Trang chủ

Phần 2: Đánh giá giữa học kì 1 trang 85 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức

Xuất bản: 12/09/2024 - Tác giả:

Tiết 6, 7 - Phần 2: Đánh giá giữa học kì 1 trang 85 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức đầy đủ câu hỏi giúp học sinh dễ dàng giải bài tập SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 trước khi tới lớp

Tiết 6, 7 trang 85, 86, 87

A. ĐỌC

I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi.

Vườn Mặt Trời, quả Mặt Trăng (Trích)

Sớm mai trong veo nắng rọi

Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng

Bao nhiêu mặt trời chói lọi

Chín mềm trong lá rất thơm.

Ngẩng lên vườn chôm chôm đó

Trái xoè những tia mặt trời

Cành cao trĩu lời mời mọc

Đung đưa chùm quả tươi ngời.

Chợt nhớ bao mùa táo ngọt

Quả vàng mát đất ngoại ô

Dịu như mặt trăng mềm mại

Ríu rít tiếng cười trẻ thơ.

Một mình đi trong vườn táo

Một mình dưới tán chôm chôm

Mặt trời, mặt trăng huyền ảo

Mặt đất dâng đầy hương thơm.

Mỗi bước một lời cảm tạ

Với trời, với đất, với cây

Với người ngày đêm vất vả

Cho mình quả chín cầm tay.

(Phan Thị Thanh Nhàn)

Câu 1 trang 85 : Vườn cây trái được tác giả so sánh với những hình ảnh nào? Nêu tác dụng của những hình ảnh so sánh đó.

Trả lời:

Vườn cây trái được tác giả so sánh với những hình ảnh: vườn chôm chôm - tia mặt trời; táo ngọt - mặt trăng mềm mại.

Tác dụng của những hình ảnh so sánh: các loại cây trái đẹp hơn, dễ hình dung về loại quả đó hơn. Đồng thời, thể hiện tình yêu và sự say mê cây trái của tác giả.

Câu 2 trang 85: Những từ ngữ nào cho thấy đối với con người, vườn cây trái rất thân thiện, đáng yêu?

Trả lời:

Những từ ngữ cho thấy đối với con người, vườn cây trái rất thân thiện, đáng yêu: trái xoè, mời mọc, đung đưa, mềm mại, ríu rít.

Câu 3 trang 85: Tác giả đã có cảm nghĩ thế nào khi đi trong vườn cây? Vì sao?

Trả lời:

Khi đi trong vườn cây, tác giả đã có cảm nghĩ: cảm tạ với trời, đất, cây và người đã ngày đêm vất vả chăm sóc vườn cây trái, để giờ ta được cầm quả chín.

II. Đọc hiểu.

Cánh đồng vàng (Trích)

Tôi thả trâu ngoài bờ đê. Một mình lên ngọn đê ngồi ngắm cánh đồng. Cánh đồng vàng rực trong nắng chiều hanh hao. Cả đồng lúa đang chín tới. Hình như chúng chen lẫn nhau mà chín.

– Đừng có chen! Đừng có chen! – Những bông lúa kêu lên. Và những bông lúa khác thúc giục:

– Chín nhanh lên! Chín nhanh lên!

Tôi lắng nghe tiếng cánh đồng xôn xao. Mới đây thôi, đồng lúa phơi một màu vàng chanh, còn bây giờ nó đã rực lên một màu vàng cam rồi. Mặt trời từ từ trôi về phía những dãy núi mờ xa.

Mặt trời càng xuống thấp, cánh đồng lúa càng dâng lên. Màu vàng dâng lên, trải ra mỗi lúc một rộng, giống như toàn bộ cánh đồng là một hồ nước mênh mông màu vàng chói. Cánh đồng bập bềnh, bập bềnh.

Mặt trời vẫn lặn chậm rãi xuống chân trời. Tôi có cảm giác mặt trời sẽ rơi xuống cánh đồng vàng. Tôi thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng.

– Nhanh lên! Chín nhanh lên!

– Đừng có chen! Đừng có chen!

– Ai ngồi trên đê cao? Chín nhanh lên!

Tôi nghe lúa thì thầm. Tôi cũng thì thầm đáp lời chúng:

– Tôi ngồi trên đê cao. Tôi cũng đang chín với các bạn đây.

Và tôi thấy mình đang chín thật sự. Màu áo xanh của tôi đã nhuốm vàng từ bao giờ, màu vàng lấp lánh ánh hoàng hôn. Hoà nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ hạnh phúc. Hoà nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng.

(Theo Nguyễn Trọng Tạo)

Câu 1 trang 87 : Bạn nhỏ ngắm cánh đồng vào thời gian nào trong ngày? Chọn đáp án đúng.

A. Buổi sáng

B. Buổi trưa

C. Buổi chiều

D. Buổi tối

Trả lời:

Đáp án đúng là: C. Buổi chiều.

Câu 2 trang 87: Cánh đồng lúa hiện ra như thế nào qua cảm nhận của bạn nhỏ khi ngồi trên đê?

– Về màu sắc

– Về âm thanh

– Về sự chuyển động, phát triển

Trả lời:

Qua cảm nhận của bạn nhỏ khi ngồi trên đê, cánh đồng lúa hiện ra:

– Về màu sắc

vàng rực, vàng chanh, vàng cam, vàng chói, vàng.

– Về âm thanh

đừng có chen, chín nhanh lên, xôn xao.

– Về sự chuyển động, phát triển

mặt trời từ từ trôi; mặt trời càng xuống thấp, cánh đồng lúa càng dâng lên; màu vàng dâng lên; mặt trời lặn chậm rãi; màu áo xanh nhuốm vàng.

Câu 3 trang 87: Tìm trong bài những từ ngữ tả màu sắc của cánh đồng lúa.

Trả lời:

Những từ ngữ tả màu sắc của cánh đồng lúa: vàng rực, vàng chanh, vàng cam, vàng chói, vàng.

Câu 4 trang 87: Trong bài, cây lúa được nhân hoá bằng những cách nào?

Trả lời:

Trong bài, cây lúa được nhân hoá bằng những cách:

+ Dùng hành động của con người: chen, kêu, thì thầm.

+ Dùng lời nói của con người: đừng có chen, chín nhanh lên.

Câu 5 trang 87: Nêu tác dụng của biện pháp nhân hoá trong việc miêu tả đồng lúa đang chín.

Trả lời:

Tác dụng của biện pháp nhân hoá trong việc miêu tả đồng lúa đang chín: làm đồng lúa trở nên gần gũi với nhân vật người, con người vì yêu thiên nhiên nên coi đồng lúa đang chín như những người bạn, biết nói, có cảm xúc, hành động như người.

Câu 6 trang 87: Theo em, vì sao bạn nhỏ cảm thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng?

Trả lời:

Bạn nhỏ cảm thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng vì trời dần lặn xuống, làm nổi bật màu vàng của đồng lúa. Trong khi bạn nhỏ lại đang ngồi trên đê giữa biển lúa, có cảm giác đê như một con thuyền bập bềnh giữa biển vàng của lúa.

Câu 7 trang 87: Qua cách quan sát, cảm nhận về cánh đồng lúa đang chín, em thấy bạn nhỏ là người thế nào?

Trả lời:

Qua cách quan sát, cảm nhận về cánh đồng lúa đang chín, em thấy bạn nhỏ là người có sức tưởng tượng cao, có nhiều ước mơ và có nhiều trải nghiệm. Bạn còn đồng thời rất yêu quê hương, yêu thiên nhiên cảnh vật nơi mình sống.

Câu 8 trang 87 : Em hiểu thế nào về câu “Hoà nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ hạnh phúc."?

Trả lời:

Em hiểu câu “Hoà nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ hạnh phúc." là: khi người khác có hạnh phúc, ta cùng tới chia sẻ, đồng hành có thể hiểu người đó hơn, hiểu điều làm họ hạnh phúc và cũng có thể làm ta hạnh phúc vì hiểu ra điều thú vị và quen thêm người bạn mới.

Câu 9 trang 87: Tìm nghĩa của từ chín trong mỗi câu dưới đây:

Trả lời:

Em nối nghĩa của từ chín trong mỗi câu như sau:

a. Hoà nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng – (2) (quả) ở vào giai đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm, vị ngon.

b. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề – (3) thành thục, am hiểu đầy đủ mọi khía cạnh.

c Ăn chín, uống sôi – (1) (thức ăn) được nấu nướng kĩ, đến độ ăn được.

Câu 10 trang 87: Đặt câu với từ chín theo 1 trong 3 nghĩa nêu ở bài tập 9

Trả lời:

– Câu với từ chín theo nghĩa (1) bài tập 9: Mẹ em đã nướng thịt chín rồi!

– Câu với từ chín theo nghĩa (2) bài tập 9: Bố em là một người chín chắn.

– Câu với từ chín theo nghĩa (3) bài tập 9: Quả chuối chín vàng ươm.

B. VIẾT

Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

Đề 1: Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện đã học ở chủ điểm Thế giới tuổi thơ.

Đề 2: Viết bài văn tả một cảnh đẹp ở một nơi em đã từng đến hoặc nhìn thấy qua tranh ảnh, ti vi,...

Trả lời:

Đề 1: Bài văn viết theo đề 1: Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện đã học ở chủ điểm Thế giới tuổi thơ.

Trong cuộc sống của tớ và những người bạn trong làng, có biết bao nhiêu điều thú vị. Mỗi ngày qua đi, tình bạn của chúng tớ: Ja Ka, Ja Prok, Mư Nhơ và tớ – Mư Hoa càng trở nên khăng khít. Một lần trong đời có lẽ làm tớ khó quên được, chúng tớ cùng nhau cải tạo lại cánh đồng cỏ, trồng những vườn hoa xinh xắn, làm ai ai cũng yêu quý, hạnh phúc.

Vào lần đó, chúng tớ đang chơi trên một cánh đồng cỏ khá rộng. Ja Ka, Ja Prok, Mư Nhơ và tớ lại rủ nhau tới đó vui chơi. Đồng cỏ rất gần, lại không cản trở ai, không có người qua lại, xe cộ đông đúc, thật là một nơi vui chơi lí tưởng cho chúng tớ! Anh bạn của tớ là Ja Ka có lẽ coi chiếc trống như một người bạn thân cốt – lần nào đi chơi, cậu ta cũng mang theo chiếc trống nhỏ. Mà quả nhiên, Ja Ka vỗ trống hay thật! Những điệu trống thình thịch, đôm đốp cứ thế vang lên trong cuộc vui chơi, chẳng ai bảo ai, cứ thế nhảy tung tăng, người hát líu lo một bài hát, tay cầm tay múa ca vang lừng…

Vậy nhưng… chỉ một thời gian sau đó, một điều tồi tệ làm chúng tớ không còn thói quen, còn khoảng không vui chơi tuyệt vời thế nữa – một bãi rác ở đâu đó, không rõ của ai vứt bậy vào góc đồng cỏ. Bãi rác tuy nhỏ, chúng tớ cũng rủ nhau nhặt bỏ rác vào thùng rác. Nhưng những ngày sau, rác cứ lớn dần: một vài túi, đến cả chục túi, rồi chồng lên nhau thành một bãi rác, bốc mùi vô cùng khó chịu. Mùi của rác không ai thích cả! Vậy mà nỡ vứt ra một đồng cỏ xinh đẹp, rộng rãi như vậy, ai dám nỡ làm việc xấu thế?

Mư Nhơ thở dài và nói với cả nhóm:

– Cứ thế này, đồng cỏ sẽ thành bãi rác mất thôi

Tớ buồn bã nói với mọi người:

– Bọn mình còn đâu chỗ mà vui chơi!

Ja Ka và Ja Prok thì rầu rĩ, tỏ vẻ thất vọng:

– Biết làm thế nào bây giờ?

Nhìn lên trời xanh, chán nản, nhìn những áng mây đủ hình thù trôi đi. Trời thì xanh mà đồng cỏ không còn “xanh”. Bỗng đám mây này thì lấm chấm vài hình nhỏ, đám mây kia tan ra phảng phất những mây li ti, đám mây nọ thì như một lùm cỏ trôi. Tớ chợt hỏi cả nhóm:

– Các cậu có thấy bầu trời như một vườn hoa không?

Mư Nhơ ngồi cạnh nghe tớ tả những áng mây xong thì gật gù tỏ vẻ đồng ý:

– Cánh diều giống hoa ngũ sắc, đám mây giống hoa cúc trắng,…

Tớ liền bật dậy, cảm giác chính là đây! Chúng ta cần giải toả bầu không khí ngột ngạt này, không thể chấp nhận ngồi im được. Phải hành động ngay thôi!

– Chúng ta sẽ biến nơi đây thành cánh đồng hoa. Mọi người không nỡ lấy cánh đồng đẹp làm chỗ đổ rác đâu.

Vừa bật ra ý tưởng, chúng tớ liền bắt tay vào làm ngay. Ja Ka thì đi báo cho các cô bác trong làng mang cuốc, mang xẻng tới. Ja Prok và Mư Nhơ thì đi vào các nhà vườn trong làng hỏi xin mầm hoa, tìm các mầm hoa dại bên đường để gom lại. Tớ thì đi mượn dây để ròng nước tưới đẫm vùng đồng cỏ trước khi xới lên trồng, có vẻ như đất quá khô do nắng nóng. Người xới đất, người trồng cây, người nhổ cỏ, người bắt sâu,… Hôm ấy, chúng tớ và các cô bác làm việc tới tận tối khuya mới xong. Tuy ai cũng mệt nhưng mà đều vui vẻ, mừng rỡ cho thành quả cải tạo này.

Ba tháng sau, hoa đua nhau khoe sắc, cúc bách nhật tím lịm, cúc vạn thọ vàng tươi, mào gà đỏ thắm,… Quả nhiên, mỗi ngày tới thăm đồng hoa, chúng tớ đều không còn thấy ai đến đây đổ rác nữa. Nhóm chúng tớ mỗi ngày đều thấy yêu đời, tiếng trống vẫn vỗ, điệu hát vẫn ngân vang như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Đồng hoa xinh đẹp của làng tớ ngày một nổi tiếng. Có những người chúng tớ chưa từng gặp nhưng mặt rạng rỡ, luôn miệng nói: “Vườn hoa này đẹp quá, tôi chưa từng thấy vườn hoa này bao giờ, chúng mới được trồng phải không?”; “Tôi có thể tới đây mỗi ngày được không?”. Từ một đồng cỏ, vừa giúp cảnh đẹp, vừa loại bỏ những bãi rác, những thói quen xấu xí, lại thu hút được thêm nhiều người tới chơi cùng – có lẽ chúng tôi đã làm được một việc làm ý nghĩa trong đời.

Đề 2:

Giữa làng em có một hồ nước rất rộng và đẹp. Đó là khung cảnh mà em yêu thích nhất trong làng.

Hồ nước ấy được tạo nên từ một lần giặc Mỹ đánh bom mà tạo thành. Hồ rất sâu, giữa lòng hồ phải sâu đến 6m. Nước hồ rất trong, nhưng nhìn vào thì lúc nào cũng thấy một màu xanh sẫm huyền bí. Đó là do dưới đáy bùn của lòng hồ, là cả một thế giới rong rêu. Họ nhà rong ở đó đông đúc lắm, rong ông rong bố, rong mẹ rong chị chen chúc nhau, nhuộm xanh cả đáy hồ. Do vậy mà nhìn từ trên xuống, hồ nước có vẻ khá đáng sợ. Ven bờ hồ là lớp cỏ trâu rất dày. Cỏ mọc như một tấm thảm xanh, êm ái và tươi mát. Từ ngày người ta không dẫn trâu vào ăn, cỏ mọc càng thêm tươi tốt. Từ ven bờ xuống lòng hồ, mực nước ngày càng sâu thêm. Phần gần bờ có rất nhiều cỏ nước mọc lên. Giữa đám cỏ đó, có mấy cái tổ chim chẳng biết của loài nào. Vào sâu hơn trong hồ, trên mặt nước nổi đầy những chiếc lá to, tròn như cái nón. Đó là bụi hoa súng. Lá súng rất nhiều, nhưng hoa thì chẳng có bao nhiêu. Bởi vậy, mỗi lần một nụ súng trồi lên, em và các bạn lại xuýt xoa, ra hồ liên tục để chờ ngắm hoa nở. Hồ nước này được thả rất nhiều loại cá từ hồi mới xây làng. Giờ đây cá mẹ đẻ cá con, tạo thành cả một quần thể đông đúc. Vì vậy, hình ảnh các bác, các chú vác cần câu hay thả lưới ven hồ đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc.

Đối với em, hồ nước là một khung cảnh thiên nhiên vừa đẹp lại bình dị, mộc mạc. Nơi đây gắn liền với những buổi chiều rong chơi cùng bè bạn, với những ngày đến trường ở cuối làng. Em yêu lắm hồ nước của quê mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM