Trang chủ

Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư

Xuất bản: 22/04/2019 - Cập nhật: 25/06/2020 - Tác giả: Giangdh

Văn mẫu 11 phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính, bài văn phân tích bốn câu thơ đầu của bài thơ Tương tư...

Gợi ý thêm cho các bạn bài văn phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính để các bạn tham khảo, qua đó hiểu sâu sắc hơn toàn bài thơ, từ đó vận dụng tốt cho mình những ý văn vào làm bài và viết bài.

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư

Dàn ý chi tiết phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

1. Mở bài

  • Giới thiệu bài thơ: Tương tư là bài thơ điển hình cho phong cách thơ của Nguyễn Bính, bài thơ là lời của chàng trai đang yêu với nỗi nhớ da diết băn khoăn vì không nhận được sự đáp lại của cô gái mình yêu. Khổ thơ đầu tiên đã tái hiện đầy sống động tình yêu đầy mộc mạc mà không kém phần tinh tế, ý nhị của chàng trai.

2. Thân bài

  • Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã nhắc đến một tình yêu chân thành với nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình dành cho cô gái mình yêu.
  • Ở trong hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã hình tượng hóa nỗi nhớ thông qua hình ảnh hoán dụ về “thôn Đoài” và “thôn Đông”.
  • Sự dãi bày tình cảm mang tính tế nhị đã thể hiện được cái mộc mạc, chân chất trong tình yêu của chàng trai quê.
  • Mức độ của tình cảm được thể hiện thông qua câu thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã thể hiện được nỗi nhớ nhung khôn xiết, thường trực trong tâm hồn của người đang yêu.
  • Tình yêu  đơn phương được thể hiện đầy ý nhị, kín đáo, có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc trong trái tim của người đọc.
  • Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của kẻ si tình mà tác giả Nguyễn Bính còn khái quát căn “bệnh” tương tư như một trạng thái điển hình, tự nhiên trong tình yêu.
  • Nắng mưa là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi cũng như tương tư là trạng thái tâm lí tự nhiên, tất yếu bên trong con người.

- Tương tư là trạng thái đặc biệt của cảm xúc, đó là sự rung động của con tim, là sự mơ tưởng, tưởng tượng đến những khoảnh khắc lứa đôi.

  • Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông xuyên suốt bài thơ như đại diện cho những chủ thể về tình cảm.
  • Lời thơ giản dị, chân thành lại được kết hợp với nhịp thơ chậm dãi như lời tâm sự da diết, say sưa mà cũng đầy khắc khoải,  bối rối trong tình yêu.

3. Kết bài

  • Qua bốn câu thơ đầu, tác giả Nguyễn Bính đã tái hiện đầy sinh động nỗi thương nhớ, tương tư của chàng trai dành cho cô gái mình yêu.

Xem thêm dàn ý phân tích bài thơ Tương tư để nắm rõ được bố cục bài văn áp dụng vào việc viết bài được tốt hơn.

Bài văn đạt điểm cao phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tương tư - Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một trong những gương mặt nhà thơ nổi bật của phong trào Thơ mới, những vần thơ của Nguyễn Bính thường mang đậm nét chân quê với những hình ảnh giản dị, lời thơ chân thành, da diết. Tương tư là bài thơ điển hình cho phong cách thơ của Nguyễn Bính, bài thơ là lời của chàng trai đang yêu với nỗi nhớ da diết băn khoăn vì không nhận được sự đáp lại của cô gái mình yêu. Khổ thơ đầu tiên đã tái hiện đầy sống động tình yêu đầy mộc mạc mà không kém phần tinh tế, ý nhị của chàng trai.

Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã nhắc đến một tình yêu chân thành với nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình dành cho cô gái mình yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người”

Nỗi nhớ là tâm trạng thường trực của những người đang yêu. Ở trong hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã hình tượng hóa nỗi nhớ thông qua hình ảnh hoán dụ về “thôn Đoài” và “thôn Đông”. Sự dãi bày tình cảm mang tính tế nhị đã thể hiện được cái mộc mạc, chân chất trong tình yêu của chàng trai quê. Tình yêu của hai người được đặt trong không gian của làng quê càng gợi ra cái gần gũi, thân thương trong cảm xúc của độc giả.

Mức độ của tình cảm được thể hiện thông qua câu thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã thể hiện được nỗi nhớ nhung khôn xiết, thường trực trong tâm hồn của người đang yêu. Đó không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ mà còn là sự trông chờ, mong ngóng đến đứng ngồi không yên. Tình yêu  đơn phương được thể hiện đầy ý nhị, kín đáo, có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc trong trái tim của người đọc.

Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của kẻ si tình mà tác giả Nguyễn Bính còn khái quát căn “bệnh” tương tư như một trạng thái điển hình, tự nhiên trong tình yêu:

“Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Ở hai câu thơ này tác giả Nguyễn Bính đã có sự so sánh vô cùng độc đáo, tương tư là trạng thái tự nhiên trong trái tim kẻ si tình cũng như quy luật nắng mưa của tự nhiên. Cách ví von của tác giả vừa  mang tính độc đáo vừa có chút hóm hỉnh về tình yêu. Nắng mưa là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi cũng như tương tư là trạng thái tâm lí tự nhiên, tất yếu bên trong con người. Tương tư là trạng thái đặc biệt của cảm xúc, đó là sự rung động của con tim, là sự mơ tưởng, tưởng tượng đến những khoảnh khắc lứa đôi.

Bất kì ai khi yêu cũng nhớ nhung, cũng tương tư nên trong nhận định của nhà thơ, tương tư cũng là một căn “bệnh”. Cách thể hiện tình yêu của nhà thơ vừa đôc đáo lại đáng yêu vô cùng. Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông xuyên suốt bài thơ như đại diện cho những chủ thể về tình cảm. Biện pháp hoán dụ đã thể hiện đầy ý nhị, tinh tế của nhân vật trữ tình. Lời thơ giản dị, chân thành lại được kết hợp với nhịp thơ chậm dãi như lời tâm sự da diết, say sưa mà cũng đầy khắc khoải,  bối rối trong tình yêu.

Qua bốn câu thơ đầu, tác giả Nguyễn Bính đã tái hiện đầy sinh động nỗi thương nhớ, tương tư của chàng trai dành cho cô gái mình yêu. Cách thể hiện không suồng sã, hoa mĩ mà đầy mộc mạc, chân quê, đây cũng là nét rất riêng trong phong cách sáng tác của Nguyễn Bính.

Bài văn mẫu hay phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tương tư

Nhà thơ Nguyễn Bính nổi tiếng là một trong những cây bút tài năng trong phong trào thơ mới của Việt Nam. Phong cách thơ mới của Nguyễn Bính thường mang đậm nét truyền thống, chân quê với những hình ảnh mộc mạc, lời thơ dung dị, bài thơ “Tương tư” chính là một điển hình cho phong cách thơ ấy. Xuyên suốt bài thơ là tâm trạng nhớ mong, chờ đợi của nhân vật trữ tình trong tình yêu đôi lứa, ngay ở khổ đầu bài thơ, tác giả đã cho ta thấy tâm trạng và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình lộ ra rất chân thành, mộc mạc.

Trong tình yêu, đặc biệt là một tình yêu chớm nở còn e ấp, ngại ngùng chưa dám tỏ bày, làm sao tránh khỏi trạng thái nhớ mong, và trong khổ đầu bài thơ, tác giả đã nhắc đến nỗi nhớ ấy của một chàng trai về người mình yêu:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Trong câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”, tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng hình ảnh hoán dụ “thôn Đoài”, “thôn Đông” để nói về nỗi nhớ của hai con người. Nguyễn Bính không nhắc đến con người cụ thể như Chế Lan Viên “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”, hay như Xuân Diệu “Anh nhớ em! Nhớ lắm em ôi”. Tác giả dùng cái tên của hai thôn thay thế cho hai cá thể con người kia một cách vừa khái quát, vừa kín đáo lại nhẹ nhàng.

Ở đây có thể hiểu là người ở thôn Đoài nhớ người ở thôn Đông, hay chính chàng trai ở thôn Đoài đang nhớ người con gái mình yêu thương ở thôn Đông. Nỗi nhớ ở đây dường như nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ lắm, bởi nó đã lan tỏa ra không gian, thấm vào cảnh vật. Khi người ta yêu nhau thì người ta yêu thương cả cái không gian bao trùm nơi người mình thương, có chăng là nỗi nhớ cũng là nỗi nhớ của không gian có anh và không gian có em. Bằng cách đong đếm nỗi nhớ mong, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ của chàng trai một cách tinh tế, cụ thể hơn: “Một người chín nhớ mười mong một người”.

Điệp từ “một người” ở đầu và cuối câu thơ vẫn là đại diện cho hai cá thể, một người nhớ và một người được nhớ. Nằm giữa hai con người ấy là thành ngữ “chín nhớ mười mong”, nó góp phần thể hiện niềm mong nhớ vô cùng của chàng trai kia. Đồng thời, nỗi nhớ mong ấy vừa là cầu nối lại là ngăn cách giữa tình cảm của hai con người. Đến đây thì nỗi nhớ của chàng trai quê chất phác kia không đơn thuần là nhớ nữa mà còn là sự mong đợi, ngóng trông, nhớ đến nỗi đứng ngồi không yên. Có thể nói đó là một tình yêu đằm thắm, tha thiết nhưng nhà thơ thể hiện thật ý nhị, kín đáo và sâu sắc.

Bên cạnh nỗi nhớ mong, những con người đã và đang muốn dấn thân vào thứ tình yêu vừa ngọt ngào vừa đau khổ sẽ khó mà tránh khỏi căn bệnh tương tư, đó là một căn bệnh điển hình trong khi yêu:

“Nắng mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Tác giả đã có một cách ví von thật độc đáo, ví nắng mưa là “bệnh” của trời, cách ví von vừa chân thật lại có sự hóm hỉnh trong tình yêu, mượn hình ảnh nắng mưa của thiên nhiên để nói lên tính tất nhiên của bênh tương tư khi yêu. Trạng thái tương tư rất đặc biệt, nó không chỉ đơn giản là nhớ mong mà còn là sự mơ tưởng, mong ước lứa đôi. Nhà thơ đã cảm nhận rất rõ, thấu hiểu rằng khi yêu có ai mà không tương tư, không nhung nhớ người yêu. Để cho yêu và tương tư đến phát bênh thì phải nói, sự tương tư ấy đã luôn thường trực trong tâm trí của kẻ si tình, tương tư từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, từ ngày này qua ngày khác, cách thể hiện tương tư của nhà thơ vừa hài hước lại đáng yêu. Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh chân quê bình dị “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “nắng mưa”, chính chàng trai nhân vật trữ tình cũng là một chàng trai quê chân thành, chất phác. Cách sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, thành ngữ, nhà thơ đã mang vào từng câu thơ chất chứa đầy nỗi nhớ nhung, tương tư.

Chỉ với bốn câu thơ, nhà thơ đã thể hiện một cách tinh tế, kín đáo lại nhẹ nhàng và hài hước về sự nhớ nhung, tương tư của tình yêu đôi lứa. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện một tình yêu mộc mạc, chân thành, mang đậm sắc thái hồn quê.

---------

Trên đây là bài văn mẫu 11 phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Tương tư của nhà thơ Nguyễn Bính. Còn rất nhiều những bài văn phân tích, cảm nhận khác về bài thơ Tương tư nằm trong khuôn khổ văn mẫu 11 đang chờ các em tham khảo, các em chỉ cần truy cập vào trang doctailieu.com là thấy ngay nhé. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 11.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM