Trang chủ

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Xuất bản: 16/08/2018 - Cập nhật: 25/08/2022 - Tác giả: Giangdh

Tham khảo những bài văn mẫu hay phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương để hiểu hơn về những giá trị mà tác phẩm này mang lại.

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương để thấy được những thông điệp, ý nghĩa, giá trị của tác phẩm còn mãi tới tận ngày nay. Tham khảo bài hướng dẫn dưới đây để nắm được cách làm dạng bài này em nhé!

Đề bài: Phân tích giá trị hiện thưc và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương - trích "Truyền Kỳ mạn lục" - Nguyễn Dữ.

***

Hướng dẫn làm bài phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: phân tích, chỉ ra và chứng mình giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo thể hiện qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

- Phương pháp làm bài: phân tích

2. Lập dàn ý

Xem chi tiết ýDàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

3. Sơ đồ tư duy

Sau khi tham khảo dàn ý và sơ đồ tư duy, các em có thể xem thêm những bài văn mẫu hay phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương dưới đây để có thêm ý tưởng làm bài.

>>Xem thêm bài văn phân tích Chuyện người con gái Nam Xương

Văn mẫu tham khảo phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương

Bài văn mẫu 1:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Từ lâu, hình ảnh những người phụ nữ với biết bao nhiêu những phẩm chất tuyệt vời như tần tảo, giàu đức hi sinh, lòng vị tha, nhất mực thủy chung với chồng, với con đã đi vào thi ca nhạc họa nuôi một nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận. Thế nhưng, trong xã hội phong kiến nam quyền độc đoán với quan niệm "trọng nam khinh nữ" người phụ nữ đã không thể có tiếng được tiếng nói của riêng mình, họ đã phải chịu rất nhiều những đắng cay, bất công và ngang trái. Thấu hiểu được điều đó, Nguyễn Dữ đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ bằng việc viết lên tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".Truyện không chỉ góp một tiếng nói tố cáo một xã hội phi nhân đã chà đạp lên số phận đáng thương của người phụ nữ mà còn qua đó ca ngợi khẳng định những vẻ đẹp về phẩm chất, tâm hồn và niềm khát khao hướng về mái ấm, hạnh phúc gia đình của họ. Vì thế, câu chuyện rất giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Nương, một người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, đẹp người, đẹp nết nhưng lại bị chồng nghi oan thất tiết. Do không có cơ hội để minh oan, giãi bầy, Vũ Nương đành phải nhảy sông tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của mình. Kết thúc truyện là hình ảnh Vũ Nương hiện về thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện giữa lòng sông nói lời tạ từ rồi biến mất.

Trước hết, "Chuyện người con gái Nam Xương", mang đậm giá trị hiện thực sâu sắc. Một tác phẩm văn học có giá trị hiện thực khi nó phản ánh một cách chân thực những nét bản chất nhất của đời sống xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Vì thế, từ "Chuyện nguời con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã phản ánh chân thực một xã hội phong kiến bất công, gây nhiều khổ đau cho người phụ nữ. Điều này được thể hiện qua hình tượng nhân vật Trương Sinh. Có thể nói, Trương Sinh là con đẻ của xã hội Nam quyền phong kiến. Trong truyện, Trương Sinh được giới thiệu là con nhà hào phú "xin trăm lạng vàng cưới vợ" nhưng lại ít học, luôn có tính đa nghi, ghen tuông, bảo thủ, độc đoán thiếu bao dung với cả người vợ của mình...

Và đây chính là những bản chất của xã hội phong kiến nam quyền "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", đề cao người đàn ông trong gia đình và xã hội, đã dồn đẩy thân phận người đàn bà vào số phận oan nghiệt. Đồng thời, trong xã hội ấy, chiến tranh loạn lạc phi nghĩa, liên miên xảy ra đã phá tan đi biết bao nhiêu là hạnh phúc gia đình, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiên, đẩy họ hoàn cảnh "cùng đường tuyệt lộ". Trương Sinh phải đi lính, xa cách mẹ già và người vợ mới cưới.

Ở nhà, bà mẹ vì nhớ thương con mà sinh ra bệnh tật rồi mất. Mọi công việc dồn đẩy lên đôi vai nhỏ bé hao gầy của Vũ Nương. Nàng vừa phải một mình nuôi con, vừa chăm sóc, thuốc thang cho mẹ chồng cho tới khi mẹ mất. Ba năm bặt vô âm tín, Trương Sinh bỗng trở về trong niềm vui sướng của gia đình. Nhưng vì tin vào lời nói gây thơ của bé Đản "Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít", Trương Sinh đã một mực cho rằng vợ mình thất tiết. Lễ giáo phong kiến bất công đã dung túng cho người đàn ông, cho họ những quyền hành có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình, không cho người phụ nữ cất lên tiếng nói phân trần, giảng giải nên đã vội vàng kết án Vũ Nương là người không đoan chính. Để rồi nàng đành phải trầm mình dưới nước sông Hoàng Giang lạnh lẽo để rửa sạch mối oan tình. Mặc dù, đến cuối truyện, Vũ Nương đã được trả lại danh dự, nhân phẩm và được bất tử hóa đến muôn đời nhưng Vũ Nương đã phải trả một cái giá quá đắt.

Hạnh phúc mãi mãi tuột khỏi tầm tay. Nàng và chồng con không còn có thể đoàn tụ được nữa rồi. Từ nay, âm dương cách biệt, chia lìa đôi ngả. Chồng thì mất vợ, con thì mất mẹ. Cái lí mà Vũ Nương đưa ra khi không thể trở về dương gian được nữa là vì muốn cảm tạ ân đức của Linh Phi cứu giúp. Nhưng, đâu chỉ có vậy, Nguyễn Dữ muốn nói với người đọc rằng: chừng nào xã hội phong kiến còn tồn tại những bất công với người phụ nữ thì chừng đó người phụ nữ không có đất mà dung thân, còn phải tiếp tục phải chịu đọa đầy, thậm chí là phải đánh đổi cả mạng sống của mình nữa.

Không dừng lại ở đó, "Chuyện người con gái Nam Xương" còn mang một giá trị nhân đạo sâu sắc. Một tác phẩm văn học có giá trị nhân đạo khi tác phẩm đó lên án, tố cáo những thế lực xấu xa, hắc ám đã chà đạp lên số phận của con người bất hạnh, qua đó nhà văn thể hiện niềm cảm thương, sẻ chia sâu sắc trước những tấn bi kịch mà họ phải trải qua, đồng tình, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người nhân vật và chỉ ra cho họ một con đường giải thoát.

Trước hết, thông qua cuộc đời bất hạnh và chịu nhiều oan khuất của Vũ Nương, nhà văn đã lên án, tố cáo một xã hội phi nhân tính, đẩy người phụ nữ vào con đường cùng không lối thoát, cướp đi của họ quyền hạnh phúc, quyền sống và quyền được công bằng. Có thể nói, dưới cái nhìn của Nguyễn Dữ, Trương Sinh là điển hình của các ác, của bạo chúa gia đình. Vì thế, Nguyễn Dữ càng thể hiện niềm xót thương cho người phụ nữ bao nhiêu thì ông lại càng căm giận, lên án bấy nhiêu sự bất công, ngang trái trong xã hội nam quyền. Cho nên, trong lời bình ở cuối truyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại lại công bằng cho người phụ nữ bằng những câu văn rất nhẹ nhàng, thấm thía, nghiêm khắc nhắc nhở : "Than ôi! Những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà dễ hoặc. Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân (13), mất búa đổ ngờ tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi (14), ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng (15), "trói lại mà giết", Tào Tháo đến phụ ân nhân (16), việc Thị Thiết cũng giống như vậy. Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá ở dưới lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết. Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này". Đó là những lời bình chân tình, xuất phát từ trái tim thương người bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ của nhà văn Nguyễn Dữ dành cho nhân vật của mình.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được thể hiện ở chỗ nhà văn đã ngợi ca những vẻ đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương. Đó là người phụ nữ bình dân, người phụ nữ của gia đình. Nàng được giới thiệu là người con gái tính đã thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Khi mới về nhà chồng, trong cuộc sống hôn nhân gia đình, Vũ Nương luôn cư xử đúng khuôn phép, nhường nhịn rất đúng mực, không bao giờ để cho vợ chồng phải thất hòa. Trong buổi đưa tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ "bình yên".

Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một nguời mẹ, lại vừa mượn bóng mình ban đêm mà làm nguời cha. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của của một người con dâu hiếu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Khi chồng đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần mong mỏi chồng hiểu thấu lòng mình, tìm cách cứu vãn hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ bị tan vỡ. Cuối cùng "cái thú vui nghi gia nghi thất" đã không còn " bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió", cả nỗi đau chờ chồng đến hóa đá cũng không còn có thể được nữa "đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa".

Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng. Tóm lại, Nguyễn Dữ đã phát hiện và khẳng định những đốm sáng nhân văn tốt đẹp bên trong người phụ nữ. Ông thể hiện rõ thái độ bênh vực cho những người phụ nữ xấu số, bất hạnh.

Để thể hiện niềm cảm thông, sự chia sẻ, niềm xót thương với nỗi khổ đau của người phụ nữ đương thời, Nguyễn Dữ đã đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho họ bằng việc sáng tạo ra đoạn truyện dưới thủy cung, vạch ra cho người phụ nữ một con đường giải thoát bi kịch. Sau khi nhảy sông tuẫn tiết, nàng may mắn được Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải cứu vớt. gặp được Phan Lang dưới thủy cung, nàng nhờ Phan Lang đem về gửi cho Trương Sinh chiếc hoa vàng cài tóc, dặn dò: "nếu còn nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần dưới nước, tôi sẽ trở về". Trương Sinh nghe lời, lập đàn tràng ba ngày, ba đêm, Vũ Nương thấp thoáng hiện về trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông.

Vũ Nương nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Chi tiết này, không chỉ giúp hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách của nhân vật mà còn chứng tỏ Vũ Nương vô tội. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Tạo nên kết thúc truyện như thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.

Bằng nghệ thuật kể truyện độc đáo, xen lẫn giữa hiện thực và kì ảo, giữa tình tiết đời thường với sự sáng tạo của nhà văn, Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Vũ Nương – người đại diện cho bi kịch bất hạnh của người phụ nữ. Thông qua số phận cuộc đời đầy nước mắt của nàng, nhà văn đã mạnh dạn lên án, tố cáo một xã hội bạo tàn, phi nhân, tồn tại với rất nhiều những bất công ngang trái, dồn đẩy người phụ nữ vào đường cùng không lối thoát.

Đồng thời qua câu chuyện, nhà văn đã lên tiếng đòi lại sự công bằng, hạnh phúc cho những người phụ nữ đương thời, khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vốn có của họ. Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc giàu tình yêu thương con người của nhà văn Nguyễn Dữ. Mặc dù, truyện đã cách xa chúng ta hàng thế kỉ nhưng những thông điệp, ý nghĩa, giá trị của truyện và hình tượng Vũ Nương mãi mãi còn vang vọng đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

Xem thêm: Suy nghĩ về nguyên nhân cái chết của Vũ Nương

Bài văn mẫu 2:

Nguyễn Dữ sống vào khoảng thế kỉ XVI, ông là người tài giỏi, ra làm quan một thời gian, sau đó lui về ở ẩn. Cũng trong chính thời gian này ông bắt đầu sưu tầm truyện dân gian và sáng tác lại. Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện xuất sắc nhất của Nguyễn Dữ thể hiện sự sáng tạo mới mẻ, đặc biệt thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

Trước hết tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc. Tác phẩm phản ánh số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ hết sức bấp bênh, luôn phải phụ thuộc vào người đàn ông, khi ở nhà thì theo ý cha, lấy chồng theo lệnh chồng và kể cả khi chồng mất cũng phải theo con. Số phận họ bị trói buộc, không có cơ hội tìm hạnh phúc riêng cho mình.

  “Thân em như tấm lụa đào

      Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Nàng Vũ Nương trong tác phẩm cũng là một người phụ nữ chịu chung số phận như vậy. Lấy Trương Sinh vốn không phải do nàng chọn lựa, mà bởi cha mẹ quyết định “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, Trương Sinh mến vì dung hạnh nên đã đem trăm lạng vàng cưới về. Cuộc hôn nhân của nàng cũng là cuộc hôn nhân bất bình đẳng, có sự phân biệt giàu nghèo. Ngay từ những dấu hiệu đầu tiên đã dự báo số phận bất hạnh của Vũ Nương. Và quả thật tất cả những gì xảy ra phía sau đó đã chứng minh cho những tiên báo kia. Chồng đi lính về Vũ Nương phải chịu nỗi oan lạ lùng: thất tiết với chồng. Một người đoan trang, chính trực như Vũ Nương bỗng phải nhận nỗi oan như vậy tất yếu nàng sẽ lựa chọn cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của bản thân. Cái chết của Vũ Nương là sự phản ứng quyết liệt, mạnh mẽ để bảo toàn danh dự, nhân phẩm của mình. Đồng thời cái chết của nàng cũng phản ánh số phận bi kịch bị dồn đến bước đường cùng của người phụ nữ.

Truyện còn phản ánh sự độc đoán, gia trưởng của người đàn ông trong xã hội phong kiến. Như giới thiệu của Nguyễn Dữ, Trương Sinh là kẻ ít học, tính tình lại hay ghen tuông mù quáng. Lấy được Vũ Nương là người vợ thảo hiền, chung thủy nhưng vẫn luôn đề phòng quá mức. Biểu hiện rõ nhất của tính gia trưởng trong Trương Sinh ấy chính là tin lời một đứa trẻ, ruồng rẫy vợ, đẩy vợ đến cái chết. Trương Sinh không hề suy xét, không cho Vũ Nương giải thích, chỉ một mực mắng chửi và nhất quyết đuổi nàng đi. Nếu Trương Sinh có thể bình tĩnh hơn, nghe lời vợ trình bày, nói rõ nguyên do thì có lẽ gia đình đã không xảy ra thảm cảnh như vậy, sẽ không dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Trương Sinh là kẻ hồ đồ, độc đoán, gia trưởng, là đại diện tiêu biểu cho xã hội phong kiến nam quyền.

Ngoài ra, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện trong việc lên án chiến tranh phi nghĩa xảy ra liên miên khiến gia đình phải li tán. Hai vợ chồng lấy nhau chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải lên đường đi lính. Chính cuộc chiến tranh này khiến mẹ phải xa con, chồng phải xa vợ, con không được hưởng tình yêu thương của bố. Chính chiến tranh phi nghĩa là đầu mối đầu tiên đẩy Vũ Nương và gia đình nàng đến bi kịch sau này. Nếu chiến tranh không xảy ra có lẽ gia đình nàng đã được hưởng cuộc sống yên ấm, hạnh phúc.

Đằng sau bức tranh hiện thức đau lòng về số phận bất hạnh của người phụ nữ, chế độ phong kiến nam quyền và chiến tranh phong kiến, tác phẩm còn thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc. Trước hết tác phẩm đã khám phá, phát hiện và trân trọng vẻ đẹp người phụ nữ, mà đại diện ở đây là Vũ Nương. Vũ Nương là người con gái hiền dịu, nết na, thủy chung nàng hết sức giữ gìn khuôn phép để gia đình không chịu cảnh bất hòa.

Ngày tiễn chồng ra trận điều nàng mong muốn không phải những bổng lộc, chức tước mà chỉ mong chồng mang hai chữ bình yên trở về. Ngay cả lúc bị Trương Sinh nghi ngờ, ruồng bỏ Vũ Nương cũng chỉ một mực dùng những lời lẽ tha thiết để hàn gắn tình yêu. Không chỉ vậy, nàng còn là người con dâu hiếu thảo, với mẹ chồng luôn luôn hết lòng chăm sóc, khi mẹ ốm nàng cầu khấn thần phật, dùng những lời lẽ ngọt ngào mong cho mẹ mau chóng khỏi bệnh. Đến khi bà mất nàng lo tang ma chu đáo, chẳng khác gì cha mẹ đẻ.

Ngoài ra nàng còn là người giàu lòng vị tha, bị chồng đánh mắng, đuổi đi khiến mình phải tự vẫn nhưng nàng không hề oán trách. Dưới thủy cung vẫn một lòng hướng về dương gian, hướng về hạnh phúc đời thường. Khoảnh khắc gặp lại chồng, Vũ Nương không trách móc mà còn hết lời cảm tạ Trương Sinh. Lời nói ấy cho thấy Vũ Nương hoàn toàn tha thứ cho chồng. Trương Sinh đã được giải thoát khỏi nỗi ân hận, day dứt vì sự hàm hồ, hẹp hòi, tàn nhẫn của mình. Vũ Nương chính là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Qua những lời lẽ miêu tả, giọng điệu tha thiết ta thấy được sự cảm thương cho số phận bất hạnh của Vũ Nương. Niềm cảm thương đó được thể hiện rõ nhất ở chi tiết li kì sáng tạo cuối tác phẩm. Vũ Nương được Linh Phi cứu, sống cuộc đời bất tử. Chi tiết này trước hết hoàn chỉnh, đậm tô nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng tình nghĩa, trọng nhân phẩm, bao dung, vị tha. Đồng thời đây cũng là chi tiết giúp khôi phục lại danh dự của nàng.

Ngoài ra tác phẩm cũng là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy người phụ nữ đến bước đường cùng. Tước đoạt hạnh phúc đời thường, bình dị của họ. Tước đoạt quyền được sống của con người. Đó là tiếng nói lên án mạnh mẽ nhất, đanh thép nhất thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Dữ đối với con người mà ở đây là người phụ nữ.

Chỉ bằng một câu chuyện ngắn ngủi, những Nguyễn Dữ đã gửi gắm, truyền tải biết bao thông điệp ý nghĩa đến với bạn đọc. Là tiếng nói cảm thương cho số phận người phụ nữ; là sự trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp nhân cách, phẩm chất của họ. Không dừng lại ở đó tác phẩm còn lên án xã hội phong kiến nam quyền, chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm thể hiện giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc, thể hiện tấm lòng nhân văn cao cả của tác giả.

>> Xem thêm phân tích nhân vật Vũ Nương

>> Tổng hợp các đề văn về Chuyện người con gái Nam Xương

***********

Hy vọng rằng tài liệu tham khảo phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM