Trang chủ

Nghị luận về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người

Xuất bản: 05/03/2019 - Tác giả:

Những bài văn, đoạn văn mẫu nghị luận ngắn hay bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người - Văn mẫu lớp 12 tham khảo.

Đề bài: Viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.

***

Lắng nghe, thấu hiểu người khác cũng là nghệ thuật

Thấu hiểu người khác là phát hiện chính xác nhu cầu, mục đích, nỗi lo lắng, niềm hy vọng, cách nhìn thế giới các mối quan tâm, hiện trạng cảm xúc của người đó.

Để có thể thấu hiểu người khác, cần phải thật sự quan tâm đến anh ta, phải dành cho anh ta khoảng thời gian nhất định của mình, phải có năng lực nhận thức và phải có nhiệt tình. Nhưng chúng ta có thể tập trung vào người khác thế nào được khi chúng ta còn bận bịu với bao suy nghĩ về các vấn đề của chính mình, khi bản thân chúng ta còn chưa biết được là mình thuộc loại thông minh hay đần độn, mình là người bạn tốt hay cũng chỉ là một kẻ xấu xa, đểu cáng, khi chính chúng ta còn chưa xoay xở được với bao thứ trách nhiệm được giao ở cơ quan, còn con cái chúng ta thì học hành chẳng đâu vào đâu ở trường?

Trong rất nhiều công trình nghiên cứu xã hội học, người ta đã chỉ ra rằng phát hiện chính xác ở người khác (cả người quen cũ và người mới quen), những lầm lẫn trong việc gán nguyên nhân cho hành động của người thân nhất (vợ, chồng, cha, mẹ, con cái) thường có nguồn gốc ở những vấn đề liên quan đến việc tự đánh giá thấp bản thân. Chẳng hạn như các công trình nghiên cứu do bà Maria Jarymowicz và các cộng sự của bà tiến hành đã chỉ rõ rằng những người tự đánh giá mình thấp thì cũng đánh giá thiếu chính xác nhất xúc cảm của người khác, còn những người đánh giá tích cực, trung thực về bản thân mình thì bao giờ cũng hiểu người khác một cách đúng đắn nhất. Chưa hết, nếu những người đang trải qua nỗi khó khăn, buồn phiền liên quan trực tiếp đến bản thân mình được tác động để nâng cao những đánh giá vẻ bản thân thì về cơ bản họ sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước nhu cầu và những vấn đề đang gặp phải của người khác, họ hiểu thấu hơn những người kể trên.

Cố gắng hiểu thấu người khác thông qua việc gán cho họ những đặc tính, những nhu cầu, những trạng thái cảm xúc haynhững mục tiêu xác định - là dựa trên việc sử dụng những đặc tính muôn màu muôn vẻ của cái “tôi” cá nhân với tư cách điểm xuất phát, với tư cách một khuôn mẫu chúng ta dùng để so sánh mình với người khác. Chuyện đó đặc biệt thường xuyên xảy ra khi chúng ta cố gắng nhận biết những người chúng ta ít quen. Coi những đặc tính nhất định của cái “tôi” cá nhân như một khuôn mẫu đặc biệt được thể hiện chẳng hạn trong việc gán ghép đặc tính và ý định của mình cho những người khác, hoặc nói thẳng thừng ra là thể hiện bằng việc phát hiện ở người khác những đặc tính ngược lại một cách rõ ràng với đặc tính của bản thân mình. “Ta chăm chỉ là vậy, có trách nhiệm cao là vậy còn tất cả bọn họ chỉ là một lũ lười chảy thây”. Trong các vấn đề chúng ta cho là quan trọng, chúng ta thường hay bỏ qua cái gọi là sự đồng thuận xã hội, nghĩa là chúng ta có xu hướng làm sao để quan điểm, thái độ và các giá trị của chúng ta được đại đa số chia sẻ. Điều này thường dẫn đến các sai lầm trong nhận thức và thiếu sự thấu hiểu dành cho người khác. Những khó khăn gặp phải khi muốn hiểu thấu người thứ hai cũng là kết qua của việc chúng ta thường có xu hướng dễ dãi trong cuộc sống, tức là thích phân loại và sử dụng các khuôn mẫu cũ. Việc vơ những người cụ thể vào các nhóm có tiêu chí rộng hơn là cách sắp xếp lại thế giới nhưng cũng đồng thời là nguồn gốc của sự hiểu biết sai lầm, nông cạn, cứng nhắc nhắc về những người này.

Chúng ta không thể nói gì nhiều về một người mà chúng ta chỉ biết mỗi họ tên.. Thế nhưng có biết bao nhiêu đặc tính khác nhau chúng ta sẵn sàng gán cho người đó khi chúng ta liệt người ta vào nhóm “phụ nữ”, “nhà phẫu thuật”, “già”, “theo đạo Hồi”, “bệnh nhân bệnh viện tâm thần”, “vô gia cư”… Các thông tin về việc một người cụ thể thuộc nhóm xã hội nào cụ thể thuộc nhóm xã hội cụ thể nào thường được tạo ra một cách tự động, không có sự tham gia của ý thức chúng ta. Việc bỗng nhiên xuất hiện trong đầu chúng ta những loại người nào đó sẽ tạo thuận lợi để chúng ta đến với những thông tin có tính tiêu cực và cản trở chúng ta đến với những thông tin tích cực hoặc ngược lại, phụ thuộc vào loại khuôn mẫu chúng ta có về đề tài loại người nhất định. Chẳng hạn như ai đó bị liệt vào loại “bà già”, thì sự xác định mang yếu tố tiêu cực liên quan đến khuôn mẫu người già cả sẽ đến trong đầu chúng ta dễ dàng hơn và chúng ta cũng nhớ kỹ hơn là những đặc tính không phù hợp với người đó. Hơn nữa, khi chúng ta gán cho ai đó những đặc tính xấu một cách máy móc gọi là liên quan đến một loại người nhất định, điều đó đã hạn chế các mối quan hệ của chúng ta với người đó rồi. Vậy là chúng ta không có cơ hội để làm quen với người đó tốt hơn nhằm mục đích kiểm nghiệm suy nghĩ của chúng ta về nguời ấy.

Như vậy bước đầu tiên để có thể thấu hiểu người khác là không tự cho phép mình được dễ dàng bị lôi cuốn vào sự hấp dẫn cứng nhắc mà rất cần dành thời gian cho cái ai đó đang làm cũng như phải lắng nghe những gì người đó đang nói về bản thân mình. Nghe chăm chú, tức là cách nghe có thể dẫn đến thấu hiểu người khác, không phải là điều dễ dàng.

Nếu năng lực nhận biết của chúng ta bị vướng bận vào một việc gì đó khác hơn là nghe thì khi đó rất nhiều thông tin quan trọng người khác nói sẽ chỉ từ tai này sang tai kia mà thôi. Không thể chú ý lắng nghe trong khi vừa nghe vừa xem ti vi, đọc sách báo hay nghĩ về những khó khăn mình đang phải đối đầu. Điều này chỉ khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi. Nhưng rất đáng tiếc là năng lực nghe ở người lớn lại không gia tăng theo tuổi tác.

Mọi người thường không thể đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau khi họ thôi không nói chuyện với nhau nữa: Mà họ không nói chuyện với nhau là vì họ không có thời gian hoặc không đủ kiên nhãn để vượt qua những khó khăn trong giao tiếp hay họ nhìn thấy là họ không đủ khả năng gây sự chú ý ở người đối thoại với mình. Nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau chỉ vì bản thân những người bạn đời của nhau không hiểu được nhau, không nhìn ra những nhu cầu của nhau hoặc phân tích sai những nhu cầu đó Đôi khi phải sau nhiều năm thất bại trong hôn nhân, ở giai đoạn cuối cùng trước khi hôn nhân đổ vỡ khi lá đơn ly hôn đã được chuyển đến tòa án, vợ chồng mới bắt đầu nói chuyện với nhau. Bởi vì khi đó cả hai bên đều không có gì để mất. Người ta nói với nhau về những ước mơ ấp ủ bao năm, về những tình cảm và hy vọng. Họ bắt đầu hiểu ra là trước đấy họ đã nghĩ về nhau sai lầm như thế nào.

Cho nên rút kinh nghiệm, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu người khác. Và chúng ta cũng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người khác hiểu rõ về chúng ta hơn.

Một số đoạn văn 200 chữ bàn về việc hiểu mình và hiểu người

Đoạn mẫu 1:

Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó là quy luật tâm lý hàng đầu, luôn phát huy tác dụng. Biết mình, hiểu tâm lý mình đã đành, mà muốn thành công, chinh phục được nhân tâm, bạn còn cần phải biết người, hiểu người, “đọc” ra được các diễn biến tâm lý nơi người nữa.

Hiểu người, để rồi đáp ứng người, thì kết quả là người cũng sẽ đáp ứng mọi điều mình mong muốn. Đức Khổng từng dạy rằng: “Muốn người khác làm điều gì cho mình, trước hết mình hãy làm điều đó cho người khác”. Và đó cũng tương tự như nguyên tắc Bạch Kim trong mối quan hệ: “Hãy đối xử với người khác theo cách người ấy mong muốn”.

Muốn làm được điều đó, bạn phải thấu hiểu tâm lý người khác. Muốn thấu hiểu tâm lý người khác, bạn phải biết học cách quan sát và để ý nhiều đến người khác. Vì tâm lý bên trong thường được biểu lộ ra thành những hành vi, cử chỉ bên ngoài.

Hãy tập để ý quan tâm đến mọi người bạn gặp gỡ thường ngày trong cuộc sống, trong công việc. Và hãy tập chiều lòng họ. Đó là cách để bạn gây dựng tốt các mối quan hệ, tạo thiện cảm với mọi người, để đến lượt mình, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công đúng như ý mình mong muốn.

Đoạn mẫu 2:

Lão Tử từng nói: “Hiểu người khác là thông minh, hiểu được chính mình mới là khôn ngoan thực sự. Kiểm soát được người khác là sức mạnh, kiểm soát được chính mình mới là năng lực thật sự”.

Những cặp vợ chồng hạnh phúc thường rất hiểu nhau. Một bà mẹ sẽ hiểu con trai của mình. Một giáo viên tận tâm sẽ hiểu được học sinh của mình. Sự thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp chúng ta có khả năng vượt trội để đáp ứng nhu cầu, chữa lành mọi vết thương, giúp đỡ và cùng nhau tiến về phía trước.

Muốn có một cuộc sống thành công, trước tiên bạn cần phải biết rằng điều gì khiến bạn cảm thấy gắn bó, bạn yêu hoặc ghét điều gì, nỗi sợ của bạn là gì và vì sao bạn sẵn sàng vượt qua nỗi sợ đó. Món quà lớn nhất mà bạn có thể dành tặng cho bản thân chính là hiểu, chấp nhận và yêu mến con người mình.

Thẳng thắn mà nói, không ít người đã học được những bài học cuộc sống sâu sắc từ những điều tưởng như chẳng hề liên quan. Biết đâu một ngày đang đi trên đường và nhìn thấy đứa trẻ đạp xe bị ngã rồi nó tự đứng dậy, bạn sẽ đặt câu hỏi: “Liệu mình sẽ làm gì khi không thể thất bại được nữa, mình có dám đứng dậy đi tiếp như đứa trẻ kia không?”

Bạn có nghĩ đến việc bơi qua eo biển Anh không? Hay tham gia chương trình bay vào vũ trụ? Trở thành chủ dự án một startup? Viết một cuốn tiểu thuyết? Bây giờ, hãy thử tưởng tượng như thể bạn đang được làm đúng những thứ mình muốn. Bạn có thấy tâm hồn thư thái và thỏa mãn không? Bạn có yêu công việc đó đủ nhiều để cống hiến phần lớn thời gian và công sức của mình nhằm hoàn thiện nó không?

Nếu câu trả lời là "có", nhưng bạn vẫn chưa có cơ hội được làm công việc mình yêu, vậy rất có khả năng nỗi sợ thất bại đang khiến bạn chùn chân. Bạn chưa hiểu được chính mình và chưa dám chiến thắng nỗi sợ của bản thân.

Steve Jobs từng nói, cho dù còn trẻ nhưng rất có thể hôm nay sẽ là ngày cuối cùng chúng ta được sống. Vậy hãy làm điều gì đó để khi ngày này đến, chúng ta vẫn có thể quay đầu nhìn lại cuộc đời mình một cách hãnh diện, rằng “đây là cuộc đời do chính bàn tay tôi tạo nên”.

Mỗi ngày trong cuộc đời dành trọn cho công việc của mình, Steve Jobs luôn nhìn vào gương và tự đặt câu hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng được sống, bạn vẫn muốn làm điều mình đang làm chứ?”.

Và ông đã giữ đúng lời. Khi ông làm việc tại Apple, tiếp theo là NeXT, sau đó là Pixar, và cuối cùng lại là Apple, ông luôn trả lời "có" cho câu hỏi trên. Tinh thần này vẫn luôn tồn tại trong ông suốt hàng chục năm cống hiến cho Apple, thậm chí trong suốt 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Ông vẫn tận tụy làm việc, thậm chí cho đến ngày trước khi ông qua đời.

Nếu biết mình chỉ còn một ngày, một tháng, một năm để sống, bạn vẫn sẽ gắn bó với công việc mình đang làm bây giờ chứ? Bạn có thực sự thỏa mãn với cuộc sống bạn đang sống không? Nếu câu trả lời là không, bạn có dám thay đổi không? Nếu có, bạn sẽ phải thay đổi ra sao?

Cuộc sống vốn không có gì dễ dàng nhưng hiểu được bản thân là ai chắc chắn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến thành công và đam mê, như cách mà Steve Jobs đã làm với Apple.

» Xem thêmKhả năng trì hoãn mong muốn tức thời để vươn tới thành công

--------------------------------------------------------------------

Trên đây là một số bài văn và đoạn văn ngắn nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc hiểu mình hiểu người. Hi vọng các bạn đã có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài viết của mình được hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn. Chúc các bạn luôn học tốt và đạt điểm cao !

Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM