Trang chủ

Nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

Xuất bản: 05/08/2024 - Tác giả:

Nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam để cảm nhận được những bi kịch đời người

Em muốn chinh phục bài văn nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam? Đừng lo, bài viết này sẽ cung cấp cho các em những bí kíp và gợi ý hữu ích để có thể phân tích, bàn luận tác phẩm này một cách sâu sắc. Từ việc khám phá hình tượng nhân vật đến cảm nhận vẻ đẹp ngôn ngữ tinh tế, tất cả sẽ được hé lộ trong cẩm nang chi tiết này.

Tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Thạch Lam

- Thạch Lam (1910 - 1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân)

- Ông sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút, cha là Nguyễn Tường Nhu, thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông Phán Tòa sứ, mẹ là bà Lê Thị Sâm, người gốc Huế đã ba đời ra Bắc.

- Khi đã đỗ tú tài I, Thạch Lam thôi học để tham gia làm báo trong nhóm Tự Lực văn đoàn cùng hai người anh ruột là Nhất Linh và Hoàng Đạo

- Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh khác là Việt Sinh, Thiện Sỹ.

- Thạch Lam chỉ sống một cuộc đời vỏn vẹn 32 năm trên dương thế vì căn bệnh lao phổi, để lại người vợ trẻ cùng với ba đứa con thơ trong cảnh nghèo.

- Phong cách nghệ thuật: hướng đến cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo, lớp người lao động bần cùng trong xã hội đương thời và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật.

- Quan điểm sáng tác: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người.

- Các tác phẩm chính: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Ngày mới (1939), Quyển sách, Hạt ngọc (1940), Theo dòng (1941), Sợi tóc (1942), Hà Nội băm sáu phố phường (1943)

2. Tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

- Xuất xứ: Văn bản được in trong Tuyển tập Thạch Lam (NXB Văn học, 1998).

- Tóm tắt nội dung chính: Văn bản xoay quanh một lần trở về quê thăm bà của nhân vật Thanh - mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, những hình ảnh quen thuộc hiện lên, và bên cạnh mái tóc của bà, mùi hương hoàng lan nơi vườn và bên tóc mai của Nga khiến chàng trai trẻ xốn xang. Nhưng câu chuyện vẫn khép lại trong cảnh Thanh trở về tỉnh.

- Ý nghĩa nhan đề Dưới bóng hoàng lan: Cây hoàng lan tượng trưng cho không gian quê nhà bình yên, thân thuộc gợi nhắc đến không gian tĩnh lặng, tươi mát, đối lập với cái ồn ào, tấp nập ngoài kia, là nơi các nhân vật thể hiện những tâm tư, tình cảm đời thường hết sức cao đẹp như tình bà cháu, tình yêu lứa đôi.

- Giá trị nội dung: Ca ngợi câu chuyện tình cảm đẹp đẽ giữa Thanh và Nga, những giây phút bình lặng bên gia đình, quê hương thân thuộc, gửi gắm thông điệp mỗi người hãy sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của những điều bình dị quanh mình.

- Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật tả cảnh đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, nhẹ nhàng, thấm thía, ngôi kể thứ ba, có sự dịch chuyển nhiều điểm nhìn.

Dàn ý bài văn nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.

+ Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930 - 1945.

+ “Dưới bóng hoàng lan” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn xuôi Thạch Lam, kể về lần trở về của nhân vật Thanh sau hai năm xa quê.

+ Khái quát vấn đề nghị luận: Giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan".

2. Thân bài

a) Nội dung chính và chủ đề của văn bản

- Nội dung chính: Truyện kể về một lần về quê thăm bà của nhân vật Thanh sau thời gian đi tỉnh làm ăn. Tại ngôi nhà thân thương, những kỉ niệm ngọt ngào ùa về trong tâm trí anh. Sau vài ngày ở nhà, anh trở lại tỉnh để tiếp tục công việc. Vào ngày đi, anh nghĩ mình sẽ trở về thường xuyên.

- Chủ đề: giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi cá nhân.

b) Các nhân vật trong truyện

- Thanh: Tình cảm với bà, quê hương, những kỷ niệm tuổi thơ và tình yêu chớm nở với Lan.

- Bà: Tình yêu thương dành cho cháu, nỗi cô đơn khi tuổi già.

- Nga: Vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của tuổi mới lớn.

c) Phân tích nội dung truyện

* Thanh trở về nhà thăm bà thăm nhà

- Vẻ đẹp trong trẻo, tươi mát của khu vườn cùng sự bình yên của ngôi nhà khiến Thanh:

+ Dịu mát cả người.

+ Cảm thấy mọi ồn ào, tấp nập đều dừng lại sau ngưỡng cửa.

+ Nghẹn ngào, xúc động, mãi mới cất được tiếng gọi "Bà ơi".

-> Tâm trạng thường thấy ở những người con xa quê lâu năm, nay mới có dịp trở về.

- Khi được trở về ngôi nhà của bà với không gian thân thuộc, Thanh lúc nào cũng thấy bình yên và thong thả, bởi với Thanh, căn nhà có thửa vườn này là một nơi mát mẻ và hiền lành, nơi có người bà lúc nào cũng chờ đợi để yêu thương mình.

- Đứng bên người bà có chiếc lưng gầy, còng, Thanh vẫn nhận được sự che chở của bà như hồi tấm bé, dù giờ đây anh trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, cao thẳng.

- Nghe theo lời bà dặn: đi rửa mặt và nghỉ ngơi.

- Khi nhận ra cây hoàng lan, Thanh đã nhớ đến đến câu chuyện của tuổi thơ ngày mà Thanh thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa, ấy là ngày mà cha mẹ Thanh vẫn còn. Thanh nhận ra thời gian trôi qua thật nhanh, cái cây ngày nào giờ đã lớn.

- Lo bà phiền lòng nên khi vừa nghe tiếng bà đi vào, anh đã nằm yên giả vờ ngủ cho tới lúc bà đi ra.

=> Đây là trạng thái của sự hoài niệm ở nhân vật.

* Biểu hiện tình cảm của Thanh và Nga

- Hai nhân vật được miêu tả là hàng xóm, quen thân từ nhỏ, ngay từ nhỏ đã thân mật.

+ Trong suy nghĩ của Thanh, Nga như một người trong nhà thân mật mà chàng sẽ gặp mỗi lúc đi làm xa về.

+ Cuộc nói chuyện giữa Nga và Thanh cũng giản dị, đều là những chuyện vụn vặt (“anh chóng lớn quá”, “tôi vẫn thế chứ chứ”)

+ Thanh có lúc lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình.

- Sự biến đổi trong tình cảm của hai nhân vật: từ thân mật đến mức Thanh lầm tưởng Nga là em gái ruột, đến việc Thanh đã bắt đầu nhìn đôi môi thắm của Nga, đã nhớ đến hai bàn chân xinh xắn của Nga. Còn Nga đã biểu thị trực tiếp tình cảm của mình thông qua xưng hô “anh - em” và câu “em nhớ anh quá”.

- Những biểu hiện tình cảm giữa hai nhân vật gắn liền với hình ảnh hoa hoàng lan:

+ Khi trông thấy bóng cây hoàng lan, Thanh đã nghĩ đến Nga và gọi vui vẻ: “Cô Nga”. Người thiếu nữ cùng vội ngửng đầu và nở nụ cười: “Anh Thanh! Anh đã về đấy à?”

+ Kỷ niệm đáng nhớ là ngày cả hai cùng nhặt hoàng lan rơi: Thanh hỏi cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không, Nga đáp rằng: “Vẫn nhặt đấy. Nhưng không còn ai tranh nữa.”

+ Hai người dẫn nhau xem cây hoàng lan, Thanh như thoảng ngửi thấy hương hoàng lan trên tóc Nga.

+ Trong mùi hoàng lan thoảng thoảng bay, Thanh cầm lấy tay Nga.

- Câu chuyện kết thúc trong cảnh Thanh phải trở về tỉnh và không biết bao giờ mới quay trở về thăm nhà, nhưng đã hé lộ những tiến triển trong tình cảm giữa Thanh và Nga: Thanh đã gửi nhờ chào Nga.

d) Phân tích đặc sắc nghệ thuật

- Ngôn ngữ: Giản dị, tinh tế, giàu chất thơ.

- Giọng điệu: Nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy cảm xúc.

- Cách kể chuyện: Tự nhiên, chân thực, đan xen giữa hiện tại và quá khứ.

- Sử dụng hình ảnh biểu tượng: Cây hoàng lan, ngôi nhà cũ, con đường làng.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan".

- Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.

TOP 3+ mẫu bài nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

"Dưới bóng hoàng lan" là một tác phẩm giàu cảm xúc và mang nhiều tầng ý nghĩa. Để giúp các em hoàn thiện bài văn nghị luận về tác phẩm này, Đọc tài liệu xin gợi ý một số bài văn mẫu hay dùng cho tham khảo:

Nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan bài số 1

Khi nhận xét về Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết rằng: "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc... Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời". Quả đúng là như vậy, đọc trang văn của Thạch Lam, độc giả luôn có cảm giác thư thái và nhẹ nhàng. Trong truyện "Dưới bóng hoàng lan", chúng ta như được đắm mình vào không gian bình dị, thân thuộc, nơi mà ở đó luôn có những người thân yêu chờ ta trở về.

Câu chuyện xoay quanh một lần về thăm nhà của nhân vật Thanh. Thanh đi làm ăn xa trên tỉnh, nay anh mới về thăm bà. Trong khung cảnh bình dị của ngôi nhà, những hình ảnh quen thuộc hiện lên trong tâm trí anh. Dưới bóng hoàng lan, anh nhớ về kỉ niệm ấu thơ khi bên bà. Cũng vào lần về này, anh gặp lại Nga, người bạn thuở thơ ấu. Anh và Nga đã có một mối tình chớm nở. Sau vài ngày ở nhà, anh trở lại tỉnh để tiếp tục công việc. Vào ngày đi, anh nghĩ mình sẽ trở về thường xuyên. Điểm đặc biệt là tác phẩm không có cốt truyện. Dẫu vậy, nó vẫn khiến cho người đọc không thể rời mắt hay bỏ ngang bởi lời văn quá đẹp đẽ và thơ mộng. Văn bản cho thấy giá trị của tình cảm gia đình đối với mỗi cá nhân. Điều này được thể hiện rõ qua cảm nhận của nhân vật Thanh.

Cảm xúc của Thanh khi trở về nhà là tâm trạng của người con đi xa nay được trở về với mái nhà, gia đình thân yêu. Lúc bước vào khu vườn của bà, anh cảm thấy "mát hẳn người". Khung cảnh quê hương hiện lên thật tươi đẹp, thanh bình qua hình ảnh "ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió" cùng "mùi lá non phảng phất". Anh thong thả đi dọc "tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà". Bước lên thềm, nhìn vào nhà, anh thấy "bóng tối dịu và man mát". Khi đã quen rồi, Thanh thấy mọi thứ không có gì thay đổi, vẫn y nguyên như ngày anh đi. Cảnh tượng ấy khiến anh không thể nói thành lời, mãi mới cất được tiếng gọi khẽ "bà ơi". Tất cả đã tạo nên sự khác biệt giữa không gian bên trong và bên ngoài khu vườn. Không gian bên trong là không gian của kí ức ngọt ngào, của tình yêu thương và sự ấm áp. Đó là điều mà không gian xô bồ, hỗn loạn bên ngoài khu vườn không bao giờ có được. Cảm nhận được sự khác biệt ấy, Thanh thấy tâm hồn mình được nâng đỡ, xoa dịu sau những ồn ào, mệt mỏi của đời sống phố thị.

Trong khoảnh khắc gặp lại bà, Thanh như vỡ òa cảm xúc, "Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần". Ở bên bà, anh cảm thấy mình thật nhỏ bé. Dường như, có sự đối lập giữa một bên là dáng người của Thanh còn một bên là cái lưng còng của bà. Tuy nhiên, nó không khiến cho Thanh cảm thấy xa cách, mà trái lại, anh cảm thấy mình được chở che. Mỗi lần trở về, Thanh đều cảm thấy bình yên và thong thả vì anh biết ở nhà luôn có bà chờ mong, "Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng". Dù đã lớn, nhưng trong con mắt của bà, Thanh vẫn là cậu bé ngày nào. Bà vẫn "không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường", "sửa chiếu và xếp lại gối". Trong khoảnh khắc, mùi hương của cây hoàng lan làm anh nhớ lại kí ức thời thơ bé, "Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau". Nghĩ về quá khứ, Thanh thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhõm "như vừa tắm ở suối".

Nỗi xúc động càng trào dâng khi Thanh nhận được tình yêu thương của bà. Biết bà đi vào, anh giả vờ nằm ngủ. Bà tới gần "săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi". Hành động của bà chan chứa biết bao nỗi thương yêu. Thấu hiểu được tình cảm của bà, anh nằm yên, không dám động đậy, chờ cho đến khi bà đi ra. Tình thương vô bờ ấy khiến Thanh "cảm động gần ứa nước mắt". Dòng cảm xúc miên man đan xen giữa quá khứ và hiện tại cho thấy Thanh cũng là một người rất nhạy cảm, tinh tế.

Bên cạnh tình cảm gia đình, ta còn thấy được tình cảm lứa đôi vô tư, trong sáng. Tình cảm của Thanh và Nga cũng có sự pha trộn giữa kỉ niệm đẹp thời thơ ấu với những ngọt ngào, ý nhị của tình yêu. Khi nghe thấy điệu cười quen thuộc, anh "lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao". Bóng cây hoàng lan đã gợi nhắc anh về cô bé Nga ngày trước. Anh không chần chừ "chạy vùng xuống nhà ngang rồi vui vẻ gọi "cô Nga"". Thanh vô tư ăn cơm cùng Nga, có lúc còn lầm tưởng Nga là em ruột của mình. Dẫu vậy, ở Thanh cũng có chút ngại ngùng của người con trai biết yêu. Khi cùng Nga đi dưới bóng hoàng lan, anh "nhớ lại đôi bàn chân xinh xắn, lấm tấm cát" của Nga ngày còn nhỏ rồi bất giác mỉm cười. Dắt Nga đi thăm vườn, Thanh cảm thấy mái tóc Nga thoang thoảng mùi hoàng lan. Nghe thấy câu nói của Nga, Thanh không biết nói gì, vít cành lan ở trong tay để cô tìm hoa. Những ngượng ngùng ấy đã được thổi bùng lên thành cảm xúc thương yêu. Trước hôm về tỉnh, Thanh tiễn Nga ra cổng. Anh đã cầm lấy tay Nga và để yên trong tay mình. Trong khoảnh khắc ấy, Thanh cảm thấy có điều gì đó dịu ngọt trong tâm hồn.

Có lẽ, nỗi bâng khuâng, lưu luyến của nhân vật được thể hiện rõ nhất khi Thanh lên tỉnh. Anh không đi ngay mà ngoảnh lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Anh thấy nửa vui nửa buồn. Anh biết rằng căn nhà vẫn ở đó, vẫn có hình dáng bà thân thuộc mong ngóng anh. Thanh còn nghĩ đến cả Nga, "biết rằng Nga vẫn sẽ đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước".

Hình ảnh cây hoàng lan trở đi trở lại trong văn bản chứa đựng nhiều ý nghĩa. Hình ảnh này có thể hiểu là hình ảnh cây hoàng lan trong vườn, cũng có thể hiểu là hình ảnh người bà tảo tần, giàu tình yêu thương. Bà cũng như cây hoàng lan, tỏa bóng che chở cho cháu, che chở cho cả mối tình đầu tiên giữa cháu và cô bé Nga cạnh nhà. Hoàng lan chứng kiến sự trưởng thành của hai đứa như bà trông thấy cháu trưởng thành, lớn khôn trong vòng tay yêu thương.

Với ngôn từ tinh tế, lối kể chuyện nhẹ nhàng, giọng văn tha thiết, dịu dàng, cùng sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại, Thạch Lam đã đưa người đọc trở về tuổi thơ tươi đẹp với người bà ấm áp và hình ảnh quê hương thân thuộc. Tác phẩm như một lời nhắc nhẹ nhàng đối với những đứa con xa nhà lâu ngày chưa trở về thăm quê.

Nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan bài số 2

Thạch Lam là một cây bút được coi là hàng đầu của văn xuôi Việt Nam. Thạch Lam đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có tác phẩm “dưới bóng hoàng lan”. tác phẩm là truyện ngắn không có cốt truyện. Nó không kể một câu chuyện mà nó gợi sâu suy nghĩ. Thời gian đọng lại không gian tĩnh lặng hé lộ kín đáo bi kịch đời người màn người đọc phải cảm nhận kĩ mới cảm nhận được. Đó chính là cái thú vị cái đặc sắc của tác phẩm

Chuyện kể về một chàng trai mồ côi cha mẹ… một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Có phải đời sống thị thành đã nhiều lúc khiến Thanh quên rằng người bà tóc bạc phơ đang sống những ngày cuối cùng trong đời mỏi mắt trông chờ anh? Đáp lại tiếng gọi bà ơi, một cái bóng nhẹ từ bên trong vụt ra rơi xuống mặt bàn anh chàng định thần nhìn con mèo của nhà anh chàng. Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mèo “Bà mày đâu”.

Cũng như bao lần Thanh trở lại ngôi nhà cũ nhưng dường như ngôi nhà thân thuộc ấy phần nào lại khiến cho anh chàng cảm thấy hồi hộp bồi hồi đến kì lạ khiến chàng thấy cảm động quá. Chốn Thanh về mọi thứ đều già cỗi và không đổi. Thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Trong cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa, một hình ảnh tươi mát hiện lên. Khu vườn xưa hiện lên trước mắt anh chàng với con đường Bát Tràng rêu phủ với những vòm ánh sáng lọt qua vòm cây với bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà với cả một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Tất cả hiện lên trước mắt chàng thanh niên vốn quen thuộc nhưng lại rất mát mẻ và dịu dàng đối với người anh đến lạ thường. Và hình ảnh những cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng cũng khiến chàng thanh niên trẻ xốn xang và hơi dao động phần nào. Chàng cảm thấy không gian náo nhiệt ồn áo ngoài kia như đang dừng lại trên bậc cửa. Về quê sao ta có một cảm giác thanh bình yên ổn đến thế, ta dường như không còn vướng bận bất cứ điều gì của cuộc sống nhộn nhịp ngoài kia mà chỉ còn biết thả hồn vào thiên nhiên và cảnh vật. Có lẽ chính bởi:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi”

Quê hương trong tâm hồn chàng trai Thanh chính là nơi mát mẻ tu dưỡng tâm hồn chàng. Đối với một số người về thăm quê hương như là một nghĩa vụ thì đối với một người thanh niên trẻ như Thanh thì mỗi phút giây được về với quê hương chính là những phút giây khiến chàng bình yên thanh nhản nhất của cuộc đời. Tránh xa cuộc sống ồn ào của nơi đô thị náo nhiệt, chàng thanh niên luôn mong muốn được về với quê hương với bến bờ hạnh phúc trong tâm hồn anh ấy. Về quê hương anh nhớ lắm hình ảnh về bà và cả cô bé Nga hàng xóm. Đó là hình ảnh cô bé Nga hồn nhiên vui tươi. Có lẽ chính chàng đang tự hỏi liệu đã phải là tình yêu chưa khi cô Nga nói khe khẽ: "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá".

Văn Thạch Lam đặc biệt hay ở những lời thân thương vô cùng giản dị như thế của con người. Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Và trong đêm khuya khi sắp chia tay: Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình, Nga cũng đứng lên yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay khẽ nói: Thôi, em về. Và có lẽ anh nhớ nhất là những kỉ niệm về người bà dấu yêu chàng khẽ gọi bà “bà ơi” và hình ảnh bà bắt đầu xuất hiện rồi in dần vào trong mắt người cháu nhớ bà da diết. Bà xuất hiện dưới dàn hoa thiên lí với mái tóc bạc phơ chống gậy trúc. Bà của Thanh đây bà thật hiền từ và nhân hậu hỏi cháu đầy yêu thương “cháu đã về đấy ư” và nhắc nhở cháu đầy hiền từ “đi vào trong nhà không nắng cháu”. Bà yêu thương cháu quá coi cháu vẫn như cậu be thủa nào non nớt cần sự che chở của bà. Đọc những câu thơ này khiến ta như muốn được ùa vào lòng bà nghe những lời yêu thương của bà khiến ta như đang được trở về với tuổi thơ với quê hương thân thương

Có cái gì đó như sự đối lập giữa cái dáng đi thẳng thắn của Thanh và dáng đi khom khom của bà. Nhưng sự đối lập ấy không khiến thanh cảm thấy có sự xa cách mà hơn nữa anh còn cảm thấy như đang được bà che chở vào lòng khiến anh cảm thấy thật nhẹ nhõm. Thanh vào nhà ngủ bà vẫn chăm sóc anh từng li từng tí anh giả vờ ngủ để được sự chăm sóc của bà, Thanh không dám động đậy để tận hưởng được cái yêu thương cái tình thương của bà mà anh ít khi được hưởng. Chàng cứ nhắm mắt như vậy hưởng thụ làn gió mát lành từ cánh tay bà đem lại. Tuy nhiên một nhà văn lớn như Thạch Lam không bao giờ lại cất công viết một cái gì vô thưởng vô phạt. Chắc chắn ông viết Dưới bóng hoàng lan bởi ông cảm thấy một cái gì đó, một cái gì đó không thấy được và không hiểu được nhưng rõ ràng là đang ập tới, đã cận kề những tháng ngày dường như là cực kỳ tĩnh lặng của buổi đương thời cuộc đời ông. Vì vậy nỗi buồn của Dưới bóng hoàng lan thực ra là nỗi đau thương, một nỗi đau thương âm thầm, một niềm tiên cảm về cuộc đời tác giả và cả hoàn cảnh của đất nước nữa những năm tháng sau đó.

Thật sự là nỗi đau buồn, dù rằng không thể nhận thấy. Tới cổng, Thanh còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Bác Nhân nhanh nhảu cầm đỡ va ly cho chàng. Thanh dặn khẽ: Bảo tôi có lời chào cô Nga nhé. Mối tình không ngỏ lời, không tiễn đưa, không gặp được nhau lần cuối. Tất cả đều trở thành những mảnh trời xanh tan tác. Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với mảnh trời xanh tan.

Ngoài ra, chất thơ trong truyện ngắn “Dưới bóng Hoàng Lan” còn được thể hiện qua những hình ảnh mang tính chất biểu tượng trữ tình - hình ảnh cây Hoàng Lan. Hình ảnh này ta có thể hiểu đó là hình ảnh của cây Hoàng Lan nơi vườn nhà Thanh nhưng cũng có thể hiểu đó chính là hình ảnh người bà của chàng. Bà thương cháu tha thiết vì đứa cháu tội nghiệp không được như người, đã mất cả cha lẫn mẹ. Bà như cây lan thoang thoảng chở che cho chàng mỗi khi chàng trở lại nhà mình, trở lại khu vườn đầy ắp kỉ niệm của mình. Bà lặng lẽ che chở, rủ bóng mát xuống đời cháu nha Hoàng Lan đã rủ bóng, lặng lẽ đem hương thơm đến bên chàng lúc chàng đi xa về. Bà chính là cây Hoàng Lan che chở cho cả mối tình đầu tiên của Thanh và Nga. Lan chứng nhân cho tuổi thơ của hai người cũng giống như bà đã trông thấy cháu lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của mình.

Tác phẩm như đưa ta về với tuổi thơ với người bà ấp áp với hình ảnh quê hương gần gũi đậm đà thân thương. Tác phẩm khiến người đọc nhớ thêm về quê hương nơi có những kỉ niệm gắn với tuổi thơ ta.

Nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan bài số 3

Giữa bộn bề ngột ngạt của cuộc sống xô bồ, tìm về với những áng văn Thạch Lam viết về thiên nhiên thơ mộng trữ tình, ta thấy lòng nhẹ nhõm và bình yên đến lạ! Bức tranh quê trong đa số tác phẩm truyện ngắn Thạch Lam, luôn chứa đựng những gì tinh khôi và đẹp đẽ nhất, Thạch Lam là một cây bút được coi là hàng đầu của văn xuôi Việt Nam. Thạch Lam đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị trong đó có tác phẩm Dưới bóng hoàng lan. Tác phẩm là truyện ngắn không có cốt truyện, không kể một câu chuyện mà nó gợi sâu suy nghĩ. Thời gian đọng lại không gian tĩnh lặng hé lộ kín đáo bi kịch đời người mà người đọc phải cảm nhận kĩ mới cảm nhận được. Đó chính là cái thú vị cái đặc sắc của tác phẩm.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Thanh mồ côi cha mẹ, sống cùng bà, hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, tuổi thơ của Thanh tuy đầy sự vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự chở che của người bà. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ nhưng lần trở về này đã cách kỳ trước hai năm. Có phải đời sống thị thành đã nhiều lúc khiến Thanh quên rằng người bà tóc bạc phơ đang sống những ngày cuối cùng trong đời mỏi mắt trông chờ anh, đáp lại tiếng gọi bà ơi một cái bóng nhẹ từ bên trong vụt ra rơi xuống mặt bàn anh chàng định thần nhìn con mèo của nhà anh chàng. Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”. Tuy đã xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê, với Thanh ngôi nhà ấy vẫn như ngày nào vậy, tựa như tình yêu thương nơi người bà “…cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Ngôi nhà thân thuộc ấy phần nào lại khiến cho anh chàng cảm thấy hồi hộp bồi hồi đến kì lạ khiến chàng thấy cảm động quá.

Đọc tác phẩm, người đọc có thể thấy ở Thanh toát lên một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà hơn cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Mỗi lần về thăm quê, Thanh đều có cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên. Thanh cảm thấy thời gian như quay ngược lại, không gian đứng lặng, phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ. Các trang văn của Thạch Lam luôn vậy, nhẹ nhàng, giản dị nhưng lại có sức lay động đến bình dị đến vậy. Theo bước chân của Thanh, người đọc như được hòa nhập làm một với nhân vật, được ngắm nhìn khung cảnh bình yên và thong thả của chốn xưa. Câu văn ngắn gọn mà chan chứa tình cảm của bà “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đã khiến cho người đọc thấy xúc động khôn nguôi, sự quan tâm dù rất nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tình cảm, tấm lòng bao la của người bà đối với Thanh, luôn quan tâm đến cháu từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Trở về thăm nhà sau hai năm xa quê, gặp lại bà, được nhận những yêu thương, quan tâm của bà, Thanh có cảm giác như được trở về với tuổi thơ khi còn nhỏ “…tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng”.

Hình ảnh người bà tuy xuất hiện không hẳn nhiều nhưng chỉ với vài chi tiết, những hành động, những lời nói quan tâm của bà dành cho Thanh, ta cũng có thể cảm nhận được trọn vẹn tình cảm bao la của người bà. Từ lời quan tâm “Đi vào trong nhà không nắng cháu” đến lời thúc giục cháu đi rửa mặt rồi nghỉ ngơi “Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?…”. Bà sợ cháu đi đường xa về mệt, bà sửa gối chiếu, dùng phất trần để phủi bụi trên giường, bà giục cháu nghỉ ngơi còn mình thì xuống bếp nấu ăn vì sợ cháu đói. Đối với Thanh khi ở bên bà lúc nào cũng có cảm giác được che chở, được quan tâm thì đối với bà, người cháu dù có lớn khôn đến đâu thì với bà lúc nào cũng là một đứa nhỏ cần được yêu thương, chăm sóc: “…Ở đấy, bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng”. Hình ảnh người bà đã thể hiện trọn vẹn chất thơ trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, khiến người đọc thấy cảm động trước tình cảm gia đình - tình bà cháu thiêng liêng.

Không gian trong truyện ngắn cũng được Thạch Lam thành công miêu tả một cách sống động, hình ảnh khu vườn xưa hiện lên trước mắt Thanh với con đường Bát Tràng rêu phủ với những vòm ánh sáng lọt qua vòm cây với bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà với cả một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Một khu vườn với cây hoàng lan vốn quen thuộc nhưng lại rất mát mẻ và dịu dàng đối với Thanh đến lạ thường. Và trong không gian bóng hoàng lan ấy, hình ảnh những cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng cũng khiến Thanh hơi dao động phần nào. Chàng cảm thấy không gian náo nhiệt ồn ào ngoài kia như đang dừng lại trên bậc cửa.

Hình ảnh cây hoàng lan xuyên suốt câu truyện gắn với những kỉ niệm khi xưa của Thanh và cũng là nhân chứng cho tình yêu trong sáng của đôi trẻ Thanh - Nga. Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Thạch Lam đã đưa chất thơ vào thể hiện sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, đó cũng chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù cho tình yêu của Thanh và Nga có chưa đầy sự gian khổ, khó khăn khi Thanh một lần nữa phải lên đường thì nó vẫn bền vững như ngày nào dưới sự chứng kiến của cây hoàng lan, Nga vẫn sẽ đợi Thanh, vẫn sẽ hái hoa hoàng lan cài lên tóc mỗi mùa hoa nở như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời. Đọc truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, người đọc không chỉ cảm thán bởi tình cảm gia đình, tình bà cháu hay tình yêu đôi lứa của Thanh và Nga mà còn thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà đầy chất trữ tình.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý của Đọc tài liệu cho bài văn nghị luận về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan có kèm theo một số bài văn mẫu hay. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM