì bỗ bã, thô thiển, hành vi thì lố bịch. Trương Ba đã làm những việc trước đây ông chưa từng làm: tát con trai, làm “gãy tiệt cái chồi non” của cây cam, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm, đã “làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cả cái diều đẹp” của cu Tị. Không chỉ vậy, trong một lần vợ hàng thịt nằng nặc đòi chồng ở lại với mình, Trương Ba đã suýt chút nữa mà nghe theo.

Sự thay đổi của Trương Ba khiến cho chính gia đình ông cũng không chấp nhận được, vợ Trương Ba chấp nhận bỏ đi để ông về sống với vợ hàng thịt. Cái Gái cháu ông thì không nhận ông, cô con dâu ngoan hiền hiểu chuyện nhất cuối cùng cũng trách cứ cha mình. Trương Ba đau khổ lắm. Không phải ông không biết những sự thay đổi đã diễn ra với mình chỉ là ông không thể làm được gì để thay đổi thực tại. Hoàn cảnh của ông đích thực là lực bất tòng tâm. Dù linh hồn của ông muốn nhưng thân xác không chịu nghe theo thì ông cũng không thể điều khiển được. Huống hồ việc ban ngày ở trong thân xác hàng thịt lâu dần khiến cho ông bị tha hóa, trở nên thô thiển, cục mịch, ngày càng giống với con người hàng thịt.

Trương Ba vô cùng đau khổ và day dứt về sự thật này nên đã gặp Đế Thích và trình bày nỗi lòng của bản thân. Có thể thấy ông là một người rất có nhân cách, lòng tự trọng. Ông đã thẳng thừng nói với Đế Thích chỉ quan tâm cho người ta sống còn sống thế nào thì Đế Thích không quan tâm. Những lời phê phán của Trương Ba rất gay gắt nhưng cũng vô cùng chính xác về Đế Thích và cách làm của ông. Trương Ba cuối cùng đau khổ lựa chọn cái chết còn hơn chấp nhận hoán đổi linh hồn mình vào một thể xác mới. Đây là một sự lựa chọn cao cả và thể hiện đúng tính cách con người ông. Ông không thể chấp nhận sự giả dối, hoán đổi, không thể sống mà trong một đằng ngoài một nẻo. Dù cho ông có được đổi sang một thân xác nào đi nữa thì đó cũng là thân xác đi mượn và rồi ông sẽ lại gặp rất nhiều rắc rối khi không được là chính mình. Cách lựa chọn này đã đưa Trương Ba trở về là chính ông dù điều đó đồng nghĩa với việc ông phải vĩnh viễn rời xa vợ con của mình.

Bi kịch của Trương Ba đã nói lên một vấn đề đó là sống nương nhờ trong thân xác của người khác. Con người phải sống là chính mình, nhất quán, đồng điệu giữa tâm hồn và thể xác không thể có chuyện linh hồn người này nhưng lại sống trong thân xác của người khác.

Cách lựa chọn giải quyết vấn đề cũng cho thấy được nhân cách cao đẹp trong con người Trương Ba, ông đã lựa chọn cái chết để được làm chính mình còn hơn cố gắng níu giữ sự sống trong khi mình dần bị tha hóa, biến đổi. Cuối cùng thì Trương Ba vẫn trở về là người chồng yêu thương vợ con, là người cha mẫu mực, người ông đáng kính trọng của tất cả con cháu trong nhà.

Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt mẫu số 3: Triết lí sống thông qua tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

Sau khi đã tham gia và sáng tác ở nhiều lĩnh vực như thơ hay truyện ngắn, Lưu Quang Vũ thực sự tìm được sở trường của mình ở thể loại kịch nói. Cái nhìn thấu đáo, mới mẻ và thực tế của một người lính từng trải qua chiến trường và đi qua những năm tháng đất nước đang chuyển mình đổi mới với nền kinh tế bao cấp lạc hậu, Lưu Quang Vũ đã cho ra đời đến gần 50 vở kịch lớn nhỏ, phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội lúc bấy giờ. Kịch của ông thời điểm đó rất được người dân ưa chuộng bởi lối viết rất tinh tế, rất đời, lại đậm tính triết lý nhân văn sâu sắc. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được tác giả dựng lại từ một câu chuyện dân gian cùng tên, nói về bi kịch của một người là Trương Ba chết oan vì sự tắc trách của các quan trên thiên đình, cuối cùng được cho sống lại dưới xác của anh hàng thịt. Sự sống lại kỳ dị ấy của Trương Ba đã khiến cuộc sống của hai gia đình đảo lộn, đồng thời gây nên đau khổ cho chính bản thân ông, vì sống mà trong ngoài bất nhất, không thể sống theo ý mình. Việc biến một câu chuyện dân gian thành một vở bi kịch đã mang đến cho người đọc nhiều triết lý sống sâu sắc, thông qua suy nghĩ, lời thoại của hồn Trương Ba.

Trương Ba vốn là một người làm vườn khéo léo, chăm chỉ, giỏi đánh cờ, lại hiền lành, có lối sống thanh cao, trong sạch nên được mọi người yêu mến kính trọng. Bi kịch bắt đầu khi Nam Tào cai quản sổ sinh tử trên thiên đình vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba, khiến ông chết bất ngờ và đầy oan ức. Chuyện ông chết đến tận gần một tháng sau thì Đế Thích vốn là tiên, đồng thời là bạn cờ tri kỷ của ông, mới biết chuyện. Vì thương cho Trương Ba chết oan uổng, lại tiếc vì mất đi một tay đấu cờ giỏi, thế nên Trương Ba đã khuyên Nam Tào, Bắc Đẩu nên "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được sống lại vào xác anh hàng thịt vừa mới chết hôm qua, bởi lẽ xác của Trương Ba đã bị mục rữa, không thể chứa hồn được nữa.

Câu chuyện sống lại kỳ dị của Trương Ba đã đem đến cho cả hai gia đình một phen rối bời, nhưng vì Trương Ba trong xác hàng thịt đã chứng minh được mình là Trương Ba nên quay trở về nhà mình và bắt đầu cuộc sống với thân xác mới. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nhưng hàng loạt bi kịch đã xảy đến, khiến Trương Ba vô cùng đau khổ. Nếu như theo cốt truyện dân gian cũ, thì sau khi Trương Ba về nhà với thân xác mới thì ông tiếp tục an hưởng cuộc sống với vợ con mình, mang đến một triết lý rất đơn giản: Đề cao sự quan trọng, tuyệt đối của phần hồn, đem tách rời giữa linh hồn và thể xác làm hai khía cạnh, trong khi hồn nắm giữ mọi tư tưởng, quyết định, còn xác chỉ đơn giản là cái xác, không có hồn thì xác chỉ là một cái túi thịt không hơn không kém, không có suy nghĩ, tư tưởng.

Tuy nhiên đến với ngòi bút của Lưu Quang Vũ, mối quan hệ giữa hồn và xác được nhìn nhận một cách sâu sắc và đậm tính triết lý. Tác giả vẫn đi vào khẳng định vai trò cao hơn của linh hồn, thông qua các sự kiện Trương Ba nhớ ký ức của mình, cũng như tình cảm dành cho gia đình và dẫn theo xác anh hàng thịt về nhà sinh sống, cùng với việc các thành viên trong gia đình qua những cử chỉ, thói quen và ký ức chính xác của Trương Ba cũng nhanh chóng chấp nhận Trương Ba dưới xác anh hàng thịt, mặc dù điều đó là rất khó khăn. Tuy nhiên Lưu Quang Vũ không chỉ đơn giản là khẳng định vai trò của linh hồn so với thể xác, mà còn đưa ra mối quan hệ mật thiết gắn bó hữu cơ giữa phần xác và phần hồn.

Linh hồn Trương Ba sau một thời gian sống trong xác anh hàng thịt thì dần nhận ra sự thay đổi của bản thân, mà chúng ta gọi đó là sự tha hóa. Ông bắt đầu thích uống rượu, ăn tiết canh, thích ăn ngon, nước cờ đi cũng khác xưa, thậm chí ông còn ham bán thịt lợn hơn cả chơi cờ. Trước sự thay đổi đến mức bị người hàng xóm phê bình rằng ông đổi tính, đổi nết Trương Ba đã rất đau khổ, ông cảm thấy căm ghét và ghê tởm cái thể xác âm u, đui mù này ghê gớm, ông ước mình có thể thoát khỏi nó dù một chút thôi.

Như vậy ta có thể nhận thấy rằng bản thân Trương Ba bắt đầu chán ghét cuộc sống hồn một đằng, xác một nẻo và ông bắt đầu nhận thức được sự không thích hợp của cả hai, thế nên ông mới cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát khỏi nó để dễ thở hơn. Sự không hòa hợp giữa hồn và xác càng được làm rõ thông qua cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Hồn Trương Ba luôn tự tin vì mình có một tâm hồn trong sạch, thanh cao, khác hẳn với cái xác tầm thường chỉ toàn những ham muốn phàm tục. Thế nhưng những tưởng hồn sẽ thắng thế, nhưng cái xác với giọng điệu mỉa mai, lý lẽ sắc bén đã liên tục phản biện lại, nó chỉ ra bản thân hồn Trương Ba đã thay đổi ra sao, thích ăn ngon, thích uống rượu, hơn thế nữa còn chút nữa thì không kiềm lòng được trước người vợ trẻ trung của anh hàng thịt trong một đêm nọ, chỉ ra việc ông đã tát thằng con trai đến hộc cả máu mồm việc mà trước đây ông chẳng bao giờ làm thế,... Những biểu hiện tha hóa ấy đã giáng một cái tát thật mạnh vào hồn Trương Ba khiến ông thấy xấu hổ vô cùng vì sự đổ đốn kỳ lạ của bản thân.

Thế nhưng Trương Ba vẫn không chấp nhận sự thật rằng bản thân đã thay đổi, ông cố chấp cho rằng chính những cái ham muốn tầm thường, nhục dục của cái xác "âm u, đui mù" đã làm vấy bẩn linh hồn ông, khiến ông thay đổi mặc dù bản thân ông không muốn. Nhưng xác lập tức vạch trần sự hoang mang của hồn bằng việc chỉ trích ông là kẻ ưa sĩ diện, hay tự ái, mỗi khi tham gia vào việc gì xấu xa thì lại muốn đẩy hết trách nhiệm cho cái xác, để bản thân mình được thanh thản và tâm hồn vẫn luôn cao khiết, thánh thiện. Như thế có thể thấy tuy phần hồn Trương Ba vẫn luôn muốn điều khiển sự ham muốn cái xác, tuy nhiên vì sự không phù hợp về bản chất thế nên ngược lại ông bị cái xác người hàng thịt chi phối lại, và thường làm ra những chuyện khác xa với bản tính trong vô thức, đến khi nhận ra thì lại hối hận không kịp.

Từ đó ta rút ra một triết lý rằng giữa phần hồn và phần xác phải có một sự thống nhất hữu cơ chặt chẽ, xác nắm giữ vai trò nhận thức lý tính, là cơ sở để chứa đựng linh hồn, đồng thời cho linh hồn nhận thức cảm tính, xây dựng nên vẻ đẹp của tâm hồn, cả hai phải phối hợp chặt chẽ ăn ý với nhau, thì mới có thể trở thành một con người toàn vẹn và sống đúng với bản thân mình được. Bản thân xác thịt cũng có những như cầu nhất định, được ăn uống chăm sóc, mà các nhu cầu sinh lý khác cần được thỏa mãn, nhưng phần hồn phải khống chế và điều khiển được những nhu cầu ấy sao cho hợp lý, chứ không thể bị xác thịt điều khiển. Bởi vì là một thực thể thống nhất, trong đó linh hồn là nắm giữ vai trò trọng yếu hình thành nên nhân cách, tư tưởng, chính vì vậy nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì xác thịt đã tạo nên, chứ không thể giống như hồn Trương Ba, rõ ràng đã "dung túng" cho thể xác, rồi cuối cùng lại đổ hết tội lỗi cho nó để bảo vệ sĩ diện của mình.

Có thể thấy rằng cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác chính là cuộc đấu tranh liên tục trong mỗi cá nhân, là sự đấu tranh tư tưởng giữa linh hồn và thể xác trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách đạo đức, và rèn luyện được khả năng làm chủ bản thân, giữ cho phần "người" ưu thế hơn phần "con" của chính chúng ta trong xã hội.

Triết lý thứ hai của tác phẩm nằm ở việc hồn Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, còn mình thì chấp nhận chết đi thật sự. Hồn Trương Ba đã khẳng định với Đế Thích "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Nhân vật này đã nhận ra sự chắp vá kệch cỡm kỳ dị này là vô cùng vô lý, nó đã khiến cho ông và cả những người xung quanh ông phải chịu đau khổ, giày vò, thà rằng ông thật sự chết hẳn thì có lẽ giờ đây gia đình ông đã yên ổn trở lại, và mọi người vẫn nhớ về ông với tấm lòng thương yêu, kính trọng chứ không phải là sự lạ lẫm, ghê sợ, và xa lánh như ngày hôm nay. Thế nên ông quyết trả lại xác cho anh hàng thịt, để bảo vệ cho phần hồn của mình được những giá trị cao khiết, trong sáng chứ không phải sự đổ đốn vì sự chi phối của xác thịt.

Đó chính là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và đầy đạo đức, người ta không thể vì ham sống mà làm hại những người xung quanh mình phải khổ sở được. Hơn thế nữa người ta cũng không thể sống mà hồn một đằng xác một nẻo, không thống nhất biện chứng với nhau được, điều ấy được chỉ ra trong vở kịch, người ta đã nhìn nhận rất rõ sự sai lệch giữa linh hồn và thể xác, khiến nó trở thành một sự chắp vá kệch cỡm vô cùng. Linh hồn Trương Ba thích làm vườn, lại chăm chỉ, khéo léo và rất yêu cây, khi sống trong xác hàng thịt ông vẫn giữ thói quen ấy, thế nhưng sự thô lỗ, vụng về của cái xác đã làm gãy tiệt cái chồi non, bàn chân to như cái xẻng đã xéo nát hết cả mấy cây sâm quý, rồi đôi tay giết heo đã làm hỏng luôn cả cái diều mà cu Tị hằng yêu quý,...

Sự không thống nhất, đã khiến cho mọi việc trở nên bung bét cả ra, bởi những công việc khéo léo, tỉ mẩn ấy không dành cho người vai u thịt bắp quen việc giết mổ, mà là để dành cho người có đôi bàn tay cẩn thận, gầy guộc giống như cái xác cũ của Trương Ba thì mới phù hợp. Cuối cùng người đọc rút ra một chân lý rằng người ta chỉ có thể sống một cách toàn vẹn và chân thực khi có sự thống nhất ăn ý giữa hồn và xác, chứ không phải kiểu chắp vá hồn một đằng xác lại một nẻo được.

Một chi tiết khác cũng đậm tính triết lý không kém trong truyện là việc Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba ngụ vào xác của cu Tị, nhưng Trương Ba từ chối. Đó lại cũng là một thử thách lớn đối với hồn Trương Ba, bởi Đế Thích cho rằng ông không thích cái xác thô lỗ của anh hàng thịt, có lẽ ông sẽ thích xác của cu Tị hơn. Thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông chấp nhận cái chết, chứ không giẫm vào vết xe đổ ấy lần nữa bởi bi kịch không thể tiếp tục tái diễn bằng một bi kịch tương tự nữa. Từ đó ta hiểu ra rằng trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa phần hồn (phần người) - tượng trưng cho sự cao khiết, thanh sạch và phần xác (phần con) - tượng trưng cho những khao khát, nhục dục tầm thường, thì phần người, phần nhân cách cuối cùng cũng chiến thắng, thoát khỏi sự quyến rũ của việc được tiếp tục sống, được tận hưởng. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự cao thượng, vẻ đẹp của đạo đức và khát khao hoàn thiện nhân cách từ bao đời nay của con người. Có lẽ câu "chết vinh còn hơn sống nhục" nó lại khá đúng trong trường hợp này.

Khi đọc hết vở kịch của Lưu Quang Vũ ta phát hiện ra rằng ngoài cốt truyện đầy bi kịch và những triết lý chủ đề của tác phẩm thì bản thân tác giả thông qua lời nhân vật cũng thường xuyên đưa vào những lời thoại mang tính chất triết lý nhân văn sâu sắc, khiến người đọc không chỉ nhìn nhận những nội dung chính như việc sống toàn vẹn thống nhất giữa thể xác và tâm hồn hay việc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách cao thượng của con người, mà còn học thêm được nhiều điều khác. Khiến độc giả được mở rộng được tầm nhìn của mình với cuộc sống ví như trích lời Trương Ba: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm", nhằm khuyên nhủ con người không nên vì lòng ích kỷ của cá nhân mà gượng ép sửa chữa để rồi cuối cùng mọi chuyện càng trở nên không thể cứu vãn được, đồng thời lại còn khiến những người khác phải chịu tổn thương.

Như bản thân Nam Tào thì vì tắc trách lại muốn bưng bít tội trạng của mình, còn Đế Thích thì cứ tiếc mãi một người bạn chơi cờ hay, thành thử đã gây nên cho Trương Ba và những người bên cạnh ông ta một loạt các bi kịch. Hoặc khi Trương Ba nói với Đế Thích "ông phải tồn tại lấy chứ", lúc nhân vật này bảo rằng Trương Ba là lẽ sống của mình. Điều đó đã ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta rằng bản thân sống không phải là dựa dẫm vào người khác, mà phải có mục tiêu lý tưởng riêng cho bản thân mình, chứ không thể cứ mãi bám theo cái bóng của người khác để tìm kiếm giá trị của bản thân được (bởi Đế Thích đánh cờ với Trương Ba thì luôn thắng).

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một vở kịch hay mang đậm giá trị nhân văn và các triết lý nhân sinh sâu sắc, khuyên nhủ con người ta phải biết đấu tranh để hoàn thiện nhân cách của mình, phải sống được là chính mình, không thể sống mà trong ngoài bất nhất rồi cuối cùng phải chịu đau khổ, bi kịch. Bên cạnh đó cũng giáo dục con người không thể vì lòng ích kỷ riêng mà làm những chuyện ảnh hưởng đến người khác. Dẫu kết thúc câu chuyện là bi kịch thế nhưng đó lại là cái kết hợp lý nhất, làm thỏa mãn độc giả hiện đại.

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu số 4: Thông điệp mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm

Trong truyện cổ dân gian nước ta có truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Từ cốt truyện của truyện cổ dân gian đó, Lưu Quang Vũ đã phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật, sáng tác một vở kịch lớn gửi đến người đọc những thông điệp về bản thể và cách sống của con người, cụ thể là quan hệ giữa thể xác linh hồn và cách sống chân thực, lẽ sống vì mọi người.

Về quan hệ giữa thể xác và linh hồn, truyện cổ dân gian cũng quan niệm linh hồn phải có thể xác thì mới có chỗ trú ngụ và thể xác phải có linh hồn thì mới sống được nhưng truvện cổ dân gian tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn, coi nhẹ thế xác quá nên khi Trương Ba mượn được thể xác của người bán thịt thì Trương Ba coi mình là Trương Ba 100% và không băn khoăn gì về hình dạng của mình, cũng không có biến đổi gì trong tính cách...

Lưu Quang Vũ có kế thừa truyện cổ dân gian, ông cũng nhấn mạnh vai trò cao hơn của linh hồn so với thể xác. Trương Ba khi sống lại trong thân xác anh hàng thịt thì nhận biết mình là Trương Ba (dựa váo kí ức, tình cảm và ý thức tức là dựa vào phần hồn của mình). Vợ Trương Ba sau khi kiểm tra kí ức của Trương Ba cũng nhận chồng; Trương Hoạt, bạn của Trương Ba cũng vậy. Chị con dâu thì càng thương cha chồng hơn, mặc dù lúc này ông mang vóc hình khác chị thấy ở ông đức tính nhân hậu hệt như cha chồng xưa.

Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ không dừng lại ở đó, ông thấy linh hồn không hoàn toàn độc lập với thể xác, ông nhìn thấy sự chi phối của thân xác đối với linh hồn. Trương Ba trong xác anh hàng thịt, bắt đầu thích ăn tiết canh, uống rượu, nói to, tay chân trở nên thô vụng: động vào cây làm gãy chồi non, chân giẫm lên cả cây sâm quý. Bị Lí trưởng xử ban ngày phải sang nhà vợ anh hàng thịt, Trương Ba cũng có lúc bị xao động (ít ra là ở cảm giác) trước cử chỉ thân mật của chị vợ anh a và phải tự đấu tranh để thoát ra. Chính xác anh đã nói với hồn Trương Ba: ‘Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”. Cuộc tranh cãi giữa xác anh hàng thịt và hồn Trương Ba nảy ra cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác, cuộc đấu tranh trong bản thân con người để chống lại tác động xấu của thể xác làm tha hóa linh hồn.

Bản thân Trương Ba cũng tự thấy nhiều điều phiền toái và có nguy cơ tự đánh mất mình. Ông cảm thấy vướng víu xa lạ trong thân xác khác, cháu gái nội ông không nhận ông. vợ ông muốn bỏ đi, con dâu thấy ông không chỉ khác lạ về thân xác  mà bắt đầu khác cả về tính tình. Trương Ba cũng đã phải tự nói: “Mày (thân xác) đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta”. Trương Ba đã phải tiến hành một cuộc đấu tranh với xác anh hàng thịt, đây là cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác trong một con người Thể xác cũng có tiếng nói riêng của nó, nhu cầu riêng của nó, những nhu cầu này có cái chính đáng, có cái không chính đáng, Con người phải biết tiết chế, biết đè nén nhu cầu thể xác, thậm chí phải hi sinh một số nhu cầu...

Trước những phiền toái và nguy cơ tha hóa do sống trong thân xác mượn của ké khác, Trương Ba muốn trả lại thân xác cho anh hàng thịt. Nhưng như có nghĩa là Trương ba lại phái chết. Trương Ba sẵn sàng chết vì nếu sống ông không là mình, mà mất dần nhân cách, mà nhìn thấy những người khác đau khổ (ví dụ chị vợ anh Hàng thịt, “chị ta thật đáng thương”, rồi vợ, rồi con, cháu như đã nói trên) thì thà chết, còn hơn.

Lúc đó có cháu Tị chẳng may ốm chết, Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác cháu, thì cháu Tị được sống lại với hồn Trương Ba, còn hồn Trương Ba được sống trong thân xác bé bỏng của cháu. Trương Ba cũng từ chối vì nếu thế, bi kịch sống không là mình lại tiếp diễn sống gây phiền toái, đau khổ cho những người khác (trước nhất là cho mẹ cháu Tị rồi đến vợ mình...). Trương Ba đề nghị Đế Thích dùng phép thiêng cứu sống cho cháu Tị còn mình chấp nhận cái chết. Đó là cách duy nhất đế hồn Trương Ba có thể thanh thản ở thế giới bên kia. "Từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình là Trương Ba thật, tâm hồn tôi trở lại thanh thản, trong sáng như xưa...". Trương Ba chết nhưng linh hồn Trương Ba vẫn sống trong nỗi nhớ của mọi người, sống trong sự sống vẫn đang sinh sôi của cây cỏ, của con người...

Tóm lại, qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một tình huống ẩn dụ có sức lôi cuốn và gợi suy nghĩ sâu sắc, gửi tới người đọc thông điệp: “Trong con người có hai thực thể là thể xác và linh hồn, hai thực thể đó có quan hệ hữu cơ với nhau nhưng cùng có tính độc lập tương đối với nhau. Con người phải luôn luôn đấu tranh với bản thân, điều chỉnh, làm chủ những nhu cầu, ham muốn để có được sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác hướng tới sự hoàn thiện nhân cách. Đó là sống thành thật, sống trong sạch, là sống vì mọi người, không thể sống giả dối, sống bằng mọi giá, sống trên sự đau khổ của người khác...”. Tư tưởng triết lí của Lưu Quang Vũ, về con người, về quan hệ giữa linh hồn và thể xác, về cách sống và lẽ sống của con người vừa biện chứng, vừa lạc quan và cao thượng. Điều này cùng với tài năng sáng tạo nghệ thuật của tác giả đã làm cho vở kịch có giá trị nhân văn cao, vươn tới tầm nhân loại.

(Nguồn: Học văn lớp thầy Link Key)

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt ngắn gọn nhất mẫu số 5

Lưu Quang Vũ là một tài năng đa dạng nhưng kịch là phần đóng góp đặc sắc nhất. ông được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Từ cốt truyện dân gian ông xây dựng lên một vở kịch hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân sinh sâu sắc.

Vở kịch viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Văn bản trích trong sách giáo khoa thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng thật cao thượng của hồn Trương Ba.

Xung đột giữa hồn và xác là xung đột trung tâm của vở kịch. Đến cảnh VII, xung đột lên tới đỉnh điểm cần phải giải quyết. Sau mấy tháng sống nhờ trong xác hàng thịt một cách trái tự nhiên, hồn Trương Ba trở nên xa lạ với người thân và tự chán chính mình: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi!”. Tình huống kịch bắt đầu từ chi tiết này. Trong khi hồn rất muốn thoát ra khỏi thân xác kềnh càng, thô lỗ của anh hàng thịt thì xác lại cứ muốn tồn tại mãi tình trạng này.

Và cuộc đối thoại giữa hồn và xác diễn ra: Xác chê hồn là cao khiết nhưng vô dụng. Xác tự hào với sức mạnh đui mù của mình, tự hào đã dụ dỗ, sai khiến được hồn vào những dục vọng của mình. Lí lẽ của xác thật đê tiện những cũng rất thực tế khiến hồn không có cơ sở biện bác. Dường như xác đã thắng. Trong cuộc đối thoại với xác, hồn ngày càng đuối lí, càng ra vẻ quát tháo, nạt nộ càng chứng tỏ sự lúng túng bất lực. Trong xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba cứ bị tha hóa dần.

Giờ đây dù không muốn, hồn Trương Ba cũng đã trở nên thô lỗ, vụng về, phũ phàng, lạnh lùng, tàn bạo chứ không còn hiền hậu, nhẹ nhàng như Trương Ba - người làm vườn ngày xưa. Dù có trốn chạy, hồn Trương Ba không thể phủ nhận sự thay đổi đó. Sự chống đối của hồn ngày càng yếu dần. Tuy mắng xác ti tiện nhưng hồn đành kêu trời vì phải đầu hàng tuyệt vọng. Đoạn đối thoại khẳng định ý nghĩa của sự thống nhất linh hồn và thể xác, giữa bên trong và bên ngoài. Đây là một vấn đề có tính chất khái quát cao, bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội. Hồn Trương Ba rơi vào bi kịch bị tha hóa. Qua tình cảnh này tác giả cảnh báo: Khi con người sống chung với dung tục sẽ bị dung tục lấn át, ngự trị và tàn phá những gì tốt đẹp cao quý của con người.

Tất cả mọi người trong gia đình dù đã cố chịu đựng để thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng ngày càng không thể chấp nhận sự thật quái gở trong nhà mình. “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống nhưng không phải bất cứ cách sống, kiểu sống nào. Sống mà đánh mất bản thân, sống giả dối với mọi người, với chính mình, sống như Hồn Trương Ba đang sống thì thà chết còn hơn”. Và hồn quyết định gọi mời tiên Đế Thích Xuống trần để thực hiện mong muốn của mình.

Sau cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với tiên Đế Thích. Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại tuần hoàn theo quy luật muôn đời.

Thông qua đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn giá trị hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Nghe bài văn phân tích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay nhất

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu số 6

Lưu Quang Vũ sinh năm (1948 - 1988) là một trong những nhà viết kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam, tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông có vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là một trong những văn bản đặc sắc với việc khắc họa những mâu thuẫn giữa linh hồn của Trương Ba với xác của hàng thịt, phản ánh bi kịch cũng như khát vọng được hoàn thiện về nhân cách của hồn Trương Ba.

Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt xuất xứ từ một câu chuyện có trong dân gian từ lâu đời được tác giả Lưu Quang Vũ biên kịch thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra những vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa về tư tưởng cũng như triết lý nhân văn một cách sâu sắc. Vở kịch được công diễn tại nhiều nước trên thế giới, là một trong những vở kịch góp phần nên tên tuổi của Lưu Quang Vũ.

Nội dung của nó được tóm tắt như sau: Trương Ba là một nhân vật người làm vườn nhưng có tài chơi cờ tướng, vì một sự nhầm lẫn nhỏ của Nam Tào nên Trương Ba bị chết oan. Để có thể sửa sai thì Nam Tào cùng Đế Thích để cho Trương Ba sống lại nhưng lại nằm trong thân xác của anh hàng thịt.

Mọi rắc rối cũng từ đây mà phát sinh, Trương Ba liên tục bị làm phiền, những người thân thì sợ hãi và xa lánh, bản thân của Trương Ba cũng rất lấy làm khó chịu khi thân xác không phải là của mình. Cuối cùng thì Trương Ba cũng đã quyết định trả lại thân xác cho anh chàng hàng thịt, giải thoát cho mình và chấp nhận cái chết. Đây là đoạn trích của đoạn kết trong tác phẩm tập trung phản ánh những chủ đề tư tưởng của vở kịch.

Ở trong đoạn này, mâu thuẫn đỉnh điểm đã được tác giả thể hiện qua sự dằn vặt, cũng như những giằng xé một cách đau đớn của hồn Trương Ba. Cảnh hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt với tư thế ngồi ôm đầu chính là cảnh mở đầu cho đoạn kịch, nói ra những câu đầy bực bội:

“Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi…Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồii! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!”

Sau đó chính là cảnh hồn của Trương Ba được tách khỏi xác của anh hàng thịt, cũng từ đây thì cuộc đối thoại giữa hồn và xác cũng được bắt đầu. Dưới vỏ bọc ngôn ngữ của những lời đối thoại có nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo trình độ của những người xem kịch mà Lưu Quang Vũ cũng chú ý đến sử dụng ngôn ngữ mà phản ánh tính cách và bản chất của nhân vật.

Xác của anh hàng thịt lên tiếng với những giọng điệu hết sức mỉa mai, phủ nhận những cố gắng để giải thoát linh hồn của Trương Ba như “cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu”… Hồn của Hồn Trương với thái độ vừa coi thường vừa ngạc nhiên: “mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói”… “hoặc có thì cũng là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được "thèm ăn, thèm rượu thịt”.

Lưu Quang Vũ thừa kế những tư tưởng của những truyện cổ dân gian một cách thấm nhuần, và tiếp tục khẳng định những vai trò to lớn của linh hồn và thể xác. Tuy thế nhưng tác giả đã cho người xem một cuộc tranh luận không kém phần gay go và quyết liệt giữa linh hồn của Trương Ba và xác của anh hàng thịt.

Có những khi tiếng nói của xác thịt còn lấn át cả tiếng nói của linh hồn, làm cho linh hồn bị đẩy vào ở thế bị động và lúng túng: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!… Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ?” hay sự phân bua lí lẽ đòi công bằng qua câu “Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi… Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác…”

Thương Trương Ba với bản tính hiền lành, phúc hậu đồng thời không muốn làm mất đi người bạn cờ tri kỉ mà Đế Thích vẫn cố gắng thuyết phục để Trương Ba đổi ý nhưng ông vẫn giữ nguyên: “Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!”

Hành động trao trả lại thân xác cho anh hàng thịt của nhân vật Trương Ba là một hành động đúng đắn và hợp đạo lí. Điều đó có thể khẳng định: Một linh hồn dù có tốt đẹp đến đâu nhưng mà phải trú ngụ trong một thể xác của người khác thì cũng không thể nào có thể thấy thoải mái vì những mặc cảm giả dối.

Có thể nói trích đoạn vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt đã tập trung một cách cao độ tính triết lý cũng như tư tưởng nhân văn của vở kịch đến từ dân gian này.

Tác giả đã cho người đọc và người xem thấy được một quan niệm về cách sống một cách đúng đắn hãy là chính mình, cuộc sống thực sự của một cá nhân chỉ có ý nghĩa khi chúng ta sống vì niềm vui và sự lạc quan, hạnh phúc của tất cả mọi người vì sự tốt đẹp cho cuộc đời.

>>> Một đề văn tương tự được ra với tác phẩm này: Cảm nhận về trích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt mẫu số 7

Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là con trai của nhà biên kịch Lưu Quang Thuận, quê gốc Quảng Nam, sống và làm việc trên đất Bắc. Thừa hưởng truyền thống văn chương của dòng họ, ông đã thể hiện tài năng sáng tác khá sớm. Ở tuổi hai mươi, khi đang là một chiến sĩ của binh chủng Phòng không - Không quân, Lưu Quang Vũ đã có nhiều bài thơ trữ tình được thế hệ trẻ yêu thích, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và văn học nghệ thuật vào năm 2000. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt vốn là một câu chuyện dân gian có từ lâu đời đã được tác giả Lưu Quang Vũ xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân văn sâu sắc. Vở kịch được công diễn nhiều lần trong và ngoài nước, được dư luận đánh giá là một trong những vở kịch làm nên tên tuổi Lưu Quang Vũ.

Nội dung vở kịch tóm tắt như sau: Trương Ba là một người làm vườn có tài chơi cờ tướng. Vì sự nhầm lẫn của Nam Tào (vị quan trên Thiên đình trông coi về việc sinh tử của con người dưới trần gian) nên Trương Ba chết oan. Để sửa sai Nam Tào cùng Đế Thích (tiên cờ) làm cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt. Mọi chuyện rắc rối xảy ra từ đây. Trương Ba bị làm phiền liên tục, bị người thân sợ hãi, xa lánh. Bản thân Trương Ba cũng, rất "khó chịu vì phải sống trong thân xác không phải của mình". Cuối cùng ông đã quyết định trả lại thân xác cho anh hàng thịt và chấp nhận cái chết thực sự để giải thoát cho mình. Đoạn trích là đoạn kết, tập trung phản ánh tư tưởng chủ đề của vở kịch: Bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu bị tha hóa trước sự lấn át của thể xác phàm tục, thô lỗ. Vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

Ở đọan này, điểm đỉnh của mâu thuẫn kịch đã được tác giả thể hiện qua sự dằn vặt, giằng xé đau đớn của hồn Trương Ba. Mở đầu là cảnh hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy, nói những câu đầy bực bội, bức xúc: Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi!... Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rỗi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát!

Tiếp sau đó, hồn Trương Ba tách khỏi thân xác anh hàng thịt và cuộc đối thoại giữa hồn Và xác bất đầu. Dưới lớp vỏ ngôn ngữ của những lời đối thoại là nhiều tầng nghĩa khác nhau, tuỳ thuộc vào trình độ của người xem kịch. Lưu Quang Vũ rất chú ý đến việc dùng ngôn ngữ để phản ánh tính cách và bản chất nhân vật. Xác hàng thịt lên tiếng với giọng điệu mỉa mai, chế giễu và phủ nhận những cố gắng giải thoát của hồn Trương Ba: Vở kịch, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chì là thân xác... Hồn Trương Ba đáp lại với thái độ vừa ngạc nhiên vừa coi thường, mày cũng biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói. Mày không có tiếng nói mà chỉ là xác thịt âm u đui mù... Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt.

Lưu Quang Vũ kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của linh hồn so với thể xác. Thế nhưng tác giả đã để cho cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt không kém phần gay go, quyết liệt. Có những lúc tiếng nói của xác thịt đường như lấn át cả tiếng nói của linh hồn, đẩy linh hồn vào thế lúng túng, bị động: Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục!... Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cung đáng được quý trọng chứ. Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn mảnh đất cây cối, những người thân...

Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi... Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác... Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông hay vịn vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác... Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ... Tôi thông cảm với những "trò chơi tâm hồn của ông".

Nghĩa là: Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện, Hà hà, miễn là... ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi. Hồn Trương Ba tuy vẫn khăng khăng phủ nhận lí lẽ của xác hàng thịt: Lí lẽ của anh thật ti tiện, nhưng rõ ràng là đã lâm vào tình thế tuyệt vọng và chỉ biết than: Trời!

Cả gia đình Trương Ba cũng bị cuốn vào bi kịch bởi những điều lộn xộn, tréo ngoe do hồn một đằng xác một nẻo gây ra. Vợ Trương Ba thì trách móc chồng: ông bây còn biết đến ai nữa! Cu Tị ốm thập tử nhất sinh, từ đêm qua tới giờ bắt đầu mê man, mẹ nó khóc đỏ con mắt. Khổ! Thằng bé ngoan là thế! Cái Gái thương bạn, ngơ ngẩn cả người... Không hiểu thằng bé có qua khỏi được không, khéo mà... Cái thân tôi thì sao trời lại không bắt đi cho rảnh! Bà muốn bỏ nhà mà đi. Bà nói như khóc: Tôi nói thật đấy... ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kĩ: Có thể tôi phải đi... Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được... đi biệt. Để ông được thảnh thơi... với cô vợ người hàng thịt... Còn hơn là thế này... Tôi biết, ông vẫn là người hết lòng thương yêu vợ con... Chỉ tại bây giờ... ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa...

Cái Gái, đứa cháu nội yêu quý của Trương Ba cũng tỏ thái độ gay gắt: Tôi không phải là cháu của ông! Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi. Khi hồn Trương Ba cố gắng thanh minh:... sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: Chỉ có ông nội cháu mới biết quý cây như thế... thì cái Gái lại càng gào lên căm giận: Quý cây! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa! Ông mà quý cây à? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy?

Chị con dâu của Trương Ba là người hiểu ông, thương ông nhất. Lúc đầu, chị chấp nhận tình cảnh trớ trêu của cha chồng vì thân xác tuy là của anh hàng thịt thô kệch nhưng tâm hồn ông vẫn thuần hậu như xưa. Chị nói: Thầy vẫn dạy chúng con: Cái bên ngoài có quan trọng gì, chỉ có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của con người ta là đáng kể. Nhưng đến lúc này, chị cũng thấy vừa thương vừa sợ. Chị đau đớn, day dứt khi phải thật tình bộc bạch suy nghĩ của mình với cha chồng: ...thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa... Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giờ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi! Chị con dâu đã nhận xét rất đúng, rất đầy đủ về tình cảnh nan giải của Trương Ba lúc này.

Lời nói của chị con dâu chứa đựng sự thực phũ phàng có tác dụng thức tỉnh hồn Trương Ba, thúc đẩy ông tới một sự lựa chọn một hành động đau xót nhưng quyết liệt. Đoạn độc thoại thể hiện sự dằn vặt khổ sở của hồn Trương Ba khi phải đối điện với chính mình, khi tự đặt ra và trả lời những câu hỏi của lương tâm: Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta... Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? "Chẳng còn cách nào khác". Mày nói như thế hả? Nhưng có thật ta không còn cách nào khác? Không cần cái đời sống do mày mang đến. Không cần!

Để củng cố thêm quyết tâm, Trương Ba thắp nhang cầu khẩn sự giúp đỡ của vị tiên cờ Đế Thích và thổ lộ nỗi khổ tâm của mình: Ông Đế Thích ạ! Tôi không thể tiếp tục mang thân xác anh hàng thịt được nữa, không thể được. Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Thế nhưng những lời giải thích của Đế Thích lại làm cho Trương Ba một phen bàng hoàng: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất trên trời đều thế cả nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào, thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù nào của ông đâu!

Bàng hoàng nhưng Trương Ba vẫn như đang đắm mình trong dòng suy nghĩ, dằn vặt, thoáng chút trách móc: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết.

Sự giằng xé trong tâm trạng Trương Ba được tác giả vở kịch thể hiện tự nhiên, sinh động và chân thật. Muốn thoát khỏi tình huống khó xử và khó chịu như thế này, Trương Ba chỉ còn một cách là chấp nhận cái chết vĩnh viễn. Ông muốn Đế Thích trả lại thân xác cho anh hàng thịt để phần hồn sẽ sống hòa thuận với thân xác anh ta, để vợ anh ta không còn phải sống trong cảnh góa chồng thật đáng thương.

Trong khi, Đế Thích đang phân vân hỏi nếu làm như vậy thì hồn Trương Ba sẽ trú ở đâu, Trương Ba đã trả lời dứt khoát: Ở đâu cũng được chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ... tôi sẽ... nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất. Mâu thuẫn kịch được đẩy lên cao hơn với chi tiết cu Tị con chị Lụa hàng xóm sắp chết. Cu Tị là bạn thân của cái Gái cháu nội ông Trương Ba. Đế Thích nhân cơ hội này đề nghị Trương Ba nhập hồn vàp xác cu Tị. Trương Ba suy nghĩ rất nhanh, hình dung rất nhanh về hậu quả của sự việc đó để rồi từ chối, bởi những rắc rối mà ông đang phải chịu đựng đã khiến ông vô cùng khổ sở, khổ sở hơn là chết.

Thương Trương Ba con người hiền lành, đôn hậu và không muốn mất người bạn cờ tri âm tri kỉ nên Đế Thích vẫn cố gắng thuyết phục, nhưng Trương Ba khăng khăng không đổi ý: Tôi đã nghĩ kĩ. Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn! Hành động trả lại thân xác cho anh hàng thịt của Trương Ba là hành động đúng đắn, dũng cảm và hợp đạo lí. Điều đó khẳng định rằng: Một linh hồn dù tốt đẹp đến đâu nhưng phải trú ngụ trong một thể xác khác thì cũng không thể nào thấy thoải mái vì mặc cảm giả dối. Sống như thế thì không phải là sống theo đúng ý nghĩa của từ này mà chỉ là sự tồn tại đơn thuần mà thôi. Trương Ba chết nhưng tâm hồn tốt đẹp cua ông sẽ sống mãi trong tình yêu mến và nỗi tiếc nhớ của gia đình, bạn bè; làng xóm. Chết nhưng lại là vẫn sống.

Đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt tập trung cao độ tính chất triết lí và tư tưởng nhân văn của vở kịch có nguồn gốc dân gian này. Lưu Quang Vũ đã đưa vào vở kịch quan niệm đúng đắn về cách sống: Trước hết, mình hãy là mình. Cuộc sống của cá nhân chỉ thực sự. Có ý nghĩa khi biết sống vì niềm vui và hạnh phúc của mọi người vì sự tốt đẹp của cuộc đời. Tư tưởng triết lí về con người của Lưu Quang Vũ vừa biện chứng vừa lạc quan, cao thượng. Tất cả những điểu đó được thể hiện bằng tài năng sáng tạo hiếm có của tác giả khiến vở kịch có sức cuốn hút lạ thường đối với khán giả. Lưu Quang Vũ xứng đáng là nhà biên kịch xuất sắc của sân khấu Việt Nam hiện đại.

Tham khảo thêmMở bài cho vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt hay nhất

Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt bài số 8

“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục

Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh

Những mối tình trong gió bão tìm nhau”

(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi – Lưu Quang Vũ)

Từ những năm 60 của thế kí trước, Lưu Quang Vũ đã khẳng định tên tuổi của mình bằng việc sáng tác thơ ca, ngay từ đầu ông đã tạo được dấu ấn về một lối viết tài hoa, nồng nàn cảm xúc toát lên tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, mà Hoài Thanh đã từng nhận định rằng “Thơ anh là một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu”. Từ năm 1978, Lưu Quang Vũ bắt đầu chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Có thể khẳng định “Sân khấu mới là mảnh đất của người nghệ sĩ tài ba này”...

Cảm hứng chủ đạo trong kịch Lưu Quang Vũ là cảm hứng về con người, về cái đẹp, cái thiện, cái tôi hoà tan trong cái ta. Ở đó tính thời sự được kết hợp với những vấn đề muôn thuở của nhân loại mà tiêu biểu đó là vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đó là cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác, cuộc giao tranh này là muôn đời muôn kiếp từ khi khai sinh cho đến ngày không còn trái đất thì vẫn còn giao tranh thiện ác. Cho nên có người đã từng nói “kịch Lưu Quang Vũ là có tính vĩnh cửu”.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được sáng tác vào năm 1981 đến năm 1984 mới ra mắt công chúng. Đây là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch gồm 7 cảnh được tác giả dựa trên cốt truyện dân gian. Đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" nằm ở cảnh 7 của vở kịch, qua việc xây dựng xung đột giữa tâm hồn thanh cao của Trương Ba với thể xác phàm tục của anh hàng thịt đã khắc họa bi kịch tha hóa và cuộc đấu tranh gay gắt bảo vệ, hoàn thiện nhân cách của con người. Từ đó tác giả đã phê phán một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc về yêu cầu thống nhất giữa thể xác và tâm hồn.

Trước khi diễn ra cuộc đối thoại giữa hồn và xác, nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba “ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy” với một lời độc thoại đầy khẩn thiết: ”Không. Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi!”. Hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ thể hiện trong những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với ước nguyện khắc khoải. Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Hồn Trương Ba cũng càng lúc càng rơi vào trạng thái tuyệt vọng.

Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hồn vẫn phải thừa nhận: cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì…”. Đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây hồn cho là “phàm”. Đó là cái lần ông tát thằng con ông “tóe máu mồm máu mũi”. Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả những sự thật ấy khiến hồn càng cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình ti tiện.

Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà ông đưa ra để ngụy biện: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,…”. Trong cuộc đối thoại này, xác thắng thế nên rất hể hả tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu.

Nỗi đau khổ, tuyệt vọng của hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân. Người vợ mà ông rất mực yêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi. Với bà “đi đâu cũng được còn hơn là thế này”. Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng đã cảm nhận được: “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó một mực khước từ tình thân: "... tôi không phải là cháu ông… Ông nội tôi chết rồi".

Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cu Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó, “Ông nội đời nào thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.

Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông khổ lắm, “khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.

Tất cả những người thân yêu của hồn Trương Ba đều nhận ra cái nghịch cảnh trớ trêu. Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến hồn Trương Ba cảm thấy không thể chịu nổi. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lớn dần… lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào.

Nhà viết kịch đã để cho Hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Hai lời thoại của hồn trong cảnh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!

Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.

Thứ hai, sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.

Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết. Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ “bao nhiêu sự rắc rối” vô lí lại tiếp tục xảy ra. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.

Nhiều thập kỉ trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện trong khí thế vươn lên của đất nước và của dân tộc và chúng ta vẫn sẽ còn tìm thấy những tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Thông qua nhân vật hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề thấm đẫm tư tưởng nhân văn, không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà còn có ý nghĩa muôn đời với tất cả mọi người.

Phân tích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt mẫu số 9

Tài năng kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện trên nhiều phương diện, tiêu biểu nhất là tài dựng cảnh và dựng đối thoại. Kịch tính căng ra trong những xung đột, những mâu thuẫn bên ngoài và bên trong nhân vật. Ngôn ngữ hành động và ngôn ngữ nội tâm được diễn tả sống động, lời thoại thấm đẫm triết lí nhân sinh.

Đoạn trích có thể gọi là “thoát ra nghịch cảnh” là cảnh cuối, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm, đòi hỏi phải được giải quyết dứt khoát. Sau mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, cả những người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình. Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống trong thân xác anh hàng thịt, không thế kéo dài “nghịch cảnh” này mãi được. Hồn muốn tách ra khỏi cái thân xác kềnh càng, thô lỗ. Nhà văn đã sáng tạo khi dựng lên đoạn đối thoại giữa hồn và xác để rồi trước sự giễu cợt, mỉa mai của xác, hồn Trương Ba càng trở nên đau khổ, bế tắc. Tấn bi kịch của Trương Ba bị đưa vào tình thế khó lựa chọn, có tính chất thách thức ghê gớm.

Đúng là “nghịch cảnh” trớ trêu. Lưu Quang Vũ đã dựng lên hai cuộc đối thoại đặc sắc (đối thoại giữa hồn và xác và đối thoại giữa hồn và Đế Thích) cùng những đối thoại hỗ trợ khác (hồn với người vợ, với cái Gái, với chị con dâu) để đẩy xung đột nội tâm của hồn Trương Ba lên đến tận cùng từ đó ý nghĩ tư tưởng, những triết lí nhân sinh được phát biểu một cách sâu sắc, thấm thía, lầm nổi bậc tấn bi kịch tinh thần của hồn Trương Ba

Trước khi diễn ra cuộc đổì thoại giữa hồn và xác, nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba “ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy” với một lời độc thoại đầy khẩn thiết. “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”.

Rõ ràng, hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập cùng với cái ước nguyện khắc khoải của hồn đã nói lên điều đó. Hồn bức bối bởi không thể nào thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ đâu còn là một người làm vườn chăm chỉ, hết lòng thương yêu vợ con, quan tâm tới hàng xóm láng giềng như ngày trước. Ông Trương Ba được mọi người kính trọng đã chết rồi. Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng lắm. Người đọc, người xem càng lúc càng được thấy rõ điều đó qua các đối thoại và hồn Trương Ba càng lúc rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng.

Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hồn vẫn phải thừa nhận. Cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì…”. Đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây hồn cho là “phàm tục”. Đó là cái lần ông tát thằng con ông “tóe máu mồm máu mũi”, …

Tất cả đều là sự thật. Xác anh hàng thịt gợi lại tất cả những sự thật ấy khiến hồn càng cảm thấy xấu hổ. Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà ông đưa ra để ngụy biện: “Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Trong cuộc đối thoại này, xác thắng thế nên rất hể hả tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo, khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc. Hồn chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu. Không chỉ đau khổ, hồn còn xấu hổ trước những lời nói công khai của xác mà trước đó hồn đã cảm thấy mà không muốn nói ra, không muốn thừa nhận. Những đối thoại ngắn và dần dần là những lời thoại bỏ lửng cho thấy sự đuối lí của hồn trong cuộc đối thoại cùng xác.

Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ: Một bên đại điện cho sự trong sạch, nhân hậu và khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. Lưu Quang Vũ đã đưa ra một vấn đề giàu tính triết lí, thể hiện cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người. Từ đó nói lên khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân. Màn đối thoại này cho thấy: Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục ấy đồng hoá. Không chỉ đừng lại ở đó, tác giả cảnh báo: khi con người phải sống trong dung tục thì tất yếu cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ thắng thế, sẽ lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người. Điều này làm ta nhớ đến một câu nói “Những thói xấu ban đầu là người khách lạ qua đường, sau đó là người bạn thân ở chung nhà và kết cục trở thành ông chủ khó tính”. Đó là chân lí giản đơn của cuộc sống mà Lưu Quang Vũ đã gửi đến bạn đọc trong màn đối thoại này.

Nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba khi tìm về những người thân trong gia đình cũng được dàn dựng công phu hết sức bi đát. Gia đình luôn là mái ấm, là nơi nâng đỡ con người sau những mỏi mệt và vấp ngã của cuộc sống. Là nơi dang rộng vòng tay đón ta trở về dù cho ngay khi mọi cánh cửa của cuộc đời đã đóng, khép. Trương Ba cũng tìm về với những người thân yêu sau cuộc đối thoại đầy đau khổ, bế tắc với xác hàng thịt. Nhưng càng tìm về lại càng thấy mình đi xa hơn, càng tìm về lại càng đau khổ, tuyệt vọng. Đó là tâm trạng của hồn Trương Ba khi đối thoại với những người thân.

Người vợ mà ông rất mực vêu thương giờ đây buồn bã và cứ nhất quyết đòi bỏ đi. Với bà “đi đâu cũng được… còn hơn là thế này”. Bà đã nói ra cái điều mà chính ông cũng đã cảm nhận được: “ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”. Còn gì đau đớn hơn khi người vợ, người gần gũi nhất với ông cũng đã chán. Bởi chính ông đã mang đến cho bà những đớn đau, buồn tủi. Và vì hiểu ông, thương ông nên bà đã nhường ông cho cô vợ hàng thịt nhưng những mâu thuẫn cứ ngày một nhiều để rồi bà nản lòng muốn bỏ đi. Điều đó càng làm Trương Ba thấy đau khổ hơn.

Cái Gái, cháu ông giờ đây đã không cần phải giữ ý. Nó phản ứng quyết liệt và dữ dội. Tâm hồn tuổi thơ vốn trong sạch, không chấp nhận sự tầm thường, dung tục nên không chấp nhận người ông trong thể xác anh hàng thịt thô lỗ. Nó một mực khước từ tình cảm của ông: Tôi không phải là cháu ông. Ông nội tôi chết rồi. Cái Gái yêu quý ông nó bao nhiêu thì giờ đây nó không thể chấp nhận cái con người có “bàn tay giết lợn”, bàn chân “to bè như cái xẻng” đã làm “gãy tiệt cái chồi non”, “giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm” trong mảnh vườn của ông nội nó. Nó hận ông vì ông chữa cái diều cho cụ Tị mà làm gãy nát khiến cu Tị trong cơn sốt mê man cứ khóc, cứ tiếc, cứ bắt đền. Với nó “ông nội đời nào, thô lỗ, phũ phàng như vậy”. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.

Chị con dâu là người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt. Chị cảm thấy thương bố chồng trong tình cảnh trớ trêu. Chị biết ông ‘khổ lắm, khổ hơn xưa nhiều lắm”. Nhưng nỗi buồn đau trước tình cảnh gia đình “như sắp tan hoang ra cả” khiến chị không thể bấm bụng mà đau, chị đã thốt thành lời cái nỗi đau đó: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… Mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả không cho anh con trai thực dụng của Trương Ba vào trong màn đối thoại với người thân. Bởi tất cả những người thân yêu đối thoại cùng hồn Trương Ba đều nhận ra cái nghịch cảnh trớ trêu, nhận ra sự đổi thay của Trương Ba mà họ đành bất lực. Họ đã nói ra thành lời bởi với họ cái ngày chôn xác Trương Ba xuống đất họ đau, họ khổ nhưng “cũng không khổ bằng bây giờ”.

Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến hồn Trương Ba cảm thấy không thể chịu nổi. Mỗi lời nói của người thân trong gia đình như mũi dao găm vào trái tim đang đau đớn bế tắc của Trương Ba, để giờ đây còn đẩy Trương Ba vào sự tuyệt vọng khôn cùng. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lớn dần… lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào. Đặc biệt sau hàng loạt câu hỏi có vẻ tuyệt vọng của chị con dâu: “Thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?”. Khi nghe hết những lời nói tự đáy lòng của chị con dâu, đương nhiên hồn không thể chịu đựng thêm được nữa. Màn đối thoại với người thân của Trương Ba khiến mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm đòi hỏi phải được giải quyết. Đó là lần cuối cùng hồn Trương Ba độc thoại nội tâm để tự mình cứu mình, quyết định tìm đường thoát khỏi tấn bi kịch cuộc đời.

Nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba còn lại trơ trọi một mình với nỗi đau khổ, tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm, một mình với những lời độc thoại đầy chua chát nhưng cũng đầy quyết liệt: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Có thật không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Đây là lời độc thoại có tính chất quyết định dẫn tới hành động châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

Hồn trương Ba luôn khát khoa được giải thoát khỏi thân xác người khác. Khi gặp lại Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cái cảnh phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” nữa và muốn được là mình một cách toàn vẹn “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Qua lời thoại này của nhân vật Trương Ba, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm vào đó thông điệp: Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hoà. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục tội lỗi. Và ngược lại, khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng đỗ lỗi cho thân xác và tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn vì thể xác chính là cái bình chứa đựng linh hồn.

Lúc đầu Đế Thích ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì khuyên hồn Trương Ba nên chấp nhận vì “thế giới vốn không toàn vẹn, dưới đất, trên trời đều thế cả”. Nhưng Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó. Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên nay đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết”. Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa.

Lòng tốt hời hợt thì chẳng đem lại điều gì thực sự có ý nghĩa cho ai mà có khi đó còn là sự vô tâm, tệ hại hơn, nó đẩy người khác vào nghịch cảnh, vào bi kịch! Đế Thích đã một lần sai khi giúp Nam Tào, Bắc Đẩu sửa lỗi mà cho hồn Trương Ba sống trong xác anh hàng thịt. Bi kịch lại nối tiếp bi kịch khi Đế Thích định tiếp tục sửa cái sai của mình và Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp khác, tệ hại ít hơn(theo suy nghĩ của Đế Thích) là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị nhưng Trương Ba đã kiên quyết từ chối, không chấp nhận cái cảnh sống giả tạo, mà theo ông là chỉ có lợi cho đám chức sắc, tức lão lí trưởng và đám trương tuần, không chấp nhận cái cuộc sống mà theo ông là còn khổ hơn là cái chết. “Đâu phải cái sai nào cũng sửa được” nên Trương Ba kêu gọi Đế Thích hãy sửa sai bằng một việc làm đúng, đó là trả lại linh hồn cho bé Tị.

Đế Thích cuối cùng cũng đã thuận theo đề nghị của Trương Ba với lời nhận xét: “Con người hạ giới các ông thật kì lạ”, thậm chí Đế Thích còn cho Trương Ba hiểu “Ngọc Hoàng còn không được sống là chính mình”, thì Trương Ba có gì phải băn khoăn về cuộc sống hiện tại. Người đọc, người xem có thể nhận ra những ý nghĩa triết lí sâu sắc và thấm thía qua hai lời thoại này. Thứ nhất, con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Thứ hai, sống thực sự cho ra con người, được sống đúng với mình quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước khi đi đến quyết định.

Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời chúng ta đang sống. Tuy vậy, chỉ cần nhấn mạnh ở đây vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cũng là sự hoàn thiện nhân cách. Chất thơ của kịch Lưu Quang Vũ cũng được bộc lộ ở đây.

Cuộc trò chuyện giữa hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gởi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết, về cả những triết lí nhân sinh. Hai lời thoại của hồn trong cảnh này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí.

Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết. Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ “bao nhiêu sự rắc rối”, vô lí lại tiếp tục xảy ra. Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.

Cái chết của cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chỗ “mở nút”. Dựng tả quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm. Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người, với tinh thần chiến đấu thẳng thắn của một nghệ sĩ hăng hái tham dự vào tiến trình cải cách xã hội, trong vở kịch này nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ.

Thứ nhất, con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hường thụ đến nỗi trở nên phàm phu, thô thiển. Nói như Chế Lan Viên trong một bài thơ đã từng cánh báo “muốn nuôi sống xác thân đem làm thịt linh hồn”. Thứ hai, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần là đáng trọng mà chẳng chăm lo thích đáng đến sinh hoạt vật chất, không phấn đấu vì hạnh phúc toàn vẹn. Thực chất đây là biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, của sự lười biếng, không tưởng. Cả hai quan niệm, cách sống trên đều cực đoan, đáng phê phán.

Ngoài ra, vở kịch còn đề cập đến một vấn đề cũng không kém phần bức xúc, đó là tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi. Vở kịch không chỉ nói đến sự hòa hợp và ý thức đạo lý về phần hồn và phần xác con người mà còn đề cao cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người. Qua những lời đối thoại ngắn gọn, súc tích, các nhân vật trong thế giới dân gian xa cũ trở nên gần gũi, quen thuộc, anh đang cùng tham dự với cuộc sống đương đại của chúng ta. Vở kịch không chỉ đề cập đến chuyện của một thời mà còn đề cập đến chuyện của muôn đời. Đó là triết lý nhân sinh về lẽ sống, lẽ làm người.

Lưu Quang Vũ đã mãi mãi ra đi trong một tai nạn giao thông đầy thương tâm. Khoảng trống mà nhà viết kịch tài ba ấy để lại trong nền sân khấu kịch trường Việt Nam là không thế lấp đầy. Vở kịch cuối cùng được Lưu Quang Vũ đặt tên là Chim sâm cầm không chết. Với tất cả những gì để lại cho đời thì mãi mãi Lưu Quang Vũ không chết. Từ bấy đến nay, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và gần 50 vở kịch khác của Lưu Quang Vũ vẫn được dàn dựng và công diễn. Những triết lí về cuộc đời, về con người, về xã hội… đặt ra trong các vở kịch luôn có ý nghĩa với mọi người, mọi thời.

-/-

Vậy là Đọc Tài Liệu đã vừa hướng dẫn các em những thao tác cụ thể để viết được một bài phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt đầy đủ và chi tiết nhất. Đừng quên tham khảo thêm nhiều nội dung văn mẫu 12 khác được chúng tôi cập nhật liên tục tại website doctailieu.com. Chúc các em học tốt !

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM