Trang chủ

Nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù

Xuất bản: 02/08/2024 - Tác giả:

Nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù, phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để mở ra cái nhìn mới về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thiện

Cái đẹp và cái thiện, hai giá trị tưởng chừng như đối lập, lại hòa quyện một cách kỳ diệu trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù để khám phá sâu hơn vẻ đẹp độc đáo này, cũng như thể hiện khả năng cảm thụ văn học của mình. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các em hướng dẫn chi tiết, từ việc tìm hiểu bối cảnh sáng tác, phân tích nội dung cho đến trình bày một bài văn nghị luận hoàn chỉnh về tác phẩm "Chữ người tử tù".

Tìm hiểu khái quát về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Nguyễn Tuân

- Nguyễn Tuân (1910 - 1987) sinh ra ở phố Hàng Bạc trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn

- Quê quán: thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

- Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929).

- Ông từng bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan không có giấy phép.

- Ra tù, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách từ khoảng đầu những năm 1935 nhưng từ 1938 mới nổi tiếng với các tác phẩm như Vang bóng một thời, Một chuyến đi...

- Năm 1941, sau khi bị bắt giam một lần nữa, ông đã gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị, sau đó ông tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới.

- Ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1957.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông", ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại mà ông gọi là Vang bóng một thời.

+ Sau Cách mạng tháng Tám, ông tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ và còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả nhân dân đại chúng.

- Các tác phẩm chính:

+ Trước cách mạng tháng Tám: các tùy bút Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tàn đèn dầu lạc (1941),..., Ngọn đèn dầu lạc (phóng sự, 1939), Vang bóng một thời (tập truyện ngắn, 1940),...

+ Sau cách mạng tháng Tám: các tùy bút Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972),..., Nguyễn (tập truyện ngắn, 1945), Chùa Đàn (tiểu thuyết, 1946), Chú Giao làng Seo (truyện thiếu nhi, 1953),...

2. Tác phẩm truyện Chữ người tử tù

- Xuất xứ: Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời (1940) - văn phẩm đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ gồm 11 truyện ngắn kết tinh tài năng tâm huyết của nhà văn.

- Hoàn cảnh sáng tác: Chữ người tử tù là kết quả của cuộc tìm kiếm, suy ngẫm về một nhân vật cách mạng lý tưởng của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông lựa chọn hoàn cảnh éo le để làm nổi lên vẻ đẹp bên trong con người cách mạng hào hoa không thể bị hoàn cảnh đàn áp.

- Bối cảnh xã hội: Đây là giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám, khi xã hội Việt Nam còn chịu nhiều áp bức, bất công dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đầy rẫy những mâu thuẫn, xung đột giữa các tầng lớp, đặc biệt là giữa những người yêu nước, cách mạng với chính quyền thực dân. Văn học thời kỳ này mang đậm tính hiện thực phê phán, phản ánh hiện thực xã hội đen tối, đồng thời thể hiện khát vọng tự do, độc lập của dân tộc. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh xã hội đầy biến động, chiến tranh, loạn lạc, nhưng Nguyễn Tuân vẫn hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp, những vẻ đẹp tuyệt đối.

- Tóm tắt Chữ người tử tù những nội dung chính: Huấn Cao vốn là một nhà nho có tài viết chữ nhanh và đẹp, nhưng vì chống lại triều đình mà trở thành tử tù. Trước ngày bị xử tử, Huấn Cao bị giải đến nhà ngục nơi có viên cai ngục và thầy thơ lại, những người rất hâm mộ tài viết chữ của Huấn Cao. Trong những ngày bị giam ở đây, Huấn Cao được viên quản ngục và thầy thơ lại đối đãi rất tốt. Khi viên quản ngục nhận được tin ngày xử tử Huấn Cao đã tới gần, ông liền cùng thầy thơ lại vào nhà ngục để hoàn thành tâm nguyện là xin Huấn Cao cho chữ. Huấn Cao vì cảm mến thái độ "biệt nhỡn liên tài" và tấm lòng yêu cái đẹp của viên quản ngục nên đã đồng ý cho chữ.

- Các nhân vật chính:

+ Huấn Cao: một tử tù có tâm hồn nghệ sĩ, có tài viết thư pháp, được cho là dựa trên nguyên mẫu Nguyễn Cao.

+ Viên quản ngục: người quản ngục nhưng có lòng yêu quý tài năng của Huấn Cao.

3. Một số nhận định, đánh giá hay về tác phẩm Chữ người tử tù

“Chữ người tử tù kết thúc bằng một bức tranh ầy ấn tượng. Người ta thường đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu: “Người đi tìm cái đẹp”. Nhưng thế nào là đẹp? Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những gì đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ. Bức tranh kết thúc Chữ người tử tù quả là đã gây được ấn tượng mạnh mẽ đúng như yêu cầu thẩm mỹ của Nguyễn Tuân. Thủ pháp đối lập được nhà văn khai thác triệt để đã tạo ra ấn tượng đó: Đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đối lập giữa cái đẹp và sự nhơ bẩn, đối lập giữa thiên lương và tội ác.”

(Nguyễn Đăng Mạnh)

Viết về dĩ vãng xa xăm, Nguyễn Tuân thường tạo cho câu văn có nhịp điệu đĩnh đạc, thong thả, từ tốn; đọc vội cứ tưởng rề rà, diễn đạt quá ư cầu kì. Nhưng nghiền ngẫm cho kĩ mới thấy nhịp điệu cũng như kết cấu câu văn của Nguyễn Tuân đã có hiệu quả không nhỏ góp phần gợi không khí cho truyện, và tạo một nhạc điệu hài hòa, “phục chế” lại nhịp sống chậm rãi, đầy nghi lễ, với tôn ti trật tự của một thời ngưng đọng đã qua.”

(Hà Bình Trị)

“Đoạn văn chứa đầy mơ ước thiết tha của Nguyễn Tuân sở dĩ gọi thức tâm linh người đọc, cũng bởi cả ba nhân vật, tuy ở các vị trí xã hội xa cách nhau nhưng lại có khả năng bổ sung phẩm tính cho nhau ấy, đều là những mảnh hồn của tác giả say đắm hóa thân: tam vị nhân vật, nhất thể. Bút pháp đoản thiên tiểu thuyết phong cách điêu khắc của Nguyễn dựng nên nhóm tượng đài Thiên lương – Tam vị nhất thể sáng láng này dường như muốn tạo tác một biểu hiện làm đối chứng với cái hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tồi tệ hiện hữu trước mắt tác giả.”

(Văn Tâm)

“Họ đang sống theo tiếng gọi của Cái Đẹp. Họ đang đem những gì đẹp đẽ nhất cao cả, cao quí nhất để dành cho nhau. Họ không sống theo vị thế và chức phận mà thể chế kia định đoạt. Không còn ngục quan. Không còn tội phạm. Chỉ còn những người bạn những tri kỉ tri âm đang qui tụ quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Cái đẹp đã phế bỏ cái trật tự mà xã hội sắp đặt ở chốn nhà tù để thiết lập một trật tự khác. Trật tự phận vị đã được thay thế bằng trật tự nhân văn. Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra không chỉ có quyền lực của Cái Chết, quyền lực của Cái Gông mà còn có quyền lực của Cái Đẹp. Cái đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế.”

(Chu Văn Sơn)

Lập dàn ý bài văn nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam.

Chữ người tử tù là một tác phẩm độc đáo với bối cảnh hấp dẫn và những tình huống khác biệt, tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông.

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: có thể là vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao, sự đối lập giữa cái đẹp và cái xấu, quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân...

2. Thân bài

Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân:

a) Tóm tắt nội dung

- Huấn Cao là một người có tài viết chữ rất đẹp nhưng do ông chống lại triều đình nên đã bị kết án tử hình.

- Khi bị giam tại nhà giam, Huấn Cao đã gặp viên quản ngục - một người rất mê tài viết chữ của Huấn Cao và muốn xin chữ của ông Huấn Cao để treo trong nhà.

- Huấn Cao được viên quản ngục biệt đãi nhưng ông vẫn tỏ ra dửng dưng. Sau khi ông hiểu ra tấm lòng của viên quản ngục đã quyết định cho chữ và khuyên người như viên quản ngục nên về quê sống để giữ "thiên lương cho lành vững".

b) Phân tích, đánh giá chủ đề của truyện

- Chủ đề: Quan niệm về cái đẹp và cái thiện của nhà văn Nguyễn Tuân đó là "cái đẹp không thể chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác".

- Chủ đề được thể hiện rõ qua cuộc gặp gỡ éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục.

c) Tình huống truyện

- Không gian: nhà tù. Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.

- Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.

- Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống:

+ Cuộc gặp gỡ khác thường nơi tối tăm ngục tù của hai con người khác thường.

+ Hai số phận hoàn toàn trái ngược nhau: họ là tri kỉ trong nghệ thuật nhưng là kẻ thù trong địa vị xã hội.

=> Tình huống truyện trong Chữ người tử tù là một tình huống vô cùng éo le và độc đáo.

d) Nhân vật trong truyện

- Nhân vật Huấn Cao:

+ Một người nghệ sĩ tài hoa: có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”

+ Thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.

+ Khí phách hiên ngang bất khuất, không khuất phục trước cường quyền.

+ Nhân cách, thiên lương cao cả.

- Nhân vật viên quản ngục:

+ Có một tấm lòng biệt nhỡn liên tài: dũng cảm biệt đãi Huấn Cao, luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường với Huấn Cao,...

+ Khát khao và trân trọng cái đẹp: mong ước “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết, nếu như không xin được chữ ông Huấn thì “ân hận suốt đời mất”.

e) Đánh giá đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm

- Tình huống truyện độc đáo.

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật ấn tượng.

- Sử dụng thành công thủ pháp đối lập, tương phản.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề đã nghị luận.

- Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.

>>> Xem lại nội dung soạn bài Chữ người tử tù để có thêm những luận điểm, luận cứ và dẫn chứng chi tiết cho bài văn

Một số bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù

Dưới đây là những bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn dành cho các em tham khảo để nắm được cách trình bày cũng như có thêm những ý văn hay, mở rộng vốn từ trước khi viết bài.

Nghị luận về Chữ người tử tù bài văn mẫu số 1

Vẻ đẹp bất khuất của cái đẹp và cái thiện trong Chữ người tử tù

Nguyễn Tuân, một cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam, được biết đến với phong cách nghệ thuật độc đáo và sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông, "Chữ người tử tù" là một truyện ngắn đặc sắc, chứa đựng những giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc.

Truyện ngắn kể về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Huấn Cao, một tử tù nổi tiếng với tài viết chữ đẹp và viên quản ngục, một người có tâm hồn nghệ sĩ nhưng lại bị trói buộc bởi cương vị và hoàn cảnh. Trong không gian tăm tối của nhà tù, giữa hai con người tưởng chừng đối lập ấy lại nảy sinh một sự đồng điệu về tâm hồn, một sự trân trọng lẫn nhau về tài năng và nhân cách.

Huấn Cao, dù mang thân phận tử tù, vẫn giữ được khí phách hiên ngang, bất khuất của một bậc trượng phu. Ông không chỉ là một người nghệ sĩ tài hoa, mà còn là một người có tấm lòng nhân hậu, biết trân trọng cái đẹp và cái thiện. Viên quản ngục, dù bị ràng buộc bởi bổn phận và luật lệ, vẫn khao khát được tiếp xúc với cái đẹp, cái thiện. Ông ngưỡng mộ tài năng của Huấn Cao và tìm mọi cách để có được chữ viết của ông.

Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục là một cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn đồng điệu, cùng hướng tới cái đẹp và cái thiện. Trong không gian tăm tối của nhà tù, ánh sáng của cái đẹp và cái thiện vẫn tỏa sáng rực rỡ. Huấn Cao đã để lại cho viên quản ngục một bức chữ tuyệt tác, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một lời nhắn nhủ về sự bất tử của cái đẹp và cái thiện.

Tác phẩm đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao, một người anh hùng với khí phách hiên ngang, bất khuất. Ông là hiện thân của cái đẹp và cái thiện, là biểu tượng của sự phản kháng trước cái xấu, cái ác. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng khắc họa thành công hình tượng viên quản ngục, một người có tâm hồn nghệ sĩ nhưng bị trói buộc bởi hoàn cảnh. Ông là đại diện cho những người có khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện nhưng bị kìm hãm bởi những ràng buộc của xã hội.

Thông qua câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã gửi gắm thông điệp về sự bất tử của cái đẹp và cái thiện. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, cái đẹp và cái thiện vẫn luôn tồn tại và tỏa sáng. Tác phẩm cũng là một lời khẳng định về sức mạnh của nghệ thuật, nghệ thuật có thể vượt qua mọi rào cản để kết nối những tâm hồn đồng điệu.

"Chữ người tử tù" là một tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc. Tác phẩm đã thành công trong việc khắc họa những hình tượng nhân vật sống động, mang đậm tính nhân văn. Thông qua câu chuyện đầy cảm động về cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã gửi gắm thông điệp về sự bất tử của cái đẹp và cái thiện, đồng thời khẳng định sức mạnh của nghệ thuật trong việc kết nối những tâm hồn đồng điệu.

Nghị luận về Chữ người tử tù bài văn mẫu số 2

Nguyễn Tuân, một cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam, được biết đến với phong cách nghệ thuật độc đáo, sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và cái tôi cá nhân mạnh mẽ. "Chữ người tử tù" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông, khắc họa thành công vẻ đẹp bất khuất của cái tài, cái tâm trong bối cảnh xã hội đầy biến động.

Tác phẩm lấy bối cảnh nhà tù thời phong kiến, nơi cái xấu, cái ác ngự trị. Nhân vật chính là Huấn Cao, một tử tù nổi tiếng với tài viết chữ đẹp và khí phách hiên ngang. Dù bị giam cầm trong ngục tối, Huấn Cao vẫn giữ được phẩm giá và lòng tự trọng của một bậc trượng phu. Ông không khuất phục trước quyền lực, không sợ hãi trước cái chết, mà luôn giữ vững tinh thần bất khuất, kiên trung.

Viên quản ngục, một nhân vật tưởng chừng như đối lập với Huấn Cao, lại là người hâm mộ tài năng của ông. Viên quản ngục đại diện cho những con người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp nhưng bị tha hóa bởi môi trường sống. Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục là một trong những điểm sáng của tác phẩm, thể hiện sự giao thoa giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác.

"Chữ người tử tù" không chỉ là câu chuyện về tài năng viết chữ của Huấn Cao, mà còn là bài ca về vẻ đẹp của tâm hồn, về sự bất khuất của con người trước những nghịch cảnh. Cái đẹp trong tác phẩm không chỉ là vẻ đẹp của chữ viết, mà còn là vẻ đẹp của nhân cách, của lòng tự trọng, của khát vọng tự do. Tác phẩm còn là lời tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, đã chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của con người. Đồng thời, tác phẩm cũng là lời khẳng định sức mạnh của cái đẹp, của nghệ thuật có thể vượt qua mọi rào cản để tỏa sáng.

Bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và giàu chất thơ, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, một con người tài hoa, khí phách, bất khuất trước cái chết. Tác phẩm còn mang đến cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc về giá trị của cái đẹp, của nhân cách và ý chí của con người.

"Chữ người tử tù" là một tác phẩm văn học có giá trị nhân văn sâu sắc, đã và đang được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh về xã hội phong kiến, mà còn là một bài học về cuộc sống, về cách sống và ứng xử của con người trong mọi hoàn cảnh.

Nghị luận về Chữ người tử tù bài văn mẫu số 3

Nguyễn Tuân được đánh giá là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, ông có vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước Cách mạng ông thoát li hiện thực, tìm về một thời vang bóng, tập Vang bóng một thời chính là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến Chữ người tử tù với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã truyền thống.

Chữ người tử tù được in trong tập Vang bóng một thời xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên Dòng chữ cuối cùng, sau in thành sách đổi thành Chữ người tử tù. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử tù, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.

Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

Ở Huấn Cao, ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.

Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù - môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về bi kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù - Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.

Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra,… viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.

Qua phân tích tác phẩm Chữ người tử tù, ta thấy Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đặc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Nghị luận về Chữ người tử tù bài văn mẫu số 4

"Chữ người tử tù": Bản giao hưởng của cái đẹp và nhân cách

Nguyễn Tuân, một nghệ sĩ tài hoa với ngòi bút sắc sảo và tâm hồn lãng mạn, đã khắc họa nên một bức tranh tuyệt đẹp về sự giao thoa giữa cái đẹp và nhân cách trong truyện ngắn "Chữ người tử tù". Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện về tài năng thư pháp, mà còn là một bản anh hùng ca về sự chiến thắng của cái đẹp trước bóng tối của xã hội đương thời.

Truyện ngắn xoay quanh hai nhân vật chính: Huấn Cao, một tử tù nổi tiếng với tài viết chữ đẹp và viên quản ngục, một người có tâm hồn yêu cái đẹp nhưng lại bị giam hãm trong môi trường tù ngục đầy rẫy sự tàn ác. Sự gặp gỡ giữa hai con người tưởng chừng như đối lập này đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, đầy kịch tính và giàu ý nghĩa.

Huấn Cao, dù mang thân phận tử tù, nhưng lại là hiện thân của cái đẹp và cái tài. Ông không chỉ có tài viết chữ đẹp mà còn là một người có khí phách hiên ngang, bất khuất trước cường quyền. Viên quản ngục, tuy là người đại diện cho pháp luật, nhưng lại bị chinh phục bởi vẻ đẹp của Huấn Cao, bởi tài năng và nhân cách cao thượng của ông.

Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và giàu chất tạo hình để khắc họa vẻ đẹp của nhân vật và không gian nghệ thuật. Cảnh cho chữ trong nhà ngục được miêu tả tỉ mỉ, sống động, tạo nên một không khí trang nghiêm, thiêng liêng, đối lập hoàn toàn với khung cảnh tù đày tối tăm. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng được trau chuốt, thể hiện rõ tính cách và tâm hồn của từng người.

Tác phẩm "Chữ người tử tù" không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa hai con người, mà còn là một bản giao hưởng về cái đẹp, cái tài và nhân cách cao thượng. Nguyễn Tuân đã khẳng định rằng cái đẹp có thể tồn tại ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, và cái đẹp có sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh lương tri con người. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Tuân cũng gửi gắm quan niệm về cái đẹp của mình: cái đẹp không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách. Cái đẹp chân chính là cái đẹp hài hòa giữa tài và tâm, giữa hình thức và nội dung.

"Chữ người tử tù" là một tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, mang đến cho người đọc những suy ngẫm về cuộc sống, về con người và về những giá trị cao đẹp. Tác phẩm đã vượt qua thử thách của thời gian, trở thành một viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam.

Nghị luận về Chữ người tử tù bài văn mẫu số 5

Truyện "Chữ người tử tù" rút trong tập "Vang bóng một thời", một giai phẩm chưa đầy 2.500 chữ nhưng hàm chứa một dung lượng lớn. Chỉ có ba nhân vật và ba cảnh: Quản ngục và viên thơ lại đọc công văn nói về tử tù Huấn Cao, Huấn Cao bị giải đến và sự biệt đãi của ngục quan đối với tử tù, cảnh Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục. Cảnh nào cũng hội tụ cả ba nhân vật này.

Viên thơ lại là kẻ giúp việc giấy tờ cho ngục quan, một con người sắc sảo và có tâm điền tốt. Mới đọc công văn và nghe ngục quan nói về Huấn Cao, y đã biểu lộ lòng khâm phục: "thế ra y văn võ đều có tài cả, chà chà". Sau đó lại bày tỏ lòng thương tiếc: "... phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy thương tiếc". Sau nhiều lần thăm dò, thử thách, ngục quan đánh giá viên thư lại: "có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết yêu mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình". Suốt nửa tháng tử tù ở trong buồng tối vẫn được viên thơ lại gầy gò "dâng rượu và đồ nhắm". Y đã trở thành kẻ tâm phúc của ngục quan. Sau khi nghe tâm sự của ngục quan "muốn xin chữ tử tù", viên thư lại sốt sắng nói: "Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi" rồi y chạy ngay đến trại giam đấm cửa thùm thùm gặp Huấn Cao. Nhờ y mà ngục quan xin được chữ tử tù. Trong cảnh cho chữ, viên thơ lại "run run bưng chậu mực". Đúng y là một người "biết yêu mến khí phách, biết tiếc, biết trọng người có tài". Nhân vật thơ lại chỉ là một nét phụ nhưng rất thần tình, góp phần làm rõ chủ đề tác phẩm.

Ngục quan là một khách tài tử chọn nhầm nghề. Giữa bọn người tàn nhẫn, lừa lọc thì ngục quan lại có "tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay" chẳng khác nào "một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ". Lần đầu gặp Huấn Cao trong cảnh nhận tù, ngục quan có "lòng kiêng nể", "lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao". Suốt nửa tháng trời, ngục quan bí mật sai viên thơ lại dâng rượu và đồ nhắm cho tử tù - Huấn Cao và các đồng chí của ông. Lần thứ hai, y gặp Huấn Cao, nhẹ nhàng và khiêm tốn "muốn châm chước ít nhiều" đối với tử tù, nhưng đã bị ông Huấn miệt thị nặng lời, gần như xua đuổi, nhưng ngục quan vẫn ôn tồn, nhã nhặn "xin lĩnh ý" rồi lui ra.

Ngục quan là một nhà nho "biết đọc đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền", suối đời chỉ ao ước một điều là "có một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do ông Huấn Cao viết". Ngục quan đang sống trong bi kịch: y tâm phục Huấn Cao là một người chọc trời quấy nước nhưng lại tự ti, "cái thứ mình chỉ là một kể tiểu lại giữ tù". Viên quản ngục khổ nhất là "có một ông Huấn Cao trong tay mình, mà không biết làm thế nào mà xin được chữ". Là quản ngục, nhưng lại không can đảm giáp mặt tử tù vì y cảm thấy Huấn Cao, "cách xa y nhiều quá". Tử tù thì ung dung, trái lại, ngục quan lại lo "mai mốt đây, ông Huấn Cao bị hành hình mà chưa xin được mấy chữ thì ân hận suốt đời mất".

Bi kịch ấy cho thấy tính cách quản ngục là một con người biết phục khí tiết, biết quý trọng người tài và rất yêu cái đẹp. Y yêu chữ Huấn Cao, chứng tỏ y có một sở thích cao quý. Vì thế khi nghe viên thơ lại nói lên ước nguyện của ngục quan, Huấn Cao cảm động nói: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhân liên tài của các người. Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Như vậy, trong vị thế xã hội, ngục quan và tử tù là đối địch, còn trên lĩnh vực nghệ thuật, họ là tri âm. Huấn Cao trước lúc ra pháp trường đã tri ngộ một kẻ biệt nhỡn liên tài là ngục quan.

Trong cảnh cho chữ có một hình ảnh kì diệu: "ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ". Ánh sáng bó đuốc ấy chính là ánh sáng của thiên lương mà tử tù đang chiếu lên và lay tỉnh ngục quan. Chi tiết ngục quan "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng", chi tiết ngục quan vái tử tù một vái, nước mắt rỉ vào kẽ miệng nghẹn ngào nói: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh" là những chi tiết thú vị. Lúc sở thích nghệ thuật đã mãn nguyện cũng là lúc ánh sáng thiên lương soi tỏ, chiếu rọi tâm hồn. Một cái vái lạy đầy nhân cách, hiếm có.

Có thể, sau khi Huấn Cao bị giải vào Kinh thụ hình thì cũng là lúc ngục quan trả áo mũ "tìm về quê nhà mà ở" để giữ lấy thiên lương "cho lành vững" và thực hiện cái sở thích chơi chữ bấy nay? Nguyễn Tuân đã xây dựng ngục quan bằng nhiều nét vẽ có thần. Ngoại hình thì "đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu". Một con người ưa sống hằng nội tâm: cái đêm hôm trước đón nhận tử tù, ông sống trong trạng thái thanh thản, gương mặt ông ta "là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ". Trong một xã hội phong kiến suy tàn, chốn quan trường đầy rẫy kẻ bất lương vô đạo, nhân vật ngục quan đúng là một con người vang bóng. Nhân vật này đã thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm.

Huấn Cao là một "tên giặc", một nhân vật bi tráng, cao đẹp, mang màu sắc lãng mạn. Lúc đầu Huấn Cao được giới thiệu gián tiếp qua một tiếng đồn: "cái người mà vùng tỉnh ta vẫn khen...", "nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn...", "một tên tù có tiếng…" và "thầy có nghe người ta đồn...". Đó là một con người không phải tầm thường! Ngục quan và viên thơ lại mới "văn kì thanh" mà đã tâm phục Huấn Cao. Họ trầm trồ: "người đứng đầu...", "người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp...", một tử tù lừng lẫy tiếng tăm "văn võ đều có tài cả". Lấy xa để nói gần, lấy bóng làm lộ hình, sử dụng lối tả gián tiếp... đó là bút pháp Nguyễn Tuân vận dụng sáng tạo để giới thiệu nhân vật Huấn Cao, tạo ra sự cuốn hút nghệ thuật kì diệu.

Là một nhà nho dám chọc trời quấy nước. Chí lớn không thành mà vẫn hiên ngang. Chết chém cũng chẳng sợ. Một tinh thần gang thép và bất khuất. Một cái "dỗ gông" trước cửa ngục. Một câu miệt thị ngục quan: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng tới quấy rầy ta". Không phải ai cũng có cái gan dám thách thức cường quyền bạo lực thế đâu!

Huấn Cao coi khinh vàng ngọc. Không vì vàng ngọc, vì quyền uy mà ông "ép mình viết bao giờ". Chữ thì quý thật! Nhất sinh ông mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường tặng ba người bạn thân. Không chỉ đẹp ở nét chữ, mà mỗi chữ, mỗi bức thư họa của Huấn Cao là một bức châm, thể hiện một lí tưởng tung hoành, một hoài bão, một đạo lí cao đẹp. Chữ của Huấn Cao cho thấy cái tài, cái tâm, cái tầm nhìn của kẻ sĩ chân chính mà ta ngưỡng mộ và kính phục.

Với Huấn Cao thì thiên lương là ngọn lửa, là "ánh sáng đỏ rực như ngọn đuốc kia. Nếu ngục quan tâm phục con người nghĩa khí, tài hoa thì Huấn Cao lại nể trọng con người biệt nhỡn liên tài. Suốt đời ông chỉ "cúi đầu vái lạy hoa mai" thế mà khi nghe tên thơ lại nói lên tâm sự của chủ mình muốn "xin chữ", Huấn Cao đã ân hận nói: "Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Cảnh "cho chữ" được miêu tả bằng bút pháp lãng mạn gợi lên một không khí thiêng liêng bi tráng. Phòng giam ẩm ướt bẩn thỉu, hôi hám. Lửa đuốc sáng rực. Tấm lụa trắng. Chậu mực thơm lắm. Ba cái đầu cúi xuống tấm lụa trắng. Huấn Cao hiện ra với vẻ uy nghi, hào hùng, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, Huấn Cao vung bút viết. "những nét chữ vuông vắn rõ ràng" hiện lên rực rỡ trên phiến lụa óng. Tư thế đĩnh đạc ung dung. Mai kia ông đã bước lên đoạn đầu đài, nhưng đêm nay ông vẫn ung dung. Một cử chỉ "đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy". Một lời khuyên: "Ta khuyên thầy quản nên thay đổi chỗ ở đi... thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, rỗi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi".

Với Huấn Cao thì thiên lương là cái gốc của đạo lí, có giữ được thiên lương thì mới biết quý trọng tài năng và cái đẹp ở đời. Ở con người Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động, đến ngôn ngữ, từ nét chữ đến phong thái - đều toát ra một vẻ đẹp vừa phi thường, vừa bình dị, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, bên cạnh cái hùng có cái bi, tính vốn khoảnh mà lại trân trọng kẻ biệt nhỡn liên tài, coi thường vàng bạc quyền uy mà lại đề cao tình bằng hữu, đến chết vẫn nghĩa khí và giữ trọn thiên lương. Nguyễn Tuân đã dàn cảnh, tả người và kể chuyện, sử dụng những ẩn dụ so sánh, những tình tiết đan chéo, càng buộc vào nhau, tạo nên một không gian nghệ thuật cổ kính, bi tráng nâng nhân vật Huấn Cao lên một tầm vóc lịch sử. Văn học lãng mạn thời tiền chiến chỉ có một Huấn Cao đẹp hào hùng như vậy.

Đọc "Chữ người tử tù" ta càng thấm thía điều mà Vũ Ngọc Phan đã nói: "... văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thường thức". Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật,... hầu như không có một chi tiết nào thừa. Ba nhân vật cùng đồng thời xuất hiện. Cảnh cho chữ là cao trào, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Tất cả đều hướng về cái tài, cái đẹp, cái thiên lương. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản, thiên hạ, thiên lương, lương thiện,...) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng.

Quả không sai, Nguyễn Tuân đúng là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội. Hai câu văn: "Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ" và "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh" - đẹp như một bức châm trong các thư họa nghìn xưa lưu lại, cũng là bài học làm người sáng giá!

Nghị luận về tác phẩm truyện Chữ người tử tù bài văn mẫu số 5

Nguyễn Tuân, cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam, được biết đến với phong cách nghệ thuật độc đáo, sự trân trọng cái đẹp và tài năng uyên bác. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông, "Chữ người tử tù" là một truyện ngắn đặc sắc, mang đậm dấu ấn phong cách Nguyễn Tuân, đồng thời thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc.

Truyện ngắn xoay quanh cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Huấn Cao, một tử tù nổi tiếng với tài viết chữ đẹp, và viên quản ngục, một người có tâm hồn yêu cái đẹp nhưng lại bị giam hãm trong môi trường tù ngục đầy tăm tối. Trong bối cảnh xã hội đầy rẫy bất công và tàn ác, cuộc gặp gỡ này như một điểm sáng le lói, khẳng định sức mạnh của cái đẹp và nhân cách cao thượng.

Huấn Cao, dù là một tử tù, nhưng lại là hiện thân của cái đẹp và cái tài. Ông không chỉ có tài viết chữ đẹp mà còn là một người có khí phách hiên ngang, bất khuất trước cường quyền. Viên quản ngục, tuy là người đại diện cho pháp luật, nhưng lại bị chinh phục bởi vẻ đẹp của Huấn Cao, bởi tài năng và nhân cách cao thượng của ông. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người tưởng chừng như đối lập này đã tạo nên một tình huống truyện độc đáo, đầy kịch tính và giàu ý nghĩa.

Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh và giàu chất tạo hình để khắc họa vẻ đẹp của nhân vật và không gian nghệ thuật. Cảnh cho chữ trong nhà ngục được miêu tả tỉ mỉ, sống động, tạo nên một không khí trang nghiêm, thiêng liêng. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng được trau chuốt, thể hiện rõ tính cách và tâm hồn của từng người.

Tác phẩm "Chữ người tử tù" không chỉ là một câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa hai con người, mà còn là một bài ca về cái đẹp, cái tài và nhân cách cao thượng. Nguyễn Tuân đã khẳng định rằng cái đẹp có thể tồn tại ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất và cái đẹp có sức mạnh cảm hóa, thức tỉnh lương tri con người.

Thông qua tác phẩm, Nguyễn Tuân cũng thể hiện quan niệm về cái đẹp của mình: cái đẹp không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách. Cái đẹp chân chính là cái đẹp hài hòa giữa tài và tâm, giữa hình thức và nội dung.

"Chữ người tử tù" là một tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, mang đến cho người đọc những suy ngẫm về cuộc sống, về con người và về những giá trị cao đẹp. Tác phẩm đã vượt qua thử thách của thời gian, trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý của Đọc tài liệu cho bài văn nghị luận về tác phẩm Chữ người tử tù có kèm theo một số bài văn mẫu hay. Ngoài ra, để cải thiện và nâng cao kĩ năng viết văn các em có thể tìm đọc thêm các bài Văn mẫu lớp 11 khác do Đọc tài liệu biên soạn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM