Trang chủ

Nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mẫu thuẫn

Xuất bản: 13/08/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn bài văn nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mẫu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân? Mẫu dàn ý kèm một số bài văn mẫu hay dành cho các em tham khảo

Nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác liệu có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân? Hay đó là hai khía cạnh cần thiết để hoàn thiện bản thân? Vậy làm thế nào để vừa lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác, vừa giữ vững quan điểm của bản thân? Câu trả lời sẽ không đơn giản, nhưng chính sự phức tạp đó lại tạo nên những góc nhìn đa chiều về quá trình trưởng thành của mỗi người.

Dàn ý nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mẫu thuẫn với khẳng định tính tự chủ của bản thân?

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: mối quan hệ giữa việc tiếp thu ý kiến của người khác và việc khẳng định tính tự chủ.

- Khẳng định rằng việc tiếp thu ý kiến của người khác và việc khẳng định tính tự chủ của bản thân không phải là hai khái niệm đối lập mà có thể hài hòa với nhau.

2. Thân bài

a) Giải thích khái niệm

- Tiếp thu ý kiến là quá trình lắng nghe, phân tích và áp dụng những quan điểm, gợi ý của người khác vào cuộc sống và công việc của mình.

- Tự chủ là khả năng tự điều khiển hành vi, tự làm chủ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân một cách độc lập, không bị chi phối quá nhiều bởi tác động bên ngoài, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình và có khả năng vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu.

b) Bàn luận

* Việc tiếp thu ý kiến của người khác

- Lợi ích:

+ Mở rộng hiểu biết, nhận thức.

+ Khám phá những góc nhìn mới.

+ Cải thiện khả năng giao tiếp.

+ Học hỏi kinh nghiệm từ người khác.

- Hạn chế:

+ Bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ý kiến của người khác, mất đi bản sắc riêng.

+ Dễ bị tác động bởi những thông tin sai lệch.

* Việc khẳng định tính tự chủ

- Lợi ích:

+ Giúp con người đưa ra quyết định độc lập.

+ Tạo ra sự khác biệt.

+ Tăng cường sự tự tin.

- Hạn chế:

+ Dễ trở nên bảo thủ, khép kín.

+ Khó khăn trong việc hợp tác.

* Mối quan hệ giữa việc tiếp thu ý kiến và khẳng định tính tự chủ

- Không đối lập:

+ Tiếp thu ý kiến không có nghĩa là mất đi tính tự chủ, mà là một cách để chúng ta học hỏi và hoàn thiện bản thân hơn.

+ Khẳng định tính tự chủ cũng không có nghĩa là khép kín bản thân, mà là biết cách lựa chọn và ứng dụng những ý kiến phù hợp.

- Cần có sự cân bằng:

+ Cần biết cách lắng nghe và tiếp thu những ý kiến có giá trị.

+ Cần giữ vững quan điểm của bản thân và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến tiêu cực.

* Cách thức để cân bằng giữa việc tiếp thu ý kiến và khẳng định tính tự chủ

- Lắng nghe một cách chủ động, chú ý đến những ý kiến khác biệt và tìm hiểu nguyên nhân tại sao người khác lại nghĩ như vậy, sau đó đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về vấn đề

- Phân tích và đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng những ý kiến đã tiếp thu, so sánh với những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để đưa ra quyết định cuối cùng một cách tự tin.

3. Kết bài

- Nhấn mạnh một lần nữa rằng việc tiếp thu ý kiến và khẳng định tính tự chủ không phải là hai khái niệm đối lập mà hoàn toàn có thể kết hợp hài hòa.

- Đưa ra những gợi ý, lời khuyên cho người đọc về cách để cân bằng giữa hai yếu tố này.

Mẫu văn nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mẫu thuẫn với khẳng định tính tự chủ của bản thân?

Mẫu 1

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với những ý kiến khác nhau. Liệu việc lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đó có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân hay không? Đây là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều điều đáng suy ngẫm.

Nhiều người cho rằng việc tiếp thu ý kiến của người khác sẽ làm giảm đi tính tự chủ của bản thân. Họ sợ rằng khi lắng nghe quá nhiều, mình sẽ bị ảnh hưởng và mất đi chính kiến. Tuy nhiên, quan điểm này chưa hoàn toàn chính xác. Tính tự chủ không đồng nghĩa với việc khép kín bản thân, mà là khả năng đưa ra quyết định dựa trên những căn cứ và đánh giá của chính mình. Việc lắng nghe ý kiến của người khác giúp chúng ta có thêm nhiều góc nhìn, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Giống như các nhà khoa học, họ luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều để hoàn thiện lý thuyết của mình.

Tuy nhiên, việc tiếp thu ý kiến một cách thụ động có thể gây ra những tác hại nhất định. Khi ta chỉ đơn thuần tiếp thu ý kiến của người khác mà không có sự phân tích, đánh giá, ta dễ bị tác động và mất đi chính kiến của bản thân. Ví dụ, một số người dễ dàng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo và mua những sản phẩm không thực sự cần thiết.

Vậy làm thế nào để cân bằng giữa việc tiếp thu và khẳng định bản thân? Để phát triển bản thân một cách toàn diện, chúng ta cần vừa biết lắng nghe, học hỏi, vừa biết giữ vững quan điểm của mình nhưng vẫn đưa ra những ý kiến đóng góp của riêng mình.

Tóm lại, việc tiếp thu ý kiến của người khác và việc khẳng định tính tự chủ không phải là hai khái niệm đối lập mà có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng ta cần có sự cân nhắc, lựa chọn để tiếp thu những ý kiến có giá trị và khẳng định bản thân một cách đúng đắn. Trong xã hội hiện đại, việc học cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng.

Mẫu 2

“Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”

Câu ca dao trên khuyên nhủ con người nên sống có chính kiến, không bị lung lạc bởi ý kiến của người khác. Thế nhưng, ngược lại, cũng có người cho rằng “Không biết dựa cột mà nghe”. Có thể thấy, trong cuộc sống luôn tồn tại rất nhiều quan niệm trái ngược. Liệu việc tiếp thu ý kiến của người khác và việc khẳng định tính tự chủ của bản thân có thực sự mâu thuẫn chăng?

Tiếp thu ý kiến của người khác chính là biết lắng nghe, thấu hiểu những lời khuyên từ mọi người xung quanh. Điều này được thể hiện ở việc coi trọng những người đi trước, biết cách chuyển hóa kinh nghiệm của người khác thành kiến thức của mình, luôn tham khảo ý kiến từ nhiều phía trước khi đưa ra quyết định,… Còn nói đến tính tự chủ của bản thân là nhấn mạnh đến cái tôi, lòng tự trọng của cá nhân. Tự chủ đồng nghĩa với tự quyết định cuộc sống, có trách nhiệm với mọi hành động và cảm xúc của bản thân. Người có tính tự chủ là người có chính kiến, quyết đoán, tự tin, không dễ bị thao túng hay lung lạc bởi ngoại cảnh. Có thể khẳng định rằng việc tiếp thu ý kiến và việc khẳng định tính tự chủ không phải hai thái cực mâu thuẫn. Trái lại, đây còn là hai yếu tố tiên quyết tạo nên sự hạnh phúc cho con người nếu ta biết dung hòa chúng.

Cuộc đời là đại dương mênh mông, tri thức cũng dạt dào như sóng bể vô tận. Đứng trước cái rộng lớn của đời, mỗi người chỉ như một chú cá bé nhỏ. Để thu nạp nhiều kiến thức nhất có thể, ta cần biết học hỏi từ những người xung quanh. Việc biết tiếp thu ý kiến từ người khác sẽ đem lại cho ta nhiều kinh nghiệm quý giá và thiết thực hơn cả những điều viết trong sách vở. Người biết tiếp thu ý kiến bao giờ cũng có thái độ cầu thị, tinh thần ham học. Sự phong phú của cuộc sống được tạo nên từ những góc nhìn đa chiều. Khi biết đặt mình vào vị trí của người khác, con người sẽ thấu hiểu nhau hơn. Ngoài ra, việc lắng nghe còn cho thấy thái độ tôn trọng của ta dành cho người khác. Đây chính là nền tảng tốt cho mọi mối quan hệ xã hội.

Nếu biết lắng nghe đem lại cho ta thiện cảm từ người khác thì việc khẳng định tính tự chủ lại giúp ta chứng minh sự tự tôn, không hổ thẹn với chính mình. Xin nhắc lại lần nữa, cuộc sống được tạo nên từ những quan điểm đa dạng của con người. Vậy nên, có những thứ ta phải tự mình trải nghiệm mới có thể đúc rút được bài học. Những lời khuyên hay ý kiến từ người khác đều mang tính chất tham khảo, ta không thể dựa vào đó mà quyết định cả cuộc đời mình. Độc lập, tự do bao giờ cũng đi liền với hạnh phúc. Nếu con người lúc nào cũng lo sợ trước những định kiến, nhút nhát bởi những dèm pha thì biết bao giờ mới có thể sống thật? Trên hành trình chinh phục ước mơ, ta cần trang bị cho mình cả sự sáng tạo, bản lĩnh kiên cường, lòng dũng cảm để đương đầu với mọi thử thách. Không chỉ vậy, khi ta biết cách tự đưa ra quyết định đồng nghĩa với việc ta phải chịu trách nhiệm cho nó. Khi ấy, con người sẽ hình thành tính độc lập, sự kỷ luật, tinh thần trách nhiệm thay vì mãi ỷ lại và trông chờ sự cứu giúp từ bên ngoài.

Tiếp thu ý kiến và khẳng định tính tự chủ của bản thân đều mang lại những tác động tích cực cho cuộc sống con người. Điều ta cần làm là cân bằng giữa hai thái cực ấy. Nếu chỉ biết nghe theo lời của những người xung quanh, ta chẳng khác nào anh chàng trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”, trở thành con rối trong mắt thiên hạ. Ngược lại, nếu quá tự cao, chỉ coi trọng ham muốn của bản thân thì ta dễ trở thành kẻ bảo thủ, lạc hậu và dần bị mọi người xa lánh.

Ta có thể lấy ví dụ từ lịch sử của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Nguyễn Trãi dùng mỡ viết tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lên lá cây cho kiến đục rồi thả trôi trên sông. Lá trôi theo dòng nước, đi đến khắp nơi. Nhân dân thấy vậy, hay tin người anh hùng Lê Lợi khởi nghĩa, có Nguyễn Trãi phò tá nên đã tập hợp lại cùng chống giặc. Diệu kế này của Nguyễn Trãi cho thấy hai điều quan trọng để khởi nghĩa thắng lợi: tài năng vượt bậc của người lãnh đạo và sức mạnh của tập thể.

Lấy kinh nghiệm của người khác làm bài học cho mình, cân bằng giữa cảm xúc và lí trí, trau dồi kiến thức thực tế chính là phương pháp cốt lõi để tạo nên thành công. Con người hãy sống linh hoạt như dòng sông, tùy vào hoàn cảnh mà uốn mình theo hướng thích hợp.

Mẫu 3

Việc tiếp thu ý kiến của người khác không có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân. Trái ngược với quan niệm cho rằng việc lắng nghe ý kiến của người khác là mất tính tự chủ, thực tế cho thấy việc tiếp thu ý kiến từ người khác là một cách để mở rộng kiến thức, nâng cao nhận thức và phát triển bản thân.

Đầu tiên, việc tiếp thu ý kiến của người khác giúp ta nhận biết được những góc nhìn khác nhau về một vấn đề. Mỗi người có một quan điểm riêng, một cách suy nghĩ và cảm nhận khác nhau. Khi lắng nghe ý kiến của người khác, ta có thể hiểu rõ hơn về các quan điểm khác nhau và từ đó xây dựng được một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề đó.

Thứ hai, việc tiếp thu ý kiến của người khác giúp ta nhận ra những sai sót và hạn chế của bản thân. Không ai là hoàn hảo và không ai có thể biết hết mọi điều. Khi nghe ý kiến của người khác, ta có thể nhận ra những điểm yếu của mình và từ đó cải thiện, hoàn thiện bản thân. Điều này không chỉ giúp ta trở nên tự tin hơn mà còn giúp ta phát triển sự tự chủ trong việc tư duy và ra quyết định.

Thứ ba, việc tiếp thu ý kiến của người khác giúp ta mở rộng kiến thức và hiểu biết. Mỗi người đều có những kiến thức và kinh nghiệm riêng. Khi lắng nghe ý kiến của người khác, ta có thể học hỏi từ những kiến thức và kinh nghiệm đó, từ đó nâng cao trình độ và hiểu biết của mình. Việc này không chỉ giúp ta trở nên tự chủ trong suy nghĩ mà còn giúp ta trở thành người có kiến thức sâu rộng và có khả năng đánh giá đúng đắn.

Tóm lại, việc tiếp thu ý kiến của người khác không có mâu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân. Ngược lại, việc lắng nghe ý kiến của người khác là một cách để mở rộng kiến thức, nâng cao nhận thức và phát triển bản thân. Việc này giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về một vấn đề, nhận ra những sai sót và hạn chế của bản thân, cũng như mở rộng kiến thức và hiểu biết.

-/-

Trên đây là gợi ý làm bài và một số bài văn mẫu hay nghị luận Việc tiếp thu ý kiến của người khác có mẫu thuẫn với việc khẳng định tính tự chủ của bản thân? do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM