Trang chủ

Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Xuất bản: 30/05/2023 - Cập nhật: 24/04/2024 - Tác giả:

Phân tích 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, những bài văn mẫu hay phân tích nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ đầu trong bài thơ Đất nước.

Với mong muốn giúp các em viết được một bài văn phân tích 9 câu đầu Đất Nước hay và sâu sắc, Đọc Tài Liệu biên soạn và giới thiệu mẫu dàn ý chi tiết cùng một số bài văn mẫu đặc sắc phân tích nội dung 9 câu thơ đầu bài Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm).

Cùng tham khảo ngay nhé!

Hướng dẫn làm bài phân tích 9 câu đầu Đất nước

1. Phân tích yêu cầu đề bài

- Yêu cầu về nội dung: Phân tích nội dung, nghệ thuật của 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước

- Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh... thuộc phạm vi bài thơ Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).

- Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm bài phân tích 9 câu đầu Đất nước

- Luận điểm 1: Nguồn gốc của Đất Nước

- Luận điểm 2: Quá trình hình thành Đất Nước

3. Sơ đồ tư duy phân tích 9 câu đầu Đất nước

Làm văn dựa trên sơ đồ tư duy là một trong những cách làm khoa học và hiệu quả mà không bỏ sót ý. Các em có thể tham khảo sơ đồ tư duy Đất nước phân tích 9 câu thơ đầu dưới đây hoặc xây dựng sơ đồ chi tiết hơn theo ý hiểu của mình để triển khai bài văn được tốt hơn.

Sơ đồ tư duy phân tích 9 câu đầu Đất nước ngắn gọn

Dàn ý phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất nước:

+ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Thơ ông là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người tri thức về đất nước, con người Việt Nam.

+ Bài thơ Đất nước thuộc phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng (1971) thể hiện những cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước.

- Giới thiệu 9 câu thơ đầu bài thơ Đất nước: giải thích về nguồn gốc của Đất nước và quá trình hình thành đất nước dựa trên nhiều phương diện của đời sống.

2. Thân bài phân tích 9 câu đầu Đất nước

a) Khái quát về bài thơ và đoạn trích

- Hoàn cảnh ra đời: Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiến miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược.

- Vị trí của đoạn thơ: Đoạn trích Đất nước thuộc phần đầu chương V của trường ca.

- Cảm nhận chung về 9 câu thơ đầu: Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng, hào hùng và trường tồn đến muôn đời sau qua cái nhìn toàn diện của nhà thơ.

b) Phân tích 9 câu thơ đầu bài Đất nước

Luận điểm 1: Nguồn gốc của Đất Nước

+ Câu thơ đầu tiên chính là câu trả lời cho câu hỏi ấy: “Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi”. Đất nước là những thứ thân thuộc, gần gũi, gắn bó với mỗi con người, ở trong mỗi con người từ khi phôi thai. Thể hiện tư tưởng “Đất nước của Nhân Dân”

+ Tác giả cảm nhận đất nước bằng chiều sâu văn hóa - lịch sử và cuộc sống đời thường của mỗi con người qua cụm từ “ngày xửa ngày xưa” à gợi những bài học về đạo lý làm người qua các câu chuyện cổ tích thấm đượm nghĩa tình.

Luận điểm 2: Quá trình hình thành Đất nước

+ Bắt đầu với những phong tục ăn trầu gợi về hình ảnh người bà thân thuộc, gợi câu chuyện về sự tích trầu cau, đã nhắn nhủ nghĩa tình anh em sâu đậm, tình cảm vợ chồng nhân nghĩa thủy chung của những người yêu đất nước.

+ Hình ảnh “cây tre” cũng còn gợi lên hình ảnh của con người Việt Nam, cần cù, siêng năng, chịu thương và chịu khó. “Lớn lên” nghĩa là nói quá trình trưởng thành của Đất Nước, khi nói lớn lên trong chiến tranh nghĩa là nói truyền thống chống giặc kiên cường, rất bền bỉ.

+ Tập quán bới tóc sau đầu cũng để chú tâm làm việc, với câu gợi câu ca dao bình trị dạt dào thương nhớ. Nhắc nhở về tình cảm vợ chồng sắt son và rất sâu nặng qua hình ảnh: “gừng cay”, “muối mặn”.

+ Tái hiện nền văn hóa nước ta chỉ bằng một trong những câu thơ đơn sơ nhưng đầy dụng ý: “Hạt gạo cũng phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Nghệ thuật liệt kê, cùng đã cách ngắt nhịp liên tục thể hiện truyền thống lao động cần cù, với cách ăn cách ở trong sinh hoạt.

+ Nguyễn Khoa Điềm đã thâu tóm tất cả bằng một tư tưởng duy nhất: “Đất Nước có từ ngày đó…”. Dấu “…” cuối câu cũng chính là biện pháp tu từ im lặng, lời dẫu hết những ý vẫn còn, vẫn nung nấu và sục sôi.

=> Sự hình thành của đất nước gắn liền với văn hóa, lối sống và phong tục tập quán của người Việt Nam, đặc biệt gắn liền với đời sống gia đình. Những yếu tố làm nên đất nước cũng đã đóng góp vào sự hình thành linh hồn dân tộc. Vì vậy, sự hiện diện của Đất Nước vừa thiêng liêng, tôn kính lại vừa gần gũi, thân thuộc.

=> Giọng thơ trữ tình chính luận, khi căng, khi chùng, khi tha thiết, khi lại cuồn cuộn nỗi niềm

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật 9 câu thơ đầu Đất nước: Đoạn thơ không chỉ trữ tình mà đầy sức chiến đấu, thể hiện được tinh thần chủ đạo của bài thơ thông qua các chất liệu văn hóa, văn học dân gian “Đất Nước của nhân dân”.

TOP 7 bài văn hay phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 1:

Đất Nước từ lâu đã trở thành một đề tài quen thuộc của thơ ca, làm thành một dòng chảy mãnh liệt xuyên suốt chiều dài lịch sử: Ở giai đoạn văn học Trung đại, ta đã thấy một đất nước tự chủ “Sông núi nước Nam vua Nam ở” trong thơ Lý Thường Kiệt; một đất nước có bề dày văn hóa “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” với “hào kiệt đời nào cũng có” trong thơ Nguyễn Trãi. Sang đến văn học hiện đại, ta lại bắt gặp hình ảnh một đất nước bền bỉ đấu tranh với “Những đạo quân song song cùng lịch sử / Đi suốt thời gian đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang” trong thơ Nam Hà; một đất nước thiên nhiên trù phú tươi đẹp với “Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn” sẵn sàng “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” cùng thời đại trong thơ Nguyễn Đình Thi. Bằng cách tiếp cận mới mẻ, mang tính triết luận, hình tượng “Đất Nước” trong đoạn trích cùng tên, trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm không những không bị hòa tan trong mênh mông của vô số các tác phẩm viết cùng đề tài, mà trái lại, đã vượt lên để tự khẳng định mình, để đem đến cho người đọc một cách nhìn độc đáo, về Đất Nước. Hình tượng Đất Nước, vốn là một đề tài lớn lao và khó bao quát, thế nhưng, qua thơ ông, nó lại trở nên thân thương, gắn bó, như là những gì gần gũi nhất, hiển hiện trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của mỗi con người.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi (…)

Đất Nước có từ ngày đó…”.

Đoạn thơ đã nói lên một cách dung dị mà thấm thía về cội nguồn sâu xa của Đất Nước. Giọng điệu thủ thỉ tâm tình, nhà thơ gợi lên một không khí trầm lắng như kể chuyện cổ tích, như dẫn hồn ta ngược thời gian trở về cội nguồn Đất Nước và dân tộc. Bốn chữ "ngày xửa ngày xưa" dùng rất khéo. Chữ "có" trong "đã có rồi", "Đất Nước có trong những cái..." đã làm cho ý thơ khẳng định, tỏa sáng niềm tin. Tục ăn trầu, truyện cổ tích Trầu - Cau gợi lên hình ảnh Đất Nước xa xưa, "Đất Nước bắt đầu"... Truyền thuyết Thánh Gióng cho biết sự vươn mình của dân tộc, đánh dấu sức mạnh quật khởi "Đất Nước lớn lên". Câu thơ mở rộng đến 12, 13 chữ, với cách gieo vần lưng (đầu - trầu, ăn - dân) nên vẫn thanh thoát, giàu âm điệu:

"Đất Nước bắt đầu với miếng trầu giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dẩn mình trồng tre mà đánh giặc".

Hai chữ "lớn lên" liên tưởng đến hình ảnh chú bé làng Gióng lên ba vươn vai thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt khi Đất Nước bị giặc Ân xâm lược. Rồi nhà thơ nói đến phong tục và đạo lí tốt đẹp lâu đời của nhân dân ta. Phong tục "bới tóc" của người Lạc Việt. Câu ca dao nói về đạo vợ chồng: "Tay bưng chén muối đĩa gừng - Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau" đã nhập hồn vào câu thơ Nguyễn Khoa Điềm:

"Tóc mẹ thì bởi sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn".

Chuyện "ngày xửa ngày xưa" nhưng vẫn hiện diện trên "tóc mẹ" trong tình thương của "cha mẹ" bây giờ. "Đất Nước đã có rồi", "Đất Nước có...", "Đất Nước bắt đầu", "Đất Nước lớn lên" và Đất Nước đang hiện diện quanh ta, gần gũi ta.

Tiếp theo, nhà thơ lấy sự hình thành và phát triển ngôn ngữ dân tộc để nói về nguồn gốc lâu đời của Đất Nước. Mỗi vật dụng đều có một cái tên riêng: "Cái cột, cái kèo thành tên". Nhân dân ta có nghề trồng lúa nước lâu đời, tạo nên nền văn minh sông Hồng. Khi hạt gạo được sáng tạo nên bằng công sức "một nắng hai sương" thì ngôn từ "xay, giã, giần, sàng" cũng xuất hiện. Tiếng Việt là của quý lâu đời của Đất Nước ta, nhân dân ta. Cách nói của Nguyễn Khoa Điềm thật ý vị:

"Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó".

Lấp lánh trong đoạn thơ là hình ảnh Đất Nước thân yêu. Quá khứ của Đất Nước "ngày xửa ngày xưa" đồng hiện trong "miếng trầu bây giờ bà ăn". Có Đất Nước anh hùng "biết trồng tre mà đánh giặc". Có Đất Nước cần cù trong lao động sản xuất: "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng". Có nền văn hóa giàu bản sắc, nền văn hiến rực rỡ hội tụ qua thuần phong mĩ tục (tục ăn trầu, tục bới tóc), qua tục ngữ ca dao "gừng cay muối mặn", qua cổ tích thần thoại, truyền thuyết.

Đoạn thơ 9 câu, 85 chữ mà không hề có một từ Hán Việt nào. Ngôn từ bình dị, cách nói biểu cảm thân mật. Hiện diện trong đoạn thơ là: ta, dân mình, bà, cha, mẹ. Có miếng trầu, cây tre, tóc mẹ,... Có "gừng cay muối mặn" cái kèo, cái cột, hạt gạo,... Thật là thân thuộc và gần gũi, sâu xa và thấm thía, rung động. Tưởng tượng thì phong phú, liên tưởng thì bao la. Đoạn thơ đã "nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp" để ta yêu thêm Đất Nước và tự hào về Đất Nước. Cấu trúc đoạn thơ "tổng - phân - hợp" với mở đầu là câu "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi", khép lại đoạn thơ là câu "Đất Nước có từ ngày đó". Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ kết hợp hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ mang vẻ đẹp độc đáo nói về cội nguồn Đất Nước thân yêu.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 2:

Đất nước là một trong những đề tài gắn với sự thành công của nhiều cây bút trong các thời kì, nhất là thời kì kháng chiến. Ta không sao quên được hình ảnh đất nước hóa thân vào “mảnh hồn quê Kinh Bắc”, đất nước bị dày xéo dưới chân của bọn giặc ngoại xâm trong thơ của Hoàng Cầm hay hình ảnh một đất nước nhỏ bé, đau thương mà anh hùng, bất khuất “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong thơ của Nguyễn Đình Thi. Đến với Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, ta lại có khám phá mới về đất nước của ca dao, thần thoại. Đoạn trích Đất nước nằm trong chương 5 của bản trường ca Mặt đường khát vọng. Với hình tượng trung tâm là đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã cho độc giả thấy được tư tưởng mới mẻ của mình trong hành trình lí giải về cội nguồn đất nước mà đặc biệt là trong chín câu thơ đầu bài:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nới lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó...

Đất nước là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, hình tượng đất nước luôn có một vị trí đặc biệt, là hình tượng cao quý, đẹp đẽ nhất trong thơ văn. Macxen Prust: “Một cuộc thám hiểm không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà ở chỗ cần một đôi mắt mới”. Bởi thế mà với mỗi một điểm nhìn khác nhau thì đất nước lại có một vẻ đẹp, hình dáng khác, đất nước hiện lên với muôn hình vạn trạng trong con mắt nhà thơ. Nếu như các nhà thơ cùng thời chọn điểm nhìn cảm hứng về đất nước từ lịch sử thông qua các triều đại như:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng

Hay những hình ảnh vô cùng mỹ lệ, đẹp đẽ:

Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca

Thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cho mình một điểm nhìn vô cùng mới mẻ, bình dị, thân quen mà qua đó đất nước hiện lên không kém phần tươi đẹp. Với cấu trúc tổng - phân - hợp mang đậm phong cách chính luận, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những suy tư cùng những cảm xúc mãnh liệt về đất nước và trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, tổ quốc.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm đưa ta vào câu chuyện về sự hình thành của Đất nước mà theo đó Đất nước có từ những gì quen thuộc, gần gũi nhất.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Câu thơ mở đầu tự nhiên như một lời kể, nhà thơ mượn kí ức tuổi thơ để hình dung ra sự tồn tại của Đất nước trong nhận thức, tình cảm con người. Theo đó, “Đất Nước đã có từ rất lâu, từ khi mà “ta” cất tiếng khóc chào đời, lớn lên thì đất nước đã có và tồn tại cùng với “ta”. “Ta” ở đây phải chăng là anh, là chị, là những người còn sống hay đã chết, là ta của quá khứ hay của tương lai, là cái chung của dân tộc. Năm chữ “Đất Nước đã có rồi” vang lên đầy tự hào, nó giống như một lời khẳng định về sự trường tồn của đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã được Nguyễn Trãi nhắc đến:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Đến hai câu tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm diễn tả cụ thể sự hình thành của Đất nước:

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Truy tìm về cội nguồn của đất nước, khó có ai có thể xác định rõ ràng, minh bạch về sự khởi thủy của hình tượng này. Với Nguyễn Khoa Điềm thì Đất nước được hình thành từ những nét sống giản dị nhất của người mẹ, người bà. Sau trạng từ chỉ thời gian”ngày xửa ngày xưa”, người đọc đã hình dung ra biết bao kỉ niệm về tuổi thơ với những nhân vật như ông bụt, bà tiên, cô Tấm, Thánh Gióng... Từ những câu chuyện đó hình ảnh Đất nước hiện lên thật đẹp đẽ, thơ mộng. Hình ảnh “miếng trầu bà ăn” gợi cho người đọc về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hình ảnh “miếng trầu” gắn liền với nét đẹp của những người phụ nữ Việt xưa. Từ nét đẹp đó, Nguyễn Khoa Điềm đã lý giải về sự “bắt đầu” của Đất nước. Trong cúng lễ, “miếng trầu quả cau” biểu tượng cho tấm lòng thành của con cháu gửi đến những bậc cha ông. “Miếng trầu” còn là biểu tượng của phẩm chất thủy chung trong cốt cách con người Việt Nam xưa và nay.

Bên cạnh đó, hình ảnh “miếng trầu” còn gợi lên một huyền sử tình yêu "miếng trầu nên dâu nhà người”. Từ “lớn lên” chỉ sự trưởng thành của đất nước qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với Nguyễn Khoa Điềm hay bất kì nhà thơ nào, đất nước không hề vô tri vô giác mà đất nước có dáng, có hồn, đẹp ngất ngây trong con mắt nghệ thuật. Hình ảnh “trồng tre mà đánh giặc” gợi cho ta về truyền thuyết một cậu bé mới ba tuổi đã biết cất tiếng nói trách nhiệm với quê hương, tổ quốc đó là Thánh Gióng, một biểu tượng cho cốt cách con người Việt, kiên cường, mạnh mẽ trong đấu tranh chống lại cái ác. Hình tượng đó đã được Tố Hữu đưa vào thơ của mình:

Ta thuở xưa như thần Phù Đổng
Vụt đứng lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt
Chí căm thù ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi.

Hình ảnh cây tre đại diện cho cốt cách ngay thẳng, bất khuất của con người Việt Nam:

Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi.

Nguyễn Khoa Điềm đã đem hình tượng cây tre và Thánh Gióng song hành với nhau. Đó là sự đồng hiện trong cốt cách, phẩm chất của con người Việt Nam như thật thà, chất phát, đôn hậu, thủy chung, yêu hòa bình nhưng lại vô cùng kiên cường trong chiến đấu.

Đến bốn câu thơ tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm ca ngợi những truyền thống, vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của con người Việt:

Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.

Có phải chăng hình tượng người mẹ - người phụ nữ với búi tóc sau đầu đã làm sáng tỏ sự kín đáo, nhẹ nhàng mà chân chất trong cách ăn mặc của con người Việt Nam. Nét đẹp của người phụ nữ ấy khiến ta liên tưởng đến câu thơ:

Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

Để chi dài bối rối lòng anh

Vẻ đẹp của con người Việt còn ở phẩm chất thủy chung trong cốt cách của mình. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được vận dụng vô cùng độc đáo, nhẹ nhàng mà thấm đẫm câu thơ. Gừng thì tất nhiên phải cay, muối tất nhiên phải mặn, đó là nguyên lý của tạo hóa cũng như tình cảm của những người vợ chồng luôn đong đầy và không lay chuyển. Nó gợi lên ân tình thủy chung giữa người với người: “Gừng càng già càng cay, muối càng lâu càng mặn” con người ở với nhau càng lâu thì tình cảm càng đong đầy. Ý câu thơ được lấy ra từ câu ca dao:

Tay bưng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

“Cái kèo, cái cột thành tên” gợi cho ta nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt xưa. Ngôi nhà là nơi mọi người trong gia đình đoàn tụ, mang đến sự ấm áp, hạnh phúc... Có lẽ bởi vậy mà tục đặt tên con là “kèo”, là “cột” ra đời, vừa giản dị lại gần gũi và tránh được sự dòm ngó của ma quỷ theo quan niệm xưa. Không những vậy, con người Việt Nam còn mang trong mình phẩm chất cần cù, chăm chỉ. Thành ngữ “một nắng hai sương” chỉ sự chịu thương chịu khó của ông cha ta trong lao động. Các động từ “xay”, “giã”, “dần”, “sàng” là các công đoạn làm ra hạt gạo. Qua đó, Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc người đọc cần phải biết trân trọng những hạt cơm ta ăn hằng ngày vì đó là vào mồ hôi công sức của những người nông dân:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Câu thơ cuối cùng là một lời khẳng định của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn của Đất nước:

Đất Nước có từ ngày đó...

“Ngày đó” là cái ngày mà ta có truyền thống, có văn hóa. Vậy nên, muốn yêu nước thì trước hết ta phải yêu văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Thật đáng trân quý, nâng niu biết bao lời thơ dung dị, nhẹ nhàng mà chân thành, đằm thắm của Nguyễn Khoa Điềm.

Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng đặc sắc, khéo léo các thi liệu dân gian, những phong tục, truyền thống, thành ngữ, điệp từ và cách viết hoa chữ Đất nước thể hiện sự thành kính, thiêng liêng. Tất cả đã làm nên một đoạn thơ đậm chất văn hóa người Việt và sự thành kính đối với đất nước. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí.

Đoạn trích trên đã thể hiện những suy tư cùng những cảm xúc mãnh liệt của tác giả về quê hương, đất nước. Qua đó, Nguyễn Khoa Điềm đã nói lên trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tổ quốc. Pautopxki từng nói: “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp”. Và phải chăng Nguyễn Khoa Điềm đã tìm thấy riêng con đường của mình khi tiến đến đất nước, để rồi Đất nước hiện ra thật bình dị, gần gũi và đẹp đẽ biết bao. Đọc đoạn trích Đất nước ta được khám phá một vẻ đẹp mới của đất nước mà qua đó ta nâng cao thêm tinh thần yêu đất nước, yêu tổ quốc và trách nhiệm của ta bây giờ không chỉ là học tập mà còn là gìn giữ truyền thống, gìn giữ đất nước, góp phần làm cho đất nước giàu đẹp hơn.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 3:

Đất Nước là một chủ đề xuyên suốt bao trùm lên các tác phẩm trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các nhà thơ nhà văn bằng tình cảm công dân đã có nhiều phát hiện mới mẻ độc đáo về Tổ quốc, nhân dân. Tổ quốc thường được soi chiếu từ bình diện lịch sử chống ngoại xâm, được khái quát bằng những hình tượng kỳ vĩ, khai thác triệt để chất sử thi hoành tráng. Trong dòng chủ lưu ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn lựa cách thể hiện riêng của mình, bằng trải nghiệm tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cách mạng và cả bằng vốn tri thức được đào tạo bài bản từ mái trường xã hội chủ nghĩa, tạo nên chiều sâu của hình tượng Đất Nước, hòa mạch thơ chính luận - trữ tình. Qua bài thơ “Đất nước” ông đã giúp người đọc trả lời được câu hỏi thắc mắc bao lâu nay “Đất nước có tự bao giờ” qua 9 câu thơ đầu:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu, chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”, hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ ở các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh thế hệ mình, xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ. Nếu những nhà thơ khác đều chọn điểm nhìn về đất nước bằng những hình ảnh kì vĩ, đồ sộ của núi non, sông biển, mỹ lệ thì ở “Đất nước” Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn từ những hình ảnh quen thuộc, bình dị nhất về đất nước. “Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý” (Huy Văn).

“Đất nước”, hai chữ thiêng liêng cao cả ấy chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trong mỗi gia đình chúng ta: từ lời kể chuyện của mẹ, cùng ta lớn lên hằng ngày:

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”

Ba chữ “đã có rồi” vừa như một lời khẳng định chắc nịch về sự trường tồn của đất nước vừa bộc lộ niềm tự hào mãnh liệt về lịch sử hình thành và phát triển qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Với cách dẫn dắt rất đỗi tự nhiên, bằng giọng tâm tình, dịu ngọt như lời kể truyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm nhận, suy tưởng của mình về cội nguồn đất nước. Đó cũng chính là đất nước được cảm nhận trong chiều sâu tâm hồn nhân dân, văn hóa và lịch sử:

“Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Những hình ảnh nhà thơ sử dụng thật gần gũi, thân thương, dường như mỗi chúng ta khi đọc những câu thơ ấy cảm xúc lại dạt dào vô cùng. Đó là miếng trầu bà ăn hằng ngày, là lời ru thuở nằm nôi,… Hình ảnh “miếng trầu” gợi cho ta nhớ đến câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là câu chuyện có từ rất xa xưa. Tục ăn trầu cũng xuất hiện từ rất lâu đời từ chính câu chuyện này mà nên. Như vậy những bản sắc văn hóa ấy đã gắn bó với mỗi người Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Không những thế, hình ảnh miếng trầu còn thể hiện cho tình cảm lứa đôi, sự gắn kết của hôn nhân gia đình, của mối quan hệ vợ chồng son sắt. Đây cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt, tượng trưng cho tấm lòng của con cháu dâng lên tổ tiên.

Hình ảnh “trồng tre đánh giặc gợi cho ta nhớ về những câu truyện cổ tích, truyền thuyết li kì của cha ông ta: Thánh Gióng, Thạch Sanh, Tấm Cám, An Dương Vương,… Chính những câu chuyện cổ tích ấy như dòng sữa ngọt ngào của mẹ chăm sóc tâm hồn ta lớn lên từng ngày với đất nước. Và cũng chính từ những câu chuyện ấy, chúng ta đúc kết ra được những bài học về thiện ác, đặc biệt là truyền thống yêu nước, căm thù giặc của nhân dân ta, bồi đắp cho ta những tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương, đất nước. Cũng như nhà thơ Lâm Thị Vĩ Dạ cũng từng viết:

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm”

Hay nhà thơ Tố Hữu cũng từng tự hào và cất lên lời thơ đầy khí thế dân tộc:

“Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt
Chí căm thù ta rèn thép làm roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi”

Nghĩa là, lịch sử lâu đời của đất nước được kết tinh trong từng câu chuyện kể, trong miếng trầu bà ăn thường ngày, trong “cây tre đánh giặc” thân quen quanh ta. Đúng như Nguyễn Duy đã viết:

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Với cái nhìn độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi chúng ta, mỗi người dân; trong đời sống tâm hồn của nhân dân từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngoài việc có từ rất xa xưa, Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm còn được thể hiện ở nét sống giản dị nhưng đậm đà bản sắc dân tộc của những người bà, người mẹ Việt Nam:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Đất nước còn là phong tục búi tóc thành cuộn sau gáy rất quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay:

“Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

Để chi dài bối rối lòng anh”

(ca dao cổ)

Đất nước Việt Nam mang vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam: tình nghĩa đậm đà, thủy chung son sắt của cha mẹ “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp:

“Tay bưng đĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

Ở đó còn là đạo lí ân tình ân nghĩa cha mẹ, là sự gắn bó cùng nhau. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được nhà thơ vận dụng đầy tài tình, sáng tạo, gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau càng lâu thì càng nghĩa tình. Tình cảm chân thành ấy chính là nguồn gốc của mọi yêu thương trên thế gian này. Cũng chính từ tình yêu thương ấy mới đi đến những “Cái kèo cái cột thành tên”:

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Câu thơ gợi nhắc đến một nét truyền thống văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống làm nhà “ kèo - cột”, “cái kèo” có hình dạng tam giác cân, trong kiến trúc cổ Việt Nam là hệ thống gỗ kết nối các đầu cột để đỡ hai mái dốc. Cột đẩy mái nhà lên cao, kèo giữ các cột lại với nhau làm nên sự bền vững cho khung nhà. Và chính từ gian nhà “kèo - cột” ấy, thói quen đặt tên cho con cái từ những vật dụng quen thuộc cũng ra đời. Đất nước Việt Nam phong phú với 54 dân tộc anh em đâu chỉ dừng lại ở những vẻ đẹp trên, ngoài truyền thống yêu nước, nhân dân ta còn nổi tiếng với nền văn minh lúa nước. Với người Việt Nam vốn gắn bó lâu đời với nền văn minh lúa nước, hạt gạo trở thành gia bảo vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Cho nên ngay khi còn là đứa trẻ mới lớn, cảm nhận về vật chất đầu tiên phải là hạt gạo trải qua một quá trình lam lũ, vất vả kết tinh mồ hôi, nước mắt của người lao động một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng, phải suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “dầm mưa dãi nắng” nhân dân ta mới làm ra được hạt ngọc quý giá ấy. Hình ảnh thơ của Nguyễn Khoa Điềm làm ta gợi nhớ tới câu ca dao mẹ ru thuở nào:

“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Khép lại khổ thơ, nhà thơ đã khẳng định sự ra đời của đất nước một cách đầy tự nhiên và tự hào: “Đất nước có từ ngày đó”. “Ngày đó” là ngày nào ta không biết, cũng không rõ nhưng chắc chắn đó là ngày ta có truyền thống, có văn hóa, có tập quán riêng. Trong đoạn thơ trên, tác giả sử dụng khéo léo các kiểu cấu trúc thơ “Đất nước đã có”, “Đất nước bắt đầu”, “Đất nước lớn lên”, “Đất nước có từ” đã giúp cho ta hình dung được cả quá trình hình thành và phát triển của đất nước trong trường kì lịch sử nằm sâu trong tâm thức của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Trường từ vựng: ông, bà, cha, mẹ gợi về tình cảm gia đình ruột thịt thân thương. Đó cũng là khởi nguồn cho đất nước. Bởi nói như chú Năm “con sông gia đình cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, rộng bằng nước ta” (Những đứa con trong gia đình).

Bằng việc vận dụng khéo léo những chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, nền văn minh lúa nước… Nhà thơ đã sáng tạo một cách nhuần nhuyễn thành ngữ dân gian, ca dao, tục ngữ, cổ tích, truyền thuyết… cùng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ… Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ đậm đà bản sắc văn hóa người Việt. Nguyễn Khoa Điềm đã trình bày được một ý niệm về đất nước thật độc đáo, hấp dẫn; vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hóa lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống nhân dân hàng ngày. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm ý niệm về đất nước của nhân dân cho thơ ca hiện đại.

Nguyễn Khoa Điềm đặc biệt thành công trong việc sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian. Chỉ chín câu thơ, nhưng dày đặc những hình ảnh, hình tượng thơ được khơi dậy, được vun đắp bằng văn hóa dân gian. Cảm hứng thơ bắt sâu vào cội rễ văn hóa dân tộc, để đất nước trở nên thân thuộc, gần gũi với mỗi người và để câu thơ giàu sức gợi, giàu sức liên tưởng. Từ đó ta hiểu được nguồn gốc lịch sử lâu đời của dân tộc ta và trách nhiệm trong việc giữ gìn và góp phần xây dựng đất nước.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước ngắn gọn mẫu số 4:

Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là một trong những vần thơ như thế - dung dị, mộc mạc nhưng rất đỗi sâu sắc. Đặc biệt, trong chín câu thơ đầu đã thể hiện được nguồn gốc sâu xa của mảnh đất quê hương tình nghĩa.

Mở đầu là những lời bình dị nhưng hàm súc: “Khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi”. Đất nước thành bậc tiền nhân. Mọi người đều được nuôi dưỡng từ đất nước… Nhắc lại điệp khúc “ngày xửa ngày xưa…”, tác giả muốn chứng tỏ đất nước hình thành từ rất lâu, đất nước có trong từng lời mẹ kể.

Gắn liền với sinh hoạt gia đình: “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Tứ thơ này làm sống lại nhiều câu tục ngữ, ca dao và truyện Trầu cau tình nghĩa. Qua hình ảnh “miếng trầu”, Nguyễn Khoa Điềm “nhân dân hóa” thơ mình và có thêm một bằng chứng về đất nước hình thành từ xa xưa. Tuy vậy, đất nước chỉ lớn lên với truyền thống: “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” và quá trình hình thành nhiều phong tục, tập quán:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Nguyễn Khoa Điềm thật sự xúc động khi nói đến:“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Đó lời ngợi ca tình nghĩa, thuỷ chung trong gian khó. Chữ “thương” giúp thơ ông gần văn học bình dân. “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi” - điều ấy, hiển nhiên như khi ta lớn lên đã có ông bà, cha mẹ… Đất nước gắn bó, thân thiết như người ruột thịt và bao công việc lao động khác:

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Tứ thơ “cái kèo, cái cột thành tên” còn gợi tập tục đặt tên mộc mạc để mong sự bình yên. Đất nước ta gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Làm nên hạt gạo trắng thơm phải trải qua nhiều công đoạn, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Quá trình hình thành đất nước cũng đau đớn như chuyện nhân loại hoài thai, sinh nở.

Từ những lời phân tích trên đây, có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách triệt để vốn văn hoá dân gian. Hàng loạt câu tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, phong tục, tập quán đã được tái tạo, sáng tạo lại. Không chỉ hay ở phương diện câu chữ, cấu trúc và lời kết đoạn đã gây được ấn tượng. “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”, đất nước bắt đầu, đất nước lớn lên… chặng đường nào cũng song hành với cuộc sống nhân dân. Tác giả nêu nhiều chứng cứ để làm sáng tỏ kết luận: “Đất Nước có từ ngày đó…” - từ “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Trong suốt quá trình ấy, đất nước gắn bó với mọi gia đình và từng cá nhân. Đó là cơ sở vững chắc để tác giả tiếp tục triển khai tư tưởng Đất Nước này là đất Nước Nhân dân ở 3 khổ thơ sau.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 5:

Đề tài đất nước là một trong những đề tài muôn thuở gắn với thành công của nhiều nhà văn trong các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ kháng chiến. Chúng ta không thể quên hình ảnh đất nước hóa thân trong "mảnh hồn quê Kinh Bắc", nơi mà đất nước đã chịu đựng giày xéo dưới chân giặc ngoại xâm trong thơ của Hoàng Cầm, hoặc hình ảnh một đất nước nhỏ bé, gắn liền với nỗi đau thương mà anh hùng, bất khuất "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" như trong thơ của Nguyễn Đình Thi.

Khi đọc và phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta khám phá thêm những khía cạnh mới về đất nước qua ca dao và thần thoại. Đoạn trích Đất nước nằm trong chương Năm của bản trường ca Mặt đường khát vọng. Bài thơ với hình tượng trung tâm là đất nước, mang đến cho độc giả những tư tưởng mới mẻ, độc đáo trong việc giải thích nguồn gốc và bản chất của đất nước, đặc biệt là trong chín câu thơ đầu bài.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Trong thơ ca, đất nước là nguồn cảm hứng vô tận, hình tượng đất nước luôn giữ một vị trí vô cùng đặc biệt, được coi là tinh túy đẹp đẽ nhất trong thơ văn. Như Macxen Prust đã nói: "Một cuộc thám hiểm không phải là ở chỗ cần một vùng đất mới mà ở chỗ cần một đôi mắt mới". Vì vậy, với mỗi góc nhìn khác nhau, đất nước lại mang một vẻ đẹp và hình dáng khác nhau, hiện lên với muôn hình vạn trạng trong con mắt của nhà thơ. Nếu các nhà thơ cùng thời chọn điểm nhìn và cảm hứng về đất nước từ lịch sử đã trải qua qua các triều đại như:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng

Hay những hình ảnh vô cùng mỹ lệ, đẹp đẽ:

Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca

Thì Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn một góc nhìn rất mới, đơn giản và thân quen cho bản thân, qua đó hình ảnh đất nước cũng trở nên tươi đẹp không kém. Với cấu trúc tổng phân hợp mang đậm phong cách chính luận, tác giả đã thể hiện những suy nghĩ cùng những cảm xúc mãnh liệt về đất nước và trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương và tổ quốc. Ngay từ đầu bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn dắt chúng ta vào câu chuyện về sự hình thành của Đất nước và những điều quen thuộc, gần gũi nhất mà Đất nước đã có.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Câu thơ mở đầu một cách rất tự nhiên như một lời kể, nhà thơ mượn kí ức tuổi thơ để mô tả sự tồn tại của Đất nước trong nhận thức và tình cảm của con người. Theo tác giả, "Đất Nước đã có từ rất lâu, từ khi "ta" cất tiếng khóc chào đời, lớn lên thì Đất Nước đã có và cùng tồn tại với "ta". "Ta" ở đây có thể là anh, chị, những người sống hay đã mất, quá khứ hay tương lai, là cái chung của người dân tộc. Năm chữ "Đất Nước đã có rồi" vang lên như một lời khẳng định đầy tự hào về sự trường tồn của đất nước qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà Nguyễn Trãi đã từng đề cập đến.

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Đến hai câu tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm diễn tả cụ thể sự hình thành của Đất nước:

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Về việc tìm kiếm cội nguồn của đất nước, khó có thể xác định một cách rõ ràng và minh bạch về sự khởi thủy của những hình tượng này. Đối với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước cũng được hình thành từ những nét sống giản dị nhất của người mẹ và người bà. Khi gặp trạng từ thời gian "ngày xưa", người đọc dễ dàng tưởng tượng về những kỷ niệm tuổi thơ cùng với những nhân vật như ông bụt, bà tiên, cô Tấm, Thánh Gióng... Từ những câu chuyện đó, hình ảnh của đất nước hiện lên thật đẹp đẽ và thơ mộng. Hình ảnh "miếng trầu bà ăn" gợi cho người đọc về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn liền với vẻ đẹp của phụ nữ Việt xưa. Từ những nét đẹp đó, tác giả lý giải về sự "bắt đầu" của đất nước.

Trong các nghi lễ, "miếng trầu quả cau" biểu tượng cho tấm lòng thành của con cháu gửi đến các bậc cha ông. "Miếng trầu" còn biểu thị phẩm chất chung thủy trong cốt cách người Việt Nam xưa và nay. Ngoài ra, hình ảnh "miếng trầu" còn gợi lên huyền sử về tình yêu "miếng trầu nên dâu nhà người". Từ "lớn lên" chỉ sự trưởng thành của đất nước qua quá trình đấu tranh khiến dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đối với Nguyễn Khoa Điềm và bất kì nhà thơ nào khác, đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng, mà đất nước có hình dáng, có linh hồn và trong con mắt nghệ thuật nó mang một vẻ đẹp ngất ngây. Hình ảnh "trồng tre mà đánh giặc" gợi lên truyền thuyết về một cậu bé chỉ ba tuổi đã biết nói và đảm nhận trách nhiệm với quê hương, tổ quốc đó là Thánh Gióng. Thánh Gióng còn là một biểu tượng của sự kiên cường và sức mạnh trong cuộc chiến chống lại điều ác trong cốt cách của con người Việt Nam.

Hình tượng đó đã được nhà thơ Tố Hữu đưa vào thơ của mình:

Ta thuở xưa như thần Phù Đổng
Vụt đứng lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt
Chí căm thù ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi.

Hình ảnh cây tre đại diện cho cốt cách ngay thẳng không chịu bất khuất của con người Việt Nam:

Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi.

Nguyễn Khoa Điềm đã đặt hình tượng cây tre và Thánh Gióng vào cùng một khung cảnh. Điều đó biểu thị sự đồng hiện trong cốt cách, một phẩm chất của người Việt Nam như thật thà, kiên định và lòng trung thành, yêu hòa bình nhưng trong chiến đấu thì vô cùng kiên cường.

Đến bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ca ngợi những truyền thống, vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của chính con người Việt:

Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.

Hình tượng người mẹ và người phụ nữ với búi tóc sau đầu phải chăng đã làm sáng tỏ sự kín đáo, tinh tế và chân chất trong phong cách ăn mặc của người Việt Nam. Nét đẹp của những người phụ nữ ấy gợi cho chúng ta nhớ đến những câu thơ:

Tóc ngang lưng vừa chừng em búi

Để chi dài bối rối lòng anh

Vẻ đẹp của con người Việt còn nằm ở phẩm chất cốt cách thủy chung. Thành ngữ "gừng cay muối mặn" được tác giả vận dụng một cách độc đáo và nhẹ nhàng mà thấm đẫm với câu thơ. Gừng dĩ nhiên phải cay, muối đương nhiên phải mặn, đó là nguyên lý tự nhiên của tạo hóa, cũng như tình cảm vợ chồng luôn tràn đầy và không bị lay chuyển. Nó gợi lên ân tình thủy chung giữa con người với con người như câu ca dao: "Gừng càng già càng cay, muối càng lâu càng mặn". Khi hai người ở bên nhau lâu hơn, tình cảm sẽ càng trở nên đậm đà. Ý nghĩa của câu thơ được lấy từ chính câu ca dao này.

Tay bưng đĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

“Cái kèo, cái cột thành tên” gợi lên cho ta nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt xưa. Ngôi nhà là nơi mọi người trong gia đình đoàn tụ, mang đến những sự ấm áp, hạnh phúc. Có lẽ bởi vậy mà tục đặt tên cho con là “kèo”, là “cột” ra đời, khi vừa giản dị lại gần gũi và cũng tránh được sự dòm ngó của ma quỷ theo quan niệm xưa.

Không những vậy, khi con người Việt Nam còn mang trong mình phẩm chất cần cù, chăm chỉ. Thành ngữ “một nắng hai sương” chỉ những sự chịu thương chịu khó của ông cha ta trong lao động. Các động từ “xay”, “giã” và “dần”, “sàng” là các công đoạn làm ra hạt gạo, qua đó tác giả Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắc người đọc cần phải biết trân trọng những hạt cơm ta đã ăn hằng ngày vì đó là mồ hôi công sức của những người nông dân:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Câu thơ cuối cùng chính là một lời khẳng định của Nguyễn Khoa Điềm về cội nguồn của Đất nước:

Đất Nước có từ ngày đó…

“Ngày đó” là cái ngày mà ta có truyền thống, đã có văn hóa. Vậy nên, muốn yêu nước thì trước hết ta phải yêu văn hóa, với truyền thống của dân tộc mình. Thật đáng trân quý, nâng niu biết bao lời thơ dung dị, sự nhẹ nhàng mà chân thành, đằm thắm của Nguyễn Khoa Điềm.

Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng đặc sắc, khéo léo các thi liệu dân gian, cùng những phong tục, truyền thống, thành ngữ, điệp từ và cách viết hoa chữ Đất nước để thể hiện sự thành kính, thiêng liêng. Tất cả đã làm nên một đoạn thơ đậm chất với nền văn hóa người Việt và sự thành kính đối với đất nước. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và cả những lời thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lý.

Đoạn trích trên đã thể hiện những suy tư và cảm xúc mạnh mẽ của tác giả về quê hương và đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã nêu rõ trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, tổ quốc, điều này cũng được Pautopxki đề cập: "Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến cái đẹp". Có lẽ tác giả đã tìm thấy con đường riêng của mình khi tiếp cận với đất nước, và từ đó đất nước hiện lên một cách bình dị, thân quen và tuyệt đẹp biết bao. Đọc đoạn trích, chúng ta khám phá một vẻ đẹp mới của đất nước mà qua đó tinh thần yêu đất nước, yêu tổ quốc và trách nhiệm của chúng ta không chỉ là việc học hành, mà còn là việc gìn giữ truyền thống, bảo vệ đất nước và đóng góp để xây dựng một đất nước giàu đẹp hơn.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 6:

Cảm hứng về đất nước, về tầm vóc đáng tự hào của nó là một cảm hứng vốn quen thuộc cùa thơ ca hiện đại giai đoạn từ 1945 đến 1975. Bất cứ ai cũng nhận ra rằng từ sau Cách mạng tháng Tám, dân tộc, tổ quốc đã thực sự lớn mạnh của Thánh Gióng. Đó chính là hiện thực, là tiền đề thẩm mĩ cất cánh cho những dòng cảm xúc đáng trân trọng về vóc dáng của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Là một nhà thơ trẻ, trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước, nặng tình với non sông, người trí thức Nguyễn Khoa Điềm cũng góp riêng một tiếng nói của mình để khẳng định sự lớn dậy ấy. Với 9 câu thơ mở đầu bài thơ "Đất nước" trích trường ca "Mặt đường khát vọng", Nguyễn Khoa Điềm đã có những cảm nhận mới mẻ về đất nước.

Điểm rất mới của Nguyễn Khoa Điềm là đề cập đến một đề tài rất khái quát, nếu không muốn nói là trừu tượng, đề tài đất nước, nhưng những hình ảnh thơ, chất liệu cụ để dựng nên tầm vóc đó lại rất cụ thể, gần gũi. Để nói lên sự hiện hữu cùa đất nước này ở chiều sâu của thời gian, chiều rộng của không gian, trong đoạn mở đầu, ông đã tập trung sử dụng rất nhiều hình ảnh hết sức cụ thể, gần gũi đầy thân thương nhưng lại có sức liên tưởng mãnh liệt và tính khái quát cao. Đặc biệt, ông nối kết để tạo nên mạch thơ nói về sự hiện hữu của đất nước bằng điệp từ có. Điệp từ này đã nối kết những hình ảnh tưởng chẳng liên quan gì với nhau thành một khối không thể tách rời, khẳng định sự hiện hữu vừa có tính truyền thống vừa đầy ân tình sâu nặng của đất nước như một nét riêng không thể hòa lẫn. Ta hãy nghe nhà thơ bộc lộ suy nghĩ của mình.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó...

Đọc đoạn thơ, ta không thế không chú ý đến những hình ảnh thơ đầy sức tưởng tưởng của tác giả về sự hiện hữu của đất nước. Mỗi hình ảnh lại gợi một sự hiện hữu nhằm khẳng định nét riêng không trộn lẫn của đất nước này. "Ngày xửa ngày xưa" một ngôn ngữ mở đầu cho những câu chuyện cổ tích; hình ảnh người bà - nhà thơ muốn nói rằng đất nước này đã tồn tại từ lâu đời, tồn tại từ thuở "Mang gươm đi giữ nước - Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long", cái thuở Nam quốc sơn hà. Từ đó, đất nước lớn lên với những phong tục, cốt cách của một dân tộc đậm tình, đậm nghĩa nhưng cũng sẵn sàng xả thân khi Tổ quốc lâm nguy. Thân thương gần gũi biết bao khi đất nước hiện hữu vừa thật nhỏ nhoi, lại vừa thật tình cảm nơi miếng trầu bây giờ bà ăn. Ở đây, sức liên tưởng thật sáng tạo, đầy ắp những nét đẹp về phong tục, tập quán, bản sắc quê hương:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Ở đó, có những bàn tay, những trái tim, những con người cần cù chịu thương chịu khó, lam lũ cần cù, một nắng hai sương. Đặc biệt ở đó, có sự tồn tại hiện hữu có khi phải được đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của cả một dân tộc luôn cần phải rũ bùn đứng dậy tự khẳng định mình.

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất nước có từ ngày đó...

Cũng trong đoạn thơ này, ngoài hình ảnh là việc sử dụng những từ xưng hô tạo một quan hệ tình cảm đầy máu thịt của cộng đồng người Việt. Dường như với cách gọi này, tất cả như quây quần, hội tụ, đoàn kết, châu tuần chung một dòng máu, một huyết thống Rồng - Tiên. Đó là từ mẹ, từ cha, từ bà, dân mình quá đỗi ngọt ngào trong những cách xưng hô đằm thắm, mang dẩy bản sắc Việt Nam ấy. Chúng tạo nên một phong vị, một sức gợi đầy thẩm mĩ về Đất Nước, con người Việt Nam, thân ái, thủy chung, giàu truyền thống, giàu tình nghĩa, đạo lí làm người. Ở đoạn hai, tác giả lại ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về những điều đã tạo nên đất nước, hướng người đọc đến những định nghĩa rất riêng rất chung về đất nước.

Có thể khẳng định rằng, sức mạnh của đoạn thơ là do có rất nhiều hình ảnh, phong phú, đa dạng. Tất cả lại được diễn tả với một giọng thơ hết sức tự nhiên, không ồn ào của hình thức thơ - văn xuôi, thơ tự do khiến cho hiệu quả thẩm mĩ càng lớn. Điều đáng nói là từ những hình ảnh đó, với sức suy tưởng lo lắng của một trí thức trẻ khả năng gợi mở, vang ngân, liên tưởng của thơ càng lớn. Nó đủ sức để khái quát một cách đầy đủ tầm vóc, thế đứng, dáng đứng của một Đất Nước trong chiều hướng ấy thật trầm lắng, đáng tự hào về chiều sâu lịch sứ, chiều dài và chiều sâu của thời đại. Đó là một khối thống nhất của quá khứ, hiện tại, tương lai. Một vẻ đẹp nói như Tố Hữu:

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu.

Vậy là Đất Nước có từ khi mẹ thường kể chuyện cổ tích cho con nghe, khi dân ta biết trồng tre đánh giặc, biết trồng ra hạt lúa, củ khoai, biết ăn trầu, búi tóc, biết sống yêu thương, thủy chung. Lịch sử Đất Nước thật giản dị, gần gũi mà xa xôi, linh thiêng biết mấy. Đoạn trích Đất Nước của trường ca Mặt đường khát vọng xứng đáng là một khúc ca sử thi, hoành tráng đầy chất thơ về quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

Phân tích 9 câu đầu Đất Nước bài văn mẫu số 7:

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ tại Việt Nam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ông đã đóng góp rất nhiều tác phẩm đặc sắc cho nền văn học nước nhà, trong đó phải kể đến bài thơ “Đất Nước” trích phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”. Tác phẩm nói lên nhiều sự hiện hữu của Đất Nước ở chiều sâu không gian cũng như chiều rộng của thời gian. Đặc biệt ở đoạn đầu bài thơ Đất Nước, tác giả đã cho độc giả thấy được sự thiêng liêng nhưng rất đỗi bình dị của Đất Nước, thể hiện quan điểm nguồn cội một cách đặc sắc.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …” mẹ thường hay kể.”

Câu thơ mở đầu chính là lời khẳng định Đất Nước đã có từ rất lâu, tồn tại như một điều hiển nhiên với chiều sâu cội nguồn và sự hình thành phát triển suốt bốn ngàn năm văn hiến. Đất Nước hiện lên vô cùng thân quen và gần gũi trong những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”, gợi nhớ lại những kỷ niệm của mỗi người. Bởi trong những câu chuyện mẹ kể là những bài học đạo lý dạy ta cách làm người, biết phân biệt thiện ác, sống phải biết ơn, thủy chung son sắc… Tác giả sử dụng những ngôn từ tự nhiên, giản dị, không tráng lệ hoa mỹ nhưng vấn gây ấn tượng với người đọc.

Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận Đất Nước gắn liền với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của dân tộc:

“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”

“Miếng trầu bà ăn” chính là miếng trầu tình nghĩa về tình cảm vợ chồng, tình cảm anh em gắn bó trong câu chuyện cổ tích “Sự tích trầu cau”. Cũng từ đó, “miếng trầu” tượng trưng cho sự thủy chung son sắc, hình ảnh không thể thiếu trong những lễ cưới truyền thống của Việt Nam.

“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Những năm tháng trước Công nguyên từ thời Bà Trưng - Bà Triệu, đất nước ta đã mạnh mẽ đứng lên khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Hay hình ảnh Thánh Gióng nhổ lũy tre để đánh giặc. Cây tre cũng chính là biểu tượng của người nông dân Việt Nam, hiền lành chăm chỉ nhưng cũng rất kiên cường bất khuất.

“Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”

Vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam, mộc mạc, giản dị lại nữ tính thuần hậu rất riêng với mái tóc được búi ra sau đầu. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được tác giả đặt một cách khéo léo để thể hiện ân tình của con người, sự chung thủy của người vợ người chồng.

“Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Câu thơ gợi nhắc cho người đọc về phong tục làm nhà cổ của người Việt Nam ngày xưa. Những chiếc kèo cột giằng giữa nhau để giúp cho ngôi nhà thêm bền chặt, vững chãi. Ngôi nhà là tổ ấm của mọi gia đình, nơi để các thành viên được đoàn tụ bên nhau. Và cả truyền thống lao động siêng năng, chăm chỉ, chịu thương chịu khó của dân tộc. Câu thành ngữ “một nắng hai sương” gợi lên sự cần cù của cha ông ta trong những ngày tháng khó khăn. Hạt gạo làm ra là biết bao mồ hôi công sức dầm mưa dãi nắng, xay giã giần sàng mới có được thành quả.

Và sau tất cả, Nguyễn Khoa Điềm đã chốt lại “Đất Nước có từ ngày đó…”, ta không biết và tác giả cũng không biết Đất Nước có từ khi nào. Chỉ biết rằng đó là ngày mẹ kể những câu chuyện cổ tích, khi dân ta biết trồng tre đánh giặc, khi con người biết tạo ra lương thực, khi có các phong tục búi tóc ăn trầu, khi con người biết yêu thương nhau, chung thủy sắt son cùng nhau….

Đất nước đối với tác giả Nguyễn Khoa Điềm là những điều giản dị, mộc mạc và gần gũi. Đoạn thơ mang vẻ đẹp độc đáo và thiêng liêng về cuộc nguồn của dân tộc. Qua đó nhắc nhở chúng ta hãy luôn trân trọng, gìn giữ và phát triển những nét đẹp trong văn hóa, truyền thống của người Việt Nam.

-/-

Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết hướng dẫn dàn ý và một số mẫu bài văn phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm - Văn mẫu 12 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn phân tích hay và sâu sắc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM