Hướng dẫn phân tích Từ ấy - một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ Tố Hữu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tâm hồn sau khi được giác ngộ lý tưởng cộng sản.
Bài viết này sẽ cung cấp cho các em những gợi ý cơ bản nhất để tiến hành phân tích bài thơ Từ ấy một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Ngoài ra, bài văn mẫu hay đặc sắc phân tích nội dung bài thơ Từ ấy được giới thiệu ở phần cuối bài viết sẽ giúp các em tham khảo mở rộng vốn từ ngữ khi trình bày.
Giới thiệu về tác giả Tố Hữu và bài thơ Từ ấy
1. Tác giả Tố Hữu
a) Tiểu sử cuộc đời
- Tố Hữu (1920 - 2002) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, một vùng đất có thiên nhiên nhiên nên thơ, có nhiều truyền thống văn hóa bao gồm cả văn hóa dân gian và văn hóa cung đình.
- Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ và đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho nghèo nhưng thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất yêu thương con, bà mất vào năm ông lên 12 tuổi.
- Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế và có điều kiện sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản.
- Năm 1936, ông gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938.
- Năm 1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển qua lại nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên.
- Năm 1942, ông vượt ngục Đắc Glêi (Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng, hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
- Năm 1945, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế.
- Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, một cán bộ cách mạng lão thành, từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam.
- Tháng 12 năm 2002, ông qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
b) Sự nghiệp sáng tác
- Những chặng đường thơ Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với những chặng đường cách mạng của bản thân nhà thơ cũng như những giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam:
+ Tập thơ “Từ ấy” (1937 - 1946): Chặng đường 10 năm làm thơ và hoạt động sôi nổi từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng.
+ Tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954): Chặng đường thơ trong kháng chiến chống Pháp.
+ Tập thơ Gió lộng (1955 - 1961): Ra đời khi bước vào giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
+ Tập thơ Ra trận (1962 - 1971) và tập Máu và hoa (1972 – 1977): Chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
+ Tập thơ Một tiếng đờn (1992) và tập Ta với ta (1999): Chặng đường thơ Tố Hữu trong thời gian đất nước bước vào công cuộc đổi mới, thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc đời của tác giả, đánh dấu bước chuyển biến mới trong thơ ông.
- Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
c) Phong cách và khuynh hướng sáng tác
Thơ Tố Hữu gắn liền với lí tưởng cộng sản và cuộc đấu tranh cách mạng, tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị; gắn liền với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn; có giọng điệu riêng, giọng tâm tình, ngọt ngào, tha thiết chân thành; đậm đà tính dân tộc.
- Về nội dung: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc.
+ Hồn thơ luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện và cũng là nguồn cảm hứng cho thơ.
+ Những tư tưởng lớn của thời đại, những tình cảm lớn của con người, những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được phản ánh qua giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
- Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà.
+ Sử dụng thể thơ dân tộc: thơ lục bát, thơ thất ngôn.
+ Ngôn ngữ thơ gần gũi, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói dân gian, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
+ Thơ phát huy được tính nhạc của tiếng Việt ta.
d) Các tác phẩm tiêu biểu
- Các tác phẩm chính: "Từ ấy" (1937 - 1946), "Việt Bắc" (1947 - 1954), "Gió lộng" (1955 - 1961), “Ra trận” (1962 - 1971), “Máu và hoa” (1972 - 1977), “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999)...
2. Bài thơ Từ ấy
- Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ: Bài thơ Từ ấy ra đời năm 1938, trong bối cảnh nước mất nhà tan, rất nhiều thanh niên trí thức lúc bấy giờ rơi vào sự bế tắc, mất phương hướng. Sau một thời gian hoạt động phong trào thanh niên ở Huế, tháng 7 năm 1938 Tố Hữu vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự giác ngộ lí tưởng cách mạng đã đem đến niềm vui sướng vô bờ, giúp nhà thơ nhận thức được lẽ sống lớn, tình cảm lớn cũng là sự lựa chọn đúng đắn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Kim Thành. Ông đã viết bài thơ Từ ấy để ghi lại kỉ niệm đáng nhớ này trong niềm vui sướng hân hoan và tự hào.
- Xuất xứ, vị trí bài thơ: Bài thơ Từ ấy rút ra từ phần Máu lửa của tập thơ Từ ấy (1937 - 1946), tập thơ đầu tay với niềm say mê lí tưởng và niềm khao khát được chiến đấu, hi sinh cho cách mạng của người thanh niên cộng sản. Bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca và đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu.
Sơ đồ tư duy phân tích bài Từ ấy (Tố Hữu)
Tham khảo sơ đồ tư duy Từ ấy ngắn gọn để khái quát lại hệ thống luận điểm, ý chính của bài trước khi đi vào phân tích.
- Nội dung chính của tác phẩm: Niềm vui sướng hân hoan, lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước lần đầu giác ngộ lí tưởng cộng sản và nguyện dấn thân vào con đường máu lửa ấy.
- Ý nghĩa và ảnh hưởng của bài thơ: Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản, những tác động to lớn, mạnh mẽ của lí tưởng đối với nhận thức và tình cảm của nguời Đảng viên mới.
- Đặc sắc nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn truyền thống; sử dụng hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu; kết hợp cả bút pháp tự sự và trữ tình.
- Cấu tứ bài thơ Từ ấy:
+ Nhan đề: Bài thơ mở đầu cho con đường cách mạng và con đường thi ca của Tố Hữu được rút ở tập thơ "Từ ấy".
+ “Từ ấy" ở đây chính là từ khi ánh sáng cách mạng về với nhân dân, xóa tan đi mọi sương mờ chính trị trước đó. Từ đây nhân dân hiểu được cách mạng, tìm được chỗ dựa tinh thần cho niềm tin và công cuộc giải phóng dân tộc và được sống trong không khí hào hùng xung trận của thời đại ‘’vì dân quên mình’’.
- “Từ ấy” - niềm vui lớn - là thời điểm khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống mới đầy hứa hẹn với niềm vui sướng, say mê toát lên từ sự thức tỉnh kì diệu.
- “Từ ấy” - lẽ sống lớn - là sự chuyển biến lớn về nhận thức người chiến sĩ cộng sản sau những phút giây sung sướng đón nhận lí tưởng cách mạng.
- “Từ ấy” - tình cảm lớn - không chỉ là bước ngoặt đem đến niềm vui lớn, lẽ sống lớn mà còn mở ra những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
3. Bối cảnh lịch sử - xã hội
a) Bối cảnh lịch sử
- Việt Nam đang chịu sự áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp, đời sống nhân dân cực khổ, lầm than.
- Các phong trào yêu nước, đấu tranh chống Pháp diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước, tuy nhiên còn thiếu sự lãnh đạo thống nhất và đường lối đúng đắn.
- Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930) đã thắp lên ngọn lửa hy vọng cho dân tộc, mang đến lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
b) Bối cảnh xã hội
- Phong trào mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được chính quyền mới ở Pháp theo xu hướng cánh tả, lúc đó tác giả tham gia phong trào thanh niên cánh tả ở Đông Dương.
- Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí diễn ra rất quyết liệt giúp cho quần chúng nhân dân được giác ngộ về đường lối cách mạng.
- Tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” của Các Mác - Ăng-ghen và bộ “Tư bản” của Các Mác cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và suy nghĩ của thanh niên giai đoạn này.
=> Bối cảnh xã hội đầy bất công đã khiến nhà thơ nhận thức sâu sắc hơn về lẽ sống, về vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chung.
4. Nhận định hay về Tố Hữu và bài thơ Từ ấy
- "Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự."
(Xuân Diệu - “Tố Hữu với chúng tôi”)
- "Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ".
(Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy, Văn học, 1959, Đặng Thai Mai)
- "Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu."
(Chuyện thơ, 1978, Hoài Thanh)
- "Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực. Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ."
(Chặng đường mới của chúng ta, 1961, Hoàng Trung Thông)
- "Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý."
(Chế Lan Viên - “Lời nói đầu tuyển tập thơ Tố Hữu”)
- Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng, khi đối diện phong trào Thơ mới đang thịnh hành, “Tố Hữu đứng trước hai con đường làm thơ: thơ lãng mạn cách mạng và thơ lãng mạn không cách mạng. Từ khi được Đảng giác ngộ: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim, Tố Hữu đã bước vào con đường làm cách mạng và con đường làm thơ cách mạng”.
- Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, người nhiều năm cùng Tố Hữu giữ vai trò lĩnh xướng của dàn đồng ca tư tưởng, văn hóa và báo chí viết: “Thời gian đời người chẳng được là bao, hơn nhau hai chữ anh hào mà thôi. Tố Hữu là một anh hào và là một nhà thơ. Anh để lại cho đời hơn nhiều người của chúng ta với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và di sản thơ văn...”.
- “Tố Hữu là một nhà thơ có lý tưởng”
(Nhà thơ Chế Lan Viên)
- “Trong thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí. Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể”.
(Đặng Thai Mai)
- “Trong Từ ấy còn rơi rớt tư tưởng tiểu tư sản… Phong trào Thơ Mới không thể đẻ nổi ra Từ ấy nhưng Từ ấy có dùng những thành tựu của Thơ Mới, có khi dùng cả cái không đắt nữa, những cái dở Từ ấy bỏ dần, cái hay Từ ấy luyện thêm mãi, đem phần sáng tạo của mình vào, đưa thơ lên trình độ là công cụ biểu hiện tư duy và tình cảm cách mạng”.
(Huỳnh Lý)
- “Ở Tố Hữu mặt yếu của nó là trong lúc tự biểu hiện, nhà thơ khi cần thiết để cái tôi của mình lấn át tất cả… thành thử khác với trong Việt Bắc, quần chúng trong Từ ấy thiếu thịt xương, thiếu cái cá thể nóng hổi của cuộc sống."
(Nhà phê bình Lê Đình Kị)
Phân tích nội dung bài thơ Từ ấy
1. Ý nghĩa nhan đề "Từ ấy"
- Từ ấy mang một ý nghĩa phiếm định đó là mốc thời gian quan trọng đánh dấu thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời người thanh niên, khi anh ta giác ngộ lý tưởng cộng sản.
- Từ ấy đánh dấu bước ngoặt, lối rẽ mới, mốc son chói lọi trong cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, là mốc khởi đầu của một hành trình mới, một con đường mới, một lẽ sống mới với sự tự tin, quyết tâm và khát khao hành động của tác giả. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh cho lý tưởng cách mạng. Từ đây, sự nghiệp thơ ca của thi sĩ gắn liền với sự nghiệp cách mạng.
- Nhan đề Từ ấy thể hiện sự lựa chọn của Tố Hữu. Nhà thơ cũng như bao người khác, từng loay hoay đi tìm lý tưởng sống của mình. Nhà thơ không đủ niềm tin vào cách mạng nhưng cũng không thể quay lưng bỏ mặc đồng bào đau khổ. Bài thơ “Từ ấy” ra đời đánh dấu sự lựa chọn của nhà thơ đứng hẳn về phía cách mạng và Đảng để tiếp tục cống hiến, phụng sự Tổ quốc, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã xác định được con đường đúng đắn mà mình phải đi, lý tưởng cách mạng đã soi sáng tâm hồn ông, giúp ông tìm được lối đi đúng đắn cho cuộc đời mà trước đây ông đã từng lạc lối.
- Nhan đề "Từ ấy" thể hiện niềm vui sướng hân hoan của nhà cách mạng trẻ tuổi lần đầu tiên bắt gặp lí tưởng của Đảng, của cách mạng và nguyện dấn thân vào con đường máu lửa ấy.
- Xem lại nội dung soạn bài Từ ấy để củng cố các kiến thức cơ bản về nội dung bài thơ.
2. Niềm vui sướng khi gặp lý tưởng Cách mạng
- Hai câu đầu là tiếng reo vui của nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng của lý tưởng cộng sản, sự thức tỉnh trước tình cảnh đất nước:
+ Bút pháp tự sự: "Từ ấy trong tôi..."
+ "Từ ấy" đặt đầu câu đã nhấn mạnh một thời điểm quan trọng trong cuộc đời và trong sự nghiệp của Tố Hữu, đó là khi tác giả được giác ngộ Cách mạng, giác ngộ lý tưởng Cộng sản, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc đó nhà thơ mới bước sang tuổi 18 trẻ trung được mặt trời "chân lí" cách mạng soi sáng đường đời.
-> Mở đầu bài thơ là lời thơ mang đậm chất tự sự, nhà thơ nhắc lại một sự kiện trọng đại, bước ngoặt đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
+ Lý tưởng cách mạng như ánh nắng chói chang chiếu rọi vào tâm hồn, xóa tan đi sự bàng quan, thờ ơ, giúp tác giả nhận thức rõ sự thật về đất nước.
- "nắng hạ" - nguồn nhiệt lượng cách mạng làm bùng sáng tâm hồn
- "mặt trời chân lí" - ánh sáng diệu kì của cách mạng, của tư tưởng cộng sản, của những công bình và chân lí xã hội.
-> Hình ảnh "nắng hạ" kết hợp với động từ mạnh "bừng" cùng nghệ thuật ẩn dụ sáng tạo, mới mẻ đã khẳng định tác động vô cùng mạnh mẽ của lý tưởng cách mạng đến tâm hồn nhà thơ.
=> Sự choáng ngợp, bừng tỉnh, nhận thức rõ ràng và niềm vui sướng tràn ngập tâm hồn nhà thơ.
- Cảm xúc tự hào, tin yêu, hy vọng, vui sướng khi được lý tưởng của Đảng sáng soi.
"Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..."
+ Cảm xúc trong tâm hồn tác giả được so sánh bằng những hình ảnh và âm thanh lấy từ thiên nhiên tạo vật: "vườn hoa lá", "đậm hương", "rộn tiếng chim".
=> Tâm hồn nhà thơ giờ đây là một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá. Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh mặt trời.
3. Những nhận thức mới về lẽ sống
- Quan niệm mới mẻ về lẽ sống là từ bỏ cái tôi cá nhân, hòa nhập vào cộng đồng:
+ "Tôi buộc lòng tôi với mọi người": ý thức tự nguyện gắn bó với nhân dân của tác giả.
+ Động từ "buộc" là một ngoa dụ để thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua "ranh giới" của "cái tôi" để chan hòa với mọi người.
=> Sự gắn bó hài hòa giữa "cái tôi" cá nhân với "cái ta" chung, thể hiện sự nhận thức rõ ràng và sâu sắc về giá trị của tình đồng chí, tình giai cấp.
- Sống có lý tưởng, cống hiến cho cách mạng: Đồng cảm với những nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân mình trên mọi miền đất nước
+ Tâm hồn nhà thơ vươn đến "trăm nơi" (hoán dụ) và "trang trải" sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể.
+ Động từ "trang trải" kết hợp với danh từ "muôn nơi" cùng lối nói quá đã cho thấy được sự đồng cảm của nhà thơ với những nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân mình trên mọi miền đất nước.
- Tình yêu thương con người là động lực sống thể hiện qua tình yêu giai cấp, tình đồng chí:
+ Quan tâm đến quần chúng lao khổ "Để hồn tôi với bao hồn khổ" và từ đó như một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
+ Những hồn khổ được gắn kết tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
=> Mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
4. Sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn nhà thơ
- Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản sống ở thành thị, chỉ sống cho riêng mình, không quan tâm đến người khác.
- Khi bắt gặp ánh sáng cách mạng "chói qua tim", nhà thơ đã vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu "vẹn tròn to lớn", nhận ra rằng mình không thể sống tách rời khỏi cộng đồng.
- Nhà thơ tự nhận mình "là con của vạn nhà" trong nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất; là em của "vạn kiếp phôi pha" gần gũi bằng tình cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương; là anh của "vạn đầu em nhỏ" "cù bất cù bơ".
+ Điệp từ "là" kết hợp cùng biện pháp điệp cấu trúc đã nhấn mạnh được tình cảm thân thiết như tình thân ruột thịt.
+ Tấm lòng đồng cảm, vượt lên những ích kỷ, hẹp hòi của cái tôi cá nhân để sống vì người khác.
+ “Kiếp phôi pha”; em nhỏ “cù bất cù bơ”: những phận đời nghèo khổ, thương đau. -> Đồng cảm, gắn bó, sẻ chia.
+ Lượng từ “vạn” là một từ hay mang ý nghĩa khái quát chỉ sự bao la, rộng lớn của tấm lòng người chiến sĩ đối với nhân dân.
- Hình ảnh ẩn dụ “khối đời”: Khi “cái tôi” chan hòa trong “cái ta”, khi cá nhân hòa mình vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh sẽ được nhân lên gấp bội.
=> Sự thay đổi lớn trong cả nhận thức và tình cảm ấy của Tố Hữu thể hiện sự giác ngộ hoàn toàn lý tưởng chiến đấu của Đảng, thể hiện được phẩm chất, tư cách đạo đức của Tố Hữu, cũng như tấm lòng yêu nước nồng nàn, sức trẻ, sức chiến đấu mãnh liệt đang sục sôi trong tâm hồn người chiến sĩ.
5. Quyết tâm cống hiến cho lý tưởng
- Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ
- Anh nhận ra trách nhiệm của mình đối với mọi người, đối với dân tộc.
- Tố Hữu tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng tình cảm yêu mến, bằng sự giao cảm của những trái tim.
-> Từ những cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp cống hiến đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã hội tăm tối dưới bóng thù xâm lược.
Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Từ ấy
1. Giá trị nội dung
- Tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trưởng thành vô cùng lớn lao của Tố Hữu trên chặng đường Cách mạng.
- Bài thơ là tiếng reo mừng, sung sướng của một người thanh niên trẻ trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản.
- Cho thấy những tác động to lớn, mạnh mẽ của lí tưởng đối với nhận thức và tình cảm của nguời Đảng viên mới.
2. Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng các biện pháp tu từ với mật độ dày đặc (phép điệp, ẩn dụ, so sánh...)
- Giàu nhạc điệu (cách ngắt nhịp thay đổi liên tục theo cảm xúc, vẫn có sức ngân vang)
- Gieo vần chân (thường là âm mở) tạo nên sự mênh mang, lan tỏa của cảm xúc.
- Có sự kết hợp giữa bút pháp tự sự và cả trữ tình.
Tham khảo thêm dàn ý phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu để nắm được hướng triển khai bài văn phân tích tác phẩm Từ ấy.
Tứ thơ Từ ấy bắt nguồn từ cảm hứng vào thời điểm Tố Hữu đón nhận lí tưởng cách mạng. Nó mang ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu, là cái mốc đánh dấu thời điểm (1937) và được kết nạp Đảng năm 1938. Qua những vần thơ thể hiện rõ nét tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ trung với nhiệt tình cách mạng mạnh mẽ, cùng tiếp thu và hưởng ứng nhận thức mới về lẽ sống trong bài thơ Từ ấy, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Việc phân tích bài thơ Từ ấy sẽ giúp em thấy được lí tưởng cao đẹp ấy của dân tộc ta trong chiến tranh giành độc lập.
Bài văn mẫu đặc sắc phân tích Từ ấy của Tố Hữu
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” - đó chính là lời khẳng định của chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò của mặt trận nghệ thuật trong công cuộc cách mạng. Trong những năm trường kì kháng chiến chống Pháp, có biết bao con người đã ra mặt trận, cống hiến và hy sinh cho Tổ Quốc. Hay như Thạch Lam đã nói: "Mặt trận nghệ thuật là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Một trong những chiến sĩ - nghệ sĩ tích cực trong cả mặt trận kháng chiến và mặt trận nghệ thuật chính là Tố Hữu và bài thơ “Từ ấy” là tác phẩm đã ghi dấu một kỉ niệm sâu đậm trong cuộc đời ông - một tiếng reo vui đầy tự hào của nhà thơ khi đã giác ngộ lí tưởng cách mạng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
......
Không áo cơm cù bất cù bơ”
Cũng giống như bao người thanh niên khác cùng thời, trước khi đến với ánh sáng cách mạng, Tố Hữu không tìm thấy lối đi cho riêng mình, đó là những ngày tháng mà ông viết “Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi / Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời / Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn / Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời”. Nhưng rồi ánh sáng của Đảng như nguồn ánh sáng diệu kì làm bừng sáng tâm hồn thi nhân. Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, phút giây ấy đã thăng hoa cùng nhà thơ:
“Từ vô vọng, mênh mông đêm tối
Người đã đến. Chói chang nắng dội
Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu!"
(Một nhành xuân, Tố Hữu)
Bài thơ mở đầu bằng khổ thơ diễn tả niềm vui sướng, niềm hạnh phúc tột đỉnh và sự say mê khi bắt gặp lí tưởng Đảng của cái tôi trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Sau thời gian hoạt động tích cực trong Đoàn thanh niên cộng sản Huế, Tố Hữu vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hai chữ “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu khi mới 18 tuổi, đang “băn khoăn tìm lẽ yêu đời” nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Sự kiện thiêng liêng khi ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam đã khiến nhà thơ bàng hoàng, hạnh phúc và sung sướng. Nhà thơ diễn tả ánh sáng của Đảng bằng một hình ảnh thơ rất chói chang và ấm nóng: “bừng nắng hạ”. Từ “bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột: bừng sáng, bừng ngộ, bừng tỉnh. Ánh sáng ấy không chỉ tràn ngập không gian bên ngoài mà còn tỏa ra từ tâm hồn nhà thơ, nó đánh thức một tâm hồn đang lạc lối để vượt qua u tối và vươn tới ánh sáng của ngày mới:
“Con lớn lên, con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chưa biết gì.”
(Quê mẹ, Tố Hữu)
Hình ảnh cùng ý nghĩa ánh sáng còn được làm rõ hơn trong câu thơ:
“Mặt trời chân lí chói qua tim”
Đó là ánh sáng của một vầng mặt trời đặc biệt - mặt trời chân lí - ánh sáng của Đảng, của lí tưởng cộng sản với những tư tưởng mới mẻ, đúng đắn, tiến bộ làm xua tan trong ý thức hệ tư tưởng lạc hậu và mở ra trong tâm hồn thi nhân một chân trời mới về tình cảm, nhận thức. Nếu mặt trời của thiên nhiên đem đến ánh sáng, hơi ấm và sức sống cho muôn loài thì Đảng cũng đem đến ánh sáng của niềm tin, hơi ấm của tình người và sự sống cho dân tộc, cho muôn người. Nhà thơ sử dụng động từ mạnh “chói” vừa miêu tả ánh sáng, vừa gợi sức mạnh xuyên thấu tư tưởng cộng sản đối với trái tim khao khát “lẽ yêu đời” của thi nhân - lí tưởng của Đảng đã thực sự làm bừng sáng tâm hồn của người thanh niên ưu tú.
Khi đến với hai câu tiếp theo, người đọc sẽ thấy được cụ thể hơn niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản:
“Tâm hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Tố Hữu đã thành công trong việc dùng bút pháp so sánh “vườn hoa lá - đậm hương và rộn tiếng chim” để hữu hóa niềm vui sướng trong lòng người, đó là một thế giới tràn đầy sức sống với cả hình ảnh hoa lá xanh tươi, cả hương thơm trái cây nồng đượm, cả âm thanh rộn rã, say đắm của tiếng chim ca hót. Và đó là do ánh sáng chói chang ấp áp của mặt trời - sự hòa quyện giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ đã khẳng định tác động mạnh mẽ, kì diệu của lí tưởng cộng sản với trái tim con người. Hơn nữa, Tố Hữu còn là một nhà thơ nên niềm yêu đời và sức sống mới chan chứa trong tầm hồn cũng trở thành cảm hứng mãnh liệt cho thi ca. Cách mạng không hề đối lập với nghệ thuật mà trái lại, ánh sáng kì diệu của lí tưởng cách mạng đã khơi dậy sức sống và sáng tạo mới mẻ cho hồn thơ:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau
Đảng cho ta trái tim giàu
Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”
(Bài ca xuân 61, Tố Hữu)
Khổ tiếp theo của bài thơ biểu hiện những nhận thức, lẽ sống mới của cái tôi trữ tình:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải khắp trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Giác ngộ lí tưởng, giác ngộ nhận thức, lẽ sống đối với người cộng sản, trước hết là giác ngộ về chỗ đứng. Nhà thơ chủ động, tự giác hòa “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của những người lao khổ. Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu nguyện gắn bó mật thiết, sống chan hòa với mọi người, với “trăm nơi” với quần chúng đông đảo khắp mọi miền đất nước. Cụm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ như muốn trải rộng với cuộc đời rộng lớn, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời cần lao. Đây là điều khác biệt với các nhà thơ Mới đương thời, trong khi Tố Hữu giác ngộ cách mạng và đi theo con đường lý tưởng thì các nhà thơ mới lại đang đau buồn với cái tôi nhỏ bé, cô đơn, chôn chặt niềm đau trong những vần thơ bi lụy.
Hai câu thơ sau khẳng định tình hữu ái giai cấp trong tình yêu thương của Tố Hữu với con người và cuộc đời:
“Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Nhà thơ hướng tình yêu thương của mình tới “mọi người”, “trăm nơi”,… nhưng cụ thể hơn, đó là những con người thuộc giai cấp cần lao, những kiếp sống khốn khổ, bất hạnh đói nghèo. Câu thơ cuối khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết qua hình ảnh ẩn dụ về “khối đời” - đó là một cộng đồng chung cảnh ngộ, số phận, khát khao và ý chí để cùng nhau hướng tới một lí tưởng cao đẹp… những cái chung ấy sẽ đem lại cho họ một sức mạnh vô địch.
Khổ thơ cuối cùng khép lại là sự chuyển biến sâu trong tình cảm của thi nhân, là sự hóa thân của cái tôi vào cái ta chung của “kiếp phôi pha”:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”
Tố Hữu đã khẳng định sự chuyển biến tình cảm của mình. Tác giả tự nhận mình là một thành viên thân thiết ruột thịt trong đại gia đình quần chúng bị áp bức, đau khổ trong xã hội cũ. Các điệp từ “là” cùng với các từ “con”, “em”, “anh” đã khẳng định điều đó. Số từ ước lệ “vạn” chỉ số lượng hết sức đông đảo. Họ là kiếp phôi pha là chị vú em với nỗi buồn thân phận:
"Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn.
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan!"
(Vú em, Tố Hữu)
Hay là hình ảnh lão đầy tớ với nỗi cơ cực thân già; là cô gái giang hồ trên sông Hương với bao nỗi nhọc nhằn của kiếp người:
"Em đi với chiếc thuyền không
Khi mô vô bến rời dòng dâm ô!
Trời ơi em biết khi mô
Thân em hết nhục dày vò năm canh."
(Tiếng hát sông Hương, Tố Hữu)
Chính vì những “người anh” phải sống “kiếp phôi pha”, những người “em”… “cù bất cù bơ” ấy mà người thanh niên cộng sản Tố Hữu say mê hoạt động cách mạng, và họ cũng chính là đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ Tố Hữu. Không phải ngẫu nhiên mà từ đây, Tố Hữu đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với những “em bé mồ côi”, “em bé bán dạo”, “chị vú em”, “cô gái giang hồ”, “lão đầy tớ”,… những con người mà tác giả cho rằng đó là “những tù nhân khốn nạn của bần cùng”.
Bài thơ “Từ ấy” là một bài thơ sâu sắc về nội dung và độc đáo và nghệ thuật. Ngòi bút tinh tế, dùng hình tượng thơ táo bạo, chói sáng, giàu khát vọng lãng mạn bay bổng, say mê. Câu thơ mạnh, cảm xúc thơ tràn đầy. Nhạc thơ biến đổi sinh động, hăm hở, dồn dập say sưa, lôi cuốn. Các biện pháp tu từ được sử dụng nhuần nhuyễn như: điệp từ, so sánh, ẩn dụ,... tất cả làm nên một bài thơ hay và lôi cuốn người đọc.
“Thuyền còn vượt sóng không nghiêng ngả
Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi. Còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp Đảng và thơ!”
Với “Đảng và thơ”, ở tuổi lục tuần, Tố Hữu vẫn nồng nàn tâm sự như thế. Đã hơn 80 năm từ ngày Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tình yêu cách mạng, chặng đường cách mạng và hào khí trong thơ ông vẫn chưa tìm được đến điểm dừng, hay phải chăng điểm dừng ấy đã nằm ở vô cực của cuộc đời với ông. Bài thơ “Từ ấy” là một bài thơ của một cái tôi tràn đầy cảm xúc. Đó chính là cái tôi lần đầu được giác ngộ lý tưởng và nguyện đem cả tinh thần và tuổi trẻ của mình cho lý tưởng cao cả ấy. Bài thơ còn là một tuyên ngôn nghệ thuật và mang đậm phong cách thơ của Tố Hữu. Nó xứng đáng là một tiếng hát lạc quan, yêu đời, đắm say lí tưởng, ngày nay vẫn làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả.
(Tác giả: Nguyễn Hảo)
"Từ ấy" là bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của Tố Hữu, là cái mốc đánh dấu thời điểm (1937) và được kết nạp Đảng năm 1938 - Tố Hữu giác ngộ và gặp ánh sáng lí tưởng cộng sản. Đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu. Tự nhận định về Từ ấy, nhà thơ viết: "Từ ấy: là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi đi theo lí tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh".
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91_H%E1%BB%AFu
- https://baothanhhoa.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-dong-chi-to-huu-125218.htm
-/-
Trên đây là những gợi ý hướng dẫn cách làm và một số bài văn mẫu hay phân tích Từ ấy cho các em học sinh lớp 11 tham khảo. Mong rằng tài liệu trên sẽ giúp các em sẽ xác định được chi tiết nghệ thuật, cảm nhận sâu sắc về lí tưởng mới của Tố Hữu. Tham khảo thêm hướng dẫn phân tích, cảm nhận những tác phẩm khác trong văn mẫu lớp 11 do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn để củng cố kĩ năng làm văn và mở rộng vốn từ ngữ em nhé!