Trang chủ

Những mẩu chuyện hay về việc tử tế, người tử tế trong xã hội

Xuất bản: 26/03/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Tổng hợp những mẩu chuyện hay và ý nghĩa về những việc tử tế, người tử tế trong xã hội ngày nay.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc lan tỏa những việc làm tử tế là vô cùng cần thiết, nó bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ của người với người trong cuộc sống. Thực tế cho thấy có rất nhiều tấm gương đẹp về những con người tử tế, những việc làm tử tế góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nhằm giúp các em có thêm những liên hệ, dẫn chứng sinh động và thực tế khi làm đề văn nghị luận về sự cần thiết lan tỏa việc tử tế, Đọc Tài Liệu xin được tổng hợp gửi tới các em một số câu chuyện hay, ý nghĩa và xúc động về những tấm gương tử tế.

Những câu chuyện ý nghĩa về người tử tế và việc làm tử tế

Câu chuyện 1. Vũ công 24 tuổi cưu mang, dạy nghề cho 3 em nhỏ

Câu chuyện về chàng vũ công Đào Phi Hải (24 tuổi), 4 năm trước, Hải là đối thủ trong một cuộc thi nhảy của 3 em nhỏ: Lê Hiếu (hiện tại 17 tuổi), Lê Huy (13 tuổi) và Lê Hào (10 tuổi).

Thời điểm diễn ra cuộc thi, mẹ của Hiếu, Huy và Hào bị suy thận thời kỳ cuối, ba phải đi làm xa. Rời Biên Hòa, Đồng Nai lên tham gia cuộc thi, không có vòng tay chăm sóc của mẹ, 3 em phải tự mình nương tựa vào nhau.

Biết được hoàn cảnh ấy, sau từng vòng thi, Hải đã dần trở nên thân thiết với các em. Thậm chí, anh còn thay thế người mẹ đang bệnh nặng để chăm sóc các em trong việc quần áo, sinh hoạt, cổ vũ tinh thần nhằm có thành tích tốt hơn trong cuộc thi.

Gắn bó với các em, Hải nhiều lần xuống thăm cô Uyên (mẹ của 3 em) và cùng mọi người sinh hoạt như một gia đình. Không may thay, cô Uyên mất. Không một chút do dự, Hải đã đưa cả 3 em lên TP.HCM để giúp các em đi học và theo đuổi đam mê nhảy múa.

Chàng vũ công chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho Hiếu, Huy và Hào; cũng là người dẫn dắt các em trên con đường nghệ thuật. Chàng trai trẻ độc thân bỗng kiêm luôn cùng lúc nhiệm vụ: làm anh, làm bố và cả thầy dạy nhảy cho các em.

Chia sẻ về hành động ngày ấy, Hải cho biết: “Lúc quyết định nhận bảo bọc 3 em nhỏ, tôi không suy nghĩ được gì nhiều. Tôi chỉ thấy trái tim mình muốn như thế nên làm thôi. Khi làm bằng trái tim, bạn sẽ nhận được những điều không bao giờ ngờ tới”.

Ước mơ lớn nhất của Hải và 3 em là một căn nhà ấm cúng. Lê Huy thường đùa giỡn anh: “Khi nào trúng số, em mua cho anh căn nhà bên tòa ấy”; Lê Hào cũng hay nói rằng: “Con mà trúng 500 tờ số, con mua cho ‘ba’ nguyên cả thế giới”.

Câu chuyện 2: Bà cụ dành tiền tuất liệt sĩ để giúp người nghèo

Không khó khăn lắm khi tìm đến nhà bà B.T.T, bởi nhiều người dân trong tổ và cán bộ khu phố biết đến do bà làm nhiều việc thiện và hay giúp đỡ người khác. Bà B.T.T hiện đang sống một mình tại khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú (TX. Đồng xoài). Năm nay bà đã bước sang tuổi 80, sức khỏe yếu, nhưng còn khá minh mẫn. Bà được hưởng chế độ trợ cấp vợ liệt sĩ tái giá. Cuộc sống không dư giả, nhưng bà quan niệm “từng trải qua cảnh nghèo khó, bây giờ đỡ hơn nên mình bớt ra một chút để giúp người khác đang gặp khó khăn, bệnh tật. Đây là điều bình thường và nên làm”.
Những năm trước, khi còn khỏe, hàng tháng bà lại đến chùa Quang Minh (TX. Đồng Xoài) khi góp vài trăm ngàn đồng, khi mua bao gạo nhờ xe ôm chở đến để góp thêm vào bếp ăn tình thương của chùa nấu cơm cho bệnh nhân, người nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ông Trần Văn Sơn, Trưởng khu phố Phú Mỹ cho biết: Bà cụ thảo lắm! Trong khu phố, trong tổ vận động đóng góp giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn, hoặc ủng hộ đồng bào bị bão lụt là bà đóng góp, ủng hộ ngay. Những phần quà tết của thị xã, của phường tặng đối tượng chính sách, sau khi nhận bà cũng đem tặng lại các hộ khó khăn trong tổ, xóm.

Cách đây vài tháng, bà tìm đến trao cho chị Bùi Thị Thu Hường, Phó phòng Lao động - thương binh và xã hội thị xã Đồng Xoài 5 triệu đồng. Bà nói rằng, đây là số tiền dành dụm từ tiền tuất liệt sĩ hàng tháng và nhờ phòng mua quà tết tặng cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết Ất Mùi này. Bà còn dặn, nhớ là phần quà nào cũng phải có 10kg gạo. Có thể những việc làm của bà không lớn về vật chất, nhưng nó vô cùng lớn về cách nghĩ, cách làm và mang đầy tính nhân văn.

Câu chuyện 3: Việc làm nhân văn của nhóm “hạt gạo ấm lòng”

Cái tên Đào Thị Xuân ở ấp 3, xã Tiến Thành có thể đã rất quen thuộc với nhiều người, bởi chị luôn gắn với những việc làm từ thiện, nhân ái. Từ năm 2006 đến nay, chị đã trực tiếp thu nhận, cưu mang, chăm sóc, đưa đi chữa bệnh tại bệnh viện tâm thần và trung tâm bảo trợ xã hội 24 người bị bệnh tâm thần, lang thang, không nơi nương tựa tại Đồng Xoài. Bắt đầu từ năm 2006, dù gia đình chẳng khá giả, nhưng chị đã bớt một phần chi tiêu để hỗ trợ 2 gia đình đặc biệt khó khăn, khánh kiệt vì bệnh tật trong ấp, mỗi tháng 10kg gạo/hộ. 2 phụ nữ của 2 gia đình đã bật khóc vì xúc động trong ngày đầu tiên nhận gạo. Với hoàn cảnh của họ lúc đó, 10kg gạo là quá lớn và vô cùng cần thiết. Từ đó, chị quyết tâm duy trì hỗ trợ gạo đều đặn hàng tháng và còn đưa ra ngày cụ thể trong tháng để nhớ và có trách nhiệm hơn, đồng thời vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, mạnh thường quân khác thành lập nhóm “Hạt gạo ấm lòng” để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Chị Xuân nói: “Sở dĩ mình đặt tên nhóm là Hạt gạo ấm lòng vì mỗi suất gạo có ý nghĩa rất thiết thực. Nó làm “ấm lòng” cả người được nhận gạo và người giúp đỡ”.

Đến nay, nhóm “Hạt gạo ấm lòng” do chị sáng lập đã có nhiều thành viên tham gia đóng góp, ủng hộ thường xuyên, số gạo hàng tháng lên đến 540kg, giúp 54 hộ. Hiện chị Xuân còn vận động các nhà hảo tâm, nhóm từ thiện mở thêm điểm cấp gạo của nhóm tại các huyện, thị xã Bình Long, Hớn Quản và Bù Gia Mập với mong muốn giúp đỡ được nhiều người nghèo, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Câu chuyện 4: 5 năm không nhận tiền trợ cấp thương binh để giúp người nghèo

Tại thị xã Đồng Xoài, cái tên Lâm Kiến An được nhiều người biết đến như một “đại gia” ngành xây dựng, cầu đường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ông tên đầy đủ là Trần Quốc Lâm, thương binh 2/4 và 5 năm qua đã giao toàn bộ tiền trợ cấp thương binh của mình cho Phòng Lao động - thương binh và xã hội thị xã Đồng Xoài đưa vào quỹ Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ Vì người nghèo của thị xã. Với hơn 128 triệu đồng từ tiền trợ cấp thương binh của ông Lâm, Ban vận động quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ Vì người nghèo thị xã đã dùng hỗ trợ xây 1 căn nhà tình nghĩa, tặng 4 sổ tiết kiệm gia đình chính sách và hỗ trợ xây 5 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Ông nói: “Kinh tế gia đình cũng ổn, trong khi nhiều anh em thương binh, gia đình chính sách khác và nhiều hộ gia đình còn rất khó khăn nên giúp được ai điều gì là mình thấy vui rồi”.

Câu chuyện 5:  Người đàn ông mua cà phê mỗi tuần cho một người vô gia cư

Anh Joe Wilson đến từ Anh có thói quen sau khi ăn sáng ở một quán café quen thuộc thì thường dừng lại trò chuyện một chút với Daniel, một người đàn ông vô gia cư bán báo ở góc đường gần đó. Khi trời lạnh, Joe hay mua tặng cho Daniel một cốc café nóng.

Một sáng thứ 7, khi Joe ăn sáng xong như thường lệ, anh gọi thanh toán thì rất ngạc nhiên được biết bữa ăn của mình đã được trả tiền rồi. Hóa ra gần đây, Daniel chơi xổ số cào và trúng 20 bảng nên Daniel đã trả tiền bữa sáng cho Joe thay lời cảm ơn vì tấm lòng tử tế của anh.

Câu chuyện 6: Siêu sao bóng đá Messi biến giấc mơ của một cậu bé người Afghanistan thành hiện thực

Cậu bé Murtaza Ahmadi, 5 tuổi rất hâm mộ cầu thủ nổi tiếng Messi. Em ao ước có một chiếc áo đấu nhưng vì không có tiền để mua nên em đã tự chế ra một chiếc áo bằng nilon,  có màu quốc kỳ Argentina và vẽ tên Messi phía sau lưng.

Câu chuyện này nhanh chóng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội và khi Messi trông thấy tấm ảnh, ngôi sao này đã quyết định tặng cho em bé fan nhí của mình một chiếc áo có chữ kí xịn của anh. Khỏi phải nói cậu bé đã hạnh phúc đến thế nào.

Câu chuyện 7: Người phụ nữ sống với hơn 1.100 chú mèo bị bỏ rơi

Bà Lynea Lattanzi, một người phụ nữ Anh có trái tim nhân hậu bắt đầu nhận nuôi những con mèo bị bỏ rơi từ năm 1992. Hiện tại bà đang ở cùng1.100 con mèo trong căn nhà rộng 390m2 của mình. Ban đầu, bà phải tự bỏ tiền túi ra mua thức ăn cho lũ mèo, thậm chí bà còn bán cả nhẫn cưới, ô tô đi để có tiền nuôi chúng.

Tuy nhiên bây giờ đã có một số nhà hảo tâm giúp đỡ bà trong vấn đề tài chính. Ngoài ra cũng có những người yêu mèo tình nguyện giúp đỡ bà chăm sóc bầy mèo. Lũ mèo ở với bà được tự do và chăm sóc rất tốt. Bà Lynea cũng cố gắng tìm nhà mới cho chúng.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM