Đề bài: Phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.
***
Top 3 bài phân tích hay nhất nhân vật Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều trong Mã Giám Sinh mua Kiều
Bài số 1:
Truyện Kiều của Nguyễn Du ngoài giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc còn có giá trị nghệ thuật đạt tới đỉnh cao. Nguyễn Du tỏ ra hết sức tài tình trong việc miêu tả chân dung nhân vật vừa có tính cụ thể; vừa có tính khái quát cao. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều là một ví dụ tiêu biểu.
Những câu thơ miêu tả chân dung bên ngoài của Mã Giám Sinh:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Bút pháp tả thực sắc sảo, tài tình của Nguyễn Du đã vẽ nên chân dung sống động của tên lưu manh bán thịt buôn người nấp dưới vỏ bọc giám sinh (tên gọi chung cho sinh viên trường Quốc tử giám thời bấy giờ). Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả dài dòng mà đi sâu vào những chi tiết tiêu biểu, chọn lọc, thể hiện tập trung nhất, nổi bật nhất thần thái của nhân vật.
Hình thức của Mã có nhiều mâu thuẫn. Tuổi tác của hắn được tác giả miêu tả bằng mấy từ phỏng đoán đứng liền nhau: quá, trạc, ngoại từ Việt có, từ Hán có, khiến người đọc càng khó hình dung ra đúng tuổi của hắn. Ngoại tứ tuần có thể hiểu là bốn mốt, bốn hai, mà cũng có thể là bốn lăm, bốn sáu. Ngày xưa, đàn ông năm mươi tuổi (ngũ tuần) là đã được xếp vào hạng lão. Vậy mà cách ăn mặc của Mã Giám Sinh lại cố làm ra vẻ trẻ trung, nhố nhăng như trai mới lớn: Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Những tính từ tả thực mang ý nghĩa dung tục (nhẵn nhụi, bảnh bao) hàm chứa ý mỉa mai, diễu cợt của Nguyễn Du đối với nhân vật này. Rõ ràng, Mã Giám Sinh cố tình tìm mọi cách dùng cái vẻ ngoài hào nhoáng để che đậy bản chất xấu xa bên trong. Nực cười thay, hắn càng che giấu thì sự lố lăng, kệch cỡm của một tên con buôn vô học vẫn cứ hiện ra lồ lộ.
Những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thúy Kiều:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Chúng ta lại bắt gặp bút pháp ước lệ quen thuộc của Nguyễn Du khi tả những nhân vật chính diện mà ông yêu mến sắc đẹp của Kiều lúc bình thường vốn đã khiến cho Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, thì lúc đau buồn đến tột cùng, nàng vẫn đẹp – vẻ đẹp não nùng làm thổn thức lòng người.
Nghệ thuật đối rất chỉnh đã được tác giả khai thác triệt để trong những dòng thơ tả tâm trạng Thúy Kiều. Cảm xúc chân thành của nhà thơ đã phá vỡ tính khuôn sáo của bút pháp cổ điển, đem lại cho người đọc niềm xúc động sâu xa.
Có lẽ lúc này, tâm trạng Kiều đã đến mức tột đỉnh của đau thương. Ngẫm đến tình yêu đầu đời trong sáng và đẹp đẽ với Kim Trọng phút chốc tan thành mây khói, trái tim Kiều như bị bàn tay thô bạo nào bóp nát. Rồi nghĩ đến tai họa từ đâu bất thần đổ xuống gia đình khiến cha và em lâm vào cảnh tội tù, tài sản bị lũ đầu trâu mặt ngựa cướp sạch sành sanh, Kiều đau đớn đứt từng đoạn ruột. Nỗi đau ghê gớm ấy theo những dòng nước mắt tuôn rơi. Nó khiến cho bước chân nàng trĩu nặng và gương mặt nàng ủ đột kém tươi: Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.
Như một cậy non vật vã trước cơn bão lớn, Kiều e sợ tất cả những gì đang hiển hiện trước mặt nàng, nhất là đối với những kẻ xa lạ như mụ mối, như Mã Giám Sinh. Tâm trí nàng vẫn chưa yên sau bao sự cố vừa xảy ra, dồn đẩy nàng tới bước đường cùng phải bán mình chuộc cha và chấp nhận dấn thân vào cuộc đời vô định đầy chông gai, sóng gió.
Nỗi đau khiến Thúy Kiều như hóa đá. Mặc cho mụ mối vén tóc, bắt tay, giới thiệu nàng như giới thiệu một món hàng vô tri, vô giác; mặc cho kẻ mua Cò kè bớt một thêm hai, Thúy Kiều vẫn lặng câm, vẫn chết lịm trong cơn ác mộng giữa ban ngày. Chân dung đau khổ của nàng đã được ngòi bút thiên tài Nguyễn Du khắc sâu vào tâm tưởng hàng vạn người yêu mến và xót thương cô gái tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh.
Bài số 2:
Văn học trung đại Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX có những bước phát triển vượt bậc, đó là sự xuất hiện của những gương mặt nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du… những gương mặt nhà thơ này đã có những đóng góp lớn, làm cho văn học trung đại giai đoạn này phát triển một cách mạnh mẽ, những tác phẩm mang những giá trị nội dung lớn lao, phản ánh được bối cảnh thời đại, truyền tải những thông điệp nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Một trong số những tác giả nổi bật nhất chính là đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Du gắn liền với tên tuổi của một kiệt tác văn học lẫy lừng của dân tộc “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều). Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có những nét chấm phá vô cùng độc đáo về chân dung của nhân vật, dù là chính diện hay phản diện đều mang những nét đặc trưng phản ánh được con người, tính cách của nhân vật đó. Để tìm hiểu điều này, ta sẽ đi vào một trích đoạn cụ thể “Mã Giám Sinh mua Kiều”.
Trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” là đoạn trích đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Thúy Kiều, bởi lúc này nàng đã quyết định bán mình để cứu cha, cứu cả gia đình. Quyết định này đã dẫn đến cuộc mua bán giữa Mã Giám Sinh và mụ mối, ngã giá để mua Kiều, cuộc mua bán tuy mang hình thức là một cuộc hỏi cưới đầy tính nghi thức, nhưng sự giả dối, trơ trẽn của Mã Giám Sinh cùng bọn người hầu không thể che đậy được bản chất của dân buôn ở hắn ta. Trong trích đoạn này, Nguyễn Du đã có những nét phác thảo chân dung Mã Giám Sinh đầy độc đáo, chỉ bằng vài nét bút, Mã Giám Sinh hiện ra là một người vô học, kệch cỡm giả dối đến tận cùng. Thúy Kiều trong đoạn trích này bị coi như một món hàng để người ta ngã giá, trao đổi. Tâm trạng đau đớn, tủi nhục của nàng cũng được Nguyễn Du khắc họa vô cùng sâu sắc.
“Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
Hỏi tên rằng Mã Giám Sinh
Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần”
Cuộc mua bán được ngụy tạo bởi hình thức của một cuộc mai mối, hỏi vợ. Mà để hỏi vợ thì đâu có thể thiếu được vai trò của bà mối, ở đây bà mối đã đưa một người viễn khách vào vấn danh. Qua cách ăn nói thì thấy người “viễn khách” này khá đạo mạo, lịch sự thông qua việc giới thiệu tên cũng như quê quán. Hắn ta tên Mã Giám Sinh, cái tên “sực mùi” hình thức, khoe mẽ, bởi khi xưa, những Nho sinh được học ở trường Quốc Tử Giám mới lấy tên Mã Giám phía trước tên của mình. Ngay từ ấn tượng đầu tiên, người đọc chưa hiểu rõ về con người này xong ấn tượng cũng không hoàn toàn tốt. Như lời giới thiệu của bà mối thì Mã Giám Sinh là một người “viễn khách” tức quê quán khá xa, nhưng trong lời giới thiệu của hắn ta lại mang sự bất đồng rõ rệt “…rằng huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Vậy là sự mâu thuẫn trong lời nói đã thể hiện phần nào bản chất của Mã Giám Sinh, rằng hắn ta cũng không đạo mạo, có học thức như trong cách giới thiệu của hắn. Nhưng cũng không để người đọc phải chờ đợi, suy đoán bởi ngay sau đó bản chất thực của Mã Giám Sinh bị bóc tách ra khỏi diện mạo ngụy trang của mình:
“Quá niên trạc tuổi tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao sao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang”
Nhà thơ Nguyễn Du không trực tiếp nói về con người cũng như bản chất của Mã Giám Sinh mà để cho hắn tự bộc lộ mình thông qua diện mạo cũng như những hành động đầy tính vô học của mình. Mã Giám Sinh là một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần, tức là đã hơn bốn mươi tuổi mà trong xã hội xưa vào độ tuổi này được xem là đứng tuổi. Với tuổi tác như vậy mà là thư sinh thì thực khiến người ta nghi ngờ, không chỉ vậy, diện mạo của hắn ta cũng khác hoàn toàn với độ tuổi của mình “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, ngoài tứ tuần nhưng Mã Giám Sinh lại cố chải chuốt, quần là áo lượt không khiến cho người ta ấn tượng tốt mà ngược lại khiến cho hắn ta trở nên trơ trẽn, kệch cỡm đến cực điểm.
Rõ ràng quan hệ giữa Mã Giám Sinh và những người đầy tớ đi theo là quan hệ chủ tớ, nhưng lại diễn ra tình trạng “Trước thầy sau tớ lao xao”, nếu thực sự là chủ thật, tớ thật thì không thể có tình trạng thiếu quy củ, lộn xộn như vậy được. Sự ồn ào, nhốn nháo của chủ tớ Mã Giám Sinh khiến cho chúng ta liên tưởng đến một quan hệ dựa trên sự mua bán, trao đổi. Như vậy cũng có nghĩa Mã Giám Sinh cũng chẳng phải thư sinh có gia giáo, quy củ gì cả. Tất cả những gì hiện ra trước mắt chỉ là sự ngụy tạo đến trơ trẽn, giả dối.
“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Nếu như ở những câu thơ trên ta thấy được một sự giả dối, kệch cỡm trong ngoại hình và trong cách ứng xử chủ tớ thì đến câu thơ này ta còn nhận thấy Mã Giám Sinh là một kẻ vô học không hơn. Ghế trên vốn là ghế dành cho bậc trên ngồi, không nói đến việc hắn ta chỉ là người đến hỏi vợ, chỉ riêng với tư cách của một nho sinh thì hành động ấy không thể nào chấp nhận được. Có thể là hắn biết hoặc cũng có thể là hắn biết nhưng vẫn cố tình ngồi, bởi hắn ta tự cho mình quyền làm chủ, người đứng ra quyết định trong cuộc mua bán, trao đổi này.
Khắc họa bằng những nét bút tả thực khiến cho Mã Giám Sinh hiện ra rõ nét với tất cả vẻ giả tạo, lươn lẹo của một tên buôn người. Người đọc càng phẫn uất, bất bình trước Mã Giám Sinh bao nhiêu thì càng thêm thương Thúy Kiều bấy nhiêu, nàng bị coi như một món hàng không có quyền quyết định, chỉ biết im lặng nhìn người ta định giá qua lại. Miêu tả tâm trạng của thúy Kiều trong đoạn trích này cũng là một thành công lớn của Nguyễn Du:
“Ngại ngùng dợn gió e sương
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
…
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”
Thúy Kiều trong cuộc mua bán này không có quyền nói gì mà chỉ im lặng trong đau khổ, nàng e sợ những sóng gió trong tương lai có thể ập đến, nỗi đau khổ của bản thân cùng với nỗi lo lắng cho gia đình khiến cho nàng héo mòn, nước mắt chứa chan. Dáng hình buồn tủi tiều tụy của nàng khiến cho người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.
Cuộc đời Thúy Kiều chính thức bước sang bước ngoặt mới sau cuộc mua bán đầy nhẫn tâm này, đó là một cuộc đời đầy sóng gió, biến cố. Đó là mười lăm năm trôi nổi thăng trầm với số phận đầy nghiệt ngã.
Bài số 3:
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tuyệt tác của nền văn học Việt Nam. Trong đó đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” tác giả đã miêu tả nhân vật phản diện Mã Giám Sinh hết sức sinh động và đặc sắc. Nó thể hiện sự tài hoa trong nghệ thuật chơi chữ của tác giả trong việc dùng ngòi bút của mình để khắc họa nhân vật, cũng như nội tâm con người.
Qua ngòi bút của mình Nguyễn Du đã miêu tả chân dung Mã Giám Sinh đúng như bản chất của hắn là một tên buôn người kiếm tiền trên thân xác phụ nữ. Một tú ông thời phong kiến. Mở đầu trích đoạn Mã Giám Sinh với tư cách một người từ nơi xa đến, và bất ngờ nhìn thấy Kiều cảm thương cho số phận nàng nên hắn muốn mua chuộc nàng khỏi tay người dắt mối.
Hỏi tên rằng: “ Mã Giám Sinh’’
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần.
Trong hai câu nói này cho chúng ta thấy tên họ mã là người ăn nói cộc lốc, nhát ngừng, không phải người nho nhã và không có lịch sự, mặc dù hắn tự nhận mình là sinh viên của trường Quốc Tử Giám. Nhưng qua ngôn ngữ của Nguyễn Du miêu tả về hắn thì chúng ta hoàn toàn thấy được hắn không toát lên vẻ có học, lịch sự của một người biết lễ nghĩa.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Trông hắn ngoài 40 tuổi, ở cái tuổi cũng tới cái dốc bên kia của cuộc đời nhưng hắn vẫn rất điệu đàng, trang phục thể hiện sự chải chuốt hơi quá đáng, ở một con người chắc chắn là không thích lao động, mà chỉ thích hưởng thụ. Những câu thơ này của Nguyễn Du cũng là cho ta cảm thấy hắn là người khó có thể tin tưởng, một người đang có gì đó muốn che dấu, không chân thật.
“Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng"
Mặc dù hắn ăn mặc rất chải chuốt, thể hiện sự hào hoa của mình một cách thái quá qua bề ngoài nhưng trong hành xử lại không thoát ra vẻ lịch thiệp. Chính câu thơ “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” đã cho người đọc thấy sự thiếu văn hóa, ít học của hắn. Hành động “tót” lên ghế ngồi thể hiện sự hợm hĩnh, thiếu lịch sự, không thể nào có được ở một người từ tốn, nho nhã, có văn hóa, mà chỉ có ở những kẻ “con buôn” tuy có tiền nhưng luôn thiếu học thức không biết cư xử mà thôi.
Nẻo xa mới tỏ mặt người
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Trong những câu thơ miêu tả Mã Giám Sinh này tác giả Nguyễn Du đã lột trần chân tướng của một tên “Buôn phấn, bán hương”. Lúc đầu hắn còn tỏ vẻ ta đây là người có học nhưng khi nhìn thấy Kiều rồi nghe Kiều gảy một khúc nhạc thì hắn đã lộ rõ một tên buôn người trắng trợn không còn che đậy gì nữa:
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Từ “cò kè” tác giả miêu tả về hắn đã lột tả được con người và tính cách của hắn. Mã Giám Sinh là người tính toán, chi li và hắn rất thủ đoạn trong việc mua bán những cô gái như Kiều. Hắn luôn biết cách để làm sao cho mình có lợi nhất, mua được món hời với giá rẻ mạt nhất “bớt một thêm hai”. Thể hiện sự trả giá cam go, quyết liệt giữa Mã Giám Sinh và bà dắt mối.
Rồi khi đã ngã giá xong về số phận của Thúy Kiều hắn đã “hạ màn” cởi bỏ hoàn toàn khuôn mặt giả vờ học thức xuống, mà tỏ rõ đúng bản chất của mình là một tên buôn bán phụ nữ. Hắn đã quá quen với những việc như thế này và chỉ cần có tiền là xong.
Tính cách dân buôn, điêu ngoa của Mã Giám Sinh dưới mắt tác giả khắc họa chi tiết, sống động qua từng cử chỉ, ngôn ngữ, bề ngoài. Từng hành động của nhân vật đã được tác giả ghi lại với những câu từ rất ấn tượng như: tốt, cò kè, bớt một, thêm hai, mày râu nhẵn nhụi.…Chỉ với ngôn ngữ của mình nhưng Nguyễn Du đã làm cho người đọc cảm thấy căm hận, khinh ghét Mã Giám Sinh vô cùng. Đó chính là tài năng của tác giả.
Trong trích đoạn này ngoài ấn tượng về Mã Giám Sinh, người đọc còn không thể nào bỏ qua tâm trạng của Thúy Kiều. Dù trong toàn bộ trích đoạn không có câu nói lời thoại nào của Kiều, Kiều hoàn toàn im lặng, không nói điều gì trong toàn bộ cuộc mua bán. Nhưng qua những câu nói miêu tả Thúy Kiều lúc nàng bước ra cho Mã Giám Sinh xem mặt thì người đọc hoàn toàn nhìn thấy vẻ mặt đau đớn, tủi phận, cay đắng, xót xa của Thúy Kiều.
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Tác giả đã sử dụng rất nhiều biện pháp nghệ thuật trong khổ thơ này như ẩn dụ, lấy vật nói người, mượn cảnh vật thiên nhiên xung quanh để nói lên tâm trạng của Thúy Kiều.
Qua những câu thơ trên ta thấy được sự tài tình của Nguyễn Du trong việc miêu tả tâm trạng nhân vật. Và cảm thông cho số phận của Thúy Kiều một người con gái tài sắc vẹn toàn vậy mà giờ chịu cảnh cay đắng bị người ta trao đổi, bán mua, trả giá như một món hàng, một món đồ chơi mua vui cho thiên hạ. Thật đau xót biết bao.
--------------------------------------------------------------------
Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay phân tích nhân vật Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều trong đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều". Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !